Thursday 24 September 2015

GIÁ TRỊ CỦA TƯƠNG QUAN

Một sinh viên trường y kể lại một kinh nghiệm quý báu rằng:

Trong tháng thứ 2 của khoa học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp…

Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy!
Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ? Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.

Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư rằng: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.

Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó, cô Dorothy.

Sau một thời gian theo Đức Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng, chứng kiến nhiều việc lạ Đức Giêsu làm, đã đến lúc các Tông đồ phải đưa ra một hiểu biết đúng đắn về Đức Giêsu. Dân chúng xôn xao và có nhiều đồn đoán về Đức Giêsu: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại" (Lc 9,19).
Thế nhưng, những lời đồn đoán ấy không làm cho các tông đồ bị lung lạc xác tín của mình về Thầy Giêsu. Trước câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Lc 19,20). Phêrô đã đại diện cho các tông đồ khác ứng khẩu ngay tức khắc: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Thánh Matthêu thì cho biết Phêrô trả lời rằng: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Thánh Máccô thì cho rằng Phêrô nói ngắn gọn hơn: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Tác giả Tin Mừng thứ tư thì đặt lời tuyên xưng này lên môi miệng của cô Mácta, chị của Maria và Ladarô: “"Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian" (Ga 11,27).

Qua ngòi bút của các tác giả sách Tin Mừng, lời tuyên xưng về căn tính của Đức Giê-su hơi khác chút ít, nhưng điểm chính yếu vẫn được bảo đảm: “Thầy là Đấng Kitô”. Còn Kitô của Thiên Chúa, hay Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng sống; hay Đấng Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian, đều có một dụng ý thần học riêng của mỗi tác giả.

Xem ra, Đức Giêsu tỏ ra hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Lucca và Máccô ghi lại rằng sau khi nghe lời tuyên xưng ấy, Đức Giêsu  không điều chỉnh mà chỉ “nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9,21; Mc 8,30). Còn Matthêu thậm chí còn cho thấy Đức Giêsu khen Phêrô nữa vì lời tuyên xưng ấy nữa: “Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Nói chung, xét về nội dung thì lời tuyên xưng ấy là ổn, hiểu biết, cảm nhận của các tông đồ về Đức Giêsu là tốt. Thế nhưng, để hiểu “Đấng Kitô” là gì theo hoạch định của Thiên Chúa thì các tông đồ còn phải trải qua nhiều kinh nghiệm thương đau nữa.

Cũng không ngạc nhiên lắm, nếu như không muốn nói là việc các môn đệ tuyên xưng đúng về căn tính của Đức Giêsu là điều hiển nhiên, bởi lẽ, hơn ai khác, các tông đồ là những người gẫn gũi Đức Giêsu nhất. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng hành trình với Đức Giêsu, cho nên họ nhận định chuẩn xác về Đức Giêsu, dù cho thiên hạ có đồn đoàn chuyện gì.

Gặp gỡ, hiểu biết về Đức Giêsu là nền tảng của mọi sự hiểu biết gặp gỡ, bởi Người chính “là đường, là sự thật và là sự sống”. Biết Đức Giêsu là biết “đường”, biết “chân lý” ,và có “sự sống”. Mối tương quan thân tình thật sự với Đức Giêsu không phải là một mối tương quan khép kín, nhưng là mối tương quan mở rộng ra mối tương quan thân tình với anh chị em đồng loại.

Gặp gỡ thật sự, quan tâm nhau thật sự, sẽ dẫn đến hiểu biết về nhau thật sự. Hiểu biết nhau thật sự, để rồi thắt chặt mối tương quan với nhau, cùng hỗ trợ nhau thăng tiến trong ơn gọi làm người là một điều hết sức cần thiết trong cuộc sống này.

Xã hội hiện đại với những phương tiện thông tin hiện đại làm cho con người ngày càng dễ giao tiếp, liên lạc với nhau hơn. Thế nhưng, nó cũng làm cho tương quan con người ngày càng giảm đi độ sâu sắc đậm đà. Người ta có thể làm bạn với máy tính mà lãng quên đi người bạn bằng xương bằng thịt. Người ta có thể ôm smartphone cả ngày, nói chuyện với người ảo mà quên đi người thật đang hiện diện bên cạnh mình. Người ta có thể quan hệ tình dục với “búp bê, sex toys” mà quên đi người vợ hiền, người chồng đầu ắp tay gối, thề hẹn trăm năm với mình. Người ta dễ dàng ưa chuộng và gầy dựng những mối tương quan ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mối tương quan thật sự.

Hơn nữa, áp lực cơm áo gạo tiền công danh sự nghiệp tiền tài quá lớn làm cho người ta không có thời gian dành cho nhau nữa. Người chồng không có thời gian dành cho vợ. Người vợ cũng không đủ thời gian cho chồng. Cha mẹ không có thời gian dành cho con cái. Con cái cũng không có thời gian cho cha mẹ. Nhiều gia đình trong xã hội hiện đại chỉ là một khách sạn hay nhà trọ không hơn không kém, khi các thành viên nhiều khi không đủ thời gian để chào hỏi nhau nữa. Bữa cơm gia đình, giải trí giả đình là những điều gì đó quá cổ lổ sỉ, nhưng lại quá đắt đỏ, sa xỉ đến nổi không thể với tới. Không có thời gian cho nhau thì làm gì có hạnh phúc chung đôi, và niềm đau chia đôi, chia ba là điều chẳng chóng thì chầy.

Có những cuộc tiếp xúc, nhưng không mang đến sự gặp gỡ. Có những sự gặp gỡ nhưng không mang lại sự nối kết dài lâu. Có những sự nối kết dài lâu, nhưng không mang lại sự thân tình. Có những sự thân tình nhưng lại thiếu sự đón nhận, hy sinh vun đắp. Một cuộc gặp gỡ lý tưởng phải là cuộc gặp gỡ kéo theo sự nối kết dài lâu, sinh ra sự thân tình, và sự hy sinh như là một bằng chứng của sự yêu mến trân trọng thật sự.

Ngạn ngữ Nam Mỹ có câu: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi xa, bạn hãy đi với người khác”.

Xin Chúa cho mỗi người trên trần gian này luôn tâm niệm rằng tương quan giữa người với người là điều cần thiết nhất trong xã hội loài người. Để rồi, họ luôn biết trân trọng, giữ gìn và vun đắp những mối tương quan thân tình thật sự. Những mối tương quan thân tình thật sự là kho tàng quý giá nhất của mỗi con người. Nó có khả năng làm cho người ta vơi đi những nỗi buồn cùng cực và làm cho những niềm vui nho nhỏ được nhân lên.


Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment