Vào đầu năm học mới năm nay, dư luận trên toàn nước Việt
Nam, đặc biệt là các bậc phụ huynh xôn xao, vì bộ giáo dục cho áp dụng dự án
trường tiểu học mới gọi là VNEN. Theo dự án này, lớp học sẽ có một hội đồng tự
quản, khoảng 27 em, đứng đầu là chủ tịch hội đồng tự quản, thay vì là lớp trưởng
như trước đây. Chức vụ chủ tịch, cũng như các chức vụ khác được các em tự ứng cử
và bầu chọn. Có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về chức danh chủ tịch trong lớp
học, trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng rằng liệu các em có bị cuốn vào
dòng xoáy đam mê quyền lực khi còn quá nhỏ, và ảnh hưởng đến việc học của các
em hay không?
Thật ra, giấc mơ quyền lực vẫn là một giấc mơ thu hút
không chỉ trẻ con mà hầu như tất cả mọi người chúng ta xưa nay nữa. Thế nên,
người ta mới có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.
Sở dĩ quyền chức luôn là một miếng mồi béo bở mà ai
cũng muốn đớp lấy, vì họ hy vọng rằng quyền chức sẽ mang lại nhiều lợi tức và
danh giá cho không những chính đương sự mà còn cả bà con dòng họ nữa.
Chính các môn đệ của Đức Giê-su, tuy đã theo Người nhiều
năm, nghe lời Người giảng, thấy việc Người làm, nhưng vẫn không thoát khỏi những
giấc mơ phàm tục ấy. Ai cũng ao ước một vị trí cao nhất trong triều đình mà
Chúa sắp thiết lập.
Cho nên, mặc cho Thầy Giêsu đang cố gắng giảng dạy cho
các ông hiểu rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người,
và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại" (Mc 9,31), các ông vẫn
không hiểu Người muốn nói gì, và cũng không muốn hiểu làm chi nên cũng không ai
hỏi lại. Không hiểu, không hỏi lại, lại còn tranh dành vị trí đứng đầu với nhau.
Sau này, khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó của
Người lần thứ ba, thì ngay lập tức Giacôbê và Gioan lại đến xin với Người rằng:
“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi
bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." (Mc 10,37).
Tất cả các môn đệ Chúa đều bị rơi vào vòng xoáy đam mê
quyền lực như thế. Chúa Giê-su không nói rằng anh em đừng ham mê quyền lực.
Không! Ngài biết rằng quyền chức là một điều cần thiết trong một tổ chức xã hội
con người. Thế nhưng, Người muốn các môn đệ hiểu cho thật rõ đâu là một quyền lực
đích thực và đâu là vai trò của một người lãnh đạo chân chính.
Đức Giê-su hẳn đã làm cho các môn đệ phải chưng hửng
và há hốc mồm khi dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt
hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35). Các môn đệ chắc đã thầm nghĩ rằng:
“Thầy có nhầm không? Đứng đầu là được ăn trên ngồi tróc; được cơm bưng nước
rót; được nhận đủ thứ phong bì, quà cáp; được kẻ tung, người hứng, được người
thưa, kẻ bẩm; chứ đứng đầu mà làm người rốt hết và làm đầy tờ thì ai mà giành đứng
đầu làm gì?”
Nhưng mà, môn đệ Đức Giê-su phải giành cho bằng được vị
trí đứng đầu như thế đấy. Một vị trí đứng đầu không phải để mang lại những lợi
lộc trần gian cho mình nhưng để gánh lấy trách nhiệm chăm sóc người khác. “Nghệ
thuật làm lớn” của Chúa Giêsu được đúc kết trong lời khẳng định: “Con Người đến
không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc
muôn người” (Mc 10,45). Tất cả cuộc sống và nhất là cái chết của Người đã minh
chứng rõ nét chân lý đó.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gây nhiều ngạc nhiên cho
toàn thế giới ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Ngài đi xe buýt về
khách sạn, thay vì xe hơi dành cho Đức Giáo Hoàng; Ngài tự mình xách hành lý và
trả tiền khách sạn; Ngài sống trong nhà khách Santa Mata, thay vì ở trong cung
điện dành cho giáo hoàng; Ngài đi giầy đen thường thay cho giầy đỏ tông đồ; Ngài
di chuyển bằng chiếc xe hơi rẻ tiền; Ngài cúi xuống rửa chân cho các tù nhân,
hôn lên chân các tù nhân và bệnh nhân không phân biệt lương hay giáo; ngài để
cho một cậu bé lên đại náo giảng đài khi ngài đang giảng dạy…
Có thể nói, Đức Phanxicô đã phản ánh chân dung của một
vị lãnh đạo đích thực và sống động theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên,
giáo huấn của Đức Giêsu không dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, các cha,
các thầy, các soeurs nhưng là cho hết cả mọi người.
Người muốn tất cả mọi người chúng ta hãy lánh xa giấc
mơ thứ quyền lực chỉ đem lại lợi lộc cho bản thân mình và gia đình mình. Ngài mời
gọi mọi người chúng ta hãy ao ước, và sẵn sàng đón nhận loại quyền chức đem lại
lợi ích cho tha nhân. Đó mới là quyền lực đích thực và chân chính.
Trên thực tế người ta say mê và theo đuổi thứ chức quyền
đem đến cho người ta nhiều lợi lộc cung phụng; còn loại quyền chức đòi hỏi một
trách nhiệm phục vụ vô vị lợi thì người ta lại hay trốn tránh và nhường cho kẻ
khác.
Tuy nhiên, xã hội nào, cộng đoàn nào, có những vị lãnh
đạo biết hy sinh quên mình vì dân vì nước, vì cộng đoàn thì mới thật sự thăng
tiến và ấm no hạnh phúc bền vững được. Còn xã hội có những vị lãnh đạo luôn bóc
lột dân, hành hạ dân, vơ vét của dân sẽ là một xã hội bất hạnh và sớm diệt
vong.
Xin Chúa, cho mỗi người chúng ta trong vị trí làm cha,
làm mẹ, làm chức sắc hội đồng giáo xứ, đứng đầu các hội đoàn, làm công chức nhà
nước, làm thầy cô giáo, làm linh mục, tu sĩ, hay bất cứ một vị trí nào chúng ta
cũng lấy tinh thần yêu thương phục vụ, lấy lợi ích của tập thể, của người khác
làm trọng. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là người môn đệ biết sử dụng quyền
lực Thiên Chúa trao phó một cách khôn ngoan, đúng đắn và ý nghĩa, mang lại hạnh
phúc cho bản thân và cho người khác nữa. Amen.
Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD
No comments:
Post a Comment