Friday 27 November 2020

"HÃY COI CHỪNG, HÃY TỈNH THỨC"

CNI MV B (Is 63, 16-17.19; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mac-cô

33 “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

Bối cảnh phụng vụ: Đoạn Tin Mừng hôm nay được chọn làm chủ đề cho Chúa Nhật đầu tiên của năm phụng vụ. Chúng ta vừa kết thúc năm phụng vụ với tuần 34 mùa thường niên năm A. Cũng nên nhớ lại, năm phụng vụ bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc bằng Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên. Chúa Nhật 34 thường niên luôn luôn là lễ trọng Mừng Chúa Giê-su Ki-tô vua vũ trụ. Tuy vậy, đỉnh cao của năm phụng vụ không phải là ngày Mừng Lễ Chúa Ki-tô Vua, nhưng là Tam Nhật Thánh: Mừng mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh của Chúa Giê-su. Chúa Nhật này chúng ta lại tiếp tục chu kỳ phụng vụ 3 năm A, B và C. Năm Phụng Vụ năm nay là năm B. Tin Mừng Chúa Nhật được chọn trong suốt năm nay là Tin Mừng theo thánh Mac-cô (Năm A: Tin Mừng theo Thánh Matthew và năm C: Tin Mừng theo thánh Luca).[1] Phụng vụ Lời Chúa của Mùa Vọng luôn nhấn mạnh đến sự chờ mong. Mùa Vọng thường là để chuẩn bị mừng đại Lễ Giáng Sinh, nên cái mong chờ gần của người tín hữu có thể được xem là niềm mong chờ đại Lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế (Happy Birthday to Jesus). Tuy nhiên, quan trọng hơn, Mùa Vọng cũng là thời gian chuẩn bị để đón mừng Chúa Giê-su trở lại lần thứ hai “để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Hay nói đúng hơn Mùa Vọng có mục đích kép: đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh và đón Chúa trở lại lần thứ hai. Hai mục đích này không tách biệt nhau. Bởi lẽ, cùng là để đón Chúa. Sự chuẩn để mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế, không khác biệt với sự chuẩn bị Mừng Chúa đến lần thứ hai. Đón Chúa vào nhà mình, đón Chúa vào lòng mình, đón Chúa quang lâm đều cần cùng một sự chuẩn bị sẵn sàng như nhau. Chủ đề Lời Chúa của những ngày đầu năm Phụng vụ tiếp nối chủ đề của những ngày cuối năm Phụng vụ. Nó cũng nói về việc chờ đợi, và sẵn sàng luôn luôn.

Bối cảnh đoạn Tin Mừng: Đoạn Tin Mừng này là đoạn cuối cùng trong những bài giảng về thời cánh chung của Tin Mừng theo thánh Mac-cô. Cũng như các Tin Mừng Nhất Lãm khác (Luca và Matthew), Tin Mừng Mac-cô cũng kết thúc những bài giảng của Chúa Giê-su bằng những bài giảng về thời cánh chung. Hay nói đúng hơn, Matthew, và Luca, là những Tin Mừng được soạn sau (theo sự đồng thuận của nhiều tác giả theo thuyết hai nguồn văn), nên thường theo mẫu thức của Tin Mừng Mác-cô. Tuy Matthew thêm khá nhiều dụ ngôn khác, ông vẫn lấy lại nhiều tư liệu tương tự như Mac-cô. Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B (Mc 13,33-37) cũng được Matthew (Mt 25,13-14) lấy lại phần đầu, nhưng phần sau được thay bằng dụ ngôn những talanton. Matthew kết thúc loạt bài giảng về thời cánh chung bằng dụ ngôn “chiên và dê” (hay cuộc phán xét) (Mt 25, 31-46), trong khi đó Mac-cô kết thúc nó bằng lời mời gọi “hãy tỉnh thức” (Mc 13, 33-37). Đây có thể là đỉnh cao giáo huấn về thời cánh chung của Chúa Giê-su theo Mac-cô, hay là lời đúc kết cho các bài giảng về thời sau hết.

Một vài điểm chú giải:

1.  Phải ý thức, để ý (βλέπω): Động từ này “blepo” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa chính yếu là nhìn, xem, nhưng trong bối cảnh này nó được dùng ở thể mệnh lệnh với nghĩa cảnh báo: hãy coi chừng, hãy cảnh giác. Nói theo ngôn ngữ bình dân là: “hãy liệu hồn”. Trong tất cả các tác giả Sách Tin Mừng, Mác-cô là tác giả sử dụng nhiều nhất động từ này ở mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai số nhiều (các anh hãy nhìn, hay là các anh hãy coi chừng). Mác-cô dùng tất cả tám lần (Mc 4,24; 8,15.18; 12,38; 13,5.9.23.33) trong khi đó Matthew (Mt 11,4; 13,17; 24,2.4) và Luca (Lc 8,18; 10,23; 10,24; 21,8) cùng dùng bốn lần. Vì lẽ đó, đây có thể được xem là động từ đặc trưng của Mác-cô. Trong tám lần xuất hiện trong Tin Mừng Mác-cô, thì có đến bảy lần động từ này được dùng dưới dạng mệnh lệnh cách mang tính cảnh báo cao độ. Trong khi đó, Matthew dùng bốn lần thì chỉ có một lần ở dạng mệnh lệnh cách. Luca thì khá hơn khi sử dụng hai lần động từ này ở mệnh lệnh cách. Thật ngạc nhiên! Không biêt sao mà Chúa Giê-su của Mác-cô lại sử dụng nhiều lời cảnh báo “hãy coi chừng” như vậy. Trong bảy lần cảnh báo “hãy coi chừng” thì chương 13 chiếm đến bốn lần. Nghĩa là trong bài giảng về thời cánh chung, lời cảnh báo này trở nên khẩn thiết đến dồn dập. Khi đọc chương 13 người ta cứ nghe nhắc đi nhắc lại như điệp khúc: “hãy đề cao cảnh giác”, “hãy cảnh giác đề cao”, “hãy hết sức coi chừng” và “hãy coi chừng hết sức” … chúng ta hãy thử lược lại những cảnh báo đi theo động từ này trong Tin Mừng Mac-cô. Thứ nhất, “hãy hết sức để ý đến điều mà anh em nghe, vì với mức độ anh dùng, nó sẽ được đong lại cho anh và còn được thêm nhiều hơn cho anh” (Mc 4,24). Thứ hai, Đức Giê-su dặn các môn đệ là “hãy hết sức coi chừng, ý tứ đến men Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê” (Mc 8,15). Thứ ba, Đức Giê-su lại cảnh báo các môn đệ về nhóm lãnh đạo khác, nhóm kinh sư: “hãy hết sức coi chừng các kinh sư, những kẻ thích dạo bộ vòng vòng với bộ áo dài thích được chào hỏi nơi chợ búa” (Mc 12,38). Thứ tư, “hãy cảnh giác, để không ai dẫn anh em lạc đường” (Mc 13,5). Thứ năm, “hãy lưu tâm vì họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và anh em sẽ bị đánh đập trong các hội đường” (Mc 13,9). Thứ sáu, hãy cảnh giác trước những ki-tô giả, ngôn sứ giả, những kẻ làm những dấu lã và dẫn các môn đệ lạc đường (Mc 13,23). Và cuối cùng, chính là trong đoạn Tin Mừng này, “hãy hết sức coi chừng vì anh em không biết khi nào thời gian ấn định sẽ đến” (Mc 13,33). Đây là lời cảnh báo hết sức quan trọng trong Tin Mừng Mac-cô nói chung và đặc biệt trong trình thuật về cánh chung.

