Friday 1 June 2012

DUNG MẠO ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG GIOAN

Thánh Gioan chú trọng đến vai trò làm mẹ của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria xuất hiện hai lần: (1) Tại tiệc cưới Ca-na lúc Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ công khai; (2) dưới chân thập giá lúc Người chịu chết.
a)    Trong tiệc cưới Ca-na (2,1-11),
 khi thấy họ hết rượu Đức Ma-ri-a đã nói cùng Đức Giê-su: “họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) và Đức Giê-su đã trả lời: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (2,4). Câu trả lời của Đức Giê-su được giải thích theo nhiều kiểu. Tuy nhiên, có
một hiệu quả chung. Đó là Mẹ bảo các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo? (2,5). Và quả thật, Đức Giê-su bảo gia nhân “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” (2,7). Và phép lạ đã xảy ra khi tất cả các chum nước đều biến thành rượu ngon. Đức Giê-su đã không khước từ lời Đức Maria nhưng mời Mẹ làm trung gian chuyển bước từ Cựu ước sang Tân ước, cũng như trước đây Ong Mô-sê đã làm trung gian để dân chấp nhận giao ước với Chúa  trên núi Xi-nai, giờ đây Đức Maria cũng giữ vai trò tương tự như vậy. Việc Đức Giê-su làm phép lạ không phải để làm vui lòng gia chủ cũng như đáp lại ý muốn của Mẹ. Nhưng đây là một dấu chỉ thứ nhất dẫn đến Đức Tin mở đầu cho hành trình đức tin sẽ kết thúc nơi 20,30-31. Việc Đức Maria mách nhỏ cùng Đức Giê-su về việc gia chủ hết rượu trong thời điểm cần thiết gợi đến việc Mẹ khởi đầu sứ vụ chuyển cầu cho gia đình nhân loại. Tuy nhiên, phải đến lúc “giờ của Đức Giê-su” đến thì sứ vụ ấy mới thực sự bắt đầu.
b) Dưới chân thập giá (19,25-27), 
Đức Giê-su đã gửi gắm Đức Maria cho môn đệ mình yêu. Dĩ nhiên, đây không phải chỉ là chuyện riêng tư trong gia đình: người con hiếu thảo nhờ người môn đệ mình yêu chăm sóc Mẹ của mình lúc mình “vắng bóng”. Thực vậy, từ ba năm nay Đức Maria đã quen sống một mình rồi và đủ sức mưu sinh, không cần nhờ vả con cái. Vả lại Đức Giê-su chịu chết không có nghĩa là Người sẽ không còn cơ hội chăm sóc Mẹ Maria nữa. Do vậy, việc Đức Giê-su gửi gắm Đức Maria cho môn đồ hẳn có một ý nghĩa sau xa hơn nhiều. Theo mạch văn, có thể nói rằng Thánh Gioan coi đó như là biến cố cuối cùng để hoàn tất mọi sự vì ngay sau đó Người nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (19,30). Chúng ta có thể ghi nhận những ý nghĩa như sau: (1) Qua cách xưng hô trịnh trọng “Thưa Đàn Bà” (từ được dùng để chỉ Eva trong St ch. 3), Đức Giê-su mời gọi Đức Maria đóng vai trò làm Mẹ nhân loại trong thời kỳ cứu rỗi, mẹ của tất cả những người được tái sinh nhờ thập giá Đức Ki-tô. Kể từ nay, Chúa muốn Mẹ của mình cộng tác trực tiếp hơn vào kế hoạch cứu độ của Người, điều đã được tiên báo nơi tiệc cưới Ca-na Người nói là “giờ tôi chưa tới” (2,4). “Này là con của bà”: “Con” thể được hiểu như là con tinh thần, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa đặc biệt của Gioan (1,12-13) nghĩa là những người nhờ tin và tái sinh làm con Thiên Chúa. (2) Danh xưng “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” chính là biểu tượng cho tất cả các môn đệ của Đức Ki-tô, chứ không ám chỉ riêng một cá nhân nào. Người môn đệ Chúa yêu là kẻ đi theo Người và thi hành ý muốn của Cha (Ga 14,21-23; 15,13-15). Việc “Môn đệ đón tiếp Đức Maria về nhà mình” (19,27) cho thấy các môn đệ của Đức Ki-tô đã lãnh nhận Đức Maria như là một gia sản quý báu do Đức Ki-tô trao ban. Như vậy, bản văn cho thấy vai trò làm Mẹ của Đức Maria thể hiện bằng hai cách: (1) Cộng tác vào việc tái sinh các ki-tô hữu bằng việc hiệp thông vào cuộc tử nạn của Đức Giê-su trên thập giá (như bà mẹ quằn quai sinh con Ga 16,21); (2) Giúp các ki-tô hữu thực thi chương trình cứu rỗi của Chúa mỗi ngày.
c) Đức Maria là Mẹ của các môn đệ của Đức Ki-tô.
 Tuy nhiên, Người không đứng ngoài Hội Thánh, nhưng thậm chí còn trở nên biểu tượng của Hội thánh như trong Khải Huyền (12,1-18). Theo ý kiến các nhà chú giải ngày nay, hình ảnh người đàn bà ở đây không ám chỉ đến Đức Maria cho bằng ám chỉ Hội Thánh. Tuy nhiên, đạn văn vẫn có thể áp dụng phần nào về Đức Maria, có những điểm tương đồng giữa Ga 19,25-27 với chương 12 sách Khải Huyền: (1) Đức Maria đồng hóa với “người phụ nữ”; (2) bà có “con” là người môn đệ, tượng trưng cho các tín hữu; (3) bà chịu nhiều đau khổ. Cả ba điểm này đều tương ứng với quang cảnh sách Khải huyền: một phụ nữ; có những người con khác nữa ngoài Đấng Mê-si-a (12,7); đau đớn sắp sinh con.

Kết luận
Gioan ghi lại hai lần xuất hiện của Đức Maria trong dáng dấp người Mẹ của các ki-tô hữu. Đoạn văn sau (19,25-27) phác họa rõ nét hơn về vai trò làm Mẹ của Đức Maria qua hai cách thức: (1) Mẹ cộng tác với cuộc khổ hình để sinh ra các ki-tô hữu; (2) Mẹ tiếp tục hướng dẫn các ki-tô hữu thực thi chương trình cứu rỗi. Tuy nhiên, đoạn văn đầu (2,1-11) là một tiên báo cho đoạn văn sau với khá nhiều điểm tương đồng: + Mẹ được gọi là “đàn bà”; + Mẹ không được gọi đích danh nhưng bằng danh hiệu “mẹ Đức Giê-su”; + Một gia đình mới được thiết lập (đám cưới khởi đầu cho một gia đình mới ở Cana; “Môn đệ đón tiếp Đức Maria về nhà mình” (19,27) bắt đầu một gia đình ki-tô hữu mới). Vai trò làm mẹ của Đức Maria chỉ xảy ra khi “giờ” của Đức Giê-su đến và khi vai trò ấy bắt đầu thì cũng là lúc Đức Giê-su tuyên bố “mọi sự đã hoàn tất” (19,30). Ngoài ra, Kh 12, 1-18 cũng cho thấy sự tương quan của Đức Maria với Hội Thánh, và là biểu tượng của Hội thánh.

No comments:

Post a Comment