Có một chị vợ
buồn bã đến nói với một anh chồng đang ngồi nhậu với các anh em chiến hữu của
mình rằng: “Anh ơi! Sao anh không lo lắng gì hết trơn vậy? nhà không có gạo ăn,
con thì không có tiền đóng học phí mà anh lại suốt ngày ăn nhậu như vậy”. Anh
chồng liền bình thản, nói cùng chị vợ rằng: “Lo gì em ơi, em không nghe Chúa
Giê-su dạy à? “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Bài Tin Mừng
hôm nay (Mt 6, 24-34) chắc khiến cho nhiều người trong chúng ta phải thắc mắc. Liệu Đức Giêsu
có lên án tiền bạc không? Người có khuyên người ta vô lo và lười biếng không? Đức
Giêsu có khuyên một người cha trong gia đình đang thất nghiệp đừng lo liệu cho
ngày mai không?
Khi cho ví dụ
“chim trời không gieo, không gặt”, Đức Giêsu có bảo các bà mẹ trong gia đình đừng
chuẩn bị các bữa ăn, đừng mua lương thực không? Có thật là Người bảo những người
nghèo đói, thiếu cả những nhu cần thiết phải chờ một phép lạ của sự quan phòng mà
không cần làm gì cả? Nếu vậy, thì phải chăng Đức Giêsu là một nghệ sĩ lắm mơ, nhiều
mộng, với một ngôn ngữ đầy chất thi ca, không phù hợp với thực tế khắc nghiệt của
cuộc sống mưu sinh và những vấn đề nghiêm túc cần thiết cho cuộc sống của một
con người?
Thưa không! Đức
Giê-su chỉ nhắc nhở mỗi người chúng ta về nguy cơ chọn sai ông chủ và đi lạc đường.
“Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc
sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên
Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
Đức Giê-su
không lên án chính tiền của, ngài không nguyền rủa sự giàu có và sự sung túc của
con người. Vấn đề là có nhiều người xem tiền của như là ông chủ của mình. Nếu
tiền của là một ông chủ thì đương nhiên con người là nô lệ. Khi tiền của, một sự
vật, được thần hóa, biến thành ông chủ thì quả là đáng báo động. Một khi người ta chấp nhận làm tôi cho tiền của thì người ta có thể làm tất cả để có tiền, ngay cả đánh mất cả nhân cách bản thân, sẵn sàng chà đạp người khác để thu vén tiền của về cho mình. Yêu quý tiền bạc hơn bạn hữu, người ta cũng không dám bỏ tiền ra để giúp đở cho ai cả mà chỉ biết bo bo gìn giữ cho riêng mình.
Ngươi ta thường
nói rằng: “Tiền bạc là phương tiện của người thông minh, là mục đích của kẻ ngu
ngốc” hay “tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu xí”. Điều Đức Giê-su
thật sự e ngại là khi con dân của ngài chỉ lấy tiền bạc và của cải làm mục đích
của cả đời mình. Điều Đức Giê-su lo lắng là có những người trải qua kiếp người
trong thân phận một tên nô lệ cho tiền bạc không hơn không kém.
Ông bà ta thường
nói: “ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Con người cần ăn để mà sống chứ
không phải sống cả đời chỉ để lo cho nhu cầu ăn và mặc mà thôi. Cuộc đời của
người con Chúa là cuộc đời tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Trên con đường tìm kiếm ấy, chúng ta cần cơm ăn, cần áo mặc hằng ngày chứ không
phải cả cuộc đời chúng ta chỉ để tìm kiếm cơm ăn, áo mặc và của cải vật chất.
Chúa Giê-su
chỉ dạy mỗi người chúng ta là hãy “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng
ngày”. Thế nhưng, nhu cầu lương thực hằng ngày của con người ngày nay dường như
là vô tận. Thuở hàn vi, người ta chỉ trông cho được cơm no áo ấm; rồi lại phấn
đấu sao cho được ăn sung mặc sướng; rồi đến ăn ngon mặc đẹp; tiếp theo nữa là
xây siêu nhà, sắm siêu xe, siêu giường; rồi nâng cấp, chỉnh sửa sắc đẹp… nhu cầu
con người quả là vô tận, không biết bao nhiêu cho vừa, không biết bao nhiêu cho đủ.
Tất cả những
cái đó âu cũng là nhu cầu bình thường của con người. Xã hội đến lúc rồi cũng
phát triển, đời sống con người mỗi lúc được chăm chút hơn, tuổi thọ kéo dài
hơn. Đó là điều đáng mừng.
Thế nhưng
đáng tiếc thay khi con người quá ham mê tiền tài vật chất đến nỗi quên đi nhân
cách của mình, đến nỗi hủy hoại nhân phẩm và mạng sống của người khác. Người ta
sẵn sàng làm tổn hại đến mạng sống của người khác để tìm lấy lợi ích cho bản
thân mình. Bao nhiêu cuộc chiến tranh đã nổ ra gây tang thương cho biết bao
nhiêu con người cũng chỉ vì tranh dành lãnh thổ, tài nguyên. Hằng ngày có biết
bao nhiêu tin tức về những vụ cướp của giết người, buôn ma túy, con cái kiện tụng
cha mẹ, anh chị em ruột thịt không nhìn mặt nhau, thậm chí chém giết nhau, chỉ
vì một vài tấc đất hay một chút tài sản thừa kế. Rồi còn đâu danh giá của những
nhà giáo sống thanh cao, liêm khiết, khi tình trạng đổi tình lấy điểm, làm bằng
cấp giả, bán điểm, chạy trường tràn làn khắp nơi. Danh dự và nhân phẩm con người
có khi chỉ được đánh đổi bằng vài ba triệu bạc. Câu tục ngữ nổi tiếng “tiên học lễ hậu học văn” ngày nay được
các bậc phụ huynh đổi thành: “tiên học
phí hậu học thêm”. Có một nhà thơ đã nêu lên thực trạng xã hội ngày
nay qua mấy câu thơ dí dỏm như sau: “Nhân
phẩm ngày nay giảm giá rồi. Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi. Lương
tâm bán rẻ hơn lương thực. Chân lý chân giò một giá thôi!”
Hôm nay, Đức
Giê-su muốn chúng ta nhớ rằng cuộc sống, giá trị của người con Chúa vượt lên
trên những nhu cầu cơm áo gạo tiền và những giàu sang, hưởng thụ về vật chất. Ngài
muốn chúng ta hiểu rằng mục tiêu trước hết và quan trọng nhất mà con người phải
hoàn thành trong cuộc đời mình. Đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính
của Ngài.
Trong các bài
giảng, Chúa Giê-su đã nhiều lần nói đến tầm quan trọng của sự công chính: “Phúc
thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,6);
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,10)”; “nếu anh
em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được
vào Nước Trời” (Mt 5,20).
Đức
Giê-su cũng đã nói rằng: “kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc
12,34). Nếu chúng ta đặt cùng đích trên tiền tài danh vọng, chúng ta sẵn sàng
chà đạp người khác, thậm chí cả người thân của mình để tiến bước trên đà danh vọng.
Và rồi chúng ta vô tình trở thành tay sai, là đầy tớ của tiền tài, danh vọng mà
không hay biết. Nhưng nếu chúng ta đặt cùng đích đời mình nơi Thiên Chúa, chúng
ta sẽ dám can đảm phó thác, tin tưởng nơi Chúa ngay cả trong hoàn cảnh nghèo
túng, đói rách. Và khi chúng ta giàu sang chúng ta dám hy sinh tiền của để mưu
cầu lợi ích cho giáo xứ và cho anh chị em của mình.
Trong Tông Huấn
“Niềm vui Tin Mừng”, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói rằng: “Thế giới ngày nay chỉ
còn biết hưởng thụ, có nguy cơ rất lớn gây nên cảnh cô đơn và xao xuyến phát
sinh từ một tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cuộc hăm hở đuổi theo những thú vui
phù phiếm và từ một lương tâm không còn nhạy bén nữa. Một đời sống nội tâm của
chúng ta bị vướng mắc vào những tư lợi, thì không còn chỗ cho tha nhân nữa,
không còn chỗ cho người nghèo. Người ta không còn nghe được tiếng Thiên Chúa,
không còn cảm thấy tình yêu của Ngài, và lòng ước muốn làm điều thiện phai nhạt
dần. Đó cũng là mối nguy hiểm rất thực đối với các tín hữu.”
Xin Chúa ban
ơn, giúp sức để mỗi người chúng ta luôn xác tín rằng Chúa chính là ông chủ, là
người cha duy nhất, một người cha luôn yêu thương chăm sóc giữ gìn những người
con. Và mục tiêu duy nhất của cả đời người là tìm Chúa bằng cách sống công
chính, là xây dựng Nước Thiên Chúa, một vương quốc con người luôn biết yêu
thương và tương trợ lẫn nhau.
Niềm xác tín
như thế sẽ giúp cho chúng ta tránh được những lo âu, sợ sệt khi phải gặp những
khó khăn trong cuộc sống mưu sinh; niềm xác tín ấy cũng giúp chúng ta sống thanh
thoát với tiền của và sử dụng chúng một cách tốt nhất để mang lại ơn ích cho
chính mình và cho những người anh chị em xung quanh mình.
DUY THẠCH SVD
No comments:
Post a Comment