2.  Phải tỉnh thức (ἀγρυπνέω, γρηγορέω): Mệnh lệnh “hãy tỉnh thức” (hãy canh thức) được lặp lại bốn lần trong đoạn văn chỉ vọn vẹn năm câu. Đó cũng không phải là một nhịp độ bình thường. Do vậy, “hãy tỉnh thức” cũng là một mệnh lệnh hết sức khẩn thiết và dồn dập. Mệnh lệnh này đóng khung đoạn văn này. Nghĩa là đoạn văn bắt đầu bằng câu có mệnh lệnh này (Mc 13,33) và kết thúc cũng bằng chính mệnh lệnh ấy (13,37). Cấu trúc này thường được gọi là cấu trúc incluso. Có thể thấy chủ đề nổi bật nhất của đoạn Tin Mừng này là mệnh lệnh “hãy tỉnh thức”. Mệnh lệnh này được lặp lại bốn lần bởi hai động từ khác nhau “ἀγρυπνέω” và “γρηγορέω” có nghĩa tương tự. Động từ “ἀγρυπνέω” được sử dụng duy nhất một lần trong đoạn văn này, trong khi đó ba lần còn lại thuộc về động từ “γρηγορέω”. Động từ “ἀγρυπνέω” được các bản dịch Việt Ngữ (CGKPV), bản dịch Anh Ngữ (ESV), bản dịch Pháp Ngữ (TOB), và bản dịch Ý Ngữ (CEI), đồng loạt hiểu là “hãy tỉnh thức” (không ngủ). Thật ra, động từ này được đặt ngay sau động từ “hãy coi chừng” (βλέπω 13,33), và nó cũng có nghĩa là “hãy coi chừng”. Có thể nó dùng để tăng thêm mệnh lệnh của động từ (βλέπω), bởi vì cùng với động từ blepo nó làm thành một mệnh lệnh kép. Nhiều bản viết tay khác như là א C L W[2] và nhiều bản viết tay muộn hơn có thêm mệnh lệnh “hãy cầu nguyện” vào ngay sau hai mệnh lệnh này. Nghĩa là, câu mở đầu của đoạn văn này thành “hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện” thay vì, “hãy coi chừng và hãy tỉnh thức”. J. Donahue – D. Harrington cho rằng việc thêm vào mệnh lệnh cầu nguyện ở đây là do ảnh hưởng bởi mệnh lệnh của Chúa Giê-su trong vườn Giết-sê-ma-ni (Mc 14,38).[3] Trong các tác giả Tân Ước, chỉ có Mác-cô và Luca (Lc 21,36) sử dụng động từ này ở mệnh lệnh cách với cùng ý nghĩa. Mac-cô sử dụng thường xuyên hơn động từ “γρηγορέω”. Động từ này được Mác-cô sử dụng tất cả bốn lần ở thể mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai số nhiều. Hai lần trong đoạn văn này (Mc 13,35.37) và hai lần còn lại dành cho các môn đệ trong Vườn Cây Dầu (14,34.38). Rõ ràng, động từ này nối kết trình thuật về cánh chung với trình thuật về cuộc thương khó. Trong cả hai trường hợp, các môn đệ, hoặc rộng hơn là các tín hữu đều được mời gọi “hãy tỉnh thức”. Động từ “γρηγορέω” đôi khi còn được dùng ẩn dụ với nghĩa là còn sống, đối lại với việc đã chết như trong thứ thứ nhất Thexalonica (1Tx 5,10).

3.  Vì không biết khi nào là thời điểm đã được ấn định (ὁ καιρός). Mệnh đề được bắt đầu bằng một liên từ chỉ lý do (γὰρ) nhằm lý giải cho mệnh lệnh “phải coi chừng”, “phải canh thức”. Danh từ thời điểm được xác định bởi mạo từ cho thấy nó diễn tả một thời điểm rõ ràng chứ không phải bất cứ loại thời điểm nào. Ngoài lần này, Mác-cô còn sử dụng hai lần khác danh từ này với mạo từ xác định (ho kairos, the time). Lần thứ nhất, ngay từ đầu Tin Mừng, Chúa Giê-su cho biết là thời kỳ đã mãn, và Nước Trời đã đến gần bên (Mc 1,15). Và tiếp theo sau đó là lời mời gọi hết sức long trọng: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là thời điểm của Đức Giê-su, của Đấng Messiah, hay thời điểm Chúa hoàn thành lời hứa ban Đấng Messiah cho dân Người. Một lần khác, trong dụ ngôn cây vả không ra trái, danh từ này được dùng để chỉ về thời điểm mùa vả. Trong bối cảnh này, bối cảnh mà Đức Giê-su tiền báo về việc “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong mây trời mà đến” (Mc 13,26), “Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13,28), thì “thời điểm ấn định, ho cairos, the time” rất có thể ám chỉ đến thời điểm xuất hiện của Con Người.[4] Thời điểm này là bí mật, nói theo kiểu các nhà nho là “thiên cơ bất khả lộ”. Chúa Giê-su chốt hạ tính bí mật của nó: “Không ai có thể biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Con Người. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).

Điệp khúc: “không ai biết”, “vì các anh không biết” (Mc 13,32.33.25) cho thấy lý do rõ ràng mạnh mẽ của lời mời gọi “hãy coi chừng” và “hãy canh thức”. Vì không biết lúc nào cho nên phải luôn luôn canh thức.

4.  Như một người đi phương xa (ἀπόδημος): Người này được định nghĩa bằng tính từ apodemos, nghĩa là người ở xa quê hương, người đang ở trong chuyến hành trình xa quê hương. Cũng cùng một cách diễn tả như Matthew (Mt 25,14) trong dụ ngôn những talanton (những nén bạc). Tuy nhiên, Matthew dùng động từ “di xa” ở dạng động từ thêm -ing, chứ không phải tính từ như Mac-cô. Thế nhưng, ý định có lẽ cũng như nhau. Sự vắng mặt của chủ nhà để lại một không gian tự do và trách nhiệm cho từng người đầy tớ. Mức độ trưởng thành của từng người đầy tớ sẽ được kiểm chứng. Không có mặt ông chủ, người đầy tớ sẽ hành động một cách chuyên nghiệm, hành động với lương tâm, với tình yêu và trách nhiệm chứ không phải vì ông chủ đang nhìn. Một người đầy tớ trưởng thành và trách nhiệm là rất đáng quý, nhưng những người đầy tớ đích thực như thế thường không có nhiều. Trong đời sống tu trì hay trong công đời sống công sở, người ta thường gặp những tu sĩ hay những nhân viên chỉ làm việc chăm chỉ, tích cực trước mặt bề trên hay cấp trên. Vắng mặt bề trên, cấp trên, những bề dưới và thuộc cấp thiếu trưởng thành và thiếu trách nhiệm, thường làm việc lơ là, gian dối và kém hiệu quả hơn. Thiên Chúa dường như vắng mặt trong cuộc đời mỗi người tín hữu, Ngài trao lại không gian hoạt động hoàn toàn cho họ và mong chờ họ hành động một cách trách nhiệm, tín thành và trưởng thành. A. Collins – H. Attridge cho rằng người đàn ông đi xa chính là Chúa Giê-su Phục Sinh và những người đầy tớ chính là cộng đoàn môn đệ sau Phục Sinh.[5] Cộng đoàn này có thể mở rộng ra cho tất cả tất cả những tín hữu qua mọi thời đại.

Liên từ “như là” (ὡς) được đặt nối liền với lời cảnh báo “phải coi chừng”, “phải canh thức” và lý do của mệnh lệnh ấy. Mệnh đề bắt đầu bằng liên từ này nhằm minh họa, làm rõ, cho mệnh lệnh và lý do phía trước. Mệnh lệnh “hãy canh thức” của Đức Giê-su sẽ được minh họa bằng mệnh lệnh tương tự của chủ nhà dành cho người giữ cửa. Lý do “vì không biết khi nào thời điểm ấn định” được minh họa bằng việc những người đầy tớ và người giữ cổng sẽ không biết lúc nào chủ nhà về.

5.  Trao quyền cho các đầy tớ của mình (δοὺς τοῖς δούλοις αὐτοῦ τὴν ἐξουσίαν): khác với ông chủ trong dụ ngôn những talanton (Mt 25,14-30) hay dụ ngôn mười nén bạc (Lc 19,11-27), ông chủ của Mác-cô không trao talanton hay những nén bạc, cái mà ông trao cho họ là quyền, mỗi người theo công việc của mình. Danh từ quyền (ἐξουσίαν), với chức năng túc từ trực tiếp, được Mác-cô sử dụng bảy lần (Mc 1,22.27; 2,10; 3,15; 6,7; 11,28; 13,34). Bốn lần được dùng để diễn tả quyền của Đức Giê-su: người ta ngạc nhiên vì Đức Giê-su giảng dạy như một đấng có uy quyền (Mc 1,22.27), Đức Giê-su xác nhận rằng Con Người có quyền tha tội (Mc 2,10), Đức Giê-su bị chất vấn về quyền thanh tẩy đền thờ (Mc 11,28). Hai lần quyền này được Đức Giê-su trao cho các môn đệ: Nhóm Mười Hai được chỉ định và sai đi rao giảng, có quyền trừ quỷ (Mc 3,15; 6,7). Như thế, các người đầy tớ được trao quyền ở trong bối cảnh này có thể liên quan đến các môn đệ, hay cộng đoàn của Mác-cô, hay rộng hơn là tất cả các độc giả qua mọi thời đại.[6] A. Collins – H. Attridge cho rằng hình ảnh người giữ cửa cũng ám chỉ đến một hình ảnh khác. Chức năng của người giữ cửa là bảo vệ tài sản của chủ nhà. Họ còn cho rằng “nhiệm vụ” được giao ở đây rất có thể ứng với những cảnh báo coi chừng các ngôn sứ và messiah giả đã đề cập trước trong các câu 5b-6 và 21-23, nơi mà cảnh báo “hãy coi chừng”, cùng với mệnh lệnh “hãy canh thức” trong câu 34 đồng thời xảy ra.[7] Tuy nhiên, công việc, phận vụ ở đây có thể ám chỉ đến bất cứ phận vụ nào thường ngày của người đầy tớ. Đó cũng là phận vụ đức tin của các tín hữu đối với Chúa và với tha nhân. Ông chủ, Chúa đã trao toàn quyền xử lý công việc cho từng con dân của Chúa. Họ phải dùng tất cả những tài năng Chúa ban hết khả năng của mình để biểu tỏ tình yêu với Chúa và tha nhân hay là qua tha nhân.

6.  Chập tối (ἢ ὀψὲ) … nữa đêm (ἢ μεσονύκτιον) … gà gáy (ἢ ἀλεκτοροφωνίας) … tảng sáng (ἢ πρωι) … thình lình (ἐξαίφνης). Bốn loại thời gian khác nhau được đề cập trong câu này rất có thể ám chỉ đến bốn canh của một đêm theo cách phân chia của người Rô-ma. Mỗi canh kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ.[8] Tất cả các thời điểm được nhắc đến là cách nói bao quát. Tác giả dụ ngôn muốn nói rằng, tất cả khoảnh khắc của một đêm. Từ khoảnh khắc bình thường là lúc chập tối cho đến khoảnh khắc bất thường nhất là lúc gà gáy. Người giữ cửa phải canh thức suốt, không được lơ là một khoảnh khắc nào. Danh từ “canh” (φυλακή) trong Hy Ngữ, cũng có nghĩa là canh gác, canh chừng, hay nhà tù, là nơi người ta cũng nhốt và canh chừng các tù nhân. Danh từ tiếng gà gáy (ἢ ἀλεκτοροφωνίας) được ghép bởi danh từ “con gà trống” (ἀλέκτωρ) và danh từ “tiếng gọi” (φωνῆς). Con gà kêu, con gà gáy gợi nhớ đến trình thuật về cuộc thương khó trong đó sự kiện gà gáy được nhắc đến hai lần (Mc 14,30.72). Lần thứ nhất là lời cảnh báo hết sức nghiêm túc của Đức Giê-su đối với Phê-rô. Lời cảnh báo được bắt đầu bằng từ Amen: “quả thật, thầy nói với anh, ngay đêm nay, trước khi gà gày lần thứ ba, anh đã chối thầy đến ba lần” (Mc 14,30). Và lần thứ hai, chính là lúc lời cảnh báo của Đức Giê-su ứng nghiệm (Mc 14,72). Phê-rô đã quá tự tin vào sức riêng của mình. Ông đã khẳng định rằng: dù tất cả có bỏ thầy thì ông cũng không bỏ thầy (Mc 14,29), và dù có phải chết ông cũng không chối thầy mình (Mc 14,31). Đó là lời khẳng định kép. Nó đóng khung lời cảnh báo của Đức Giê-su. Không ai có thể tin rằng, những lời khẳng định ấy lại bị bẻ gãy tan tành như thế. Có lẽ, chính Phê-rô cũng không thể tin nổi. Tuy nhiên, nó đã xảy ra như Đức Giê-su cảnh báo.

7.  Đang ngủ (καθεύδοντας): Động từ ngủ “καθεύδω” được ở thể động từ thêm -ing[9] (καθεύδοντας) làm túc từ cho động từ tìm thấy, phát hiện ra (εὑρίσκω), được sử dụng nhiều nhất trong Tin Mừng Mac-cô, (ba lần: 13,36; 14,37.40), so với Matthew (hai lần: 26,40.43). Luca và Gioan không có cách dùng này. Ngoài dụ ngôn này ra, Mác-cô dùng hai lần khác nữa, đều để diễn tả Chúa Giê-su và các môn đệ trong trình thuật về cuộc thương khó. Cấu trúc ý chang là: một ai đó tìm ra một ai đó đang ngủ. Trong dụ ngôn này: chủ nhà tìm thấy các anh (đại từ ngôi thứ hai số nhiều) đang ngủ. Chủ nhà có thể là Chúa Giê-su, hoặc là Thiên Chúa, và các anh, rất có thể là các môn đệ, hay những người đang nghe Chúa Giê-su giảng, và thậm chí tất cả những ai đọc Tin Mừng. Trong bối cảnh cuộc thương khó, Chúa Giê-su tìm thấy các Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đang ngủ. Nói thế không có nghĩa là những môn đệ còn lại đều thức. Những môn đệ còn lại chắc còn ngủ say hơn vì không bị Chúa Giê-su quấy rầy. Ba ông này được đem đi xa hơn, gần Chúa Giê-su hơn mà vẫn bị phát hiện là “đang ngủ” đến ba lần chứ không phải một lần (Mc 14,37.40.41). Ngoài cấu trúc Người tìm thấy các ông đang ngủ thì Mac-cô còn thêm một lần nữa Chúa Giê-su khám phá ra họ vẫn đang ngủ qua câu hỏi của Chúa Giê-su: “các anh vẫn ngủ sao?”. Hành động “ngủ” li bì của các môn đệ cứ đi kèm với mệnh lệnh “hãy canh thức” (14,34.37) và “hãy canh thức và cầu nguyện” (14,38) của Chúa Giê-su. Ngủ là một nhu cầu hết sức bình thường của một con người. Ai cũng cần phải ngủ và Chúa Giê-su cũng từng ngủ trên thuyền (Mt 8,24; Mc 4,38). Tuy nhiên, ngủ khi được cảnh báo là phải tỉnh thức là một thái độ lỳ lợm, sơ sài, sai sai sao ấy của những người theo Chúa.[10] Ngủ khi có trách nhiệm phải thức như những người canh cổng, lính gác, bảo vệ… là thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Chắc chắn động từ ngủ ơ đây không chỉ có nghĩa về mặt thể lý nhưng là một giấc ngủ về mặt Đức tin. Ngủ cũng có nghĩa là chết. Trong trình thuật về Lazaro, Chúa Giê-su nói rằng Lazaro đang ngủ, ám chỉ đến cái chết của anh, nhưng các môn đệ lại tưởng là Thầy mình nói về giấc ngủ tự nhiên (Ga 11,13). Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalonica cũng diễn tả cái chết bằng động từ ngủ (1Tx 4,13). Như thế, ngủ ám chỉ đến cái chết, sự bất động về mặt đức tin. Nó đối ghịch lại với sự tỉnh thức, một sự sống và năng động về mặt đức tin. Chúa Giê-su mong các môn đệ canh thức, tỉnh ngủ nhưng các ông lại ngủ li bì. Vì lẽ đó, các ông đã gục ngã, chạy tán loạn, khi Thầy bị bắt. Kẻ bỏ Thầy, kẻ bán Thầy, kẻ chối thấy. Tất cả đều là hậu quả trực tiếp của việc thiếu tỉnh thức.

8.  Hết thảy mọi người (πᾶσιν): như đã nói trên, Đức Giê-su cẩn thận chốt lại mệnh lệnh “hãy canh thức” của mình và mở rộng đối tượng được mời gọi phải thi hành mệnh lệnh này. Nó không còn dành cho bốn tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê, những người đã hỏi riêng Chúa Giê-su (Mc 13,3).[11] Lời Chúa Giê-su dành cho “tất cả.” “Tất cả” là lối diễn tả không biên giới. Trước nhất là cho những người nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng, tiếp đến là tất cả các môn đệ, rồi cộng đoàn thánh Mac-cô, rồi cộng đoàn Ki-tô hữu thế kỷ thứ nhất, rồi tất các các tín hữu qua mọi thời đại, rồi tất cả những ai có duyên nghe Tin Mừng. “Tất cả” nói lên tính phổ quát và bình đẳng trong lời mời gọi của Tin Mừng Chúa Giê-su.

Bình Luận:

Đoạn Tin Mừng Mc 13,33-37 được lấy ra từ đoạn cuối cùng của chương 13 Tin Mừng Mác-cô. Chương 13 Tin Mừng Mac-cô thường được các chuyên gia gọi là bài khảo luận về cánh chung (vì nó nói về những sự cuối cùng), hay là Ô-liu khảo luận (vì nó diễn ra ở núi Ô-liu), hoặc là Tiểu Khải Huyền (vì nó bao hàm những yếu tố mang tính khải huyền).[12] Mỗi tên gọi chỉ nói lên được một khía cạnh nào đó của bản văn mà thôi, hoặc là một phần nội dung, hoặc là đặc tính văn chương, hoặc là vị trí nơi bài giảng được trình bày. Người ta không thể nào chối từ hoàn toàn được ba tên gọi này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bản văn tự nó vượt lên tất cả mọi tên gọi được gán cho nó. Ý thức như vậy, đọc giả không bao giờ được phép đóng khung bản văn vào bất cứ một chủ đề nào. Chỉ có thể nói rằng một chủ đề nào đó xem ra nổi bật, rõ hơn các chủ đề còn lại. Trong đoạn văn này, dường như mệnh lệnh “hãy canh thức” (tỉnh thức) là nổi trội hơn cả, bởi vì có đến 2 động từ được dùng để diễn tả mệnh lệnh này. Và tần xuất xuất hiện của mệnh lệnh này cũng rất đáng chú ý: bốn lần trong một bản văn chỉ có năm câu. Hơn nữa, mệnh lệnh “hãy canh thức” cũng là khung sườn của bản văn vì nó xuất hiện ngay câu đầu (13,33) và lại xuất hiện ở câu cuối (13,37). Khung sườn của bản văn có thể được phác họa như sau: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức vì” (13,33) … “để mà người giữ cổng tỉnh thức” (13,34) … “vì vậy, hãy tỉnh thức vì” (13,35) … và “hãy tỉnh thức” (13,37). Năm câu văn đều có mệnh lệnh “tỉnh thức”. Chỉ có câu ba mươi sáu là câu duy nhất đề cập đến điều ngược lại với “tỉnh thức”. Đó là “tìm thấy đang ngủ”. Lý do chắc nịch, rõ ràng dành cho mệnh lệnh dồn dập này là: “vì anh em không biết khi nào” (là giờ ấn định, là lúc chủ nhà trở về). Lý do này nối kết với câu trước 13,32, để làm thành một điệp khúc về lý do phải tỉnh thức: “vì anh em, không biết ngày nào giờ nào”. Lý do này còn được Chúa Giê-su chốt lại chắc nịch nằng: “thậm chí các thiên sứ, ngay cả Người Con cũng không, ngoại trừ Người Cha mà thôi”. Như vậy, là vô phương cho những ai tìm cách muốn biết ngày tận thế, ngày Quang Lâm của con người. Lời mời gọi “tỉnh thức” dồn dập ấy là lời mời gọi giúp cho con người ý thức trách nhiệm làm người của mình mọi phút giây trong cuộc đời cho đến khi tắt thở. Sở dĩ phải mời gọi dồn dập như vậy là vì có những con người “sống mà như đã chết” và không có nhiều người “chết rồi nhưng vẫn như còn đang sống”. Có nghĩa là có những người sống mà không thật sự đang sống. Sự hiện diện của họ không thêm hương vị gì cho cuộc đời này. Chưa nói đến, có những con người toàn đem đến cho người khác, cho đời những vị mặn chát, cay đắng, đớn đau. Ngược lại, có những con người chỉ sống hơn chục năm trên dương gian, nhưng lại đem đến cho đời bao nhiêu hương vị cuộc sống. Một ví dụ điển hình nhất là cậu Á Thánh Carlo Acutis (1991-2006), người Ý, vừa được phong chân phước, tại Assisi, ngày 10 tháng 10 năm 2020. Thật là một ngày đẹp, đẹp như cuộc đời của cậu bé vậy (sáu số 10 tròn trịa, 10-10-10-10-10-10, 20=10+10). Dù sống chỉ vọn vẹn 15 năm thế nhưng cậu đã trở thành bổn mạng của giới trẻ, của sinh viên, của các lập trình viên internet. Cậu đã trở thành một biểu tượng của cách sống đời thường cách thánh thiện, thân thiện, sẻ chia, giản dị, đáng yêu của tất cả mọi người trên toàn thế giới. Còn đối với mẹ cậu, cậu là đấng cứu độ của bà (như bà đã chia sẽ nhiều lần). Cuộc sống gương mẫu, hương thơm thánh thiện của cậu đã ướp mặn đời sống đạo nhạt nhẻo của chính bà. Bây giờ, bà trở thành sứ giả Tin Mừng của chính con mình. Bà đã được nhiều người, nhiều tổ chức mời đến để chia sẻ về cuộc đời cậu. Nguyễn Du từng nói rằng: “xác là thể phách, hồn là tinh anh”. Cái tinh anh của linh hồn sẽ còn tồn tại mãi sau khi thể xác một người chết đi khi người đó dám sống cho người khác cho đến chết, cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Lời cảnh báo, mệnh lệnh, lời gọi mời “hãy tỉnh thức”, hãy sống cho ra người của Chúa Giê-su vẫn vang vọng hơn hai ngàn năm, cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Đó chắc chắn không chỉ là lời mời gọi của Mùa Vọng nhưng là lời mời gọi mỗi ngày trong đời người. Hay nói cách khác, đời người là một Mùa Vọng. Từ lúc con người sinh ra cho đến lúc họ trở về với Chúa là một Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa ta mong Chúa, nhưng lại là mùa Chúa đợi ta. Bởi lẽ, chỉ có ta mới xa Chúa và phải trở về chứ Chúa thì vẫn luôn ở đó, mãi đợi chờ ta.

Joseph Phạm Duy Thạch SVD



[1] Xem thêm Antôn Nguyễn Đức Khiết,  “Lời Chúa trong Phụng Vụ Thánh Lễ, phần B: ‘Chu Kỳ Các Bài Đọc’” [Lời Chúa Trong Phụng Vụ Thánh Lễ (simonhoadalat.com), truy cập ngày 23-11-2020].

[2] Nên hiểu thêm rằng, có khoảng hơn 4000 (bây giờ đã trên 5000 được tìm thấy) bản thảo Kinh Thánh Tân Ước được tìm thấy. Các chuyên gia Kinh Thánh, qua lịch sử lâu dài đã chọn ra một bản Thánh Kinh Tân Ước tiếng Hy Lạp. Đó là bản của Nestle-Aland. Riêng bản Nestle-Aland cũng được hiệu đính rất nhiều lần và bản mới nhất đã là NA28. Trong đó, ngoài phần bản văn chính, các chuyên gia c gắng liệt kê những ghi chú thêm những khác biệt được nhiểu bản thảo khác đồng ý. Những ghi chú này được đặt phần dưới của sách Tân Ước Tiếng Hy Lạp.

[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 377.

[4] R. France tin rằng cụm từ “ngày đó hay giờ đó” trong Mc 13,22 được thay bằng cụm từ “thời gian ấn định” trong Mc 13,33, sự ám chỉ là giống nhau, về thời gian bí mật của cuộc trở lại của Chúa Giê-su [R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 544].

[5] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 618.

[6] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC 34B; Dallas 2002) 341; A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 618.

[7] Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 618.

[8] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 546; C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 341.

[9] Đây là cách chia của động từ thường được dịch qua Việt ngữ như một hành động kéo dài: đang.

[10]To be discovered sleeping is to be caught at having failed to heed the master’s orders; it is dereliction of duty at the very least and may also indicate disloyality. Embarrassingly, the disciples will be caught sleeping while Jesus prays in the Garden of Gethsemane (14:32–39). Despite being admonished to “watch and pray” (14:34, 38), the disciples three times drift off to sleep (14:37, 40, 41). The narrative does not say so, but the reader will wonder if the disciples’ pathetic behavior when Jesus is arrested (14:43–52) is not due to their failure to watch and pray, as Jesus earlier had enjoined them. Instead of being alert and watchful, they doze. When the danger suddenly comes upon them, they panic and desert their master. Thus the disciples provide a mindful lesson for Mark’s readers, a lesson that well illustrates the concluding teaching and justifies fully the repeated admonitions to be alert and watchful” [C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 341].

[11] R.T. France, The Gospel of Mark, 546.

[12] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 289.

Saturday 21 November 2020

CÓ LUÔN HẢ? KHI NÀO VẬY? Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN A

CN XXXIV TN A (Ed 34, 11-12. 15-17; 1 Cr 15, 20-26. 28; Mt 25, 31-46)

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

"Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta".

"Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta".

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"

"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?" Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

Bối cảnh phụng vụ: Chúa Nhật cuối năm phụng vụ được dành để mừng kính trọng thể Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ. Ngài là vị vua hết sức đặc biệt về phạm vi lãnh thổ, về số lượng công dân thuộc quyền Ngài và về phương cách cai trị. Phạm vi lãnh thổ của Ngài không giới hạn bởi quốc gia châu lục nào, nhưng là trên toàn thế giới. Quốc gia của Ngài không chỉ giới hạn ở dưới mặt đất nhưng còn là trên cõi trời cao. Dân chúng trong vương quốc của Ngài không bị giới hạn bởi mầu da, ngôn ngữ, chi tộc, giai cấp, địa vị xã hội, giàu hay nghèo, nhưng là tất cả mọi người. Ngài có quyền không những trên tất cả mọi người, nhưng còn trên các thiên sứ, sinh vật và cây cỏ dưới đất và trên cõi trời cao. Phương cách điều hành đất nước của ngài cũng rất khác. Tất cả đều được dựa trên tình yêu và mục đích là làm cho quốc gia đầy ắp tiếng cười và sự bình an chứ không phải giàu có sung túc về mặt vật chất. Để trở thành một vị vua như thế, chính Ngài đã phải chứng tỏ rằng Ngài đích thực là một vị vua yêu thương và đáng được yêu. Ngài đã chọn đi con đường thập giá cho đến chết chỉ vì yêu nhân loại. Chỉ bằng con đường ấy Ngài mới đích thực là vị vua mang nhãn hiệu yêu thương. Dụ ngôn này diễn tả Đức Giê-su như là một Đấng đến xét xử nhưng liền ngay sau đó 26,1-2, Chúa Giê-su lại thông tin rằng Ngài sẽ bị nộp để chịu đóng đinh. Nghịch lý, nhưng lại hợp lý bởi đó chính là con đường mà vị vua yêu thương đã chọn đi cho trọn tình yêu với nhân loại.

Bối cảnh của dụ ngôn: đây là dụ ngôn cuối cùng trong trình thuật của Tin Mừng Matthew và là dụ ngôn cuối trong loạt 4 dụ ngôn bàn về thời cánh chung trong Tin Mừng Matthew (Dụ ngôn hai người đầy tớ: 24, 45-51; Dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể: 25,1-13; dụ ngôn những talanton: 25,14-30). Đây cũng là trình thuật cuối cùng trước trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Chương 26 bắt đầu bằng âm mưu chống lại Chúa Giê-su (26, 1-5), và tiếp sau đó là trình thuật về việc Chúa Giê-su được xức dầu (26, 6-13) và cứ như thế trình thuật về thương khó được tiếp diễn. Vị trí của dụ ngôn: cuối trình thuật về giảng dạy của Chúa Giê-su và cuối trong loạt dụ ngôn nói về cánh chung, nói lên tầm quan trọng của thông điệp của dụ ngôn này đối với Tin Mừng Matthew. Nó có thể xem như đỉnh cao về mạc khải về cánh chung cũng như chứa đựng thông điệp Tin Mừng quan trọng của Chúa Giê-su.

Tên gọi: dụ ngôn này thường được gọi là dụ ngôn “chiên và dê”. Tuy nhiên, dụ ngôn này hẳn không hề nói gì về chiên và dê cả. Chiên và dê chỉ được nhắc đến như là bối cảnh của một buổi tập trung, và phân chia của một người mục tử. Dụ ngôn này hoàn toàn nói về những con người với những biểu hiện cụ thể trong suốt cuộc đời họ. Mỗi người có thể gọi dụ ngôn này bằng một cái tên đẹp và hay như mình muốn. Thế nhưng, nên nhớ rằng nguyên gốc bản văn của Matthew, dụ ngôn này không có tên gì cả, và dù có đặt tên hay đến mấy thì cũng chỉ phản ánh được một khía cạnh nào đó của dụ ngôn này mà thôi.

Một vài điểm chú giải:

(1)          Con Người (the Son of Man)[1]: đây là danh xưng xuất hiện trong văn chương khải huyền của Daniel. Dn 7,13 nói rằng “trong thị kiến ban đêm ông thấy có ai như con người, người đến với mây trời”. Thị kiến này cho thấy Con Người đến trong vinh quang với tất cả các thiên sứ theo hầu. Con Người cũng nói với Daniel rằng “hãy hiểu rằng thị kiến đề cập đến thời gian cuối cùng” (Dn 8,17). Như vậy, hình như Con Người đến trong vinh quang trong dụ ngôn này có liên quan đến Con Người mà Daniel đã nói đến. Cả hai đều đến trong vinh quang và vào thời cuối cùng. Danh hiệu Con Người trong tiếng Hy Lạp là “ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου” dịch sang Tiếng Việt là con trai của con người. Trong tiếng Do Thái, đó là một lối diễn đạt cá nhân hóa một danh từ chung chỉ nhân loại nói chung bằng cách thêm vào cụm từ “con của”, diễn tả một con người cụ thể, một thành viên của loài người. Nghĩa của nó có thể như là “ai đó” hay “một người bất kỳ”. Cách dùng của Daniel 7,13-14 diễn tả một con người đến trong đám mây, đã trở thành một vài dạng suy đoán của Do Thái và Ki-tô giáo sơ khai, đoán trước một tác nhân siêu nghiệm thời cánh chung của cuộc phán xét và giải thoát mang tính thần linh. Trong Tân Ước, tác nhân ấy gần như được đồng hóa với Đức Giê-su Phục Sinh. Thuật ngữ này xuất hiện trong cả bốn Tin Mừng và luôn luôn phát xuất từ miệng của Chúa Giê-su. Với một ngoại lệ (Jn 5,27), các sách Tin Mừng luôn luôn dùng mạo từ xác định, như thế giới thiệu thuật ngữ như là một số lượng được biết rồi, thậm chí trong bối cảnh trong đó nó chưa được đề cập trước đó. Thuật ngữ này có thể có ám chỉ về Messiah được nói đến trong Daniel 7. Trong bối cảnh này Con Người có một vị thế hết sức quan trọng. Thậm chí Ngài còn được gọi là Đức Vua trong 25,34. Và được những người bên hữu gọi là Đức Chúa (25, 37.44). Ngài ở trong một tư thế phán xét tất cả những người khác.

(2)          Trong vinh quang cua Ngài (ἐν τῇ δόξῃ αὐτου): Trong Sách Thánh Cựu Ước, thuộc tính “vinh quang” là thuộc tính gắn liền với Đức Chúa. Nhiều lần Đức Chúa tự gọi rằng “vinh quang của ta” khi nói với dân It-ra-el. Khi Moses cầu xin Thiên Chúa tỏ vinh quang của Chúa cho ông, Đức Chúa đã trả lời: “ta sẽ khiến vinh quang của ta đi ngang qua trước mặt ngươi và ta sẽ tỏ cho ngươi biết danh ta là Đức Chúa” (Xh 33,18-19). Dân chúng nhìn thấy vinh quang của Đức Chúa trong đám mây khi Aharon nói với họ (Xh 16,10). Đức Chúa cũng nói với Mô-sê rằng “anh em sẽ thấy vinh quang của Đức Chúa” khi Đức Chúa ban Manna cho dân (Xh 16,7). “Vinh quang của Đức Chúa” ngự trên núi Sinai và “sự xuất hiện của vinh quang của Đức Chúa như lửa cháy bừng trên đỉnh núi” (Xh 25, 16-17). Và nhiều lần tác giả nhắc đến vinh quang của Thiên Chúa như thế. Trong Tân Ước Luca cũng có cùng lối diễn tả “vinh quang Đức Chúa chiếu tỏa xung quanh” những người chăn chiên khi thiên sứ loan báo cho họ một tin mừng trọng đại: “một Đấng cứu độ đã sinh ra cho các ngươi hôm nay” (Lc 2,9-11). Thánh Phao-lô trong thư thứ hai gửi Tín Cô-rin-tô đã diễn tả rằng: “chúng ta, mặt không che màn, phản chiếu vinh quang Đức Chúa như qua một chiếc gương, chúng ta sẽ được biến đổi ngày càng giống hình ảnh ấy, ngày càng rực rỡ hơn, nhờ tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18). Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Giê-su nói đến vinh quang của Con Người một lần khác nữa. Cuối chương 19, trong bối cảnh Phê-rô hỏi Đức Giê-su về phần thưởng mà các ông sẽ hưởng khi bỏ mọi sự để theo Chúa, Chúa Giê-su cho biết rằng, các ông cũng được ngồi trên mười hai tòa của, xét xử mười hai chi tộc của Ít-ra-el, “khi Con Người được ngồi trên ngai vinh quang của Ngài” (Mt 19,27-30). Đoạn này cũng nói đến vinh quang của Con Người trong bối cảnh xét xử. Trong dụ ngôn này Matthew nhắc đến hai lần “vinh quang của Người”: Con Người đến “trong vinh quang của Người” và “ngồi trên ngai vinh quang của Người” (Mt 25,31). Cách nói “ngồi trên ngai vinh quang” rõ ràng diễn tả vị thế của một vị vua trong ngày thượng triều hoặc đăng quang. Ngoài ra, vào cuối chương 16, Đức Giê-su cũng nói đến Con Người “sẽ đến cùng với các thiên sứ của Người trong “vinh quang của Cha Ngài” (Mt 16,27). Vinh quang ở đây là vinh quang của Cha Ngài, nghĩa là của Chúa Cha. Đây cũng là bối cảnh Chúa Giê-su nói đến cuộc phán xét: “Người sẽ trả lại cho mọi người theo điều họ đã làm.” Con Người cũng đến với các thiên sứ của Người như trong dụ ngôn này. Hơn nữa, trong chương 24, Đức Giê-su lại một lần nữa nhắc đến việc Con Người đến trong mây trời. “Họ sẽ thấy Con Người đến với quyền năng và vinh quang vĩ đại” (Mt 24,30). Tính từ “πολλοῦ” (nhiều) được đặt sau danh từ vinh quang để làm tăng mức độ của vinh quang này. Đây cũng là lần hiếm thấy Matthew dùng tính từ này đi kèm với danh từ vinh quang. Trình thuật này được đặt trong bối cảnh của bài giảng những biến cố của thời cuối cùng, thời cánh chung (Mt 24,1-44).

(3)          “sẽ được triệu tập” (συνάγω). Động từ triệu tập đượng dùng ở thì tương lai, và thể bị động. Đây rất có thể là thể bị động thần linh, rất thường thấy, với tác nhân là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là người đã triệu tập, hoặc qua trung gian các thiên sứ, hoặc là chính Người triệu tập. Nhưng cách dùng của động từ này cho thấy bàn tay chủ động của Thiên Chúa trong buổi triệu tập này. Đó không phải là một buổi triệu tập ngẫu nhiên của bất kỳ ai, nhưng là buổi triệu tập của Thiên Chúa trong bối cảnh xét xử. Tính từ “πάντα: tất cả” được đặt trước danh từ quốc gia, hay dân tộc cho thấy rằng thành phần được triệu tập không giới hạn trong một không gian lãnh thổ nào nhưng là tất cả, không trừ ai, và quốc gia nào (see Is 66,18). Trong đó, chắc chắn bao gồm tất cả các ông hoàng bà Chúa, các vương giả, phú hào, nhà quý tộc, các nguyên thủ quốc gia và hang lê dân vô danh tiểu tốt. Tất cả đều phải hiện diện. không những tất cả các dân các nước, nhưng còn là tất cả các thiên sứ trên trời đều được quy tụ theo hầu Con Người này. Thật khó để mà tưởng tượng một khung cảnh như thế trên trần gian này. Ở đâu ra một không gian như thế để chứa toàn dân trên thế giới như thế, và Đức Vua sẽ dùng hệ thống khuếch đại âm thanh như thế nào để người ta có thể nghe Ngài nói, và Ngài sẽ ngồi ở đâu để họ thấy. Nói chung là một cảnh tượng còn hơn trong phim nữa. Đó là cảnh tượng của ngày cánh chung.

(4)          “Người sẽ bố trí cho những con chiên đứng bên phải Người còn những con dê đứng bên trái Người”. Đây là kiểu phân chia mang tính song đôi rất thường được sử dụng trong các trình thuật của Matthew. Có lẽ, độc giả cũng chưa quên dụ ngôn “hai người đầy tớ” (một người trung thành, một người xấu, Mt 24,45-51); dụ ngôn “mười cô trinh nữ đi đón chàng rể” (năm cô khờ dại – năm cô khôn ngoan, Mt 25,1-13); dụ ngôn những talanton (hai người sinh lời – một người chôn dấu, Mt 25,14-30). Sự phân chia này rõ ràng cho báo trước cho độc giả về một viễn cảnh thông thường: sẽ có một nhóm người tốt và một nhóm người xấu. Hậu quả là sẽ có một nhóm người được trọng thưởng và một nhóm người bị trừng phạt. Sự phân xử này, cũng giống như cuộc phân xử trong các dụ ngôn trước, là sự phân xử mang tính chung cuộc. Không có một sự khoan nhượng nào và hiệu lực của bản án, thưởng – phạt là vĩnh viễn.

(5)           Chiên – dê – phải – trái. Theo như nhà chú giải Jerimias (Parables, 206) một đàn súc vật trộn lẫn được thả trên đồng theo thói quen của người Palestine. Vào cuối ngày, mục tử sẽ tách chiên khỏi dê vì lẽ rằng những con dê cần được giữ ấm vào ban đêm, còn những con chiên thì thích ở ngoài trời vào ban đêm. Người ta đoán rằng bởi vì những con chiên thì có giá trị cao hơn nên chúng được đặt ở vị trí tích cực hơn trong dụ ngôn này.[2] Dĩ nhiên, những con chiên và những con dê tự chúng không phải là biểu trưng cho người tốt và người xấu. K. Snodgrass cho rằng trong thời Do Thái cổ thì giá trị con chiên và con dê như nhau. Phép loại suy được xây dựng dựa trên sự phân chia bên trái, bên phải chứ không phải sự trên cá tính hay giá trị của những con dê, dù cho giá trị những con chiên có phần nhỉnh hơn.[3] Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, con chiên thường được dùng để phác họa hình ảnh dân Ít-ra-el như là dân Chúa trong Cựu Ước và văn chương Do Thái (Ez 34; 1 En 89-90) nhưng con dê thì không.[4] Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su gọi chính Ngài là mục tử và những kẻ theo Ngài là chiên của Ngài (Ga 10,14). So sánh với tác phẩm của Plato, một triết gia Hy Lạp thời Cổ Đại, chúng ta thấy được điều tương tự về trái và phải: Rep.10,614c nói rằng trong cuộc sống đời sau, có những quan tòa, những người gửi người công chính đến bên phải và đến thiên đàng trong khi kẻ bất chính họ gửi xuống bên trái; Virgil, một nhà thơ Roma Cổ, cho rằng đường dẫn đến cuộc sống đời sau phân đôi và ngã đường bên phải là đại lộ của chúng ta đi đến Elysium (thiên đàng, nơi hạnh phúc hoàn hảo) trong khi ngã bên trái dẫn xuống Tartarus vô thần.[5] Theo kinh nghiệm thường ngày, những bộ phận bên phải của cơ thể thường mạnh hơn bên trái. Ví dụ như tay phải hoặc chân phải (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Đa số quốc gia lái xe bên phải (trừ một số ngoại lệ). Ngày nay, người ta thường nói đến báo chí lề phải và lề trái, để diễn tả hai luồng thông tin trái ngược nhau. Bên phải dự báo một số phận tốt lành còn bên trái là dấu hiệu của một số phận bi đát. Con Người, đấng tách hai nhóm người thành hai phía, được ví như một mục tử. Chúa Giê-su được ví như một mục tử. Trong trình thuật về Giáng Sinh, các thượng tế và các kinh sư đã đọc lại sách Micah 5,2 để tìm ra nơi sinh của đấng Messiah (Mt 2,6). Micah nói đến Bethlem như là nơi thủ lãnh, đấng chăn dắt Ít-ra-el sẽ ra đời. Micah rõ ràng nói đến vai trò mục tử của Chúa Giê-su.

(6)          “Vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ lúc tạo thiên lập địa” (thành lập thế giới, khởi đầu của thế giới). Động từ đã được chuẩn bị được dùng ở thì vị hoàn và thể bị động. Đây rất có thể là bị động thần linh. Thiên Chúa chính là tác nhân của sự chuẩn bị này. Lời nói này của Đức Vua làm cho một số nhà chú giải suy đoán rằng: việc thừa kế vương quốc mang tính tiền định. Nghĩa là Thiên Chúa đã định trước cho ai thì người ấy đương nhiên được hưởng. Và dường như sự tiền định này đã có ngay từ khi tạo thiên lập địa. Nếu như thế thì sự phấn đấu, dấn thân của mỗi cá nhân cả cuộc đời không thay đổi được gì. Tuy nhiên, sự tiền định của Thiên Chúa ở đây đúng hơn nên hiểu là sự tiền định về vương quốc Thiên Đàng. Nghĩa là vương quốc thiên đàng vốn đã được dọn sẵn ngay từ khi tạo thiên ập địa, chứ không phải tiền định cho một số người nào cụ thể được hưởng vương quốc ấy. Công bố này của Đức Vua cũng cho thấy việc thừa hưởng vương quốc là hồng ân của Đức Vua. Đức Vua chính là chủ thể của việc trao ban quyền thừa hưởng vương quốc này.

(7)          đói…cho ăn; khát…cho uống; khách lạ… tiếp rước; trần truồng… cho mặc; ngồi tù… thăm nom”. Có năm cặp hành động song đôi được liệt kê. Và việc năm cặp hành động này được đặt sau liên từ chỉ lý do (γὰρ: bởi vì) cho thấy rõ ràng là những hành động này chính là nguyên do dẫn đưa những người bên hữu vào Thiên quốc. Nếu nói như thế thì chẳng phải những người này được thừa hưởng vương quốc là do công lao của mình đó sao? Điều này xem ra ngược lại với thần học của thánh Phao-lô về ơn công chính: “một người được công chính không do làm những gì Lề Luật dạy nhưng nhờ tin vào Đức Ki-tô Giê-su (Gl 2,16). Tuy nhiên, thánh Phao-lô nói điều này trong bối cảnh nhiều người hiểu lầm là ơn công chính có được là do công lao làm việc thiện của mình hơn là một hồng ân Chúa ban. Rõ ràng lào ơn công chính là hồng ân đức tin. Tuy nhiên, không vì thế mà các tín hữu được miễn trừ thi hành những hành động tử tế với tha nhân mỗi ngày. Năm cặp hành động này được hiểu như là biểu trưng cho tất cả những hành động tử tế mà những người bên hữu dành cho người khác trong suốt cuộc đời họ. Đó là những nhu cầu hết sức căn bản của con người: đói, khát, trần truồng, khách lạ, tù đày…Chúng biểu trưng cho tất cả nghịch cảnh của con người. Những người bên hữu làm những điều này nghĩa là họ đã làm hầu như tất cả những hành động tử tế mà họ có thể làm cho tha nhân. Năm cặp hành động này được kết với lời mời gọi phía trước: “thừa hưởng vương quốc đã được chuẩn bị trước ngay từ khi tạo thiên lập đia” để làm thành một mô thức hoàn hảo của ơn cứu độ. Đó là vương quốc do Chúa chuẩn bị. Ngài chính là chủ thể của hồng ân này. Tuy nhiên, một người không được thừa hưởng nếu người đó không muốn thừa hưởng, bằng những biểu hiện tử tế của mình trong suốt cuộc đời họ. Văn chương Do Thái thời sơ khai khuyên dạy rất nhiều về những hành vi bác ái. Sách Sirach dạy rằng “hãy giang tay ra với người nghèo, để những chúc lành của người có thể được hoàn thành” (Sir 7,32). Sách Tobia 1,16-17 liệt kê các hành động bác ái Tobia đã làm: cho người đói ăn và cho người trần truồng mặc và chôn những xác chết bị bỏ rơi. Và Tobia cũng khuyên con mình là phải cho người nghèo thức ăn và cho những người trần truồng áo mặc (Tb 4,16). Văn chương ki-tô giáo sơ khai cũng nói nhiều về hành động bác ái. Sách Et-ra thứ tư dạy rằng: “hãy cho người túng thiếu, bảo vệ cô nhi, mặc cho người trần truồng, chăm sóc người mang thương tích và yếu đuối” (4 Ezra 2,20-21). Những câu nói của Sextus 378 nói rằng: “nếu ngươi không cho người túng thiếu khi ngươi có thể thì ngươi cũng không thể nhận từ Đức Chúa khi ngươi túng thiếu”. Tin Mừng Matthew nhấn mạnh đến điều răn yêu thương (5,43-48; 19,19; 22,34-40) và lòng thương xót (5,7; 6,2-4; 9,13; 12,7; 18,33; 23,23). Chúa Giê-su cũng khuyên người thanh niên bán của cải mình đi để cho người nghèo (Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22).

(8)          Khi nào vậy? (πότε). Trạng từ nghi vấn về thời gian được “những người công chính” lặp lại ba lần trước những tuyên dương lạ lùng của “Đức Chúa”. Sự ngây thơ của những người bên hữu càng tô điểm thêm vẻ đẹp của những hành vi tử tế của họ. Nghĩa là, họ đã thể hiện những hành vi tử tế ấy một cách tự nhiên, vô vị lợi. Họ không làm bởi vì một áp lực hay ảnh hưởng nào từ người khác. Họ đã không làm vì biết rằng đó là những kẻ bé nhỏ nhất của Đức Vua. Họ cũng không làm chỉ bởi vì họ trông chờ vào phần thưởng vương quốc. Những hành vi ấy chỉ xuất phát từ con tim tình yêu, thánh thiện của họ, sự đồng cảm và lòng thương xót của họ dành cho người khác là vô vị lợi. Chính vì thế mà họ tỏ ra ngơ ngác trước những ghi nhận của Đức Vua.

(9)          “những anh em bé mọn nhất của ta” và “tất cả các nước”. Trong những bản văn trước của Matthew, “những anh em bé mọn” dường như là những ki-tô hữu (xem Mt 10,40-42; 18,6.14).[6] Tuy nhiên, trong bối cảnh này, những người bên phải không chỉ là những ki-tô hữu, hay là những môn đệ của Chúa Ki-tô, nhưng là tất cả mọi người, bởi họ được chọn ra từ tất cả các quốc gia trên thế gian chứ không riêng gì quốc gia ki-tô giáo. Danh từ “ἔθνος” có thể có nghĩa là các quốc gia hay là những người dân ngoại. Nó có thể đề cập đến các ki-tô hữu hoặc không ki-tô hữu. Trong Bản Bảy Mươi (bản dịch Thánh Kinh Do Thánh qua tiếng Hy Lạp), danh từ này rất thường xuyên được dùng để nói về các dân khác hơn là dân Ít-ra-el (Ex 33,16; Đnl 7,7), nhưng thỉnh thoảng nó cũng bao hàm dân Ít-ra-el (Tv 48,2; Is 25,6-7).[7] Đức Vua là vua của vũ hoàn chứ không phải chỉ là vua của Ki-tô giáo. “Những anh em bé mọn” là tất cả những người túng thiếu.

Đức vua đồng hóa chính mình với những người bé mọn nhất. Và tất cả những người bên hữu này đều gọi Ngài là “Đức Chúa” (Lord). Danh từ “người anh em” mà Đức Vua sử dụng cũng rất đáng chú ý. Nó làm thay đổi tương quan giữa những kẻ bé mọn và Đức Vua cao cả. Ngài xem họ như là người nhà của mình. Ngôn ngữ gia đình được Đức Giê-su sử dụng rất nhiều lần trong Tin Mừng Matthew. Danh từ “người anh em” (ἀδελφός) được Matthew sử dụng 38 lần trong đó 20 lần nói đến những anh em theo nghĩa đen. Tối thiểu 8 trong số 18 cách sử dụng ẩn dụ không có nghĩa “môn đệ” nhưng được sử dụng khái quát theo nghĩa là người thân cận của một ai đó (Mt 5,22 ai giận ghét anh em mình…; 5,47: nếu anh chỉ chào hỏi những người anh em của anh…; 12,48, bất kỳ ai thi hành thánh ý của cha ta trên trời người ấy là anh em và chị em và mẹ tôi; 18,35: nếu anh không tha thứ cho người anh em hoặc chị em của anh …). Đức Giê-su dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là cha (cha chúng con ở trên trời). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Ngài muốn họ nhìn nhận tất cả mọi người trên trái đất này đều là anh em vì họ có cùng một cha.

Danh xưng của vị thẩm phán trong trình thuật về cuộc xét xử này được thay đổi liên tục: Con Người – Đức Vua – Đức Chúa. Ngài là Con Người đến trong vinh quang với các thiên sứ theo hầu và tập họp dân cư trên toàn cõi đất lại. Ngài là Đức Vua khi phân chia hai nhóm người bên tả bên hữu như mục tử tách chiên với dê. Ngài cũng là Đức Vua xét xử, công bố bản án cho những kẻ bên tả và ban thưởng cho những kẻ bên hữu. Ngài cũng là Đức vua khi đồng hóa với những người bé mọn, Ngài xem họ như người nhà. Ngài là Đức Chúa trong cái nhìn của những người bên hữu và những kẻ bên tả.

(10)       “những kẻ được chúc phúc”, “những người công chính” – “những kẻ bị nguyền rủa”. Những người bên hữu được gọi bằng hai danh xưng trong khi đó những kẻ bên tả chỉ có một danh xưng mà thôi. Đối lại với danh xưng “những người được chúc phúc” là danh xưng “những kẻ bị nguyền rủa”. Trong khi danh động từ thể bị động, “những kẻ được chúc phúc” có kèm theo tác nhân là “Cha Ta”, nhấn mạnh đến tác nhân của hành động chúc phúc, còn danh động từ ở thể bị động “bị nguyền rủa” không kèm theo tác nhân nào, điểm nhấn rơi vào hành động chúc dữ. Đưc Vua chắc chắn không muốn chúc dữ cho ai. Danh xưng “những người công chính” được lặp lại 2 lần trong dụ ngôn này trong khi nhóm bên tả chỉ được nhắc đến bằng đại từ ngôi thứ ba. Những quan sát về mặt từ ngữ và cách dùng từ cho thấy sự vượt trội, ưu thế của những người bên hữu. Tính từ “công chính” được dùng như danh từ với mạo từ xác định, số nhiều đứng trước được Matthew sử dụng năm lần, hai trong năm lần đó được dùng trong dụ ngôn này. Những người công chính trong dụ ngôn này xem ra được định nghĩa bởi hai đặc tính nổi bật. Đặc tính thứ nhất là “được Cha chúc phúc”. Đặc tính thứ hai là có tình yêu và lòng trắc ẩn với “những người anh em bé mọn.” Những hành vi bác ái của họ, thể hiện một cách tự nhiên, được chuẩn nhận từ Đức Vua. Trong Mt 13,17, những người công chính được đặt cạnh những ngôn sứ với ước muốn được nghe lời giảng của Chúa Giê-su mà không được nghe. Cũng trong chương 13, những người công chính được cho là sẽ chiếu sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha của họ (Mt 13:43). Cũng trong bối cảnh những lời giảng về cánh chung, qua dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giê-su nhắc đến ân thưởng này của những người công chính.        

