Wednesday 23 December 2020

"ĐẤNG MÊSIA GIÁNG SINH TRONG THÀNH VUA ĐAVÍD". Chú Giải Tin Mừng Lễ Giáng Sinh (Lc 2,1-20) - Lm. Jos.Ph.D. Thạch, SVD

LỄ GIÁNG SINH (Lễ Đêm và Lễ Rạng Đông)

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lp

Việt

1 Ἐγένετο δὲ ἐν ταῖς ἡμέραις ἐκείναις ἐξῆλθεν δόγμα παρὰ Καίσαρος Αὐγούστου ἀπογράφεσθαι πᾶσαν τὴν οἰκουμένην.

 2  αὕτη ἀπογραφὴ πρώτη ἐγένετο ἡγεμονεύοντος τῆς Συρίας Κυρηνίου.

 3  καὶ ἐπορεύοντο πάντες ἀπογράφεσθαι, ἕκαστος εἰς τὴν ἑαυτοῦ πόλιν.

 4  Ἀνέβη δὲ καὶ Ἰωσὴφ ἀπὸ τῆς Γαλιλαίας ἐκ πόλεως Ναζαρὲθ εἰς τὴν Ἰουδαίαν εἰς πόλιν Δαυὶδ ἥτις καλεῖται Βηθλέεμ, διὰ τὸ εἶναι αὐτὸν ἐξ οἴκου καὶ πατριᾶς Δαυίδ,

 5  ἀπογράψασθαι σὺν Μαριὰμ τῇ ἐμνηστευμένῃ αὐτῷ, οὔσῃ ἐγκύῳ.

 6  Ἐγένετο δὲ ἐν τῷ εἶναι αὐτοὺς ἐκεῖ ἐπλήσθησαν αἱ ἡμέραι τοῦ τεκεῖν αὐτήν,

 7  καὶ ἔτεκεν τὸν υἱὸν αὐτῆς τὸν πρωτότοκον, καὶ ἐσπαργάνωσεν αὐτὸν καὶ ἀνέκλινεν αὐτὸν ἐν φάτνῃ, διότι οὐκ ἦν αὐτοῖς τόπος ἐν τῷ καταλύματι.

 8  Καὶ ποιμένες ἦσαν ἐν τῇ χώρᾳ τῇ αὐτῇ ἀγραυλοῦντες καὶ φυλάσσοντες φυλακὰς τῆς νυκτὸς ἐπὶ τὴν ποίμνην αὐτῶν.

 9  καὶ ἄγγελος κυρίου ἐπέστη αὐτοῖς καὶ δόξα κυρίου περιέλαμψεν αὐτούς, καὶ ἐφοβήθησαν φόβον μέγαν.

 10  καὶ εἶπεν αὐτοῖς ὁ ἄγγελος· μὴ φοβεῖσθε, ἰδοὺ γὰρ εὐαγγελίζομαι ὑμῖν χαρὰν μεγάλην ἥτις ἔσται παντὶ τῷ λαῷ,

 11  ὅτι ἐτέχθη ὑμῖν σήμερον σωτὴρ ὅς ἐστιν χριστὸς κύριος ἐν πόλει Δαυίδ.

 12  καὶ τοῦτο ὑμῖν τὸ σημεῖον, εὑρήσετε βρέφος ἐσπαργανωμένον καὶ κείμενον ἐν φάτνῃ.

 13  καὶ ἐξαίφνης ἐγένετο σὺν τῷ ἀγγέλῳ πλῆθος στρατιᾶς οὐρανίου αἰνούντων τὸν θεὸν καὶ λεγόντων·

 14  δόξα ἐν ὑψίστοις θεῷ καὶ ἐπὶ γῆς εἰρήνη ἐν ἀνθρώποις εὐδοκίας.

 15  Καὶ ἐγένετο ὡς ἀπῆλθον ἀπ᾽ αὐτῶν εἰς τὸν οὐρανὸν οἱ ἄγγελοι, οἱ ποιμένες ἐλάλουν πρὸς ἀλλήλους· διέλθωμεν δὴ ἕως Βηθλέεμ καὶ ἴδωμεν τὸ ῥῆμα τοῦτο τὸ γεγονὸς ὃ ὁ κύριος ἐγνώρισεν ἡμῖν.

 16  καὶ ἦλθαν σπεύσαντες καὶ ἀνεῦραν τήν τε Μαριὰμ καὶ τὸν Ἰωσὴφ καὶ τὸ βρέφος κείμενον ἐν τῇ φάτνῃ·

 17  ἰδόντες δὲ ἐγνώρισαν περὶ τοῦ ῥήματος τοῦ λαληθέντος αὐτοῖς περὶ τοῦ παιδίου τούτου.

 18  καὶ πάντες οἱ ἀκούσαντες ἐθαύμασαν περὶ τῶν λαληθέντων ὑπὸ τῶν ποιμένων πρὸς αὐτούς·

 19  ἡ δὲ Μαριὰμ πάντα συνετήρει τὰ ῥήματα ταῦτα συμβάλλουσα ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς.

 20  καὶ ὑπέστρεψαν οἱ ποιμένες δοξάζοντες καὶ αἰνοῦντες τὸν θεὸν ἐπὶ πᾶσιν οἷς ἤκουσαν καὶ εἶδον καθὼς ἐλαλήθη πρὸς αὐτούς. (Lk. 2:1-20 BGT)

1 chuyện xảy ra trong những ngày ấy một sắc lệnh đến từ Kaisar Augustou tất cả dân cư phải được đăng ký.

2 đây là sự đăng ký đầu tiên khi Quirius đang cai quản Syria

3 và tất cả lên đường để đăng ký, mỗi người vào nơi thành phố của mình

4 Giuse đi lên từ Ga-li-lê, từ thị trấn Na-gia-rét, đến Giu-đê vào thành của Đa-vít, gọi là Bê-lem, bởi vì ông xuất thân từ nhà và dòng dõi Đa-vít.

5 để đăng ký với Maria, vị hôn thê của ông, người đang mang thai

6 chuyện xảy ra, khi họ đang ở đó thì nhưng ngày sinh con của cô ấy tròn đầy

7 và cô ấy sinh con đầu lòng và cô ấy bọc nó lại và đặt nó trong máng cỏ, vì họ không tìm được một nơi trú ngụ.

8 rồi, có các mục đồng, đang ở ngoài đồng nơi họ đang qua đêm và canh giữ đàn chiên của họ vào ban đêm.

9 và sứ thần của Đức Chúa xuất hiện và vinh quang của Đức Chúa chiếu tỏa quanh họ và họ sợ một nỗi sợ lớn

10 và sứ thần nói với họ: “đừng sợ, vì này, tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn, tin vui cho toàn dân

11 hôm nay Đấng cứu độ đã được sinh ra cho anh em, Đấng ấy là Đấng Messiah, Đức Chúa, trong thành Đa-vít.

12 và đây là dấu hiệu cho anh em. anh em sẽ tìm thấy một hài nhi được bọc tả và được đặt trong máng cỏ”

13 và thình lình, cùng với thiên sứ này, vô số thiên binh trên trời xuất hiện ca tụng Thiên Chúa và nói rằng:

14 “Vinh danh Thiên Chúa trên cõi trời cao và bình an dưới đất giữa những người lòng ngay.

15 và xảy ra là khi các thiên sứ từ trời rời họ, những người chăn chiên bảo nhau: “chúng ta hãy cùng nhau đi bang qua đến tận Bê-lem và hãy xem lời này, việc đã xảy ra, việc mà Đức Chúa đã tỏ cho chúng ta biết

16 và vội vã đến và tìm thấy Maria và Giu-se và Hài Nhi được đặt trong máng cỏ.

17 sau khi nhìn thấy họ loan báo về những sự việc đã được nói cho họ về đứa trẻ này.

18 và tất cả những người nghe đều kinh ngạc về những điều mà những người chăn chiên nói cho họ

19 còn Maria thì giữ những sự việc này, nghiền ngẫm trong lòng cô ấy

20 những người chăn chiên trở về vừa đi vừa tôn vinh và tán tụng Thiên Chúa về tất cả những điều họ đã nghe và đã thấy như lời đã được nói cho họ.

 


Bối cảnh phụng vụ:

Đêm vọng Giáng Sinh là đêm hồi tưởng, kỷ niệm, mừng kính Sinh Nhật Đấng Cứu thế. Phụng vụ bài đọc kể lại bối cảnh, và sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người, theo như lời Người đã hứa với dân Người trong sách Cựu Ước. Ngài là Thiên Chúa làm người nên cần một không gian và thời gian để Ngài hiện diện trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa đến từ trời cao nên cũng được sinh ra trong cảnh các cơ binh thiên thần ca hát vang trời. Ngài ở cùng nhân loại với đủ mọi thứ thành phần dân chúng nên Ngài chọn sinh hạ với sự hiện diện của tầng lớp bình dân đến nghèo hèn. Ngài được hứa như là Messiah thuộc dòng dõi vua Đavíd nên Ngài phải sinh ra trong thành của vua Đa-vít cũng như có cha nuôi là Giuse thuộc chi họ Đavíd. Tất cả niềm vui mừng, sự giao hòa giữa đất thấp với trời cao sẽ được trình bày trong đêm Giáng Sinh này. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với nhân loại được diễn ra trong khung cảnh hết sức bình thường với một cảm xúc bất thường, ngỡ ngàng. Đêm Giáng Sinh còn được gọi là đêm huyền diệu, đêm thánh, đêm ánh sáng chiếu soi vào u tối. Bài trích sách ngôn sứ Isaiah diễn tả cảnh dân đang bước đi trong tối tăm và nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng. Dân sẽ được vui mừng vì Chúa sẽ làm cho họ nên vĩ đại. Chúa sẽ nghiền nát ách nô lệ mà họ đang mang. Tất cả được thể hiện qua việc Chúa sẽ ban tặng cho họ một người con. Tên của Người là “cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn thuở và Vua Thái Bình” (Is 9,5).

Bối cảnh bản văn:

Đoạn Tin Mừng Lc 2,1-14.15-20 được trích ra từ phần đầu của chương hai, ngay sau phần trình thuật về Giáng Sinh và cắt bì của Gioan Tẩy Giả được kết thúc bằng bai ca Chúc Tụng Chúa (Benedictus) của ông Dacaria. Nó nằm trong phần trình thuật về Giáng Sinh và thời thơ ấu (chương 1 và 2 của Tin Mừng Luca). Tiếp theo sau đoạn văn này là đoạn văn nói về việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu. Tiếp theo sẽ là trình thuật về việc dâng Đức Giêsu trong đền thánh. Trình thuật của Gioan Tẩy Giả dường như là song song với trình thuật về Đức Giêsu. Sau trình thuật về truyền tin cho ông Dacaria, cha của Gioan, là trình thuật về truyền tin cho Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu. Rồi, sau trình thuật về giáng sinh, cắt bì và đặt tên cho Gioan là trình thuật về Giáng Sinh, cắt bì và đặt tên cho Giêsu. Dĩ nhiên, trình thuật về Giê-su luôn luôn tỉ mỉ hơn vì Giê-su trổi vượt hơn Gioan về nhiều phương diện. Một người là người dọn đường, còn người kia là Đấng được dọn đường. Trong bốn tác giả sách Tin Mừng thì chỉ có hai tác giả có trình thuật về Giáng Sinh của Đức Giêsu. Đó là tác giả Mátthêu và Luca. Luca trình thuật sự kiện Đức Giêsu Giáng Sinh hoàn toàn khác so với Mátthêu (1,18-25). Cả hai đều đồng ý rằng Đức Giêsu sinh ra tại Bếlehem. Tuy nhiên, trong khi Luca nói đến việc Hài Nhi Giê-su được những mục đồng đến viếng thăm thì Matthew có trình thuật chi tiết về việc 3 nhà đạo sĩ đến từ Phương Đông đề triều yết và chào mừng Đức Giêsu. Mátthêu  cũng không đề cập đến việc đăng ký dân số và những chi tiết về việc Đức Giêsu sinh ra trên đồng vắng, được bọc tả, nằm trong máng cỏ. Các đạo sĩ đã đi vào nhà (εἰς τὴν οἰκίαν) và gặp Hài Nhi Giêsu với thân mẫu của Người (Mt 2,11). Những chi tiết như hang đá, máng cỏ, đều là dữ liệu riêng của Luca.



Một số điểm chú giải

1.     “Một sắc lệnh từ Kaisar Augusto nhằm đăng ký” (δόγμα παρὰ Καίσαρος Αὐγούστου ἀπογράφεσθαι): Luca rõ ràng là muốn ghi nhận một sự kiện mang tính chất lịch sử bằng cách nói rõ tên của các vị lãnh đạo thời bấy giờ: Kaisar Augusto và Quirius. Vua Hêrôđê chết năm 4 C.E (kỷ nguyên chung) và Augusto là hoàng đế từ năm 27 B.C.E (trước kỷ nguyên chung) đến năm 14 C.E.. Điều này xem ra Luca đúng. Tuy nhiên, Quirius là tổng trấn xứ Syria từ năm 6 đến 7 C.E., điều này không đúng với dữ liệu của Luca: “ông Quirius làm tổng trấn xứ Syria” (Lc 2,2).[1] Sự kiện Đức Giêsu Giáng Sinh xảy ra vào khoảng năm thứ nhất. Năm này không thể là năm mà Quirius làm tổng trấn Syria. Matthew không hề đề cập đến cuộc kiểm tra dân số cũng như những nhân vật lịch sử này. Một cuộc điều tra dân số, hay đăng ký dân số tại quê nhà dưới thời hoàng đế Augusto như Luca tường thuật xem ra thiếu bằng chứng về mặt lịch sử. Có một cuộc kiểm tra dân số tại Syria, ảnh hưởng trên vùng đất Giuđêa, chứ không phải Galilê, diễn ra vào năm 6-7 C.E., mười năm sau khi vua Hêrôđê cả mất.[2] Luca dường như nhầm lẫn về mặt lịch sử nhưng ý định của Luca về sự hiện diện của Maria và Giuse, cũng như bối cảnh của Giáng Sinh nơi Bếtlehem là rõ ràng. Theo dữ liệu lịch sử này, Luca muốn nói rằng cả hoàng đế Rôma, Caisar Augusto cũng như Quirius, tổng trấn địa phương tại Syria phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa, khi họ tạo ra cuộc kiểm tra dân số, là dịp để Giuse và Maria về Bếtlehem, nơi mà Đấng Cứu Độ phải sinh ra.[3]

2.     “Giuse từ miền Galilê, thành Nadarét” (Ἰωσὴφ ἀπὸ τῆς Γαλιλαίας ἐκ πόλεως Ναζαρὲθ). Việc Giuse di chuyển từ miền Gal-lê thành Nadarét đến Bếtlehem nhắc nhớ độc giả về địa danh trong trình thuật về buổi truyền tin (Lc 1,26-38). Đức Maria có ngôi nhà ở Na-gia-rét và đã nhận lời truyền tin ở thị trấn này (Lc 1,26). Giuse dĩ nhiên là đã ở Na-gia-rét với Maria. Hiện nay, tại Nadarét, bên cạnh ngôi đền thờ Truyền Tin, nơi được xem làm nhà Đức Maria, có một ngôi nhà thờ khác. Đó là nhà thờ Thánh Giuse, nơi được xem là nhà của thánh Giuse trước đó. Nghĩa là nhà thánh Giuse và nhà Đức Maria, theo các bằng chứng về khảo cổ học, hay đúng hơn là theo truyền thống là gần nhau. Đức Maria và Giuse vốn là hàng xóm láng giềng. Thế nhưng, trong trình thuật truyền tin, các độc giả cũng được nhắc nhở rằng, Giuse xuất thân từ dòng dõi Đavíd (Lc 1,27) và vì là dòng dõi Đavíd nên quê cha đất tổ của ông là Bếtlehem.

3.      Thành của Đa-vít gọi là Bê-lem (πόλιν Δαυὶδ ἥτις καλεῖται Βηθλέεμ): Truyền thống nối kết quê hương của vua Đavíd với Bếtlehem được nói đến trong Sách Thánh Cựu Ước. Bếtlehem, trên dường đi Épratha là nơi có mộ phần của Rakhen, hiền thê của Giacóp, tổ mẫu của Vua Đavíd và dân Ísrael (St 35,19). Bếtlehem cũng chính là nơi mà Rút, bà cố nội của Vua Đavíd, kết hôn với Boas và sinh ra Ôvéd và Ôvéd sinh Jesse, cha của Đavíd (R 1,19.22; 4,12). Bê-lem là nơi ngôn sứ Samuel được Đức Chúa sai đến để xức dầu phong Đavíd, một người con của Jesse, làm vua (1 Sm 16, 1-2). Lời hứa về một vị vua hậu duệ của Đa-vít sẽ xuất hiện đã được nói đến cách rõ ràng trong chương 7, sách Samuel quyển thứ hai. Rồi lời tiền báo về việc một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel được tiền báo trong sách ngôn sứ Isaiah chương 7 câu 14. Và nơi chốn đấng dẫn dắt dân phải sinh ra là Bếtlehem được nói đến trong ngôn sứ Micah chương 5, câu 2: “nhưng ngươi, Bếtlehem, Épratha, mặc dù ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc của Giuđa, từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện cho ta một người, người sẽ chăn dắt trên Ísrael”. Chính vì thế mà nhất thiết Giuse và Maria phải có mặt ở Bếtlehem, bởi vì Đấng Messiah, lãnh đạo của lời hứa, xuất thân từ dòng dõi vua Đavíd phải sinh ra tại Bếtlehem. Ma1 không có tường thuật chi tiết như Luca về sự Giáng Sinh của Đức Giêsu. Tuy vậy, chi tiết Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem theo như sách Micah đã nói đến là không thể thiếu được (Mt 2,1.5-6.8.16). Câu hỏi đặt ra là liệu người ta có phải bắt buộc kiểm tra dân số theo dòng tộc truy nguồn đến ngàn năm giống như trường hợp của Giuse hay cuộc kiểm tra này nhằm một mục tiêu thần học khác? 

4.     “trong khi họ đang ở đó” (Ἐγένετο δὲ ἐν τῷ εἶναι αὐτοὺς ἐκεῖ). “ở đó” nghĩa là đang ở Bếtlehem. Đây là một câu nhắc nhớ, nhằm nhấn mạnh thêm những dữ liệu liên quan đến nơi chốn trước đó. Luca móc nối nơi chốn này với sự kiện cụ thể: Đức Maria đã đến  hồi sinh nở (nghĩa đen: những ngày sinh con của cô ấy đã tròn đầy). Việc Giuse phải dắt Maria về quê đăng ký dân số, và có mặt tại Bếtlehem trong lúc Đức Maria đến ngày lâm bồn, tưởng chừng là một trường hợp ngẫu nhiên, nhưng hoàn toàn không phải thế, tất cả đều nằm trong hoạch định của Thiên Chúa theo trình thuật của Luca. Đức Maria không thể nào “đau đẻ” ở một nơi nào khác ngoài Bếtlehem, vì Đức Giê-su phải sinh ra tại đó, để ứng nghiệm lời ngôn sứ. Luca không lặp lại nhiều câu “việc ấy xảy ra là để ứng nghiệm lời ngôn sứ” như Mátthêu nhưng cách Luca sắp xếp trình thuật cũng đủ để cho độc giả và tín hữu hiểu rõ ý định nối kết lời hứa trong Sách Thánh Cựu Ước với trình thuật Tân Ước.

5.     “Con trai của cô ấy, con đầu lòng” (τὸν υἱὸν αὐτῆς τὸν πρωτότοκον): Việc nhắc nhớ đến “con trai đầu lòng” ở đây không ngụ ý nói rằng Đức Maria còn những người con khác.[4] Nói như thế, bởi vì có nhiều tác giả cho rằng, nói Đức Maria sinh “con trai đầu lòng” nghĩa là Đức Maria còn sinh những người con khác nữa. Con đầu lòng cũng nhắc nhớ đến hình ảnh của dân Ísrael: “hãy nói với Pharaoh rằng Ísrael là con trai đầu lòng của ta” (Xh 4,23); “ta là cha của Ísrael và Éphraim là con trai đầu lòng của ta” (Gr 31,9). Cũng nên biết rằng, từ ngữ “Con trai đầu lòng”, trong tiếng Hy Lạp (prototokos) đôi khi diễn tả “con trai một”. [5] Danh xưng “con trai đầu lòng” được nhắc đến ở đây cũng có thể nhằm chuẩn bị cho trình thuật về việc dâng Đức Giêsu trong đền thờ theo luật (Lc 2,23) được nói đến sau đó theo. Trong thần học thánh Phaolô, Chúa Giê-su qua mầu nhiệm nhập thể trở thành trưởng tử của một đàn em đông đúc. Ngài được kể “như con đầu lòng” của toàn thể thụ tạo (Rm 8,29; Cl 1,15.18; Dt 1,6).

6.     “cô ấy bọc tả nó (Hài Nhi Giêsu)” (ἐσπαργάνωσεν αὐτὸν): Hành động này biểu lộ một sự chăm sóc mẫu-tử và điều mà một người mẹ của vùng Palestin cổ xưa có thể đã thường làm cho một đứa trẻ mới sinh. Bọc tả con được xem như là một dấu hiệu của sự chăm sóc của mẹ cha (Kn 7,4) trong khi đó thiếu việc bọc tả được xem như là chối từ, làm ngơ, ám chỉ đến Jêrusalem (Ed 16,4). Động từ “sparganoun” rút ra từ danh từ sparganon, một trong những loại vải hoặc băng vải. Chính vì thể mà bản dịch Anh Ngữ là “wrapped him in swaddling cloths” (ESV, RSV), bản dịch Việt ngữ là “lấy tả bọc con” (CGKPV). Đấng Cứu Thế được sinh ra, về thể lý, giống như bao đứa khác. Ngài cũng yếu đuối, cần được bọc tả, sự chăm sóc ân cần của người mẹ ngay từ giây phút chào đời.

7.     “đặt nó trong máng cỏ” (καὶ ἀνέκλινεν αὐτὸν ἐν φάτνῃ): φάτνῃ vừa có nghĩa là chuồng bò lừa vừa có nghĩa là máng cho bò lừa ăn cỏ. Cảnh Giáng Sinh được thánh Phanxicô Assisi, tái hiện lần đầu tiên vào nam 1223 tại Greccio, miền Trung Nước Ý, để cổ vũ lòng tôn sùng Con Thiên Chúa Nhập Thể. Từ đó truyền thống trưng bày hang đá máng cỏ được lan rộng ra khắp Âu Châu và toàn thế giới. Khung cảnh Giáng Sinh cơ bản tái hiện lại tường thuật của Luca. Trong đó, có thánh Giuse, Mẹ Maria, Hài Nhi Giêsu ở trong một chuồng bò, có bò, lừa, những người chăn chiên. Ngày nay, cảnh Giáng Sinh được bao gồm cả trình thuật của Mátthêu về 3 Vua, hay là 3 hiền sĩ từ Phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su. Dù không nói ra nhưng chiếc máng cỏ đơn, đối lại với hình ảnh “không tìm thấy chỗ trọ”, cho thấy sự nghèo hèn hạ mình đến mức tận cùng của Con Thiên Chúa làm người.

8.     “những người chăn chiền ngoài đồng” (ποιμένες ἦσαν ἐν τῇ χώρᾳ): Thân phận và địa vị những người đầu tiên được loan tin vui thật bình thường. Đây là những con người đang thức đêm ngoài đồng vắng để canh đàn vật của mình. “ποιμένες”, những mục tử, cho thấy sự liên hệ với Hài Nhi Giêsu, đấng chăn dắt, lãnh đạo dân Ísrael trong tương lai. Người Ísrael hiểu chính họ như một quốc gia của những người chăn chiên, đối lại với những người láng giềng, hoặc là công dân thành phố hoặc là nhựng nông dân định cư. Là những mục tử, họ áp dụng hình ảnh những mục tử cho cả Chúa, vua hay là Đấng Messiah. Êdêkiel chương 34 đã chỉ trích những mục tử xấu của Ísrael (cc.1-10), Chúa triệu tập dân như mục tử đích thực (cc. 11-16), lời tiên tri về vị mục tử cánh chung, “tôi tớ của ta là Đavíd”

9.     “sứ thần của Đức Chúa… vinh quang của Đức Chúa” (ἄγγελος κυρίουδόξα κυρίου): Đây là những dấu hiệu đến từ trời cao. Mặc dù Đức Giêsu được sinh ra trong cánh đồng vắng. Nhưng sự xuất hiện lạ lùng của các thiên sứ và vinh quang của Đức Chúa cho thấy tầm quan trọng và vẻ huy hoàng của sự Giáng Sinh này. “δόξα” là sự huy hoàng tráng lệ chói lọi liên kết với sự hiện diện có thể nhận thức được của Chúa như thường thấy trong sách thánh Cựu Ước. Môsê và Aharon nói với dân Ít-ra-el trong bối cảnh dân đòi lương thực: “vào buổi tối các ngươi sẽ biết rằng chính Đức Chúa, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập và vào buổi sáng các ngươi sẽ thấy vinh quang của Đức Chúa” (Xh 16,7), dân chúng thấy “vinh quang của Đức Chúa xuất hiện trong đám mây” (16,10); “đối với những người Ísrael, vinh quang của Đức Chúa như ngọn lửa thiêu rụi trên đỉnh núi” (Lc 24,17). Sự huy hoàng tráng lệ còn được minh họa, gia tăng thêm với một đoàn thiên sứ đông đảo tụng ca “vinh danh Thiên Chúa trên trời” (Lc 2,13-14). Vinh quang Thiên Chúa không những chiếu tỏa có thể thấy được mà còn được diễn tả bằng âm thanh chứng nhận của đạo binh thiên sứ.

10.  “tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn” (εὐαγγελίζομαι ὑμῖν χαρὰν μεγάλην): Đây là kiểu diễn tả một sự trọng đại chưa từng có trên trái đất. Từ ngữ và cấu trúc của vị ngữ này thật lạ lùng. Tác giả một động từ “loan báo tin vui”, cộng thêm một danh từ chỉ niềm vui, rồi thêm một tính từ chỉ mức độ bổ nghĩa cho danh từ này. “Tôi báo tin mừng cho anh em, một tin vui vĩ đại” (trọng đại). Động từ “báo tin vui” (εὐαγγελίζομαι) là động từ ưa thích của Luca. Động từ này xuất hiện 11 lần trong trong các sách Tin Mừng thì có 10 lần được dùng trong Tin Mừng Luca.[6] Động từ này đã được sử dụng bởi thiên sứ Gápriel trong bối cảnh truyền tin cho ông Dacaria (Luca 1,19). Luca sử dụng rất nhiều lần động từ này trong sách Công Vụ Tông Đồ, diễn tả hoạt động loan báo Tin Vui của các Tông Đồ (Cv 5,42; 8,4; 11,20; 14,7; 14,15; 15,35). Căn bản của Tin Vui này là một đứa trẻ được sinh ra như được nói đến trong Is 9,3: “Một trẻ thơ sẽ giáng sinh cho chúng ta, một người con sẽ giáng sinh cho chúng ta”

11.  “toàn dân” (παντὶ τῷ λαῷ): Tin vui này được thông báo cho những người mục tử trên đồng vắng, nhưng biên cương của tin vui này không chỉ giới hạn cho các mục tử trên đồng vắng nhưng cho toàn cõi Ísrael, như được đề cập trước đó trong những trình thuật thời thơ ấu (1,17.68.77).[7] Bởi lẽ, tất cả dân Ísrael ai ai cũng mong ngóng tin vui này. Tuy nhiên, họ, những mục tử mới là người đầu tiên được phúc đón nhận tin vui này, rồi sau đó tin vui này mới được loan đi qua lời kể của họ (Lc 2,17). Tác giả Mátthêu còn mở rộng tin vui này cho tất cả mọi dân khi ông tường thuật việc các nhà hiền sĩ ở Phương Đông đến triều cống và triều bái Hài Nhi Giêsu (Mt 2,1-12).

12.  “hôm nay” (σήμερον): là một trạng từ nhằm cụ thể hóa về mặt thời gian cho sự kiện Giáng Sinh. Hơn thế nữa, nó cũng là một trạng từ thường dùng để giới thiệu về một sự hoàn trọn mang tính cánh chung, mà Luca rất hay dùng. Cụm từ “hôm nay” được dùng như là thời gian giải thoát, cứu độ của Chúa.[8] Đó là lúc những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm (Lc 4,21); cũng là lúc dân chúng nhìn thấy những điều kỳ là qua bàn tay Đức Giêsu (5,26); là ngày Đức Giê su công bố ơn cứu độ đến cho nhà Dakêu (19,9); và là khi Đức Giêsu ban nước Thiên Đàng cho người tử tội cùng bị treo trên thập giá (23,43).

13.  “Đấng cứu độ” (σωτὴρ), “Ki-tô, Đức Chúa” (χριστὸς κύριος): Theo J. Green, những tước hiệu này được thiết lập trong bối cảnh diễn giải Is 9,1-7, và dữ liệu trong Luca 1 gắn liền với ngai vàng Đavíd. Trong khi phác họa những hình ảnh như là hình ảnh của sách Isaiah, Luca biểu lộ tầm quan trọng của đứa trẻ được nâng cao này, những thuật ngữ mang tính lịch sử cứu độ, đặt nền giải thích của ông về Đức Giêsu vào những niềm hy vọng về sự giải thoát mang tính thần linh. Chủ đề được nhấn mạnh hơn nữa bằng đề cập của thiên thần đến “thành của vua Đavíd” (Lc 2,11).[9] Tước hiệu “người giải cứu” và “Messiah” rõ ràng liên quan đến lời hứa cứu độ được nói đến trong các sách Cựu Ước. Riêng tước hiệu “Đức Chúa” thì cho thấy rõ rằng thân phận, và căn tính của Đức Giêsu còn hơn thế nữa, Ngài là Đức Chúa chứ không chỉ là Đấng Messiah thuộc dòng dõi vua Đavíd. Cũng như trong trình thuật về Truyền Tin cho Đức Maria. Luca một mặt muốn nối kết Đức Giê-su với thánh Giuse thuộc dòng dõi vua Đavíd nhưng hơn thế nữa, Ngài được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và Mẹ Ngài, Đức Maria là trinh nữ. Ngài sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Trong trình thuật về cuộc viếng thăm người chị họ của Đức Maria, người chi họ Êlisabét còn nhận thức cụ thể hơn về thân phận trời cao của Hài Nhi Giêsu khi bà gọi Đức Maria là “mẹ của Chúa tôi” (Lc 1,43). Hơn nữa, ý nghĩa Đấng Cứu Độ, Đấng Messiah của cộng đoàn Luca sau Phục Sinh không giống như hình ảnh Đấng Giải Thoát và Messiah mà phần đa dân Do Thái đang mong đợi. Ngài là Đấng giải thoát dân Ngài khỏi tội lỗi và sự chết. Vương quyền của Ngài là vương quyền của Nước Trời với biên cương vô hạn và triều đại muôn thuở, chứ không phải là vương quốc Ísrael, trong thời gian mà thôi.

14.  “bình an dưới thế cho những người lòng ngay” (εἰρήνη ἐν ἀνθρώποις εὐδοκίας): “vinh quang trên nơi cao nhất dành cho Thiên Chúa, dưới đất bình an trong những con người có lòng dạ tốt lành, ngay thẳng”. Hai hình ảnh và hai nơi chốn song song với nhau nhưng không lẫn lộn với nhau: “vinh quang” “trên cõi trời cao thẳm” “cho Chúa” // “bình an” “trên trái đất” “trong những người thiện tâm”. Vinh quang là đặc tính của Thiên Chúa và vinh quang ấy giờ đây được đặt sóng đôi với bình an thế trần. Như thể muốn nói rằng: vinh quang của Thiên Chúa gắn liền với bình an thế trần. Chúa vinh quang là để cho thế trần được bình an. Hay bình an thế trần là biểu tỏ vinh quang Thiên Chúa. Cụm từ “ἐν ἀνθρώποις εὐδοκίας” có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau: (1) trong số những người mà Thiên Chúa hài lòng hay yêu chuộng [động từ eudokeo có gốc là danh từ eudokia, được dùng trong lời của “tiếng từ trời”: Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người” (Lc ,3,22)]; (2) cho những người có lòng ngay, hay ý chí tốt lành; (3) ý chí tốt lành giữa muôn người. Nó cũng có thể bao hàm tất cả những nghĩa này. Những người này là ai? Trong bối cảnh này những người đầu tiên được hưởng sự bình an này phải kể đến là thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, các mục đồng, và có thể là những người được đón nhận tin vui từ các mục đồng. Đấng Messiah sẽ dẫn dân ngài “tiến bước vào đường nẻo bình an” theo như lời ngôn sứ của ông Dacaria (Lc 1,79). Rồi cả cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, thông điệp, lời chào, lời chúc của Ngài đầy dẫy sự bình an. Ngài dạy các môn đệ là hãy chào chúc bình an khi đến với bất cứ nhà nào (Mt 10,12-13: Lc 10,5). Ngài chào chúc các bệnh nhân đi bình an sau khi đã chữa lành cho họ (Mc 5,34; Lc 7,50; 8,48). Ngài dạy các môn đệ là hãy sống bình an với nhau (Mc 5,50). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, giây phút chia lìa, điều Ngài để lại cho họ lại là sự bình an: “thầy để lại bình an cho anh em, thầy ban cho anh em bình an của thầy” (Ga 14,27). Sau phục sinh lời chào chúc luôn của Ngài đến với các môn đệ là: “bình an cho anh em” (Lc 24,36; Ga 20,21.26). Sự bình quả thực là niềm mong mỏi, sự ao ước, là món qua mà Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại ngay từ thời khắc Con Chúa giáng trần cho đến lúc Ngài trở về trời cao. Thế nhưng, nhiều người hình như vẫn chưa có được sự bình an ấy như Mẹ Maria, thánh Giuse hay như các mục đồng vì họ chưa thực sự đón nhận Chúa với lòng ngay, ý chí tốt lành. J. Nolland giải thích sự bình an rộng hơn. Ông cho rằng bình an ở đây không đơn giản chỉ là bình lặng nội tâm hay vắng bóng chiến tranh nhưng còn gợi lên toàn bộ trật tự xã hội của nhân loại và sự phồn vinh, sự an ninh và sự hài hòa.[10] Ý tưởng của Nolland cũng rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, thiết tưởng bình an mà Luca muốn diễn tả trong bối cảnh này có lẽ là sự bình an của những con người bình thường, bình dị, đầy lòng yêu mến Chúa, thiện tâm, thiện chí. Họ bình an khi gặp gỡ Chúa và sống theo kế hoạch của Chúa dẫu cuộc đời còn nhiều éo le, bất trắc.

15.  “Họ loan báo” (ἐγνώρισαν): Họ lắng nghe Tin Vui được sứ thần loan báo, vội vã đến viếng thăm và kiểm chứng, rồi loan báo cho người khác. Đó là bản chất và sức mạnh của một Tin Vui đích thực, một tin vui có sức manh công phá cõi lòng người nghe, khiến họ phải nói ra, loan tin chứ không chỉ giữ cho riêng mình. J. Fitzmyer cho rằng nhưng những chăn chiên này thuật lại cho Đức Maria và thánh Giuse nghe toàn bộ cuộc gặp gỡ với sứ thần Thiên Chúa, và rồi còn kể cho dân thành Bếtlehem nữa.[11] Cứ như thế tin vui được nhân rộng và đã đến cùng cõi đất ngày hôm nay.

16.  “tất cả những người nghe đều kinh ngạc” (πάντες οἱ ἀκούσαντες ἐθαύμασαν): sự ngạc nhiên của thính giả ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, họ đương nhiên là ngạc nhiên vì câu chuyện các thiên sứ hiện ra với các mục đồng. Rồi ngạc nhiên vì tất cả những gì thiên sứ nói với các mục đồng đều đã xảy ra. Kế đến, họ có thể rất đỗi ngạc nhiên vì Đấng Messiah, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ mà họ mong chờ bấy lâu nay lại xuất hiện trong bộ dạng một Hài Nhi Yếu ớt. Và ngạc nhiên hơn nữa vì bối cảnh Người sinh ra thật không thể tưởng tượng được. Người ta biết Ngài sinh ra tại Bếtlehem theo như lời ngôn sứ Micah (5,2), nhưng ai ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa như thế.

17.  “giữ gìn và gẫm suy tất cả các sự việc” (πάντα συνετήρει τὰ ῥήματα ταῦτα συμβάλλουσα): Động từ “συνετήρει” dịch đơn giản có nghĩa là gìn giữ. Bản dịch Việt Ngữ là “hằng ghi nhớ” (CGKPV). Một số tác giả Anh Ngữ hiểu là “gìn giữ như kho tàng” (treasured up ESV, RSV), bản dịch Ý Ngữ hiểu là “bảo vệ” (custodiva CEI). Động từ “hằng ghi nhớ”, được chia ở thì vị hoàn, diễn ta một hành động liên tục, kéo dài, chưa chấm dứt. Động từ này kết hợp với động từ “συμβάλλουσα” (suy đi nghĩ lại, gẫm suy, suy xét) cùng với cụm trạng ngữ chỉ nơi chốn “trong lòng của cô ấy” (ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς) diễn tả một hành động có sự trân trọng cao nhất đối với những “sự việc này”. Đức Maria “gìn giữ như kho tàng” rồi còn “suy đi nghĩ lại” về điều ấy “trong tim” mình. Điều mà Đức Maria “gìn giữ như kho tàng” trong tiếng Hy Lạp là “τὰ ῥήματα”. Danh từ này có hai nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “lời nói” (saying). Nghĩa thứ hai là “những sự việc”. τὰ ῥήματα (số nhiều) được tác giả Luca sử dụng 5 lần, trong đó có một lần Luca sử dụng theo nghĩa là những lời nói (Lc 7,1). Bốn lần còn lại danh từ này đều được sử dụng theo nghĩa là “những sự việc”. Tất cả những sự việc mà Luca muốn nói đến đều nhiệm mầu và liên quan đến công trình cứu độ. Thứ nhất là “những sự việc” liên quan đến việc thụ thai, sinh hạ và đặt tên cho Gioan Tẩy Giả. “những sự việc này được thảo luận trong toàn cõi Giuđê” (Lc 1,65). Hai chuổi sự việc tiếp theo đều được Đức Maria “gìn giữ như bảo tàng” trong lòng mình. Đó là “những sự việc liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu cùng với sự viếng thăm của nhóm mục đồng và câu chuyện kể của họ” (Lc 2,19). Tiếp theo đó là “những sự việc” Đức Giêsu ở lại trong đền thờ, ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,51). Và cuối cùng là “những sự việc” mà những người phụ nữ kể với nhóm Mười Một về Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng họ không tin các bà (Lc 24,11). Phản ứng của Đức Maria, với một thái độ trân trọng và để tâm suy ngắm tất cả những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giêsu có thể được xem như là đỉnh cao của trình thuật Giáng Sinh này. Nó cũng biểu lộ đặc tính nổi bật của Đức Maria trong tương quan với Chúa và công trình cứu độ của Người. Đức Maria phải nói là “đương kim vô địch” là “kỷ lục gia” trong việc trân quý và gẫm suy về mầu nhiệm cứu độ. "Sự gẫm suy" của Đức Maria con được hiểu theo một chiều hướng khác. Đó là sự trái ngược giữa một hài nhi quyền năng, vương giả mà sứ giả Gápriel đã loan báo với một hoàn cảnh giáng sinh nghèo hèn. Theo lời của sứ giả, Hài Nhi sẽ "nên vĩ đại và được gọi là con của Đấng Tối Cao, và Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của vua Đavíd, cha của Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời. Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận" (Lc 1,32-33). Vậy mà, thực tế Người lại phải sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, không có một chỗ nằm đàng hoàng. Đức Maria sẽ phải suy gẫm mãi về mầu nhiệm này cho đến dưới chân thập giá mới hiểu được phần nào mầu nhiệm tự hạ, tự hủy của Con Thiên Chúa làm người.

18.  “trở về, vừa đi vừa tôn vinh và tán dương Thiên Chúa” (ὑπέστρεψαν οἱ ποιμένες δοξάζοντες καὶ αἰνοῦντες τὸν θεὸν): đó là biểu hiện của những người gặp gỡ Chúa đích thực. Sự gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm được Chúa hiện diện trong cuộc đời họ. Động từ “đoxazo” mà nhóm mục tử sử dụng có nguồn gốc từ danh từ “đoxa” được sử dụng ít nhất hai lần trước đó. “Vinh quang (đoxa) Chúa bao chiếu tỏa trên những người chăn chiên này” (Lc 2, 9). Rồi đoàn cơ binh thiên thần ca tụng: “Vinh danh (đoxa) Chúa trên các tầng trời” (Lc 2, 14). Kết thúc trình thuật này các mục tử trở về vừa đi vừa tôn vinh (đoxazo) và ca ngợi Chúa. Như vậy, có thể thấy một tiến trình cảm nghiệm vinh quang Chúa của các mục đồng. Họ thấy ánh quang chiếu tỏ, rồi họ nghe các thiên sứ ca ngợi vinh quang Chúa. Rồi họ nhìn thấy vinh quang Chúa nơi chính Thánh Gia, mà Hài Nhi Giêsu là trung tâm. Bước cuối cùng, chính họ cất lời ca tụng vinh quang Chúa. J. Fitzmyer, phản ứng của những mục đồng là âm vang của bài ca của cơ binh thiên thần trước đó (Lc 2,13-14).[12]



Bình Luận

Trình thuật về Giáng Sinh của Đức Giêsu có thể được chia làm bốn phần: (1) Bối cảnh lịch sử (Lc 1,1-5); (2) Cảnh Giáng Sinh (Lc 2,6-7); (3) Truyền tin cho các mục đồng (Lc 2,8-15); (3) Những phản ứng (Lc 2,16-20). Đức Giê-su được Thánh Kinh nói trước là một Đấng Messiah, thuộc dòng dõi vua Đavíd. Ngài nhất thiết phải được sinh ra trên quê hương của vua Đavíd. Đó là Bếtlehem (tiếng Do Thái là Beth-Lehem, nghĩa là nhà của lương thực). Tuy nhiên, nhà của Maria, theo tường thuật Truyền Tin, ở Nadarét, và Giuse cũng định cư tại Nadarét, dù rằng ông có nguyên quán là Bếtlehem. Ông có nguyên quán ở Bếtlehem vì ông là con cháu hoàng gia Đavíd. Cuộc kiểm kê dân số đầu tiên đã đưa Giuse và Đức Maria về Bếtlehem trong lúc Đức Maria đã sắp đến thời sinh nở. Lẽ ra, sẽ tốt hơn nếu cô được ở trong bệnh viện lúc ấy. Sự việc tưởng chừng như ngẫu nhiên, nhưng lại rất hữu ý trong ý định của Thiên Chúa. Nếu như không có cuộc kiểm tra dân số đúng thời điểm Đức Maria gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, và nếu như Giuse không có nguyên quán ở Bếtlehem và không phải về Bếtlehem để đăng ký, thì Đức Giê-su không thể sinh ra tại Bếtlehem. Đức Giêsu không sinh ra tại Bếtlehem thì không thể được sinh ra ở quê hương của vua Đavíd và cũng không ứng nghiệm lời ngôn sứ Micah: “nhưng ngươi, Bếtlehem, Épratha, mặc dù ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc của Giuđa, từ nơi ngươi, sẽ xuất hiện cho ta một người, người sẽ chăn dắt trên Ísrael” (Mk 5,1). Có thể nói rằng, bối cảnh về Giáng Sinh của Đức Giêsu được Luca bố cục một cách chặt chẽ. Đức Giê-su được sinh ra tại Bếtlehem, quê hương của tổ tiên Người là Đavíd. Thế nhưng, Người không được sinh ra trong cung điện, cũng không phải ở trong một ngôi nhà đàng hoàng. Ngài được sinh ra trên đồng vắng, trong một cái chuồng bò lừa và được đặt nằm trong máng cỏ chứ không phải chiếc giường nệm ấm chăn êm. Tuy được sinh ra bởi cha mẹ nhân loại trong một bối cảnh lịch sử nhân loại và giữa cánh đồng Bê-lem cũng rất nhân loại rất đỗi tầm thường, nhưng Hài Nhi ấy, thuộc trời cao như đã được nói trước với Đức Maria trong trình thuật Truyền Tin. Giờ đây, một lần nữa trong một trình thuật Truyền Tin khác, bởi một thiên sứ khác, với một nhóm người khác, nhóm người chăn chiên đang quan đêm trên đồng. Thiên sứ của Thiên Chúa, trong bối cảnh vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa bao trùm, đã báo tin cho các mục đồng rằng: “hôm nay Đấng Cứu Độ, Đấng Messiah và là Đức Chúa đã sinh ra cho các ngươi trong thành của Đavíd” (Lc 2,10). Ngài chính là “đứa trẻ được bọc tả và được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Sứ giả của Thiên Chúa, vinh quang của Chúa bao trùm, Hài Nhi được sinh ra là Đấng Cứu Độ, Đấng Messiah và Đức Chúa. Rồi, đoàn cơ binh thiên thần ca hát, tán dương “vinh danh Chúa trên các tầng trời”. Tất cả những chi tiết ấy nhằm tô đậm nét bức tranh hùng vĩ của cánh đồng Bếtlehem nhằm mạc khải rằng Hài Nhi Giêsu có nguồn gốc từ trời cao, dẫu cho Ngài vẫn đang được đặt trong một máng cỏ trong hang bò lừa. Trước lời truyền tin ấy chính các mục đồng cũng hân hoan hối hả đi Bếtlehem để kiểm chứng, và tìm hiểu. Họ đã tìm thấy Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ y như lời sứ thần nói. Họ đã tường thuật tất cả những gì đã xảy ra, và những lời sứ thần nói với họ. Họ còn kể lại cho tất cả dân cư thành Bếtlehem nữa. Và tất cả những ai nghe lời họ tường thuật đều hết sức kinh ngạc. Chính các mục tử thì trở về với niềm hân hoan khôn tả, họ vừa đi vừa ca tụng và ngợi khen vinh quang Chúa. Riêng Đức Maria thì “gìn giữ những sự việc ấy như kho tàng” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây là đặc tính riêng, chỉ có Đức Maria mới có được. Đến khi Đức Giêsu bị lạc, ngồi trong đền thờ Jêrusalem, vừa nghe vừa đặt câu hỏi, rồi giải thích với cha mẹ Người rằng: Người có việc ở nhà Cha Người, Đức Maria lại “gìn giữ những sự ấy như kho tàng” trong lòng mình (Lc 2,51). Chiêm ngắm hang đá máng có mầu nhiệm Giáng Sinh, các tín hữu được mời gọi gợi nhớ lại ký ức của lần gặp gỡ Chúa đầu tiên khi Ngài Giáng Sinh làm người. Ngài làm người như bao đứa trẻ khác. Nhưng Ngài cũng khác biệt bao đứa trẻ khác ở chỗ Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài hạ mình đến, không ngại đi vào hang hùm, chốn nguy hiểm để mang bình an cho nhân loại. Bình an Ngài ban tặng là bình an vĩnh cữu, vững chắc, dù có những sóng gió của cuộc đời. Ai gặp gỡ Ngài sẽ có được niềm vui, một niềm vui đến nỗi không cưỡng lại được việc cất lên lời Ngợi khen Thiên Chúa. Một niềm vui thúc bách sư chia sẻ loan tin cho người khác, chứ không giữ riêng cho mình, để cả nhân loại cùng chung niềm vui gặp gỡ con Thiên Chúa làm người. Trời đất giao hòa, nhà nhà người người cùng chung niềm vui với nhau. Đó là niềm vui trọn vẹn tròn đầy của Đêm Giáng Sinh, Đêm Hồng Phúc.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2005) 49.

[2] R.E. Brown, The Birth of the Messiah. A Commentary on the Infancy Narratives in the Gospels of Matthew and Luke (AB; New York – London – Toronto – Sydney – Aukland 1993) 413.

[3] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 415.

[4] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 50.

[5] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 398.

[6] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 402.

[7] J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC 35A; Dallas 2002) 107.

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 132.

[9] J.B. Green, The Gospel of Luke, 134.

[10] J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC 35A; Dallas 2002) 108.

[11] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, 412.

[12] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, 413.