Người
Công giáo thường tự hào rằng mình có đức tin chân chính. Và họ càng hãnh diện
hơn khi nhận ra rằng mình được Đức Giê-su chúc phúc: “phúc cho những ai đã
không thấy mà tin” (Ga 20,29). Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức
Giê-su và tông đồ Thomas cho thấy một cái nhìn khá phong phú về đức tin. Đức
tin trong suy nghĩ của mỗi người chắc chắn là khác nhau. Có những người tin mà
không cần hiểu mình tin cái gì hay Đấng mình tin là ai. Có những người thì đòi
hỏi niềm tin phải được nghiệm chứng bằng khoa học, tin phải hiểu, phải hợp lý.
Đó là những quan điểm tiêu biểu của các triết gia thời Trung Cổ. Cuộc đối thoại
giữa đức tin và lý trí là một cuộc đối thoại rất căng thẳng nhưng cũng rất ý
nghĩa cho đời sống của các tín hữu. Lý trí giúp con người hiểu biết những chân
lý để rồi đi đến niềm tin vào Thượng Đế hay chính niềm tin vào Thượng đế là căn
nguyên của mọi hiểu biết? hay đức tín và lý trí là hai lãnh vực hoàn toàn độc lập
chẳng dính dáng gì nhau hết? đó là những câu hỏi được đặt ra trong cuộc đối thoại
giữa đức tin và lý trí. Mỗi quan niệm mỗi lập trường của mỗi triết gia hay trường
phái đều có một ý nghĩa nhất định và cũng có những hạn chế của nó. Bài viết này
chỉ xin được trích dẫn một số lập trường tiêu biểu về đức tin và lý trí của các
triết gia thời Trung Cổ.
1.Tôi
tin vì đó là điều phi lý”[1]
Đó là lập
trường của giáo phụ Tertulien. Đối với triết gia Terlulien (160-240) điều gì mắt
chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không thể hiểu thấu thí mới đáng
để tin; còn điều gì con người có thể hiểu được lý giải được thì không cần phải
tin. Đức tin chắc chắn vượt lên trên sự hiểu biết. Nó hoàn toàn là vấn đề siêu
nhiên. Tertulien là triết gia rất sùng bái đức tin qua mức đến nỗi chống lại
triết học, chống lại lý trí. Hiểu biết ư? Rất đơn giản chỉ cần tin thôi. Đồng
thời chân lý do đức tin mang lại thì chắc chắn hơn lý trí.[2]
Cái lý của Ông đưa ra là: không thể dùng cái hữu hạn để tìm cái vô hạn. Từ đó
Ông cho rằng các triết gia là những người lạc đạo. Đối với Ông, không có chuyện
chú giải Kinh Thánh. Niềm tin ki-tô giáo phải là niềm tin tuyệt đối, đón nhận
trọn vẹn mà không có một chọn lựa hay phê phán nào khác.[3]
Đó là biểu hiện của một sự duy tín cực đoan. Nghĩa là niềm tin vào Thiên Chúa
là đã đủ, không cần chứng minh hay giải thích: “tin bao gồm chân lý không cần
chứng minh hay giải thích”.[4]
Và lý trí vốn cũng không thể nào lý giải được đức tin.
Ý nghĩa: Tertulien là một con người nhiệt
thành. Vì thế trước sự thách thức của một nền văn hóa ngoại giáo Ông đã có những
vấn đề tranh luận rất nẩy lửa để bảo vệ đức tin. Ông có đức tin mạnh mẽ và một
lối sống đơn nghèo. Ông đã chứng tỏ một niềm tin tuyệt đối không gì có thể lay
chuyển được: “Tin là tin vào cái không thể đó mới là tin”. Còn những cái có thể
chứng nghiệm được thì không cần phải tin nữa. Ông muốn khẳng định sự viên mãn của
chân lý đức tin trước phái ngộ đạo muốn mang lại một mạc khải cao hơn mạc khải
của Phúc Âm.[5] Thật
vậy, một niềm tin như thế đôi khi rất có ý nghĩa khi người ta không thể lý giải
những điều vượt quá sự hiểu biết của mình mà những điều ấy thì quá nhiều trong
đời người.
Tuy
nhiên, quan niệm của Ông còn nhiều hạn chế và không được Giáo Hội nhìn nhận. Lập
trường duy tín của Ông có nguy cơ dẫn đến một niềm tin mù quáng. Tin nhưng
không thể hiểu được điều mình tin và Đấng mình tin. Yếu tố mạc khải sẽ bị bỏ
quên nếu ta không tìm hiểu. Tuy Đức Giê-su từng nói “phúc cho những ai không thấy
mà tin” nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài phủ nhận vai trò của sự hiểu biết
về điều mình tin. Chúa ban cho con người khối óc để con người có thể hiểu biết
về Ngài và Ngài luôn hỗ trợ họ trong công việc ấy.
Là một
người cực đoan. Tertulien đã chủ trương một lối sống đạo khắc khổ nặng lề luật.
Ông bị ám ảnh bởi sự lây nhiễm ngoại giáo mà ông có khuynh hướng đề cao sự đoạn
tuyệt tách rời.[6] Điều
này làm giảm đi hòa tính, sự sống động trong ki-tô giáo. Ki-tô giáo có luật lệ
nhưng không chỉ giữ luật một cách cứng nhắc. Hơn tất cả đó là luật đức ái, tình
liên đới, sự giải thoát. Quan niệm của ông có thể là tiền đề cho một lối sống đạo
bổn phận, “pha-ri-sêu”, so đo tính toán thiệt hơn.
Trên
nguyên tắc Ông không kết án việc thi hành các nhiệm vụ công quyền, nhưng Ông đặt
ra các điều kiện mà đến nỗi trên thực tế việc thi hành chức vụ đó không thể làm
được. ông cho phép ki-tô hữu hấp thụ văn hóa thế tục, nhưng không được dạy vì
làm thầy dạy thì lụy vào văn hóa đó hơn học trò.[7]
2. “Tin
để hiểu và hiểu để tin”[8]
Đây chính là luận đề của thánh
giáo phụ Augustine (354-430). Lý trí phụng sự đức tin và khoa học phụng sự tôn
giáo. Lý luận triết học chỉ là cái bóng của đức tin mà thôi. Thế giới Kinh
Thánh là nguồn mạch chắc chắn hơn là mảnh đất của lý luận. Đức tin chắc chắn
hơn sự hiểu biết. điều mang lại sự hiểu biết cho con người không phải là những
suy tư trừu tượng nhưng là lòng tin nơi sự kiện lịch sử về cuộc đời và cuộc tử
nạn của Đức Giê-su. Sau khi trở lại đạo, những cảm nhận về Thiên Chúa, về thân
phận con người làm cho thánh nhân nhận ra sứ giới hạn của lý trí và tăng cảm thức
về đức tin, đức cậy vào Thiên Chúa. Kiến thức, sự hiểu biết sẽ không là gì cả nếu
không phụng sự cho đức tin. Quả thực nữa cuộc đời trước của Augustine là nữa cuộc
đời của hiểu biết, hưởng thụ nhưng tất cả đều vô nghĩa cho đến khi ngài cảm nhận
được sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Lập trường của thánh Augustine
nghiêng hẳn về đức tin khi ngài phát biểu rằng: “tin để hiểu và hiểu để tin”. Đức
tin luôn đi trước nhận thức. Ta có tin rồi ta mới tìm hiểu về niềm tin ấy và sự
hiểu biết sẽ là phương tiện hỗ trợ cho niềm tin của ta. Nhưng căn bản là phải
tin đã. Ví như trong Tin Mừng, dẫu cho Đức Giê-su có làm bao nhiêu phép lạ đi nữa
thì người Do thái vẫn không tin và họ đòi một dấu lạ (Mt 16,1-4), ngay sau khi
Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 8,1-10). Nếu như họ tin thì họ đã thấy dấu
lạ nhưng vì không tin nên tất cả những gì Đức Giê-su làm chưa phải là dấu lạ.
Đức tin sẽ là khởi đầu và căn bản
cho sự nhận thức. Augustine đưa ra hai lý chứng cho vấn đề này. Lý chứng thứ nhất: con người có lý trí
nhưng không phải ai và lúc nào cũng giải quyết vấn đề bằng lý trí; các nhà khoa
học dựa vào lý trí còn đại đa sống chúng ta dựa vào đức tin. Lý chứng thứ hai: lý trí con người
không thể thâu tóm thế giới vô hình. Phạm vi của nó hẹp hơn đức tin. Cái gì tôi
hiểu thì tôi mới tin nhưng không phải tất cả những gì tôi tin thì tôi đều hiểu
cả. lý trí không kiểm soát hành vi của ý chí.[9]
Ý
nghĩa: thánh
Augustine đem đến cho ki-tô giáo một niềm tin thuần khiết bằng chính kinh nghiệm
sống của mình và qua những tác phẩm của ngài đặc biệt là cuốn “Tự Thuật” (The
Confession). Ngài đã chứng minh cho mọi người thấy không phải chính sự thông
minh, uyên bác đã làm cho người ta tin nhưng là một cảm nghiệm, một tác động từ
Kinh Thánh. Ngài cho thấy tầm quan trọng của việc đọc Kinh Thánh và sức biến đổi
của Kinh Thánh.
Ngài đóng góp một lập trường lấy
đức tin làm căn bản cho sự hiểu biết và mọi sự hiểu biết nhằm phục vụ cho đức
tin. Điều đó có nghĩa là ngài xác nhận sự hiện diện của Thiên Chúa như là Đấng
hướng dẫn và là cùng đích của mọi suy tư lý luận, tìm tòi của con người.
Tuy vậy, lập trường của thánh
Augustine đã đóng góp ít nhiều vào việc phân biệt giữa thần quyền và thế quyền.
Ngài đặt thần quyền lên đỉnh cao chót vót và coi nhẹ thế quyền. Điều đó được biểu
hiện rõ trong tác phẩm “Thành Đô Thiên Quốc”. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triết
học Platon, thánh nhân coi nhẹ thân xác và coi nó như một công cụ của linh hồn.
Thân xác con người thật sự tốt đẹp ngang hàng với linh hồn ngay từ buổi đầu tạo
dựng. Thiên Chúa không dựng lên thân xác như nơi trú ẩn cho linh hồn hay linh hồn
là nền tảng của thể xác. Cả hai là một thể thống nhất không thể tách rời và có
giá trị như nhau.
Con đường
nội tâm của Augustine là tốt nhưng không tuyệt đối. Bởi con đường nội tâm không
phải là con đường duy nhất để lên thiên đàng. Con người sống trong lịch sử cứu
độ cùng với đức cậy, sự đồng hành trong hiệp thông, cộng tác với Chúa trong những
công việc thường ngày cũng là một con đường đón nhận ơn cứu độ.
Ngoài ra thánh nhân còn cho rằng ý
chí con người thì tự do nhưng giới hạn trong sự tiền định của Thiên Chúa. Đây
có vẻ như là một lối nhìn mang tính tiền động. Con người thật sự tự do và Thiên
Chúa không giới hạn tự do ấy của con người. Ngài đóng vai trò hỗ trợ và ban ơn
soi sáng. Nhưng quyết định chọn lựa vẫn là của con người.
Không thể tìm thấy Thượng Đế
trong tự nhiên mà chỉ có thể tìm thấy trong bản thân con người. thật ra, Thượng
đế, hay Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi và mọi vật, thiên nhiên hay con người
đều là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa vậy tai sao ta không thể tìm thấy
Thiên Chúa trong chính tự nhiên. Vậy tự nhiên có phải là do Chúa dựng nên
không? Nó vận động nhờ đâu và nhằm mục đích gì? Chúng có liên hệ với Chúa
không? Đó là những vấn nạn cho lập trường trên.
3. “Siêu
nhiên không phá đổ tự nhiên nhưng kiện toàn tự nhiên”[10]
Trong bầu
khí triết học Platon và Augustine, con người dường như bàng bạc một màu sắc
chán đời. Người ta khinh chê trần gian, coi thường thế giới. May thay, trong
hoàn cảnh ấy có một thần học gia trung dung hơn. Thánh Thomas (1225-1274) đưa
ra một nền tảng triết lý, một con đường đến với Chúa thông qua việc trân trọng
trần gian, khám phá trần gian rồi vượt lên trên trần gian để kết hợp với Chúa.
Đối với
thánh Thomas, đức tin và lý trí là hai lãnh vực riêng và Thiên Chúa la chủ thể
của cả hai lãnh vực đó. Đức tin bao gồm cả những chân lý được nhận biết nhờ ánh
sáng mạc khải mà ta không thể biết được sự hiển nhiên nội tại của nó. Thomas
không chủ trương xây dựng một hệ thống triết lý hay tìm một lập trường triết lý
chỉ vì triết lý. Mối bận tâm của ngài là tìm những nền tảng triết lý để làm
sáng lên niềm tin. Học thuyết Thomas là sự tổng hợp của triết học Augustine và
Aristotle.[11]
Đức tin
không vượt qua lý trí về mặt nhận thức. Lý trí khởi đi từ những vật khả giác để
lần bước lên Thiên Chúa. Lý trí cung cấp cho ta những dữ kiện tâm lý hay những
giải pháp xã hội.
Thánh
Thomas đã dung hòa đức tin và lý trí vì cả hai đều bắt nguồn từ Thiên Chúa nên
không xung khắc nhau. Mỗi loại nhận thức đều có một vai trò cụ thể. Niềm tin
giúp ta đạt tới đối tượng siêu việt còn lý trí lại vượt xa niềm tin ở chỗ soi
sáng từng bước hành trình của con người nhưng lại không lại không chắc chắn đạt
tới mục tiêu đích thực.
Theo
Thánh Thomas có hai loại chân lý:[12]
- Chân lý lý tính: là loại chân lý mà con người có thể đạt đến nhờ trí tuệ của mình
- Chân lý siêu lý tính: là loại chân lý chỉ đạt được nhờ đức tin. Nguồn gốc của những chân lý ấy là trí tuệ Thiên Chúa. Lòng tin tôn giáo là nguồn gốc cao nhất của mọi tri thức con người. Hay nói như thánh Clement: “Tri thức và đức tin thống nhất với nhau và ưu thế nghiêng về đức tin. Không có đức tin sẽ không có tri thức và ngược lại đức tin mà không có tri thức như một nền móng mà không có gì xây lên.”
Ý nghĩa:
Như
vậy, nơi lập trường thánh Thomas ta không tìm thấy sự đối chọi hay loại trừ nào giữa đức tin và ký trí. Lập
trường thánh Thomas xem ra hợp lý hơn cả và được Giáo hôi công nhận làm nền tảng
cho triết lý của mình. Thần học dựa trên đức tin còn triết học dựa trên lý trí.
Niềm tin vượt quá lý trí ở đối tượng và lý trí lại hơn niềm tin ở phương cách
và mỗi bên đều có lãnh vực khác biệt, tự lập.[13]
Đó
là một sự kết hợp hài hòa giữa tri thức và đức tin. Trời đất bao la vũ trụ còn
có rất nhiều điều làm cho con người kinh ngạc. Những thứ làm cho con người kinh
ngạc còn rất nhiều và con người cần phải biết kinh ngạc trước thiên nhiên. Từ
những ngạc nhiên đó con người buộc phải tìm tòi hiểu biết. Tuy nhiên, sức người
có hạn, trí tuệ con người vốn bất toàn, con người dù thông minh đến mấy vẫn
không thể hiểu hết được những gì mình muốn hiểu. Khi đó đức tin sẽ soi sáng cho
tâm hồn con người về Thiên Chúa và công trình của Ngài.
Kết luận
Các
triết gia thời Trung Cổ đã không ngừng tìm tòi và biện luận tương quan giữa đức
tin và lý trí. Có người cho rằng chẳng cần hiểu biết làm gì chỉ cần tin thôi là
tự nhiên hiểu biết. Có lập trường cho rằng triết lý chỉ là nô lệ của thần học,
thân xác chỉ là công cụ của linh hồn. Tất cả dường như vẫn chưa thõa mãn trí
lòng con người. Và tốt nhất là đức ở giữa đức tin và lý trí, không ngiêng về
bên nào cả để có một cái nhìn thật sự khách quan về cả hai lãnh vực đó. Đức tin
quả là một ân ban của Thiên Chúa, thế nhưng Thiên Chúa lại không ban đức tin
như một cái bánh bất động, bất đi bất dịch. Đức tin ấy được trao ban qua mạc khải
và nuôi dưỡng nữa. đó hoàn toàn không phải là vấn đề tất định, con người có tự
do đón nhân và tim tòi.
“
Chính đức tin, theo ki-tô giáo cũng là một sự tra hỏi một cố gắng trong tìm
chân lý không phải là một sự tin vờ thấy quấy một sự chấp nhận không suy tư và
vô ý thức.”[14]
Công Đồng Vat. II dạy rằng: Chân lý mà người ta đạt được do suy luận triết lý
và chân lý mạc khải không bao giờ hỗn đồng với nhau. Chân lý nọ không làm cho
chân lý kia dư thừa. chân lý mạc khải đương nhiên không phải là đỉnh cảo của sự
hiểu biết của con người. người ta không thể hiểu biết những biến cố lịch sử cho
sâu xa nếu không tin nhận Thiên Chúa hoạt động trong đó. Đức tin là một sự tập
luyện tư tưởng. Lý trí con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ gục khi
công nhận nội dung của đức tin. Nội dung này luôn được chấp nhận bằng một lựa
chọn tự do và có ý thức.[15]
Tiến
sĩ Collons trong tác phẩm “Ngôn Ngữ Của Chúa” đã đặt ra giả thiết như sau: “Trong
một xã hội tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, liệu
niềm tin vào Thiên Chúa có bi xem như là mê tín và nên chấm dứt? hoặc chúng ta
có quay lưng lại với khoa học vì nó là mối đe dọa cho đức tin, quay lưng lại với
tất cả những hiểu biết và áp dụng tự nhiên vào loại bỏ khổ đau và làm cho nhân
loại tốt đẹp hơn?”
Và
Ông đã kết luận như sau: “Cả hai sự chọn lựa trên đều rất nguy hiểm. lý do: cả
hai đều phủ nhận sự thật và làm giảm sự cao quý của con người. Cả hai đều sẽ hủy
diệt tương lai chúng ta và cả hai đều không cần thiết. chúa của Kinh Thánh cũng
chính là Chúa của vũ trụ. Sự sáng tạo của Ngài là kỳ diệu, đẹp đẽ, đáng kính nể
và nó không thể xung đột với chính bản thân nó.[16]
Do vậy, một thái độ dung hòa cả hai lập trường là thái độ dễ chấp nhận và phù hợp
nhất.
[1]
Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học Tây phương, tập II, thời
Thượng cổ (HVĐM, 1998), tr.34.
[2]
Ibid., tr.32.
[3]
Ibid., tr. 31.
[4]
Xc. Doãn Chính & Đinh
Ngọc Thạch, Triết học Trung Cổ Tây Âu
(Hà nội:Thanh niên, 2003), tr.57.
[5] Xc. Jacques Liebaert, bản việt ngữ Giáo Phụ, tập I (Đại chủng
Viện Giuse), tr. 127.
[6]
Ibid., tr.124.
[7]
Ibid., tr.124.
[8]
Xc. Nguyễn Trọng Viễn, sđd., tr.47-48.
[9]
Xc. Doãn Chính & Đinh
Ngọc Thạch, sđd., tr.79.
[10]
Xc. Nguyễn Trọng Viễn, sđd., tr.195.
[11]
Ibid., tr.194-195.
[12]
Hà Thiên Sơn, Lịch Sử Triết học (TpHCM: Trẻ, 1999),
tr.208.
[13]
Xc. Nguyễn Trọng Viễn, sđd., tr.196.
[14]
Xc. Thiện Cẩm, Ki-tô giáo với các tôn giáo khác (Sài
Gòn: Đa Minh Thiện Bản, 1970), tr.68.
[15]
Xc. Gioan Phaolô II, Thông điệp đức tin và lý trí, 1999.
[16]
Xc. Francis S.Colins, Bản
Việt ngữ Ngôn Ngữ Của Chúa
(Hà Nội: Lao động, 2007), tr.257-258.
No comments:
Post a Comment