Chuyện kể rằng có một bác nông phu nọ,
nhặt được một quả trứng của chim phượng hoàng. Ông đem quả trứng về cho một con
gà mái ấp chung với những quả trứng gà. Ít lâu sau, quả trứng nở ra và một con
chim phượng hoàng xinh đẹp ra đời. Con chim phượng hoàng được dạy dỗ, sinh hoạt
chung với bầy gà con và chẳng lạ gì nó vẫn luôn nghĩ mình là một con gà con.
Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời nọ, trong
lúc đang bới đất tìm thức ăn ở một nông trại, phượng hoàng con bỗng nhìn thấy
những con chim phượng hoàng đang cất cánh mạnh mẽ bay lượn trên nền trời xanh
thẳm. Lúc ấy, trong đầu nó lóe lên một ý nghĩ: “Ước gì tôi có thể bay được như
những con chim ấy”. Những con gà xung quanh cười vang: “Bạn không thể bay được
như những con phượng hoàng ấy đâu! Chúng ta là loài gà và gà thì chỉ bươi dưới
đất, chứ không thể bay trên bầu trời như thế được đâu”.
Thế là, những ước mơ của chú chim
phượng hoàng con tàn lụi dần vì nó nghĩ sẽ chẳng thể nào thực hiện được. Thời
gian sau, chim phượng hoàng không mơ ước được bay cao nữa và tiếp tục cuộc sống
như một con gà. Và rồi, nó cũng chết đi như mọi con gà khác…
Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật hôm
nay đưa chúng ta về nguồn gốc và cùng đích đích thực của cuộc đời mình.
Trong bài đọc 2, thánh phao-lô nhắc nhở
mọi người chúng ta rằng: “Anh em đã được trỗi dậy cùng
với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang
ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng
giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”
Tất cả mọi
người, đặc biệt là người ki-tô hữu, những người đã được rửa tội, đã được chỗi
dậy cùng với Đức Ki-tô, chúng ta thuộc thượng giới. Chúng ta là “phượng hoàng”
chứ không phải là “gà con”. Tức là quê hương chúng ta ở trên trời, chúng ta có một
cuộc sống mai hậu, vĩnh viễn trên Thiên đàng. Nơi đó, chúng ta sẽ được hưởng
hạnh phúc vĩnh viễn Chúa và với những người thân yêu của chúng ta.
Như vậy, hành
trình dương thế chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, một cuộc chuẩn bị để chúng ta
bước vào cõi trời với Chúa. Người ta nói rằng, ngày mà chúng ta sinh ra trên
cõi đất này, cũng là ngày chúng ta khởi hành chuyến tàu đi về cõi chết. Không
ai trên cõi đời này có thể trường sinh bất tử được. Tính cho đến nay, người
sống lâu nhất trên trái đất này là Ông Lý Chính Dân, người Trung Quốc, với tuổi thọ 197, tức gần 2 thế kỷ. Nhưng cuối cùng ông cũng đã chết. Mỗi người chúng ta kẻ trước người sau, dù sớm hay muộn rồi cũng theo nhau về chầu Chúa. Chính Chúa Giê-su Thiên Chúa làm người cũng đã đón nhận quy luật tự nhiên ấy của kiêp nhân sinh. Nhưng vấn đề quan trọng là điều gì diễn ra sau cái chết ấy. Đức Giê-su đã phục sinh và lên ngữ bên hữu Thiên Chúa Cha, tức là một ví trí ngang hàng với Chúa Cha, và được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúa cũng hứa và mong mỏi cho tất cả mọi người chúng ta cùng được hưởng hạnh phúc với Chúa sau khi chết.
Chính vì thế, ngày hôm nay, cũng
như mỗi ngày trong suốt cuộc đời, Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta, làm gì thì
làm hãy luôn ý thức thân phận thượng giới, địa vị làm con Chúa của mình. Để
chi? Để chúng ta sống và làm tất cả mọi sự trên trần gian này chỉ để chuẩn bị
cho cuộc sống mai sau mà thôi. Và bất cứ điều gì không cần thiết, nhất là bất
cứ điều gì làm cho chúng ta lạc xa đường lối Chúa, thì dù nó có hấp dẫn, có lôi
cuốn bao nhiêu chúng ta cũng phải vất bỏ cho bằng hết.
Nhân loại vẫn còn rất
nhiều người chưa ý thức được địa vị “phượng hoàng” của mình. Họ cứ tưởng mình
chỉ là “gà con” nên cứ mải mê tìm kiếm và thỏa mãn với những thú vui trần thế.
Lại cũng có những người biết rõ rằng mình là con Chúa, mình thuộc trời cao,
nhưng lại không thoát ra khỏi được những cám dỗ và sức hấp dẫn của danh, lợi,
thú của chốn phàm trần.
Chúa Giê-su thấu hiểu hết cõi lòng con
người nên Ngài luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy luôn cảnh giác với lòng
tham của mình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhắc nhở người muốn Đức
Giê-su làm người chia gia tài cho anh rằng: “Anh em
phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà
mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Bằng chứng là ông nhà giàu
trong câu chuyện Đức Giê-su kể có rất nhiều của cải, dư xài trong nhiều năm,
không thể nào hết được. Nhưng Chúa đã nói cùng ông: “Hỡi kẻ ngu dại! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?
Ngày nay, những ông phú hộ thời hiện đại cũng có biết bao nhiêu của cải, tiền
gửi hàng đống trong ngân hàng, và cũng tự nhủ rằng: “ta cứ ăn nhậu vui chơi cho
đã”. Chúa cũng nhắn gửi với họ rằng: “Nếu đêm nay ngươi chết, thì ai xài những
thứ ấy. Chúa Giê-su không trách những người lắm bạc nhiều tiền, những tỉ phú.
Nhưng Ngài nhắn nhủ họ điều quan trọng và thiết yếu nhất đó là “làm giàu trước
mặt Thiên Chúa”. Ngài sợ rằng một khi chúng ta mãi mê và thõa mãn với những của
cải và sự sung túc của trần thế, chúng ta sẽ quên lối về. Quên lối về thì sẽ bị
lạc, bị lạc vào tay của ma quỷ và phải chịu kiếp trầm luân muôn đời.
Khi khẳng
định, xác tín rằng chúng ta là người thuộc thượng giới, chúng ta hãy nghe thánh
Phao-lô khuyên: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người
anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam
cũng là thờ ngẫu tượng.” Tất cả 5 thứ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu,
tham lam. Tại sao tham lam lại là thờ ngẫu tượng, vì chúng ta mê của cải vật
chất đến độ tôn thờ nó mà quên đi rằng chúng ta phải thờ phượng và kính mến
Chúa trên hết mọi sự.
Chuyện kể rằng: “Ðời chiến quốc, Phùng
Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quân là tướng quốc nước Tề.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng
Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi:
"Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân
bảo: "Ông xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Khi Phùng Huyên trở về rất nhanh, MTQ,
lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được
trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng
Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi
trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng
nuôi đầy chó, ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm
lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi:
"Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho
tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy
là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng MTQ làm
tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai
gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh
Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều
nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy đó".
Sách GV nói rằng: “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất
vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không
vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Phù vân, quả là phù vân.” Mọi thứ trên cõi đời này đều qua
đi hết. Duy chỉ cái tình, cái nghĩa, chúng ta đối đãi với Chúa với anh chị em
chung quanh mình là còn mãi đến muôn đời. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết
dùng tất cả những gì mình có: thời gian, của cải, bạc tiền để phục vụ Chúa phục
vụ anh chị em mình. Đó là cách thức tốt nhất để chúng ta làm giàu trước mặt
Thiên Chúa. Amen!
Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment