Người ta thường
đi lấy nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, vì lúc ấy trời mát hơn. Họ thường
đi thành từng nhóm. Như vậy sẽ vui vẻ hơn, an toàn hơn và bớt mệt nhọc vì quãng
đường từ làng ra giếng nước cũng khá xa và đường đi lại gập ghềnh. Tôi thì
không được như vậy. Tôi vốn lẻ loi, cô độc, bị người đời khinh khi vì một quá
khứ không mấy tốt đẹp. Muốn lấy nước dùng hằng ngày, tôi phải chọn một thời điểm
mà tôi chắc rằng không còn người làng nào ở giếng.
Và dĩ nhiên
là đi một mình, vì chẳng ai buồn đi với tôi. Đó là lý do mà tôi thường một mình
lặng lẽ đi lấy nước vào lúc vắng người, vào đúng ngọ, vào giờ thứ sáu, lúc trời
nắng nhất. Bước chân lặng lẽ một mình nặng trĩu với những quá khứ không mấy tốt
đẹp, không một ai đón nhận. Chính trong hoàn cảnh ấy, tôi đã gặp Ngài. Thoạt
tiên, tôi bỗng giật mình, ngạc nhiên sao giờ này còn có người ở ngoài giếng. Mỗi
khi giờ này đã vắng tanh không một bóng người rồi cơ mà!
Lòng tôi ngập ngừng. Tôi bước chậm lại và lấy
nón che mặt để tránh ánh nhìn của người ấy. Hình như không phải người trong
làng mình? Không phải người làng thì đâu biết mình là ai đâu mà ngại, thôi thì
việc mình mình làm. Nghĩ vậy, tôi lại mạnh dạn tiến bước. Đúng là không phải
người làng mình. Hú hồn! ông ta là một người Do thái. Vậy cũng hay, vì người Do
thái đâu có nói chuyện với người Sa-ma-ri. Chắc là ông ta lạc đường! có lẽ ông
tình cờ đi qua đây. Thôi kệ! người Do thái đời nào chung đụng với người
Sa-ma-ri đâu.
Thế nhưng tôi
đã lầm. Tôi bắt đầu khám phá ra sự lầm lẫn của mình khi Ngài mở lời “xin cho
tôi uống với”. Tôi giật mình, ngạc nhiên đến há hóc mồm: “Ông là người Do thái
mà lại xin một người Sa-ma-ri nước uống”. Chắc lúc đó Ngài khát lắm mới phải liều
mình như vậy vì người Do thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri. Chưa kịp hết
ngạc nhiên, bàng hoàng thì Ngài lại bảo tôi: “Nếu chị nhận biết ân huệ của
Thiên Chúa và ai là người đang nói với chị “cho tôi uống với” thì hẳn chị đã
xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước sự sống”.
Lời quảng cáo
của Ngài quả thực làm tôi rất tò mò: “Ai uống nước này thì sẽ lại khát, nhưng
ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi sẽ ban cho người ấy sẽ
làm cho nơi người ấy vọt lên sự sống đời đời.”
Ngài đã gợi
lên trong lòng tôi một cơn khát và ước mong được uống nguồn nước ấy. Tôi nói
cùng Ngài: “thưa Ông xin ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi phải đến
đây lấy nước nữa?” Nhưng rồi, Ngài bỗng làm tôi bối rối, khi bảo tôi: “Chị hãy
đi gọi chồng chị rồi trở lại đây”. Câu hỏi ấy đã chạm vào quá khứ đau thương của
tôi, nhưng tôi vẫn còn đủ bình thản vì tôi vẫn nghĩ rằng, Ngài chẳng biết gì về
tôi, có gì đâu phải ngại. Tôi nói đại với Ngài rằng là tôi không có chồng!
Tôi cứ ngỡ rằng
Ngài là một người Do thái xa lạ, nhưng té ra Ngài lại là một ngôn sứ, là Đấng
Mê-si-a, mà tôi và dân tôi đang mong đợi. Ngài đến đây để tìm tôi. Ngài đã nói
cho tôi nghe về chính cuộc đời tôi, về ý định yêu thương của Thiên Chúa dành
cho tôi, và tất cả những ai lâm vào cảnh đau khổ tủi nhục như tôi. Ngài đã nghe
câu chuyện đời tôi, để cảm thông với tôi, để giúp tôi làm lại cuộc đời, giúp
tôi thoát khỏi những nỗi mặc cảm, tự ty của một quá khứ lầm lạc. Ngài giúp cho
tôi nhận ra hơi ấm tình người vẫn còn đâu đây. Vẫn còn một niềm hy vọng cho
tôi.
Ngài cũng dạy
tôi một cách thức thờ phượng đích thực. Không phải là nơi chốn, núi này hay
Giê-ru-sa-lem, hay một nơi tráng lệ nào khác. Giờ đến, và là bây giờ, những người
thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong tinh thần và chân lý. Vì Cha tìm
kiếm những kẻ thờ phượng như thế.” Vậy là không còn phân biệt người Do thái hay
Sa-ma-ri, không còn phải tìm kiếm, tranh dành nhau về một nơi thờ phượng nữa.
Thiên Chúa là cha của mọi người và Ngài chỉ muốn họ thờ phượng Ngài trong tinh
thần và chân lý.
Tôi vui mừng
khôn kể siết, vui đến độ quên đi mục đích của mình đến bờ giếng để làm gì. Tôi
đã để cả vò nước lại, và một mình chạy về tay không, lòng hớn hở vui mừng. Tôi không
thể hoãn niềm sung sướng của mình lại thêm một phút giây nào. Tôi muốn tất cả mọi
người trong làng tôi đều biết tin vui về Đấng Ki-tô. Mọi khoảng cách, mọi sự tự
ty, mặc cảm, rụt rè của tôi đối với dân làng dường như biến mất. Tôi mạnh dạn đến
gặp gỡ họ và mời gọi họ: hãy đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những
gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô thì là ai nữa? ".
Rồi chính dân
làng cũng được cảm nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc như tôi. Có rất nhiều người
Tin vào Ngài. Họ cũng bắt đầu yêu mến và quyến luyến Ngài đến nỗi không muốn
Ngài rời xa. Và Ngài đã ở lại trong làng đến 2 ngày. Đó là một chuyện lạ lùng
chưa từng có từ trước đến nay. Một bậc thầy Do thái, cùng các môn đệ của Ngài
lưu lại trong ngôi làng của người Sa-ma-ri.
Đó thật sự là
chuyện lạ, chuyện gây shock cho nhiều người nếu như họ chỉ xem Ngài như là một
bậc thầy Do Thái. Còn chúng tôi, chúng tôi không còn thấy lạ, thấy shock nữa. Bởi
lẽ, chúng tôi biết rằng Ngài là Đấng Cứu Độ thế gian. Ngài đem niềm vui đến cho
tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, sinh sống trên bất
cứ lãnh thổ nào. Ngài yêu thương đặc biệt những người nát tan cõi lòng như tôi
và tất cả những người đau khổ trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Tâm sự của
Người Phụ Nữ Samari, nhắc nhớ chúng ta về hình ảnh của một Thiên Chúa yêu
thương, miệt mài đi tìm tội nhân, tìm những người con lầm lạc của mình. Cơn khát
của Đức Giê-su không đơn thuần là cơn khát nước uống, nhưng là niềm khao khát
mang niềm tin và ơn cứu độ đến cho con người. Ước gì trong suốt Mùa Chay này, mỗi
người chúng ta luôn có một niềm khao khát “nước sự sống” mãnh liệt, để rồi mau
trở về trong vòng tay Thiên Chúa tình yêu, hầu tìm lại được niềm vui, niềm hạnh
phúc của người con Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết mặc lấy tâm tình
của Đức Giê-su để luôn chủ động thăm viếng,
đem niềm vui, niềm an ủi đến cho những anh chị em bất hạnh chung quanh mình.
Amen!
DUY THẠCH SVD
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete