Saturday, 12 September 2015

TỰ TÌNH CỦA CHÀNG NGƯ PHỦ LỖI LẦM

Tôi gặp Chúa trong một buổi sáng ảm đảm, có lẽ là một trong những buổi sáng ảm đảm nhất của nghề chài lưới. Một buổi sáng mà đêm hôm trước tôi và đồng bạn vất vả suốt đêm ngoài biển khơi mà không bắt được một con cá nào. Đó là một buổi sáng mà nổi thất bại ê chề đang gặm nhắm tâm hồn tôi, một buổi sáng mà thân xác tôi rã rời vì vất vã suốt đêm. (Xc. Lc 1,1-11)
Trong bối cảnh ấy, Đức Giê-su lại xuất hiện. Người mượn thuyền của tôi để làm bục giảng cho dân chúng. Thuyền người ta để làm ăn, để đánh cá chứ đâu phải để cho mượn giảng đạo. Đang xui xẻo lại gặp chuyện không đâu, biết đâu lại rước thêm cái xui. Đang mệt thì chớ, cần được nghỉ ngơi thì chớ, lại bắt người ta chèo thuyền ra xa bờ.

Ừ! Mượn thì tự chèo đi. Nói thì nói vậy chứ tôi cũng lặng lẽ nghe theo Lời Ổng để chèo thuyền ra xa một chút làm bục giảng cho Ổng. Thôi kệ Ổng! mình chèo ra đó cho Ổng giảng, mình nằm ngủ, mệt quá rồi. Nói thế thôi chứ ngủ nghỉ gì được, Ổng nói ồn ào cả buổi, điếc tai luôn.

Đã thế, nói xong còn bảo mình: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Ông rảnh quá hả? Mượn thuyền người ta giảng chưa đủ còn bắt người ta ra thả lưới giải trí với ông nữa. Ông có biết là tụi tôi vất vã suốt đêm mà chẳng bắt được con nào hay không? Ông chỉ biết khua môi múa mép suốt ngày trên đường phố và trong hội đường, biết gì về chài lưới mà nói. Ban ngày làm sao mà thả lưới bắt cá được? tui là thằng đánh cá chuyên nghiệp, nhiều năm trong nghề nè, có kẻ khùng mới lưới cá ban ngày, với lại lưới của tôi mới giặt thả xuống rồi, không được gì, giặt lại mệt lắm, ông giặt dùm tui nhé! Nhưng thôi “Vâng lời Thầy, tôi xin thả lưới” (Lc 5,5). 

Thả cho thỏa lòng Thầy chứ làm gì mà có con cá nào. Thôi kệ, làm cho ổng bẽ mặt một bữa chắc bữa sau không dám mượn thuyền mình nữa đâu.

Chu cha mẹ ơi! Tôi không ngờ vừa thả lưới xuống không biết cá đâu mà nó chảy vô ào ào, cứ như là thiêu thân lao vào ngọn đèn dầu vậy. Mới tối hôm qua, mấy thằng hỳ hục kéo tới, kéo lui mà chẳng có con nào. Vậy mà sáng nay, cá đâu mà nó tự chui vào lưới ào ào vậy không biết, cứ như ma vậy.
Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm đánh cá tôi mới thấy được một mẻ cá lớn, đầy đến như thế. Tin nổi không? Hai thuyền đầy cá chứ không phải một chiếc, chiếc lưới thì quá tải muốn rách luôn, thuyền thì gần chìm luôn. Có thể nói là thuyền của chúng tôi và lưới của chúng tôi chưa từng chuẩn bị để đón một lượng cá lớn như thế.

Tôi hoảng hồn thảng thốt: “Lạy Chúa! xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Lúc ấy, Đứng trước mặt Ổng, tôi cảm thấy mình như kẻ mới chui dưới cống lên đứng trước một tấm gương mới ra lò. Ổng trong sạch, thánh thiện, quyền năng quá còn tôi thì tội lỗi quá. 

Tôi cảm thấy xấu hổ, và ngượng ngùng khi đứng trước mặt Ổng, dẫu rằng trước đó tôi đã gặp Ổng, ngồi chung thuyền với Ổng lúc Ổng giảng cho dân chúng. Mẻ cá lạ lùng đã làm cho tôi thật sự bừng tỉnh và nhận ra sự cao cả quyền năng và thánh thiện nơi Ổng. Lúc ấy, tôi mới thấy, chiếc thuyền của mình bất xứng khi làm bục giảng cho Ổng, bản thân mình bất xứng khi ngồi chung thuyền nghe Ổng giảng và thả lưới với Ổng.

Những ảm đảm vì thất bại ê chề trong nghề chài lưới của tôi đã được Ồng giải quyết triệt để trong một phút chốc. Hai thuyền đầy cá đã làm cho bọn ngư phủ tụi
tôi hả hê, thỏa mãn, sau một đêm dài tay trắng.

Thế nhưng, trong giây phút ấy tôi dường như chẳng hề quan tâm mấy đến chiến tích lẫy lừng ấy nữa, mà lại lâm vào một tình trạng ảm đạm, u buồn khác. Đó là vẻ ảm đảm, u buồn của kẻ tội lỗi. Sự đau buồn, sự khát khao bấy lâu của một kẻ thiếu vắng Thiên Chúa.

Lênh đên trên biển, suốt ngày đêm vất vả với cơm áo gạo tiền. Đã từ lâu mối quan tâm của tôi là làm sao đêm nay có cá để sáng mai có cái ăn, cái mặc cho vợ cho con. Nỗi lo lớn nhất của tôi bấy lâu là nỗi lo của những kẻ “vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con nào cả”. 

Thú thật, sáng nay lúc Ổng giảng, tui buồn ngủ muốn chết, chẳng muốn nghe Ổng giảng gì cả. Chỉ có lúc này đây tôi mới rùng mình khiếp sợ hồn vía lên mây, đầu gối như khỉu xuống. Tôi muốn độn thổ luôn vì tôi cảm giác như ổng đến để vạch tội tôi. Tôi không xứng để đứng gần Ổng tý nào, thuyền của tôi không xứng để làm bục giảng cho Ổng. Tôi muốn Ổng tránh tôi càng xa càng tốt. Mấy thằng anh em chiến hữu của tôi Gia-cô-bê và Gioan cũng hoảng hồn như tôi vậy (Lc 5,10).

Nhưng mẹ ơi! Ổng không tránh xa mà còn sáp zô nữa mới chết chứ! Ổng bảo tôi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Giê-su! Lậy Chúa tôi! Không sợ mới lạ đó. Cái gì mà thu phục người ta chứ. Thân mình còn lo chưa xong, còn gánh lấy sứ mạng thu phục người ta”.

Chẳng hiểu sao sau lời mời gọi ấy, mấy thằng, tôi, Gia-cô-bê và Gioan, như bị thôi miên vậy. Chúng tôi đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ lại mọi sự và đi theo Ổng (Lc 5,11).

Sau những gì đã xảy ra, tôi biết rằng Ổng đã đến đây để kêu gọi chúng tôi đi theo Ổng. Tất cả đều nằm trong chủ ý của Ổng chứ không phải là một sự tình cờ. Ổng đến chỗ tôi giảng sau khi tôi trải nghiệm một đêm trắng tay. Ổng mượn thuyền tôi làm bục giảng, biến tôi thành người trợ giảng bất đắc dĩ; bảo tôi “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”… tất cả đều nằm trong dự tính của Ổng. 

Và cuối cùng, cái kết đã cho thấy tất cả. Tụi tôi bắt được mẻ cá ngoài mong đợi, nhưng lại chẳng buồn sử dụng đến, mà bỏ lại tất cả để theo Ổng. Tụi tôi thì lưới cá, còn Ổng thì lưới Tụi tôi. Đó là bài học đầu tiên trong nghề lưới người mà Ổng muốn cho tôi thấy và muốn tôi cũng trở thành kẻ lưới người như thế.

Từ đó, Ổng đi đâu chúng tôi theo nấy. Ông làm nhiều phép lạ chữa bệnh cho nhiều người, trừ quỷ và có hôm Ổng hóa bánh nuôi, hơn 5000 người ăn no nê nữa. Lúc ấy, tụi tôi cũng thấy hân hoan phấn khởi, hãnh diện, nở mặt nở mày vì được làm môn đệ của Ổng.

Rồi có lúc Ổng sai chúng tôi đi thực tập “rao giảng”. Ổng cũng “ban cho các tụi tôi quyền trên các thần ô uế, để tụi tôi trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” ( Mt 10,1). Lúc ấy, mấy thằng càng hý hững, vui vẻ, hãnh diện hơn vì làm được tý phép lạ, chữa được bệnh cho người ta, trừ diệt được ma quỷ. 

Nhưng Ổng lại dạy chúng tôi: “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời." (Lc 10,20). Tôi chẳng hiểu thế nào là tên được ghi trên trời, cứ thấy nổi danh dưới đất là thích cái đã.

Nhưng mà, theo Ổng có lúc cũng buồn chán. Có lúc chúng tôi chẳng hiểu nổi những việc Ổng làm, những điều Ổng suy nghi, thế là bị khiển trách là: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế !”(Mc 8,17). Nhiều lúc niềm tin của tụi tôi còn non kém, Ổng lại rủa cho một tăng: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin !" (Mt 8,26). Có hôm, Ổng cho tôi đi trên mặt nước với Ổng nhưng khi thấy gió thổi mạnh, tôi hoảng quá, và bắt đầu chìm nên la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với” (Mt 14,30). Ổng đưa tay nắm lấy tôi và lại khiển trách tôi kém tin: “Người đâu mà kém tin vậy! sao lại hoài nghi” (Mt 14,31).

Một hôm, khi đến vùng Sê-da-rê Phi-líp-phê, sau khi theo Ổng được một khoảng thời gian, Ổng muốn biết tụi tôi đang suy nghĩ thế nào về Ổng nên mới hỏi tụi tôi rằng: “Người ta nói Thầy là ai? " Tụi tôi trả lời: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Ổng lại hỏi Tụi tôi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ". Tôi đại diện cho anh em trả lời rằng: "Thầy là Đấng Ki-tô." (Xc. Mc 8,27-30; Mt 16: 13 -20; Lc 9:18 -21).

Đấng Ki-tô trong suy nghĩ của Tôi lúc bấy giờ là một vị vua Thiên Sai, được Thiên Chúa sai đến. Đó là một vị vua mà Thiên Chúa đã hứa sai đến đế giải thoát dân tộc tôi khỏi ách nô lệ ngoại bang. Người là một thủ lãnh uy dũng, văn võ song toàn, sức mạnh vô địch, không ai có thể địch lại Người. Với những gì tôi thấy Ồng làm, tôi chắc rằng Ổng là Đấng Ki-tô, và ngày dân tộc tôi được giải thoát chắc chắn là không còn xa nữa.

Sau khi tôi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Ổng liền khen tôi đáo để và hứa hẹn với tôi đủ điều: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,17-19)

Tưởng là tôi sắp làm thừa tướng đến nơi rồi chứ. Tôi khoái gần chết!

Ai ngờ, ngay sau khi tôi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Ổng liền “bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”(Mc 8,31). Gì kỳ vậy, vậy Ổng không phải là Đấng Ki-tô thật hay sao?

Nghe thế, tôi kéo riêng Ổng ra và trách Ổng liền: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! " (Mt 16,22). Ổng quyền năng như thế, cao trọng như thế, được mọi người tôn vinh, kính sợ, là niềm hy vọng cho dân tôi. Dân chúng đang mong Ổng làm vua, chỉ chờ ngày đăng quang mà thôi. Ổng không thể nào chịu nhiều đau khổ, chịu sỉ nhục và bị giết chết được. Ổng bị zậy thì tương lai tụi tôi đi về đâu?

Vừa nghe tôi trách như thế, Ổng mắng tôi tàn tệ: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Cái gì mà Sa-tan chứ? Tôi vừa tuyên xưng Ổng là Đấng Ki-tô mà, tôi muốn bảo vệ Ổng thoát khỏi những đau khổ cơ mà. Thật là tồi tệ. Chưa kịp lên voi thì đã xuống chó rồi.

Sau lần tuyên xưng và trách cứ ấy của Tôi. Ổng còn nói đến hai lần cái chuyện "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." (Mt 17,22). Mỗi lần nghe điều ấy thì tụi tôi lại buồn phiền thất vọng, nhưng chẳng thể hiểu nổi, và chẳng tin, chẳng mong điều đó lại xảy ra.

Thấy chúng tôi có vẻ thất vọng, buồn phiền, nên có hôm Ông dẫn 3 thằng tui, Gia-cô-bê và Gioan, 3 thằng theo Ổng đầu tiên, lên một ngọn núi cao rồi bỗng nhiên thay hình đổi dạng (Mc 9,2-9). “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” Và tui tôi thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Ổng. Bấy giờ, Tôi phấn khích quá liền thưa với Ổng rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Thực ra, tôi cũng không biết phải nói gì, vì tụi tôi ai nấy rất kinh hoàng. Rồi, bỗng có một đám mây bao phủ tụi tôi. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Tụi tôi chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Giây phút huy hoàng qua đi trong chốc lát. Tụi tôi lại trở về đời thường và dường như quên lãng chuyện ấy. Ổng lại tiền báo cho chúng tôi về cuộc thương khó của Ổng lần thứ ba, và chúng tôi lại buồn, lòng nặng trĩu, nơm nớp lo âu. Không biết lúc nào chuyện ấy sẽ xảy ra, và nếu Ổng bị bắt bị giết thiệt thì đời tụi tôi sẽ ra sao.

Nhưng mà, chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Cuộc thương khó ấy khởi đầu bằng ngày Ổng bước vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Thật ra, ngày Ổng vào Giê-ru-sa-lem  không khí tưng bừng náo nhiệt như một buổi lễ phong vương vậy. Áo choàng được trải xuống đường. Cành lá thì ve vẩy ngập trời. Tiếng hò reo, tung hô vang dội. Lúc ấy, tôi nghĩ, vinh quang của đời tông đồ của tôi đây rồi. Ổng sẽ làm vua, và tôi sẽ là người dưới một người trên ngàn người.

Ai ngờ chỉ vài ngày sau khi vào Giê-ru-sa-lem, Ổng đụng độ tùm lum với giới lãnh đạo Do Thái, Kinh Sư, Pha-ri-sêu, Sa-đốc, nhóm nào Ổng cũng đụng. Họ ghét Ổng đến độ muốn thủ tiêu Ổng.

Và rồi ngày thê thảm nhất trong cuộc đời tông đồ của tôi cũng đến. Ngày thứ nhất trong tuần lễ Bánh Không Men, Ổng hẹn tụi tôi ăn Lễ Vượt Qua với Ổng tại một căn phòng bí mật trên lầu hai của một căn nhà trong thành. Thường thì đây là ngày zui nhất của thầy trò tui tôi. Nhưng lần ấy là một ngoại lệ. Lúc đầu mới zô thì còn thấy zui zẻ, thầy trò cụng ly chan chát cho đến khi Ổng thông báo một tin động trời: “Có một người trong anh em sẽ nộp thầy” (Mt 26,21).

Ai nấy đều nhìn nhau, và một bầu khí u ám bắt đầu bao trùm lấy căn phòng tiệc ly năm ấy. Những ánh mắt nghi hoặc bắt đầu ánh lên. Những tiếng nói xầm xì, bàn tán. Những câu hỏi được đưa: “chẳng lẽ con sao?”, Ổng đều không trả lời cho đến khi Giu đa Ít-ca-ri-ốt, người quản lý của tui tôi hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?" Ổng mới trả lời : "Chính anh nói đó !" (Mt 26,25). Thì ra là hắn, kẻ phạn bội. Bầu khí căn phòng bắt đầu nặng nề thêm, sau khi biết Giu-đa là kẻ nộp thầy.

Sau khi hát thánh vịnh xong, Ổng dẫn tụi tôi lên núi Ô-liu. Trên đường đi Ổng lại một thông báo một tin động trời khác: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác”(Mt 26,31). Tôi liền liền thưa với Ổng: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã." Ổng liền cảnh báo tôi rằng: "Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần." Tôi không tin. Làm sao lại zậy được. Tôi khí thế hừng hực như zậy mà sao mà chối Ổng được. Tôi lại khẳng định: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Và tất cả các anh em khác cũng đều nói như vậy (Mt 26, 33-35).

Sau đó, Ổng dẫn chúng tôi đến vườn Giết-sê-ma-ni. Ổng đưa ba đứa tụi tôi, tôi, Gia-cô-bê, và Gioan, và dặn tụi tôi “hãy ở lại đây mà canh thức”. Nhưng mà ổng vừa đi thì tụi tôi đã lăn ra ngủ khò. Có tý rượu, buồn ngủ thấy mồ. Quay lại lần thứ nhất, thấy tụi tôi đang ngủ, Ổng lại nhắc: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mc 14,38). Như nước đổ lá môn vậy, Ổng vừa đi tụi tôi lại ngủ, và đến ba lần Ổng quay lại thì tụi tôi vẫn ngủ. Và tôi nghĩ có lẽ vì tui tôi không nghe lời Ổng, không canh thức mà cầu nguyện nên tụi tôi đã sa chước cám dỗ hết.

Đêm hôm ấy, với sự chỉ điểm của Giu-đa, một người trong chúng tôi, đám thuộc hạ của các kinh sư, pha-ri-sêu và kỳ mục đã đến bắt Ổng. Lúc đầu tôi còn hùng hổ, lấy gướm chém một phát đứt tai bên phải một tên đầy tớ. Ai ngờ! Ổng lại không phản kháng gì cả. Ổng để cho người ta bắt. Tụi tôi hoảng quá, mỗi đứa chạy mỗi đường. Có thằng còn tụt cả quần áo để chạy thoát thân.

Lúc ấy không biết gan hùm của tôi đi đâu mất chỉ còn gan thỏ không à. Tôi sợ thấy mồ, nhưng vẫn rất yêu Ổng. Thấy họ bắt Ổng đi tui bỏ không đành, nên ráng theo Ổng xa xa kẻo người ta phát hiện. 

Trốn hết sức luôn. Nhưng vì trời lạnh quá nên tôi lần mò đến sưởi ấm ké với người ta. Ai ngờ, cái con đầy tớ vị thượng tế nó phát hiện. Nó hô lên: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì!” Tôi liền chối trước mặt mọi người mà nói: "Tôi không biết cô nói gì!”. 

Hú hồn! tôi ráng chịu lạnh lẻn ra ngoài cổng cho an toàn. Không ngờ ra đó lại gặp một người tớ gái khác. Nó liền nói với những người ở đó: "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy." Ôi trời! hồn vía lên mây. Tôi lại thề mà chối: "Tôi không biết người ấy." 
Tưởng thoát nạn rồi. Ngờ đâu, một lát sau, những người đứng đó xích lại gần tôi mà nói: "Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay." Hết cách rồi. Bấy giờ ông tôi liền thề độc mà quả quyết rằng: "Tôi thề là không biết người ấy." Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Tôi sực nhớ lời Ổng đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần." Và tôi đã ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Xc. Mt 26,69-75).

Có một sự trớ trêu mà ít ai biết trong đêm Ổng bị bắt năm ấy. Trong khi, trong dinh vị Thượng Tế, Ổng bị Thượng tế Cai-pha chất vấn về các môn đệ và giáo huấn của Ổng, “Ổng trả lời: ‘Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì." (Ga 18,20-21).

Và cũng chính lúc ấy ngoài sân dinh của vị Thượng tế, tôi đã chối dứt khoát rằng tôi không biết Ổng đến 3 lần (Ga 18,17.25.26). Dường như tôi đang chối bỏ thân phận môn đệ của mình, chối bỏ tương quan mật thiết bấy lâu giữa tôi với Ổng.

Tuy nhiên, đó lại là lúc tôi nói thật nhất về mối tương quan giữa ông cũng như tất cả cả môn đệ khác với Thầy mình: Tôi cũng như tất cả mọi môn đệ khác thật sự không biết Ổng là ai. 

Đức Giê-su trong tư thế người bị nạn không phải là Thầy uy lực, quyền năng của tụi tôi. Tôi đã cản bước Ổng khi ỔngThầy tiền báo cuộc thương khó lần thứ nhất và đến bây giờ tâm trạng tôi vẫn vậy. Ổng không phải là vị vua như tụi tôi mong đợi. Tụi tôi bỏ rơi Ổng, chối từ Ổng chính là biểu lộ cảm xúc thật của lòng mình.

Khi tôi chối lần thứ ba là không biết Ổng thì lập tức có tiếng gà gáy. Tôi nhớ lại lời Ổng đã cảnh báo tôi trước, cùng với ánh mắt của Ổng quay lại nhìn tôi. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt đó. Đó không phải là ánh mắt trách móc, nhưng là một ánh mắt đầy cảm thông, thương cảm. 

Dường như Ổng đọc được lòng tôi đang rối như tơ vò. Ổng thương tôi vì tôi sa ngã; vì tôi đang bơ vơ vô định. Bởi có lần tôi nói cùng Ổng:  bỏ Thầy thì con biết đến với ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68). Giờ đây, chối bỏ Ổng rồi tôi biết đi về đâu nữa. Chính ánh mắt ấy đã làm cho tôi đau đớn, hối hận thật nhiều và cảm thấy vẫn còn mối liên hệ yêu thương tình thầy trò giữa tôi với Ổng. dẫu tôi có chối bỏ Ổng thì Ổng vẫn không bỏ tôi. Ổng vẫn thương tôi như ngày nào, thậm chí còn thương tôi hơn.

Ngày Ổng bị xử tử tôi đau đớn tột cùng, nhưng cũng hết cách. Tôi thất vọng vô cùng, coi như mộng vàng ngày nào đã tan mau. Tôi quên mất những lời hứa rằng “ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy” nên dự định khi mọi chuyện tạm lắng xuống, xuôi về quê cũ, làm nghề đánh cá sống qua ngày cho xong.

Ai ngờ, ngày thứ ba, bà Maria Mác-đa-la và một số bà đi viếng mộ nói rằng xác Ổng đã bị ai lấy mất. Tôi và người môn đệ Chúa yêu vội vàng chạy ra, thì chỉ thấy ngôi mộ trống và khăn che đầu, cũng như băng vải liệm hãy còn đó. Người môn đệ Chúa yêu thì “đã thấy và đã tin”, còn tôi thì vẫn bối rối chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Cho đến, khi Ổng hiện ra với tôi và các môn đệ khác, đặc biệt là lần hiện ra trên biển hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,1-19). Lần ấy, Ổng lại giúp tụi tôi bắt được một mẻ cá lạ lùng đến nỗi không tài nào kéo lên được. Thế mà tôi vẫn không nhận ra Ổng. Chỉ khi người môn đệ Chúa yêu nói rằng: “Chúa đó” thì tôi mới nhận ra Ổng và vội khoác áo vào, bơi vào bờ.

Khi tụi tôi ăn xong, Ổng mới hỏi tôi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Tôi liền đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Ổng nói với tôi: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Ổng lại hỏi tôi lần nữa: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Tôi lại đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Ổng lại nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Ổng hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Lúc ấy, tôi buồn vì Ổng hỏi tới ba lần cùng một câu hỏi: "Anh có yêu mến Thầy không? " Tôi đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Ổng lại bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

Lúc đầu tôi nghỉ chắc Ổng chơi xỏ tôi khi hỏi đến ba lần như thế vì lúc xưa tôi đã chối Ổng ba lần. Nhưng sau đó, tôi nghĩ chắc là không. Chúa của tôi không biết chơi khăm ai hết. Ổng thương tôi không hết, lấy đâu mà chơi xỏ tôi. Sở dĩ Ổng hỏi tôi ba lần là muốn tôi đối diện với quá khứ mà tôi hằng muốn quên đi nhưng chẳng quên được, và cả cuộc đời tôi cứ mang hoài tâm tư của kẻ chối Chúa ấy. Ổng giúp tôi đối diện và giải quyết một lần, và sẵn sàng quên đi mọi sự kể từ đấy. Ngoài ra, Ổng muốn các anh em của tôi biết rằng tôi chắc chắn tình yêu của tôi dành cho Ổng. Và chính tình yêu ấy, sau bao nhiêu sóng gió, vẫn bền bĩ và đủ sức lãnh nhận trách vụ chăm sóc đàn chiên do Ổng trao cho.

Quả thật, dẫu cho bao lần tôi chối Ổng thì Ổng vẫn giữ lời hứa với tôi trước kia. Ổng sẵn sàng trao đoàn chiên của Ổng cho tôi, sẵn sàng trao cho tôi chìa khóa Nước Trời, dẫu biết rằng tôi bất xứng.

Giờ đây, tôi đã hiểu, đó không phải là một chức vụ, một vị trí bên hữu hay bên tả mà tụi tôi từng tranh giành, nhưng là một trách vụ mà tôi và mọi anh em phải đảm nhận để phục vụ Chúa và anh chị em mình. Tôi đã rao giảng cho không biết bao nhiêu ngàn người trở lại và cuối cùng được phúc chết như Thầy của mình. Nhưng mà, tôi cảm thấy mình không xứng được chết giống Thầy, nên tôi đã xin cho mình được đóng đinh ngược cái đầu xuống đất và hai chân lên trời.

Rồi những người kế nhiệm tôi cũng vậy. Họ tự xưng mình là tôi tớ của các tôi tớ. Họ sẵn sàng yêu Chúa, dấn thân phục vụ anh chị em cho đến cùng.

Ổng đã đến trong đời tôi trong hoàn cảnh bi đát, thất bại của sự nghiệp. Ổng giúp tôi thành công trong việc đánh cá khi mà tôi đã vất vả suốt đêm chẳng được gì. Nhưng rồi lại giúp tôi hiểu rằng vấn đề không phải ở chỗ đánh được cá hay không đánh được cá. Vấn đề cơm áo đối với Ổng dễ như trở bàn tay, nhưng đó chỉ là một thứ gia vị trong cuộc đời một con người. Còn một vấn đề quan trọng hơn ảnh hưởng đến vận mệnh thiên thu bất tận của đời người. Đó là: Theo Ổng và trở thành những kẻ lưới người như Ổng. Để làm việc đó thì trước nhất tôi phải từ bỏ những giấc mơ cơm áo gạo tiền tầm thường của một người ngư phủ, để dẫn bước theo Ổng, bước vào một cuộc phiêu lưu không nhà không cửa không ban bè không người thân không sự nghiệp chẳng cơm áo cũng chẳng gạo tiền.

Tôi đã mất cả đời người, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm bên Ổng để rồi nhận ra được thế nào là một kẻ lưới người. Đến cuối cùng câu hỏi mà Ổng hỏi tôi, và tôi cũng thấy đó là điều cần thiết nhất trong cuộc đời tông đồ của tôi. Đó là: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Đó là câu hỏi tiên quyết, hậu quyết, toàn quyết quan trọng bậc nhất để Ổng giao lại cho tôi nhiệm vụ lưới người như lưới cá. Tôi thì không có gì cả, học thức, bằng cấp, hùng biện, địa vị, tiền bạc… lại còn là kẻ tội lỗi tày trời. Tội lỗi ngày xưa tôi thú nhận với Ổng trên thuyền cá lạ lùng chỉ là khởi đầu cho tội lỗi mà tôi phạm phải với chính Ổng trong dinh thượng tế. Nhưng được một cái là: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Có hỏi 3 lần hay hơn nữa tôi vẫn trả lời vậy thôi. Chính cái đó đã giúp tôi gắn bó với Ồng và trung thành với sứ vụ Ổng trao đến trọn đời.

Nước Trời, không ngày, không tháng, không năm
Người giữ cửa Thiên Đàng

Phê-rô
Fr.Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment