Tiểu vương Hêrôđê mà chúng ta
nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 9,7-9) là tiểu vương miền Galilê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và
Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên (Lc 3,1).
Theo Tin Mừng Mátthêu và Tin
Mừng Máccô thì khi tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng cũng như những lời đồn về
Đức Giêsu thì liền khẳng định: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi
chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ" (Mt 14,1; Mc 6,16).
Tiếp sau đó là câu chuyện về
Gioan Tẩy Giả bị trảm huyết (Mc 6, 17-29; Mt 14, 3-12). Và dĩ nhiên, không có ý
tưởng nào cho thấy rằng Hêrôđê phân vân và tìm cách gặp Đức Giêsu.
Còn theo Luca thì trước lời đồn
đãi rằng: Đức Giêsu là Êlia, là Gioan tẩy giả, hay là một trong các ngôn sứ,
vua Hêrôđê đã xác nhận rằng “Ông Gioan, chính ta đã cho chém đầu rồi.” (Lc
9,9). Nghĩa là, vua muốn xác nhận rằng đây không thể là Gioan được.
Nhà vua rất phân vân, rất muốn
biết rõ về thân phận của Đức Giêsu, cho nên ông tìm cách gặp Người cho được.
Thế nhưng, Hêrôđê có ý đồ
tích cực hay tiêu cực khi muốn biết rõ về Đức Giêsu. Phải chăng ông có cảm tình
với Đức Giêsu nên muốn gặp gỡ Người? hay là ông chỉ hiếu kỳ về những phép lạ
người làm?
Đoạn chúng ta nghe hôm nay là
chương 9 của Tin Mừng Luca. Trong chương 13, Luca sẽ cho chúng ta rõ lý do tại
sao vua Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu. Trên đường lên Giêrusalem, khi Đức Giê-su
đang đi qua thành thị và làng mạc mà giảng dạy, thì “có mấy người Pha-ri-sêu đến
thưa Đức Giê-su rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn
giết ông! "Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này:
"Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi
hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một
ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,31-33).
Tiếp theo, trong chương
23, Luca sẽ cho chúng ta thấy Hêrôđê
chính thức giáp mặt Đức Giêsu. Vua
Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi
đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai
phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng
tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều
khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi
cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô (Lc 23, 8,-11).
Có những kiểu phân vân, có những
mong muốn gặp gỡ với những ý đồ thiếu tích cực, thiếu thiện chí. Đó là những
mong muốn gặp gỡ không đem lại những điều tốt lành cho đối phương. Thậm chí còn
mang tính diễu cợt, khinh thường, mỉa mai, làm cho đối phương phải đau đớn, tủi
nhục. Những cuộc gặp gỡ như thế thật không đáng mong ước, chi bằng đừng gặp, đừng
xảy ra.
Có những cuộc gặp gỡ không mang đến sự nối kết vì đôi bên còn có những toan tính thiệt hơn cho riêng mình. Có những cuộc gặp gỡ gây ra sự đổ gãy, tan vỡ vì đôi bên không gieo hòa bình. Có những cuộc gặp gỡ gieo rắc thêm hận thù, chia rẽ vì đôi bên rắp tâm tấn công và làm hại nhau.
Trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mỹ Quốc (24-28/09/15), qua ống kính của các phóng viên, người ta có thể thấy được những nụ cười sảng khoái trên gương mặt của hai vị lãnh tụ. Đó là dấu hiệu cho thấy một sự thân tình trong gặp gỡ và báo hiệu cho những hiệu quả tích cực trong chuyến viếng thăm cho chính đương sự và cho những người có liên quan.
Xin Chúa cho mỗi người chúng
ta luôn ao ước gặp Chúa Giêsu với tất cả lòng mến của mình, với thái độ kính
tin, thờ lạy thật sự, để rồi cũng vươn tới những cuộc gặp gỡ thân tình và hòa
bình với anh chị em đồng loại mỗi ngày. Amen.
Fr. Phạm Duy Thạch
No comments:
Post a Comment