Monday, 28 September 2015

CÁI "LỚN" CỦA KẺ "NHỎ" (Lc 9,48)

Trong chuyến tông du Hoa Kỳ (22-29/09/2015), trên đường Đức Giáo Hoàng đi từ Tòa Bạch Cung đến thánh đường thánh Mátthêu, có một bé gái 5 tuổi rất dễ thương, con của những người nhập cư, tên là Sophie Cruz, cố gắng len lỏi qua hàng rào an ninh bảo vệ, để tìm gặp Đức Thánh Cha. Em đã bị 2 nhân viên an ninh giữ lại, nhưng may mắn là Đức thánh Cha đã nhìn thấy và gọi em lại, ôm hôn Em. Em trao cho Đức Thánh Cha một phong thư, bên ngoài có hình Đức Thánh Cha đang nắm tay 5 đứa trẻ màu da khác nhau, cùng với dòng chữ: “Con và các bạn yêu thương nhau, mặc dù khác màu da”.
Trong bức thư, bé gái trình bày với Đức Giáo Hoàng nổi buồn, sự lo sợ rằng ngày nào đó cha mẹ của em sẽ bị chính quyền Mỹ trục xuất vì họ là người nhập cư từ Mêxicô. Cô bé chỉ mong ước có một quyền là được sống chung với cha mẹ của mình.

Trong văn hóa Do Thái trẻ em không được xem trọng lắm, thậm chí là không được tính đến. Trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều, tác giả Tin Mừng đã cho thấy rõ nét văn hóa ấy, “Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21); “Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (15,38). Rồi có lần người ta đem trẻ em với Đức Giêsu thì các môn đệ lại la rầy, tỏ ý không cho các trẻ em đến quấy rầy Đức Giêsu (Mt 19,13; Mc 10,13).

Thế nhưng, Đức Giêsu lại yêu mến và coi trọng trẻ em đến lạ thường. Người ôm lấy chúng và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 10,16). Người còn tuyên bố “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Thiên Chúa” (Mt 18,3) hay là “Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (Mc 10,15; Lc 18,17); hay “Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Lc 18,16).

Trong đoạn Tin Mừng Lc 9, 46-47, khi các môn đệ đang phân vân không biết trong các ông ai là người lớn nhất, thì Đức Giêsu lại, đặt bên cạnh mình và nói cùng các môn đệ rằng: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất" (Lc 9,48).

Câu chuyện này xảy ra ngay sau khi Đức Giêsu tiền báo về cuộc thương khó lần thứ hai: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Đức Giêsu vị thủ lãnh có nhiều quyền năng nhưng Người lại chấp nhận trở thành kẻ bị nộp vì yêu thương con người. Đó là một sự trao ban chính thân mình vì một tình yêu vô hạn cho tất cả mọi người. Người không quan trọng mình phải làm lớn hay làm nhỏ, nhưng Người chỉ quan tâm đến việc Người có thể trao ban tình yêu cho người khác nhiều nhất có thể.

Tại sao phải đón tiếp một em nhỏ vì danh Thầy?

Thưa! bởi vì đón tiếp một em nhỏ vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy, mà đón tiếp Thầy có nghĩa là đón tiếp Đấng đã sai Thầy, nghĩa là đón tiếp Chúa Cha. Chung quy lại, đón tiếp một em nhỏ là đón tiếp chính Chúa. Lòng yêu thương, kính trọng Thiên Chúa được thể hiện qua lòng yêu thương con người. Chúa Giêsu muốn các môn đệ đón tiếp một em nhỏ vì người Do thái thường xem thường một em nhỏ, nên đón tiếp một em nhỏ chính là biểu tượng cho việc đón tiếp tất cả mọi người không trừ một ai cả. Đôi tay của các môn đệ cũng như những ai theo Chúa phải vươn dài đến với tất cả những ai ở tận hang cùng ngỏ hẻm, ở tận cùng của sự nghèo đói bệnh tật, tận cùng của sự bỏ rơi dửng dưng của người đời.

Tại sao người nhỏ nhất trong anh em thì kẻ ấy lại là kẻ lớn nhất?

Đây là loại triết lý gì vậy? Đó là loại vị thế không vị thế, quyền lực không quyền lực của Đức Giêsu. Cái “lớn” mà người môn đệ của Chúa phải vươn tới và đạt được không phải cái “lớn của bậc vua Chúa quan quyền, nhưng là cái “cao cả” của người dám hy sinh tánh mạng vì yêu bạn hữu của mình. Cái cao cả ấy được thể hiện bằng hành vi cúi xuống rửa chân cho người khác, như chính Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình trong Phòng Tiệc Ly  (Ga 13,1-20). Cái cao cả ấy được biểu dương bằng hành vi chết trên thập giá của Đức Giêsu. Hành vi ấy được tiếp nối bằng mẫu gương của thánh Maximiliano Kolbe, chết thay cho người bạn tù của mình, cùng nhiều thánh nhân khác, đã hy sinh cả đời mình phục vụ cho tha nhân.

Ví dụ như các Soeurs dòng Nữ Tử Bác Ái, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình để sống với và phục vụ cho những bệnh nhân ở Trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Ví dụ như Giám Mục người Pháp, Gioan Cassaigne, được mệnh danh là Giám Mục của người cùi, người đã lập ra trại cùi Di Linh, mái ấm cho những người bị xã hội bỏ rơi và xua đuổi, người đã chết giữa những người cùi vì cùng nhiễm bệnh cùi như họ. Ví dụ như Mẹ Têrêxa Calcutta, một người phụ nữ ốm o gầy mòn thân xác vì gánh đỡ sinh mạng của biết bao nhiêu người cùng khổ ở nhưng khu ổ chuột Ấn Độ… 

Đó thật sự là những người nhỏ nhất nhưng lại lớn nhất trong lòng Chúa và mọi người.

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment