Tiệc cưới ế ẩm vì tất cả những kẻ được vinh dự mời thì đều xin kiếu. Họ có điều gì đó hấp dẫn hơn tiệc cưới của vị vua. Cứ lẽ thường thì một khi vua đã mời thì không một ai có thể từ chối. Đó không chỉ là vinh dự to lớn nhưng còn là bổn phận trách nhiệm và nhất là vì an toàn cho bản thân. Làm mất lòng nhà vua thì thật bất lợi nếu không muốn nói là rất có hại. Thực tế thì nhà vua đã sai lính đến giết người được mời và phá hủy thành. Không những không được ăn mà còn không được yên thân với vua.
Nhiều cỗ bàn đã dọn sẵn nhưng không có ai ăn. Thế là nhà vua phải ra mọi neo đường mời gọi mọi người đến "ăn dùm" kẻo phí đi. Những người này xem như là những ân nhân của vua khi chấp nhận đến dự buổi tiệc không dành cho chính họ và trong bối cảnh nhà vua và hoàng tử đã bị các thực khách bỏ rơi hết. Được mời gọi cách bất ngờ như vậy thì dĩ nhiên là họ không có thời gian mặc trang phục đàng hoàng mà có thời gian thì họ cũng không muốn mặc vì họ đâu có ý định đi dự tiệc cưới. Thế mà, nhà vua lại chất vấn một cách vô lý là: "tại sao họ khộng mặc trang phục cưới khi vào đây?". Chưa hết, nhà vua còn trừng phạt họ, bắt họ tống vào nơi tối tăm phải khóc lóc và nghiến răng suốt đời. Biết vậy thì đừng đi dự tiệc để cho tiệc ế luôn cho rồi. Không được ăn mà còn mang họa.
Rất nhiều người lấy làm khó hiểu là tại sao nhà vua lại vô lý đến thế. Mời người ta một cách bất đắc dĩ thì làm sao có những sự chuẩn bị đàng hoàng được mà đòi hỏi? Tiệc cưới không ai dự người ta đến "ăn dùm" mà lại đòi hỏi quá đáng.
Thiên Chúa có phải là ông vua vô lý như thế không? Nếu Thiên Chúa vô lý như thế thì ai thèm theo Người? trước tiên phải xác nhận ngay rằng là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và ao ước cho tất cả được vào nước trời, vào dự tiệc cưới con Chiên. Thánh Matthew viết Tin Mừng trong bối cảnh nhiều lãnh đạo Do thái đã từ chối và giết chết Đức Giê-su, và nối kết với sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị người La Mã phá hủy năm 70. Cộng đoàn Mathew bao gồm rất nhiều người ngoại giáo trở lại và những người Do thái thu thuế và tội lỗi nữa. Lúc rao giảng Đức Giê-su mở lòng mở trí cho tất cả mọi người, Ngài đặc biệt đến với "người thu thuế và người tội lỗi". Như vậy, dụ ngôn không nhằm nói đến sự trừng phạt cách vô lý của Thiên Chúa, vị vua nhân lành cho bằng khát vọng cứu độ tất cả mọi người. Sứ mạng của Đức Giê-su khởi đầu từ đất nước Do thái, cho người dân Do thái nhưng không dừng lại ở đó. Ơn cứu độ phải được loan đến với hết mọi người ở khắp các nẻo đường, ngã ba, ngã tư...
Phần đông người ki-tô hữu ngày nay không phải là những người được mời gọi đầu tiên. Họ đều là dân ngoại, được mời gọi vào dự tiệc cưới Con Chiên. Được mời gọi không có nghĩa là họ được đảm bảo một chổ ngồi vững chãi trong phòng tiệc. Tuy nhiên, Thiên Chúa chủ tiệc không phải là người quyết định chuyện ấy. Ngài không trông chờ việc nhìn thấy ai đó không mang áo cưới để trục xuất vì Ngài khao khát họ đến dự tiệc cơ mà. Chính thực khách là người quyết định vận mệnh của mình. Họ phải chuẩn bị tốt nhất có thể để trở thành người xứng đáng ngồi trong phòng tiệc. Nếu không chuẩn bị họ sẽ thấy mình lạc lõng bơ vơ khi ngồi bên cạnh những người có sự chuẩn bị đàng hoàng. Có một câu đố như sau: Quỷ đau khổ nhất khi nào? Trả lời: Quỷ đau khổ nhất khi phải sống chung với một vị thánh.
Vấn đề không phải là tôi đã là thành viên của đạo Công Giáo bao lâu nhưng tôi đã và đang là người Công Giáo thế nào. Tôi đã được rửa tội từ nhỏ nhưng như thế không có nghĩa là tôi đương nhiên được hưởng sự sống mai sau. Muốn dư tiệc cưới thì tôi phải mang trang phục cưới nếu không tôi tự cảm thấy mình không xứng đáng và rồi tiếc nuối bước ra khỏi phòng tiệc. Phòng tiệc nước trời không giới hạn trong một khoảng thời gian nhưng vượt thời gian và không gian. Bỏ Lỡ buổi tiệc nước trời là bỏ lỡ hạnh phúc của cả đời tôi.
Nguyện chúc cho tất cả mọi người ki-tô hữu luôn sống xứng đáng với căn tính của mình để được được vào dự tiệc với Chúa trong nước trời mai sau.
Duy Thạch
Duy Thạch
24-08-2012
No comments:
Post a Comment