Friday 28 March 2014

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI MÙ BẨM SINH



Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối (12,46). "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống (8,12)." Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian (9,5)."

Đó là những lời khẳng định mà chỉ có một mình Đức Giê-su có thể có đủ tư cách để nói. Dấu lạ chữa lành Anh mù từ thuở mới sinh trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng xác thực rằng những gì Đức Giê-su nói hoàn toàn là sự thật. Ngài quả thực là ánh sáng thế gian.

Dấu lạ mở mắt cho người mù (Ga 9,1-41) là một tiến trình gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn rồi xức vào mắt anh mù. Giai đoạn thứ hai: Anh mù phải làm theo chỉ dẫn của bác sĩ Giê-su. Đó là: “Hãy đến hồ Silôam mà rửa”. Vậy, Anh ta đến, rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

Anh mù đã làm theo đúng như lời chỉ dẫn của Đức Giê-su và anh đã nhìn thấy được. Tuy nhiên, việc anh khỏi bệnh, được sáng mắt chỉ là bước đầu tiên của tiến trình lành bệnh tâm linh của anh mà thôi. Cơn bệnh mà Đức Giê-su muốn chữa cho anh mù chính là cơn bệnh mù về tâm linh. Đó là cơn bệnh có thể làm cho người ta chết đời đời chứ không chỉ đau đớn về thể xác. Nếu như sau khi sáng mắt, anh mù không biết Đức Giê-su là ai, không tin vào Đức Giê-su thì cơn mù về đức tin của anh vẫn còn.

Chính vì thế mà ngay sau khi được sáng mắt anh mù liền bắt đầu hành trình tìm kiếm Chúa Giê-su. Anh đã trải qua nhiều cuộc tranh luận để rồi từng bước nhận ra Đức Giê-su và cuối cùng xác tín niềm tin của mình vào Người. Trong cuộc tranh luận đầu tiên với những người hàng xóm, anh ta chỉ biết rằng một ngươi tên là Giê-su đã mở mắt cho Anh. Trong cuộc tranh luận thứ hai với  những người Pha-ri-sêu, anh đã dám quả quyết: “Đức Giê-su là một ngôn sứ”.

Và trong cuộc tranh luận thứ ba với cả hai nhóm: Những người Pharisêu cộng với nhóm những người Do Thái, anh mù đã tin nhận Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, Ngài là Đấng Thiên Sai. Và khi nhìn nhận gốc tích của Đức Giê-su, anh mù đã phải trả một giá rất đắt. Đó là bị trục xuất khỏi hội đường. Một người Do thái bị trục xuất khỏi Hội đường giống như người công giáo chúng ta bị trục xuất khỏi nhà thờ và mọi sinh hoạt của giáo xứ. Anh ta đã chấp nhận bị loại ra khỏi những sinh hoạt tôn giáo của Do thái để mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về Đức Giê-su.

Khi Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không? "Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Đó quả là một kết quả như trong mơ của một tiến trình tìm kiếm Chúa. Anh mù giờ đây đã đạt đến đỉnh điểm, đến mức ao nhất của dấu lạ chữa lành. Đó là niềm tin vào Đức Giê-su. Anh không còn đi trong bóng tối nữa, nhưng đã nhận được ánh sáng đem lại cho anh sự sống đời đời.

Chúa Nhật IV Mùa Chay thường được gọi là Chúa Nhật hồng, Chúa Nhật vui. Bởi lẽ, chúng ta đã bước qua một chặng đường dài chuẩn bị và đang tiến gần đến đại Lễ Phục Sinh. Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng chung vui với anh mù từ thuở mới sinh. Trước hết, đó là niềm vui của một kẻ được sáng mắt sau bao nhiêu năm sống trong cảnh mù lòa.


Nhưng hơn hết, đó là niềm vui của kẻ đã gặp gỡ chính Chúa, cảm nghiệm tình thương của Chúa đối với mình. Niềm vui của kẻ đã lãnh nhận hồng ân đức tin. Đó chính là ánh sang đem lại sự sống đời đời. Điều này rất quan trọng và rất ý nghĩa đối với vận mạng đời anh. Bởi lẽ, trong Tin Mừng Gioan, Tin vào Đức Giê-su thì sẽ có sự sống đời đời: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16).

Chuyện kể rằng!

Có một chàng sinh một sinh viên mới ra trường đến xin việc ở một công ty bảo hiểm. Người tuyển dụng thấy chàng trai trả lời phỏng vấn không đạt tiêu tuẩn nên bèn hỏi chàng trai thêm một câu: “Em có Đạo không?” Anh chàng hăng hái nói: “Dạ không! Em được học ở trường rằng tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Ba má em dặn không được theo tôn giáo nào, để sau này còn phấn đấu...”

Người tuyển dụng mỉm cười khi nghe anh chàng hăng hái “phát biểu”. Nghe xong, Ông nhẹ nhàng nói: “Này em, tôi thấy em thiếu một số điều kiện nên hỏi em câu ấy. Công ty này đánh giá cao người có tôn giáo (theo Đạo nào cũng được). Và theo bảng chấm điểm, nếu ai có tôn giáo và thực hành tôn giáo thì được cộng 100 điểm phỏng vấn (khoảng 6%). Và để chứng minh ông cho anh chàng xem bảng qui tắc chấm điểm.

Lúc bấy giờ,  anh chàng lúng túng và nói: “Dạ nãy giờ em nói theo bài học thôi, chứ ở nhà em bà nội em luôn dạy con người cần có tôn giáo”. Dĩ nhiên, câu nói ấy chỉ tô đậm thêm sự giả dối và yếu kém của chàng sinh viên mà thôi.

Là người công giáo, hầu hết mỗi người chúng ta không phải trải qua tiến trình tìm kiếm đức tin như anh mù. Tuy nhiên, giống với anh mù chúng ta cũng phải trả lời cho những chất vấn của người khác về đức tin của mình bằng lời nói cũng như bằng đời sống chứng nhân của mình.

Câu trả lời bảo vệ đức tin của chúng ta được đặt trên nền tảng của những cảm nghiệm của chúng ta về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. nếu như cho đến bây giờ, sau bao nhiêu năm theo Chúa mà chúng ta vẫn chưa cảm nghiệm được những hồng ân mà Chúa đã ghi dấu trên cuộc đời chúng ta. Chúng ta vẫn chưa dám xác tín rằng Chúa chính là lẽ sống của đời mình thì chúng ta khó mà có được một câu trả lời về Thiên Chúa của mình một cách tích cực được.

Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ephêxô hôm nay đã dạy chúng ta rằng: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa.

Sống trong một quốc gia có nền chính trị vô thần, học đường và các công sở dường như vắng bóng Thiên Chúa. Người Công giáo chúng ta chỉ là một thiểu số trong số đông những người vô thần. Chúng ta có trách nhiệm phải trả lời cho tất cả mọi người về đức tin của mình, phải cho thế giới thấy được sự tốt lành của đạo Chúa và niềm hạnh phúc của một người con Chúa.

Tuy nhiên, thực tế, áp lực, sức ảnh hưởng, tác động của một xã hội vô thần dễ làm cho người ki-tô hữu hoảng sợ và đóng khung, cất giữ niềm tin của mình vào trong khuôn viên xã nhà thờ. Thiên Chúa của chúng ta bị nhốt lại trong khuôn viên giáo xứ. Để rồi, khi bước ra đời, nhiều người ki-tô hữu cũng không khác gì những người khác. Họ cũng chanh chua, đanh đá, cũng buôn gian, bán lận; cũng tranh giành lợi lộc, bất chấp thủ đoạn; cũng sống ít kỷ thiếu lòng quảng đại sẽ chia…

Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta chung vui với anh mù từ thuở mới sinh không những vì hồng ân sáng mắt nhưng trên hết là hồng ân đón nhận chính Đức Ki-tô là ánh sáng đem lại sự sống đời đời. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta một đời sống của con cái sự sáng. Hồng ân đức tin không thể chỉ là một kho tàng chôn dấu, nhưng phải là một hồng ân sự sống. Đức tin không hành động thì quả là đức tin chết. Đức tin cân chính luôn cần một sự xác tín, làm chứng và biểu hiện bằng những hành động bác ái, lương thiện, công chính và sự thật. có như thế thì các tín hữu mới mong đạt được niềm vui trọn vẹn như niềm vui của anh mù từ thuở mới sinh.

Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment