Friday, 1 June 2012

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG NHẤT LÃM

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ
Chân dung Đức Maria đươc Máccô phác họa sơ xài qua hai đoạn văn: 3,31-35 và 6,3. Ngoài ra, Đức Maria cũng được nói đến cách gián tiếp trong hàng “thân nhân của Chúa” trong 3,21.
1.Mc 3,31-35: Ai là mẹ ta?
Trình thuật thứ nhất liên quan đến Đức Maria nằm trong bối cảnh Đức Giê-su đang giảng và đông bao quanh người. Lúc ấy “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.”  Và “Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! Nhưng Người đáp lại: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn
của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." Thoạt nghe qua thì có vẻ Đức Giê-su phủ phàng khi trước mặt đám đông mà nói về Mẹ và anh em mình như thế. Tuy nhiên, theo tác giả Phan Tấn Thành thì Máccô muốn diễn tả lại tiến trình đức tin mà các thân nhân của Người phải trải qua. Điều này bao gồm cả mẹ của Người nữa. Trước mặt Chúa mối dây liên hệ máu mủ không nhất thiết phải được ưu tiên. Kẻ thân thuộc của Người là kẻ làm theo ý Người chứ không hải kẻ có tên trong gia phả của Người. Qua trình thuật này, Macco cho thấy chân dung Đức Maria từ cương vị một người Mẹ tự nhiên đã cố gắng vươn lên bình diện siêu nhiên để trở thành môn sinh chính hiệu của Chúa, sẵn sàng làm theo ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự và sẵn sàng hiến dâng con mình vì phần rỗi của nhân loại. Mẹ Maria đã đi tiên phong trên con đường đức tin, con đường thanh luyện, và nhờ đó trở nên gương mẫu dẫn dắt chúng ta trên đường lữ hành đức tin.
Ngoài ra, Máccô còn nhắc đến Đức Maria trong bối cảnh: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (3,20-21). Trong bối cảnh này chân dung Đức Maria không rõ ràng lắm. Có thể Mẹ có hiện diện trong đám thân nhân ấy nhưng cũng không chắc.
2.Mc 6,2-3: Đức Giê-su con bà Maria
Trình thuật thứ hai diễn ra trong bối cảnh: “Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.  Và họ đã thắc mắc với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? " Và họ vấp ngã vì Người”. Trong suy nghĩ của đám đông Đức Giê-su “là bác thợ, con của bà Maria”. Có ít nhất 3 giả thuyết lý giải cho suy nghĩ này:
(1)    Lúc ấy thánh Giuse đã qua đời nên người ta chỉ biết tên của bà Maria thôi. Giả thuyết này xem ra không hợp lý vì cả hai tác giả Luca và Gioan đều ghi lại: “Ong này không phải là Giê-su con bác Giu-se đấy ư?” (Lc 4,22; Ga 6,42)
(2)    Dư luận muốn mỉa mai Đức Giê-su là con ngoại hôn (không cha). Giả thiết này cũng không hợp lý.
(3)    Nói đến việc sinh hạ khác thường của Đức Giê-su: “con của bà Maria” vì thánh Giuse không phải là cha đẻ tự nhiên của Người. Lý giải: Tin mừng Macco không có chương nói về thời thơ ấu của Đức Giê-su. Vì thế, nếu Má-cô gọi Đức Giê-su là con của bác thợ Giuse như Gioan và Luca thì e rằng có sự hiểu lầm Giuse là cha đẻ của Đức Giê-su. Đó là chân lý về Đức Mẹ đồng trinh gắn liền với thân thế của Đức Giê-su trong giáo hội sơ khai. Các tín hữu tin rằng Đức Maria sinh con không theo thói thường lệ.
Kết luận
    Theo Macco Đức Maria là Mẹ Đức Giê-su nhưng xem ra đây cũng không phải là tước hiệu vinh dự gì dưới con mắt người đời: mẹ của một người thợ mộc quê mùa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Đức Maria là Mẹ Đức Giê-su trong mối liên hệ Đức đức tin với Đức Giê-su. Macco phác họa chân dung Đức Maria như là một mẫu gương tuyệt vời về cách “làm theo ý Chúa”. Bên cạnh đó Macco còn cho thấy trong niềm tin của giáo hội buổi đầu Đức Maria là người nữ đồng trinh đã sinh ra Đức Giê-su một cách khác thường.

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG MÁT-THÊU

Chân dung Đức Maria được Mát-thêu phác họa qua ba đoạn văn: (1)Gia phả Đức Giê-su (1,1-17); (2) Thiên thần giải thích cho ông Giuse về trinh thai (1,18-25); (3) Đức Maria bên cạnh Đức Giê-su (2,11).
1. Người phụ nữ sinh con cách lạ thường
Trong tường thuật về gia phả của Đức Giê-su (1,1-17), Mát-thêu liệt kê danh sách bốn người phụ nữ khác đặc biệt. Và các học giả đã lý giải theo bốn cách khác nhau về sự xuất hiện của bốn nhân vật nữ này. Tuy nhiên, chỉ xin dừng lại ở một cách được xem là có liên hệ rõ ràng đến người phụ nữ thứ năm. Đó là Đức Maria. Sở dĩ, bốn người phụ nữ này được nhắc đến là vì họ đều là những người có những lần sinh đẻ “không xuôi”. Thánh thần đã phải can thiệp cách nào đó để họ hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Cách lý giải này giúp nối kết với việc sinh nở của bốn bà với việc sinh nở của Đức Maria: sinh Đức Giê-su do quyền năng của Thánh Thần. Bốn bà trước dường như chuận bị cho Đức Maria. Mát-thêu cố ý nhấn mạnh sự khác thường của trinh thai khi không cho Giuse sinh Đức Giê-su như mạch văn trước đó mà nói rằng “Giuse, chồng bà Maria, người đã sinh ra Đức Giê-su”. Đức Giê-su là do Đức Maria sinh ra chứ không phải là do Ong Giu-se như lẽ thường tình.
2. Mẹ của Đấng Emmanuel
Để giải thích vấn đề trinh thai của Đức Maria Mát-thêu cho biết: “Trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (1,18)  và sứ thần cũng báo mộng cho Giuse: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,20-21). Như vậy, Đức Maria thụ thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần chứ không liên quan gì đến Giuse cả.
Tiếp theo sau đó Mát-thêu viện dẫn lời của ngôn sứ Isaia theo bản LXX để nêu bật vai trò làm Mẹ Đấng Emmanuel của Đức Maria: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (1,22). Khi trích dẫn Is 7,14 Mát-thêu muốn nhấn mạnh việc trinh thai đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò làm “mẹ của Đấng Emmanuel”, dấu chỉ của lòng Chúa tín trung với lời hứa. Việc Đức Giê-su sinh ra là dấu chỉ lòng trung thành của Chúa đối với không chỉ đối với dân Ít-ra-en mà còn mở rộng ra cho hết mọi người.
3. “Hài nhi với thân mẫu là Bà Maria”
Mát-thêu còn nhắc đến Đức Maria trong bối cảnh các nhà chiêm tinh đến thăm viếng Đức Giê-su trong Hang đá: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (2,11). Thực tế, thì các nhà chiêm tinh đến để bái thờ Đức Giê-su chứ không phải bái thờ Đức Maria. Tuy nhiên, khi nghiền ngẫm quang cảnh này truyền thống phụng vụ cũng muốn nhìn Đức Maria như là kẻ “trưng bày” Chúa Giê-su cho dân ngoại, là nền tảng của tước hiệu “stella evangelization”.
Kết luận
Qua tin Mừng thời thơ ấu, Mat-thêu phác họa chân dung Đức Maria như là Đấng góp phần làm cho lời hứa của Thiên Chúa qua lời ngôn sứ Isaia 7 được ứng nghiệm. Mẹ là một trinh nữ đã mang thai nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần và sinh con cách lạ thường. Đức Maria là  nên mẹ của Đấng Emmanuel- Đấng Ít-ra-en mong chờ, biểu trưng cho lòng trung tín và yêu thương của Chúa đối với dân Người và cho toàn thế giới. Ngoài ra một số tước hiệu khác cũng được Mát-thêu nhắc đến đi kèm với Đức Giê-su: “Mẹ Đức Giê-su (2,11); mẹ đấng Mê-si-a vua dân do thái (2,2.6); vợ Ong Giuse (1,17). Ngoài ra, Đức Maria còn được nhắc đến như là người đã góp phần trưng bày Đức Giê-su cho dân ngoài như tước hiệu “Mẹ là sao Bắc Đẩu” trong truyền thống phụng vụ.

ĐỨC MARIA TRONG TIN MỪNG LUCA

Trong ba tác giả Nhất Lãm thì Luca chính là người cung cấp nhiều dữ liệu về Đức Maria nhất. Tin Mừng Luca chiếm 90/125 câu nói về Đức Maria trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm. Chân dung Đức Maria được Luca mô tả quan 5 giai đoạn nổi bật gắn với mầu nhiệm “Năm Sự Vui” trong Kinh Mân Côi: truyền tin, thăm viếng, sinh con, dâng con, và tìm thấy con trong đền thờ.
1.Truyền Tin (1,26-38)
Bối cảnh:Thiên sứ Gariel đến gặp Maria tại Nazareth, một thôn làng không mấy ai biết đến. Nazareth thuộc miền đất Galilê, gần vùng đất của dân ngoại. Maria là một thiếu nữ tầm thường cả về đạo lẫn về đời, một người nghèo của Giavê. Nhưng T.C chọn Maria làm đền thờ của Ngài, vinh quang T.C rợp phủ Maria như trước đây rợp phủ hòm bia thánh. Maria được T.C trao một sứ mạng trọng đại, làm Mẹ của Đấng Cứu Thế.
Qua nội dung cuộc  đối thoại Đức Maria nổi bật với những đặc tính sau.  (1) Maria là đại diện cho cả dân Israel, chính nhờ Maria mà T.C đến ngự giữa dân của Ngài. Qua lời chào của sứ thần: “mừng vui lên” gợi nhớ đến lời mời gọi “mừng vui lên hỡi thiếu nữ Si-on” vì thời cứu độ đã đến, Thiên Chúa đến viếng thăm và ngự giữa dân Người. (2) “Đấng đầy ân sủng”: đây là tước hiệu thiên sứ đặt cho. Nguyên ngữ có nghĩa là duyên dáng, đẹp mắt Chúa, được Chúa ưng ý. (3) Đấng được “Thiên Chúa ở cùng”: Thiên Chúa tác động trên Mẹ và cùng hành động với Mẹ. (4) Đấng “đẹp lòng Thiên Chúa” (1,30). (5) Được ví như “hòm bia thánh”: quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (1,35). (6) “Nữ tỳ Thiên Chúa”: Đức Maria không chỉ bày tỏ sự khiêm tốn nhún nhường mà còn đặt mình vào vị trí của dân Chúa chọn, và sẵn sàng tuân hành giao ước Chúa đã mặc khải qua vị trung gian của Ngài, hoàn toàn vâng phục chương trình của Chúa.
2.Đức Maria thăm viếng Elisabeth (1,39-45)
Cuộc thăm viếng của Đức Maria, qua cây cọ của họa sĩ Luca, cũng bộc lộ thêm nhiều nét đẹp trong chân dung của Đức Maria.
(1) Maria hòm bia thánh: nhiều diễn ngữ và hình ảnh cho thấy tương đồng giữa cuộc thăm viếng của Đức Mẹ với bối cảnh rước hòm bia thánh: vùng Giu-đa, niềm hân hoan, tung hô, chúc tụng, kính sợ, ba tháng. Hơn nữa, chi tiết bà Ysave “thốt lên tiếng kêu và nói” cho thấy một điệu văn phụng vụ diễn tả cảnh hát xướng của đoàn dân khi rước kiệu hòm bia thánh (2Sm 6,5).
(2) Có phúc vì tin vào Lời Chúa: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (1,45). Dường như công phúc Đức Maria hệ tại ở việc tin vào lời Chúa chứ không nguyên chỉ tại được chọn làm Mẹ Thiên Chúa.
(3) Người luôn suy gẫm những mầu nhiệm cứu rỗi và chúc tụng tạ ơn. Qua bài Manificat Luca đã cho thấy Đức Maria đã chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa (1,46-47) vì nhiều lẽ:  Đấng Thánh, Đấng Trung Tín với lời hứa, can thiệp giúp đỡ kẻ yếu hèn (nghèo, khiêm nhường).
3.Đức Maria sinh con (2,1-15)
Luca thuật lại: Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Truyền thống Kitô giáo đã so sánh cảnh Đức Giêsu sinh ra với cảnh Chúa chịu chết. Ngày Chúa ra đời, Đức Maria lấy tả quấn lấy Hài Nhi và đặt trong hang đá; lúc Chúa chịu chết, thì Giuse Arimathê quấn Chúa trong khăn liệm và đặt trong mồ. Như thế, cử chỉ của Đức Maria tiên báo cảnh an táng của Chúa. Trong đoạn này, Đức Maria đã góp phần tiên báo trước cảnh an táng Chúa. Hội thánh chiêm ngưỡng mầu nhiệm gắn với sự nghèo hèn của con Chúa. Và tất nhiên Đức Maria cũng tham dự vào sự khó hèn này.
Bên cạnh đó Luca còn cho thấy Đức Maria là mẫu người luôn trân quý và gìn giữ các biến cố liên quan đến Chúa trong tim mình: “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ (suntêreồ) mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Động từ “suntêreồ” trong tiếng Hy lạp không có nghĩa đơn giản là “ghi nhớ” nhưng có nghĩa là “trân quý”, “bảo tồn”, “gìn giữ”. Đức Mẹ thật là một mẫu gương tuyệt vời về để tâm suy gẫm, gắn bó với “việc Chúa”.
4.Đức Maria dâng con trong đền thờ (2,22-28)

Sự kiện dâng con trong đền thờ bộc lộ hai nét đẹp sau đây của Đức Maria.
(1) Người dâng hiến trọng vẹn: Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng con trong đền thờ để hoàn tất luật Chúa, tiên báo hiến tế cứu độ. Việc Đức Maria tiến dâng Đức Giêsu là một cử chỉ tiên báo việc sẽ dâng tiến mai sau trên thập giá. Đức Maria hy sinh một phần sự sống của mình để dâng lên cho Chúa; với cử chỉ đó Đức Maria muốn nói lên rằng, Đức Giêsu  thuộc về Thiên Chúa chứ không phải là tư sản của mình.
(2) Người chung phần cuộc khổ nạn với Chúa: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Đó là lời mà Ông Simêon tiên báo những đau khổ mà Đức Maria sẽ phải chịu trong sứ mạng làm Mẹ Chúa, Đấng sẽ bị người đời chống đối, sỉ nhục va giết chết trên thập giá. Đức Maria liên kết chặt chẽ với con mình, gắn bó với lời Chúa, và chia sẻ số phận với Đức Giêsu. Chúng ta khám phá sự liên đới của Đức Maria với chúng ta, liên đới trong đức tin, liên đới trong sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu, Đấng chịu chết vì chúng ta.
5. Lạc con trong đền thờ (2,41-46)
Cũng như biến cố sinh Đức Giê-su nơi hang đá, tường thuật về việc Đức Maria tìm Đức Giê-su trong đền thờ làm nổi bật nhân đức yêu mến, để tâm suy gẫm khám phá ý nghĩa các biến cố, tìm ý Chúa trong đời mình. Sau khi tìm được Con sau ba ngày lo âu miệt mài tìm kiếm, nghe con trả lời: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (2,49) Đức Maria lại: “hằng ghi nhớ (điatêréồ) tất cả những điều ấy trong lòng” (2,51). Động từ “điatêréồ” cũng có nghĩa là “trân quý”, “gìn giữ” như ở 2,19. Đức Maria đã chấp nhận mọi biến cố với lòng tin sống động, đắn đo suy nghĩ, đối chiếu trước sau nhờ vậy mà Mẹ đạt đến được đức tin trưởng thành trọn vẹn.

Kết luận

Tin Mừng thánh Luca quả thật đã vẽ nên bức tranh của Đức Maria hết sức tuyệt vời với đầy đủ các gam màu phối hợp hài hòa với nhau. Bao nhiêu tước hiệu xinh đẹp được dành tặng cho Mẹ. Mẹ là Đấng đầy ân sủng, có Chúa ở cùng; đấng đẹp lòng Thiên Chúa; là hòm bia Thiên Chúa; là nữ tỳ của Chúa. Mẹ được hưởng ân phúc vì “tin vào lời Chúa”. Cùng với bao ân phúc, bao tước hiệu là biết bao nhân đức cao đẹp của Mẹ. Mẹ là một mẫu gương sống động về đức “tin vào lời Chúa”; Mẹ suy gẫm công trình của Chúa để rồi chúc tụng tạ ơn; Mẹ luôn ghi nhớ từng biến cố và suy gẫm trong lòng để tìm ý Chúa; Mẹ hiến dâng trọn vẹn cho Chúa, cùng bước với Đức Giê-su trên con đường khổ giá.


No comments:

Post a Comment