Friday 28 May 2021

RA ĐI, MÔN ĐỆ HÓA MUÔN DÂN, LÀM PHÉP RỬA, DẠY TUÂN GIỮ. Chú giải Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B (Mt 28,16-20)

 Bản văn và bản dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

16Οἱ δὲ ἕνδεκα μαθηταὶ ἐπορεύθησαν εἰς τὴν Γαλιλαίαν εἰς τὸ ὄρος οὗ ἐτάξατο αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς,

 17καὶ ἰδόντες αὐτὸν προσεκύνησαν, οἱ δὲ ἐδίστασαν.

 18 καὶ προσελθὼν ὁ Ἰησοῦς ἐλάλησεν αὐτοῖς λέγων· ἐδόθη μοι πᾶσα ἐξουσία ἐν οὐρανῷ καὶ ἐπὶ [τῆς] γῆς.

 19 πορευθέντες οὖν μαθητεύσατε πάντα τὰ ἔθνη, βαπτίζοντες αὐτοὺς εἰς τὸ ὄνομα τοῦ πατρὸς καὶ τοῦ υἱοῦ καὶ τοῦ ἁγίου πνεύματος,

 20διδάσκοντες αὐτοὺς τηρεῖν πάντα ὅσα ἐνετειλάμην ὑμῖν· καὶ ἰδοὺ ἐγὼ μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι πάσας τὰς ἡμέρας ἕως τῆς συντελείας τοῦ αἰῶνος.

 

 (Matt. 28:16-1:1 BGT)

16 Rồi Mười Một Môn Đệ ra đi vào vùng Ga-li-lê, vào ngọn núi mà Đức Giê-su đã chỉ định trước cho họ.

17 và khi thấy Người họ bái lạy, nhưng có những người vẫn hoài nghi.

18 và sau khi đến, Đức Giê-su nói cùng họ rằng: “Tôi đã được ban tất cả quyền trên trời và dưới đất”

19 vậy trong khi ra đi anh em hãy làm cho tất cả các dân tộc trở thành các môn đệ, làm phép dìm cho họ nhân danh của Cha, và Con và Pnêu-ma[1] Thánh,

20 Dạy họ tuân giữ tất cả những điều tôi đã truyền (chỉ dẫn) cho anh em. Và nghe này! Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận cùng của thời gian

Bối cảnh đoạn văn

Đoạn Tin Mừng Mt 28,16-20 nằm cuối cùng sách Tin Mừng thứ nhất (Tin Mừng Mát-thêu). Nó nằm trong loạt những đoạn Tin Mừng tường thuật lại việc Đức Giê-su hiện ra sau khi Người Phục Sinh. Đây là trình thuật về lần hiện ra cuối cùng, theo Mát-thêu. Lần hiện ra này là một cuộc hẹn trước ở Ga-li-lê. Theo Luca, rất có thể lần hiện ra cuối cùng này của Đức Giê-su xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, vì ngay sau đó, Đức Giê-su dẫn các ông đến một nơi gần Bê-ta-nia, rồi lên trời tại đó (Lc 24,50-51). Mác-cô không đề cập đến nơi chốn của cuộc hiện ra này. Gioan cũng dường như cho thấy các cuộc hiện ra đều diễn ra tại Giệ-ru-sa-lem, ngoại trừ lần thứ 3, tại biển hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,1-14). Trong lần hiên ra này, trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều có mệnh lệnh truyền giáo. Tuy nhiên, mỗi tác giả ghi lại mỗi cách thức khác nhau. Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giê-su nói rằng: “Khi đi ra khắp muôn phương, anh em hãy loan báo Tin Mừng cho khắp mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Thánh Luca cũng ghi lại mệnh lệnh rằng: “Phải rao giảng Phép Rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha thứ nhờ danh Người” (Lc 24,47). Thánh Mát-thêu lại nói đến mệnh lệnh làm cho mọi người trở thành môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Thánh Gioan không ghi lại mệnh lệnh cụ thể nhưng vẫn không thiếu sự sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Sách Công Vụ Tông Đồ, nói đến nhiệm vụ chứng nhân: “Bấy giờ anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Một trong những đặc tính quan trọng nhất của mệnh lệnh này là “Phép Rửa”. Mác-cô nói đến việc “ai tin và chịu Phép Rửa” sẽ được cứu độ” (16,16a). Mát-thêu có công thức làm Phép Rửa nổi tiếng nhân danh Ba Ngôi, được Giáo Hội áp dụng cho đến ngày nay: “Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Luca không đề cập đến làm “Phép Rửa”. Tuy vậy, Sách Công Vụ Tông đồ, cũng do Luca viết, kể lại rất nhiều hoạt động làm Phép Rửa của các Tông Đồ (Cv 2,41; 8,12-13.38). Phao-lô cũng chịu Phép Rửa khi trở lại (Cv 9,18). Công vụ Tông Đồ còn nói đến một Phép Rửa Nhân Danh Đức Giê-su (Cv 8,16). Chủ đề Phép Rửa trong mệnh lệnh của Đức Giê-su làm độc giả không thể không nghĩ đến Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả. Gioan rao giảng “Phép Rửa của lòng sám hối” (Mt 3,11; Mc 1,4;). Ông làm Phép Rửa cho nhiều người (Mt 3,6-7; Mc 1,5; Lc 3,12; Lc 7,29; Ga 1,25; 3,23.26). Chính Đức Giê-su cũng chịu Phép Rửa bởi Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13.16). Theo Tin Mừng Gioan, chính Đức Giê-su cũng làm Phép Rửa (“sau đó Đức Giê-su và các môn đã đi tới miền Giu-đê, Người ở lại đó với các ông và làm Phép Rửa”: Ga 3,22; Ga 4,1). Các Tin Mừng còn nhắc đến việc Đức Giê-su được Gioan Tẩy Giả giới thiệu như là Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Mt 3,11, Mc 1,8; Lc 3,16; Ga 1,33; Mt và Lc thêm vào “và lửa”). Trong Sách Công Vụ, chính Đức Giê-su đã hứa rằng các Tông Đồ sẽ được “Rửa trong Thánh Thần” (Cv1,5; 11,16). Biến cố Ngũ Tuần trong Cv 2,1-12, là hiện thực hóa lời hứa này. Trong khi Mác-cô và Lu-ca đều trình thuật sự kiện Đức Giê-su lên trời (Mc 16,19; Lc 24,50; Cv 1,9), Mát-thêu lại ghi lại lời hứa “ở cùng” của Đức Giê-su: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19). Lời hứa “ở cùng” vào cuối đoạn này gọi nhớ đến danh xưng của Hài Nhi Giê-su đã được nhắc đến khi giải thích cho mệnh lệnh của sứ thần là phải đặt tên con trẻ là Giê-su. Lời ghi chú là: “tất cả những sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng các ngôn sứ ‘này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23). Lời ghi chú này ám chỉ đến Is 7,14 nói về lời hứa về sự giáng sinh Đấng Mê-si-ah.

Giới hạn bản văn

Đoạn văn được tách biệt với đoạn trước đó bằng một sư thay đổi về không gian rõ nét: Ga-li-lê. Hơn nữa, nội dung, sự kiện và nhân vật cũng khác hoàn toàn so với đoạn văn trước đó. Đoạn 28,11-15, trình thuật về sự kiện lính canh báo cho các Thượng tế viết sự việc “ngôi mộ trống”. Rồi các Thượng Tế cho lính canh tiền và chỉ cho họ cách nói dối rằng: “các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”. Kết quả là câu chuyện ấy vẫn đượng phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay. Đoạn Mt 28,16-20 là cuộc hẹn giữa Đức Giê-su và các môn đệ với mệnh lệnh truyền giáo và lời hứa “ở cùng mọi ngày cho đến tận thế”.

             Cấu trúc 

            Mt 28, 16-20 có thể được chia thành 5 tiểu phần. Tiểu phần (A) là phần giới thiệu về bối cảnh: nơi chốn và nhân vật. Bốn tiểu phần còn lại được cấu trục theo kiểu bậc cấp: tiểu phần sau đi theo tiểu phần trước và được đặt nền trên tiểu phần trước nó. Tiểu phần (B) là cuộc gặp gỡ và có biểu hiện hoài nghi nơi một số môn đệ. Tiểu phần (C) Đức Giê-su minh chứng Người đã được trao quyền trên trời và dưới đất. Sau khi đã trấn an các môn đệ bởi sự khẳng định quyền, trong tiểu phần (D) Đức Giê-su trao ban sứ vụ gồm bốn hành động: (i) Ra đi; (ii) Làm cho muôn dân trở thành môn đệ; (iii) Làm Phép Rửa nhân danh Cha và Con và Pnêu-ma Thánh; (iv) dạy họ tuân giữ những điều Đức Giê-su đã truyền. Cuối cùng, sau khi trao ban sứ vụ là (E): Lời hứa ở cùng mọi ngày cho đến tận thế.

(A) Bối cảnh: Không gian và nhân vật: Ga-li-lê, núi; Đức Giê-su và các môn đệ (28,16)

(B) Gặp gỡ và phản ứng: Bái lạy và một số hoài nghi (28,17)

(C) Khẳng định quyền: “Tôi đã được ban tất cả quyền trên trời và dưới đất” (28,18)

(D) Mệnh lệnh: Ra đi,

            làm cho muôn dân thành những môn đệ,

làm phép dìm,

dạy tuân giữ (28,19 -20a)

(E) Lời hứa: “Ở cùng mọi ngày cho đến tận cùng của thời gian” (28,20b)

Một số điểm chú giải

1.     Ga-li-lê: Đây là vùng đất quê hương của Đức Giê-su và của các môn đệ.[2] Ga-li-lê thuộc miền Bắc của nước It-ra-el. Đây chính là vùng đất Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ và trải qua hầu hết thời gian rao giảng của mình. Ga-li-lê thời Chúa Giê-su được chia làm hai vùng là Ga-li-lê thượng và Ga-li-lê hạ. Trong khi Ga-li-lê thượng hầu hết là những vùng đồi núi khô cằn thì Ga-li-lê hạ là vùng đất trù phú có nhiều đồng bằng thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Ga-li-lê có đại lộ Đông-Tây nổi tiếng, là đường giao thương buôn bán qua lại giữa các vùng. Đặc biệt Ga-li-lê hạ có hai thành phố giàu có và nổi tiếng Se-pho-ris và Tiberia. Đây là hai thành phố được Hê-rô-đê An-ti-pa xây dựng. Thành phố Ti-be-ri-a nằm ngay bên biển hồ Ga-li-lê. Chính vì thế mà biển hồ Ga-li-lê còn được gọi là biển hồ Ti-be-ri-a (Ga 6,1). Thành cổ Ca-phác-na-um nằm ngay bên bờ biển hồ Ga-li-lê. Bét-sai-da, Na-gia-rét, núi Ta-bo, Mác-đa-la, Ca-na đều nằm trong vùng Ga-li-lê. Muốn đi từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem người ta phải băng qua miền trung Samari. Tại sao Đức Giê-su lại bắt đầu sứ vụ của Người tại Ga-li-lê và Ga-li-lê có phải là vùng đất của dân ngoại? Là hai câu hỏi mà các nhà chú giải vẫn còn nhiều tranh luận. Có thể Ga-li-lê là vùng đất của dân ngoại nên Đức Giê-su dành nhiều thời gian tại đây để rao giảng Tin Vui. Hoặc cũng có thể vì Đức Giê-su là người Na-gia-rét nên Người quen thuộc Ga-li-lê hơn vùng kinh thành Giê-ru-sa-lem. Có một điều khá lạ lùng là Thánh Kinh chẳng có một tường thuật nào ghi lại Người vào một thành phố lớn nào như Se-pho-ris hay Tiberia để rao giảng. Người ưa thích miền quê, ven biển và miền núi, vùng dân ngoại ngoài Ga-li-lê. Giê-ru-sa-lem cũng chỉ là nơi Người trải qua cuộc Thương Khó và bị giết chết. Mát-thêu nhắc đến địa danh Ga-li-lê 17 lần. Đó là nơi Đức Giê-su cha-con Đức Giê-su lui về khi trở về từ Ai-cập (Mt 2,22); chịu phép rửa (Mt 3,13; Mc 1,9); là nơi Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng (Mt 4,12; Mc 1,14); là nơi Người chọn 4 môn đệ đầu tiên (Mt 4,18; Mc 1,16); nơi Đức Giê-su thông báo về việc Người sẽ bị nộp vào tay người đời (Mt 17,22). Hơn nữa, Ga-li-lê còn là điểm hẹn đặc biệt giữa Đức Giê-su và các môn đệ sau khi Người Phục Sinh: Đức Giê-su hứa rằng “sau khi được chỗi dậy tôi sẽ đi Ga-li-lê trước anh em” (Mt 26,32; Mc 14,28); lời hứa này được thiên thần nhắc lại với Ma-ri-a Ma-đa-lê-nê và một bà Maria khác: “Người đã được trỗi dậy từ cõi chết và Người thực sự đi trước anh em đến Ga-li-lê, nơi đó anh em sẽ được gặp Người” (Mt 18,7; Mc 16,7); rồi, chính Đấng Phục Sinh cũng nhắc như vậy trong mệnh lệnh của Người: “hãy đi và bảo anh em của tôi đến Ga-li-lê, họ sẽ được thấy tôi ở đó (Mt 18,10). Nơi khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su cũng là nơi khởi đầu sứ vụ các môn đệ. Đức Giê-su ngay sau khi nghe tin Gioan bị nộp đã “rút lui về miền Ga-li-lê” để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah: ‘Ga-li-lê vùng đất của dân ngoại, đoàn dân đang ngồi trong bóng tối đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Mt 4,14-16; Cf. Is 9,1-2). Dân ngoại bây giờ không còn gói gọn trong vùng Ga-li-lê nữa những là “toàn thể các dân nước”, bắt đầu từ Ga-li-lê.[3] Thế nhưng, đừng quên, hoạt động và hoa trái, những mẻ lưới nặng cá đầu tiên đã diễn ra tại Giê-ru-sa-lem được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ.

2.     Đã chỉ định trước”: Động từ “định trước, sắp xếp trước” được chia ở thì aorist, ngôi thứ 3 số ít. Đức Giê-su đã định trước một ngọn núi nơi mà họ sẽ gặp lại sau biến cố Phục Sinh và khi các bà nhắc đến lời hứa hẹn này, chắc chắn các môn đệ biết là nơi nào. Sự định trước này có thể nằm trong lời hứa này: “sau khi được chỗi dậy tôi sẽ đi Ga-li-lê trước anh em” (Mt 26,32; Mc 14,28). Ngọn núi tự cho thấy sự nối kết với nhân vật Mô-sê của thời Cựu Ước, hình ảnh vốn được Mát-thêu ám chỉ đến nhiều. Ví dụ như Bài Giảng Trên Núi (Mt 5,1); Đức Giê-du dẫn bộ ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan lên núi (Mt 17,1-2); Đức Giê-su lên núi ngồi và đám người đông đảo kéo đến với Người.[4]

3.     Những người hoài nghi”: Tin Mừng Mat-thêu chỉ tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra sau khi Người Phục Sinh. Lần thứ nhất, Người hiện ra với bà Maria Ma-da-lê-nê và một bà Maria khác trên đường họ trở về từ “Ngôi mộ trống”. Lần thứ hai, chính là lần hẹn ở Ga-li-lê này. Việc nhóm Mười Một Đến Ga-li-lê giả định rằng trước đó những bà này đã gặp gỡ nhóm này và đã nói với họ về mệnh lệnh của Đức Giê-su: “về báo cho anh em của thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ gặp Thầy ở đó” (Mt 28,10). Nghĩa là, trước lần này, theo Mát-thêu, chưa có môn đệ nào gặp Đức Giê-su và lần mà họ gặp Đức Giê-su duy nhất chính là lần hẹn Ga-li-lê. Chính vì thế, sự nghi ngờ trong lòng một số người hoặc có thể là toàn bộ Nhóm Mười Một, cũng có thể lý giải được. Tin Mừng Mác-cô ghi lại cảm giác hoài nghi của các môn đệ còn ly kỳ hơn. Bà Maria Ma-đa-lê-nê, sau khi gặp Chúa Phục Sinh, đi nói với những người đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc, nhưng họ không tin lời bà (Mc 16,10-11). Hai người môn đệ trên đường về quê, sau khi đã thấy Chúa Phục Sinh, quay trở lại báo cho những ông khác nhưng những ông này cũng không tin (Mc 16,12-13). Cuối cùng, khi Đức Giê-su hiện ra với nhóm Mười Một, Người đã khiển trách sự không tin và cứng lòng của các ông (Mc 16,14). Luca ghi lại cách mà Đức Giê-su xóa tan mối nghi ngờ trong lòng các ông qua nhiều giai đoạn: (1) bằng lời trấn an và mời gọi nhìn xem và sờ chạm: “Nhìn chân tay thầy coi, chính thầy đây ma! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy thầy có đây?” (Lc 24,39-40); (2) Ăn cá nướng: “Các ông đưa cho Người một phần cá nướng, Người cầm lầy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24,42-43). Tất cả những chứng cứ này cho thấy rằng mối nghi ngờ về Đấng Phục Sinh vốn tồn tại trong lòng các môn đệ. Trong lần gặp này, Đức Giê-su phải giải quyết, đánh tan mọi mối nghi ngờ và trao ban sứ vụ làm chứng cho người khác tin nữa.

4.     Quyền năng trên trời dưới đất”: Khác với trong Mác-cô và Luca, Đức Giê-su khiển trách và làm nhiều điều để xóa tan mọi nghi ngờ của các môn đệ, ở đây Đức Giê-su chỉ khẳng định Người có “quyền năng trền trời và dưới đất”, toàn thể không gian của vũ trụ. Theo tác giả Michel, đây là một trong 3 đặc tính của lối kết luận Tin Mừng theo mẫu thức của nghi thức phong vương nơi vùng Trung Cận Đông Cổ: (i) quyền năng, (ii) chủ quyền và (iii) sự nhận biết mang tính hoàn vũ. Tác giả Jeremias cũng cung cấp một phân tích liên hệ: (1) Sự tôn vinh, (ii) Công bố và (iii) Sự lên ngôi.[5]

5.     Làm cho muôn dân thành môn đệ”: Cụm danh từ “πάντα τὰ ἔθνη” (tất cả các dân tộc) mở rộng biên cương của những ứng viên trở thành môn đệ Đức Giê-su ra vô tận. Cho đến lúc các môn đệ nhận mệnh lệnh này, nhóm môn đệ có thể là chỉ Nhóm Mười Một, nhóm bảy mươi hai môn đệ, cùng tất cả những người tin vào Đức Giê-su. Thế nhưng, mệnh lệnh này mời gọi các môn đệ mở rộng biên cương cho tất cả mọi người. Họ phải làm cho tất cả mọi người trên thế giới này trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Sứ vụ của họ không còn đơn giản là các các con chiên lạc nhà Ít-ra-el (Mt 10,6; 15,24) nhưng là cho muôn quốc gia như Đức Giê-su đã từng dự đoán (Mt 24,14; Cf. 26,13).[6]

6.     Làm phép dìm: Động từ “báp-tí-dồ” (βαπτίζω) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là dìm trong nước, hay thanh tẩy bằng cách rửa. Mát-thêu cũng như các Tin Mưng Nhất Lãm khác đã nói đến Phép Rửa của lòng hoán cải của Gioan Tẩy Giả. Phép dìm trong bối cảnh này khác với của Gioan Tẩy Giả. Phép Rửa này là Phép Rửa trong Thánh Thần. Niềm tin căn bản là tin vào sứ điệp Tin Mừng mà các Tông Đồ rao giảng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô mà Cựu Ước đã nói đến; Người đã chết và Phục Sinh để mang lại sự sống vĩnh cửu cho những người tin. Phép Rửa này chính là Phép Rửa mà Gioan an Tẩy Giả đã từng báo trước khi ông rao giảng Phép Rửa của lòng sám hối. Gioan đã rao giảng rằng sẽ có một Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11; Mc 1,8; Lc 3,16). Chính Đức Giê-su cũng nhắc lại Phép Rửa của Gioan và hứa Phép Rửa trong Thánh Thần cho các môn đệ (Cv 1,5; Cf. 11,16). Như tác động của Thánh Thần trên cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su, sứ vụ của các Tông Đồ cũng không thể sinh hoa trái nếu không có Thánh Thần. Phép Rửa trong Thánh Thần này được ban cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13). Sau biến cố Ngũ Tuần, Phê-rô đã rao giảng và kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ của Thánh Thần” (Cv 2,38). Phép Rửa này được làm nhân danh Đức Giê-su và thụ nhân sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Phi-líp-phê rao giảng và làm Phép Rửa cho người Samari (Cv 8,12); sau đó Phê-rô và Gioan đến cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần (Cv 8,15-16). Phao-lô đã làm Phép Rửa nhân danh Đức Giê-su cho nhóm 12 môn đệ của Gioan Tầy Giả và đặt tay ban Thánh Thần cho họ (Cv 19,1-7).

7.     Nhân danh của Cha và Con và Pnêuma Thánh (ἁγίου πνεύματος): Mẫu thức vô tiền của Phép Dìm dành cho các môn đệ mới nối kết Con với Cha và Pnêu-ma Thánh trong một danh xưng đơn nhất. Xuyên suốt Tin Mừng đã có những dấu vết cho thấy Đức Giê-su là nhân vật nào đó hơn một người rao giảng bình thường hay thậm chí hơn cả Mê-si-ah. Người tương quan với Chúa như Con với Cha, và trong nhiều cách khác nhau Mát-thêu đã cho phép chúng ta nhìn thấy Người hành động với quyền năng Thiên Chúa; trong sự đến của Người, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.[7] Công thức này cũng gợi nhớ đến “khoảnh khắc Ba Ngôi” vào thời điểm khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giê-su. Sau khi Đức Giê-su chịu Phép Dìm của Gioan Tẩy Giả, Người Thấy Pnêu-ma đi xuống trên mình và nghe giọng nói của Cha xác nhận: “đây là Con ta yêu dấu, nơi Người ta hài lòng” (Mt 3,16-17). Chịu Phép Dìm nhân danh Cha và Con và Pnêu-ma Thánh là được dìm vào bên trong một sự hiệp thông tình yêu Thiên Chúa-nhân loại. Ứng viên trở thành một người con yêu dấu trên đó sự ưa chuộng của Cha ngự trị.[8] Được làm môn đệ qua Phép Dìm nhân danh Ba Ngôi, là cơ may để các môn đệ chia sẻ tình con thảo với Cha trên trời, và sống tình yêu hiệp thông Ba Ngôi với Đức Giê-su và Pnêu-ma Thánh, cũng như với tất cả mọi người. Đó là căn tính và lý tưởng mà người môn đệ Đức Giê-su phải vươn đến.

8.     “Tất cả những điều tôi đã truyền”: tất cả những điều Đức Giê su đã truyền là cách nói tổng quát nhìn ngược lại để tóm lược tất cả sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su.[9] “Tuân giữ” đề nghị rằng giữ Luật như đã được Đức Giê-su diễn giải trong Bài Giảng như thể là ghi nhớ lời kêu gọi của Người liên quan đến “điều Chúa muốn” (lòng thương xót hơn là của lễ) (Mt 9,13; 12,17); lời mời gọi của Người đối với người thanh niên (nếu anh muốn nên hoàn thiện) (Mt 19,17-21); câu trả lời của Người về điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40); và tiêu chuẩn để vào sự sống đời đời được đưa ra trong bối cảnh cuộc xét xử cuối cùng (Mt 25,31-46).[10]

9.     “Ở cùng”: Sách Cựu Ước nói đến lời hứa “ở cùng” khi Chúa trao ban sứ vụ trong hai trường hợp. (i) Trong bối cảnh Đức Chúa sai ông Giô-suê con ông Nun, Người nói “hãy mạnh mẽ và can trường, vì ngươi sẽ mang dân Ít-ra-el vào trong vùng đất mà ta đã thề sẽ ban cho họ. Ta sẽ ở cùng ngươi” (Đnl 31,23). (ii) Đức Chúa lặp lại vơi Giô-suê một lần nữa với nhiều cách nói khác nữa: “không có người nào có thể địch nỗi ngươi trong mọi ngày đời của ngươi. Như thể Ta đã ở cùng Mô-sê, Ta cũng sẽ ở cùng ngươi. Ta sẽ không bỏ rơi ngươi hay rời xa ngươi” (Gs 1,5); “hãy mạnh mẽ lên và hãy can đảm lên. Đừng sợ, và đừng nao núng vì Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi sẽ ở với ngươi mọi nơi ngươi đi” (Gs 1,9). Đó là những lời hứa chắc chắn, đảm bảo cho sự thành công của Giô-suê trong sứ mạng chinh phục đất hứa. Như đã nói trên, lời hứa “ở cùng” cũng gợi nhớ đến lời công bố của sứ thần về sự Giáng Sinh của Đức Giê-su nhằm hoàn thành lời hứa thần linh đã được ghi lại trong Is 7,14. Người sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Biến cố này chỉ có Mát-thêu ghi nhận và ông lại kết thúc Tin Mừng bằng lời hứa “ở cùng” như một cái kết trọng vẹn. Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chính vì thế mà, cuối cùng, Người sẽ ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế. “Sự ở cùng” của Đức Giê-su là hết sức cần thiết cho sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của các môn đệ. Tin Mừng Mác-cô không ghi lại lời hứa “ở cùng” một cách lọng trọng như Mát-thêu. Thế nhưng, trong lúc trao ban sứ vụ truyền giáo ấy, người ta vẫn nhận ra một “sự ở cùng” của Đức Chúa. Đó là sự ở cùng bằng cách “cùng hoạt động với các ông và làm những dấu lạ kèm theo” nhằm chứng nhận những điều các ông rao giảng (Mc 16,20). Trong Tin Mừng Luca, Đức Giê-su cũng hứa sẽ “gửi đến với anh em điều Cha Thầy đã hứa” tức là Pnêu-ma Thánh (Lc 24,49). Nghĩa là, Pnêu-ma Thánh sẽ “ở cùng” và đồng hành cùng với các môn đệ trong suốt hành trinh thi hành sứ vụ mà Đức Giê-su đã giao phó. Sách Công Vụ đã cho thấy sự hiện xuống và tác động của Pnêu-ma Thánh trên hoạt động truyền giáo của các Tông Đồ và đời sống Giáo Hội.

Bình luận tổng quát

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi như là một tổng kết cho việc cử hành mầu nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Cứu Độ. Thiên Chúa là một nhân vật của lịch sử cứu độ; nhưng Thiên Chúa không hề trừu tượng, cô đơn. Người là một Thiên Chúa Cộng Đoàn tình yêu, Cha, Con, và Pnêu-ma Thánh. Từ tình yêu sung mãn của gia đình Thiên Chúa phát xuất tình yêu chảy tràn trong nhân loại. Tình yêu tạo dựng là một bằng chứng cho một sự thông ban tình yêu dạt dào của Thiên Chúa Tình yêu trên vạn vật và nhất là con người. Con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa lại vô hình vô tượng, vậy thì con người giống Thiên Chúa ở góc độ nào. Có lẽ, con người giống Thiên Chúa nhất ở mức độ yêu thương. Thiên Chúa đã phú bẩm nơi con người hơi thở sự sống, cũng là hơi thở tình yêu của Người. Và rồi, con người chỉ thật sự trở nên giống Thiên Chúa hết sức có thể khi họ không ngừng lan tỏa yêu thương trong gia đình riêng của mọi người và gia đình chung của nhân loại. Chẳng những thế mà con người luôn được tạo nên trong một gia đình. Nó được sinh ra cùng lúc bởi người cha và người me. Đây là hai đối tượng, hai nhân vật của một tình yêu nên một. Từ tình yêu của họ mà nhân loại có những con người. Tuy vậy, đã từ bao giờ nhân loại, các đôi vợ chồng trẻ trở nên nghi ngờ món quà tình yêu là con cái. Đã có vô số bạn trẻ nghĩ rằng những thành viên mới trong một gia đình là một gánh nặng về mọi mặt, cho đến nỗi họ giảm thiểu ít nhất có thể món quà tình yêu này. Đức Thánh Cha và Nước Ý đang nói về một mùa đông ảm đảm về con cái đang trải dài trên nước Ý và nhiều nước Âu Châu trong một thời gian dài. Đức Thánh Cha đã nói rất chí lý rằng: “một xã hội không chào mừng sự sống là xã hội ngừng sống”.[11] Khi nạn dịch Covid ập đến, thiếu khẩu trang nơi các nước Ý, Anh, người ta mới chợt giật mình nhận ra Âu Châu đang phụ thuộc quá nhiều về lực lượng sản xuất trẻ ở những nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Không sanh con, các trường mẫu giáo đóng cửa dần, nhân công lao động trẻ không còn bao nhiêu; tỷ lệ người già, hưu trí, người hưởng chế độ quá đông. Tuổi thọ ngày càng cao, người ta sống ngày càng dài; tỷ lệ người lao động quá ít dần dần không còn đủ để chu cấp cho đại bộ phận dân số già nữa. Đó thực sự là một vấn đề xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của nhân loại. Vấn đề nghiêm trọng ấy có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề xác tín niềm tin tôn giáo, quan niệm về quà tặng sự sống. Những giá trị niềm tin liên quan đến nền tảng gia đình và con cái đang ngày càng bị xem nhẹ và bị đẩy ra ngoài quan niệm sống của đại bộ phận dân ki-tô giáo Tây Phương. Đối với họ, dường như sống dồi dào đồng nghĩa với sự sung túc về vật chất và đảm bảo những quyền lợi hưởng thụ cá nhân một cách thoải mái. Tỷ lệ tinh con cao là một trong những mối hiểm họa của chất lượng cuộc sống của họ. Con cái không còn là món quá vô giá và là sản phẩm của tình yêu gia đình nữa.

Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, các môn đệ Chúa được mời gọi nhân rộng thành viên con cái Chúa, mở rộng phạm vi gia đình nhân loại bằng bốn hành động: (i) Ra đi; (ii) Làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành môn đệ; (iii) Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Pnêu-ma Thánh; (iv) Dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Để họ thành công trong sứ vụ thánh, Đức Giê-su đã hứa sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế. Sự vụ của họ nói một cách đơn giản là gieo trồng tình yêu của Thiên Chúa trong mọi ngóc ngách của trần gian này. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là “anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8). Sứ vụ của họ theo khía cạnh phụng tự và bí tích, là phải làm Phép Dìm nhân danh Cha và Con và Pnêu-ma Thánh, cho những người tin vào Đức Giê-su để họ trở thành Ki-tô hữu, sống cam kết yêu thương như Chúa Ki-tô. Việc chịu Phép Dìm nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ mang lại cho họ danh xưng và phẩm vị làm Con Chúa nhưng họ còn được ban tặng một trái tim yêu thương của cộng đoàn ba Ngôi yêu thương tuyệt đối, thuần khiết, không tách lìa. Mầu nhiệm cứu độ và mầu nhiệm Nhập Thể được khép lại bằng mệnh lệnh ra đi và gieo trồng tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là thời điểm kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giê-su và cũng là lúc mở ra sứ vụ của Giáo Hội với sự đồng hành luôn mãi của Người. “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nghĩa là làm cho nhân loại này có nhiều sứ giả yêu thương theo khuôn mẫu tình yêu Ba Ngọi Thiên Chúa.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] ἁγίου πνεύματος. Tính từ ἁγίου (haghion) có thế dịch là “thánh”, nhưng mà danh từ πνεύματος không biết phải dịch thế nào cho ổn nghĩa vì nó có rất nhiều nghĩa: tinh thần, linh hồn, khí, gió, hơi thở….

[3] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 970.

[5] W.D. Davies – D.C.Jr. Allison, the Gospel according to Saint Matthew, 676.

[6] R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 1108.

[7] Ibid.

[8] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary, 971.

[9] W.D. Davies – D.C.Jr. Allison, the Gospel according to Saint Matthew, 678.

[10] B. Brendan, “Matthew”, The Paulist Commentary, 971.

Thursday 20 May 2021

ĐẤNG PA-RÁC-LÊ-TOS LÀM CHỨNG, DẠY DỖ CÁC MÔN ĐỆ VÀ TÔN VINH ĐỨC GIÊ-SU. Chú Giải Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm B (Ga 15, 26-27; 16, 12-15)

 Bản văn và bản dịch

Ga 15, 26-27

Việt ngữ

26 Ὅταν ἔλθῃ ὁ παράκλητος ὃν ἐγὼ πέμψω ὑμῖν παρὰ τοῦ πατρός, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας ὃ παρὰ τοῦ πατρὸς ἐκπορεύεται, ἐκεῖνος μαρτυρήσει περὶ ἐμοῦ·

 27 καὶ ὑμεῖς δὲ μαρτυρεῖτε, ὅτι ἀπ᾽ ἀρχῆς μετ᾽ ἐμοῦ ἐστε.

 

26 Khi Đấng Pa-rác-lê-tos[1] đến, Đấng mà tôi sẽ gửi đến cho anh em từ Chúa Cha, “Pnêu-macủa sự thật, Đấng đến từ Cha, Đấng đó sẽ làm chứng về tôi.

27 và Anh em cũng làm chứng về tôi, vì anh em đã ở với tôi ngay từ đầu.

Ga 16, 12-15

Việt ngữ

12  Ἔτι πολλὰ ἔχω ὑμῖν λέγειν, ἀλλ᾽ οὐ δύνασθε βαστάζειν ἄρτι·

 13 ὅταν δὲ ἔλθῃ ἐκεῖνος, τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ πάσῃ· οὐ γὰρ λαλήσει ἀφ᾽ ἑαυτοῦ, ἀλλ᾽ ὅσα ἀκούσει λαλήσει καὶ τὰ ἐρχόμενα ἀναγγελεῖ ὑμῖν.

 14 ἐκεῖνος ἐμὲ δοξάσει, ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λήμψεται καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν.

 15 πάντα ὅσα ἔχει ὁ πατὴρ ἐμά ἐστιν· διὰ τοῦτο εἶπον ὅτι ἐκ τοῦ ἐμοῦ λαμβάνει καὶ ἀναγγελεῖ ὑμῖν.

12 Tôi có nhiều điều nữa để nói cùng anh em, nhưng bây giờ anh em không thể chịu nổi.

13 Khi Đấng ấy đến, “Pnêu-ma” của sự thật, sẽ dạy (dẫn) anh em trong sự thật toàn vẹn, vì Người sẽ không nói từ Người, những điều Người nghe Người sẽ nói, những điều sắp xảy ra, Người sẽ loan báo cho anh em.

14 Đấng ấy sẽ tôn vinh tôi, vì Người sẽ lấy từ tôi mà loan báo cho anh em.

15 Tất cả những cái Cha có là của tôi vì thế, tôi nói rằng Người lấy từ tôi và loan báo cho anh em.

 

    Bối cảnh

    Cả hai bản văn Ga 15,26-27 và Ga 16,13-15 đều nằm trong phần thứ ba của Tin Mừng thứ tư có tên gọi là “Sách của sự Tôn Vinh” (Ga 13,1 – 20,31).[2] Trong bối cảnh hẹp hơn, hai đoạn văn này năm trong số những “lời dạy của Đức Giê-su” dành cho các môn đệ từ sau trình thuật Rửa Chân cho đến trước trình thuật về cuộc Thương Khó (Từ 13,1 – 17, 26). Trong gần 5 chương, Gioan ghi lại rất nhiều điều Đức Giê-su căn dặn các môn đệ trước Cuộc Thương Khó. Một trong những giáo huấn quan trọng là sự mạc khải về Đấng “Pa-rác-lê-tos”. Đề tài về Đấng này trải dài trong cả 3 chương 14,15 và 16. Đây là đoạn thứ ba và thứ năm trong số 5 đoạn văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng Pa-rác-lê-tos trong Tin Mừng thứ tư (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15;26-27; 16,7-11; 16,12-15).[3] Tên gọi Pa-rác-lê-tos và những đoạn văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng này là tài liệu độc quyền của Gioan. Có rất nhiều vai trò của Đấng Pa-rác-lê-tos được đề cập trong những đoạn này như là “dạy” và “làm nhớ lại”; “ở lại với các môn đệ”; “chứng minh sự sai lầm của thế gian”; “dẫn đường (dạy)”, “loan báo” và “tôn vinh”. Một trong những cách diễn giải danh xưng Pa-rác-lê-tos được chính Đức Giê-su đưa ra là “Pnêu-ma của sự thật” (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας). Rất khó để dịch nghĩa danh từ “τὸ πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp. Tiếng Anh dịch nghĩa là “the Spirit”, Tiếng Ý và Tiếng Pháp tương ứng là “lo Spirito” và “l’Esprit”. Tiếng Việt dịch là “Thần Khí sự thật” (CGKPV, NTT). “πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gió”, “hơi thở”, “sinh khí”, “tinh thần”, “linh hồn”, đôi khi là “hồn ma” nữa (Lc 24,37.39). Rõ ràng, không có chút “thần” nào trong từ ngữ này cả, nên dịch là “Thần Khí” có vẻ không diễn tả được rõ nghĩa của danh xưng này. Có lẽ nên gọi theo lối chuyển tự là “Pnêu-ma”. Danh xưng “Pnêu-ma”, đã xuất hiện trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả: “tôi đã thấy ‘Pnêu-ma’ đi xuống từ trời như một con bồ câu và ở lại trên Người” (Ga 1,32-33). Trong cuộc thảo luận với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su cũng đã đề cấp đến “Pnêu-ma” đối lại với xác thịt: “cái được sinh ra từ ‘Pnêu-ma’ là tinh thần, cái được sinh ra từ xác thịt là xác thịt” (Ga 3,6.8). Khi ghi chú về “nước hằng sống”, người thuật chuyện của Tin Mừng thứ tư đã cho rằng: “Người nói về ‘Pnêu-ma’, Đấng mà các tín hữu phải lãnh nhận; bởi vì chưa có “Pnêu-ma” vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7,39). Trong bối cảnh chương 14,15, và 16, tác giả nói đến “Pnêu-ma sự thật” 3 lần: “đây là “Pnêu-ma sự thật”, Đấng mà thế giới không thể đón nhận, bi vì nó không thấy và cũng không biết Người” (Ga 14,17); “Pnêu-ma sự thật” Đấng đến từ Cha, Người sẽ làm chứng thay cho Thầy” (Ga 15,26); “khi ‘Pnêu-ma sự thật đến’, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toan vẹn” (Ga 16,13). Trong bối cảnh này “Pnêu-ma” được đặc tính hóa là sự thật. Đề tài “tôn vinh” được nói đến trong 16,14 (Đấng ấy sẽ tôn vinh tôi) là một đề tài hết sức quen thuộc trong phần thứ III của Tin Mừng Gioan: “Sách của sự Tôn Vinh”. Sự tôn vinh dành cho cả Người Con và Cha. Sự tôn vinh ấy được Đức Giê-su nhắc đến ngày sau khi Giu-đa ra khỏi phòng Tiệc Ly: “giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31-32). Đức Giê-su đã hứa là tất cả những điều các môn đệ xin nhân danh Người thì Người sẽ làm để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con” (Ga 14,13). Điều mà Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Khi “Giờ đến” Đức Giê-su cầu xin Cha tôn vinh mình: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1.5). Chủ đề làm chứng: “Đấng ấy làm chứng về tôi và anh em cũng làm chứng về tôi” (Ga 15,26-27), cũng là một chủ đề nổi bật trong Tin Mừng thứ tư. Gioan Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su (Ga 1,15.32; 3,26). Gioan cũng đến với mục đích “làm chứng và làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,7-8). Chúa Cha cũng làm chứng cho Đức Giê-su (Ga 5,37). Sách Thánh cũng làm chứng cho Đức Giê-su (5,39). Đức Giê-su cũng làm chứng cho chính mình (Ga 8,18). Đám đông cũng làm chứng cho Đức Giê-su khi Đức Giê-su “gọi anh La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 12,17). Đức Giê-su “sinh ra và đến thế gian nhằm làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37).

    Giới hạn bản văn: Có 2 bản văn riêng biệt. Mỗi bản văn sẽ có giới hạn riêng của nó

    Ga 15,26-27 Nằm cuối chương 15 khởi đầu bằng hình ảnh Đức Giê-su là cây nho thật (15,1). Đoạn văn này có nội dung thống nhất và khác biệt so với đoạn văn trước đó. Thứ nhất, đây là đoạn văn duy nhất nói về Đấng Pa-rác-lê-tos trong chương 15. Thứ hai, chủ đề như “làm chứng” cũng là chủ đề được nói đến một lần duy nhất trong toàn chương 15. Đoạn trước đó (15,18-25) nói về mối tương quan giữa “thế gian và các môn đệ”. Thế gian ghét các môn đệ vì các môn đệ không thuộc về thế gian. Đoạn này (15,26-27) có thế nói là về chủ đề “Đấng Pa-rác-lê-tos và các môn đệ”. Hai đoạn này có thế nối kết với nhau bởi nhân vật là “các môn đệ” và “đối tượng” mà cả Đấng Pa-rác-lê-tos và các môn đệ nhắm đến khi làm chứng được giả định là: “trước thế gian”. Đoạn 15,26-27 có dấu hiệu thay đổi về mặt thời gian và nhân vật rõ nét: “Οταν” là liên từ bổ trợ chỉ thời gian (khi, bất cứ khi nào); Nhân vật mới: Đấng Pa-rác-lê-tos.

    Ga 16,12-15

    Đoạn 16,12-15 và đoạn trước đó (16,5-11) đều nói đến Đấng Pa-rác-lê-tos (16,7 và 16,13). Tuy nhiên, vai trò của Đấng này trong hai đoạn là khác trong. Trong 16,5-11, Đấng Pa-rác-lê-tos sẽ luận tội thế gian về “tội lỗi”, về “sự công chính” và “việc xét xử” trong khi đó, trong 16,12-15, Đấng Pa-rác-lê-tos, mệnh danh là “Pnêu-ma” của sự thật “sẽ dạy các tông đồ toàn bộ sự thật” (16,13). Ngoài ra, Đấng Pa-rác-lê-tos ở 16,12-15 cũng sẽ “tôn vinh” Đức Giê-su và “loan báo” cho các môn đệ. Như vậy, đoạn văn 16,12-15 vừa nối kết với đoạn trước đó (16,5-11) bởi nhân vật Pa-rác-lê-tos, vừa tách biệt với đoạn văn trước bởi các vai trò khác nhau của Đấng này. Hơn nữa, câu khởi đầu của đoạn văn cũng mang tính giới thiệu cho một đoạn mới: “Tôi còn nhiều điểu phải nói với anh em” (Ga 16,12). Câu cuối đoạn văn (16,15) với cụm trạng từ chỉ nguyên nhân “vì thế, vì vậy” (διὰ τοῦτο) là dấu hiệu sự kết thúc cho đoạn văn.

    Cấu trúc bản văn

    1. Ga 15,26-27: Cấu trúc này gồm có hai căp thành phần song song. Phần trọng tâm là hành động làm chứng: (B) Đấng Đấng Pa-rác-lê-tos làm chứng // Các môn đệ cũng làm chứng (B’). Phần (A) Nguồn gốc của Đấng Pa-rác-lê-tos: đến từ Cha // Nguồn gốc các môn đệ: ở với Đức Giê-su ngay từ đầu (A’). 

(A) Đấng Pa-rác-lê-tos đến từ Cha (15,26a), “Pnêu-ma” của sự thật

            (B) Đấng Pa-rác-lê-tos làm chứng về Đức Giê-su (15,26b)

(B’) Các môn đệ cũng làm chứng về Đức Giê-su (15,27a)

(A’) Các môn đệ đã ở với Đức Giê-su ngay từ đầu (Ga 15,27b)

 

    2. Ga 16,12-15: Cấu trúc này hơi phức tạp hơn. Nó gồm phần 3 thành phần chính yếu song song với nhau. Thành phần (A) nhiều điều Đức Giê-su muốn nói nhưng không nói // Thành phần (A’) “Pnêu-ma” của sự thật sẽ dạy tất cả sự thật // thành phần (A’’) “Pnêu-ma” của sự thật sẽ tôn vinh Đức Giê-su. 


    (A) Đức Giê-su còn nhiều điều để nói nhưng anh em không thể chịu nổi (16,12)

    (A’) Pnêu-ma” của sự thật sẽ dạy tất cả sự thật (16,13a)

    (A’1) Lý do: Vì Người không nói từ chính mình, (16,13b)

    (A’2) Những điều Người sẽ nói: Những điều Người Nghe

    (A’3) Những điều Người loan báo: Những điều sẽ xảy ra (16,13c)

    (A’’) Đấng ấy tôn vinh Đức Giê-su (16,14a)

    (A’’1) Lý do tôn vinh: vì Người sẽ lấy từ tôi mà loan báo cho anh em (16,14b)

    (A’’2) Giải thích lý do: Tất cả những cái cha có là của tôi (16,15)

Một số điểm chú giải

1.     Đấng Pa-rác-lê-tos: Danh xưng này xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng thứ tư.  Lần thứ nhất, Đức Giê-su cho biết rằng Người sẽ xin cùng Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho các môn đệ một “Pa-rác-lê-tos” khác đến ở cùng các ông luôn mãi (Ga 14,16). Sở dĩ, Đấng “Pa-rác-lê-tos” được gọi là “khác” bởi vì Đức Giê-su cũng là một “Pa-rác-lê-tos”. Thư thứ nhất của thánh Gioan khuyên rằng: “Các con bé nhỏ của ta, ta viết những điều này cho các con để các con đừng phạm tôi, nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có một “Pa-rác-lê-tos” (bào chữa), Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 1,1) với Chúa Cha. Lần thứ hai, Đấng “Pa-rác-lê-tos” được nhắc đến với vai trò là “dạy các môn đệ mọi điều” và làm cho các ông nhớ lại tất cả mọi điều Đức Giê-su đã nói (Ga 14,26). Lần thứ ba, Đấng “Pa-rác-lê-tos” sẽ đến trong vai trò làm chứng thay cho Đức Giê-su (Ga 15,16). Lần thứ tư, Đức Giê-su nói đến sự cần thiết của việc Người ra đi đối với việc đến của Đấng “Pa-rác-lê-tos”: “Nếu Thầy không đi, “Pa-rác-lê-tos” sẽ không đến với anh em” (Ga 16,7). Trong bốn lần này, có hai lần Đấng “Pa-rác-lê-tos” được định nghĩa bằng hai danh xưng tương đương: (1) Đấng Pnêu-ma thánh (Thánh Thần, Holy Spirit) (14,26); (2) Pnêu-ma sự thật (thường dịch là Thần Khí Sự Thật) (15,26). Danh xưng “Pnêu-ma sự thật” còn được dùng hai lần khác để thay cho Đấng “Pa-rác-lê-tos”: “Đây là Pnêu-ma sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận” (14,17) và “khi Pnêu-ma sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến chân lý toàn vẹn”. Danh xưng “Pnêu-ma thánh” được Gioan sử dụng hai lần khác nữa. Lần thứ nhất, trong bối cảnh Gioan làm chứng về Đức Giê-su, ông nhắc đến “Đấng làm Phép Rửa” trong “Pnêu-ma thánh” và lần còn lại trong bối cảnh Đức Giê-su trao ban “Pnêu-ma thánh” cho các Tông Đồ sau khi Người Phục Sinh: “Hãy nhận lấy “Pnêu-ma thánh” (Ga 20,22). Danh xưng “Pa-rác-lê-tos” được ghép bởi tiếp đầu ngữ “παρά” (para) và tính từ “κλητός” (kletos).  Tính từ “kletos” có nghĩa là “được mời, được gọi,” có cùng gốc với động từ “καλέω” (gọi). Tiếp đầu ngữ “para” là một giới từ thường có nghĩa là “từ, nguồn gốc từ”. Giới từ này được dùng để diễn tả nguồn gốc của Đấng “Pa-rác-lê-tos”: “Đấng mà tôi sẽ gửi đến từ Cha, “Pnêu-ma sự thật”, Đấng phát xuất từ Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về tôi” (15,26).  Tuy vậy, “Pa-rác-lê-tos” lại có nghĩa chẳng liên quan gì đến sự mời gọi, nhưng có lẽ danh xưng có liên quan đến nguồn gốc: “từ Cha”. Danh từ “Pa-rác-lê-tos” có nhiều nghĩa khác nhau: “người giúp đỡ”; “người an ủi”, “người bào chữa”, “người bảo vệ”, “người trung gian”. Chính vì thế, dịch theo nghĩa nào cũng không thỏa đáng. Trong bối cảnh hai đoạn văn này, Đấng “Pa-rác-lê-tos” được định nghĩa là “Pnêu-ma sự thật” và được giải thích bằng chính vai trò của Người.[4]

2.     Đấng mà Thầy sẽ gửi đến: Chủ thể gửi Đấng “Pa-rác-lê-tos” đến là Đức Giê-su và nguồn gốc của Đấng “Pa-rác-lê-tos” là “từ Cha”. Ở 16,7 Đức Giê-su cũng hứa sẽ gửi Đấng “Pa-rác-lê-tos” đến với các môn đệ. Chính Đức Giê-su đã trao ban Đấng “Pa-rác-lê-tos” cho các Tông Đồ sau ngày Phục Sinh: “Hãy nhận lấy “Pnêu-ma thánh” (Ga 20,22). Tuy nhiên, có lúc Đức Giê-su lại nói là chính Cha sẽ gửi Đấng “Pa-rác-lê-tos” đến nhân danh Đức Giê-su (14,26). Đức Giê-su cũng hứa là sẽ xin Chúa Cha, và Ngài sẽ ban cho các môn đệ “Đấng “Pa-rác-lê-tos” khác (14,16). Theo sách Công Vụ Tông Đồ, “Pnêu-ma thánh” ngự xuống trên từng Người trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-4), không rõ là Cha hay Đức Giê-su gửi. Tuy Nhiên, dù Cha gửi hay Đức Giê-su gửi thì Đấng “Pa-rác-lê-tos” đều có nguồn gốc từ Cha. Cha có gửi Đấng “Pa-rác-lê-tos” thì cũng “nhân danh” Đức Giê-su. Có lẽ, nên hiểu là mọi quyền gửi đi đều xuất phát từ Cha (Đức Giê-su cũng được Cha gửi đến), nhưng Đức Giê-su giao tiếp trực tiếp với các môn đệ nên Người chính là cầu nối gửi Đấng “Pa-rác-lê-tos” đến cho các môn đệ và nhân loại. Theo nghĩa này, có thể hiểu Đức Giê-su trong vai trò ‘một người vận chuyển’ hoặc theo ngôn ngữ hiện đại là một “grabber”. Cũng có thể hiểu Cha gửi “Pnêu-ma thánh” đồng nghĩa với Đức Giê-su gửi “Pnêu-ma thánh” vì Đức Giê-su và Cha là một. Giống như cách Đức Giê-su giải thích tại sao Người nói rằng “Pnêu-ma sự thật” lấy từ Người (Đức Giê-su) mà loan báo cho anh em. Lý do là vì “những gì Cha có đều là của Đức Giê-su” (Ga 16,15).

3.     Pnêu-ma của sự thật (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας): Danh từ “sự thật” ở thuộc cách (của) trong tiếng Hy Lạp có thể có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là cách hiểu mang tính giải thích. Nghĩa là Pnêu-ma đồng nghĩa với sự thật. Cách hiểu thứ hai là cách hiểu vị ngữ. Nghĩa là Pnêu-ma làm sự thật, thực thi sự thật. Trong bối cảnh này, cách hiểu thứ hai có vẻ phù hợp vì tiếp theo sau đó Đức Giê-su cho biết là “Đấng ấy sẽ dẫn (dạy) các môn đệ đến sự thật toàn vẹn (toàn bộ sự thật” (16,13). Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Người là chính sự thật. Đấng “Pa-rác-lê-tos” được định nghĩa là “Pnêu-ma sự thật”. Danh từ “Pnêu-ma” lại được định tính là “sự thật”. Nghĩa là Người không phải bất cứ một Đấng “Pnêu-ma” nào nhưng là “Pnêu-ma của sự thật”. Theo C. Barrett, Gioan muốn ngụ ý rằng “Pnêu-ma nói sự thật”.[5] Phẩm tính sự thật cũng gắn liền với Đức Giê-su. Đức Giê-su chính là “Con Một đầy tràn ân sủng mà sự thật” (Ga 1,14) (πλήρης χάριτος καὶ ἀληθείας). “Ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1,17). Đức Giê-su đã khẳng định rằng: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Như thế, không chỉ Pnêu-ma là sự thật và dạy sự thật mà chính Đức Giê-su cũng là sự thật và dạy sự thật. Sự thật chính là đặc tính chung của Đức Giê-su và Pnêu-ma.

4.     Dạy toàn bộ sự thật/ dẫn đến sự thật toàn vẹn (ὁδηγήσει ὑμᾶς ἐν τῇ ἀληθείᾳ πάσῃ): Động từ “ὁδ-ηγήσει” được ghép bởi danh từ “ὁδός” (con đường) và động từ “ἡγέοµαι” (dẫn dắt, lead).  Như vậy, động từ này có nghĩa gốc là dẫn đường.[6] Từ đó phát sinh ra nhiều nghĩa khác như là: “hướng dẫn, dạy dỗ”. Trong bối cảnh có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Pnêu-ma sự thật sẽ dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn. Nghĩa thứ hai, Pnêu-ma sự thật sẽ dạy các môn đệ với toàn bộ sự thật. Tính từ bất định “πάσῃ” đi kèm với danh từ “sự thật” cũng có hai nghĩa: “Tất cả” và “đầy đủ” (tất cả sự thật hoặc là sự thật toàn vẹn). Để hiểu rõ ngôn từ Gioan dùng trong Tin Mừng thứ tư thật không dễ tý nào. Như thế, hiểu là “sự thật toàn vẹn”, hay “toàn bộ sự thật”, “dẫn dắt đến”, hoặc là “dạy dỗ với/bằng” đều có khả năng. Có một điều chắc chắn là “còn nhiều điều” mà Đức Giê-su chưa nói với các môn đệ, vì các ông không có sức chịu nổi. Pnêu-ma có vai trò làm đầy, làm trọn, những điều Đức Giê-su chưa nói. Trong bối cảnh này, điều mà Pnêu-ma bổ khuyết là sự thật. Sự thật này trước nhất là chính con người Đức Giê-su. Kế đến là những điều Người rao giảng. Trong bối cảnh trước cuộc Thương Khó, bối cảnh mà Đức Giê-su hứa ban Pnêu-ma, các môn đệ chắc chắn chưa hiểu rõ con người và sứ mạng của Đức Giê-su. Họ càng không hiểu lời dạy của Người về biến cố tử nạn và Phục Sinh của Người.[7] Chính vì thế mà Pnêu-ma sẽ làm cho các môn đệ “nhớ lại” tất cả những điều Đức Giê-su đã nói với họ (Ga 14,26). Sự thật đó cũng có thể là đối lại với “ma quỷ” vì “quỷ là kẻ dối trá và cha của những kẻ nói dối” (Ga 8,44). Pnêu-ma sẽ giúp các môn đệ nhận ra và chấp nhận con người và sứ mạng của Đức Giê-su. “Chân lý” (sự thật) là một trong những đề tài chính yếu của Tin Mừng Gioan. Đức Giê-su cũng dạy rằng sẽ đến giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (sự thật) (Ga 4,23-24). Gioan Tẩy Giả làm chứng cho sự thật (Ga 5,33). Sự thật sẽ mang đến ơn giải phóng cho con người: “Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32). Sự thật ở đây có thể là đạo lý về Thiên Chúa (Ga 8,40), Nước Trời hay là chính Đức Giê-su. Đức Giê-su luôn nói sự thật (Ga 8,45-46). Lời của Cha là sự thật (Ga 17,17). Trước quan tòa Phi-la-tô, Đức Giê-su sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về sự thật thì nghe tiếng Đức Giê-su (18,37).

5.     Làm chứng: Theo cấu trúc của 15,26-27, chủ đề làm chứng chính là phần trung tâm của cấu trúc. Động từ làm chứng (μαρτυρήσειρέω)[8] được sử dụng hai lần với hai chủ từ khác nhau. Lần thứ nhất, chủ từ là “Pnêu-ma sự thật” và lần thứ hai chủ từ lác “các môn đệ” xuất hiện với đại từ ngôi thứ hai (anh em). Đối tượng mà “Pnêu-ma sự thật” và các môn đệ phải làm chứng là Đức Giê-su. Lý do mà các môn đệ phải làm chứng là vì họ đã ở với Đức Giê-su ngay từ lúc khởi đầu. Khởi đầu ở đây có thể hiểu là từ lúc Đức Giê-su chịu Phép Rửa và khai mạc sứ vụ công khai. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để có thể làm chứng. Độc giả cũng không quên trong cuộc tuyển chọn một thành viên để thay vào vị trí Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, Người đã treo cổ tự tử (Mt 27,5), ứng viên phải thỏa mãn điều kiện là: “Đi theo Đức Giê-su trong suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ ngày Người được ông Gioan làm Phép Rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời” (Cv 1,21-22). Nội dung của lời chứng của các môn đệ là: Đức Giê-su đã Phục Sinh. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại sự tác động của “Pnêu-ma sự thật” trên mọi hoạt động làm chứng của các Tông Đồ.[9] Đây chính là sự làm chứng song đôi mà Đức Giê-su nói trước trong đoạn Ga 15,26-27. Nếu như các môn đệ hiện diện với Đức Giê-su trong suốt qua trình Người rao giảng, thì “Pnêu-ma sự thật” hiện diện còn lâu hơn nữa. “Pnêu-ma sự thật” đến từ Cha và chắc hẳn hiện diện với Đức Giê-su từ muôn thuở trước khi có đất trời. Nguồn gốc của Pnêu-ma và các môn đệ là điều kiện cần và đủ đề họ làm chứng về Đức Giê-su. Đề tài “làm chứng” cũng là một đề tài được nói đến nhiều trong Tin Mừng thứ tư. Ngay từ đầu, Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Giê-su (Ga 1,7-8.15.32; 5,33). Đức Giê-su làm chứng về những điều Người đã thấy và đã nghe (Ga 3,32). Chúa Cha cũng làm chứng về Đức Giê-su: “Có Đấng khác làm chứng về tôi và tôi biết, lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật” (5,32; Cf. 5,37; 8,18). Sách Thánh cũng làm chứng về Đức Giê-su (5,39). Trong bối cảnh này, trọng tâm đặt ở lời chứng mang tính ngôn sứ cho thế gian. C. Keener cho rằng “bằng chứng” ở đây xuất hiện theo một nghĩa về pháp lý liên quan đến truyền thống nói đến trong Mc 13: Các tín hữu được đưa đến trước các quan quyền để làm chứng cho họ (Mc 13,9). Trong giờ đó các môn đệ được khuyên là “Đừng lo phải nói gì … vì không phải anh em nói mà Pnêu-mà thánh nói” (Mc 13,11).[10] Cách hiểu này có vẻ hợp lý vì trước đó Đức Giê-su đã cảnh báo về sự thù ghét và bắt bớ của thế gian (Ga 15,18-25). Các môn đệ và “Pnêu-ma sự thật” phải làm chứng cho Đức Giê-su trước thế gian thù ghét. F. Moloney hiểu cc.26-27 diễn tả sự an ủi của “Pnêu-ma sự thật”, Đấng được gửi từ Cha, bằng những chứng từ của mình.[11]  

6.     Không có sức chịu nổi: R. Brown cho rằng ý nghĩa chính yếu của “sự không chịu nổi” ở đây là giống với “không thể hiểu nổi” nhưng cũng tồn tại vấn đề “không chịu” nổi vì sự bắt bớ của thế gian được bao hàm trong đó.[12] Cách hiểu này có thể chấp nhận được vì trước đó ít lâu đức Giê-su không ngừng nói đến việc thế gian “ghét” các môn đệ và “ghét” Đức Giê-su (Ga 15,18). Hơn nữa, thế gian cũng “bắt bớ” Đức Giê-su và các môn đệ (Ga 15,20).

7.     Không nói từ chính mình: Vai trò trung gian của Đức Giê-su là duy nhất, và mạc khải của Chúa Cha nơi Đức Giê-su đã trọn vẹn như Đức Giê-su đã khẳng định: “Tôi đã mạc khải cho anh em mọi thứ tôi đã nghe từ Cha” (Ga 15,15).[13] Vấn đề là các môn đệ không có sức mang nổi, không có sức chịu nổi và cũng không hiểu rõ con người và sứ vụ của Đức Giê-su. “Pnêu-ma sự thật” sẽ làm cho mọi mạc khải của Đức Giê-su nên rõ ràng và trọn vẹn.

8.     Nói những điều Người nghe và loan báo những gì sẽ xảy ra: “Những điều sẽ xảy ra” (τὰ ἐρχόμενα) trong bối cảnh gần có thể là biến cố Thương Khó – Phục sinh của Đức Giê-su. Đó là một ám chỉ đến một bối cảnh mà các môn đệ sẽ chia sẻ “giờ” đau khổ của Đức Giê-su nhưng họ không thể chịu đựng được cho đến khi Đấng “Pnêu-ma sự thật” đến. Theo nghĩa này, “điều sẽ xảy đến” ăn khớp với “điều sẽ xảy đến” mà Đức Giê-su biết được trong 18:4: “Đức Giê-su biết điều sẽ xảy đến cho mình nên Người tiến ra và hỏi: ‘các anh tìm ai?’”. Hơn nữa, theo nghĩa rộng hơn, “Pnêu-ma sự thật” cũng sẽ mạc khải cho cộng đoàn biết những tình huống khó khăn mà cộng đoàn sẽ phải đối diện hoặc là những giải pháp cho những tình huống khó khăn này.[14] C. Barrett cũng đề xuất hai cấp độ nghĩa của “những điều sẽ xảy đến”. Cấp độ 1 là những sự kiện của cuộc Thương Khó, bao gồm cả khổ nan và Phục Sinh. Cấp độ 2 là những sự kiện mang tính cánh chung. Sự kiến cánh chung là vén màn về tội lỗi và sự công chính, rồi sự xét xử.[15]

9.     Tôn vinh: Trong đoạn 16,12-15, ngoài vai trò “dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn” hay “dạy các môn đệ với toàn bộ sự thật”, Đấng “Pnêu-ma sự thật” còn có vai trò tôn vinh Đức Giê-su. Lý do được đưa ra là: “Vì Người sẽ lấy từ tôi và sẽ loan báo cho anh em”. Nội dung của động từ “lấy” không được chỉ rõ, động từ “loan báo” cũng không có túc từ trực tiếp. Lấy điều gì và loan báo điều gì mà làm cho Đức Giê-su được tôn vinh? Động từ loan báo trong 16,13 có túc từ là “những điều sắp xảy ra”, liệu nội dung loan báo ở đây cũng là nội dung ấy? Dù sao di nữa, chủ đề tôn vinh cũng là chủ đề thiết yếu của phần thứ ba của Tin Mừng thứ tư có tên gọi là “Sách của sự tôn vinh”. Sự tôn vinh trong bối cảnh này là của Pnêu-ma dành cho Đức Giê-su. Tuy nhiên, ở nơi khác thì có thêm sự tôn vinh của Con dành cho Cha và Cha dành cho Con. Chỉ có điều là không có sự tôn vinh nào của Cha và Con dành cho Pnêu-ma thánh. Đức Giê-su “không cần người đời tôn vinh” (Ga 5,41). Đức Giê-su cũng không tôn vinh chính mình. Đấng tôn vinh Người chính là Cha của Người (Ga 8,54). Khi những Người Hy Lạp mong muốn gặp Đức Giê-su qua An-rê và Phi-líp-phê, Đức Giê-su đã nói rằng: “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Giờ tôn vinh của Đức Giê-su ở đây chính là giờ trải qua Thương Khó và Phục Sinh.[16] Khi Giu-đa đi rồi Đức Giê-su nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31-32). Đây cũng có thể là sự tôn vinh mà “Pnêu-ma sự thật” dành cho Đức Giê-su trong bối cảnh này. Việc các môn đệ sinh nhiều hoa trái cũng làm cho Cha được tôn vinh (Ga 15,8). Trong lời cầu nguyện trước lúc bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã xin cùng Chúa Cha rằng: “Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Rõ ràng, Đức Giê-su không cầu vinh quang cho riêng mình nhưng cầu vinh quang cho Cha. Vinh quang của Người cũng là vinh quang của Cha và ngược lại. Đức Giê-su đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi Người “hoàn tất công trình mà Cha đã giao cho Người làm” (Ga 17,4). Cuối cùng, Người xin Cha tôn vinh Người bên Cha: “Xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5).

10.  Mọi sự Cha có đều là của Thầy: Không chỉ là Đức Giê-su nhận mọi sự từ Cha (5,19.30), mà còn mọi sự của Cha đều là của Người. Kiểu nói này âm vang tính hiệp nhất nên một giữa Đức Giê-su và Chúa Cha. Đức Giê-su đã khẳng định rằng: “Tôi và Cha là một” (10,30); “Vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con cũng ban cho họ, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). Người cũng dùng nhiều cách khác để diễn tả “tính hiệp nhất nên một” giữa Người và Cha Người: “Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (Ga 10,38; 17,21); “Ai thấy tôi là thấy Cha”, “Anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,9-11.20). Theo J. Moloney, tính “duy nhất” giữa Cha và Đức Giê-su hoàn hảo đến độ cái gì của Cha cũng là của Con. Như thế Đức Giê-su là mạc khải hoàn hảo của Cha và không có gì của Cha còn bị che dấu, khi Giê-su sở hữu mọi thứ của Cha.[17] Cách giải thích của Đức Giê-su: “Mọi sự Cha có đều là là của tôi, vì thế tôi nói là Người lấy từ tôi và loan báo cho anh em” (16,15), ám chỉ rằng, “Pnêu-ma sự thật” thực ra lấy từ Cha, nhưng Đức Giê-su nói là lấy từ Người vì lấy từ Đức Giê-su hay Cha thì đều như nhau. Vấn đề rõ ràng là Pnêu-ma không mạc khải những mầu nhiệm từ chính mình nhưng từ Cha và Con.

Bình luận tổng quát

Phụng vụ Lời Chúa Lễ Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống bắt đầu bằng bản văn huyền thoại kể về sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,1-13). Theo Sách Công Vụ, Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau khi Chúa Phục Sinh. Thánh Thần hiện xuống trong bối cảnh “có tiếng động mạnh”, có “gió mạnh ùa vào đầy cả căn phòng, nơi họ ở”. Họ thấy những “hình lưỡi giống như hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một” và ai nấy đều được đầy tràn Thánh Thần. Tác giả Tin Mừng Gioan cho biết rằng chính Đức Giê-su đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngay sau khi Người Phục Sinh. Người trao ban Thánh Thần bằng cách “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Tiếp theo sau đó Người ban quyền tha tội và cầm giữ cho các Tông Đồ (Ga 20,22-23). Như vậy, cách Chúa Thánh Thần được trao ban và thời gian cũng khác nhau giữa truyền thống Luca (sách Công Vụ) và truyền thống Gioan (Tin Mừng Gioan). Đâu là truyền thống đúng với lịch sử hơn? Câu trả lời chắc không bao giờ thỏa đáng. Tuy nhiên, có một điều lý thú hơn và đáng tìm hiểu hơn là câu hỏi kiểu như thế. Đó là những dữ liệu về vai trò của Thánh Thần được tác giả Gioan ghi lại. Như đã nói trên, trong Tin Mừng Gioan, có đến 5 đoạn đặc biệt nói về Thánh Thần (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15;26-27; 16,7-11; 16,12-15). Cách ông gọi Đấng này cũng đã làm cho các học giả bối rối: Đấng Pa-rác-lê-tos. Đấng Pa-rác-lê-tos là danh xưng chỉ có một mình tác giả Gioan sử dụng. Vì Pa-rác-lê-tos có rất nhiều nghĩa (người giúp đỡ, người bảo hộ, người an ủi, người bào chữa…) nên chọn cách dịch nào cũng không diễn tả được hết nghĩa. Chính vì thế, mà nhiều tác giả chọn cách chuyển tự, thay vì dịch nghĩa, để giữ nguyên tên gọi ấy. Trong hai đoạn, mà Phụng Vụ chọn đọc ngày Lễ này, Đấng Pa-rác-lê-tos được gọi với danh từ diễn nghĩa là “Thần Khí Sự Thật” (Pnêu-ma tês a-lê-thei-as). Ngay cả danh từ “Pnêu-ma” cũng là một danh từ có nhiều nghĩa (gió, hơi thở, khí, tinh thần, linh hồn…) và rất khó có cách dịch Việt Ngữ nào diễn tả được trọn vẹn. Chính vì thế mà trong suốt bài nghiên cứu này tác giả mãn phép dùng lối chuyển tự: “Pnêu-ma sự thật” (thường hiểu là Thần Khí Sự Thật) hay là “Pnêu-ma thánh” (Thánh Thần). Một chút lưu ý để thấy sự khó khăn, phức tạp trong việc hiểu một bản văn Thánh Kinh được viết bằng cổ ngữ Hy Lạp cách đây hơn 2000 năm. Tuy nhiên, đó cũng là nét đẹp, sự kỳ diệu của các bản văn thánh.

Trong đoạn Ga 15,26-27, chủ đề trung tâm hẳn là vai trò làm chứng của Đấng Pa-rác-lê-tos. “Pnêu-ma sự thật” làm chứng cho Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời gọi làm chứng cho Đức Giê-su. Trong bối cảnh đoạn văn được đặt ngay sau đoạn văn Đức Giê-su nói về “thế gian thù ghét và bắt bớ các môn đệ”, lời chứng này rất có thể là lời chứng trước thế gian thù ghét. Liên quan đến vai trò làm chứng này, một vai trò của Đấng Pa-rác-lê-tos được nhắc đến sau đó là: “Chứng minh thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử” (Ga 16,8). Trong bối cảnh của những “lời từ biệt” trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc Thương khó, lời chứng của Đấng Pa-rác-lê-tos cũng có thể là lời chứng về biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. Hơn nữa nếu đọc lời chứng này trong bối cảnh tương lai của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, có thể hiểu sự làm chứng song đôi của các môn đệ với Đấng Pa-rác-lê-tos là thực tế của những hoạt động của các tông đồ được ghi lại trong Sách Công Vụ, nơi mà các hoạt động rao giảng của các Tông đồ đều được “Pnêu-ma thánh” hướng dẫn và khích lệ.

Đoạn Ga 16,12-15 nói đến hai vai trò khác của Đấng Pa-rác-lê-tos: (1) Dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn; hoặc dạy các môn đệ tất cả sự thật; (2) Tôn vinh Đức Giê-su. Đấng Pa-rác-lê-tos sẽ bổ khuyết những điều Đức Giê-su muốn nói nhưng các môn đệ không có sức chịu nỗi. Sự thật đó có thể là chính Đức Giê-su, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”. Đó có thể là sự thật về Thương Khó – Phục Sinh mà các môn đệ vốn không hiểu và không muốn chấp nhận. Thực tế là các ông đã bỏ trốn hết khi đối diện với biến cố Thương Khó. Hơn nữa, Sự Phục Sinh của Đức Giê-su là một điều ngạc nhiên, là điều không thể tin nổi đối với các ông, dù cho Đức Giê-su không ngừng nhắc đi nhắc lại trước đó ít nhất 3 lần. Đó có thể là sự thật về “thế gian thù ghét và bắt bớ” các môn đệ. “Pnêu-ma sự thật” sẽ giúp cho các ông nhận ra con người của Đức Giê-su, lời dạy của Người và sứ mạng Messiah chịu đóng đinh của Người. Nhờ đó, họ có thể hiểu, đón nhận, tin và rao giảng. Sứ vụ tôn vinh của Đấng Pa-rác-lê-tos không nằm ngoài ý định của Cha, Đấng tôn vinh Đức Giê-su theo như thỉnh cầu của Người. Vinh quang của Đức Giê-su có không phải là vinh quang cho riêng Người, Người được tôn vinh chính là Cha được tôn vinh, bởi Người chính là mạc khải trọn vẹn của Cha. Chính Đức Giê-su đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

Cùng với Đấng Pa-rác-lê-tos, các tín hữu được mời gọi: (1) Làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô; (2) Vươn đến sự thật toàn vẹn là chính Đức Giê-su: Con Người, những hành động, và lời dạy của Người, đặc biệt mà Mầu Nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh; (3) Tôn vinh Đức Giê-su bằng những “hoa thơm trái ngọt” của đời sống chứng nhân hằng ngày.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] Nhóm CGKPV chọn dịch danh xưng này là “Đấng Bảo Trợ”, và dịch giả Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Đấng Bầu Chữa”, Bản Tiếng Anh dịch là “the Helper” (ESV), “the Advocate” (NRSV); Bản Tiếng Pháp chọn lối chuyển tự “le Paraclet” (TOB); bàn tiếng Ý tương tự “Paràclito”. Trong tiếng Hy Lạp danh từ “παράκλητος” mang rất nhiều nghĩa như là: “giúp đỡ”, “bào chữa”, “cố vấn” “bênh vực”, “trạng sư”… vì thế chọn dịch bất kỳ một lối dịch nghĩa nào cũng không diễn tả đầy đủ nghĩa của danh xưng này. Tốt hơn nên chuyển tự cho dễ đọc mà thôi.

[2] Xem thêm cấu trúc của Tin Mừng thứ tư trong, Joseph Phạm Duy Thạch, “Cây Nho Giê-su, Cành Nho Môn Đê và Vinh Quang của Chúa Cha”, HORIZON MISSIONARY: CÂY NHO GIÊ-SU, CÀNH NHO MÔN ĐỆ, VÀ VINH QUANG CỦA CHÚA CHA (josephpham-horizon.blogspot.com) (truy cập ngày 04/05/2021).

[3] 1. Ga 14,15-17. Ở lại mãi mãi với các môn đệ; 2. Ga 14,25-26, “Dạy” và “làm nhớ lại”; 3. Ga 15,26-27. Làm chứng trước và trong các môn đệ; 4. Ga 16,7-11.  Chứng minh thế gian sai lầm; 5. 16,12-15. Dẫn đường, loan báo, tôn vinh (X. Giuse Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an)” (Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 17/05/2021).

[4] Tác giả Lê Minh Thông đề xuất tìm hiểu danh từ “Pa-rác-lê-tos” trong văn chương Hy Lạp. Trong văn chương Hy lạp nó có nghĩa là “người bênh vực” hay là “luật sư”, người có vai trò pháp lý trong vụ kiện. Có thể dịch nghĩa là “trạng sư”, “luật sư”, “người bào chữa”, “người bênh vực”. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng những nghĩa này không phải là cách hiểu của tác giả Tin Mừng thứ tư. (X. Giuse Lê Minh Thông, tài liệu đã dẫn)

[5] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 463.

[6] R. Brown dịch động từ này là “hướng dẫn bạn đi trên đường” (guide you along the way). ông còn ghi chú động từ này bao gồm một danh từ là “con đường” (hodos), Đức Giê-su là con đường (14,16) [R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A,707].

[7]R. Beasley-Murray cho rằng “the task of the Paraclete will be to lead them that they may comprehend the depths and heights of the revelation as yet unperceived by them” [G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 283].

[8] Cũng cần nói thêm là danh từ “martyr”, mà ta thường dịch là “thánh tử đạo” có nguồn gốc từ động từ “làm chứng” trong tiếng Hy Lạp. Đây là người làm chứng cho Đức Ki-tô bằng máu và mạng sống của mình.

[9] Tác giả Lê Minh Thông cho rằng “thế gian không thấy, không biết, không đón nhận Đấng Pa-rác-lê, nên Đấng Pa-rác-lê không làm chứng cho Đức Giê-su trước thế gian. Mạch văn cho phép hiểu Đấng Pa-rác-lê, sẽ làm chứng về Đức Giê-su trước và trong các môn đệ.” (Giuse Lê Minh Thông, tài liệu đã dẫn) Tuy nhiên, mạch văn với cấu trúc “καὶδὲ” (và …cũng) cho phép hiểu hành động làm chứng của các mộn đệ song hành với hành động của Pnêu-ma. Hay nói đúng hơn, P-nêu-ma sẽ đồng hành và tác động trên các môn đệ trong khi họ làm chứng như sách Công Vụ diễn tả. [Cf. C.F.D. Moule, “The Holy Spirit in the Scriptures,” Forgiveness and Reconciliation: Biblical and Theological Essays (SPCK; London 1998) 128.

[10] C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I, 1022.

[11] F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (Ed., J.E.A. Chiu et als) (New York 2018) 1164.; G. Beasley-Murray phủ nhận việc Pnêu-ma sự thật đưa ra những bằng chứng chống lại thế gian thù ghét. Ông xem chứng từ của Pnêu-ma sự thật cũng như của các môn đệ là đem ra ánh sáng những mạc khải của Đức Giê-su trong lời nói và hành động, chết và phục sinh của Người. [G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 277].

[12] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) 29A,707. Brown nói thêm: “More likely vs. 12 means that only after Jesus’ resurrection will there be full understanding of what happened and was said during the ministry, a theme that is familiar in John” (R.E. Brown, 714)

[14] C.S. Keener, The Gospel of John. A Commentary (Grand Rapids 2012) I, 1040-1041.

[15] C.K. Barrett, The Gospel According to St. John. An Introduction with Commentary and Notes on the Greek Text (Philadelphia 1978) 490.

[16] X. Kinh Thánh ấn bản 2011 (CGKPV biên tập) (Hà Nội 2011) Chú thích k), 2379.