Thursday 31 August 2023

CĂN TÍNH NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH. Chú giải Tin Mừng CN XXII TN A (Mt 16,21-27)

 Bản văn Hy Lạp và sát nghĩa

Việt

Hy Lp

21 Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ của Người rằng nhất thiết Người phải đi Jêrusalem và chịu đau khổ nhiều bởi các Kỳ Lão và các Kinh Sư và các Thượng Tế và bị giết chết và ngày thứ ba sẽ được sống lại.

22 Sau khi mang riêng Người ra, ông Phêrô bắt đầu cảnh báo Người rằng: “Xin thương xót Thầy, Chúa ơi! Điều này tuyệt đối không xảy ra với Thầy!”

23 Để đáp trả, Người nói cùng Phêrô rằng: “Hãy đi ra đằng sau Thầy, Xatan, con là cớ vấp ngã của Thầy, vì con không suy nghĩ những điều của Thiên Chúa nhưng những điều của con người”.

24 Rồi Đức Giêsu nói cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn đi theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình và đi theo Thầy

25 Vì người muốn cứu mạng sống mình thì sẽ huỷ diệt nó nhưng người huỷ diệt mạng sống mình vì Thầy sẽ tìm thấy nó”

26 Vì nếu người ta đạt được cả thế giới đánh mất linh hồn mình thì có lợi ích gi? Hay người ta sẽ trao giá nào cho mạng sống của mình.”

27 Vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thiên sứ của Người, rồi Người sẽ trả cho mỗi người theo công việc của mình”

21 Ἀπὸ τότε ἤρξατο Ἰησοῦς δεικνύειν τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ ὅτι δεῖ αὐτὸν εἰς Ἱεροσόλυμα ἀπελθεῖν καὶ πολλὰ παθεῖν ἀπὸ τῶν πρεσβυτέρων καὶ ἀρχιερέων καὶ γραμματέων καὶ ἀποκτανθῆναι καὶ τῇ τρίτῃ ἡμέρᾳ ἐγερθῆναι.

 22 καὶ προσλαβόμενος αὐτὸν Πέτρος ἤρξατο ἐπιτιμᾶν αὐτῷ λέγων· ἵλεώς σοι, κύριε· οὐ μὴ ἔσται σοι τοῦτο.

 23 δὲ στραφεὶς εἶπεν τῷ Πέτρῳ· ὕπαγε ὀπίσω μου, σατανᾶ· σκάνδαλον εἶ ἐμοῦ, ὅτι οὐ φρονεῖς τὰ τοῦ θεοῦ ἀλλὰ τὰ τῶν ἀνθρώπων.

 24 Τότε Ἰησοῦς εἶπεν τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· εἴ τις θέλει ὀπίσω μου ἐλθεῖν, ἀπαρνησάσθω ἑαυτὸν καὶ ἀράτω τὸν σταυρὸν αὐτοῦ καὶ ἀκολουθείτω μοι.

 25 ὃς γὰρ ἐὰν θέλῃ τὴν ψυχὴν αὐτοῦ σῶσαι ἀπολέσει αὐτήν· ὃς δ᾽ ἂν ἀπολέσῃ τὴν ψυχὴν αὐτοῦ ἕνεκεν ἐμοῦ εὑρήσει αὐτήν.

 26 τί γὰρ ὠφεληθήσεται ἄνθρωπος ἐὰν τὸν κόσμον ὅλον κερδήσῃ τὴν δὲ ψυχὴν αὐτοῦ ζημιωθῇ; τί δώσει ἄνθρωπος ἀντάλλαγμα τῆς ψυχῆς αὐτοῦ;

 27 μέλλει γὰρ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἔρχεσθαι ἐν τῇ δόξῃ τοῦ πατρὸς αὐτοῦ μετὰ τῶν ἀγγέλων αὐτοῦ, καὶ τότε ἀποδώσει ἑκάστῳ κατὰ τὴν πρᾶξιν αὐτοῦ. (Matt. 16:21-27 BGT)

 

Bối cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp Đoạn văn Mt 16,21-27 được đặt ngay sau lời tuyên xưng của ông Phêrô về căn tính của Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, đặc biệt là sau lệnh cấm không được nói cho ai về căn tính Kitô của Người. Lời tiên báo về cuộc khổ nạn – phục sinh là mặc khải rộng thêm về ý nghĩa căn tính Kitô, nhưng ngược lại với cách hiểu của ông Phêrô về căn tính ấy. Trong bối cảnh rộng hơn, lời tiền báo trong đoạn văn này nối kết chặt chẽ và được gia cố bằng hai lần tiền báo khác nữa (Mt 17,22; 20,17-19). Đặc biệt nó nối kết với toàn bộ trình thuật thương khó – phục sinh trong Mt 26 – 28. Lời mời gọi vác thập giá của mình chắc chắn có liên hệ với con đường thập giá mà Đức Giêsu đi trong cuộc khổ nạn. Những cuộc bách hại (Mt 10,27-32.37-39) mà Đức Giêsu cảnh báo cho các môn đệ cũng không nằm ngoài chủ đề thập giá. Chủ đề “vinh quang của Con Người” là một chủ đề cánh chung phổ biến trong Tin Mừng. Thập giá và vinh quang phục sinh là thông điệp quan trọng nhất trong các bài giảng của các Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai, cũng là điểm mấu chốt trong thần học của thánh Phaolô.

Cấu trúc

Bản văn có thể được chia thành bốn phần nhỏ. Phần A là lời tiên báo về Thương Khó – phục sinh; phần B ghi nhận phản ứng của ông Phêrô và sửa dạy của Đức Giêsu; Trong Phần C, Đức Giêsu dạy về căn tính của người môn đệ đích thực; Cuối cùng, vinh quang của Con Người và thưởng – phạt trong thời cánh chung được nói đến trong phần D.

A.  Tiên báo cuộc thương khó (16,21):

Từ lúc ấy (c.21a)

Lời tiên báo về khổ nạn – chết – phục sinh (c.21b)

B.  Phản ứng của Phêrô – Đức Giêsu sửa dạy (16,22-23):

Phêrô không chấp nhận cuộc thương khó và ngăn cản Đức Giêsu (c.22)

Đức Giêsu khiển trách Phêrô (c.23)

C.  Căn tính người môn đệ (16,24-26):

Hành động chứng tỏ căn tính: Từ bỏ - vác thập giá – đi theo (c.24)

Nghịch lý: “cứu – phá huỷ”, “phá huỷ – cứu ” (c.25)

Cân nhắc: Được cả thế gian – mất linh hồn (c.26)

D.  Thưởng – phạt (c.27)

Con Người đến trong vinh quang của Cha của Người

Trả lại cho mỗi người theo việc họ làm (c.27)

Một vài điểm chú giải

1.     “Từ lúc này, Ðức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ” (Ἀπὸ τότε ἤρξατο ὁ Ἰησοῦς δεικνύειν τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ). Câu này cũng xuất hiện ở 4,17 khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ ở Galilê; vì vậy, công thức này đóng khung hai phần lớn của Tin Mừng Mátthêu, phần đầu tiên từ lúc Đức Giêsu bắt đầu rao giảng đến lời tuyên xưng ở Kaisarêa Philípphos (4,17 – 16,20) được dành để nói về Hiến Chương Nước Trời, Đấng Kitô quyền năng trong lời rao giảng và hành động. Phần thứ hai (16,21 – 28,20) được dành để mô tả Con Người – Đấng Kitô quyền năng phục sinh vinh quang qua cuộc khổ nạn và cái chết. Việc sử dụng động từ “δεικνύειν - tỏ” ở thì hiện tại cho thấy một sự tiến triển tự nhiên nhưng lại rất mạnh (ở Mc 8,31 có từ “διδάσκειν - dạy”) bao hàm một hình ảnh trực quan của thông điệp, và có nghĩa là Mátthêu muốn làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng đối với các môn đệ.[1] Cụm trạng ngữ chỉ thời gian “từ lúc đó” (Ἀπὸ τότε) là mấu chốt cho thấy sự chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác: Từ giai đoạn mặc khải Đấng Kitô quyền năng làm phép lạ qua mặc khải Đấng Kitô khổ hình thập giá và phục sinh.

2.     “…nhất thiết phải đi Giêrusalem… chịu nhiều đau khổ”. Đức Giêsu chắc chắn nắm rõ sứ mạng của mình, Người chủ động trong chọn lựa thời gian mặc khải cho các môn đệ. Người biết cái chết sắp xảy ra cho mình ở 9,15 cũng như ở 10,38 và biết về âm mưu giết Người ở 12,14. Cho đến nay điều này chỉ được ngụ ý (1,21; 10,21.28.38; 12,14.40; 14,12-13; 16,4) thì bây giờ Người đã nói rõ ràng và giải thích rằng việc Người đi Giêrusalem là sự cần thiết thần linh. Động từ không ngôi (“phải” - δεῖ) thường được dùng diễn tả tính bắt buộc trong sứ mạng của Người, và phải hoàn tất lời Kinh Thánh (17,10; 24,6; 26,54; Lc 24,26-27), đây là ý muốn của Chúa Cha.[2]

3.     Phải” (δεῖ) được theo sau bởi bốn động từ nguyên mẫu (phải: lên đường, chịu đau khổ nhiều, chịu chết, được sống lại) tạo thành tiên báo về cuộc khổ nạn và nhấn mạnh sự thật của những sự kiện này. Đầu tiên, sứ mạng của Đức Giêsu ở Giêrusalem, nơi của lễ được hiến tế trong đền thờ và các thế lực chống đối đang chờ đợi Người. Kế đến, Người sẽ “chịu đau khổ nhiều” từ tất cả sự phẫn nộ và giày vò dưới bàn tay của nhà cầm quyền. Những điều này sẽ được giải thích chi tiết hơn trong lời tiên báo thứ ba (20,19) và bao gồm tất cả các sự kiện từ khi bị bắt cho đến khi bị đóng đinh. Ba nhóm người được đề cập ở đây bao hàm tất cả các nhà lãnh đạo Do Thái. Điều này ngụ ý sự tham gia, nếu có, của dân chúng chỉ là do tác động của nhóm lãnh đạo này. Các thành phần này cũng tượng trưng cho Hội Đồng Do Thái về mặt pháp lý. Các Kinh Sư và các Thượng Tế đã được nói đến ở 2,4. Các “Kỳ Lão” ban đầu là những người đứng đầu các gia đình và thị tộc, nhưng đến giữa các thời kỳ Giao Ước họ là những người đứng đầu các gia đình quý tộc và dần dần kết hợp với hai nhóm trên để thành lập tòa công nghị, tức hội đồng cai trị của người Do Thái (21,23; 26,3.47.57; 27,1.3.12.20.41; 28,12). Trong các cộng đồng Do Thái nói chung, một hội đồng gồm bảy niên trưởng giám sát cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, Đức Giêsu đang nói rằng các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ âm mưu chống lại Người ở Giêrusalem.[3]

4.      “… và bị giết, và ngày thứ ba sẽ được trỗi dậy”: Ý tưởng về Đấng Mêsia đau khổ và hấp hối trong Is 53 (chủ đề đau khổ cũng được nhắc đến trong Tv 16; 22; 31; 41; 69) không được Do Thái giáo hiểu đến, họ thường giải thích ’ebed yhwh (tôi tớ Chúa) là quốc gia hơn là Đấng Mêsia. Vì vậy, Đức Giêsu đang tỏ lộ một điều gì đó vượt quá khả năng hiểu của môn đệ. Tuy nhiên, sự chết sẽ bị nuốt chửng trong chiến thắng (1Cr 15,54, Is 25,8). Thể thụ động thần linh “được sống lại” (ἐγερθῆναι) nhấn mạnh sự chứng thực cái chết của Đức Giêsu là bởi Thiên Chúa. Chủ đề “ngày thứ ba” được kết nối với “ba ngày ba đêm” ở 12,40 và sẽ xuất hiện lại ở 17,23; 20,19; 27,63. Điều này đã trở thành một sự khẳng định tín điều quan trọng trong Giáo hội đầu tiên, và 1 Cr 15,4 (Ga 2,19) ghi lại rằng Đức Giêsu “đã sống lại vào ngày thứ ba đúng như lời Kinh Thánh”; điều này thường được liên kết với Hs 6,2 (“ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người”; cf. 2 V 20,5; Gn 2,1) nhưng có lẽ còn rộng hơn, với toàn bộ truyền thống Cựu Ước về việc giải thoát trong ba ngày. Đức Giêsu được đặt trong mộ vào chiều Thứ Sáu và sống lại vào sáng Chúa Nhật và theo cách tính của người Do Thái, ngài đã ở trong mộ “ba ngày ba đêm”.[4]

5.     “Phêrô bắt đầu trách Người: Thiên Chúa thương Thầy! Tuyệt đối điều ấy sẽ không xảy ra cho Thầy!” (Πέτρος ἤρξατο ἐπιτιμᾶν αὐτῷ λέγων· ἵλεώς σοι, κύριε· οὐ μὴ ἔσται σοι τοῦτο). Như người ta mong đợi, Phêrô không thể nắm bắt được mặc khải mới này, quá trái ngược với mọi điều mà các môn đệ dự định khi họ khẳng định Đức Giêsu là Đấng Mêsia theo nghĩa chính trị (Mc 8,31-9,1; Lc 9,22-27) – là Đấng hiển trị và xét xử chứ không phải chịu đau khổ. Việc sử dụng từ “bắt đầu (ἤρξατο) quở trách” cho thấy Phêrô chỉ mới bắt đầu sự phản đối mạnh mẽ của mình. Mátthêu gọi đó là “lời quở trách” để nhấn mạnh sự thay đổi hoàn toàn của Phêrô từ việc tuyên xưng rõ ràng về căn tính Đấng Kitô và được trao đặc ân to lớn, nhưng cũng để so sánh ông với lời quở trách mạnh mẽ hơn của Đức Giêsu trong câu tiếp theo. Cụm từ “ἵλεώς σοι” có hai cách hiểu khác nhau: Bản LXX có thể hiểu là một lời cầu nguyện nhẹ nhàng mong Chúa không cho phép điều này xảy ra “Cầu Chúa thương xót/nhân từ với Thầy”, nhưng nhiều khả năng nó phản ánh bản tiếng Hípri “còn lâu mới đến với tôi” và là một hình thức đối đầu “Không bao giờ!”; điều này được xác nhận khi Phêrô thêm vào câu rất mạnh mẽ: tuyệt đối không xảy ra như thế đâu![5] Cụm từ phủ định kép “οὐ μὴ” nhấn mạnh tính hoàn toàn trong mức độ phủ định.

6.      “Xéo đi sau Ta! Hỡi Xatan!” (ὕπαγε ὀπίσω μου, σατανᾶ). Cú “quay đầu” đầy kịch tính của Đức Giêsu nâng cao sức mạnh của cảnh tượng. Khi chống lại sứ mạng thiêng liêng đặt trước mặt Đức Giêsu, Phêrô đã trở thành công cụ của Xatan để cản trở kế hoạch của Thiên Chúa. Phêrô đang hành động theo Xatan một cách vô thức. Rõ ràng, Đức Giêsu không nói Phêrô bị quỷ ám hay là một phần của thế lực trần gian. Người thấy dấu hiệu của hành động cám dỗ của Xatan nơi Phêrô. “ὕπαγε … σατανᾶ” (đi đi… Xatan) phản ánh trình thuật cám dỗ ở 4,10 với cùng một động từ tương tự: “Xatan, xéo đi,” (ὕπαγε, σατανᾶ), điều này có nghĩa là thái độ của Phêrô do Xatan soi dẫn phải biến mất. [6]

7.     “Cớ vấp phạm của Thầy” (σκάνδαλον εἶ ἐμοῦ). Phêrô, “tảng đá” mà trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh (c.18), đã thực sự trở thành hòn đá gây vấp phạm hoặc “hòn đá làm cho vấp” (18,7; Is 8,14; Kn 14,11) đối với Đức Giêsu (cũng như chính Chúa Giêsu sẽ trở thành hòn đá làm cho vấp đối với những người khác (Rm 9,33; 1 Pr 2,6-8), một “chướng ngại vật” (như ở 11,6) trên con đường hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa, có lẽ với hình ảnh về việc dọn dẹp chướng ngại vật/hòn đá khỏi con đường đó đã làm cho Phêrô trở thành người đang đứng cản đường ý muốn của Thiên Chúa.[7]

8.     “… vì con không suy nghĩ những điều của Thiên Chúa, mà là những điều của loài người” (ὅτι οὐ φρονεῖς τὰ τοῦ θεοῦ ἀλλὰ τὰ τῶν ἀνθρώπων). Liên từ “ὅτι” có thể trình bày lý do cho cụm từ “cớ vấp ngã ngay trước đó” hay là cho biết ly do cho việc ông Phêrô bị gọi là Xatan. Động từ “φρονεῖς” ở thì hiện tại nhấn mạnh trạng thái tinh thần đang diễn ra của Phêrô; điều này bao hàm ý định, thái độ, khuynh hướng của ông, hay nói cách khác là tư tưởng của một người. Đây là điều đối nghịch với điều Đức Giêsu đã nói với Phêrô “ngươi có phúc: vì không phải thịt, máu, đã mạc khải cho ngươi, mà là Cha Ta! Ðấng ngự trên trời!” (c.17), tương tự như trong Is 55,8 ( những suy nghĩ của Ta không phải là những suy nghĩ của ngươi và những đường lối của Ta không là đường lối của ngươi). Ở đây, tư tưởng của Phêrô bị đóng khung bởi những kỳ vọng thuần túy của con người về hy vọng thiên sai của Israel. Cả hai nguồn gốc của sự thất bại thiêng liêng (Xatan và bản ngã) đều được nhấn mạnh ở đây. Câu nói của Đức Giêsu ở đây từ lâu đã được công nhận là trọng tâm của tư cách người môn đệ chân chính theo nghĩa tập trung vào các bận tâm trên trời hơn là dưới đất và được liên kết chặt chẽ với 6,19-21 “tìm kiếm kho tàng trên trời hơn là tìm kiếm kho tàng dưới đất.[8]

9.     Nói với các môn đệ: “Nếu ai muốn đi sau Ta” (Τότε ὁ Ἰησοῦς εἶπεν τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· εἴ τις θέλει ὀπίσω μου ἐλθεῖν). Trong hành động cảnh báo Đức Giêsu ông Phêrô dường như chủ động đi trước. Đức Giêsu lại muốn ông đi ra đằng sau, đúng với vị trí của người môn đệ - người đi theo. Xuất phát từ sự thất bại và thiếu hiểu biết về vai trò người môn đệ của Phêrô, Đức Giêsu giờ đây nói rõ tư cách mà người môn đệ phải có và mở rộng điều này để áp dụng cho “bất cứ ai muốn” thực sự trở thành người môn đệ. Rõ ràng, động lực là sự quyết định cá nhân. “Đi sau Ta” (ὀπίσω μου ἐλθεῖν) có nghĩa là để “trở thành môn đệ” đồng nghĩa với “đi sau Ta” trong quãng đường tiếp theo; do đó, đóng khung định nghĩa với mong muốn đi theo (4,19; 9,9) con đường của Chúa Kitô; tức là bắt chước phong thái của Thầy, lặp lại những chọn lựa của Thầy, tức là nối tiếp công trình mà Thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ (10,38).[9]

10.  “…hãy từ bỏ chính mình … vác lấy thập giá của mình … đi theo Ta” (ἀπαρνησάσθω ἑαυτὸν καὶ ἀράτω τὸν σταυρὸν αὐτοῦ καὶ ἀκολουθείτω μοι). Chìa khóa của tư cách người môn đệ là sự từ bỏ bản thân, với khuôn mẫu là Đức Giêsu, Người đã từ bỏ chính minh cho đến chết; và Phêrô là một tương phản, ông đã yêu cầu Đức Giêsu thực hiện sứ mạng thiên sai theo quan điểm của con người; như thế, làm theo yêu cầu của Đức Giêsu là từ bỏ vị trí trung tâm của bản thân mình. “Vác lấy thập giá của mình” (ἀράτω τὸν σταυρὸν αὐτοῦ, như ở 10,38) là một phép ẩn dụ vô cùng mạnh mẽ trong một thế giới, nơi mà người ta thường thấy những kẻ nổi loạn và chống đối chết trên thập giá. Các môn đệ phải biết rằng, với tất cả sự chống đối của các nhà cầm quyền đối với Đức Giêsu, đây là một khả năng thực sự đối với họ. Trong thế giới La Mã, việc phạm nhân bị kết án vác thập giá của mình đến nơi hành quyết là chuyện bình thường, vì vậy đây là một phép loại suy thích hợp. Có khả năng là có hai động lực: vác thập giá như một biểu tượng của sự từ bỏ hoàn toàn bản thân và sẵn sàng chết cho Đấng Kitô, nếu cần. Một lần nữa Đức Giêsu là mẫu mực tối cao đã làm được cả hai điều đó. Cuối cùng, chỉ riêng thực tế này thôi cũng có thể thực hiện mệnh lệnh “hãy theo Ta” (ἀκολουθείτω, thì hiện tại này sau một loạt thể thụ động aorist được đặt ở thể mệnh lệnh ngôi thứ ba nhằm làm nổi bật và nhấn mạnh đến cuộc sống làm môn đệ cách liên tục). Chừng nào thực tế vương quốc trần gian còn quan trọng hơn mọi sự cân nhắc, thậm chí cả mạng sống của chính mình, thì lúc đó, người ta không phải là người môn đệ chân chính.[10]

11.   “Muốn cứu sự sống mình … sẽ mất;  đánh mất sự sống mình vì Ta,… sẽ tìm lại được nó” (ὃς γὰρ ἐὰν θέλῃ τὴν ψυχὴν αὐτοῦ σῶσαι ἀπολέσει αὐτήν· ὃς δ’ ἂν ἀπολέσῃ τὴν ψυχὴν αὐτοῦ ἕνεκεν ἐμοῦ εὑρήσει αὐτήν). Việc sử dụng từ “vì” (γὰρ) hai lần trong câu c.25 và c.26 cho thấy rằng Đức Giêsu đang làm sáng tỏ ý nghĩa của sự từ bỏ chính mình. Đức Giêsu sử dụng ngôn ngữ của ước muốn hoặc ý chí cá nhân (“muốn” - θέλω) để đưa ra quan điểm của Người rằng có những lựa chọn phải được thực hiện. Sự tương phản rõ ràng: theo đuổi thế gian so với cuộc sống vĩnh cửu. Toàn bộ giọng điệu mang tính cánh chung, và cách chơi chữ giữa “cứu” và “mất” tạo ra sự tương phản giữa việc tìm cách “bảo tồn” di sản trần gian nhưng thực tế lại “hủy diệt” sự sống đó và đánh mất nó mãi mãi (c.25; 10,39). Sự đối lập được/mất đạt đến đỉnh điểm, vì các giá trị vương quốc mai sau càng giảm xuống để đạt được những thứ của cuộc sống này, thì càng có nhiều mất mát vì đây không phải là vương quốc sự sống! Có sự nhấn mạnh hơn nữa về “vì lợi ích của tôi” (ἕνεκεν ἐμοῦ) là làm con của Thiên Chúa và là môn đệ của Chúa Kitô, có nghĩa là sống không phải cho chính chúng ta mà là sẵn sàng từ bỏ tất cả những điều này “vì lợi ích của [Người]”.[11]

12.   “có ích gì … khi đạt được cả thế giới mà lại thiệt mất sự sống mình?” (τί γὰρ ὠφεληθήσεται ἄνθρωπος ἐὰν τὸν κόσμον ὅλον κερδήσῃ τὴν δὲ ψυχὴν αὐτοῦ ζημιωθῇ). Tính cách ngôn của câu nói này đã được công nhận từ lâu. Đức Giêsu thay đổi cách tiếp cận của Người từ câu 25 bằng một cặp câu hỏi tu từ liên quan đến điều gì có giá trị hoặc đáng giá (“lợi ích, lời lãi” ở 15,5) về lâu dài. Người rời khỏi lĩnh vực lý thuyết và đưa ra một ví dụ cụ thể về lợi ích và tài sản trần thế. Vì tầm quan trọng lớn lao của cõi vĩnh hằng, việc biến những “lời lãi” tạm thời của cuộc sống thành mục tiêu của mình phải được coi là sự lựa chọn ngu ngốc nhất trong tất cả. Hình ảnh “được cả thế giới” là giấc mơ tối thượng của mọi thời đại (Xatan đã đề nghị điều này với Đức Giêsu ở 4,8), nhưng xét cho cùng thì đó là một hố sâu trống rỗng không có ý nghĩa hoặc niềm vui lâu dài. Lịch sử đầy rẫy những nhân vật như vậy, tàn sát hàng triệu người hoặc lừa gạt hàng nghìn người để kiếm kế sinh nhai, chỉ để chết đúng như cách họ đã sống. Xa hoa và giàu có là hồi chuông báo tử cho tinh thần người môn đệ (c.26; 4,8; 6,19-24; Lc 12,13-21; 1Tm 6,6-19; Kh 3,17-18). Sắc thái chính xác của “linh hồn/sự sống” (ψυχὴν) ở đây chỉ rõ được tính chất, nó có thể có nghĩa tương tự như trong câu 25, “sự sống” của một người; điều này nói lên bản thân trong mối tương quan với Chúa.[12]

13.  “…người ta sẽ cho gì để chuộc lại sự sống mình?” (ἢ τί δώσει ἄνθρωπος ἀντάλλαγμα τῆς ψυχῆς αὐτοῦ). “Trao đổi” (δώσει … ἀντάλλαγμα) là một phép ẩn dụ thương mại cho các giao dịch trao đổi, từ bỏ thứ này để đạt được thứ khác. Đánh đổi cái tạm thời để lấy cái vĩnh cửu là điên rồ. Một số người (Davies và Allison, Luz, Nolland) tin rằng Tv 49,8-9 ẩn chứa đằng sau điều này, “giá chuộc mạng sống rất đắt, không bao giờ là trả đủ để một người nào đó được sống mãi mãi và không thấy sự suy tàn”. Cả ở đó và ở đây, người ta không thể mua được sự cứu độ hay cuộc sống đích thực bằng những phương cách trần thế. Không có gì trên thế giới này có thể đủ, vì vậy việc “chuộc lại” chỉ có thể được thực hiện bởi Thiên Chúa.[13]

14.   “Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người với các thiên thần của Người” (μέλλει γὰρ ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἔρχεσθαι ἐν τῇ δόξῃ τοῦ πατρὸς αὐτοῦ μετὰ τῶν ἀγγέλων αὐτοῦ). Từ “vì” (γὰρ) thứ ba liên tiếp nối kết điều này chặt chẽ với phần làm rõ trước đó của c.25-26. Vấn đề ở đây là ưu tiên lựa chọn trần thế hay vĩnh cửu trên trời, và bây giờ là sự chú ý hoàn toàn vào cái sau. Mátthêu có một cách tiếp cận khác với Mc 8,38 là bỏ qua câu nói “hổ thẹn” về Đức Giêsu và liên kết nó với chủ đề về phần thưởng cánh chung, nhấn mạnh việc sắp xảy ra được trình bày trong câu tiếp theo. Ý tưởng về “Con Người” (xem phần tiến triển sau 8,22) trở lại “trong vinh quang của Cha Người” phản ánh trong Đn 7,13-14 (Rm 6,4). “Vinh quang” (δόξα) của Thiên Chúa bao gồm cả vinh quang “cư ngụ” giữa dân Ngài; một vinh quang, uy nghi và huy hoàng khôn tả của Thiên Chúa tôn phong trong Is 6 và Ed 1. Đạo quân trên trời theo nghĩa nào đó là của Thiên Chúa, đạo quân được người Do Thái mong đợi vào ngày cánh chung, nhưng họ cũng là tác nhân của việc phán xét và sứ giả cánh chung. Hình ảnh này thường xuyên xuất hiện trong Mátthêu (13,41; 24,30-31; 25,31) và là một phần trong dòng chảy ngầm mang tính cánh chung mạnh mẽ của ngài.[14]

15.   “… và bấy giờ Người sẽ trả cho mỗi người tùy theo hành vi của họ” (καὶ τότε ἀποδώσει ἑκάστῳ κατὰ τὴν πρᾶξιν αὐτοῦ). Một lần nữa cánh chung là nguyên nhân của đạo đức. Chủ đề “bị phán xét/thưởng phạt bởi việc làm” thường xuyên xuất hiện trong Cựu Ước (2 Sbn 6,23; G 34,11; Tv 28,4 và 62,12; Cn 24,12; Gr 17,10; Ed 18,20; Hs 12,2), trong Tân Ước (Mt 16, 27; Rm 2,6 và 14,12; 1Cr 3,12-15; 2Cr 5,10 và 11,15; 2Tm 4,14; 1Pr 1,17; Kh 2,23; 11,18; 14,13; 18,6; 20,12.13; 22,12). Ngôn ngữ đặc biệt thể hiện sự gần gũi có lẽ là ám chỉ đến trong Tv 62,12 và Cn 24,12. Điều thú vị là sự nhấn mạnh ở số ít “mỗi người” và đặc biệt là số ít “hành động” (πρᾶξις), rất có thể là một tập thể nhưng vẫn nhấn mạnh rằng mỗi người đều chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về mỗi việc và mọi việc đã làm. Giáo huấn tổng kết ở c.25-26 theo nghĩa là những người chọn thế gian sẽ bị phán xét, nhưng ở đây nhấn mạnh đến những người chọn đường lối của Thiên Chúa và nhận phần thưởng của Ngài cho những lựa chọn đó.[15]

Một vài điểm nhấn thần học

1.   Kitô học: Đức Giêsu – Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, cũng đồng thời là Con Người, phải lên Jêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ, chịu chết, và ngày thứ ba sẽ được trỗi dậy. Ông Phêrô hiểu căn tính Kitô theo chiều kích vương đế, một Đấng có thể giải quyết cho dân mọi vấn đề hiện tại. Nói nôm na là Đấng Kitô là vị vua thiên sai sẽ giành lại chủ quyền cho dân và mang lại cho họ cơm no, áo ấm, xã hội công bằng, đất nước phồn vinh. Ông, cũng như các môn đệ khác chưa sẵn sàng đón nhận một Đấng Kitô chịu khổ nạn – chết – phục sinh. Tuy nhiên, các môn đệ dẫu không tham gia trực tiếp vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, vẫn mỗi người mỗi cách, trải nghiệm những đau khổ của Người. Họ bỏ chạy, hoảng sợ, đau khổ, thất vọng, khi nhìn Thầy bị giết chết, đặc biệt là Phêrô và người Môn Đệ Chúa Yêu. Đặc tính Kitô học mấu chốt trong lời tiên báo của Đức Giêsu là biến cố phục sinh, điều mà các môn đệ quên mất vì áp lực của đau khổ. Đấng Kitô phải được sống lại thì mới mang lại niềm hy vọng, sự sống vĩnh cửu cho các môn đệ và những người tin.

2.    Căn tính người môn đệ đích thực: Từ bỏ chính mình – vác thập giá của mình – đi theo Đức Giêsu. Trong lời mời gọi của Đức Giêsu căn tính Người Môn Đệ đích thực được lộ rõ. Họ không chỉ là những người đi theo, lắng nghe lời giảng, chứng kiến phép lạ, rồi chia sẻ vinh quang với Đức Giêsu. Họ phải “vác thập giá của mình mà đi theo Đức Giêsu”. Trong bối cảnh trực tiếp, mệnh lệnh này có nghĩa là họ bỏ đi khát vọng vinh quang mà họ đang suy nghĩ, cùng lên Jêrusalem, rồi cùng chịu khổ nạn với Đức Giêsu. Điều này các môn đệ chưa làm được. Trong bối cảnh rộng hơn, tất cả các môn đệ sẵn sàng chịu mọi đau khổ của phận người vì Đức Kitô, kể cả cái chết. Nó bao hàm một lối sống cộng đoàn yêu thương, hy sinh cho nhau, và các thành viên cộng đoàn sẵn sàng là chứng nhân cho Đức Kitô cho đến chết. Điều này tất cả các Tông Đồ đều làm được sau khi Đức Giêsu đã trao ban sứ vụ và lên trời. Cộng đoàn Kitô hữu đầy hiệp nhất và yêu thương đã được xây dựng và đời sống của các chứng nhân cũng được thể hiện. Các Tông Đồ cũng sẵn sàng chết vì sứ mạng chứng nhân của mình, khởi đầu là ông Giacôbê Tông Đồ.

3.     Cứu độ học: Chiều kích cứu độ học bộc lộ trong chọn lựa thể hiện căn tính của người môn đệ. Khi họ không từ bỏ chính mình, không muốn vác thập giá, là họ đang tìm sự thoải mái, êm ái của thân xác trên cõi đời này, họ có nguy cơ mất sự sống đời đời. Ngược lại khi họ dám hy sinh, từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày, và đi theo Đức Giêsu, họ có thể chết, nhưng sẽ được sống lại và sống đời đời. Người ta phải cân nhắc nghiêm túc giữa lợi lộc cả thế giới và đánh mất linh hồn, và không một giá trị vật chất nào có thể chuộc lại được một khi linh hồn đã mất. Đức Giêsu đã đi con đường thập tự để mang lại ơn cứu độ cho con người, nhưng nếu con người không đi theo con đường của Người, thì họ cũng có nguy cơ đánh mất linh hồn mãi mãi.

4.   Chiều kích xã hội – chính trị: Con đường cứu độ của Đức Giêsu được lồng vào trong âm mưu thâm độc của giới lãnh đạo trí thức, quyền lực Do Thái, đại diện cho pháp quyền và giáo quyền Do Thái. Người ta sẵn sàng thủ tiêu người không cùng quan điểm và làm nguy hại đến lợi ích của các nhân và nhóm của mình.

5.     Luân lý học: Con người ta thường thích vinh quang, sung sướng mà không muốn trải nghiệm đau khổ và cái chết. Điều ấy được thể hiện rõ nét trong phản ứng của ông Phêrô trước mặc khải động trời của Đức Giêsu. Đó cũng là phản ứng chung của đa số các môn đệ và các Kitô hữu qua mọi thời đại. Khi phản ứng như vậy, họ đã vô tình đi chung con đường của ma quỷ, làm cớ vấp phạm cho chính Đức Giêsu và bản thân mình cũng đã vấp ngã. Các môn đệ, không được phép đi trước thầy Giêsu mà phải đi ra đằng sau để đi theo sau Người với thập giá trên vai.

6.   Cánh chung học: Thần học về cánh chung trong đoạn văn này gồm hai khía cạnh: (i) Căn tính của Con Người; (ii) Sự thưởng – phạt của Con Người. Cùng với vinh quang phục sinh sau cuộc khổ hình, Đức Giêsu công bố vinh quang cánh chung của Con Người. Hình ảnh này gợi nhớ đến lời khải huyền của ngôn sứ Đaniel (Đn 7,13-14, cf. 10,23). Điểm khác biệt ở đây là “vinh quang” được định nguồn là “của Cha của Người”, sự hiện diện của “các thiên sứ”, và sự phán xét. Con Người đến trong vinh quang của Cha của Người với tư cách một Đấng phán xét. Người sẽ trả lại cho mỗi người theo như những việc họ làm. Nghĩa là, ai đã thực thi hoàn hảo lời mời gọi “bỏ mình, vác thập giá của mình, đi theo Người” thì sẽ được hưởng vinh quang phục sinh và sự sống vĩnh cửu tròn đầy với Người. Có lẽ, hình phạt cũng có thể được ngụ ý, cho những ai không thể hiện căn tính người môn đệ như Người mời gọi. Chúng ta có thể mường tượng cảnh cánh chung mà Đức Giêsu báo trước như được tường thuật trong Mt 25,31-46 với câu kết luận rằng “họ (những người bị nguyền rủa), sẽ đi vào hình phạt vĩnh cửu còn người công chính đi vào sự sống đời đời” (Mt 25,46).

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD – Cs. Jos. Nguyễn Ngọc Minh Tiến



[1] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 634; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 410; C. MITCH & E. SRI, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mattheu, 211; V.P. LONG, Các Bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng Vụ, 256.

[2] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 635; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 410; V.P. LONG, Các Bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng Vụ, 255-256.

[3] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 635; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 410.

[4] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 635.

[5] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 635-636; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 410-411; C. MITCH & E. SRI, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mattheu, 211.

[6] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 636; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 411; C. MITCH & E. SRI, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mattheu, 211; V.P. LONG, Các Bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng Vụ, 256.

[7] Ibid., 256; Ibid., 636; Ibid., 411; Ibid., 211-212.

[8] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 636.

[9] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 636-637; V.P. LONG, Các Bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng Vụ, 257.

[10] L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 411-412; C. MITCH & E. SRI, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mattheu, 212; V.P. LONG, Các Bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong Phụng Vụ, 256-257; G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 637.

[11] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 637; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 412.

[12] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 637-638; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 412.

[13] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 638.

[14] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 638.

[15] G.R. OSBORNE, Exegetical Commentary on the New Testament: Matthew, 638; L.D. TURNER, Matthew. Baker Exegetical Commentary on the New Testament, 412-413; C. MITCH & E. SRI, Catholic Commentary on Sacred Scripture: The Gospel of Mattheu, 213.