Saturday, 8 March 2014

ĐỨC GIÊ-SU ĂN CHAY


Ở Tu Hội Gia Đình Na Gia, Khiết Tâm, Thủ Đức có một phương pháp chữa bệnh khá đặc biệt. Đó là chữa bệnh bằng phương pháp tuyệt thực. Có rất nhiều người đến đó chữa bệnh. Thường thì, bệnh nhân không ăn gì cả, chỉ uống nước lọc, trong khoảng thời gian 15 -20 ngày. Sau đó, họ bắt đầu tiến trình ăn lại bằng nhiều công đoạn như: uống nước gạo rang, ăn bột gạo, ăn cháo loãng, rồi cháo đặc rồi mới ăn cơm gạo lức.

Khi chia sẻ cảm nghiệm sau nhiều ngày nhịn ăn như vậy, nhiều người chia sẻ cùng một kinh nghiệm hết sức đặc biệt: khi cơ thể mình yếu ớt thì tinh thần của mình lại rất mạnh, mình cảm thấy gần gũi, gắn bó mật thiết với Chúa hơn, muốn đến với Chúa hơn và trở nên hiền lành, vui vẻ với tất cả mọi người, không còn muốn tranh chấp cãi vả giận hờn ai nữa!


Mùa Chay là một mùa rất đẹp, rất thuận tiện để cho mỗi người chúng ta tìm về với Chúa và tìm đến với nhau. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại thân phận mỏng dòn, yếu đuối, bất trung, phản bội của ông bà nguyên tổ và của chính mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Đồng thời cũng chỉ cho chúng ta cách thức để vượt qua những cám dỗ hầu giữ lòng trung thành với Chúa cho đến cùng.

Bài trích sách Sáng thế (St 2,7-9; 3,1-7) hôm gợi nhớ lại một câu chuyện tình lãng mạn, thơ mộng, đẹp đẽ, giữa Thiên Chúa và con người. Mối tình ấy đã được Thiên Chúa Tình Yêu khởi sự bằng cách làm nên con người chỉ để trao ban tình yêu cho họ và để cho họ được chung hưởng hạnh phúc với Ngài.

Thế nhưng, nghiệt ngã thay, mối tình ấy đã vỡ tan trong đau đớn bẽ bàng, khi con người bắt tay với ma quỷ để phản bội lại Thiên Chúa, để rồi chuốc lấy hậu quả là đau khổ triền miên và phải chết.

Thánh Phao-lô đã đúc kết rằng: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Quả thế, tội lỗi không những hủy hoại và giết chết ông bà nguyên tổ nhưng đã lan tràn và có nguy cơ hủy diệt tất cả mọi người.

Tuy nhiên, rất may cho chúng ta, may  mắn lắm là: “dẫu cho ta không trung tín, Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Dù cho con người có phản bội Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Chính vì thế mà chúng ta có Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và chính Đấng Emmanuel sẽ cứu con người khỏi tội lỗi của họ và chỉ cho họ thấy con đường trở về với Chúa và đến với nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 4,1-11), kể lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giê-su chịu quỷ cám dỗ. Cuộc cám dỗ Đức Giê-su chịu hôm nay là cuộc cám dỗ đã khởi đầu trong vườn địa đàng và đã kéo dài trong lịch sử dân Chúa suốt 40 năm trong Sạ-mạc, và sẽ tiếp tục trong lịch sử nhân loại cho đến ngày tận thế.

Ma quỉ luôn xuất hiện đúng lúc và đánh vào điểm yếu của con Người. Khi Đức Giê-su cảm thấy đói, nó liền xuất hiện và gợi ý cho Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi”. Quỷ muốn Đức Giê-su, sử dụng quyền năng để thỏa mãn nhu cầu bản thân mà đánh mất sự tín thác vào Thiên Chúa.

Đây chính là cơn cám dỗ mà dân Ít-ra-en đã gặp phải trong Sa-mạc và họ đã vấp ngã. Khi gặp cảnh đói khát, họ đã lẩm bẩm kiêu trách Chúa và tiếc nuối những nồi thịt, bánh trái bên Ai Cập: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !" (Xh 16,3).

Khác với dân Ít-ra-en xưa, Đức Giê-su, trong thân phận con người dẫu phải trải cơn đói khủng khiếp vẫn một lòng trung tín. Ngài sống nhờ vào “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” và “lương thực của Ngài là thi hành ý muốn của cha Ngài”.

Trong cơn cám dỗ thứ hai, tên cám dỗ dùng chính lời Kinh Thánh để xúi dục Đức Giê-su thách thức Thiên Chúa, buộc Chúa phải ra tay, bằng cách gieo mình xuống từ nóc đền thờ. Quỷ xúi dục Đức Giê-su: Gieo mình xuống đi! Sợ gì? vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ sai “thiên sứ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Dân Ít-ra-en cũng đã từng thách thức Đức Chúa, nhiều lần đòi Thiên Chúa phải can thiệp để chứng tỏ sự bảo đảm của Chúa về bánh ăn, nước uống và những nhu cầu khác sau khi Chúa dẫn họ ra khỏi Ai-cập. Ngược lại với dân Ít-ra-en, Đức Giê-su cho thấy một lòng trung tín tuyệt đối khi Ngài nhất quyết không thử thách Đức Chúa: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

Cám dỗ thứ ba là gợi ý hết sức táo bạo của tên cám dỗ. Nếu như hai cám dỗ kia, quỷ gián tiếp bảo Đức Giê-su hãy vì lợi ích bản thân mình mà ngoảnh mặt lại với Thiên Chúa, thì lần này nó muốn Đức Giê-su phải thờ lạy chính nó. Cám dỗ này gợi nhớ lại cám dỗ con bê vàng của dân Ít-ra-en. Họ muốn tạo cho mình một vị thần để thỏa mãn nhu cầu của họ. Trái ngược với thái độ của dân Ít-ra-en, Đức Giê-su một lần nữa cho thấy Ngài vẫn một lòng trung thành và triệt để thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Cơn cám dỗ của Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở đây nhưng sẽ kéo dài mãi suốt hành trình làm người của Ngài, cho đến hơi thở cuối cùng. Trên thập giá dân chúng và cả tên trộm đã thách thức Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi, hãy tự cứu mình đi và cứu chúng tôi nữa”. Đức Ki-tô vẫn kiên cường, Ngài đã chiến thắng tất cả để mang lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài và trung tín với Chúa cho đến cùng.

Những cơn cám dỗ của Đức Giê-su cũng là những cơn cám dỗ diễn ra từng phút, từng giờ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đó là những ước muốn thõa mãn những nhu cầu xác thịt mà quên đi lương thực Lời Chúa. Đó là thói kêu ngạo dám thách thức Thiên Chúa, là tính ích kỷ chỉ muốn Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu của mình và muốn người khác phục vụ mình. Đó cũng là thói quen thờ ngẫu tượng, thần tài, những vị thần mà ta nghĩ sẽ mang đến cho ta những mối lợi về của cải, vật chất. Làm sao để chúng ta có thể vượt qua những cơn cám dỗ ấy?

Thưa! Có một cách rất hữu hiệu. Đó là: Ăn chay bốn mươi đêm ngày như Chúa Giê-su đã làm. Những hành động cụ thể thường được áp dụng trong Mùa Chay là: cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm việc bác ái hay là bố thí. Cầu nguyện nhiều hơn để chúng ta gắn bó với Chúa hơn; Ăn chay, hãm mình để chúng ta chế ngự những thói hư, tật xấu, những ham muốn thể xác của mình; và bố thí là một phương thức để chúng ta tỏ lòng yêu thương đối với anh chị em khốn khổ xung quanh mình.

Trong bài giảng Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, 2014, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại tầm quan trong của 3 yếu tố: cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc (Xc Mt 6,1-6.16-18). 

Trước tiên là cầu nguyện, đây là sức mạnh của mỗi Kitô hữu: mùa chay là mùa cầu nguyện khẩn trương, siêng năng hơn, có khả năng đảm trách những nhu cầu của anh em, chuyển cầu trước Thiên Chúa cho bao nhiêu tình trạng nghèo đói và đau khổ.”

"Thứ hai là chay tịnh. Chay tịnh bao gồm việc chọn lựa một lối sống tiết độ, không phung phí, không vứt bỏ. Chay tịnh giúp chúng ta tập luyện tâm hồn quen với những gì là thiết yếu và sự chia sẻ. Đó là dấu chỉ sự ý thức và trách nhiệm trước những bất công, lạm quyền, đặc biệt là đối với những người nghèo hèn bé nhỏ, và là dấu chỉ niềm tín thác chúng ta đặt tới Thiên Chúa và sự quan phòng của Chúa.”


"Sau cùng là làm phúc, nó nói lên sự nhưng không, vì trong khi làm phúc, chúng ta cho một người khác mà không mong nhận được cái gì bù lại. Sự nhưng không phải là một trong những đặc tính của Kitô hữu. Ngày nay, sự nhưng không thường không thuộc về đời sống hằng ngày, vì trong đó người ta mua bán, tính toán, đo lường. Việc làm phúc giúp chúng ta sống sự nhưng không của hồng ân, là sự giải thoát khỏi ám ảnh chiếm hữu, sợ mất điều mình có, nỗi buồn phiền của kẻ không muốn chia sẻ với tha nhân sự sung túc của mình”.

Nguyện chúc cho tất cả thành viên trong giáo xứ chúng ta và tất cả mọi người có những ngày ăn chay cụ thể, những việc hãm mình cụ thể, những giờ cầu nguyện cụ thể và làm việc bố thí thiết thực. Để rồi sau Mùa Chay này chúng ta được thân thiết, gắn bó với Chúa hơn và thân thiện với anh chị em xung quanh mình hơn! Amen!

Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment