Friday 12 January 2024

TÌM CON CHIÊN THIÊN CHÚA, THẤY ĐẤNG MÊSIA. Chú Giải Tin Mừng CN II TN B (Ga 1,35-42), Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

35 Hôm sau, ông Gioan lại đứng cùng hai trong số các môn đệ của ông.[1]

36 Và trong khi nhìn vào Đức Giêsu đang rảo bước, ông nói: “Này đây! Con Chiên của Thiên Chúa”.

37 Và hai môn đệ của ông nghe ông nói và đi theo Đức Giêsu.

38 Khi Đức Giêsu quay lại và nhìn thấy họ đang đi theo, Người nói cùng họ rằng: “Các ông tìm gì vậy?” Họ nói cùng Người: “Rabbi, có nghĩa là, thưa thầy! Thầy lưu lại ở đâu?”

39 Người nói cùng họ: “Hãy đến và sẽ thấy”. Họ đã đến và thấy nơi Người lưu lại và họ lưu lại với Người ngày đó. Đó là khoảng giờ thứ mười.

40 Rồi, Anrê, người anh em của ông Simôn Phêrô là một trong hai người đã nghe theo ông Gioan và đã đi theo Người.

41 Ông ta tìm người anh em của mình trước tiên và nói cùng ông ta rằng: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia, Đấng còn được gọi là Kitô”

42 Ông (Anrê) dẫn ông ta đến cùng Đức Giêsu. Khi nhìn vào ông ta, Đức Giêsu nói rằng: “Ông là Simôn, con ông Gioan, ông sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Phêrô”.

 

35 Τῇ ἐπαύριον πάλιν εἱστήκει ὁ Ἰωάννης καὶ ἐκ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ δύο

 36 καὶ ἐμβλέψας τῷ Ἰησοῦ περιπατοῦντι λέγει· ἴδε ὁ ἀμνὸς τοῦ θεοῦ.

 37 καὶ ἤκουσαν οἱ δύο μαθηταὶ αὐτοῦ λαλοῦντος καὶ ἠκολούθησαν τῷ Ἰησοῦ.

 38 στραφεὶς δὲ ὁ Ἰησοῦς καὶ θεασάμενος αὐτοὺς ἀκολουθοῦντας λέγει αὐτοῖς· τί ζητεῖτε; οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ· ῥαββί, ὃ λέγεται μεθερμηνευόμενον διδάσκαλε, ποῦ μένεις;

 39 λέγει αὐτοῖς· ἔρχεσθε καὶ ὄψεσθε. ἦλθαν οὖν καὶ εἶδαν ποῦ μένει καὶ παρ᾽ αὐτῷ ἔμειναν τὴν ἡμέραν ἐκείνην· ὥρα ἦν ὡς δεκάτη.

 40 Ἦν Ἀνδρέας ὁ ἀδελφὸς Σίμωνος Πέτρου εἷς ἐκ τῶν δύο τῶν ἀκουσάντων παρὰ Ἰωάννου καὶ ἀκολουθησάντων αὐτῷ·

 41 εὑρίσκει οὗτος πρῶτον τὸν ἀδελφὸν τὸν ἴδιον Σίμωνα καὶ λέγει αὐτῷ· εὑρήκαμεν τὸν Μεσσίαν, ὅ ἐστιν μεθερμηνευόμενον χριστός.

 42 ἤγαγεν αὐτὸν πρὸς τὸν Ἰησοῦν. ἐμβλέψας αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· σὺ εἶ Σίμων ὁ υἱὸς Ἰωάννου, σὺ κληθήσῃ Κηφᾶς, ὃ ἑρμηνεύεται Πέτρος.

 (Jn. 1:35-42 BGT)

Bối cảnh

Ga 1,35-42 nằm ngay sau đoạn văn nói về lời chứng của ông Gioan, Người dìm về “Đấng đến sau” như là “con chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của thế giới” (Ga 1,29-34). Phía sau Ga 1,35-42 là đoạn nói về ơn gọi của Philípphê và Nathanael (Ga 1,43-51). Có thể nói rằng Ga 1,35-42 và Ga 1,43-51 vừa nối kết với nhau bằng chủ đề về “ơn gọi’, nhưng cũng vừa tách biệt nhau bằng yếu tố thời gian “ngày kế tiếp”/ “ngày hôm sau”. Cả ba đoạn văn này đều được khởi đầu bằng yếu tố thời gian “ngày hôm sau” (1,29.35.43). Ba đoạn văn này cũng có nhóm nhân vật tương quan với nhau: Trong 1,29-34, có nhân vật là Gioan, người dìm và “Con Chiên của Thiên Chúa”/ “Đấng đến sau”; trong 1,35-42, nhóm nhân vật bao gồm ông Gioan, Người dìm, “Con Chiên của Thiên Chúa” và hai môn đệ của ông Gioan; và nhóm nhân vật trong 1,43-51 là: Đức Giêsu và hai môn đệ mới (Philípphê và Nathanael) trong đó, ông Philípphê cùng quê với các ông Anrê và Phêrô. Đức Giêsu, “Con Chiên Thiên Chúa” là nhân vật chính nối kết cả ba đoạn văn này. Trong đoạn văn đầu tiên, Người là nhân vật gián tiếp, nhưng trong đoạn văn thứ hai Người chuyển đổi từ vị trí gián tiếp thành trực tiếp và đặc biệt trong đoạn thứ ba Người hoàn toàn chủ động trong câu chuyện.

Cấu trúc

Bối cảnh (35) Hôm sau, ông Gioan và hai môn đệ của ông

Giới thiệu (36): Này đây! Con Chiên của Thiên Chúa

Đi theo, thấy, và ở lại (37-39)

-        Hai môn đệ của ông Gioan đi theo

-        Muốn biết: “Thầy lưu lại ở đâu?”

-        Mời gọi: “Hãy đến và sẽ thấy”

-        Đến - thấy nơi Người lưu lại – lưu lại với Người

Giới thiệu cho người khác (40-42a)

-        Anrê tìm người anh em Phêrô

-        Nói: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia, còn gọi là Kitô”

-        Dẫn Phêrô đến cùng Đức Giêsu.

Đổi tên (42b): “Ông là Simôn, con ông Gioan, ông sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Phêrô”

Một số điểm chú giải

1.     Hôm sau … giờ thứ mười: Có hai cụm từ chỉ thời gian đáng được lưu ý trong đoạn văn này. Cụm từ thứ nhất “hôm sau” (Τῇ ἐπαύριον), có vai trò tách biệt về thời gian giữa câu chuyện này với câu chuyện trước đó. Tách biệt cũng là nối kết vì “hôm sau” chỉ có ý nghĩa khi so với “hôm trước”, tức là câu chuyện ở trong đó ông Gioan cũng giới thiệu Đức Giêsu như là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Cụm trạng ngữ thời gian này lại có ý nghĩa nối kết với câu chuyện tiếp theo cũng bắt đầu bằng “hôm sau”. Xin trích dẫn ba câu văn chứa cụm trạng ngữ “hôm sau” để độc giả khỏi bối rối.

“Hôm sau, ông nhìn vào Đức Giêsu đang đi đến với mình và nói: “Đây là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của thế giới” (1,29);

“Hôm sau ông Gioan lại đứng và từ hai môn đệ của ông, ông nhìn vào Đức Giêsu đang rảo bước và nói: ‘Này đây! Con Chiên của Thiên Chúa” (1,35-36);

“Hôm sau Người quyết định đi Galilê, và tìm ông Philipphê và Đức Giêsu nói cùng ông rằng: “Hãy đi theo tôi” (1,43).

Dựa vào điệp khúc ba lần lặp lại cụm trạng ngữ “hôm sau”, độc giả có thể thấy được lược đồ thời gian bốn ngày trong tổng thể những câu chuyện khởi đầu Tin Mừng Gioan. Tuy nhiên, độc giả sẽ không khỏi bối rối, khi đọc đến câu chuyện thường được gọi là “Tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-13), bởi vì cụm trạng ngữ thời gian bắt đầu câu chuyện lẽ ra là “ngày thứ năm”, thì nó lại là “ngày thứ ba”: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana, miền Galilê” (Ga 21,1). Cụm từ “ngày thứ ba” được bàn chi tiết trong bài chú giải về tiệc cưới Cana.[2]

Cụm từ chỉ thời gian thứ hai là “giờ thứ mười”, tức là “bốn giờ chiều”, giả định rằng ông Gioan tính thời gian ban ngày bắt đầu từ sáu giờ sáng. Tác giả N. Walker cho rằng Gioan tính giờ khác với các tác giả Nhất Lãm, khi tính giờ từ lúc nửa đêm như truyền thống của các tư tế Rôma, những người Ai Cập. Ông cho rằng mười giờ sáng là nghĩa hợp lý trong bối cảnh này. Tuy nhiên, rõ ràng là trong trình thuật Gioan về cái chết của Đức Giêsu, ngày hôm sau là Ngày Lễ Vượt Qua, bắt đầu bằng buổi tối, không phải là nửa đêm. Chi tiết này ủng hộ giả định thời gian ban đêm bắt đầu từ 6 giờ chiều và ban ngày bắt đầu từ sáu giờ sáng.[3] Vì số mười là số hoàn hảo nên có tác giả lý giải “giờ thứ mười” như là “giờ hoàn tất” (Bultmann). Đây cũng có thể là giờ dành cho sự hoán cải. Có thể họ ở lại với Đức Giêsu qua đêm, một khoảng thời gian đủ để Anrê chắc chắn rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.[4]

2.     Con Chiên của Thiên Chúa: Đây là danh xưng Kitô học chỉ có trong Tin Mừng Gioan. Ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu hai lần rằng Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Lần thứ nhất, ông giải thích vai trò của “Con Chiên Thiên Chúa” khi thêm vào mệnh đề “Đấng cất đi tội lỗi của thế giới” (1,29). Hình ảnh “con chiên” rất có thể ám chỉ đến “Con Chiên Vượt Qua” trong sách Xuất Hành (Xh 12,3-14.21-27.43-46). “Con Chiên Vượt Qua” nguyên thủy trong sách Xuất Hành không mang ý nghĩa “cất tội lỗi”, nhưng mang ý nghĩa cứu thoát. Có lẽ, Gioan Tẩy Giả ngụ ý đến vai trò mang lại một sự cứu thoát nền tảng cho con người. Đó là cứu thoát con người “khỏi tội lỗi của họ”. Đức Giêsu như “Con Chiên Vượt Qua”, chịu sát tế, máu đổ ra nhằm chuộc tội cho nhân loại. Trong Tin Mừng Gioan, ông Philatô xét xử Đức Giêsu vào giờ thứ sáu vào ngày áp Lễ Vượt Qua. Đó là giờ mà các tư tế bắt đầu sát tế Chiên Vượt Qua trong đền thờ. Tin Mừng thứ tư cũng nhắc đến cành hương thảo, phương tiện được dùng để nhúng vào máu và bôi lên cửa (Xh 12,22-23). Có lẽ, tác giả cũng ngụ ý nối kết cành hương thảo này với nghi thức Lễ Vượt Qua. Ngoài ra, chỉ có trong Tin Mừng thứ tư, chi tiết Đức Giêsu không bị đánh gãy óng chân được nói đến (Ga 19,33.36). Đây là chỉ thị dành cho con cái Israel đối với Con Chiên Vượt Qua: “Các ngươi không được đánh gãy một chiếc xương nào của nó (Xh 12,46b). Các tác giả Tân Ước mô tả Đức Giêsu như là con chiên Vượt Qua mới, Người mà cái chết hy sinh của Người mang lại sự giải thoát khỏi tội lỗi và giao hòa cùng Thiên Chúa (Ga 19,14.36; 1 Cr 5,7; 1 Pr 1,19; Kh 5,9). Con chiên ám chỉ đến những con vật làm hy tế mà qua đó tội lỗi con người được tẩy sạch theo nghi lễ và họ được giao hòa cùng Thiên Chúa (Lv 1,1-13). Ngôn sứ Isaia nói đến hình ảnh người tôi tớ đau khổ như con chiên hiền lành bị mang đi làm thịt để gánh lấy tội của người khác: Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi tớ của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ … Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân, nhưng thật ra Người đã mang lấy tội lỗi của muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,7.11.12).[5] Trong đoạn văn này, ông Gioan, Người dìm, chỉ giới thiệu Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”, mà không lặp lại “Đấng cất lấy tội lỗi trần gian”. Tuy nhiên, danh xưng “Con Chiên của Thiên Chúa” được lặp lại ở đây có lẽ cũng bao hàm cả ý tưởng ấy, cho dù nó không được nhắc lại.

3.     Nghe và đi theo: Nội dung của động từ “nghe” rõ ràng là lời giới thiệu Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Đây là đặc tính Kitô học rất khác thường của riêng tác giả Gioan, khác với các tác giả Tin Mừng khác. Ông Gioan, Người dìm, trong Tin Mừng thứ tư, cũng giới thiệu Đức Giêsu là “Đấng đến sau, nhưng trổi hơn tôi” (1,15.30), “tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (1,27); “Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh” (1,33). Tuy nhiên, khác với các ông Gioan của các tác giả Nhất Lãm, ông Gioan của Tin Mừng thứ tư còn giới thiệu đến hai lần Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Sau khi nghe về đặc tính ấy của Đức Giêsu, hai môn đệ của ông Gioan đã đi theo Người. Điều này chứng tỏ rằng những môn đệ này bị thu hút bởi danh hiệu này của Đức Giêsu. Có thể lúc này họ chưa hiểu hết về danh hiệu ấy, nhưng họ cũng cảm nhận được phần nào đó về tầm quan trọng của danh xưng này. Động từ “akoluthêồ” (ἀκολουθέω) vừa có nghĩa bình thường là đi theo phía sau một người nào đó, vừa có nghĩa đặc biệt là “đi theo” làm môn đệ, học theo lối sống của ai đó.[6] Khi nói đám đông đi theo Đức Giêsu, các tác giả thường ngụ ý là “đi theo sau theo nghĩa bình thường (Mt 21,9; Lc 7,9; Ga 6,2). Trường hợp Lêvi và các môn đệ bỏ mọi sự mà “đi theo” Đức Giêsu (Mt 9,9; Mc 1,18; Lc 5,11), các tác giả muốn diễn tả sự “đi theo” làm môn đệ. Trong bối cảnh này, hành động “đi theo” của hai môn đệ ông Gioan thoạt tiên có vẻ là “đi theo sau” nhưng ý định muốn biết nơi Đức Giêsu lưu lại và sau đó lưu lại với Người ngày hôm ấy cho thấy ngụ ý “đi theo” làm môn đệ.[7]