(11) “Hình phạt vô tận” và “sự sống đời đời”. Tính từ thời gian “αἰώνιος” (muôn đời, vô tận, muôn kiếp) được sử dụng kèm với bản án. Phần thưởng sự sống đời đời đối lại với hình phạt muôn kiếp. Đây là lối diễn tả của thời cánh chung. Một khi Đức Vua đã kết án thì bản án này vĩnh viễn không thể thay đổi. Nó giống như hoàn cảnh của mười cô trinh nữ trong dụ ngôn trước đó (Mt 25,1-13). Năm cô khờ dại có gõ cửa bao nhiều lần thì cửa vẫn không mở. Số phận của 3 người đầy tớ trong dụ ngôn những talanton cũng tương tự như thế (Mt 25,14-30). Người đầy tớ biếng nhác và xấu xa thì trở thành “kẻ khóc lóc và nghiến răng”. Những bản án ấy là vĩnh viễn không thay đổi được. Điều đó vừa cho thấy tính cách khắc nghiệt của bản án nếu ai đó bị trừng phạt vừa diễn tả niềm vui khôn cùng, vô tận của những người được thừa hưởng vương quốc.


Bình Luận:


Dụ ngôn chiên và dê hay là trình thuật về cuộc phán xét một lần nữa cho thấy kiểu hành văn song đôi trong Tin Mừng Matthew. Theo mô thức của kiểu hành văn này, sẽ có một nhóm bên phải, bên của những con chiên, và sẽ có một nhóm bên trái, bên của những con dê. Sự phân chia này đã bộc lộ ngay từ đầu hai tính cách và dẫn đến hai số phận khác biệt, đối lập giữa hai nhóm người. Khung cảnh của buổi triệu tập cuối cùng thật hung tráng. Tất cả các dân, các nước, mọi thành phần dân chúng không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, giàu nghèo đều được mời gọi tham dự. Không chỉ là tất cả các thần dân dưới đất nhưng còn là toàn bộ các thiên sứ trên cõi trời cao. Chủ trì của buổi phân xử này là Con Người, Đức Vua, là Đức Chúa. Không ai khác chính là Đức Ki-tô Phục Sinh, Đấng đã được ban toàn quyền trên trời dưới đất. Ngài đến, dĩ nhiên không phải để luận phạt, hay nói đúng hơn Ngài chắc hẳn không muốn luận phạt ai. Ngài đến để tìm và cứu những gì đã mất (Mt 15, 24; 18,14; Lc 15, 1-32). Trong buổi cánh chung, chắc hẳn rằng nhà vua muốn tất cả, hoặc ít ra đa số thần dân ấy thuộc về nhóm bên hữu. Vương quốc đã được chuẩn bị ngay từ khởi đầu cho tất cả mọi thần dân, tất cả đều được mời gọi. Tuy vậy, tiếc thay không phải tất cả mọi người đều muốn vào, muốn thừa hưởng. Không phải tất cả đều nổ lực hết sức để qua cửa hẹp mà vào. Chính vì thế mới có những người bên tả và những kẻ bên hữu; có những người được Cha chúc phúc, và những kẻ bị nguyền rủa. Hồng ân chúc phúc dĩ nhiên là thuộc thẩm quyền của Đức Vua. Tài sản thừa kế vương quốc là món quà nhưng không của Người. Vậy nhưng, điều đó không loại trừ trách nhiệm, thiện chí muốn vào của các thần dân. Đức Vua quan sát và ghi nhận tất cả những hành động tử tế mà từng người dân của Ngài dành cho những anh em bé mọn. Nhờ vậy mà Ngài có thể điểm mặt chỉ tên từng người từng việc một cách rành mạch chính xác. Có những việc lành, đôi khi chính đương sự không còn nhớ đến nữa nhưng Đức Vua thì không. Ngài ghi nhớ tất cả. Những người bên hữu đã bày tỏ tình yêu và lòng thương xót dành cho những người lâm cảnh cơ hàn, nghịch cảnh. Đó là những kẻ đói cơm, thiếu nước, không mảnh vải che thân, không cửa không nhà, tù đày… những hành vi này tượng trưng và bao quát hết tất cả những hành động tử tế cho tất cả những mảnh đời bất hạnh mà Đức Vua không muốn kể hết vì chúng quá nhiều. Họ, những người bên hữu làm những điều ấy với tất cả tình yêu và vô vị lợi. Thậm chí họ quên đi, và ngây thơ, ngỡ ngàng trước sự nhắc nhớ của Đức Vua. Ngược lại với những người bên hữu, những người bên tả đã dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh đi qua cuộc đời họ. Họ đã chẳng mảy may nghĩ đến và ra tay cứu giúp. Họ đã không thấy Đức Vua đói, không thấy Đức Vua khát, không thấy Đức Vua trần truồng, không gặp Đức Vua là khách lạ, và không biết Đức Vua ở tù vì nếu thế thì họ đã lập tức ra tay cứu giúp vì họ mong mỏi Đức Vua sẽ đáp trả họ, sẽ mang ơn họ. Nếu như sự giải thích, vẻ ngây ngô của những người bên hữu càng tô đẹp tính cách vô vị lợi trong những việc lành của họ thì sự giải thích của những người bên tả càng tô đậm tính vị lợi trong suy nghĩ của họ. Làm cho “một trong những anh em bé mọn này” chính là làm cho Đức Vua và không làm cho “một trong những người bé mọn này” là không làm cho Đức Vua.

Dụ ngôn chiên và dê hay là trình thuật về buổi phân xử là trình thuật cuối cùng trong loạt bài giảng nói về thời cánh chung. Nó vừa đúc kết, vừa giải thích và hoàn trọn những thông điệp gợi mở trong những dụ ngôn phía trước. Nếu như trong dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể (Mt 25,1-13), người ta vẫn thắc mắc về chất dầu mà năm cô trinh nữ khôn ngoan đã mang theo là gì? Và trong dụ ngôn những talanton (Mt 25,14-30) người ta cũng lại thắc mắc những talanton mà hai người đầy tớ đầu tiên đã sinh lời (một người sinh lời được năm talanton và một người sinh lời được hai talanton khác) là gì? Thì trong dụ ngôn chiên và dê người ta có thể tìm thấy câu trả lời. Chất dầu và những talanton lời ấy chính là tình yêu và lòng thương xót được thể hiện mỗi ngày trong cuộc đời mỗi người. Đó là chất dầu giúp đèn của những trinh nữ khôn ngoan luôn cháy sáng để đón chàng rể và theo chàng vào phòng tiệc cưới. Đó cũng là những talanton lời giúp cho hai người đầy tớ đầu tiên được trao phó nhiều hơn và được mời vào trong niềm vui của ông chủ. Trình thuật cuối cùng không còn nói đến những ẩn dụ sự vật như dầu, đèn hay talanton (nén bạc) nhưng nói đến những mối tương quan của những con người bằng xương bằng thịt. Những đối tượng của lòng thương xót không phải ai xa lạ mà chính là “những người anh em bé nhỏ của” Chúa. Phần thưởng của những người được chúc phúc không chỉ là chung vui tiệc cưới nhưng là sự sống vĩnh cửu. Hình phạt dành cho những kẻ bị chúc dữ là hình phạt vĩnh cữu. Nó bao hàm cả việc trở thành những kẻ “khóc lóc và nghiến răng” vĩnh cửu, không thay đổi được. Cần lưu ý rằng, tuy tình yêu và lòng thương xót dành cho những người cùng khổ được xem như là những tiêu chí trọng yếu trong cuộc phân xử cánh chung, nhưng đó không phải là tất cả. Nó không thể bao trùm và miễn trừ cho việc thực thi tất cả các giáo huấn khác của Đức Giê-su trong toàn bộ Tin Mừng Matthew, cũng như các Tin Mừng khác. Còn đó những giá trị Tin Mừng như là Bát Phúc, Hiến Chương Nước Trời, Đức tin, sự hoán cải, sự bao dung, tha thứ, lối sống khó nghèo…. mà những kẻ muốn hoàn thiện như cha trên trời phải theo đuổi mỗi ngày. Những giá trị Tin Mừng các tín hữu phải theo đuổi mỗi ngày là cả cuốn Thánh Kinh chứ không chỉ là đoạn Tin Mừng về cuộc phán xét ở Mt 25,31-46.

Những lời nhắc nhở của Chúa Giê-su về thời cánh chung là rất rõ ràng và quyết liệt. Chủ ý của Phụng Vụ Giáo Hội trong ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ cũng rất rành mạch. Vấn đề còn lại là sự chọn lựa và đáp trả của mỗi cá nhân. Sẽ đến lúc mỗi người phải đối diện với Chúa và phải trả lời về tất cả những hành vi lớn nhỏ trong cuộc đời mình. Hình phạt muôn kiếp hay sự sống vĩnh cửu phụ thuộc vào chọn lựa và dấn thân của mỗi người ngày hôm nay.

Joseph Phạm Duy Thạch SVD



[1] x. G. W. E. NICKELSBURG, The Anchor Bible Dictionary, “Son of Man”.

[2] D. J. Harington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 356.

[3] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2008) 422.

[4] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 421.

[5] W. D. Davies – D.C. Allison, A Critical and Exegetical Commentary on the Gospel According to Saint Matthew (London - New York 2004) 424.

             [6] D. J. Harington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1991) 357.

[7] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 424.