Thursday, 5 September 2013

THỨ BẢY SAU CN XXII TN C, Lc 6, 1-5: LUẬT VÌ CON NGƯỜI HAY CON NGƯỜI VÌ LUẬT

Bài Tin Mừng Lc 6,1-5, ghi lại một trong hai sự kiện đầu tiên khai mào cho cuộc tranh luận về cách giữ luật ngày Sa-bát giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Sự kiện các môn đệ đi qua một cánh đồng, lấy tay bứt bông lúa, là một điều bình thường, hợp luật, không có gì đáng nói cả. Bằng chứng là trong sach Đnl dạy rằng: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại anh (em), thì anh (em) có thể lấy tay bứt những bông lúa, nhưng không được tra liềm cắt lúa của người đồng loại anh (em) (Đnl 23,25).
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, hôm ấy lại là Ngày Sa-bát. Bứt lúa, vò trong tay, rồi ăn, theo những người Pha-ri-sêu, là điều không được làm trong ngày Sa-bát.
Ngày sa-bát, có 39 việc cấm làm: Cấm gặt hái, cấm đập lúa, cấm nấu nướng. Cấm mang gánh nặng tương đương với 2 trái vả khô. Cấm sinh hoạt việc vợ chồng. Cấm các dự định sẽ làm trong ngày sa-bát như dự định đi mua bán, kéo nước, đi du lịch, săn thú, săn chim, nhóm lửa cưỡi lừa, đi tàu ngoài biển, đánh giặc... Ai phạm luật sẽ phải chết.

Theo giải thích của một giáo sư Do Thái là: “Bứt bông lúa là tội gặt lúa, chà bông lúa trong tay là tội đập lúa, tách hột lúa ra khỏi gié lúa là tội giê lúa, toàn bộ các diễn tiến đo là tội sửa soạn bữa ăn.” Theo đó, các môn đệ của Đức Giê-su phạm đến 3 điều cấm làm trong ngày Sa-bát chứ không phải là một.
Trước chất vấn của nhóm Pha-ri-sêu, Đức Giê-su gợi nhớ lại câu chuyện Vua Đa-vít, và cả thuộc hạ của ông, đã ăn bánh tiến, thứ bánh mà chỉ có tư tế mới được ăn (1 Sm 21,1-6). Dĩ nhiên, Đức Giê-su không ngụ ý nói rằng, Vua Đa-vít, cũng như các môn đệ của Ngài đã làm đúng luật khi hành động như vậy. Ngài chỉ muốn mở mắt cho nhóm Pha-ri-sêu hiểu rằng: làm đúng luật thì tốt rồi, nhưng mà có những điều còn quan trọng hơn những quy tắc luật lệ nữa. Đó chính là mạng sống con người.
Luật Sa-bát là một điều Luật rất quan trọng đối với dân Ít-ra-en. Nó quan trọng bởi vì nó chính là món quà tình yêu mà Thiên Chúa ban cho dân. Ngài ban Luật cho dân để cho dân nhờ luật ấy được thánh hóa và sống tốt lành, hạnh phúc hơn chứ không phải để giới hạn sự phát triển, hoặc gây bất lợi cho sự sống con người.
Khi công bố: “Con người làm chủ ngày Sa-bát”, Đức Giê-su ngụ ý rằng Ngài chính là Thiên Chúa. Và Điều Luật trên mọi Lề Luật mà Ngài thường áp dụng khi đối đãi với tất cả mọi người là Luật Yêu Thương. "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27). Tất cả những điều khoản trong Luật Ngày Sa-bát phải làm thăng hoa đời sống con Người chứ không phải hạn chế, hay bóp chết sự sống con người.
Người ta kể lại rằng, ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ: Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.
Hoàng đế Napoléon trả lời:Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót. Bà mẹ nói:Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng  hương xót nữa. Hoàng đế Napoléon đáp:Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó. Và ông sai thả người thanh niên đó ra.

Trong cuộc sống gia đình, hàng xóm, láng giềng nhiều khi chúng ta theo nguyên tắc một cách cứng ngắc đến nỗi đánh mất cả cái tình. Tình và lý lúc nào cũng phải đi chung với nhau thì mới được. Quan trọng hơn là sở dĩ có cái lý, các nguyên tắc luật lệ, là vì cái tình. Xin Chúc cho tất cả quý OBACE luôn biết dùng tình thương mà đối đãi nhau. Nếu một quy tắc, hay luật lệ nào có nguy cơ làm sứt mẻ tình cảm con người, làm nguy hại đến sự sống của con người, thì chúng ta cũng mạnh dạn bỏ đi, cho vừa lòng nhau và đẹp lòng Chúa.
Duy Thạch, SVD 

No comments:

Post a Comment