4.     Các ông tìm gì vậy? Câu hỏi của Đức Giêsu bộc lộ một sự thật là hai môn đệ này không phải “đi theo sau” cách đơn thuần. Họ đang tìm điều gì đó. Họ đang muốn khám phá điều gì đó nơi Người. Động từ “zêtêồ (ζητέω) được chia ở thì hiện tại diễn tả một thực tại đang diễn ra và có thể kéo dài. Câu hỏi này tiếp theo sau hành động “quay lại” của Đức Giêsu mở đầu một cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa Người và hai môn đệ.[8]

5.      Rabbi! Thầy lưu lại ở đâu?”: “Rabbi” là chuyển âm từ tiếng Hípri, thường dùng cho một kinh sư, hoặc một thầy dạy luật.[9] Trong bối cảnh này, nó được dịch ra trong tiếng Hy Lạp là “thầy dạy” (διδάσκαλος). Trong Tân Ước, danh xưng này thường được dùng cho Đức Giêsu. Tác giả Tin Mừng thứ tư sử dụng nhiều nhất danh xưng này (8 lần, Mt 4 lần, Mc 3 lần). Ngoài Đức Giêsu, trong Tin Mừng thứ tư, ông Gioan, Người dìm cũng được gọi là Rabbi (Ga 3,26). Có hai lần danh xưng này được dùng ở dạng nâng cao trong các sách Tin Mừng: “Rabbouni” (ραββουνι), có thể hiểu là “thầy kính mến” (Mc 10,51; Ga 20,16). Trong bối cảnh Đức Giêsu mới xuất hiện lần đầu trong Tin Mừng thứ tư, cách gọi này của hai môn đệ của Gioan hơi lạ. Tương tự, ít lâu sau đó, ông Nathanael cũng gọi Đức Giêsu là Rabbi trong lần gặp đầu tiên (1,49). Những cách gọi này cho thấy rằng dường như những người này đã nghe biết về Đức Giêsu, với tư cách là một “thầy dạy”.

Hai môn đệ này đáp trả câu hỏi của Đức Giêsu “các ông tìm gì vậy?” bằng một câu hỏi khác “Thầy lưu lại ở đâu vậy?” Câu hỏi này ngụ ý rằng họ đang tìm nơi ở của Đức Giêsu. Động từ “menein” lặp lại ba lần trong cc.38-39. Động từ này có nghĩa thông thường là “ở lại” (Mc 6,10; Lc 19,5), nhưng theo R. Brown, ở đây nó có nghĩa thần học. Câu hỏi của Đức Giêsu đụng chạm đến nhu cầu cơ bản của con người khiến anh ta quay về với Thiên Chúa, và câu trả lời của các môn đệ phải được diễn giải trên cấp độ này. Con người ao ước được ở lại cùng Thiên Chúa. Nó luôn muốn tìm cách thoát khỏi sự tạm bợ, thay đổi, cái chết và tìm kiếm điều gì đó vĩnh hằng.[10]

6.   “Hãy đến và sẽ thấy”: Câu này trong các bản dịch tiếng Việt là “đến mà xem” (CGKPV) “Hãy đến mà xem” (NTT); Các bản dịch Tiếng Anh là: “Come and you will see” (ESV; NAB); Tiếng Pháp: “Venez et vous verrez” (TOB); Tiếng Ý: “Venite e vedrete”. Các bản dịch Anh, Pháp, Ý theo bản tiếng Hy Lạp Nestle Anland 28th (NA8th). Do vậy, động từ trước ở dạng mệnh lệnh, thì hiện tại (hãy đến, ἔρχεσθε) và động từ sau ở dạng trình bày, thì tương lai (sẽ thấy, ὄψεσθε). Các bản dịch tiếng Việt có lẽ theo các bản thảo chép tay Sinaiticus (א), Alexandrinus (A), và một số bản thảo khác vốn có hai động từ mệnh lệnh: “Hãy đến và xem” (ἔρχεσθε καὶ ἴδετε). Tuy nhiên, việc bản dịch tiếng Việt chuyển thành “đến mà xem” hay “hãy đến mà xem” với động từ sau trở thành một động từ chỉ mục đích, thì hơi lạ. Tôi sẽ chọn cách hiểu nguyên ngữ theo bản NA8th, nghĩa là “Hãy đến và sẽ thấy”. Đức Giêsu mời gọi họ đến và hứa hẹn một sự khám phá ra điều họ đang tìm kiếm.

7.     Họ đã đến, thấy và họ lưu lại với Người: Nghe theo lời mời gọi Đức Giêsu, họ đã đến và đã thấy nơi Người lưu lại. Họ đi thêm một bước nữa là quyết định “lưu lại với Người” ngày hôm đó. Chính nhờ sự ở lại này họ đã tìm thấy Đấng Mêsia.[11] Trong Tin Mừng thứ tư “đến” cùng Đức Giêsu sẽ được dùng để mô tả đức tin: “Các ngươi từ chối đến cùng tôi để có sự sống” (5,40); “Tôi là bánh sự sống, ai đến với tôi sẽ không bao giờ đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (6,35; Cf. 7,37); “Ai nghe và học từ Cha đến cùng tôi” (6,45). Nhìn thấy Đức Giêsu cũng là một cách thức khác để trình bày đức tin theo tác giả Gioan: “Ý muốn của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người có thể có sự sống đời đời, và tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày cuối cùng” (6,40).

8.     Anrê và người môn đệ vô danh: Một trong hai người môn đệ của ông Gioan được kể tên là Anrê. Đây là chi tiết khá lạ thường, nhờ đó, độc giả biết rằng ông Anrê vốn là môn đệ của ông Gioan[12] trước khi theo Đức Giêsu. Điều người ta vẫn thường thắc mắc là người môn đệ vô danh ấy là ai? Có nhiều đề xuất cho là “người môn đệ Chúa yêu”, một nhân vật cũng vô danh, xuất hiện lần đầu trong Bữa Tiệc Ly và nhiều lần khác nữa (13,23; 19,26; 20,2; 21,7.20). Tuy nhiên, khó có dữ liệu nào thuyết phục để đồng hóa người môn đệ vô danh này với “người môn đệ Đức Giêsu yêu”. Trong Tin Mừng thứ tư, không chỉ có người môn đệ vô danh ở đây và “người môn đệ Đức Giêsu yêu”, mà còn có hai môn đệ vô danh nữa: Người môn đệ khác trong 18,15 và một trong hai môn đệ khác ở 21,2. Như thế, có đến bốn người môn đệ vô danh. Tác giả Lê Minh Thông xem người môn đệ này vẫn là môn đệ vô danh, không thể đồng hóa với “Người môn đệ Đức Giêsu yêu”.[13] Tác giả G. Beasley - Murray cho rằng người môn đệ vô danh này có thể là Philípphê, vì trong Tin Mừng thứ tư, hai ông Anrê và Philípphê thường xuất hiện cùng nhau: “Ông Philipphê đến và nói cùng ông Anrê rồi ông Anrê và Philípphê đến và thưa cùng Đức Giêsu” (Ga 12,22, xem thêm câu chuyện hóa bánh ra nhiều trong Ga 6,1-15).[14] Có vài điều lý thú với đề xuất này. Sau khi ông Anrê giới thiệu em mình cho ông Phêrô, người anh em của ông, Đức Giêsu tìm ông Philípphê và gọi ông “Hãy theo tôi” (1,43). Ông Philípphê được lưu ý là cùng quê Bếtsaiđa với hai ông Anrê và Phêrô (1,44). Trong danh sách các Tông Đồ sau Phục Sinh được ghi lại trong sách Các Hoạt Động, tên ông Anrê và Philípphê được xếp gần nhau: “Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê, Philípphê…” (Cv 1,13). Đây cũng chính là thứ tự tên các tông đồ theo tác giả Máccô, còn tác giả Luca và Mátthêu xếp tên Anrê ngay sau ông Phêrô và Philípphê ngay sau tên ông Gioan (Mc 3,13-19; Mt 10,1-4; Lc 6,12-16).

