Friday, 25 September 2015

ĐAU KHỔ CẦN THIẾT?

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu tiền báo tất cả 3 lần về cuộc thương khó và phục sinh của Người (Mt 16,21-22;17,20-23;20,17-19; Mc 8,31-33;9,30-32;10, 32-34; Lc 9, 22; 9,43b-45;18,31-34)
Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta vừa nghe hôm nay (Lc 9,43-45) tường thuật lại việc Đức Giêsu tiền báo về cuộc thương khó lần thứ hai.

Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và Người đã làm nhiều dấu lạ lẫy lừng để chứng minh quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện và niềm vui mà Thiên Chúa ban cho những người đau yếu, bệnh tật. Thế nhưng, cuộc thương khó và phục sinh mới là dấu lạ đỉnh điểm nhất, để biểu lộ quyền năng Thiên Chúa và tình yêu Người dành cho nhân loại. Đó là quyền năng trên sự chết và yêu đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Cho nên, thông điệp về cuộc thương khó và phục sinh là thông điệp quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn các môn đệ quan tâm, để ý nhất.

Nhưng mà, thật là trớ trêu, dù cho Đức Giêsu có nói đi nói lại đến 3 lần, kéo riêng các môn đệ ra để dạy, thì thông điệp thương khó và phục sinh vẫn là một thông điệp mà các môn đệ mù mờ nhất. Các ông không hiểu và cũng không hỏi lại. Có thể đó là một hung tin, có khả năng đánh tan mọi giấc mộng vàng của các ông, nên các ông chẳng muốn nghe tý nào.

Quả thật, đau khổ, bất hạnh vẫn là một mầu nhiệm đối với các môn đệ và cho tất cả mỗi người chúng ta ngày nay nữa. Có thể nói rằng, hiếm có ai có thể đón nhận hung tin và cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát được.

Thế nhưng, việc 3 lần Đức Giêsu tiền báo về cuộc thương khó và phục sinh, và nhất là việc Người trải qua cuộc thương khó và phục sinh, cho chúng ta thấy rằng mầu nhiệm thập giá quả là rất cần thiết, và có giá trị cứu độ cho con người.

Trong bài nói chuyện ứng khẩu với 200 trẻ em, là những người con của các tù nhân, ngày 30-5-2015, ĐTC  Phanxicô đã đề cập đến một vấn nạn mà chính ngài, cũng như bao nhiêu người khác, không có câu trả lời thỏa đáng: “Tại sao các trẻ em vô tội phải chịu đau khổ?”. Ngài nói rằng: “Tôi chỉ nhìn Chúa và hỏi: Tại sao?” Khi nhìn lên thánh giá, tôi hỏi: “Tại sao Con của Chúa lại ở trên đó? Tại sao?” Đó là mầu nhiệm thập giá. Không có câu trả lời, nhưng cái nhìn lên Chúa luôn mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục tiến bước.

Thánh Cosma và Damianô[i] mà chúng ta mừng kính hôm nay (26/09) chắc chắn cũng đã nhìn lên thánh giá Chúa để rồi hiến dâng đời mình phục vụ miễn phí cho các bệnh nhân, và đặc biệt, cả hai người cùng hiến dâng thân mình làm bảo chứng cho niềm tin bất khuất vào Đức Kitô khổ nạn và phục sinh.

Nghe lại lời tiền báo về cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Giêsu hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta và tất cả những ai đang đối diện với những khổ đau thể xác và tinh thần của chính mình hay là của người thân, luôn biết nhìn lên thập giá Chúa để luôn vững lòng bước đi theo Chúa cho đến cùng, hầu mang lại hào quang chiến thắng cho bản thân và sinh nhiều ơn ích cho tha nhân nữa. Amen.

Fr.Joseph Phạm Duy Thạch SVD





[i] Thánh Cosma và Ðamianô là hai anh em sinh đôi vào khoảng thế kỷ III trong miền Egée thuộc Ả Rập. Hai anh em mồ côi cha từ thuở nhỏ, nhưng được người mẹ thật đạo đức giáo hóa. Lớn lên, cả hai đều theo học y khoa và trở nên những lương y tài giỏi, phương pháp của các ngài là vừa chữa trị vừa cầu nguyện. Mặc dù ngày đêm tận tình giúp đỡ các bệnh nhân, nhưng không bao giờ các ngài đã nhận một món tiền thù lao, vì thế danh tiếng và đạo đức các ngài đồn thổi khắp nơi.
Thời đó cũng là lúc hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô đang bách hại Giáo Hội, nên các ngài bị bắt và dẫn đến trước mặt quan Lydia. Các ngài đã không sợ sệt nhưng còn hiên ngang xưng mình là Kitô hữu. Lydia truyền đánh đòn các ngài rồi xích tay chân và quăng xuống biển, nhưng Chúa đã cứu sống các ngài. Tức giận, quan liền truyền đốt một đống lửa lớn và đẩy hai vị vào, nhưng lạ thay hai thánh vẫn bình tĩnh vừa đi dạo vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy. Chứng kiến phép lạ tỏ tường ấy, nhiều người đã được ơn trở lại.
Sau cùng, Lydia ra lệnh cho quân lính đem hai ngài đi chém đầu, nhưng trước khi can đảm lãnh nhận cái chết, hai ngài đã ngước mắt cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình. Hôm ấy là ngày 26/9/297.

No comments:

Post a Comment