Friday, 14 March 2014

Ý NGHĨA CUỘC BIẾN HÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU


Cuộc biến hình của Đức Giê-su là một biến cố rất đặc biệt được cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật lại (Mt 17, 1-8; Mc 9:2-8; Lc 9:28 -36). Khác với những biến cố khác, Đức Giê-su đã không thông báo điều gì sẽ xảy ra, các môn đệ chắc chắn không có ý niệm gì trong đầu về điều đó, và sự kiện này không bao giờ lặp lại. Cũng không có một lời nào trong sách Cựu Ước tiền báo về việc này. Cũng không có một nối kết nào với bất cứ một bài giảng nào của Đức Giê-su, và Đức Giê-su bảo những người chứng kiến cuộc biến hình phải giữ kín về những gì họ đã thấy. Thậm chí ngày nay, đối với nhiều sinh viên, đó vẫn là một sự kiện bí ẩn, một sự kiện thoạt nhìn cũng mang đến cảm giác lúng túng. Những lý giải về sự kiện này thường thì rất trừu tượng, dường như nó có rất ít hoặc không liên quan gì đến ơn cứu độ của chúng ta. Tuy thế, nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng khung cảnh này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng nó một cái gì khác hơn chỉ là một sự kiện tình cờ và nó có sự nối kết với sự vụ của Đức Giê-su và ơn cứu độ của chính chúng ta nữa. Muốn hiểu phần nào ý nghĩa của cuộc biến hình, thiết nghĩ chúng ta phải quay về bối cảnh chung Tin Mừng Mat-thêu chương 16-17.


1.      Bối cảnh

Trong chương 16, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ về việc dân chúng và các môn đệ nhận thức thế nào về Ngài ( Mt 16,13). Dân chúng cho rằng Đức Giê-su chắc hẳn là một trong các ngôn sứ vĩ đại của dân Ít-ra-en trở về (Mt 16,14). Đây không phải là một câu trả lời tồi, vì những đặc tính của ngôn sứ thể hiện nơi việc mục vụ của Đức Giê-su rất rõ ràng giống với công việc của những ngôn sứ trong Cựu Ước. Tuy nhiên, các môn đệ, người có tương quan thân mật với Đức Giê-su, bắt đầu nhận thức rằng Ngài là Đấng Mê-si-a được tiền báo.

Có thể nói rằng, chương trình đào tạo các môn đệ của Đức Giê-su gồm hai giai đoạn: (1) nhận dạng Đức Giê-su và (2) Hiểu rõ về Ngài. Trong giai đoạn thứ nhất trong sứ vụ của Đức Giê-su, các môn đệ đã đồng hành với Ngài khắp Ga-li-lê, quan sát quyền năng làm phép lạ của Ngài và lắng nghe giáo huấn của Ngài. Công đoạn này nhằm giúp cho các môn đệ nhận dạng Đức Giê-su một cách chính xác. Ngài dần hiểu ra rằng Ngài không chỉ đơn thuần là một ngôn sứ, nhưng là Con Thiên Chúa. Các môn đệ đã đạt tới đỉnh cao đó trong Mt 16,16, với lời tuyên xưng của Phê-rô.

Mục tiêu của công đoạn thứ hai trong tiến trình đào tạo là dạy cho các môn đệ phải hiểu như thế nào về danh hiệu Con Thiên Chúa như lời Phê-rô tuyên xưng. Rõ ràng là các môn đệ cũng nuôi dưỡng một loại hy vọng về một Đấng Mê-si-a như bất cứ một người Do thái nào vào thời ấy. Dân chúng chung chung mong đợi một hình tượng quân sự, một vị tướng lãnh sẽ dẫn dắt Ít-ra-en chống lại kẻ thù và thiết lập một Vương Quốc Thiên Chúa ngay trên trần gian này (hoặc ít ra cũng tái thiết vương quốc vinh quang của vua Salomon). Người Do Thái mong đợi một sự hồi sinh mang tầm mức quốc gia và một giai đoạn vinh quang vô địch. Ví dụ như trong Mt ch.14 Đức Giê-su cho 5000 người ăn no nê, Tin Mừng Thứ Tư cho biết chính điều này đã thúc đẩy đám đông tôn Đức Giê-su lên làm vua ngay lập tức (Ga 6,15). Tuy nhiên, Đức Giê-su đã từ chối bất cứ bất cứ vị thế nào trong sự mong đợi theo kiểu thế gian như thế. 

Trong Mt 15,29 chúng ta đọc thấy Đức Giê su cứu chữa nhiều người và cho 4000 người ăn no. Điều này làm cho những người Pha-ri-sêu suy nghĩ rằng liệu Đức Giê-su có phải là Đấng Mê-si-a, biểu hiện là họ đến và hỏi xin Ngài một dấu lạ (Mt 16,1tt). Đức Giê-su biết rằng các môn đệ của Ngài cũng nuôi dưỡng một niềm  mong đợi như thế (Lc 22,37-38 và Cv 1,6). Vì vậy, Ngài hỏi các ông câu hỏi nổi tiếng trong Mt 16,15, “Còn anh em bảo thầy là ai?”
Tuyên xưng của Phê-rô trong Mt 16,16 là một cú đột phá tuyệt vời, và Đức Giê-su đã khen ngợi Phê-rô vì điều đó (Mt 16,17). Ngài muốn các môn đệ tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a. Lời tuyên xưng này đã đánh dấu một bước ngoặc thay đổi trong trình thuật. Từ trước giờ, Đức Giê-su đã làm những dấu lạ, tranh luận với nhóm Pha-ri-sêu, từ từ đưa ra những dấu hiệu về căn tính của Ngài. Giờ đây, sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Đức Giê-su trực tiếp giới thiệu về căn tính ấy hơn trong cách thức Ngài cư xử với các môn đệ.

Lập tức sau lời tuyên xưng đột phá của Phê-rô, Đức Giê-su liền thông báo lần đầu tiên, bằng một cách thứ cụ thể, về cái chết và sự phục sinh của Ngài (Mt 16,21). Đây là một sự xung đột, đối đầu giữa ý tưởng chung về Đấng Thiên Sai (mà các môn đệ đang có) và ý niệm Thánh Kinh (mà Đức Giê-su muốn nói). Ý tưởng phổ biến cho rằng, Đấng Thiên Sai đến để đè bẹp kẻ thù và tỏ lộ vinh quang trần thế. Đức Giê-su, Đấng thừa nhận là Đấng Thiên sai, nói cùng các môn đệ rằng Ngài trái ngược lại với những gì họ đang nghĩ, đang mong đợi. Ngài sẽ chịu một cái chết nhục nhã và bị quân thù đè bẹp một cách công khai. Dẫu rằng những đoạn như là Is ch.53 (Người tôi trung đau khổ) đã nói rõ điều này, thì niềm mong đợi một Đấng Thiên Sai phổ biến vẫn không muốn biết đến và chấp nhận chuyện này. Hơn nữa, lời tiền báo của Đức giê-su về sự phục sinh của Ngài chắc hẳn là vô nghĩa đối với những quý các môn đệ. Họ không mấy lưu tâm đến sự phục sinh. Nó quá xa lạ đối với họ. Tất cả những gì họ mong đợi là kết quả tức thì, ngay trước mắt.

Vì thế, chẳng lạ gì mà Phê-rô phản ứng như thế khi ông nghe lời tiền báo này (Mt 16,22). Phê-rô không thể tưởng tượng được là Đấng Thiên Sai chết dưới tay kẻ thù. Đức Giê-su chắc hẳn đã nhầm lẫn rồi, ông nghĩ. Tuy nhiên, Đức Giê-su quay lại và trách mắng Phê-rô gay gắt vì ông không chấp nhật ý tưởng về cái chết và phục sinh của Ngài. Ngài lại còn tiếp tục giải thích là không những Ngài sẽ chết mà các môn đệ cũng phải theo Ngài chết như vậy (Mt 16,24). Thật là một sự thật điên rồ, khó ai có thể dung nạp vào đầu óc cho được.

2.      Cuộc biến hình

Chính trong bối cảnh nhầm lẫn, bối rối của các môn đệ mà tác giả mô tả cuộc biến hình. Sáu ngày qua đi sau khi Phê-rô đối đầu với Đức Giê-su, rõ ràng lòng các môn đệ vẫn chất chứa những sự nhầm lẫn và bối rối. Rồi thì, Đức Giê-su dẫn Phê-rô, Gia-cô-bê  và Gioan lên ngọn núi cao, nơi đó các ông chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời nhất. Đức Giê-su bày tỏ vinh quang trước mắt họ. Thân thể ngài có một diện mạo khác (Mt 17,2). Rồi có Mô-sê và Ê-lia. Hai nhân vật này hoàn toàn phù hợp với cảnh tượng này. Mô-sê là người trao ban Lề Luật vĩ đại nhất trong lịch sử dân Ít-ra-en, nhưng ông cũng là người ngôn sứ vĩ đại đầu tiên của Chúa (Đnl 18,14tt). Ê-lia cũng là một ngôn sứ vĩ đại. Hơn nữa, cả hai ông đều đã từng chứng kiến cuộc thần hiện của Chúa lúc sinh thời (Mô-sê: Xh 33,17tt; Ê-lia: 1V 19,9tt), và cả hai sự kiện này cùng xảy ra trên núi (Si-nai). Cả hai ông cũng giống như Chúa Giê-su đã từng làm những việc vĩ đại nhân danh Chúa của Ít-ra-en, và cả hai cùng trải nghiệm mức độ nào đó sự từ chối của dân chúng. Hai nhân vật này cũng có một ý nghĩa biểu tượng. Cùng với nhau họ đại diện cho Lề Luật và Ngôn sứ, cả hai đều ám chỉ đến Chúa Giê-su (Rm 3,21).
Rồi lại có giọng từ trời nói cùng những lời đã được nghe khi Chúa Giê-su chịu Phép Rửa (Mt 3,7). Tiếng từ trời vang lên ngay khi Phê-rô đòi dựng 3 cái lều một cho Chúa Giê-su và hai cái kia cho hai hình tượng kia. Chi tiết này rất đáng lưu tâm. Dường như Phê-rô nghĩ rằng Vương Quốc Thiên Chúa mà Đức Giê-su nói đến trước đó có thể được thiết lập nơi đây vào lúc này. Chỉ vài ngày trước ông nghe Đức Giê-su nói rằng: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16,28). Chính vì thế, Phê-rô có lý do khi nghĩ rằng: Đây rồi chứ còn đâu nữa! Nhưng trong khi Phê-rô muốn đối đãi với Đức Giê-su giống như Mô-sê và Ê-lia, thì có tiếng Thiên Chúa sửa dạy ông. Tiếng từ trời tách biệt Đức Giê-su riêng ra như là nguồn quyền năng mới và duy nhất. Một lần nữa Phê-rô hứng chịu sự sửa dạy. Rồi, rất nhanh, cũng như lúc xảy ra, cảnh tượng tuyệt vời lại trôi qua trong phút chốc trong sự tiếc nuối của Phê-rô (Mt 17,7).
  
3.      Những ý nghĩa của cuộc biến hình

Có thể nói đến ít nhất 5 ý nghĩa của cuộc biến hình như sau:

(1)   Niềm an ủi khích lệ Chúa Cha dành cho Chúa Giê-su
Nghĩa đầu tiên có thể thấy rõ trong cuộc biến hình là một ý nghĩa dành riêng cho Chúa Ki-tô. Cuộc biến hình trước tiên là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa Đức Giê-su và Cha Ngài. Nó mang lại cho Ngài một sự bảo đảm về Tình Yêu  và sự chứng thực của Thiên Chúa. Nó cũng chuẩn bị cho Ngài để trải qua những tháng ngày khó khăn phía trước. Nó khuyến khích và gia tăng sức mạnh cho Ngài vào những lúc mà các môn đệ bỏ rơi Ngài. Ngày nay người ta thường quá chú trọng đến thần tính của Đức Giê-su đến độ đôi khi quên rằng Ngài cũng là một con người nữa, Ngài cũng phải chiến đấu mãnh liệt chống lại những áp lực và những cám dỗ của thế lực chống đối Ngài. Ngài cần những khích lệ và sức mạnh đến từ sự chứng thực của tình yêu và bảo đảm của Thiên Chúa.

(2)   Mạc khải về căn tính Đấng Mê-si-a

Thứ hai, dĩ nhiên đó là một bài học cho các môn đệ về căn tính của Đức Giê-su. Các môn đệ mà Phê-rô là đại diện đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai nhưng họ lại có một ý niệm quá sai lạc về ý nghĩa của danh xưng này, và Đức Giê-su đã làm cho họ bối rối khi nói về các chết và sự phục sinh của Ngài. Cuộc biến hình là một xác nhận cho tuyên xưng của Phê-rô. Nó chỉ cho Phê-rô Gia-cô-bê và Gioan thấy rằng Đức Giê-su không phải là một người bình thường, thậm chí không chỉ là ngôn sứ vĩ đại, nhưng Ngài thực sự là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai mà Ít-ra-en mong chờ. Chính Thiên Chúa đã xác nhận lời tuyên xưng của các môn đệ.

(3)   Chứng thực về mãnh lực của Lời Đức Giê-su

Thứ ba, cảnh tượng này đòi hỏi các môn đệ phải nghe Đức Giê-su như là một người có quyền năng nói cùng họ. Phê-rô sau đó đã hiểu được điều này. Thật vậy trong thư 2 Pr 1,16-18 ông thừa nhận rằng lời Đức Giê-su là chắc chắn và được chứng thực: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến". Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” Trong đoạn này, Phê-rô đã cho chúng ta biết rằng cuộc biến hình mà ngài chứng kiến đã chứng minh cho ý nghĩa này. Cuộc biến hình là một lời chứng thực về quyền năng Đức Giê-su. Trên núi đó, điều đã chứng minh rõ ràng rằng giờ đây chỉ còn một mình Đức Giê-su có quyền trên các ông. Ông Mô-sê và Ê-li-a chỉ phục vụ cho một mục đích tạm thời trong kế hoạch của Thiên Chúa (Rm 3,21).

(4)   Mạc khải về đặc tính của vương quốc Đấng Thiên Sai

Thứ tư, cuộc biến hình chứng thực rằng vương quốc của Đấng Thiên Sai có đặc tính là vinh quang. Trong cuộc biến hình 3 môn đệ được cho thấy và nếm trước vinh quang và chiến thắng của Đức Giê-su. Bộ dạng vinh quang này sẽ được thấy rõ hơn sau khi Đức Giê-su phục sinh. Thực sự đến lúc đó các môn đệ mới có thể nối kết các sự kiện với nhau. Nhưng bây giờ cảnh tượng này đã khuyến khích các môn đệ. Nó cho thấy rằng Đức Giê-su thực sự là Con Thiên Chúa vinh quang.

(5)   Mấu chốt để hiểu mầu nhiệm thập giá

Thứ năm, cảnh tượng này là mấu chốt để hiểu thập giá của Đức Giê-su và tại sao Ngài lại tận tâm cho mầu nhiệm thập giá đến thế. Trong bản văn Tin Mừng Luca, tác giả cho biết rằng Đức Giê-su nói với Mô-sê và Ê-lia về cuộc “xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,31). Đây là mẫu thông tin rất quan trọng, vì nó cung cấp chúng ta dữ kiện thích hợp để chiêm ngắm cảnh tượng này.  Chuỗi sự kiện trong trình thuật ở đây trong Tin Mừng Mát-thêu cũng chỉ cho chúng ta thấy cách rõ ràng rằng cuộc biến hình được diễn giải dưới ánh sáng của cái chết và phục sinh của Đức Giê-su. Những đề cập đến cái chết của Đức Giê-su đúng là bao quanh câu chuyện biến hình (Mt 16,21; 17,12.22) và Đức Giê-su căn dặn các môn đệ không nói về những gì họ đã thấy cho đến sau khi Ngài phục sinh (Mt 17,9). Rõ ràng là Ngài muốn họ nhìn cuộc biến hình trong một bối cảnh cụ thể, chính xác.

Đức Giê-su muốn các môn đệ biêt rằng Ngài thật sự được tôn vinh, nhưng không phải loại vinh quang mà hầu hết mọi người mong đợi (loại uy quyền trần thế). Ngài cũng không đạt tới vinh quang theo cách thức mà người ta nghĩ Ngài sẽ làm (chiến tranh quân sự với Rô-ma). Vinh quang dành sẵn cho Ngài, vinh quang mà các môn đệ thấy trước, sẽ đến qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Cuộc biến hình muốn nói đến một bài học trên thập giá, muốn cho thấy sự cần thiết của thập giá. Chính qua cái chết và phục sinh mà Ngài đã đạt tới vinh quang. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su hiến dâng thân mình trên thập giá: đó là con đường đến vinh quang (Ga 12,24). Các môn đệ cần bắt đầu học ý niệm mới, đã có trong Thánh Kinh nhưng  chưa từng tồn tại trong suy nghĩ của các ông.

Thế là, công đoạn đào tạo thứ hai được bắt đầu bằng cuộc biến hình. Cuộc biến hình dĩ nhiên không phải là sự kiện ngẫu nhiên, nhưng thực sự là một cuộc biểu lộ vinh quang đã được ấn định và thực hiện, được sử dụng như là một bài học đối với các môn đệ về tính cách Mê-si-a của Đức Giê-su và cách thức Ngài đạt đến sự vĩ đại của Ngài. Đó chính bài học đầu tiên trong cố gắng của Đức Giê-su nhằm giúp họ hiểu tính Mê-si-a của Ngài và những hệ luận của nó. Họ phải gạt bỏ những ý niệm thế gian, thể lý của thời họ và chuyển sang những ý niệm Thánh Kinh về Đấng Mê-si-a mà Đức Giê-su sẽ hoàn tất.

Người Ki-tô hữu nào cũng mong đợi một Đấng Mê-si-a. Họ cũng thưà hiểu rằng Đấng Mê-si-a sẽ giải phóng họ khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Thế nhưng trong thực tế, họ lại cũng cư xử như các môn đệ xưa. Họ cũng mong muốn Đấng Mê-si-a sẽ giải thoát cho họ khỏi những đau đớn thể xác, và thiết lập cho họ mộ vương quốc sung túc, giàu mạnh về vật chất. Họ sẵn sàng ở lại với Chúa vinh quang trong cuộc biến hình. Tuy nhiên, họ lại ngập ngừng và dừng bước khi Chúa bước vào vườn Cây Dầu. Hoặc là khi vào đó, họ lại vội vàng bỏ Chúa lại và bước đi con đường của riêng mình. Chính vì thế mà dẫu một đời họ chưa hề rời xa Giáo Hội Chúa, nhưng vẫn chưa một lần gặp gỡ Đấng Mê-si-a thật sự. Không đón nhận thập giá mà chính Đấng Mê-si-a đã mang thì đồng nghĩa với việc không tìm thấy được vinh quang như Ngài. Vì vinh quang và thập giá luôn là hai người bạn thân song hành với nhau.

Duy Thạch, SVD


No comments:

Post a Comment