Cụm từ diễn tả tương quan giữa ông Anrê và ông Simôn “Ἀνδρέας ὁ ἀδελφὸς Σίμωνος Πέτρου” được dịch qua tiếng Việt hai cách khác nhau: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô” (CGKPV) và “Anrê, em của Simôn Phêrô” (NTT). Tương tự trong bản liệt kê danh sách các Tông Đồ của Mátthêu và Luca, hai nhóm dịch giả này cũng chọn cách hiểu như thế. Vậy, ông Anrê là em hay là anh của ông Phêrô? Trong tiếng Hy Lạp danh từ “adelphos” (ἀδελφὸς) không cho biết “anh” hay là “em”. Nó chỉ có nghĩa là “người anh em”. Chính vì hầu hết các ngôn ngữ ngoại quốc đều chọn cách hiểu trung dung như vậy. Cách dịch được đề xuất trong tiếng Việt có thể là: “Ông Anrê, người anh em của ông Simôn Phêrô”

9.     Tìm và nói cùng: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia, Đấng còn được gọi là Kitô” … dẫn đến:

Trong Tin Mừng thứ tư, ông Anrê được mô tả cách đặc biệt, khác hẳn với chính ông, theo Tin Mừng Nhất Lãm. Thật vậy, nếu như trong Tin Mừng Nhất Lãm, danh Anrê chỉ được liệt kê bên cạnh ông Simôn Phêrô, mà không có bất cứ một lời nói hay hành động nào, ngoại trừ hành động “bỏ chài lưới và đi theo Người”, thì trong Tin Mừng thứ tư, Anrê được mô tả như là người đầu tiên tìm thấy Đấng Mêsia và giới thiệu cho người anh em của mình. Tác giả Gioan mô tả Anrê là môn đệ của ông Gioan, người dìm. Tuy nhiên, khi nghe giới thiệu về Đức Giêsu như là “Con Chiên của Thiên Chúa”, ông liền đi theo, tìm kiếm, đến, nhìn thấy và ở lại với Đức Giêsu ngày hôm ấy, và cuối cùng tìm thấy Đấng Mêsia. Đây là dữ liệu khá lý thú, vì theo Tin Mừng Nhất Lãm, chính ông Phêrô là người đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô” (Mt 16,20; Mc 8,29; Lc 9,20). Cũng cần nói thêm là, trong Tin Mừng Nhất Lãm, sau khi Đức Giêsu hoạt động một thời gian dài và làm nhiều dấu lạ, ông Phêrô mới tuyên xưng Người là “Đấng Kitô”, trong khi dân chúng vẫn còn mông lung về căn tính của Người. Ở đây, ông Anrê đã sau một ngày đã có thể khám phá ra Người là Đấng Mêsia. Trong việc nhận biết Đấng Mêsia, rõ ràng ông Anrê của Tin Mừng thứ tư, trổi vượt hơn ông Phêrô.

10. Dẫn ông đến cùng Đức Giêsu” – mô hình giới thiệu: Không những giúp ông Phêrô nhận ra Đấng Mêsia, ông Anrê còn dẫn người anh em đến với Đức Giêsu. Ở đây, chúng ta gặp một mô hình mới của hành trình trở nên môn đệ, khác với truyền thống Nhất Lãm. Có thể gọi là mô hình “giới thiệu”, người này gặp Đấng Mêsia, rồi giới thiệu cho người kia. Trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt và Mc), Đức Giêsu đi dọc theo bờ biển và gọi một lần hai môn đệ đầu tiên (Phêrô và Anrê) và lần khác hai môn đệ kế tiếp (Giacôbê và Gioan) và họ lập tức đi “bỏ mọi sự và đi theo” Người. Tác giả Luca mô tả một câu chuyện sống động hơn về việc tuyển chọn ba môn đệ đầu tiên, không nhắc tên Anrê (Lc 5,1-11). Đức Giêsu lên thuyền ông Simôn giảng, sau đó ông truyền cho ông đưa thuyền ra chỗ nước sâu mà lưới cá, sau khi khám phá mẻ cá nhiều lạ lùng, ông Phêrô thú nhận mình là kẻ tội lỗi và xin Đức Giêsu tránh xa, nhưng hứa hẹn “từ nay anh sẽ là kè lưới người như lưới cá”, cuối cùng họ (Phêrô, Giacôbê, Gioan) bỏ mọi sự và đi theo Người.

“Mô hình giới thiệu môn đệ” được tiếp nối với câu chuyện ơn gọi của hai ông Philipphê và Nathanael. Sau khi được Đức Giêsu gọi: “Hãy đi theo Tôi” (1,43), ông Philipphê tìm ông Nathanael và nói “chúng tôi đã tìm thấy Đấng mà ông Môsê nói viết về trong Luật và các ngôn sứ, Giêsu, con ông Giuse, từ Nadarét”. Ông Nathanael bắt đầu với thái độ khinh miệt xuất thân Nadarét của Đức Giêsu nhưng cuối cùng nhìn nhận rằng: “Thầy là Con Thiên Chúa và Thầy là vua của Israel” (Ga 1,45-51).

Cũng cần nói thêm rằng, theo truyền thống Tin Mừng thứ tư, dường như bốn môn đệ Đức Giêsu gọi đầu tiên không phải là Phêrô,Anrê, Giacôbê, và Gioan mà là “Anrê, Phêrô, Philípphê, và Nathanael”.

11.  Nhìn vào và nói: “Ông là Simôn, con ông Gioan, ông sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Phêrô”:

Đức Giêsu nhìn vào ông Simôn và đổi tên cho ông thành Kêpha. Κηφᾶς là tiếng Aram và Πέτρος là tiếng Hy Lạp cùng có nghĩa là đá. Trong các tác giả sách Tin Mừng, chỉ có tác giả Gioan dùng danh xưng “Kêpha” cho ông Simôn. Phaolô dùng nhiều hơn danh xưng này (1 cr 3,22; 9,5; Gl 2,9.11). Nhờ câu chuyện này mà độc giả biết rằng Đức Giêsu đổi tên ông Simôn thành Kêphas, ngay phút đầu gặp gỡ, rồi chuyển dịch thành Phêrô. Trong truyền thống Nhất Lãm, khi liệt kê danh sách Mười Hai Tông Đồ, tác giả cho biết, Đức Giêsu gọi ông Simôn là Phêrô (Lc 6,14; 3,16). Chính vì thế ông thường được gọi với tên kép là Simôn Phêrô nhất là trong Tin Mừng thứ tư (Ga 1,40; 6,68; 13,6.9.24;18,15.25; 20,2.6; 21,2.3.7.11.15; Mt 16,16; Lc 5,8). Trong truyền thống Cựu Ước, ai đặt tên cho một người nào đó là có quyền trên người đó (x. 2 V 23,34; 24,17). Đặt tên cho ai cũng xác định một sứ vụ mới, đặc biệt là khi Chúa đổi tên cho ai. Ví dụ như trường hợp Chúa đổi tên cho ông Ápram thành Ápraham hay Sarai thành Sara (St 17,5.15); Giacóp thành Israel (St 32,29). Ý nghĩa của danh xưng Phêrô, mà Đức Giêsu đã đặt cho ông Simôn được soi sáng chỉ trong Mt 16,18: “Con là Phêrô (đá), trên “đá” này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cổng địa ngục sẽ không thắng nó”.[15]

Bình luận tổng quát

Ga 1,35-42 là phần thứ hai trong hai phần nói về ơn gọi làm môn đệ của bốn người đầu tiên: Anrê, Phêrô, Philipphê và Nathanael. Danh tánh bốn môn đệ đầu tiên này có một nửa là khác so với danh tánh mà các tác giả Nhất Lãm giới thiệu. Mô hình của cách thức trở thành môn đệ của những người ngày cũng hoàn toàn khác. Trong khi mô hình của tác giả Nhất Lãm là “gọi” và “đi theo”, mô hình của tác giả Tin Mừng thứ tư là “giới thiệu, tìm hiểu và đi theo”. Khởi đầu, ông Gioan, Người dìm đã giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình: “Đây là Con Chiên của Thiên Chúa”. Hai môn đệ này lập tức đi theo và được Đức Giêsu mở lời đối thoại. Khi biết họ muốn tìm nơi Người lưu lại, Đức Giêsu đã mời gọi họ “Hãy đến và sẽ thấy”. Quả thật, họ đã đến và đã thấy, và hơn nữa còn lưu lại với Người ngày hôm ấy.

Quá trình đi theo, đến, thấy, và lưu lại giúp cho họ khám phá ra Đấng Mêsia. Đấng Mêsia mà Anrê tìm thấy cũng chính là Con Chiên của Thiên Chúa mà thầy Gioan của mình giới thiệu. Đấng Mêsia sẽ thi hành vai trò của Con Chiên của Thiên Chúa, một con chiên, chịu sát tế để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi. Khởi điểm ở ý định tìm hiểu về Con Chiên của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng, Anrê lại tuyên xưng rằng mình đã tìm thấy Đấng Mêsia. Sự khám phá này là rất quan trọng, vì trong truyền thống, người Israel đang mong chờ một Đấng Mêsia, một Đấng Mêsia có khả năng giải thoát dân Người khỏi mọi nỗi khổ đau hiện tại và phục hung một triều đại Đavid hùng cường thuở xưa. Thế mà, Đức Giêsu lại là Con Chiên Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết, để xóa bỏ tội lỗi trần gian. Rất khó để nhìn thấy hình ảnh Đấng Mêsia trong hình ảnh Con Chiên Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó chính là niềm tin của cộng đoàn Gioan thế kỷ thứ nhất. Họ muốn giới thiệu niềm tin của các môn đệ thuở ban đầu là niềm tin của những người đã tin nhận Con Chiên chịu sát tế chuộc tội cho nhân loại chính là Đấng Mêsia (Kitô) và họ đang mong chờ.

Sau khi khám phá ra Đấng Mêsia, ông Anrê đã trước hết đi tìm người anh em của mình để giới thiệu cho ông. Hơn nữa, Anrê còn dẫn ông Phêrô đến với Đức Giêsu. Simôn Phêrô được Đức Giêsu nhìn đến và đổi tên thành Kêpha, nghĩa là Phêrô. Dù cho không có một lời mời gọi “hãy đi theo tôi” như trong Tin Mừng Nhất Lãm, việc đổi tên cũng đủ cho thấy tương quan thầy trò, chủ tớ giữa Đức Giêsu và ông Phêrô, cũng như cho thấy sứ mạng mà Đức Giêsu muốn giao cho ông. Đó là vai trò làm đầu Giáo Hội, và là nền đá mà trên đó Đức Giêsu xây Hội Thánh của Thầy. Vào cuối Tin Mừng thứ tư, Phêrô được mời gọi “hãy chăm sóc chiên của Thầy” (21,15.16.17) và “hãy theo Thầy” (21,19).

Trong mô hình “giới thiệu môn đệ” này ông Gioan, Người dìm, dần biến mất để Đức Giêsu trở thành nhân vật chính yếu trong câu chuyện. Ông thậm chỉ để cho hai môn đệ của mình tự do tìm hiểu và đi theo Đức Giêsu. Ông Anrê cũng sẵn sàng chìm dần xuống để ông Simôn Phêrô được nổi lên qua sự kiện đổi tên. Tương tự, ông Philípphê sau khi đã giới thiệu Đức Giêsu cho ông Nathanael cũng dần biến mất nhường lại sân khấu gặp gỡ cho ông Nathanael với Đức Giêsu.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1]ἐκ is common in koine for the partitive genitive. As a consequence, one must not assume from the construction that other disciples were present. If only a pair out of a whole band of disciples follow John’s suggestion, that would be a paltry result. One must also not assume, with many of the older exegetes, that the two disciples were present on the previous day; in that case one misunderstands the entire sequence of scenes” [E. HAENCHEN – R.W. FUNK – U. BUSSE, John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 158].

[3] R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXIX, 75.

[4] G.R. BEASLEY-MURRAY, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 26.

[5] F. Martin – W.M. Wright IV, The Gospel   of John (CCSS; Grand Rapids 2015) 46.

[6] “Here ἀκολουθεῖν (“follow”) is only the precursor of real discipleship” (E. HAENCHEN – R.W. FUNK – U. BUSSE, John, 158).

[7] “We hear of following as a disciple in 8:12, 10:4, 27, 12:26, 13:36, 21:19, 22; and in Mark 1:18 and par. (the disciples by the Sea of Galilee). The imperative “Follow me” appears in the Synoptic accounts of the call of disciples (Mark 2:14: call of Levi; Matt 8:22: call of an unnamed disciple; Matt 19:21: call of the rich young man)” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 78).

[8]By the question Jesus asked, What are you looking for? John indicates that discipleship is based upon the initiative of Jesus” [B.M. Newman – E.A. Nida, A Translator’s Handbook on the Gospel of John (UBS; New York 1993) 42].

[9] The mode of address of the disciples (“rabbi,” literally, “my great one”; cf. phrases such as “my Lord”) treats the one addressed as someone deserving respect, not as “a theologian authorized to teach” (E. HAENCHEN – R.W. FUNK – U. BUSSE, John, 159).

[10] R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 78-79.

[11] “It is their stay with Jesus that, according to Johannine theology, has given them a deeper insight into who he is” (R.E. BROWN, The Gospel according to John, 79).

[12]The four Gospels agree that John the Baptist had a group of close followers, called disciples. He taught them specific prayers (Luke 11.1; compare 5.33), and they had their own rules for fasting (Mark 2.18)” (B.M. Newman – E.A. Nida, A Translator’s Handbook on the Gospel of John, 42].

[13] Xem Lê Minh Thông, “Bốn môn đệ vô danh trong Tin Mừng Gioan” (Bốn Môn Đệ Vô Danh Trong Tin Mừng Gioan | Học viện Đa Minh (catechesis.net))

[14] G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 26.

[15] “As is known from the OT, the giving of a new name has a direct relation to the role the man so designated will play in salvation history (Gen 17:5, 32:28). On this point Matthew’s account is more polished than John’s, for Matthew explains the relation of the new name (“rock”) to Peter’s role as the foundation stone of the Church” (R.E. BROWN, The Gospel according to John, 80).