Monday 21 September 2015

PHẢI CHĂNG ĐỨC GIÊ-SU XEM THƯỜNG TƯƠNG QUAN HUYẾT THỐNG? (Lc 8,19-21; Mt 12,46-50)

Khi nghe người ta nói rằng:  "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8,20-21)

Như vậy, phải chăng Đức Giê-su xem thường quan hệ huyết thống? và tại sao thi hành ý Chúa Cha thì mới được gọi là anh em, chị em, là mẹ, là cha của Đức Giê-su?

Đương nhiên là Đức Giê-su không có ý xem thường Đức Maria, cũng như mối tương quan máu thịt giữa Người và Đức Maria. 

Thế nhưng, có một mối tương quan khác cao hơn nữa. Đó là tương quan với Chúa Cha. Người từ Chúa Cha mà đến. Đó là tương quan tuyệt đối và vĩnh cửu. Trước khi có tương quan với Đức Maria, thì Người đã có tương quan với Chúa Cha, và vì mối tương quan mật thiết với Chúa cha mà Người chấp nhận thân phận làm người trong tương quan với Đức Maria và gia đình nhân loại.

Tương quan với Thiên Chúa phải là tương quan cao nhất và là nguồn gốc của mọi tương quan.

Thiên Chúa tạo dựng A-đam trong tương quan với Người trước khi có một mối tương quan với đồng loại và vạn vật. Thiên Chúa đã tạo nên A-đam từ bụi đất và chỉ khi Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi thì A-đam mới thực sự sống như một sinh vật người. 

Tương quan với Thiên Chúa chính là tương quan sự sống. Nếu không có tương quan với Thiên Chúa con người sẽ chết ngay lập tức. Ông Gióp đã xác tín rằng: "Nếu Người muốn rút sinh khí lại và quy tụ hơi thở về mình, thì mọi sinh vật sẽ tắt thở cùng một lúc và phàm nhân sẽ trở về cát bụi." (G 34, 14-15)

Tương quan với Thiên Chúa là tương quan nền tảng. Có thể nói là chuẩn mực cho mọi mối tương quan tốt đẹp. Nếu không có tương quan với Chúa thì con người lấy đâu quy chuẩn để đối đãi với nhau cho đúng, để duy trì mối tương quan tốt đẹp trên trần gain này. Cho nên tương quan với Chúa chính là yếu tố quyết định sự bền bỉ trong mối tương quan giữa con người với con người.

Tương quan với Chúa là ưu tiên số một. Đức Giê-su đã từng nói "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy." (Mt 10,37). Chúa Giê-su không xúi bậy là hãy bỏ cha mẹ, vợ để rồi mất vĩnh viễn. Từ bỏ vì chọn lựa Chúa, chọn lựa mối tương quan tốt hơn bao trùm và vun đắp mối tương quan huyết thống. Nghĩa là càng theo Chúa, càng gắn bó với Chúa thì mối tương quan gia đình ngày càng được khăng khít và tốt đẹp hơn.

Tương quan với Chúa là mối tương quan mở rộng vô hạn. Khi chọn Chúa, có mối tương quan với Chúa tốt đẹp thì chẳng những tình nghĩa gia đình huyết thống được bền chặt mà nhân thân còn được mở rộng hơn nữa. Đức Giê-su đã hứa rằng: "Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau." (Mc 10,29-30)

Trong mối tương quan với Chúa thì ý Chúa là số một. Đức Giê-su thể hiện tình con thảo khi Người vâng ý Chúa Cha để thân hành xuống thế. Người xem ý CHúa Cha chính là lương thực nuôi máu thịt của mình: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người." (Ga 4,34). Ngài đánh đổi cả mạng sống của Ngài để thi hành ý Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." (Mt 26,39.42).

Trong Kinh Lạy Cha, Ngài cũng dạy các môn đệ là hãy cầu xin cho ý cha được thể hiện: "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời." (Mt 6,10)

Và thi hành ý Chúa Cha thì chẳng những được gọi là cha, mẹ, anh em, chị em của Chúa Giê-su nhưng là được cùng người hưởng sứ sống Thiên Đàng đời đời: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7,21)

 Như vậy, Thiên Chúa khôn ngoan đã liệu chừng cho mọi người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Tương quan huyết thống là một mối tương quan do Thiên Chúa khôn ngoan đặt để và lẽ dĩ nhiên đó là một mối tương quan thiêng liêng rất đáng quý trọng. Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong gia đình Nagiaret. Hơn ai hết, Ngài hiểu rõ tầm quan trọng và sự thiêng liêng cao cả của tình mẹ nghĩa cha.

Thế nhưng, vì Ngài muốn chúng ta truy nguồn tìm về một mối tương quan cao cả tuyệt đối. Đó là mối tương quan với Thiên Chúa cha. Chúng ta là một thành viên, là người con trong gia đình Thiên Chúa. Chỉ khi nào sống trong tương quan tốt đẹp với Chúa Cha, trở nên anh chị em với Chúa Giê-su, chúng ta mới sống tốt mối tương quan huyết thống gia đình và mở rộng ra những mối tương quan tốt đẹp với gia đình nhân loại nữa, và mục đích cuối cùng chính là sự sống đời đời trong Nước Chúa.

Châu Âu hiện tại đang lâm vào cuộc khủng hoảng di dân nghiêm trọng. Hàng triệu người Syri đang tìm cách vượt đại dương, phó mặc mạng sống cho trời, để đến cho bằng được vùng “đất hứa” Âu Châu. Hàng ngàn người đã bỏ mạng làm mồi cho cá. Trong những ngày qua (09/2015), truyền thông thế giới cho đăng tải hình ảnh một em bé trôi dạt trên bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong tư thế nằm úp, ngây thơ như một thiên thần đang ngủ. Thế nhưng kỳ thực em đã chết và bị trôi dạt. Đó là một hình ảnh phản ánh thực trạng bi đát của dòng người đang bế tắc vì chiến tranh, bạo lực leo thang.

Trong hoàn cảnh đó, Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi mỗi, gia đình, mỗi cộng đoàn dòng tu đón nhận một gia đình tị nạn. Thủ tướng Đức, Bà Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng kêu gọi các nước thuộc cộng đồng chung Âu Châu áp dụng chính sách “hạn ngạch” để phân bổ cách đồng đều người tỵ nạn trên 28 nước thành viên EU. Thế nhưng lời kêu gọi này cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nước Trung và Đông Âu.

Thế giới này vốn là một đại gia đình trong đó mỗi người đều là anh chị em ruột thịt với nhau. Nếu như ai ấy đều sống theo lời mời gọi của Đức Giêsu, đều sống theo lời mời gọi của Chúa, yêu thương tương trợ lẫn nhau, thay vì giành giật và loại trừ nhau, thì làm gì có người tan cửa nát nhà đến nỗi phải rời bò mảnh đất quê hương để tha hương cầu thực. Sự náo loạn của Âu Châu hôm nay và nhiều cảnh tang thương nữa xưa nay đều là hậu quả của một lối sống thiếu Tin Mừng Chúa.

  Fr. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD


No comments:

Post a Comment