Friday 31 August 2012

KẺ KHÔNG CÓ THÌ NGAY CẢ CÁI ĐANG CÓ CŨNG SẼ BỊ LẤY ĐI (Mt 25,29)

           
Thoạt nghe câu nói ấy của Đức Giê-su, nhiều người không tránh khỏi cảm giác khó hiểu vì có một sự nghịch lý nào đó. Tuy nhiên, nếu đọc lại toàn bộ dụ ngôn "những yến bạc" sẽ thấy được tính hợp lý trong câu kết luận nầy.
           Ông chủ rất công bằng khi trao cho mỗi người số nén bạc phù hợp với khả năng riêng của mỗi người. Phải nói rằng ông chủ hiểu rõ biết rõ từng người và khả năng của họ. Ý định của ông chủ là giao phó những nén bạc cho những cá nhân cụ thể để gây lời cho kho tàng của mình chứ không phải để cất giữ.
Nếu chỉ để giữ gìn bảo quản thì ông chỉ cần giao chìa khóa  kho tài sản cho một quản lý là đủ không cẩn phải giao cho từng người. Như vậy rõ ràng khi trao những nén bạc cho từng cá nhân ông chủ ngụ ý trao một số vốn để cho họ gây lời theo đúng với khả năng của chính mình.
          Điều này cảng rõ ràng hơn khi trong 3 người được giao phó những nén bạc thì đã có hai người hiểu được ý chủ và đã gây lời được gấp đôi số vốn giao cho mình. Quả đúng như thế, nhờ thế mà cả hai người đều được mời gọi vào dự tiệc vui của ông chủ cùng với lời hứa sẽ được trao nhiều hơn. Duy chỉ một người là đem chôn dấu một nén bạc ông chủ trao cho và trả lại cho ông chủ nguyên vẹn. Dĩ nhiên ông chủ không những không hài lòng mà còn lấy lại tất cả những gì anh đang có và còn trừng phạt anh một cách nặng nề. Lý do mà người này đưa ra là: "vì ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi" nên anh ta đâm sợ mà chôn dấu nén bạc và trả lại nguyên vẹn những gì ông chủ trao. Còn lý do mà Ông chủ đưa ra cho sự trừng phạt là: vì anh ta "tồi tệ, biếng nhác và vô dụng".
           Như thế, Anh ta bị khiển trách và loại bỏ không phải vì anh làm thiệt hại nén bạc mà anh lãnh nhận nhưng vì anh "biếng nhác và vô dụng". Ông chủ không thể chấp nhận một đầy tớ như thế, một đầy tớ không làm theo ý mình, không làm lợi cho mình. Ông lấy lại nén bạc và ban cho kẻ khác vì nó chẳng có ý nghĩa gì đối với người đầy tớ ấy. 
          Trong thực tế cuộc sống, đặc biệt trong lãnh vực Kinh Tế, một số vốn nếu được đầu tư đúng chỗ sẽ được sinh lời. Đa số Những kẻ giàu có trên thề giới này đều là những kẻ biết dùng số vốn của mình một cách đúng đắn. Dĩ nhiên khi họ đã có vốn thì họ sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội đầu tư hơn và sẽ có nhiều cơ hội giàu có hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là họ phải siêng năng làm việc không được lười biếng. Còn kẻ không dám mạnh dạn đầu tư mà cứ cất giấu tài sản của mình  một cách cận thận thì sẽ không thể sinh lợi được. Thế giới chứng kiến biết bao nhiêu người trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng nhưng cũng có biết bao nhiêu hậu nhân của những tỷ phú trở thành những kẻ nghèo mạt rệp. Một trong 10 bí kíp làm giàu được tỷ phú giàu nhất nước Mỹ Warren Buffett đúc kết là: "Tái đầu tư lợi nhuận" (Reinvest your profits. “Even a small sum can turn into great wealth,”: http://www.getrichslowly.org/blog/2008/09/10/warren-buffetts-ten-secrets-to-wealth-and-life/). Dù giàu có đến mức nào nếu một khi chôn dấu kho tàng của mình thì không thể giữ mãi được sự giàu có của mình. Ngược lại nếu tiếp tục đầu tư thì số vốn nhỏ cũng có thể trở nên tỷ phú.
Mỗi người trên thế gian này đều là một thương gia đầy triển vọng và được Thiên Chúa trao ban cho những số vốn phù hợp với năng lực của mỗi người. Thiên Chúa không đi xa nhưng vẫn ở ngay bên đồng hành với con người và hỗ trợ họ trong mọi công việc nhằm giúp họ có điều kiện tốt nhất để sinh lời. Mối lời nào con người cần phải có trong ngày cánh chung (ngày tận thế đây). Phải chăng là tiền tài, danh vọng? phải chăng là học thức bằng cấp? tất cả đều không phải. Chỉ một điều cần thiết duy nhất mà thôi. Đó là mỗi cá nhân đã chăm sóc tha nhân thế nào. Nén bạc tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho con người đã triển nở được bao nhiêu hay nó đã bị hao hụt đến mức nào. Tất cả những gì con người sở hữu trên trần gian này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: để yêu thương tha nhân và phục vụ cho lợi ích của tha nhân. Điều nghịch lý trong luận lý lại là điều hợp lý tuyệt vời nhất trong triết lý sống của một con người. Thánh Phanxicô Assisi đã đúc kết kinh nghiệm yêu thương trong lời Kinh hòa bình như sau: "Chính lúc cho đi là khi được lãnh nhận; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân". Tâm lý con người chung chung là thích nhận lãnh hơn là trao ban; thích giữ trữ hơn là thích chi đi bởi họ chưa thực sự bắt được điều mà thánh Phao Lô đã cảm nhận qua lời dạy của Đức Giê-su : "cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35). Tuy thế, cũng đã có biết bao nhiêu người cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc khi họ trao ban chính tài sản, thời giờ và tài năng của mình vì lợi ích của xã hội, của tha nhân. Đó là kho tàng mà Thiên Chúa (Ông Chủ), Người Cha luôn mong muốn tất cả mọi cá nhân đều đạt được. Tiệc vui của Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón chào những người biết phát triển kho tàng tinh yêu mà Ngài trao cho.

Nguyện cầu cho tôi và nguyện chúc cho tất cả mọi ngưởi biết nhận ra đâu là mối lợi đích thực mà mình phải gây dựng và dấn thân để rồi chỉ dùng tất cả những giá trị vật chất như là phương tiện Chúa ban cho mà đạt cho được mối lợi ấy.
1.9.2012
Duy Thạch

No comments:

Post a Comment