Thursday, 30 August 2012

SỰ THẬT GIẢI THOÁT HAY GIẾT CHẾT CON NGƯỜIi?!?!



Sự thật là một đề tài rất lớn trong Tin Mừng Gioan. Làm chứng cho sự thật chính là mục đích chính yếu của Đức Giê-su khi nhập thể làm người: " Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (Ga 18,37). Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế cũng không làm gì khác hơn là "làm chứng cho sự thật": "Ông ấy đã làm chứng cho sự thật" (Ga 5,33).
Vậy, Hẳn sự thật có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với thân phận của con người, nó có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của con người. Nó có thể cứu thoát hay giết chết một con người. Chính Đức Giê-su cũng đã từng công bố với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các Ông" (Ga 8,23). Vậy, hẳn nhiên theo lời của Đức Giê-su thì sự thật sẽ giải thoát, sẽ cứu lấy mạng sống con người chứ không phải giết chết. Hễ ai nói và sống thật thì sẽ được giải thoát.
Thế nhưng, Đức Giê-su đã chịu khổ hình, chịu sỉ nhục và hành hình trên thánh giá khi mới 33 tuổi cũng chỉ vì làm chứng cho sự thật. Thánh Gioan Tẩy Giả đã vì nói sự thật mà bị vua Hê-rô-đê bắt giam và chém đầu trong ngục (Mc 6,17-29). Ngày nay, nhiều nhà báo, luật sư, và nhà trí thức Việt nam vì tranh đấu cho công lý và sự thật đã bị chính quyền bắt giam, đánh đập dã mãn thật thảm hại. Như vậy, phải chăng sự thật cũng có nguy cơ làm cho người ta tổn thọ và đoạn mạng? tại sao vậy? tại sao những con người sống theo sư thật lại bị đối xử tệ bạc như vậy?
Trong một xã hội mà những giá trị vật chất được đặt lên làm thước đo định giá cho giá trị con người và mọi hành động của con người chỉ nhằm vào những giá trị vật chất thì sự thật dường như không có chỗ dung thân. Chính vì thế mà muốn tồn tại trong một xã hội gian dối người ta phải tìm cách lừa gạt người khác, che lấp đi những khiếm khuyết của mình. Đứng trước một sự bất công trong xã hội người ta dễ chọn sự im lặng để được yên thân hơn là nói lên tiếng nói bảo vệ cho công lý. Tại sao vậy? vì họ biết rằng đứng về phía sự thật thì đồng nghĩa với việc họ phải gánh chịu sự thiệt thòi về phía mình. Vậy thì tội gì mà phải lên tiếng, phải nói sự thật làm gì chứ?!?
Tuy nhiên, nếu suy tính như thế thì con người chỉ ở mức một động vật cấp thấp. Chúng sẵn sàng đấu tranh, làm đủ mọi thứ để sinh tồn. Con người đích thực không phải thế. Con người khác con vật ở chỗ họ có lý trí để suy xét và có ý chí để chọn lựa. Con vật đấu tranh để sinh tồn. Con người đấu tranh để sống đúng với nhân phẩm của mình. Không ai nói đến vật phẩm nhưng người ta chỉ nói đến nhân phẩm. Con người phải sống đúng với nhân phẩm và chỉ có sống đúng với nhân phẩm thì con người mới thật là người. Để sống đúng với nhân phẩm con người phải vượt lên trên những bản năng thấp hèn để chọn lựa những điều phù hợp với nhân phẩm của mình. Họ cần phải dám chấp nhận hy sinh thiệt thòi để sống đúng với sự thật. Sự thật sẽ giải thoát họ khỏi những áy náy dằn vặt của lương tâm, khỏi những lo âu sợ sệt, đề phòng tha nhân, khỏi những bất an do những tính toán thấp hèn.
Báo điện tử  tuoitre.vn ngày 24/07/2012 có đăng bài viết nhan đề “khi lương tâm thật sự có răng” của tác giả Tam Sắc.[1] Bài viết nói về một người đàn ông người Anh tên là Val Patterson, vào những ngày cuối đời đã thừa nhận tấm bằng tiến sỹ của mình là bằng giả. Ông đã vô tình có được tấm bằng của ai đó rồi biến nó thành tấm bằng của mình. Nếu Ông không nói ra thì mãi mãi vẫn không ai có thể biết. Nhưng vào cuối cuộc đời mình ông bỗng cảm thấy mình phải nói lến sự thật để cho lương tâm được thanh thản và nhất là để cho sư thật giải phóng chính ông khỏi những ham muốn hư danh của mình. Và quả thật ông đã được truyền thông thế giới biết đến như con người có lương tâm thật sự. Đứng trước tòa án lương tâm Ông đã dám nhìn nhận mình có lỗi để nhận ơn giao hòa của chính lương tâm mình và để tìm lại nhân phẩm của mình. Chỉ có như thế thì lương tâm ông mới được thanh thản sau bao nhiêu năm áy náy, giằn vặt.
Báo điện tử hcm.24h.com.vn ngày 08/04/2011 có đăng bài nhan đề: “Rầm rộ mua bán bằng cấp giả”.[2] Trong đó tác giả diễn tả cung cũng như cầu của thị trường bằng cấp giả ở Việt nam đang diễn ra hết sức rầm rộ và phong phú với giá cả phải chăng. Người ta có thể mua bất cứ bằng cấp gì. Từ chứng chỉ ngoại ngữ tin học cho đến bằng cao học của tất cả các chuyên ngành. Có người cần một tấm bằng để bổ sung vào hồ sơ xin việc của mình. Cũng lắm kẻ bỏ tiền ra mua bằng để “nâng cao trình độ học thức ảo của mình”. Có như thế mới thấy được giá trị của “sự chân thật” đang bị xuống cấp như thế nào trong xã hội ngày nay.
Gần đây người ta lại xôn xao trước một bài báo nhan đề “Vua đạo văn” được đăng trên báo tuổi trẻ.[3]  Bài báo nói về một thạc sĩ người Việt chuyên ngành vật lý tên là Lê Đức Thông, nguyên là cán bộ của Viện Vật Lý TpHCM, bị nhiều tạp chí khoa học thế giới tuyên bố rút (gở bỏ) bảy bài nghiên cứu khoa học vì lỗi đạo văn (Plagiarism). Ông Thông đã viết những bài nghiên cứu mang tính chất tổng hợp của nhiều nguồn tư liệu của những người khác đã có trước đó và công bố là của mình với tên gọi là phương pháp Thông (Thong Method). Điều đáng nói là Ông không hề ghi chú những nguồn của tư liệu Ông trích dẫn. Do sự kiện này mà truyền thong thế giới giật tít: “các nhà vật lý Việt nam bị gở bỏ bài viết vì đạo văn”. Một con sâu làm rầu nồi canh. Viện vật lý Việt nam lo ngại rằng uy tín của ngành vật lý Việt nam sẽ bị giảm đáng kể trong con mắt của thế giới sau sự kiện này. Đó chỉ là một trong muôn vàn sự gian dối của người trí thức trong xã hội ngày nay. Người ta sẵn sàng đánh đổi danh dự và nhân phẩm của mình để chỉ lấy một hư danh nhỏ nhoi tạm bợ thấp hèn.

Sự gian dối đang ngự trị và bao trùm lấy xã hội ngày nay. Người ta vẫn yêu chuộng sự thật. Người ta vẫn thích công lý. Thế nên, hình tượng của Đức Giê-su và Gioan Tẩy Giả vẫn còn sống mãi trong lòng thế giới. Tuy vậy, hằng ngày người ta vẫn phải “ăn gian, nói dối” để tồn tại trong xã hội này. Người ta chưa dám hy sinh sự “tồn tại” (exist) để sống “live” cho đúng với bản chất và ơn gọi làm người của mình. Bao lâu người ta còn chìm ngập trong sự gian dối, người ta vẫn bị sự gian dối đè bẹp và không bao giờ yên ổn được. Chỉ khi nào con người dám can đảm sống theo sự thật sống theo lương tâm ngay thẳng của mình thì họ mới thực sự được giải thoát.
Nguyện xin Đức Giê-su qua lời chuyển cầu của thánh Gioan Tẩy Giả, ban cho con người lòng can đảm để họ dám chọn lựa chân lý trong một xã hội đầy những dối gian lừa gạt.
Duy Thạch
29-08-2012




No comments:

Post a Comment