Trong bộ
phim Tây Du Ký, trên hành trình lên Tây Trúc thỉnh Kinh, thỉnh thoảng thầy trò
Đường Tăng lại nghỉ chân ở một nơi nào đó. Các đồ đệ vào trong làng xin cơm
chay. Và yêu quái thường xuất hiện để làm hại Đường Tăng trong những dịp như
thế. Khung cảnh ấy giống giống với khung cảnh của câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su dừng chân bên bờ giếng, các môn đệ vào thành mua thức ăn. Chính
trong bối cảnh ấy, Đức Giê-su đã gặp gỡ và khởi đầu câu chuyện với người phụ nữ
Samari.
Thoạt
nghe qua, người ta có thể lầm tưởng rằng, Đức Giê-su chỉ là một người bộ hành
bình thường, tình cờ đi qua đây, rồi mệt mỏi, dừng chân, khát nước và xin nước.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản như thế. Đoạn Tin Mừng hôm nay còn một
câu mấu chốt rất quan trọng phía trước: Đức Giê-su bỏ miền Giuđê mà trở lại
Galilê. Nhưng, Người phải băng qua Samari. Việc Đức Giê-su đến vùng Samari là
một sứ vụ nhất thiết Ngài phải làm, chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên, tình
cờ.
Dĩ nhiên,
khởi đầu Đức Giê-su cũng có mệt mỏi, khát nước. Thế nhưng có một cơn khát khác
mãnh liệt hơn trong lòng Ngài. Chính cơn khát đó đã thúc đẩy Ngài đến nơi này
và gặp người phụ nữ này. Cơn khát mãnh liệt ấy là gì thưa quý OBACE? Thưa! Đó
là cơn khát khao tình yêu và đức tin của con người. Đó là niềm khát khao mang
ơn cứu độ, ơn giải thoát đến cho tất cả mọi người trong khu làng ấy.
Thánh
Gioan đã khéo léo móc nối, để diễn tả sự kéo dài nỗi khát khao của Đức Giê-su
khởi đầu từ nơi đây, mãi cho đến lúc Ngài chịu đóng đinh trên thập giá. Câu
chuyện Đức Giêsu khát nước ở đây diễn ra vào khoảng giờ thứ sáu (tức là khoảng 12 giờ trưa). Đây cũng chính là khoảng
thời gian Đức Giê-su chịu khổ hình trên thập giá và trong khoảng thời gian ấy Ngài
cũng đã kêu lên rằng “Ta khát” (Ga 19,28).
Rồi chúng
ta sẽ thấy, chính cơn khát khao mang ơn cứu độ ấy, khát khao đức tin và tình
yêu của nhân loại ấy, sẽ chi phối toàn bộ câu chuyện giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Samari bên
bờ giếng Gia-cóp, chứ không phải là chuyện khát nước bình thường.
Đức
Giê-su đến đây để trao ban “nước hằng sống” là chính Ngài cho người phụ nữ. Nhưng
trước khi trao ban “nước hằng sống” cho người phụ nữ, thì Đức Giê-su lại phải
gợi lên trong lòng chị một niềm khao khát và xin được “uống thứ nước ấy”.
Tuy
nhiên, muốn gợi lên trong lòng người phụ nữ một niềm khao khát “nước hằng sống”
thì Đức Giê-su lại phải chứng tỏ cho chị thấy rằng Ngài là một người đáng tin cậy, Ngài là một vị ngôn sứ và
hơn nữa là Đấng Mêsia. Đức Giê-su đã làm được điều đó khi Ngài chạm được vào tâm
hồn của chị. Ngài chạm được vào quá khứ đau thương, tủi nhục mà không một ai có
thể cảm thông chia sẻ cùng chị được.
Sự thật
bẽ bàng về một đời sống thiếu thủy chung. Sự tủi nhục của một phận gái lênh
đênh, bèo bọt, kiếp chồng tạm, vợ hờ. Sự thật ấy đã đẩy chị ra khỏi dân làng,
để một mình đi lấy nước, giữa lúc trời nắng gắt nhất. Sự thật ấy không ai chạm
vào được và chính bản thân chị cũng không muốn chạm vào. Chỉ có Đức Giê-su với
sự tinh tế, nhạy cảm, đồng cảm, của một vị ngôn sứ mới giúp chị tìm lại chính
mình.
Quả thế,
sau cuộc nói chuyện với Đức Giê-su, người phụ nữ chợt bừng tỉnh cách diệu kỳ,
niềm vui dâng trào, chị quên mất mục đích mình đến giếng nước để làm gì. Chị
đến để lấy nước nhưng chị để vò nước lại, để chạy vào và loan tin cho dân làng:
“Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy
không phải là Đấng Ki-tô sao? ". Chỉ có Đấng Ki-tô mới chạm vào được cõi
lòng u uất của chị và ban cho chị một nguồn nước trường sinh tuyệt diệu như
thế.
Nhờ niềm
tin vào Đức Giê-su, chị đã thật sự cảm nếm “nước hằng sống”, nguồn nước đem lại
cho chị sự hy vọng, lạc quan, và niềm vui sau những ngày đen tối. Không phải
một mình chị, mà có rất nhiều người Samari đã tin vào Đức Giê-su và làm chứng
rằng: “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ
trần gian."
Câu chuyện
có một kết thúc hết sức lạ lùng nhưng lại rất hợp với ý định yêu thương của
Thiên Chúa. Chúng ta thấy, câu chuyện khởi đầu bằng việc Người phụ nữ Samari đi
lấy nước, rồi Đức Giê-su xin uống nước nhưng đoạn kết câu chuyện thì chẳng liên
quan gì đến nước uống nữa. Đó là đoạn kết của niềm vui vỡ òa của những người
tin khi họ đón nhận Đức Giê-su, nguồn nước hằng sống, Đấng cứu độ trần gian.
Đấng đã đến và ở lại với ngôi làng của họ.
Điều này chứng tỏ rằng, Đức Giê-su đến
Samari với một niềm khát khao mãnh liệt là mang Tin Mừng cứu độ người phụ nữ
Samari và cả dân làng Samari. Ngài dừng chân ở bờ giếng Gia-cóp không phải chỉ
là vì cơm ăn, nước uống nhưng là để: “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ngài, và
hoàn tất công trình của Người”. Thánh ý của Chúa Cha là gì? Thưa là: tất cả những
ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ
sống lại trong ngày sau hết." (Ga 6,40).
Thánh
Phao-lô dạy rằng: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào
hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn
tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”.
Hành
trình của Mùa chay và cũng hành trình của cả đời người chúng ta là cuộc hành
trình tìm về với Chúa và tìm đến với tha nhân. Đức Giê-su vẫn miệt mài rong
ruổi tìm kiếm, để trao ban tình yêu, bình an và hạnh phúc cho mỗi người chúng
ta. Chỉ có một niềm khao khát “nước hằng sống” thể hiện bằng một niềm tin và
tình yêu vào Đức Ki-tô mới mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc trọn
vẹn. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy mau đến với Chúa, hãy để
cho Chúa chạm vào những vết thương lòng của quá khứ tội lỗi, để chúng ta được
hòa giải với mình với Chúa và với tha nhân nữa. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta
bắt chước Đức Giê-su luôn khát khao chia sẻ niềm đau, nổi buồn và mang niềm
vui, bình an đến với những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày!
Xin được
kết thúc bài chia sẻ bằng một lời nguyện trích lại trong ca khúc “Chạm Lòng Con,
Chúa ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thôn.
Chạm
lòng con Chúa ơi ngay giờ này.
Chạm lòng con để con không xa Ngài.
Chạm lòng con để con say mê Ngài.
Chạm lòng con để con luôn tin Ngài.
Chạm lòng con để con luôn yêu Ngài.
Vực
con vươn lên, khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng.
Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não.
Thì con sẽ hát khúc hát ngợi khen danh Chúa.
Xin Thần Linh đến chạm vào con ngay Chúa ơi!
Chạm lòng con Chúa ơi ngay giờ này.
Duy Thạch SVD
No comments:
Post a Comment