Tác giả Thánh vịnh 139 nói về ưu phẩm toàn tri của Thiên Chúa như sau:
“Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.”
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.”
Dĩ nhiên, ngoài ưu phẩm toàn tri ấy Thiên Chúa còn là Đấng tốt lành, Đấng Chân Thiện Mỹ, Đấng giàu tình yêu… với những ưu phẩm như thế thì sự toàn tri của Thiên Chúa không phải để soi mói hay gây họa cho con người, làm cho con người phải hoảng sợ nhưng là để tương trợ con người những lúc cần thiết, làm cho họ thấy an tâm, để yêu thương họ bằng tình yêu vô tận. Tuy nhiên, con người có thật sự cảm thấy sự toàn tri ấy có ích gì cho mình hay không? Làm sao để việc “biết Thiên Chúa biết” nên hữu ích cho con người? Đó quả thực là câu hỏi hóc búa.
Chuyện kể rằng có một người đàn ông được lên thiên đàng. Thiên Chúa cho ông xem lại cuốn phim của cuộc đời mình lúc còn ở dương gian như thể anh đang di dọc theo bờ biển. Có một điều làm cho ông lấy làm khó hiều. Đó là, khi bình yên vui vẻ thì ông luôn thấy bốn dấu chân, hai dấu chân của ông và hai dấu chân của Chúa. Tuy nhiên, lúc gặp sóng gió bão bùng thì hai dấu chân biến mất chỉ còn lại hai dấu chân mà thôi. Không ngần ngại ông liền trách Chúa: “Tại sao Người chỉ hiện diện trong lúc con sung sướng hạnh phúc còn lúc con gặp nguy khốn thì Người lại biến mất? đúng là cháy nhà mới ra mặt chuột”. Thiên Chúa ôn tồn trả lời: “Con lầm rồi, con nhìn kỹ lại đi, hai dấu chân kia chính là hai dấu chân của Ta vì chính lúc đó con không đi nổi nên ta phải cõng con trên vai”. Người đàn ông rất đỗi ngạc nhiên: “Vậy sao? Sao con không cảm nhận được nhỉ?
Cảm giác và hình ảnh đẹp nhất về Ba tôi trong ký ức tôi chính là lúc Ông cõng tôi trên vai, băng qua cánh đồng để đi đến nhà thờ mỗi buổi chiều. Tôi ngồi lên cổ Ba mình hai chân thòng xuống đong đưa trước ngực, hai tay thì ôm lấy đầu Ông. Cảm giác lúc đó thật đặc biệt khó tả. Tôi thấy mình cao nhất khi được nâng lên, nhìn thấy mọi sự và cũng tránh khỏi phải đi trên những đám cỏ gai lởm chởm. Nhưng trên hết là cảm giác tình thương mà Ba dành cho tôi, cảm giác thân thiết đến lạ thường.
Chính những cảm giác đó đã theo tôi suốt những bước đường tôi đi. Và trong những biến cố xảy ra trong đời mình tôi thường nghĩ về Cha Mẹ mình. Khi tôi vui, tôi nghĩ rằng chắc Cha Mẹ tôi cũng vui với tôi. Khi tôi buồn tôi cũng cảm giác Cha Mẹ tôi đang buồn với mình. Những khi tôi phạm sai lầm, tôi nghĩ đến điều ấy làm Cha Mẹ không vui, tôi òa khóc. Cách đây hơn 10 năm, trong một lần chơi đá bóng, tôi đã bị tai nạn khiến khuôn mặt tôi bị rách một đường dài và để lại vết thẹo vĩnh viễn. Lúc ấy, Ba tôi đến thăm tôi ở bệnh viện và tôi thấy nét mặt của Ba rất buồn. Tôi nhớ đến những lời Ba tôi thường trách mấy anh của tôi khi họ bị trầy xước: “Hồi nhỏ, mỗi lần tụi con té ngã là cha mẹ chửi nhau liền, vậy mà bây giờ lớn rồi tụi con lại không biết quý bản thân để trầy xước như vậy”. Và tôi đã khóc rất nhiều vì biết rằng tôi làm cho Cha Mẹ tôi buồn thật nhiều.
Đối với Thiên Chúa thì sao? Tôi biết Chúa là người Cha toàn năng, toàn tri. Người biết rõ tôi hơn Cha mẹ tôi, Người yêu thương tôi hơn Cha Mẹ tôi, Người hiện diện với tôi mọi nơi mọi lúc. Nhưng chẳng có ích gì khi đó chỉ là những kiến thức hạn hẹp mà tôi có về Người. Nó chẳng giúp gì cho tôi nếu tôi không cảm được tình yêu của Người đối với tôi. Đúng vậy! sao tôi vẫn không cảm được nhỉ? Lắm lúc tôi nghĩ rằng nhược điềm lớn nhất của Chúa chính là sự vô hình. Vô hình thì siêu phàm lắm nhưng trong tương quan với con người thì quả là một bất lợi. Con người vốn xác thịt làm sao cảm giác được tình yêu của Người vô hình đây? Làm sao yêu được nếu không nhìn thấy được Người, không nắm được tay Người, không cảm giác được nụ hôn của Người? Chính các môn đệ thân tín của Đức Giê-su đã chia sẻ kinh nghiệm này sau biến cố Tử nạn - Phục Sinh. Họ đã không nhận ra Người khi người đồng hành và trò chuyện cùng họ trên đường Emmaus (x. Lc 24,16); Họ đã không nhận ra Người khi người hiện diện và mách nước cho họ nơi phải thả lưới trên bờ hồ Ti-bê-ri-a (x. Ga 21, 1-23); Họ đã hoảng hốt tưởng Người là ma khi đang tụ họp với nhau tại một nhà đóng kín cửa (x. Lc 24, 36-43). Còn Bà Maria, người đàn bà hằng theo Chúa đến dưới chân thập tự lại tưởng Người là “người làm vườn” (x. Ga 20,11-18). Đó là kinh nghiệm của những người từng ăn, từng uống với Chúa, từng nghe Chúa giảng dạy mà còn như thế huống hồ tôi chưa từng được gặp Người. May mắn thay! Họ còn có những kỷ niệm thân tình khi còn ở bên Chúa để rồi kịp lúc nhận ra Người, còn tôi thì lấy gì để nhắc nhớ cho sự hiện diện ấy đây?
Đôi lúc tôi ví tưởng tình yêu của Người với tôi giống như tình yêu của thời internet, tình yêu ảo. Hai người thương nhau chỉ qua mạng internet chứ không hề gặp mặt hay hẹn hò. Làm sao thật được nếu hai người ấy không một lần gặp mặt và nắm tay nhau? nhưng ít ra họ còn có thể chọn lựa là gặp hay không gặp. Và khi người này gửi message thì người kia hồi đáp. Còn hơn là tôi với Người nhiều khi tôi phải “đoán mò ý Người” mà không lấy gì để xác định là có đúng hay không nữa. Nhiều khi gửi message đi mà không bao giờ được hồi đáp hoặc giả Người hồi đáp cách nào đó mà tôi không thể nhận được. Thật là một mối tình ngang trái trớ trêu! Làm sao tôi dám khẳng định đây là tình yêu thật, chứ không phải tình ảo, nếu tôi không cảm giác được tình yêu của Người? không trao ban cho Người hết tình yêu tôi cho Người? không biết được tâm tư của Người để vui, để buồn với Người? không đón nhận được sự chung vui và sẻ buồn của Người?
Nào Có ích gì khi tôi biết Chúa đang nhìn thấy tôi, Người thấy mọi sự, người biết mọi sự, … nhưng Người chẳng là gì đối với tôi? Một cô gái điếm có thể ngang nhiên đứng giữa đường phố Sài Gòn bắt khách mà không ngại ngùng hay sợ sệt vì cô biết rằng hoặc ít ra, nghĩ rằng nơi đây chẳng có người quen, người thân của mình. Nhiều người nhìn thấy cô lắm chứ và thấy rõ nữa chứ, biết cô là gái nữa. Vậy thì có chuyện gi? Vì chung quanh cô đều là người xa lạ, không ai biết cô là ai và gia quyến cô là ai. Vậy là an toàn.
Tri thức về sự toàn tri của Thiên Chúa dường như vô nghĩa nếu như tôi không nối được mối dây yêu thương giữa tôi với Người. Chúa thấy tôi ư? Biết tôi lỗi lầm xấu xa ư? Chẳng can gì cả vì Người liên quan gì đến tôi đâu? Ngược lại khi tôi cảm nhận được Chúa là người thân của tôi mọi sự sẽ thay đổi. Sự cảm nhận được tình yêu của Chúa là mấu chốt xác định ý nghĩa của sự nhận thức về sự toàn tri của Thiên Chúa. Kinh Thánh, bức thư tình của Chúa chỉ trở nên có giá trị với tôi nếu tôi cảm nhận được nó đến từ người yêu tôi. Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu chỉ có giá trị khi tôi cảm nhận được tình yêu trong bí tích ấy, cảm nhận được đó chính là Đấng yêu tôi. Đời thánh hiến có chỉ có giá trị khi tôi cảm nhận được đó là đường yêu thương. Và trên hết, con đường này là đường mà người yêu tôi mong muốn tôi đi.
Nguyện ước cho tôi và nguyện chúc cho mọi người sớm nối được dây tơ hồng với Chúa!
30-08-2012
Jos. Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment