Tuesday, 18 March 2014

THÁNH GIUSE NÓI GÌ CÙNG THẾ GIỚI HÔM NAY?!?

Kinh Thánh Tân Ước đã phác họa lại cho chúng ta chân dung của Cha nuôi Chúa Giê-su như một con người thầm lặng. Quả thế, không một lời nói nào của thánh nhân được Tin Mừng ghi lại. Thế nhưng, chính nét im lặng ấy lại làm cho bức chân dung của thánh nhân trở nên sống động và đẹp đẽ hơn ai hết. Sự thầm lặng ấy như một gam mầu tối làm nổi bật lên lên chân dung của một con người luôn biết lắng nghe và hành động. Thánh Giu-se sống thầm lặng. Ngài không nói một lời nào, nhưng hậu thế lại có quá nhiều điều để nói về ngài.

Biết bao nhiêu sách vở đã viết về ngài, trong đó nổi bật nhất là Tông Huấn “Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế” (Redemptoris Custos) do Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II ban hành ngày 15-08-1989. Biết bao nhiêu kinh nguyện được đọc lên để tôn kính ngài cũng như nhờ ngài cầu thay nguyện giúp trước tòa Chúa. Thánh Giu-se không chỉ được tôn kính vinh danh chỉ vì địa vị làm cha nuôi của Đấng Cứu Thế, nhưng trên hết ngài đã sống ơn gọi ấy, trung thành với ơn gọi làm cha nuôi ấy bằng một lối sống của một người con của Chúa. Thánh Giu-se chưa từng đi rao giảng Tin Mừng, thế nhưng chắc chắn không ai dám phủ nhận vai trò làm chứng nhân của ngài. Bằng chính đời sống lắng nghe và thi hành Lời Chúa của mình mà thánh nhân đã đã cho hậu thế thấy sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trên thế gian này. Trong khuôn khổ bài chia sẻ này chỉ xin đề cập đến hai cách thức làm chứng nhân của thánh Giuse mà thôi. Đó là làm chứng bằng việc lắng nghe và làm chứng bằng hành động

1.      Chứng nhân bằng sự lắng nghe

Tin Mừng Nhất Lãm nhiều lần ghi lại những cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Thiên Chúa và thánh Giuse. Những cuộc gặp gỡ đều là những cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng mang tính chất cấp bách quyết định. Tuy nhiên, có một điều hết sức đặc biệt là tất cả những cuộc gặp gỡ này đều diễn ra trong những giấc mộng của thánh Giuse.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên được gọi là cuộc truyền tin cho thánh Giuse. Khi biết Đức Mẹ mang thai, thánh Giuse đã “định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Thế nhưng, sứ thần Thiên Chúa đã đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18-20). 

Lần báo mộng thứ hai, trong bối cảnh tính mạng Đức Giê-su đang bị lâm nguy thì “sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" (Mt 2,13). 

Lần báo mộng thứ ba diễn ra “sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." (Mt 2,19-20). 

Và lần cuối cùng khi “nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.” (Mt 2,22-23).

Có thể người ta nghĩ rằng những cuộc gặp gỡ ấy nghe có vẻ hoang đường. Những chuyện trong giấc mộng thì làm sao mà coi là thật được. Tuy nhiên, đó lại là một con đường đức tin, một cách thức gặp gỡ và lắng nghe thánh ý Thiên Chúa một cách tinh tế nhất.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta đã từng nghe chuyện Thiên Chúa đến gọi ngôn sứ Sa-mu-en đến ba lần khi ông đang ngủ và ông đã đáp lại bằng một câu hết sức dể thương: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe"(1Sm 3,4-10).

Những cuộc gặp gỡ kiểu như thế chỉ có thể có được diễn ra nơi những con người đặc biệt, những con người có một đời sống hết sức gần gũi, gắn bó với Chúa trong từng giây, từng phút của cuộc đời mình. Những con người luôn luôn tỉnh thức với Chúa hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ (24/24). Nói như lời của Thánh Thi giờ Kinh Tối đó là những con người “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một mực chân tình”.

Thánh Giuse đã lắng nghe lời của sứ thần thiên Chúa trong giấc mộng không phải một lần nhưng là đến bốn lần. Có thể nói rằng không một thánh nhân nào có khả năng lắng nghe thông điệp của Thiên Chúa trong giấc mộng nhiều như thánh Giuse. Nếu như có một cuộc trao giải dành cho người lắng nghe thông điệp của Thiên Chúa trong giấc mộng nhiều nhất thì chắc chắn người đoạt giải cao nhất không ai khác ngoài thánh Giuse.

Con đường đức tin của thánh Giuse, con đường thiêng liêng đặc biệt của một vị thánh có khả năng lắng nghe tiếng Chúa trong giấc mộng quả là một con đường có một không hai. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, muốn có khả năng “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” ấy thì giả định trước đó thánh Giuse đã có một đời sống hết sức gắn bó vào Chúa từng phút từng giây. Sự gắn bó mật thiết ấy đã đào luyện đôi tai, đúng hơn là chính con tim, cõi lòng của thánh Giuse. Để thánh nhân trở nên tỉnh thức ngay cả trong giấc ngủ; để thánh nhân trở nên nhạy cảm với tiếng gọi của Chúa, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.

Trong Tông Huấn “Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế” (RC) Thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô II nói đến thánh Giuse như là mẫu gương cho những ai sống đời sống chiêm niệm. Chính vì thế mà thánh Tê-rê-xa Avila, người cải tổ dòng kín Camelo đã cổ võ việc canh tân lòng sùng kính thánh Giuse trong Giáo Hội Ki-tô giáo Tây Phương (Xc. RC, Số 25).

Thánh Giuse quả thật là một mẫu chứng nhân sống động về một đời sống cầu nguyện lý tưởng. Thánh nhân là chứng nhân cho những ai xem mình là ki-tô hữu. Đức Giê-su nói: “Con chiên ta thì nghe tiếng ta” (Ga 10,27). Vậy, phải nghe như thế nào đây? Phải nghe tiếng Chúa trong từng giây phút của cuộc đời, như cách thức thánh Giuse đã nghe.

2.      Chứng nhân bằng hành động

Thánh Gia-cô-bê đã tuyên bố rằng: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17.26). Sự lắng nghe của Thánh Giuse chỉ trở nên tuyệt phẩm khi những thông điệp mà thánh Giuse nghe được biến thành những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày. Sự lắng nghe không biến thành hành động thì chỉ là sự lắng nghe dừng lại ở đôi tai chứ chưa chạm đến cõi lòng.

“Hạnh phúc thay người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Như đã nói trên, thánh Giuse là con người lắng nghe và hành động. Lập tức làm theo thánh ý Chúa là một nét tính cách tiêu biểu của thánh Giuse. Có thể nói thánh Giuse cũng nằm trong diện những người được Đức Giê-su chúc phúc vì ngài đã biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Có thể nói cả cuộc đời thánh Giuse được nối kết bằng những chuỗi ngày thi hành thánh ý Chúa. Bằng chứng Thánh Kinh cho thấy rõ nét rằng thánh nhân luôn làm theo lời sứ thần Thiên Chúa chỉ dẫn. Đón rước Maria về nhà mình; dẫn đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập rồi ở lại đó; dẫn đưa Hài Nhi và Mẹ Người trở về đất Ít-ra-en; lui về miền Ga-li-lê và đến cư ngụ tại thành Na-gia-rét. Từng bước, từng bước trong sứ vụ làm chồng và làm cha của thánh Giuse đều được đặt nền tảng nên việc thi hành theo thánh ý Thiên Chúa.

Hơn nữa, khi thánh Giuse thi hành những bổn phận của người cha nhằm bảo bọc chăm sóc Chúa Giê-su thì ngài cũng làm theo Lời Chúa dạy trong Sách Thánh Cựu Ước. Biến cố thánh Giuse đón Đức Maria về nhà mình được tác giả Mát-thêu đúc kết rằng: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22). Sự kiện Thánh Gia ở lại Ai-cập cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà được thánh Mat-thêu lý giải là: “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2,15). Khi Thánh Gia đến sống tại làng Na-gia-rét thì thánh Mát-thêu cũng lý giải là: “để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét” (Mt 2,23).

Ngoài ra, khi nói đến mẫu gương chứng nhân bằng hành động của thánh Giuse không thể không nhắc đến cuộc đời lao động của ngài. Thánh Giuse chính là chứng nhân sống đời sống Tin Mừng qua những việc lao động thường ngày.

Phần IV của Tông Huấn “Đấng gìn giữ Đấng Cứu Thế” được gọi là “Lao động như là một biểu hiện của tình yêu”. Có thể nói thánh Giuse không chọn một nghề “ngon ăn”, kiếm được nhiều tiền cho bằng bày thái độ làm việc của ngài trong tương quan với công trình cứu độ của Thiên Chúa: Lao động như là một phương thức bày tỏ tình yêu. Tình phụ tử đối với Chúa Giê-su; tình nghĩa vợ chồng đối với Đức Mẹ Maria và tình con thảo của chính thánh Giuse đối với Thiên Chúa.

Đức Giê-su đã “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,50) trong cuộc sống lao động cùng với thánh Giuse. Chính Đức Giê-su sau này cũng nối nghiệp thánh Giuse và được người ta gọi là “bác thợ, con bà Maria” (Mc 6,3). Đức Giê-su có lẽ cũng đã học nơi thánh Giuse đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và kể cả đức khó nghèo, để rồi Ngài chuẩn bị cho một sứ vụ của một “con người không có chỗ tựa đầu” trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng.
Tông Huấn khẳng định “một trong những biểu hiện thường nhật của tình yêu trong gia đình Na-gia-rét là lao động …Giáo hội đã nhấn mạnh đến giá trị của lao động qua việc kính nhớ thánh Giuse thợ ngày 01.05. Lao động của con người đặc biệt là lao động tay chân được nhấn mạnh đặc biệt trong Tin Mừng” (Xc. RC, số 22).

Ngày nay lao động vẫn được xem như một phương tiện để bảo đảm cho cuộc sống con người và góp phần thăng tiến con người, phát triển xã hội. Tuy nhiên, hỏi có mấy ai chọn lựa công ăn việc làm như một cách thức để bày tỏ tình yêu thương đối với Thiên Chúa và anh chị em hay không? Người ta thường xem “thương trường như chiến trường”, chứ có mấy ai xem thương trường như là một nơi hòa bình yêu thương?


Trong bối cảnh như thế, mẫu gương của người thợ mộc Giuse như là một nền tảng cho mọi chọn lựa công ăn việc làm. Thánh Giuse giúp người ta nhận ra rằng, điều quan trọng không phải công việc nào giúp mau giàu, bước mau trên đà danh vọng, nhưng công việc nào giúp cho người ta thăng tiến trong mối tương quan tình yêu với Chúa và tha nhân. Để rồi dù cho có thất bại trong lao động người ta vẫn còn đó mối tình đối với Chúa và với anh chị em mình và người ta cũng không vì chút lợi danh mà lìa bỏ Chúa, làm hại đến anh chị em mình.

Tạm kết

Như vậy, xem ra Thánh Giuse không nói một lời nào  nhưng lại nói quá nhiều với hậu thế. Ngài giúp cho hậu thế nhận ra thế nào là một lối sống của một người công chính theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Đó là luôn để tâm lắng nghe thánh ý Thiên Chúa và thực thi những, mệnh lệnh của Ngài. Người ta có thể thắc mắc: ý riêng của thánh Giuse đâu rồi? đâu là tự do của Ngài? thưa! ý riêng của Ngài là vâng theo thánh ý Chúa. Tự do của ngài là tự do để đón nhận thánh ý Chúa giữa bao nhiêu sóng gió nghi nan của cuộc đời. Đó hẳn là một con người ung dung tự tại, hiền lành nhưng lại rất mạnh mẽ "như cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng". Ngài đi trọn hành trình dương thế với Chúa và vì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nguyện xin Thánh Giuse cầu bầu cho nhân loại luôn biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố đời mình, và cũng đủ lòng tin yêu để làm theo chỉ dẫn của Chúa như ngài. Có như thế mới mong được hưởng phúc vinh đời đời!

Duy Thạch SVD,
Mừng Lễ Thánh Giuse 2014

No comments:

Post a Comment