Tuesday, 29 September 2015

THÌ RA, ĐỨC GIÊSU NÓI "CON NGƯỜI KHÔNG CÓ CHỖ TỰA ĐẦU" LÀ VÌ LÝ DO NÀY

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9,57-58).

Đoạn Tin Mừng này nằm trong khoảng thời gian Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem. Đoạn đường mà Đức Giêsu đang dẫn các môn đệ đi là đoạn đường lên Giêrusalem được khởi đầu ở Lc 9,51. Đây là đoạn đường mà “nhất quyết đi, khi đã đến giờ Người được rước lên trời” (Lc 9,51).

Trong bối cảnh ấy thì có kẻ ngỏ ý muốn theo Đức Giêsu. Muốn theo nhưng chắc chắn người ấy không thể hiểu được con đường Đức Giêsu đang nhất quyết đi, bởi lẽ chính các môn đệ còn không hiểu thì làm sao một người xa lạ như người này có thể hiểu. Đức Giêsu không ngần ngại nói cho anh biết Người đang đi một con đường bất trắc, bất ổn hơn cả con chồn, con chim. Một con đường dẫn Người đến chỗ “không có chỗ tựa đầu”.

Dường như Đức Giêsu tạt một gáo nước lạnh vào mặt người muốn theo Người. Dường như Người muốn dập tắt ngọn lửa nhiệt tình vừa nhen nhóm trong con người ấy. Nhưng mà, đúng thế, thực tế là vậy, dẫu thực tế thiếu ngọt ngào nhưng lại quá lắm phủ phàng chua cay đắng đót.

Con đường Đức Giêsu đang đi là con đường thập tự. Rồi Người sẽ quỳ xuống rửa chân cho chính các môn đệ của mình. Nhưng rồi Người cũng bị chính những người môn đệ của mình bán đứng và bỏ rơi. Rồi Người sẽ bước đi trên con đường thập tự một mình, vác lấy thập giá một mình. Và rồi Người sẽ chết treo trên Thập tự giá.

Đúng là không có chỗ tựa đầu ngay khi trút hơi thở cuối cùng, “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Cái không chỗ tựa đầu mà Đức Giêsu muốn nói không chỉ đơn giản là một chiếc gối, một chăn êm, nệm ấm mỗi lúc đêm về, nhưng là một cái chết thê thảm đến nỗi “không có chỗ tựa đầu”.

Thánh Luca  không cho chúng ta thấy lời đáp trả của kẻ đã tỏ bày ý muốn theo Chúa bất cứ nơi đâu nói trên. Không có câu trả lời. Bởi lời quảng cáo của Đức Giêsu là quá sức “phản cảm”, khó có ai chấp nhận được.

Tiếp theo sau đó Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu quay sang chủ động mời gọi hai con người khác và Người đã được đáp lại bằng hai lời từ chối khéo. Một người thì nói rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã" (Lc 9,59). Đó là một lời xin mang tính trì hoãn, thoái thác, và từ chối khéo. Có lẽ lời quảng cáo của Đức Giêsu đã làm cho người này hoảng sợ.

Dĩ nhiên, Đức Giêsu không phải mời gọi anh này trong lúc tang gia bối rối. Không phải cha của anh vừa chết và chưa kịp chôn cất. Lời cầu xin của anh có nghĩa là anh phải phụng dưỡng cha mẹ cho đến khi họ qua đời thì lúc đó may ra anh mới tính đến chuyện theo Đức Giêsu. Người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã” (Lc 9,61). Đây cũng là một lời từ chối khéo không hơn không kém. Bởi lẽ, chẳng lẽ Đức Giêsu lại gấp gáp đến độ không cho anh nói lời từ giả với gia đình, bà con thân thuộc? Ông Lêvi (Máthêu) khi được Đức Giêsu mời gọi cũng đã tổ chức tiệc tùng tại nhà để đãi Đức Giêsu để chia tay gia đình bạn bè đồng nghiệp trước khi lên đường (Lc 5,29). Trong thời Cựu Ước, khi Ngôn sứ Êlisa được ngôn sứ Êlia kêu gọi, Ông đã về “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông” (1V 19,21). Như vậy, đó không phải chỉ là lời từ giả gia đình một cách đơn thuần, nhưng là một lời từ chối khéo vì vướng bận, và quyến luyến với gia đình.

Câu nói của Đức Giêsu: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62) đã bộc lộ một sự bất xứng nơi người này. Và sau đó Người cũng đã từng nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26; Mt 10,37).

Thực tế, con đường thập giá của Người là con đường không người thân, không bạn bè thân thích, không một luật sĩ chính nghĩa nào bênh vực bảo hộ cho một người bị kết án oan như Người. Các môn đệ người thì bán, kẻ thì chối, những người còn lại thì bỏ trốn hết. Người bị chính những người đồng hương của mình lên án tử. Họ kinh tởm Người còn hơn là một tên cướp nổi danh tên là Baraba.

“Đường dài mới biết ngựa hay”, lời mời gọi của Đức Giêsu lúc đầu không thể lọt tai người ta được, nhưng đến cuối cùng, sau khi Người Phục Sinh, lại có những con người sẵn sàng bước đi con đường thập giá, sẵn sàng sống chết với Người và vì Người. Đó là Phêrô và các tông đồ, cũng như biết bao nhiêu vị thánh, đặc biệt là các thánh tử đạo trong dòng lịch sử Giáo Hội.

Lời mời gọi từ bỏ của Đức Giêsu không phải từ bỏ để đánh mất, nhưng là từ bỏ để lấy lại nhiều hơn. Từ bỏ gia đình huyết tộc để mở rộng ranh giới gia đình ra với tất cả mọi người. Giống như Người đã hứa: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30).

Chúa Giêsu hy sinh mạng sống mình đến mức không có chỗ gối đầu như thế vì yêu nhân loại, nhưng rồi Người cũng hướng đến việc lấy lại thân xác vinh quang cao cả hơn: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10,17). Nếu như sự hy sinh mà Đức Giêsu mời gọi không mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, vị nhân, và không mang lại một lợi ích gấp bội thì chắc chẳng ai dám theo Người.

 Sự hy sinh mà Đức Giêsu mời gọi là một sự hy sinh mang tính nhân văn cao cả, hy sinh thân mình vì người khác, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn hạnh phúc hơn, và nhất là giúp con người đạt tới vinh quang Nước Trời mai sau nữa.

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment