Sáng nay, khi vào thăm facebook, tôi đọc được một dòng
Status của một người bạn share lại Status của Tung Thanh Nguyen, có một phần nội
dung như sau: “Đã đến lúc nói lên câu giã từ VN ơi xin gút bai. Chỉ còn đôi ta
bên nhau, sau một giấc mộng tan tành….
Tiếc cho ông Kurt, sau 21 năm mới biết là chùm khế đang ngọt, hóa ra lại chua
lè. Hiện nay ông ấy rất mong muốn bán lại miếng đất của vợ chồng ông ấy. ..”.
Tôi vội nhắn tin hỏi anh bạn tôi về ông Kurt này. Anh trả lời bằng một câu ngắn
gọn: “tìm thông tin từ Google đi”.
Thế là, tôi tức tốc, mở trang Google để tìm kiếm thông tin về
ông Kurt này. Thì ra, Ông là người đã có công rất nhiều với các vùng quê Việt
Nam. Tên đầy đủ của ông là Kurt Leander Jensen Lendar, là một khách du lịch người
Đan Mạch. Sau một lần đi du lịch ở Việt Nam đã sánh duyên với một người phụ nữ
Việt Nam tên là Tiêu Thị Ngọc Sang. Trong một lần về thăm quê vợ có người nhờ
ông gắn giúp lại vài tấm ván cho chiếc cầu treo, nhưng chiếc cầu quá cũ không
thể nào sửa được nữa. Thế là ước mơ làm một cây cầu đã nảy sinh trong ông. Và trong
khoảng thời gian sống ở Việt Nam, cặp vợ chồng này đã hoàn tất 24 cây cầu nằm
trong chương trình trợ giúp của chính quyền Đan Mạch. Họ còn tham gia xây luôn
cả 5 ngôi trường học.
Thương người giúp đời là thế, nhưng cuộc sống hai ông bà lại gặp khó khăn
lúc tuổi già. Sau hai lần bị lừa, mua phải những khu đất dự án treo, và đất quy
hoạch, ông bà lui về mua một một mảnh đất
nằm sát quốc lộ 1A, gần đồi quạt gió ở Tuy Phong, Bình Thuận. Cũng rất cần mẫn,
chịu thương chịu khó, cày sâu cuốc bẫm, nhưng vẫn không đem lại một hy vọng khả
quan lắm cho đôi bạn già nơi vùng nắng rát, gió lùa này….
Ngày xưa, lúc Đức Giê-su đi rao giảng và loan báo Tin Mừng
Nước Thiên Chúa, có rất nhiều người đồng hành với Người: Nhóm Mười Hai và mấy
phụ nữ đã được người trừ quỹ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a
Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da
quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà lấy của cải
mình mà giúp Đức Giê-su và các môn đệ (Lc 8,1-3).
Có những phụ nữ trong nhóm này, đặc biệt là bà Maria
Mác-đa-la, đã hiện diện với Chúa trong suốt tiến trình rao giảng cho đến dưới
chân thập giá, bên ngôi mồ trống, và thậm chí vào buổi sáng Chúa Phục Sinh. Đây
quả là những con người hết sức đặc biệt.
Sở dĩ các bà có thể dấn thân theo Chúa cách trọn vẹn như thế
có thể là do các quan quyền không để ý nhiều đến phụ nữ. Thế nhưng điều quan trọng
hơn là tâm huyết của chính họ; nhiệt tâm của chính họ trong sứ vụ loan Tin Mừng
của Chúa. Phụ nữ trong xã hội Do Thái không được coi trọng lắm.
Thế nhưng, trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa,
phụ nữ có thể được xếp chung nhóm với Nhóm Mười Hai, thậm chí là trội vượt hơn
Nhóm Mười Hai, ít ra trong trường hợp bà Maria Mác-đa-la. Chính bà là người đầu
tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, là người đầu tiên được vinh dự Đức Giê-su hiện
ra sau phục sinh. Và cũng chính bà lãnh lấy sứ mạng loan Tin Mừng Phục Sinh cho
các môn đệ trực tiếp từ Đức Giê-su.
Chúa Giê-su dĩ nhiên không muốn khởi xướng một phong trào nữ
quyền, cũng như thần học nữ quyền. Điều người muốn mời gọi là tính cách đại đồng
trong sứ vụ. Mọi con người sinh ra trên trần gian này đều có một vai trò và
trách nhiệm quan trọng như nhau trước mặt Chúa. Điều quan trọng nhất là sự nhiệt
tâm đóng góp công sức của mình. Các môn đệ thì bỏ mọi sự để theo Chúa; còn các
bà thì chẳng những bỏ mọi sự mà còn lấy của cải mình để giúp Đức Giê-su và các
môn đệ.
Đây là những phụ nữ đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh.
Sức khỏe mà Chúa Giê-su mang lại cho họ, của cải mà họ có, đều chỉ để phục vụ
cho một mục đích duy nhất là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Ngày nay cũng có rất nhiều người quảng đại hy sinh thời
gian, tiền bạc của cải cho công việc xây dựng Nhà Chúa, cũng là nhà chúng ta vì
chúng ta ở trong Nhà Chúa, giống như Ông Kurt và Bà Sang vậy. Thế nhưng, cũng
có vô số người chỉ lo chăm chút cho sức khỏe, sắc đẹp, tuổi xuân, vun vén của cải
cho bản thân mà chẳng màng nghĩ tới việc phải mang Tin Mừng, tin vui đến cho
người khác. Thậm chí, cho người dành lấy niềm vui, nụ cười, và cả mạng sống của
người khác để vun vén cho bản thân mình.
Hành động phá thai là một minh chứng táo bạo, khủng khiếp
đáng sợ nhất về một lối sống phản Tin Mừng của những ông bố, những bà mẹ, những
ông bà ngoại, những lương y, những con người, những chế độ ủng hộ “chọn lọc tự
nhiên”. Họ không những không hy sinh cuộc đời mình để loan báo Tin Mừng Nước
Thiên Chúa, và còn bắt người khác hy sinh mạng sống để cho mình được sống.
Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II gọi đó là một nền văn
minh sự chết của xã hội đương thời, đối lại với nền văn minh tình thương và Đức
Ki-tô muốn giới thiệu. Trong nền văn minh sự chết, người ta có thể man rợ đến độ,
hành hạ giết chết người khác chỉ vì một vài con chó, một vài con gà bị đánh cắp…
Trong nền văn minh sự chết, người ta có thể khuyến khích cho các bà mẹ giết chết
con mình ngay từ trong lòng mẹ để xã hội bớt nghèo đói bệnh tật. Trong nền văn
minh tình thương thì một người dám hy sinh cho người khác được sống. Ngược lại
trong nền văn minh sự chết thì một người sẵn sàng hy sinh người khác để cho
mình được sống.
Ước mong cho mọi người thế gian này biết đặt trọng tâm nơi sứ
điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành động. Mỗi người
không phân biệt tuổi tác, màu da, giới tính, chủng tộc, giai cấp… đều được mời
gọi đem niềm vui và nụ cười cho người khác. Nếu được như thế thì xã hội này sẽ
đầy ắp những tiếng cười.
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có bài hát nổi tiếng “Mỗi ngày tôi chọn
một niềm vui” với những ca từ hết sức ý nghĩa: “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,
chọn những bông hoa và những nụ cười”. Niềm vui ấy không nhưng là cho tôi nhưng
còn cho người khác nữa. Niềm vui trao ban và niềm vui lãnh nhận. Niềm vui san sẻ
và niềm vui chung chia. Và cuộc đời sẽ tràn ngập bầu khí vui vẻ.
No comments:
Post a Comment