Saturday, 31 August 2013

TẠI SAO PHẢI KHIÊM HẠ?

Chuyện kể rằng:
Có người chủ nhà kia mở một bữa tiệc và mời nhiều người đến dự. Trong số khách mời, có một học giả nổi tiếng tên là Daniel. Khi ông Daniel đến, người chủ nhà mời ông ngồi bàn trên.
Nhưng Ông từ chối và nói rằng ông muốn được ngồi chung với những người bình dân nghèo nàn. Sau Ông Daniel còn có nhiều người khách lần lượt đến. Ai cũng dành ngồi bàn trên và những bàn gần phía trên. Rốt cuộc chỉ có cái bàn tận dưới cùng, bàn mà Daniel đang ngồi, là còn chỗ trống. Sau cùng, ông thị trưởng đến. Vì không còn ghế trống ở bất cứ bàn nào khác, nên người chủ nhà buộc lòng mời ông thị trưởng ấy đến ngồi bàn cuối chung với ông Daniel. Vị thị trưởng thắc mắc: "nhưng đây là chiếc bàn cuối mà!". Người chủ nhà nhanh trí đáp: "Thưa không, đây là bàn danh dự, vì là bàn có ông Daniel đang ngồi". Vị thị bấy giờ trưởng hết thắc mắc và ngồi vào chỗ chủ nhà chỉ.

Khung cảnh của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, cũng là khung cảnh một bữa tiệc. Dưới cái nền của khung cảnh ấy, Đức Giê-su đã đưa ra hai giáo huấn rất quan trọng dành cho hai đối tượng. Giáo huấn thứ nhất dành cho các vị thượng khách và giáo huấn thứ hai dành cho ông chủ đãi tiệc.
Hai Giáo Huấn ấy được đúc kết trong hai câu rất quan trọng. Câu thứ nhất dành cho các vị thượng khách: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Câu thứ hai dành cho ông chủ tiệc: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."
Như vậy, từ một thực trạng mà Đức Giê-su thường thấy trong các buổi tiệc là: người ta hay chọn chỗ nhất mà ngồi, rồi chủ tiệc thì thích mời những người cùng tầng lớp, cùng địa vị, hay cùng chức tước như mình, Đức Giê-su dẫn đến kết luận về cách thức đối nhân xử thế trong vương quốc Nước Trời. Đó là những cách nhìn, những chọn lựa, những hành động mà tất cả những người mang danh là ki-tô hữu phải hết sức lưu tâm.
Cổ nhân thường nói rằng: “Một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp”. Việc đi dự tiệc đối với văn hóa Việt không đơn thuần chỉ là chuyện ăn chuyện uống, nhưng còn là chuyện danh dự và nở mặt nở mày trước bá quan thiên hạ.
Trong một bữa tiệc, người ta thường xếp một bàn quan trọng dành cho những vị khách quan trọng mà ta thường gọi là khách víp, và trong bàn ấy lại có một chỗ quan trọng dành cho “đệ nhất víp”. Thường thì bàn này được phục vụ cách đặc biệt hơn, có thể được ăn ngon hơn và những ai được ngồi vào bàn ấy thì cảm thấy rất vinh dự, nở mặt nở mày trước “bàn dân thiên hạ”. Chính vì thế mà người ta cứ thích chọn chỗ víp là vậy. Người víp ngồi chỗ víp thì cũng rất đỗi bình thường, chẳng có gì đáng nói cả. Ví dụ, gia đình chúng ta mời Cha xứ đến dự tiệc thì thường dành cho Ngài một chỗ víp trong bữa tiệc.
Thế nhưng vấn đề ở đây là người ta thích chọn chỗ nhất. Nghĩa là ai cũng thích cả. Có thể đó không phải chỗ của mình, không dành cho mình, nhưng người ra vẫn thích ngồi cho được. Động từ “epekhô” được nhóm các GKPV dịch là “chọn” chỗ nhất. Trong khi đó động từ “epekhô” trong nguyên ngữ Tiếng Hy Lạp có nghĩa là giữ chặt, neo chặt lại. Nghĩa là, trong buổi tiệc có những người chẳng những thích ngồi chỗ nhất mà muốn chiếm giữ mãi vị trí ấy một cách lâu dài, không muốn buông ra. Họ muốn được vinh dự trước mặt người khác, muốn được người khác tôn vinh và đối đãi một cách đặc biệt. Họ quên rằng danh dự, danh giá của một con người là do người khác đánh giá chứ không phải mình dành mà được, không phải cứ tự nâng mình lên là sẽ được vinh dự.
Trong xã hội ngày nay vẫn còn biết bao nhiêu người ao ước một chút hư danh như thế. Chính vì thế mà có những quan chức thích “ngồi nhầm chỗ”, họ tranh dành những chiếc ghế có thể đem lại những lợi ích về quyền lực và tiền bạc cho mình. nghiệt ngã hơn là vì những chiếc ghế ấy mà họ sẵn sàng đấu đá, chà đạp người khác. Thậm chí hai môn đệ thân tín của Chúa Giê-su, đó là Gioan và Gia-cô-bê, cũng muốn dành cho được hai chiếc ghế quan trọng nhất. Đó là chiếc ghế bên tả và bên hữu Ngài khi Ngài được tôn vinh. Thói thường, chẳng mấy ai thích hạ mình xuống, bởi họ sợ thiệt thòi, sợ bị coi thường.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã khẳng định “ai hạ mình xuống thì mới được nâng lên”. Sách Hc khuyên rằng “Hỡi con, càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.” Chính Chúa Giê-su, Đấng có vị trí cao nhất, đã hạ mình xuống mang lấy thân phận con người thấp hèn. Để rồi Người lại được Thiên Chúa tôn vinh. Thánh Phao-lô đã diễn tả mầu nhiệm tự hạ của Chúa Giê-su trong thư gửi tín hữu Phí-líp-phê như sau: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trội vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).
Chúa Giê-su muốn những người ki-tô hữu không được tìm hư danh, nhưng tìm thực danh bằng cách sống hạ mình xuống như Ngài.
Nhưng tại sao lại cứ phải hạ mình xuống thì mới được nâng lên? Thưa!  Bởi vì chỉ khi dám hạ mình xuống chúng ta mới giết chết được thói kiêu ngạo, có thể làm hư hoại chúng ta. Sách Hc dạy rằng: “Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết.” Quan trọng hơn nữa là khi hạ mình xuống chúng ta noi gương Chúa Giê-su, phục vụ người khác, mưu cầu hạnh phúc cho người khác chứ không chỉ tìm danh dự, lợi lộc riêng tư cho mình.
Trong chiều hướng phục vụ đó mà Đức Giê-su khuyên người chủ tiệc không nên mời 4 nhóm người: “bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có” mà chỉ nên mời 4 nhóm người khác: “nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Lý do mà Đức Giê-su đưa ra rất đơn giản, vì bốn nhóm người thứ nhất có khả năng đáp lễ lại, thế là huề; còn bốn nhóm người thứ hai lại không có khả năng đáp lễ. Như thế ân tình mới còn mãi và hơn thế nữa “ông sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ chết sống lại.”
Người ta thường nói có qua có lại mới toại lòng nhau”. Đó là một trong những quy chuẩn người ta dùng để đối đãi nhau trong xã hội. Thế nhưng, đó lại không phải là quy chuẩn được áp dụng trong Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su muốn mỗi người chúng ta đối đãi nhau dựa trên quy chuẩn tình yêu và lòng thương xót. Chính Chúa Giê-su cũng đã chọn lối sống nghèo hèn, không nhà không cửa, không chỗ tựa đầu; giáo huấn của Ngài tràn ngập những ưu tiên dành cho những kẻ bé mọn nhất trong xã hội: nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Trong suốt hành trình dương thế, Ngài cũng rong ruỗi khắp các thành thị, làng mạc, để an ủi những người đau khổ và chữa lành những người đau yếu tật nguyền.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta đến những điều tinh túy nhất của bữa tiệc nhân sinh. Trong bữa tiệc ấy, điều quan trong không phải là chỗ ngồi, cũng không phải là chuyện ăn chuyện uống nhưng là cách thức con người đối đãi với nhau.
Nguyện chúc cho tất cả quý OBACE luôn biết lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa Giê-su: Đừng tìm hư danh, đừng nhắm đến lợi lộc trần gian, mà hãy tìm kiếm thực danh, tìm kiếm những phần thưởng đời đời, bằng cách hạ mình xuống để phục vụ người khác, phục vụ cho việc chung của giáo xứ; bằng cách lưu tâm đến những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, trong giáo xứ chúng ta và biết bao người đau khổ chúng ta gặp trên mọi nẻo đường của cuộc đời chúng ta. Những gì chúng ta cho đi, xem chừng là thiệt thòi trước mắt, thiệt thòi chút ít; nhưng chúng ta sẽ được Thiên Chúa đáp lễ gấp bội, nhất là được hưởng sự sống đời đời trên Nước Trời mai sau với Chúa.

Duy Thạch, SVD

No comments:

Post a Comment