Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy
Lạp |
Việt |
25 Καὶ ἰδοὺ νομικός
τις ἀνέστη ἐκπειράζων αὐτὸν λέγων· διδάσκαλε, τί ποιήσας ζωὴν αἰώνιον κληρονομήσω; 26 ὁ δὲ εἶπεν πρὸς αὐτόν· ἐν τῷ νόμῳ τί γέγραπται; πῶς ἀναγινώσκεις; 27 ὁ δὲ ἀποκριθεὶς εἶπεν· ἀγαπήσεις κύριον τὸν θεόν σου ἐξ ὅλης [τῆς] καρδίας σου καὶ
ἐν ὅλῃ τῇ ψυχῇ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ ἰσχύϊ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ διανοίᾳ σου, καὶ τὸν
πλησίον σου ὡς σεαυτόν. 28 εἶπεν δὲ αὐτῷ· ὀρθῶς ἀπεκρίθης· τοῦτο ποίει καὶ ζήσῃ. 29 ὁ δὲ θέλων δικαιῶσαι ἑαυτὸν εἶπεν
πρὸς τὸν Ἰησοῦν· καὶ τίς ἐστίν μου πλησίον; 30 Ὑπολαβὼν ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· ἄνθρωπός
τις κατέβαινεν ἀπὸ Ἰερουσαλὴμ εἰς Ἰεριχὼ καὶ λῃσταῖς περιέπεσεν, οἳ
καὶ ἐκδύσαντες αὐτὸν καὶ πληγὰς ἐπιθέντες ἀπῆλθον ἀφέντες ἡμιθανῆ. 31 κατὰ συγκυρίαν δὲ ἱερεύς
τις κατέβαινεν ἐν τῇ ὁδῷ
ἐκείνῃ καὶ ἰδὼν αὐτὸν ἀντιπαρῆλθεν· 32 ὁμοίως δὲ καὶ Λευίτης [γενόμενος] κατὰ τὸν
τόπον ἐλθὼν καὶ ἰδὼν ἀντιπαρῆλθεν. 33 Σαμαρίτης δέ τις ὁδεύων ἦλθεν κατ᾽ αὐτὸν καὶ ἰδὼν ἐσπλαγχνίσθη, 34 καὶ προσελθὼν
κατέδησεν τὰ τραύματα αὐτοῦ ἐπιχέων ἔλαιον καὶ οἶνον, ἐπιβιβάσας
δὲ αὐτὸν ἐπὶ τὸ ἴδιον κτῆνος ἤγαγεν αὐτὸν
εἰς πανδοχεῖον καὶ ἐπεμελήθη
αὐτοