Friday 25 June 2021

“TALITHA KUM: NÀY BÉ, HÃY TRỖI DẬY”. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XIII TN B (Mc 5,21-43)

 Bản văn Mc 5,21-43

Hy Lạp

Việt

21  Καὶ διαπεράσαντος τοῦ Ἰησοῦ [ἐν τῷ πλοίῳ] πάλιν εἰς τὸ πέραν συνήχθη ὄχλος πολὺς ἐπ᾽ αὐτόν, καὶ ἦν παρὰ τὴν θάλασσαν.

 22  Καὶ ἔρχεται εἷς τῶν ἀρχισυναγώγων, ὀνόματι Ἰάϊρος, καὶ ἰδὼν αὐτὸν πίπτει πρὸς τοὺς πόδας αὐτοῦ

 23  καὶ παρακαλεῖ αὐτὸν πολλὰ λέγων ὅτι τὸ θυγάτριόν μου ἐσχάτως ἔχει, ἵνα ἐλθὼν ἐπιθῇς τὰς χεῖρας αὐτῇ ἵνα σωθῇ καὶ ζήσῃ.

 24  καὶ ἀπῆλθεν μετ᾽ αὐτοῦ. καὶ ἠκολούθει αὐτῷ ὄχλος πολὺς καὶ συνέθλιβον αὐτόν.

 25  Καὶ γυνὴ οὖσα ἐν ῥύσει αἵματος δώδεκα ἔτη

 26  καὶ πολλὰ παθοῦσα ὑπὸ πολλῶν ἰατρῶν καὶ δαπανήσασα τὰ παρ᾽ αὐτῆς πάντα καὶ μηδὲν ὠφεληθεῖσα ἀλλὰ μᾶλλον εἰς τὸ χεῖρον ἐλθοῦσα,

 27  ἀκούσασα περὶ τοῦ Ἰησοῦ, ἐλθοῦσα ἐν τῷ ὄχλῳ ὄπισθεν ἥψατο τοῦ ἱματίου αὐτοῦ·

 28  ἔλεγεν γὰρ ὅτι ἐὰν ἅψωμαι κἂν τῶν ἱματίων αὐτοῦ σωθήσομαι.

 29  καὶ εὐθὺς ἐξηράνθη ἡ πηγὴ τοῦ αἵματος αὐτῆς καὶ ἔγνω τῷ σώματι ὅτι ἴαται ἀπὸ τῆς μάστιγος.

 30  καὶ εὐθὺς ὁ Ἰησοῦς ἐπιγνοὺς ἐν ἑαυτῷ τὴν ἐξ αὐτοῦ δύναμιν ἐξελθοῦσαν ἐπιστραφεὶς ἐν τῷ ὄχλῳ ἔλεγεν· τίς μου ἥψατο τῶν ἱματίων;

 31  καὶ ἔλεγον αὐτῷ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ· βλέπεις τὸν ὄχλον συνθλίβοντά σε καὶ λέγεις· τίς μου ἥψατο;

 32  καὶ περιεβλέπετο ἰδεῖν τὴν τοῦτο ποιήσασαν.

 33  ἡ δὲ γυνὴ φοβηθεῖσα καὶ τρέμουσα, εἰδυῖα ὃ γέγονεν αὐτῇ, ἦλθεν καὶ προσέπεσεν αὐτῷ καὶ εἶπεν αὐτῷ πᾶσαν τὴν ἀλήθειαν.

 34  ὁ δὲ εἶπεν αὐτῇ· θυγάτηρ, ἡ πίστις σου σέσωκέν σε· ὕπαγε εἰς εἰρήνην καὶ ἴσθι ὑγιὴς ἀπὸ τῆς μάστιγός σου.

 35  Ἔτι αὐτοῦ λαλοῦντος ἔρχονται ἀπὸ τοῦ ἀρχισυναγώγου λέγοντες ὅτι ἡ θυγάτηρ σου ἀπέθανεν· τί ἔτι σκύλλεις τὸν διδάσκαλον;

 36  ὁ δὲ Ἰησοῦς παρακούσας τὸν λόγον λαλούμενον λέγει τῷ ἀρχισυναγώγῳ· μὴ φοβοῦ, μόνον πίστευε.

 37  καὶ οὐκ ἀφῆκεν οὐδένα μετ᾽ αὐτοῦ συνακολουθῆσαι εἰ μὴ τὸν Πέτρον καὶ Ἰάκωβον καὶ Ἰωάννην τὸν ἀδελφὸν Ἰακώβου.

 38  καὶ ἔρχονται εἰς τὸν οἶκον τοῦ ἀρχισυναγώγου, καὶ θεωρεῖ θόρυβον καὶ κλαίοντας καὶ ἀλαλάζοντας πολλά,

 39  καὶ εἰσελθὼν λέγει αὐτοῖς· τί θορυβεῖσθε καὶ κλαίετε; τὸ παιδίον οὐκ ἀπέθανεν ἀλλὰ καθεύδει.

 40  καὶ κατεγέλων αὐτοῦ. αὐτὸς δὲ ἐκβαλὼν πάντας παραλαμβάνει τὸν πατέρα τοῦ παιδίου καὶ τὴν μητέρα καὶ τοὺς μετ᾽ αὐτοῦ καὶ εἰσπορεύεται ὅπου ἦν τὸ παιδίον.

 41  καὶ κρατήσας τῆς χειρὸς τοῦ παιδίου λέγει αὐτῇ· ταλιθα κουμ, ὅ ἐστιν μεθερμηνευόμενον· τὸ κοράσιον, σοὶ λέγω, ἔγειρε.

 42  καὶ εὐθὺς ἀνέστη τὸ κοράσιον καὶ περιεπάτει· ἦν γὰρ ἐτῶν δώδεκα. καὶ ἐξέστησαν [εὐθὺς] ἐκστάσει μεγάλῃ.

 43  καὶ διεστείλατο αὐτοῖς πολλὰ ἵνα μηδεὶς γνοῖ τοῦτο, καὶ εἶπεν δοθῆναι αὐτῇ φαγεῖν.

 (Mk. 5:21-43 BGT)

21 và sau khi Đức Giê-su hải trình trở lại [trên thuyền] vào phía bên kia, một đám đông lớn được tập trung lại với Người, và Người đang ở dọc bờ biển

22 rồi, khi một trong những người trưởng hội đường, tên là Giai-i-ros, đến và thấy (gặp) Đức Giê-su, ông liền sụp xuống dưới chân Người

23 và ông kêu cầu Người rất nhiều, nói rằng, đứa con gái nhỏ của tôi đang thập tử nhất sinh [nghĩa đen: đang có sự cuối cùng], để mà khi đến Người đặt tay trên nó để mà nó được cứu và được sống.

24 và Người đi với ông ta và đám đông lớn đi theo Người và chen lấn bao quanh Người.

25 Rồi, một người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm.

26 bà đã đau khổ rất nhiều vì nhiều thầy thuốc và đã tiêu xài tất cả những gì của bà mà không lợi ích gì nhưng còn trở nên tệ hơn

27 khi nghe nói về Đức Giê-su, sau khi bà đến trong đám đông, phía sau, bà đã chạm vào áo choàng của Người.

28 vì bà nói rằng nếu tôi chỉ cần chạm vào áo choàng của Người thì tôi sẽ được cứu.

29 ngay lập tức dòng máu của bà ấy dừng lại và bà ta nhận biết qua cơ thể rằng bà đã được chữa khỏi đau khổ.

30 và lập tức Đức Giê-su nhận biết trong mình một năng lực của Người đã đi ra, sau khi quay lại quanh đám đông, Người nói: ‘ai đã chạm vào áo choàng của tôi?’

31 và các môn đệ nói cùng Người: hãy nhìn xem, đám đông chen lấn Thầy mà Thầy nói: ‘ai đã chạm vào tôi?’

32 Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm người đã làm việc ấy.

33 Người phụ nữ đang hoảng sợ và run rẩy, bà biết điều đã xảy ra cho mình, bà đến và sụp lạy Người và nói cùng Người tất cả sự thật.

34 Rồi Người nói cùng bà: ‘con gái, đức tin của con đã cứu chữa con, hãy đi bình an và hãy được chữa khỏi hoàn toàn đau khổ của con.’

35 khi Người còn đang nói thì, một người đến từ [nhà] ông trưởng hội đường nói rằng ‘con gái của ông đã chết rồi, tại sao làm phiền người Thầy nữa?’

36 Nhưng sau khi Đức Giê-su nghe lời ấy liền nói cùng ông trưởng hội đường: ‘đừng sợ, hãy tin là đủ.’

37 rồi Người không mang ai đi theo với Người ngoại trừ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan em ông Gia-cô-bê

38 và Người đi vào nhà của ông trưởng hội đường, và Người thấy ồn ào và người ta đang khóc và la rất nhiều.

39 sau khi đi vào Người nói với họ: ‘tại sao lại buồn sầu và khóc la? đứa bé không chết đâu nhưng nó ngủ thôi’

40 người ta cứ cười Người. Sau khi đuổi tất cả ra ngoài, Người mang theo cha, mẹ đứa trẻ và những người với Người, đi vào nơi đứa bé đang ở.

41 và sau khi cầm lấy ta của bé gái Người nói cùng cháu: “ta-li-tha cum”, nghĩa là “này bé, tôi nói cùng người, hãy chỗi dậy”

42 và ngay lập tức bé gái đứng dậy và cứ bước đi, bởi vì nó đã 12 tuổi và lập tức người ta kinh ngạc một sự ngạc nhiên lớn.

43 và Người ra lệnh cho họ một cách nghiêm túc để không ai có thể biết sự việc này, rồi Người bảo cho nó ăn.


Bối cảnh bản văn

    Bản văn Mc 1,21-43 nằm trong trình thuật về loạt phép lạ diễn tả quyền năng của Đức Giê-su (Mc 4,35 – 5,43). Loạt phép là này bao gồm “dẹp yên gió và biển động” (Mc 4,35-41); trừ quỷ ở vùng Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20); chữa lành một phụ nữ bị băng huyết và phục sinh con gái ông Giai-i-rô (Mc 4,21-43). Không gian của những phép lạ này là xung quanh hồ Ga-li-lê. Phép lạ trừ quỷ ở Ghê-ra-sa diễn ra phía bên kia Biển Hồ, phía đông hồ Ga-li-lê, trên vùng đất của dân ngoại. Hai phép lạ chữa lành người phụ nữ bị băng huyết và phục sinh con gái ông Giaia diễn ra bên này Biển Hồ Ga-li-lê, nơi vùng đất Do Thái. Phép lạ dẹp yên cuồng phong và biển động diễn ra trên Biển Hồ. Chủ đề “đức tin trong đoạn Tin Mừng này nối hai phép lạ với nhau: Niềm tin của ông Giai-i-rô và niềm tin của người phụ nữ. Niềm tin này cũng ngược lại với sự thiếu niềm tin của các môn đệ trong trình thuật dẹp yên biển động trước đó và sự thiếu niềm tin của dân làng Na-gia-rét trong trình thuật Đức Giê-su thăm Na-gia-rét sau đó (Mc 6,1-6). Sự xác nhận của Đức Giê-su về niềm tin của người phụ nữ nối kết với hai phép lạ khác: (i) Phép lạ chữa mười người phong hủi, trong đó, Đức Giê-su cũng tuyên bố: “đứng dậy về đi, niềm tin của anh đã cứu anh (Lc 17,19); (ii) Phép lạ chữa người mù Giê-ri-khô, trong đó Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi niềm tin của anh đã cứu chữa anh” (Mc 11,52; Lc 18,42). Chủ đề về quyền năng của Đức Giê-su là chủ đề chung cho loạt những phép lạ này. Con số 12 là con số đặc biệt nối kết hai phép lạ với nhau (Người phụ nữ đau khổ 12 năm và cô gái 12 tuổi). Ngoài ra, còn nối kết với nhiều đoạn khác trong Tân Ước và Cựu Ước. Chủ đề phục sinh sự sống chính là chủ đề quan trọng bậc nhất trong toàn bộ Các Sách Tin Mừng. Nó nối kết chặt chẽ với câu chuyện phục sinh con trai bà góa thành Nain (Lc 7,11-17); câu chuyện Đức Giê-su phục sinh cho La-da-rô, người đã chết và được chôn bốn ngày (Ga 11,17-44); và đặc bit nhắc nhớ đến sự phục sinh của Đức Ki-tô. Chủ đề bí mật Mê-si-a: “Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết chuyện ấy” (Mc 5,43) là một chủ đề mang tên “bí mật Mê-si-a” là chủ để mang nhãn hiệu Mác-cô. Kỹ thuật văn chương “bánh mì kẹp thịt” (một câu chuyện được lồng vào giữa một câu chuyện khác) cũng mang đậm nét đặc trưng của Mác-cô. Câu chuyện chữa lành người phụ nữ bị băng huyết được lồng vào trong câu chuyện phục sinh đứa bé gái, con của ông Giai-i-rô. Câu chuyện các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem cho rằng Đức Giê-su dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22-30) được lồng vào giữa câu chuyện thân nhân Đức Giê-su đi tìm Đức Giê-su vì cho rằng Người mất trí (Mc 3,20-21.31-35) [3,20-21(22-30)31-35]. Phép lạ chữa lành người phụ nữ bị băng huyết (5,25-34) nằm giữa phép lạ chữa lành con gái ông trưởng hội đường (5,21-24.35-43) [5,21-24 (25-34)35-43]. Câu chuyện Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng (6,6b-13) và các môn đệ trở về (6,30-31) đóng khung câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu (Ma 6,14-29) [6:7-13(14-29)30-31]. Câu chuyện Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ (Mc 11,15-19) nằm giữa câu chuyện Đức Giê-su nguyền rủa cây vả không trái (Mc 11,12-14), và hiệu quả là cây vả chết khô (Mc 6,20-25) [11:12-14(15-19)20-25]. Câu chuyện nộp Đức Giê-su (14,1-2.10-11) đóng khung câu chuyện xức dầu tại Bê-ta-ni-a (14, 15-19) [14:1-2(3-9)10-11]. Những câu chuyện được lồng vào nhau này có tác dụng làm sáng ý và giải thích cho nhau. Những điểm tương tự giữa hai câu chuyện này: cả hai đều cầu xin được cứu chữa (5,23.28.34); cả hai người đều sụp lạy Đức Giê-su (5,22.33); cả hai bệnh nhân đều được gọi là “Con gái” (5,23.34.35); Người phụ nữ bệnh 12 năm, cô bé 12 tuổi (5,25.42); cả hai bệnh nhân đều ô uế: Bệnh băng huyết là ô uế, xác chết của bé gáu cũng ô uế; sự sợ hãi được đề cập trong cả hai câu chuyện (5,33.36) và đức tin cũng được nhấn mạnh trong hai câu chuyện (5,34.36).[1]

Cấu trúc bản văn:

Cấu trúc toàn bản văn có đặc tính đan xen nhau có thể biểu thị như sau A-B-A. Trong đó hai phần A là câu chuyện phục sinh con gái ông Giai-i-a và B là câu chuyện chữa lành người phụ nữ bị băng huyết. Vì là hai câu chuyện riêng biệt nên mỗi câu chuyện cũng cũng có một cấu trúc chi tiết riêng. Câu chuyện A, ngoài phần dẫn nhập, có đến 4 cặp tiểu thành phần song song với nhau và đan xen nhau giữa hy vọng và tuyệt vọng. Đáng chú ý là câu chuyện này được khởi đầu bằng cặp tiểu thành phần đều mang chiều kích hy vọng và kết thúc cũng là cặp tiểu phần có tính hy vọng. Ở giữa là hai cặp tiểu phần đan xen nhau giữa thất vọng và hy vọng. Câu chuyện B gồm có 3 tiểu phần chính yếu song song và quy tâm. Tiểu phần trung tâm (b) là phản ứng của Đức Giê-su: Người nhận thấy một năng lực phát ra từ mình và tìm kiếm người đã “chạm vào áo choàng” của Người. Tiểu phần (a) Hành động táo bạo của người phụ nữ, phát xuất từ niềm tin (a1), và dẫn đến hiệu quả của niềm tin ấy (được khỏi bệnh) // (a’) Tự thú của người phụ nữ, kéo theo sự chứng nhận về niềm tin từ Đức Giê-su (a’1) và lời công bố khỏi bệnh hoàn toàn (a’2). Ngoài ra còn có một số tiểu phần để mô tả nhóm chứng nhân: 3 môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và cha mẹ đứa bé.

Bối cảnh: Nhân vật, thời gian và nơi chốn: Đức Giê-su, các môn đệ, đám đông lớn, ông trưởng hội đường; dọc bờ biển hồ (5,21-22)

(A) Biểu hiện hy vọng: Khẩn cầu cho con gái được cứu và sống (5,23)

(A’) Đáp lại niềm hỵ vọng: Đức Giê-su đi với ông ta (5,24)

    Bối cảnh: nhân vật: người phụ nữ băng huyết đau đớn suốt 12 năm (5,25-26)

    (a) Hành động của người phụ nữ: Chạm vào áo choàng của Người (5,27)

             (a1) Niềm tin của bà: Chạm vào áo choàng thì sẽ được cứu (5,28)

             (a2) Hiệu quả của niềm tin: Khỏi bệnh ngay lập tức (5,29)

                (b) Phản ứng của Đức Giê-su:  Một năng lực đi ra từ người (5,30)

                  (b1) Câu hỏi của Đức Giê-su: “ai đã chạm vào áo choàng của tôi?”

                  (b2) Đáp trả của các môn đệ: Không thể biết ai đã chạm vào Người (5,31)

                  (b3) Đức Giê-su dò xét: Nhìn quanh để tìm người đã làm việc ấy (5,32)

    (a’) Tự thú của người phụ nữ: Nói cùng Người tất cà sự thật (5,33)

            (a’1) Chứng nhận niềm tin: Đức tin của con đã cứu chữa con (5,34)

            (a’2) Chứng nhận chữa lành: Con hãy đi và hãy được chữa khỏi đau khổ (5,34b)

(B) Biểu hiện tuyệt vọng: ‘con gái của ông đã chết rồi’ (5,35)

(B’) Khơi dậy niềm tin: ‘đừng sợ, hãy tin là đủ.’ (5,36)

          Nhóm bộ ba: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan em ông Gia-cô-bê (5,37)

(C) Biểu hiện tuyệt vọng: “người ta đang khóc và la rất nhiều” (5,38)

      (D) Khơi niềm hy vọng: Đứa bé không chết đâu nhưng nó ngủ thôi’ (5,39)

(C’) Biểu hiện tuyệt vọng: “người ta cứ cười Đức Giê-su” (5,40a)

          Nhóm bộ ba và cha mẹ đứa bé (5,40b)

(D) Hiện thực hóa niềm hy vọng: Cầm tay và nói “ta-li-tha cum” (5,41)

(D’) Hiệu quả của niềm hy vọng: Ngay lập tức bé gái đứng dậy cứ bước đi (5,42a)

         Phản ứng của cha mẹ đứa bé và các môn đệ: Kinh ngạc một sự ngạc nhiên lớn (5,42b)

         Lệnh giữ bí mật: Không ai có thể biết sự việc này (5,43)

Một số điểm chú giải

1.     Hải trình trở lại phía bên kia: Độc giả hẳn còn nhớ trong hai trình thuật trước, (i) Trình thuật về việc Đức Giê-su làm lặng gió và sóng biển; (ii) Trình thuật trừ quỷ trên đất Ghê-ra-sa, Đức Giê-su và các môn đệ cũng đi qua “phía bên kia” (τὸ πέραν: Mc 4,35; 5,1). Trong trình thuật này, độc giả lại nghe Đức Giê-su lại hải trình, băng qua biển để trở lại “phía bên kia”. Từ ngữ Hy Lạp Mác-cô sử dụng chỉ là một (τὸ πέραν). Nếu chúng ta diễn tả theo Tiếng Việt thì có vẻ nó dễ hiểu hơn. Nghĩa là, tuy từ vựng là cùng một từ nhưng trong Tiếng Việt có thể nói là: hai trình thuật trước Đức Giê-su băng qua phía “bên kia” Biển Hồ để vào vùng đất của dân ngoại Ghê-ra-sa, còn trong trình thuật này, Đức Giê-su lại trở về “bên này” của Biển Hồ, vùng đất của người Do Thái. Phần giới thiệu bối cảnh, cho biết về không gian này là khá quan trọng vì nó cho độc giả biết Đức Giê-su trở lại vùng đất của người Do Thái. Lần này, Đức Giê-su cũng đi lại y chang hải trình mà Người và các môn đệ đã trải qua trong trình thuật Đức Giê-su dep yên biển động, thế nhưng tác giả không còn giới thiệu bối cảnh thời gian là “màn đêm buông xuống nữa”, bởi nó không cần thiết cho trình thuật này.

2.     Đám rất đông người chen lấn (Hy Lạp: Đám đông lớn): Phần giới thiệu đám đông lớn chen lấn nhau cũng đáng chú ý vì sau đó sẽ là cảnh người phụ nữ len lỏi vào giữa đám đông này để chạm vào áo choàng của Đức Giê-su một cách âm thầm. Nó cũng chuẩn bị cho câu trả lời của các môn đệ: “Đám đông chen lấn vậy mà thầy lại hỏi ai đã chạm vào áo choàng của Thầy hay sao?”. Câu trả lời theo kiểu hỏi lại của các môn đệ ngụ ý rằng câu hỏi của Đức Giê-su quả là ngớ ngẩn. Từ ngữ “đám đông” xuất hiện ba lần trong trình thuật này (5,21.24.31).  Có hai lần danh từ đám đông được kèm theo tính từ “nhiều, đông, lớn” (πολὺς). Lần đầu tiên đám đông tụ tập quanh Đức Giê-su (5,21). Lần thứ hai, họ “đi theo” và “chen lấn” Đức Giê-su (5,24). Lần cuối cùng, các môn đệ diễn tả “đám đông lớn” này chen lấn Đức Giê-su (5,31). Nó dường như có vai trò bảo đảm an toàn cho hành động kín đáo của người phụ nữ và sự tìm kiếm của Đức Giê-su dường như vô vọng, nếu người phụ nữ không thú nhận.

3.     “thấy…sụp lạy…khẩn cầu”: Danh phận của người đàn ông được tác giả khéo léo nhắc đến đầy ngụ ý: ông ta là một trong những “người trưởng Hội Đường”, tên là Giai-i-rô (εἷς τῶν ἀρχισυναγώγων). Chi tiết này hợp với chi tiết trong phần giới thiệu bối cảnh: Đức Giê-su trở lại “bên này” của hồ Ga-li-lê, tức là vùng đất của người Do Thái. Ông trưởng hội đường này dĩ nhiên là người Do Thái. Danh phận của ông cũng không phải tầm thường, ông là người đứng đầu một hội đường Do Thái. Danh xưng này chỉ được nhắc đến câu chuyện này và được dùng tới 4 lần (5,22.35.36.38). Mặc dù đã giới thiệu tên gọi của ông là Giai-i-rô nhưng Mác-cô cố ý gọi ông là “ông trưởng hội đường” đến 4 lần dường như là để nhấn mạnh vị thế của ông trước độc giả và Đức Giê-su. Với vị thế ấy, rõ ràng không cần ông phải sụp lạy Đức Giê-su, trước bàn dân thiên hạ để khẩn cầu cho đứa con của mình. Hình ảnh sụp lạy của ông vừa cho thấy sự khiêm nhường, tình thương dành cho đứa con gái và lòng tín thác tuyệt đối vào Đức Giê-su. Ông tin rằng nếu Đức Giê-su đặt tay lên đứa bé thì nó sẽ được chữa lành và được sống. Chữa lành bằng cách đặt tay là một trong những cách Đức Giê-su thường dùng: “Người đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6,5); Người “cầm tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh mù và hỏi: ‘anh có thấy gì không?’” (Mc 8,23); “rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn, anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8,25); Các môn đệ cũng có thể “đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,18). Ông trưởng hội đường có lẽ quen với cách thức chữa bệnh của Đức Giê-su nên mới cầu xin Đức Giê-su đến đặt tay. Lời khẩn cầu của ông rất khẩn thiết. Trong tiếng Hy Lạp: “Ông cầu xin rất nhiều”. Tính từ “nhiều” (πολλὰ) đi kèm theo động từ “cầu xin” cho thấy mức độ khẩn thiết trong lời cầu nguyện của ông.

4.     “thập tử nhất sinh”: Trong tiếng Hy Lạp là “con gái tôi đang có sự cuối cùng”. Trong tiếng Việt có thể hiểu rằng “đang hấp hối” hoặc là “đang cận kề sự chết”. Tình trạng của bé gái quả là nguy hiểm. Ông chỉ còn biết trông cậy vào sự đặt tay của Đức Giê-su mà thôi.

5.     “Được cứu thoát và được sống”: Ông Giai-i-rô không dùng động từ chữa lành nhưng lại dùng động từ “cứu thoát”. Trong bối cảnh này, động từ này có thể diễn tả sự cứu thoát khỏi bệnh, “cứu mạng sống” (Ngày Sa-bát được cứu mạng sống hay giết chết: Mc 3,4). Tuy nhiên, động từ này còn có một nghĩa khác liên quan đến mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Đó là mầu nhiệm cứu độ. Đức Giê-su được sứ thần loan báo như là Đấng Cứu Độ (σωτὴρ) (Lc 2,11). Danh từ Đấng Cứu Độ có cùng gốc với động từ “cứu thoát” (σωθῇ: 5:23). Đức Giê-su đã công bố rằng: “vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, sẽ được cứu độ” (Mc 13,13; Mt 24,13). Thánh Phao-lô cũng xác tín rằng: “Tất cả những ai kêu cầu Chúa Ki-tô sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13); Sứ thần chỉ thị cho Giu-se phải đặt tên hài nhi là Giê-su vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Gioan cũng xác tín rằng Thiên Chúa sai con mình xuống thế gian không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian được cứu nhờ Người” (Ga 3,17). Như vậy, Động từ “cứu” trong thần học Tân Ước, theo chiều kích ki-tô học, không chỉ đơn thuần là cứu thoát khỏi chết về thể lý, nhưng còn là một sự cứu độ về mặt linh hồn nữa, như chúng ta sẽ thấy sau nơi lời nói chữa lành của Đức Giê-su.

6.     “mười hai năm… mười hai tuổi”: Con số 12 quả là một con số đặc biệt trong Tân Ước. Chắc chắn rằng Mác-cô không vô tình cho biết người đàn bà đã đau khổ suốt 12 năm và bé gái được 12 tuổi. Con số 12 rõ ràng nối kết hai câu chuyện: Một người đau khổ vì bệnh băng huyết suốt 12 năm và một người “đã gần như chết” vào lúc 12 tuổi. Cuối cùng, cơn bệnh 12 năm chấm dứt và cái chết lúc tuổi 12 cũng được cứu. Con số 12 nhắc nhớ đến 12 người con của Gia-cóp, dẫn đầu 12 chi tộc Ít-ra-el nghĩa là con số biểu thị cho toàn bộ dân Ít-ra-el. Dân Ít-ra-el cũng là dân tộc đại diện mọi dân tộc toàn thế giới. Đó là dân tộc mà nhờ đó toàn bộ nhân loại sẽ được chúc phúc như Chúa đã hứa cùng tổ phụ Áp-ra-ham: “Nhờ ngươi mà tất các gia đình trên toàn trái đất sẽ được chúc lành” (St 12,17; 18,18). Thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời có mười hai cửa do 12 thiên thần canh giữ và trên các cửa có ghi tên 12 chi tộc của Ít-ra-el. Tường thành xây trên 12 nền móng, trên đó có tên 12 Tông đồ của Con Chiên (Kh 21,12-14). Người Phụ Nữ trong sách Khải Huyền (tượng trư cho Đức Maria và Giáo Hội), “đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” (Kh 12,1). Hơn nữa, con số 12 cũng là con số 12 Tông Đồ, 12 trụ cột của Giáo Hội. Chính vì thế, đây cũng là con số tượng trưng cho Giáo Hội là thân thể của Đức Ki-tô. Độc giả cũng không nên quên rằng Đức Giê-su xuất hiện công khai trong đền thờ với những câu hỏi và lời đối đáp một cách thông minh lúc Người lên 12 tuổi (Lc 2,42.49). 12 cũng là số giờ của ban ngày, số giờ mà theo Đức Giê-su, ai đi “ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình” (Ga 11,9-10). Đức Giê-su là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,5). Ai đi trong khoảng 12 giờ của ban ngày là đi trong ánh sáng của Đức Ki-tô, ánh sáng giải thoát họ khỏi tối tăm lầm lạc ủa tội lỗi và sự chết. 12 giờ trưa (giờ thứ sáu) cũng là giờ “bóng tối bao phủ khắp mặt đất” vì là giờ Đức Giê-su, ánh sáng thế gian đang hấp hối trên thập giá (Mc 15, 33; Mt 20,5; Lc 23,44). Con số quả là con số biểu tượng rất sống động. Nó nối kết từ Cựu Ước đến Tân Ước; từ Ít-ra-el đến Giáo Hội và đến toàn thế giới. Nó nối kết giữa Đức Ki-tô là đầu với chi thể Giáo hội, là hiền thê của Chúa.

7.     “đau khổ vì thầy thuốc…tiêu xài hết của cải… không thuyên giảm…tệ hơn trước”: Sự đau khổ của bà được Mác-cô mô tả bằng một tiến trình hết sức sống động. Thời gian kéo dài là 12 năm. Bà không chỉ đau khổ, kiệt quệ vì bệnh tật nhưng nhất là vì các thầy thuốc. Bản dịch Việt Ngữ là: “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc” (CGKPV); “và đã khổ nhiều với thầy thuốc” (NTT); Anh ngữ: “đau khổ rất nhiều dưới tác động của các thầy thuốc” (suffered much under many physicians: ESV); Ý ngữ: “đau khổ rất nhiều vì hoạt động của nhiều thầy thuốc” (aveva molto sofferto per opera di molti medici: CEI); Pháp ngữ: tương tự như Ý ngữ (elle avait beaucoup souffert du fait de nombreux Médecins: TOB); Tây Ban Nha ngữ: “Đau khổ rất nhiều vì nhiều bác sĩ” (había sufrido mucho por causa de muchos medicos: CAB). Các bản dịch nước ngoài xem ra bám sát bản văn hơn các bản Việt Ngữ. Trong tiếng Hy Lạp, ngữ giới từ “ὑπὸ πολλῶν ἰατρῶν” diễn tả rằng nhiều thầy thuốc chính là tác nhân cho sự đau khổ của người phụ nữ này. Giới từ “ὑπὸ” + danh từ ở thuộc cách nhiều lần được dùng để chỉ tác nhân (chiếc thuyền đầy nước vì sóng biển: Mt 8,24; “Con Người sẽ bị đau khổ họ”: Mt 17,12).  Mác-cô có lẽ muốn lên án cách ý nhị hệ thống lang băm vào thời của ông. Dẫu rằng ngành y có câu nỗi tiếng: “lương y như từ mẫu”, và các sinh viên ngành y luôn được giáo dục là lấy y đức làm đầu, các bệnh viện xưa thường được gọi là “nhà thương”, nhưng ở thời đại nào cũng có những lang băm, những kẻ trục lợi, làm giàu trên bệnh nhân, hơn là chữa bệnh. Mác-cô còn nhấn mạnh hơn là bà ta tiêu xài tất cả những gì bà có (δαπανήσασα τὰ παρ᾽ αὐτῆς πάντα) (nghĩa đen: tiêu xài tất cả những gì từ chính bà ấy). Tính từ “tất cả” (πάντα) cho thấy rằng bà ta không còn gì nữa. Tất cả đã những gì bà có đều rơi vào túi các thầy thuốc. Trớ trêu thay, bệnh tình không những không khá hơn mà còn tệ hơn trước. Đức Giê-su là giải đáp duy nhất và cuối cùng cho nỗi thống khổ của bà. Động từ “đau khổ” (pas-kho)[2] cũng chính là động từ được dùng để diễn tả cuộc thương khó của Đức Giê-su (Mt 17,12; “Con người sẽ đau khổ nhiều”: Mc 8,31; Mt 16,21; Lc 9,22). Mác-cô dường như muốn nối kết đau khổ của người phụ nữ này với mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giê-su. Cả hai đều là nạn nhân của những người đồng hương Do Thái.

8.     “sờ vào áo choàng…được cứu”: Mác-cô dùng cách nói khá lạ lùng để giải thích hành động len lỏi vào đám đông đang chen lấn Đức Giê-su, chạm vào áo choàng của Người từ phía sau. “Chạm vào phía sau” có thể là vì bà ta mặc cảm về bệnh tật của mình. Nó cũng có thể là vì bà sợ sẽ làm cho Đức Giê-su ra ô uế vì cơn bệnh của bà. Sách Lê-vi nói đến một người đàn bà bị rong huyết trong vòng nhiều ngày, ngoài thời kỳ kinh nguyệt thì sự ô uế kéo dài suốt thời gian bị rong huyết: nó sẽ ra ô uế như thời gian có kinh (Lv 15,25). Theo người thuật chuyện, sở dĩ bà ta làm như thế vì “bà nói rằng: ‘nếu tôi chỉ cần chạm vào áo choàng của Người thì tôi sẽ được cứu’ (5,28). Bà đã nói với ai? nếu nói với chính bà thì phải có đại từ phản thân, nhưng ở đây không có. Động từ "nói" lại không có túc từ đi kèm. Có thể hiểu là bà ta nghĩ như thế (theo cách hiểu của nhóm CGKPV: “vì bà tự nhủ”). Tuy nhiên, rõ ràng không có dấu hiệu để cho thấy bà “nói với chính mình”. Động từ “nói” được dùng ở thì “chưa hoàn thành” (imperfect), diễn tả một hành động kéo dài. Nghĩa là bà ta “cứ nói như thế”. Túc từ của hành động này, nghĩa là người nghe bà nói, có thể là bất cứ ai. Có thể là bà đã nói nhiều lần với nhiều người. Đó là niềm xác tín công khai của bà. Động từ “cứu” (sô-zô) chính là động từ mà ông Giai-í-rô dùng trước đó ít lâu với hai ý nghĩa: “cứu chữa” và “cứu độ” như đã giải thích trên. Động từ này là điểm nối kết giữa niềm tin của bà với niềm tin của ông Giai-i-rô. Phép lạ từ áo choàng gợi nhớ đến phép lạ từ áo choàng của ngôn sứ Ê-li-a. Ông Ê-li-a đã dùng áo choàng đập trên sông Gio-đan để rẻ đôi nước ra hai bên, nhờ đó, ông và Ê-li-sa đi qua ráo chân (2 V 2,7). Sau khi ông Ê-li-a được lên trời trong cơn gió lốc, trên cổ xe đỏ như lửa, Ê-li-sa, khi trở về cũng dùng áo choàng của Ê-li-a để rẻ đôi nước sông Gio-đan (2 V 2,14). Niềm tin của người phụ nữ sau này trở thành niềm tin của tất cả dân chúng: “Người đi đến đâu, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít nhất là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6,56). Các môn đệ của Đức Giê-su sau này còn cao thủ hơn: người ta đặt bệnh nhân dọc đường để hy vọng rằng khi ông Phê-rô đi qua thì bóng của ông có thể phủ xuống trên bệnh nhân để bệnh được chữa khỏi (Cv 5,15).

9.     Đức Giê-su đặt câu hỏi và “ngó quanh tìm kiếm”: Phản ứng của Đức Giê-su là cần thiết để cho chuyện của người phụ nữ lộ ra ánh sáng và bà ta được khỏi bệnh hoàn toàn nhờ vào lời của Đức Giê-su. Đến lúc này chỉ là câu chuyện của người phụ nữ và Đức Giê-su. Bà ta cố ý chạm vào áo choàng của Đức Giê-su và đã cảm nhận “dòng máu của bà dừng lại và bà đã khỏi những đau khổ”. Đức Giê-su cũng cảm thấy “một năng lực phát ra” từ cơ thể của mình. Dĩ nhiên, Đức Giê-su biết ai đã làm dù cho đám đông có chen lấn cách mấy. Câu hỏi, và sự nhìn quanh của Người chỉ nhằm giúp người phụ nữ gặp Người và được chứng nhận niềm tin cũng như được công bố khỏi bệnh hoàn toàn.

10.  “hoảng sợ… run rẩy…phủ phục… nói hết sự thật”: Sự phụ phục của người phụ nữ phảng phất sự phụ phục của ông trưởng hội đường. Tuy nhiên, mục đích của việc phủ phục thì khác nhau: người phụ nữ phủ phục vì hoảng sợ và để trình bày sự việc bà đã được cứu chữa, còn ông trưởng hội đường phủ phục để khẩn cầu ơn chữa lành. Sở dĩ người phụ nữ run rẩy hoảng sợ có thể liên quan đến quy định về sự ô uế trong Lv 15,25. Bà đang bị ô uế mà dám chạm vào Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1,24) (sự ô-uế dám chạm vào sự thánh thiện). Sự hoảng sợ và run rẩy của người phụ nữ có thể hiểu theo hai nghĩa: (i) Hoảng sợ vì đã lén lút chạm vào Đấng Thánh của Thiên Chúa trong khi đang bị ô uế;[3] (ii) Hoảng sợ để biểu hiện của sự kính sợ, yếu đuối của con người trước phép lạ của Thiên Chúa như đã từng thấy trong Mc 4,41; 5,15; Xh 15,6.[4] Sợ hãi cũng là một phản ứng căn bản của con người trước một cuộc thần hiện (xuất hiện của Chúa) (St 15,12; 28,17; Tl 6,22-23).[5]

11.  “Này con gái! lòng tin của con đã cứu chữa con”: Trước nỗi hoảng sợ và run rẩy của Người phụ nữ, Đức Giê-su lại cho thấy một thái độ hiền lành, ân cần và gần gũi đến lạ thường. Đáp lại với sự sợ hãi run rẩy của người phụ nữ, Đức Giê-su gọi : “Con gái” (θυγάτηρ) chứ không phải là “người phụ nữ” (5,25.33: γυνὴ) như cách Mác-cô giới thiệu bà. Cách gọi của Đức Giê-su phá tan mọi hàng rào ngăn cách của luật thanh sạch ô uế. Đó là một “con gái” của Sion (Mt 21,5; Ga 12,15) đau khổ vì bệnh tật suốt 12 năm. Bà cần được an ủi, yêu thương và tôn trọng chứ không phải là xa cách hắt hủi. Đức Giê-su xem bà như là người con trong tương quan với Thiên Chúa.[6] Người cho thấy rằng Người không có chút gì để làm cho bà phải lo lắng sợ hãi. “Con gái” cũng là cách gọi mà ông trưởng hội đường gọi con của mình: “đứa con gái nhỏ của tôi đang hấp hối” (5,23), và cũng là cách mà  người nhà của ông trưởng hội đường gọi bé gái: “Con gái của ông chết rồi, tại sao còn làm phiền Thầy?” (5,35). Chính đức Giê-su chứng nhận và công khai hóa niềm tin của người phụ nữ đau khổ. Đó là đỉnh cao của sự chữa lành. Bà đã có niềm tin trước khi được chữa lành và niềm tin ấy là tiền đề cho sự chữa lành và sau sự chữa lành ấy là một cuộc sống chứng nhân cho niềm tin. Đức Giê-su có năng lực chữa lành nhưng Người không chữa lành chỉ là để chữa lành. Sự chữa lành của Người phải đưa đến niềm tin cho người được chữa lành. Đó là điều quan trọng nhất. Vì vậy, Người phải chứng nhận và công bố niềm tin của người phụ nữ. Trong trình thuật chữa lành mười người phong hủi. Chỉ có một người ngoại bang quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và Đức Giê-su công bố với người này: “đứng dậy và hãy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Có thể tất cả 10 người đều khỏi bệnh phong hủi nhưng duy nhất chỉ có người ngoại này vươn tới đỉnh cao của sự chữa lành. Đó là đức tin. Tương tự, Đức Giê-su cũng tuyên bố với người mù ở Giê-ri-khô rằng: “hãy đi! lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Mc 10,52; Mt Lc 18,42). Cũng nên nhắc thêm rằng mục đích của toàn bộ các trình thuật trong sách Tin Mừng là để “anh chị em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, để nhờ tin và được sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

12.  “Hãy đi bình an và hãy được chữa lành toàn bộ sự đau khổ”: Mệnh lệnh “hãy đi” bao gồm cả một sứ mạng làm chứng nhân cho niềm tin được chữa lành chứ không đơn giản là đi về nhà bình an. Nó tương tự như mệnh lệnh của kết thúc mỗi Thánh Lễ: “Hãy đi bình an”. Đó là mệnh lệnh ra đi mà Chúa Ki-tô trao gửi cho mỗi tín hữu sau khi đã tham dự Thánh Lễ. Họ đã lãnh nhận Lời Chúa cùng với Mình Máu Chúa. Đây là lúc họ ra đi rao truyền Tin Vui và làm chứng cho niềm tin của mình. Nhiều linh mục có thói quen công bố rằng “Lễ xong, chúc anh chị em về bình an” hay là “chúc anh chị em một ngày bình an” hay là “chúc anh chị em sống trong bình an của Chúa”. Tất cả đều không diễn tả được rõ ràng trọn vẹn mệnh lệnh “ra đi” của Đức Ki-tô, được lấy từ Tin Mừng. Ngoài mệnh lệnh “đi bình an” là lời tuyên bố “hãy được chữa khỏi toàn bộ đau khổ”. Những đau khổ của bà bao gồm đau khổ về thể xác, hết tiền hết bạc, và đau khổ về tinh thần: bị ô-uế (cô lập khỏi người khác).[7] Đức Giê-su như là một bác sĩ giấy xuất viện cho bệnh nhân bị băng huyết suốt 12 năm. Chắc chắn bà sẽ đi đến đâu kể đến đó niềm vui được khỏi bệnh và được Chúa yêu thương như thế nào.

13.  “Con gái ông chết rồi”: Sau câu chuyện chữa lành người phụ nữ bị băng huyết, Mác-cô tiếp tục kể câu chuyện đang dở dang của ông trưởng hội đường. Đối lại với niềm hy vọng của ông trưởng hội đường là sự thất vọng của người đến từ gia đình ông. Động từ “chết” được chia ở thì aorist (ἀπέθανεν), diễn tả một hành động của quá khứ. Theo lời của người đưa tin thì bé gái đã chết. Tin tức này như phá tan niềm hy vọng nơi ông trưởng hội đường. Nhưng rồi, chính Đức Giê-su lại mang lại cho ông niềm hy vọng. Đối với người nhà của ông trưởng hội đường, bé gái đã chết. Nhưng đối với Đức Giê-su, bé như đang ngủ (Mc 5,39).

14.  “đừng sợ, hãy tin là đủ: Sau khi nghe lời ấy Đức Giê-su tiếp tục gieo niềm hy vọng cho ông. Người trấn an ông: “đừng sợ” và khuyến khích ông: “Hãy tin là đủ”. Mệnh lệnh “đừng sợ” (μὴ φοβοῦ) không phải là từ ngữ đặc trưng của Mác-cô. Trong Mác-cô, Đức Giê-su sử dụng mệnh lệnh này một lần duy nhất. Đây là từ ngữ đặc trưng của Luca. Luca sử dụng 5 lần trong Tin Mừng mang tên ông và 2 lần khác trong sách Công Vụ Tông Đồ (Lc 1,13.30; 5,10; 8,50; 12,32; Cv 18,9; 27,4). Sợ đồng nghĩa với “sợ hãi” là thiếu niềm tin và tuyệt vọng như trường hợp của các môn đệ trong trình thuật Đức Giê-su dẹp yên biển động: “Sao lại sợ? anh em chưa có niềm tin à? (Mc 4,40). Mệnh lệnh “hãy tin”, với động từ “tin” được chia ở lối mệnh lệnh, thì hiện tại chỉ xảy ra đúng hai lần trong Tân Ước. Ngoài lần này, Gioan ghi lại một lần khác trong câu chuyện “Người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp” (Ga 4,21). Nói như thế để thấy rằng sự khích lệ và an ủi theo lối mệnh lệnh mà Đức Giê-su dành cho ông trưởng hội đường là duy nhất trong Tin Mừng Mác-cô. Trong câu chuyện liên quan đến sự phục sinh của La-da-rô, Đức Giê-su cũng nói với Mác-ta rằng: “Chính tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào tôi thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào tôi sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25). Đó là giá trị của niềm tin vào Đức Giê-su.

15.  “bộ ba các môn đệ”: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Trước đó, Mác-cô đã cho độc giả biết rằng, Đức Giê-su đã gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em. Cặp An-rê – Simon cùng với cặp Gia-cô-bê – Gioan (1,16-20). Thế nhưng, chẳng hiểu sao An-rê dường như bị tách ra khỏi nhóm bốn Người. Khi liệt kê danh sách 12 Tông Đồ, khác với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại (Luca và Mát-thêu), Mác-cô tách An-rê ra phía sau tên của Gia-cô-bê và Gioan.[8] Đức Giê-su dường như chỉ chọn cho mình nhóm 3 người đặc biệt trong nhóm 12 Tông Đồ. Không ai có thể giải thích cách rõ ràng dụng ý của Đức Giê-su. Người ta chỉ có thể thấy rằng bộ ba này xuất hiện riêng cùng với Đức Giê-su trong những biến cố quan trọng. Ngoài lần này, nhóm này còn xuất hiện hai lần khác nữa: (i) Trình thuật Đức Giê-su biến hình (Mc 9,2-8); (ii) Trong Vườn Giết-sê-ma-ni (14,33). Trong cả ba biến cố này, điểm chung có lẽ là cuộc thương khó, cái chết, và sự phục sinh. Ba môn đệ này là vừa là chứng nhân, vừa là người theo đuổi tiến trình này cùng với Đức Giê-su. Độc giả có thể liên hệ đến nhân vật Phê-rô sẽ tuyên xưng “thầy là Đấng Ki-tô” (8,29) và cũng là người đã ngăn cản thầy mình nói về cuộc thương khó. Hậu quả là ông bị thầy trách mắng là “Satan” (8, 32-33). Tuy nhiên, ông cũng được Đức Giê-su gọi tên là Phê-rô, nghĩa là đá, và “trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Gia-cô-bê và Gioan là hai nhân vật xin Đức Giê-su được “ngồi bên tả và bên hữu”, ngay sau khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó lần thứ ba (Mc 10,35-40). Gia-cô-bê và Gioan được Đức Giê-su gọi là “Boanerges” (Con của thần sấm). Gia-cô-bê là Tông Đồ đầu tiên tử đạo thời vua Hê-rô-đê (Cv 12,2). Theo truyền thống, Gioan chính là “người môn đệ Chúa yêu” trong Tin Mừng thứ tư, và ông cũng chính là tác giả của Tin Mừng này. Trong bối cảnh trực tiếp này, ba nhân vật này chẳng có gì nổi bật. Họ, cùng với cha mẹ đứa bé, là chứng nhân cho việc Đức Giê-su phục sinh bé gái, nhưng lại bị cấm không được nói với ai về chuyện này. Đó là bài học đức tin cho riêng họ.

16.  “Cầm lấy tay … Ta-li-tha-kum” (Bé gái, ta truyền cho con, hãy chỗi dậy): Sau khi Đức Giê-su cầm lấy tay đứa bé, Người nói bằng tiếng A-ram. Có vẻ như đây là một thành ngữ được dùng để phục hồi một đứa trẻ trong tiếng A-ram (Tin Mừng của Mác-cô hoàn toàn bằng tiếng Hy Lạp). Tin Mừng Mác-cô ghi lại Đức Giê-su “nắm lấy tay” các bệnh nhân 3 lần và cả 3 lần ấy bệnh nhân đều được chữa lành. (1) Đức Giê-su nắm lấy tay mẹ vợ của Phê-rô và nâng bà dậy, cơn sốt liền rời khỏi bà (Mc 1,31); (2) Đức Giê-su nắm lấy tay bé gái trong trình thuật này (Mc 5,41); (3) Đức Giê-su nắm tay đứa bé bị thần ô uế nhập và nâng cậu dậy (Mc 9,27). Trong cả 3 trường hợp, bệnh nhân đều nằm bất động. Mẹ vợ của ông Phê-rô bị sốt và đang nằm bệnh. Bé gái con ông Giai-i-ro bị cho là đã chết (Mc 5,35). Cậu bé bị thần câm điếc nhập cũng đang nằm như chết đến nỗi nhiều người nói rằng: cậu ta chết rồi (Mc 9,26). Động từ được dùng cho cả 3 trường hợp là “nâng dậy, trỗi dậy” (ἐγείρω): Đức Giê-su “nâng” mẹ vợ Phê-rô dậy; Người “nâng” cậu bé dậy; và người nói cùng bé gái “ta-li-tha kum” nghĩa là “bé gái, ta truyền cho con, hãy trỗi dậy”. Đây cũng chính là động từ diễn tả sự phục sinh của Đức Giê-su: “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước các con” (Mc 14,28; Mt 26,32; Cf. Mt 28,7); “Các bà tìm Giê-su Na-gia-rét chứ gì, Người đã trỗi dậy rồi, Người không còn ở đây nữa, xem chỗ người ta đặt Người nè” (Mc 16,6; Mt 28,6); “Người quở trách các ông vì sự không tin và cứng lòng của họ vì họ không tin những người đã gặp Người sau khi Người đã trỗi dậy” (Mc 16,16). Sự “trỗi đậy” của bé gái (giống như sự sống lại của La-da-rô) chứng tỏ Đức Giê-su “là đường, là sự thật và là sự sống”.[9] “Sau câu nói của Đức Giê-su lập tức bé gái đứng dậy và cứ bước đi”. Qua cách dùng từ Mác-cô như muốn cho thấy sự liên hệ giữa sự sống lại của bé gái và sự phục sinh của Đức Giê-su. Người có quyền trên sự sống và sẽ sống lại, để mang lại niềm hy vọng cho tất cả nhân loại. Động từ “đứng dậy” (ἀνίστημι) cũng có nghĩa là “sống lại”, mà Đức Giê-su luôn dùng trong 3 lần Người tiền báo về cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Người (Mc 8,31; 9,9.10.31; 10,34). Cách Đức Giê-su gọi đứa trẻ này cũng đáng chú ý: “τὸ κοράσιον” (5,41: bé gái, cô bé). Tương tự như sự ân cần mà Đức Giê-su dành cho người phụ nữ trước đó khi gọi bà là “con gái” (5,34), Đức Giê-su cũng dành cho cô bé này một sự thân thương gần gũi như thế.

17.  “Ra lệnh cho họ cách nghiêm túc để không một ai có thể biết sự việc này”: Cách thức Đức Giê-su cấm tiết lộ thông tin về phép lạ này được gọi theo từ chuyên môn là “bí mật Mê-si-a” được học giả W. Wrede đề xuất trong tác phẩm Das Messiasgeeimnis in den Evangelien năm 1901. Ví dụ điển hình và rõ ràng nhất về bí mật này là ở Mc 8,31. Sau khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đức Giê-su liền “cấm ngặt họ không được nói cho bất kỳ ai về Người”.[10] Ngoài ra, còn nhiều bản văn khác Đức Giê-su ra lệnh “giữ im lặng” cho “thần ô uế” (1,25.33) lý do mà Mác-cô đưa ra là “vì chúng đã biết Người” (1,34). Khi thần ô uế kêu lên: “ông là Con Thiên Chúa, Người lại cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai” (Mc 3,11-12). Thêm nữa, nhiều lần khác Đức Giê-su ra lệnh cho những người được chữa lành không được tiết lộ phép lạ: Người phong cùi (Mc 1,44), những chứng nhân trong câu chuyện chữa con gái ông Giai-i-ro (5,43), người vừa điếc vừa ngọng (7,36). Tuy vậy, cũng lạ thay là Đức Giê-su nói với người đàn ông bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa là hãy về nhà và kể cho bạn bè “bao nhiêu chuyện Chúa đã làm cho anh” (5,19). Trong trình thuật về biến hình, Đức Giê-su cũng cấm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan kể lại những gì họ thấy trên núi. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thời hạn “cho đến khi Con Người đã sống lại từ cõi chết” (9,9). Một cách giải thích truyền thống là sở dĩ Đức Giê-su không muốn tiết lộ thân phận Mê-si-ah vì sợ rằng nhiều thành phần dân chúng sẽ dùng nó như là dịp để nổi dậy về quân sự. Tác giả Wrede thì cho rằng Mác-cô cố gắng giải thích niềm tin của Giáo hội vào Đức Giê-su như Đấng Mê-si-ah và thực tế lịch sử rằng trong suốt quá sứ vụ công khai Đức Giê-su không tự giới thiệu mình như là Đấng Mê-si-ah. Cách giải thích tốt hơn và được chấp nhận rộng rãi hơn là Mác-cô tìm cách định nghĩa lại thuật ngữ Mê-si-ah và những danh hiệu ki-tô học khác dưới ánh sáng của cái chết và phục sinh của Đức Giê-su cho nên ông để việc bộc lộ căn tính thực của Đức Giê-su cho đến cái chết của Người (15,39) và sự phục sinh của Người (9,9).[11] Các môn đệ tuy đã dần nhận ra căn tính Mê-si-ah của Đức Giê-su nhưng cách hiểu của họ vẫn thiện cận, chưa đầy đủ. Họ chỉ thấy và khoái chí về khía cạnh vinh quang của Đấng Mê-si-ah mà thấy khó hiểu khó chấp nhận mầu nhiệm khổ nạn sẽ được Đấng ấy trải qua.

Bình luận tổng quát

Đức Giê-su trở về phía bên này của Hồ Ga-li-lê, là vùng của Người Do Thái. Bối cảnh này cho thấy hai phép lạ chữa lành trong trình thuật này đều là cho người Do Thái. Cách giới thiệu ông trưởng hội đường, một danh xưng đặc chất Do Thái. Con số 12 năm bị bệnh băng huyết của người phụ nữ cũng rất Do Thái. Con số 12 có thể tượng trưng cho 12 người con của Gia-cóp; là 12 chi tộc Ít-ra-el đại diện cho toàn thể nhân loại; là 12 Tông đồ, biểu trưng cho Giáo Hội Chúa Ki-tô, cũng là đại diện cho toàn thể nhân loại. Mác-cô với kỹ thuật hành văn được gọi bình dân là “Bánh mì kẹp thịt” đã khéo léo đan lồng hai câu chuyện về niềm tin vào nhau nhằm bổ sung và làm đẹp cho nhau. 12 năm bệnh tật của người phụ nữ cũng là con số tuổi của con gái ông Giai-i-ro. Cả hai đều đang ở trong tình trạng “bất động” vì bệnh tật. Người phụ nữ bế tắc, bất động vì bị các thầy lang ăn hết tài sản mà bệnh càng nặng thêm. Cô bé thì đã chết lâm sàng. Cả hai, ông trưởng hội đường và người phụ nữ chỉ còn một niềm hy vọng duy nhất là Đức Giê-su. Họ đều đến với Đức Giê-su với niềm tin rằng Người sẽ là giải pháp hoàn hảo cho sự bế tắc của họ. Người đàn ông tin vào sự đặt tay và trao ban ơn cứu độ và phục hồi sự sống của Đức Giê-su. Người phụ nữ tin rằng chỉ cần chạm vào áo choàng của Đức Giê-su thì sẽ khỏi bệnh. Cả hai người đều đạt được những gì mình hy vọng và mơ ước. Người phụ nữ khỏi bệnh và con gái của ông trưởng hội đường thoát chết. Cả hai người đều từng sụp xuống dưới chân của Đức Giê-su. Ông trưởng hội đường sụp xuống để xin ơn phục sinh sự sống cho con gái. Người phụ nữ sụp xuống nhằm thú nhận toàn bộ phép lạ đã xảy ra cho mình. Bà đã cố ý “ăn trộm ơn chữa lành”, “lấy cắ” năng lực từ Đức Giê-su một cách lén lút. Điểm sáng nhất của cả hai câu chuyện là lời chứng nhận của Đức Giê-su: “Con gái! Đức tin của con đã cứu chữa con”. Người phụ nữ đã vươn đến đỉnh cao của sự chữa lành. Đó là đức tin, niềm tin vào Đức Giê-su. Ông trưởng hội đường chắc chắn cũng có niềm tin khởi điểm khi ông đến với Đức Giê-su. Tuy nhiên, sau câu chuyện về đức tin của người phụ nữ, chắc hẳn niềm tin của ông được gia tăng đáng kể. Sau lời khuyến khích của Đức Giê-su: “Đừng sợ! Hãy tin là đủ” niềm tin của ông càng được gia cố.[12] Ông chắc chắn đã trải qua thời gian sốt ruột, bị thử thách về đức tin khi Đức Giê-su dừng lại để chữa lành người đàn bà bị băng huyết. Tác giả Marshall gọi đó là một sự “trì hoãn mang tính tra tấn”.[13] Đến cuối cùng ông đã kiên nhẫn đủ và vẫn tin. Nhờ niềm tin ấy mà con gái ông được cứu thoát và được sống.

Người phụ nữ đau khổ suốt mười hai năm, cô bé thập tử nhất sinh lúc mười hai tuổi có thể là tượng trưng cho dân tộc Ít-ra-el, tượng trưng cho Giáo Hội, đại diện cho toàn thể nhân loại. Họ cũng có thể đại diện cho từng cá nhân, cách riêng là những người phụ nữ, những trẻ em vị thành niên. Họ đại diện cho những ai đang bị đau khổ vì bệnh tật thể xác, tình thần, và tất cả những ai đang lâm nguy, về cả thể xác và tinh thần. Tất cả đều được mời gọi tin tưởng vào Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su chính là sự cứu cánh hoàn hảo cho mọi loại đau khổ, bệnh tật và cả sự chết. Còn dám tin tưởng vào Đức Giê-su là còn hy vọng. Khi dám cầu xin với Người với lòng tín thác, tin tưởng tuyệt đối thì dù chưa được chữa lành về thể xác, các tín hữu có thể đạt đến đỉnh cao của sự chữa lành rồi. Đó là niềm tin vào Chúa.

Cách dùng từ của Mác-cô như là động từ “pas-kho” (chịu đau khổ) (5,26); động từ “a-poth-nes-cô” (chết) (5,35); động từ “e-gei-rô” (trỗi dậy, nâng dậy) (5,41), động từ “a-nis-te-mi” (đứng lên, sống lại) (5,42); động từ “sô-zô” (cứu chữa, cứu độ) (5,23.28.34) và “za-ô” (sống) (5,23) cho thấy sự nối kết chặt chẽ số phận của những con người cùng khổ này với mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Đức Giê-su. Người tiền báo về việc khổ nạn và phục sinh đến 3 lần. Cuối cùng, Người đã hiện thực hóa lời tiền báo của Người bằng cách bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển. Người đã mang lấy những nỗi thống khổ, bệnh tật của nhân loại (Mt 8,17; Cl 1,24). Người đã mang lấy tội lỗi của họ trong mình và đưa lên cây thập giá, Người đã mang những vết thương để họ được lành lặn (1 Pr 2,24). Cuối cùng, Người đã chết để giúp cho họ được cứu độ và được sống vĩnh cửu với Người.

Cách nói chuyện và đối xử của Đức Giê-su với hai bệnh nhân gợi mở một đời sống nhân văn cao cả trong xã hội loài người. Trong nỗi sợ hãi run rẩy của người phụ nữ dám “ăn trộm” năng lực và dám chạm vào Đức Giê-su đang khi bị ô-uế, Đức Giê-su đáp lại hết sức ân cần, lịch thiệp: “Này con gái, Đức tin của con đã cứu chữa con”. Người không những không trách móc, mà còn nâng cao, tôn vinh nhân đức của người phụ nữ. Đức Giê-su, sau khi nắm lấy tay đứa bé ân cần, cũng gọi đứa trẻ là: “Này bé, hãy trỗi dậy”. Tất cả những hành vi lời nói ấy làm toát lên một sự tôn trọng con người dù họ là ai đi nữa. Người phụ nữ vốn không được xem trọng trong xã hội Do Thái. Bà lại bị băng huyết, bị ô uế và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Những đứa bé vốn cũng là thành phần không đáng kể trong xã hội thời bấy giờ, mà bé gái thì địa vị càng thấp hơn.[14] Trong xã hội có đầy dẫy những thói quen “mạnh được yếu thua”, “thượng đội hạ đạp”, “cá lớn nuốt cá bé”, thì cách đối đãi của Đức Giê-su thật đáng được suy gẫm và bắt chước.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 365.

[2] Tiếng Anh gọi cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là Paschal Mystery, tiếng Ý là il Mistero Pasquale. Tiếng Việt ít ra cũng có chữ “kho” (cuộc khổ nạn).

[3] Dù Freedman cho rằng người phụ nữ chạm vào áo choàng của Đức Giê-su thì sẽ không làm cho Đức Giê-su ra ô uế, nhưng J.Marcus nghĩ rằng chạm vào áo quần thí có thể là ô uế bớt nghiêm trọng hơn nhưng vẫn gây ra sự dơ bẩn [ J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 27A, 358-359].

[4] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 175.

[5] J. Marcus, Mark 1-8, 359.

[6] Trong truyền thống Cựu Ước và truyền thống Do Thái sau đó danh xưng “con gái tôi” là cách thức tiêu biểu diễn tả sự tôn trọng và trìu mến không kể tuổi tác và tương quan gia đình (R 2,8; 3,10). Tuy nhiên, cách gọi của Đức Giê-su cũng có thể có ý niệm ki-tô giáo rằng bà ta là thành viên trong gia đình đức tin [J. Marcus, Mark 1-8, 360].

[7] J. Donahue and D. Harrington claims that “She is physically ill, ritually unclean, and near impoverishment. Neither religion nor social standing offers her much help” [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 174].

[8] Có một điều khá ngạc nhiên là: Trong danh sách 12 Tông Đồ theo thánh Mác-cô, An-rê được xếp sau Simon, Gia-cô-bê và Gioan (Mc 3,16-18). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng đặt An-rê sau 3 ông này như là Mác-cô (Cv 1,13).  Thứ tự các Tông Đồ theo Mát-thêu: Simon, người được gọi là Phê-rô, An-rê, anh em của ông, Gia-cô-bê, con của ông Dê-bê-đê, và Gioan, người anh em của ông (Mt 10,2). Thứ tự 4 người Tông Đồ đầu tiên trong danh sách của Luca cũng tương tự như Mát-thêu: Simon, An-rê, Gia-cô-bê, Gioan. Theo Tin Mừng Gioan, An-rê thậm chí được đến và xem nơi Chúa ở trước Phê-rô. Chính ông đã giới thiệu Đức Giê-su cho người anh em của mình là Phê-rô (Ga 1,35-42). Trong trình thuật Đức Giê-su tiền báo về sự sụp đổ của đền thờ, Mác-cô cũng là tác giả Tin Mừng Nhất Lãm duy nhất gom An-rê với bộ ba này vào nhóm bốn người đặt câu hỏi với Đức Giê-su: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả đến hồi chung cục thì cò điềm gì báo trước?” (Mc 13,4). Luca chỉ dùng đại từ ngôi thứ ba số nhiều “họ”, còn Mát-thêu dùng danh từ chung “các môn đệ” (Mt 24,1-3; Lc 21,5-6).

[9] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 991.

[10] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 27.

[11] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 28.

[12] J. Marcus, Mark 1 – 8, 362.

[13] J. Marcus, Mark 1 – 8, 366.

 [14] M. Kusio, “Theological Implications of Markan Interpretative Intercalations”, RBL 68/3 (2015) 265–288, 273.