Sau diễn từ về "Bánh hằng sống", nhiều môn đệ đã
rút lui vì họ cảm thấy "lời này chướng tai quá, ai mà nghe cho nỗi".
Diễn từ bánh hằng sống là lối diễn tả tình yêu tuyệt vời có một không hai trên
thế giới này. Tuy nhiên, nó cũng là một lối diễn tả lạ lẫm nhất và ghê rợn nhất đối với người
Do thái từ trước đến giờ: "làm sao ông này lại cho chúng ta ăn thịt ông ta
được?". Đức Ki-tô quả thực đã yêu con người quá đỗi muốn biến mình làm của
ăn nuôi dưỡng thân xác và linh hồn họ. Ngài muốn trở nên "một xương một thịt"
với từng người một. Và cách tốt nhất để "họ được ở lại trong Ngài và Ngài ở
lại trong họ chính là hiến
mình làm của ăn của uống cho họ.
Tuy nhiên, chuyện ấy nghe thật khó hiểu và khó ai có thể chấp
nhận được. Thực tế thì nhiều môn đệ đã rút lui. Họ không chấp nhận một lối diễn
tả yêu thương như thế. Họ không thể nào hiểu được thế nào là ăn thịt và uống
máu. Không hiểu thì làm sao mà chấp nhận.
Sau diễn từ "bánh hằng sống" câu hỏi 'theo Thầy hay
bỏ Thầy" được đặt ra một cách cụ thể hơn. Theo Thầy đồng nghĩa với việc chấp
nhận ăn thịt và uống máu Thầy chứ không chỉ no thỏa với cơm bánh do Ngài ban
cho. Chỉ có ăn thịt và uống máu Thầy thì mới được sự sống đời đời. Tổ tiên đã ăn
Manna trong sa mạc và đã chết nhưng ai ăn bánh của Ngài cho sẽ được sống đời đời.
Sự sống đời đời cũng là một ý tưởng khá trừu tượng đối với
dân chúng. Họ theo Ngài chỉ vì Ngài đã làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho họ được
ăn no nê. Đó là thực tế họ mong mỏi nơi Ngài trong khi Ngài lại trình bày một
diễn từ nói về một tương lai xa xôi nào đó, một sự sống đời đời bất diệt vĩnh cửu
nơi chốn vĩnh hằng.
Mục đích của Đức Giê-su là vậy. Ngài giúp cho nhân loại đón
nhận sự sống đời đời chứ không phải chỉ là cơm ăn áo mặc trong cuộc sống thường
ngày. Ngài muốn nhân loại tìm lại hạnh phúc địa đàng một thứ hạnh phúc do Thiên
Chúa ban tặng và tồn tại mãi mãi.
Tuy nhiên, dân Do thái ngày xưa cũng như nhân loại ngày nay dường
như quá xa lạ với ý niệm "sự sống đời đời". Hạnh phúc đối với họ chỉ
là sự sung túc về cơm ăn áo mặc nhà cửa tươm tất, đỉnh cao của trí tuệ. Họ
không hiểu được sự sống đời đời là gì và có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đời họ.
Họ chỉ biết rằng thiếu ăn thì sẽ đói, thiếu mặc sẽ lạnh, thiếu địa vị sẽ bị
khinh chê, thiếu học thức sẽ bị coi là dốt nát. Những cái thiếu ấy làm cho họ
lo lắng hơn nhiều cho nên họ không màng gì đến cái gì gọi là "sự sống đời
đời".
Qua thực cái bóng của sự đau khổ và sự chết về thể xác quá lớn.
Nó bao trùm trên cả phận người làm cho họ không còn nghĩ đến chuyện gì khác
ngoài gánh nặng cơm áo gạo tiền, tương lai, danh vọng trên trần thế này. Một
khi còn bị đè nặng bởi bóng tối sự chết chóc về mặt thể lý con người còn bận rộn
chăm chút cho sự sống thể xác và không màng nghĩ đến sự sống vĩnh cửu. Đó cũng
là điều khá nghịch lý. Lẽ ra khi thấy được sự mong manh của phận người thì người
ta càng phải nghĩ đến một hạnh phúc vĩnh cữu và tìm kiếm nó. Đó là ý tưởng của
Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký. Khi nhìn thấy một con khỉ già chết đi, nó vội
nghĩ đến một thứ thuốc trường sinh bất lão nào đó và đã bỏ Hoa Quả Sơn với biết
bao hoa thơm trái ngọt để ra đi. Tôn Ngộ Không cuối cùng đã toại nguyện sau khi
hộ tống Đường Huyền Trang lấy Kinh thành công và được phong Bồ Tát.
Đức Giê-su đã mặc lấy thân phận con người để nâng họ lên làm
con Chúa, cho hưởng sự sống đời đời. Thế mà nhân loại vẫn chỉ muốn chăm chút
cho phận người và dừng lại ở những sung sướng thể xác trên trần gian.
Chọn lựa theo thầy hay bỏ thầy vẫn là một câu hỏi
"hot" cho mọi thời đại. Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều chọn
Ngài để được hưởng hạnh phúc đời đời. Tuy nhiên, chỉ những ai khao khát cuộc sống
mai sau, tìm kiếm một hạnh phúc đích thực mới có ý chọn Chúa. Và khi chọn Chúa
họ đồng thời vượt qua những rào cản của lý trí để dám tin vào những điều khác
biết, lạ lẫm với suy nghĩ của mình. Đó là một niềm tin bao hàm sự can đảm thật
sự. Sự can đảm này chỉ bắt nguồn từ mối tương giao tốt đẹp gần gũi với Thiên Chúa,
xem Ngài như người Cha đích thực. Người Cha luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất
cho con và người con không bao giờ nghi ngờ chuyện ấy.
Nguyện chúc cho tất cả mọi người nhận thấy đâu là những giá
trị đích thực mà mình phải mong ước và kiếm tìm trong suốt cuộc đời mình; Và ai
là người có thể đảm bảo cho mình một hạnh phúc viên mãn.
Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment