Sunday 25 August 2013

ĐƯỜNG HẸP HAY LÒNG HẸP

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca tường thuật lại cho chúng ta câu chuyện về một ai đó đã đến hỏi Chúa Giê-su về việc có ai đó đã nói với anh ta về số lượng người được cứu thoát thì ít, điều ấy có đúng không? Đức Giê-su không trả lời cho anh rằng điều đó đúng hay sai, nhưng hướng anh đến cách thức để đạt đến ơn cứu độ.
Đó là: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Đức Giê-su không trả lời cho cá nhân người đặt câu hỏi nhưng Ngài trả lời cho tất cả những kẻ đang nghe Ngài và cho độc giả qua muôn ngàn thế hệ, trong đó có chúng ta.

Trong khi các kinh sư Do thái cho rằng mọi người Ít-ra-en đều được tham dự vào thế giới tương lai (Misnha, Sanhedrin X,1), nghĩa là có một số lượng cố định, một dân tộc chắc chắn được cứu thoát, thì Đức Giê-su lại khuyên là hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Nghĩa là không có chuyện một ơn cứu độ tiền định cho bất kỳ một ai, nhưng tất cả mọi người đều phải chiến đấu, phải làm hết sức mình thì mới được cứu thoát.

Đoạn Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh Đức Giê-su đang “trên đường lên Giê-ru-sa-lem”. Thời kỳ giảng dạy của Đức Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem là thời kỳ quan trọng nhất theo Tin Mừng thánh Luca, chiếm đến 10 chương trong toàn bộ 25 chương của toàn bộ Tin Mừng (Lc 9,51 – 19,27). Hành trình lên Giê-ru-sa-lem chính là xương sống của toàn bộ những câu chuyện và những bài giảng trong giai đoạn này. Hành trình lên Giê-ru-sa-lem là hành trình Đức Giê-su nhất quyết khởi hành “khi đến ngày Người được rước lên trời” (9,51). Nghĩa là việc được rước lên trời gắn liền chặt chẽ với việc nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem. Không thể có việc lên trời nếu như không có hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Mà việc lên Giê-ru-sa-lem gắn liền với việc chịu trao nộp, chịu bắt bớ, đánh đập, chịu tử hình bằng cách đóng đinh vào thập giá và cuối cùng là chịu chết.

Hành trình lên Giê-ru-sa-lem chính là một con đường hẹp mà Đức Giê-su đang tiến về để mang lại ơn cứu thoát cho nhân loại. Nếu có một con đường nào dẫn đến ơn cứu độ tốt hơn, dễ dàng hơn, thì chắc chắn Chúa Giê-su đã không chọn con đường ấy. Đó là con đường tối ưu, con đường duy nhất. Rủi thay, tiếc thay, nó lại là một con đường quá hẹp.

Phải chăng Thiên Chúa giới hạn ơn cứu độ cho một số người qua việc giới hạn con đường cứu độ? Không! Chắc chắn là không! Tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa và Ngài ao ước cho toàn thể nhân loại này được ơn cứu độ. Một con chiên lạc trở về làm cho Ngài vui mừng đến là dường nào, hơn cả 99 con chiên không đi lạc. Vậy thì, điều gì làm cho con đường trở nên hẹp. Thưa con đường trở nên hẹp là do bởi lòng người. Đức Giê-su đã nói: “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng sẽ ở đó”. Nếu như con người chọn lựa sự sung sướng, sự dễ dãi, chọn tiền tài, địa vị danh vọng, quyền uy chức tước… nghĩa là con người đặt cùng đích của đời mình vào những thứ trên trần gian này thì đường thập giá, con đường duy nhất để lên nước trời quả thật là quá hẹp. Còn nếu chúng ta đặt cùng đích vào sự sống đời sau và làm tất cả vì điều ấy thì con đường vào Nước Trời trở nên rộng mở thênh thang cho chúng ta.

Khổ nỗi, thực tế là hầu hết con người ta đều ưa thích lối sống dễ dãi, ngại hy sinh, ham mê những sự thế gian. Ấy thế, nên Chúa Giê-su mới nói là hãy chiến đấu.
Chiến đấu để qua cửa hẹp không phải là tranh  dành với người khác để vào, vì có nhiều người muốn vào quá nên phải tranh dành. Nếu thế thì chắc Chúa sẽ vui mừng biết mấy. Đức Giê-su có nói là “nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”, nhưng không phải vì quá đông nhưng là vì họ tìm không đúng cách. Cách của họ đưa ra quá đơn giản:  “Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Ông chủ làm lơ các ông, vì các ông là “quân làm điều gian ác”. 

Quả thế nước trời không phải là chỗ dung thân cho những kẻ nhận mình là con Chúa nhưng lại làm toàn điều gian ác. Chúa Giê-su đã từng cảnh báo: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (7,21). Như vậy, không phải là người Công giáo thì đương nhiên được cứu độ; không phải cứ đi lễ hằng ngày thì đương nhiên được vào Nước Trời, nhưng là phải thực hành lời Chúa dạy mỗi ngày trong đời sống của mình.

Muốn vào cổng của bữa tiệc nước trời phải có “chiếc đuôi cá” do chính Thiên Chúa mời. Làm sao có chiếc “Đuôi cá” ấy đây? Thưa, là phải chiến đấu với bản thân mình. Phải làm sao cho mình trở nên xứng đáng là một thành viên của buổi tiệc thiên quốc. Thiên Chúa mời gọi hết nhưng chỉ những ai dám chiến đấu với những thói hư tật xấu của mình; dám từ bỏ những đam mê xác thịt của mình, dám hy sinh vì tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Chỉ có bản thân chúng ta mới biết rõ chúng ta có những thói hư nết xấu nào mà không hợp với Tin Mừng của Chúa. Và cũng chỉ có cá nhân mỗi người với ơn Chúa mới có thể quyết định mình nên từ bỏ những gì cho hợp với ý Chúa.

Ngày nay chúng ta thấy biết bao quý bà quý cô vì muốn eo thon như con ếch đã dám hy sinh nhịn ăn, kiêng đủ thứ món mình thích. Quý ông thì phải khổ luyện mỗi ngày để có thân hình săn chắc như Phạm Văn Mách hay Lý Đức. Quý sỹ tử thì thức khuya dậy sớm để luyện thi cho đậu vào trường đại học. Ấy người ta vì đẹp, vì công danh sự nghiệp lại dám hy sinh những điều mình thích. Như vậy việc hy sinh để đạt đến cùng dích cuối cùng lại càng đáng làm hơn, và cấp thiết nhất.

Chuyện kể rằng:

Có một con cáo phát hiện một vườn nho rộng lớn, nho chín treo lủng lẳng đầy giàn, xem ra mỗi chùm nho, mỗi trái nho đều rất ngon ngọt, không cầm được nước miếng. Khổ nỗi xung quanh vườn đã xây dựng một hàng rào chắc chắn, muốn trui vào thì thân hình của mình lại mập quá. Thế là Cáo quyết tâm để mình gầy lại, Cáo nhịn đói ngay ngoài vườn nho trong 3 ngày 3 đêm liền. Sau 3 ngày 3 đêm nhịn ăn, cảm ơn Thần Thánh, Trời đã có mắt không phụ lòng của Cáo, Cáo gầy đi thật, mình Cáo trở nên thon thả và có thể trui lọt qua hàng rào. Vui sướng khi lọt được vào bên trong, thế là Cáo tha hồ, mặc sức hài lòng khoái khẩu. Nho thật tuyệt vời, chưa bao giờ và cũng chưa từng ở nơi đâu thấy có loại nho ngon ngọt như thế. Cáo quên mình đã ở trong vườn bao lâu, chén hết bao nhiêu nho. Chỉ còn biết khi no nê, mình  mập lên, Cáo không thể ra ngoài được nữa. Vì thế Cáo phải ở lại trong vườn nhịn đói 3 ngày 3 đêm để có thể trui ra ngoài. Ông trời có phụ ai bao giờ, thế là Cáo ra ngoài một cách thuận lợi và an toàn.

Một triết gia đã nói rằng: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Tiến trình làm người đòi buộc chúng ta phải dần dần lột bỏ đi những dục vọng thấp hèn của phần “con” nơi chúng ta và làm cho phần “người” ngày càng hoàn thiện bằng những nghĩa cử yêu thương đối với người khác. tiến trình làm người không kết thúc trước khi con người nhắm mắt xuôi tay. Đó là một cuộc chiến đấu liên lĩ cả cuộc đời.

Cổ nhân đúc kết một cuộc đời hoàn thiện là phải làm sao “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!”
Duy Thạch SVD



No comments:

Post a Comment