Thursday, 7 June 2012

DỨC KI-TÔ LÀ CON VUA ĐA-VÍT?! (Mc 12,35-37)


Tin mừng hôm này tường thuật lại việc Đức Giê-su đặt lại vấn đề mà các Kinh Sư nói Đấng Mê-si-a là con Vua Đavít. Người trích dẫn Thánh Vịnh 110: Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi:"Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con" (Tv 110,1) để chứng tỏ rằng Đấng Mê-si-a không phải là con vua Đavít. Theo lời Thánh Vịnh trên thì vua Đavít gọi Đấng Mê-si-a là “chúa thượng tôi” một vị trí cao hơn Ông, vì thế Đấng Mê-si-a không thể là con Vua Đavít được. Nhưng Đức Giê-su giải thích vấn đền này nhằm mục đích gì? Phải chăng Người sợ rằng người bị hạ giá khi bị gọi là con vua Đavít? Chắc chắn không phải là như vậy.


         Sở dĩ Đức Giê-su phải đính chính chuyện này vì cách hiểu không đúng của các Kinh Sư cũng như đa phần người Do thái về thân thế nhân loại của Đức Giê-su. Thực vậy, trong quan niệm của người Do thái, Đấng Mê-si-a là con vua Đavít có nghĩa là Người gắn liền với một vương quyền vĩ đại đã mất, và Người có vai trò chính trị to lớn trong việc giải phóng dân này khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Như vậy, họ giới hạn vai trò của Đấng Mê-si-a vào tham vọng chính trị ít là giải phóng họ khỏi ách nô lệ Rôma và có thể vươn đến bá chủ địa cầu.
         Đấng Mê-si-a quả thật xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, nhưng Người cũng chính là Chúa của Vua Đavít và sứ vụ của Người không liên quan gì đến chính trị, quân đội cả. Quyền năng của Người vượt trội hơn vua Đavít và bất kỳ vị vua nào và triều đại của Người không giới hạn vào kỷ nguyên nào nhưng vô cùng vô tận và vượt mọi không gian. Người là Đấng cứu độ chứ không đơn thuần chỉ là nhà giải phóng. Người đến không phải để giải phóng con người khỏi nô lệ đế quốc nhưng giải thoát họ khỏi nộ lệ tội lỗi và sự chết. Sự nô lệ này có sức tàn phá dữ dội hơn nhiều. Nó có khả năng hủy hoại và giết chết con người vĩnh viễn chứ không phải chỉ đời này. Không gian cứu độ của Người không giới hạn vào một dân tộc hay quốc gia nào nhưng trải dài trên toàn thế giới qua muôn ngàn thế hệ. Nơi nào có bóng dáng tội lỗi và sự chết thì đều in đậm vết chân Người.
          Hiểu đúng vai trò của Đấng Mê-si-a cũng là nhìn nhận đúng nhu cầu của chính mình. Thật sự, con người cần được Người giải thoát khỏi thế lực ác thần. Nô lệ tội lỗi và ác thần chính là sự nô lệ tệ hại nhất. Mù quáng, không nhận ra tình trạng của mình để rồi kêu cầu lòng thương xót của Chúa, sẽ làm cho con người từng bước thuộc về ác thần và đón nhận cái chết vĩnh viễn. Chọn lựa quyền lực chính trị, con người sẽ thiếu tình yêu thương và đầy những tranh dành và bạo lực. Tệ hại hơn hết con người sẽ chuốc lấy sự bất hạnh trong đam mê quyền lực của mình. 

 Duy Thạch SVD 
8/06/2012

No comments:

Post a Comment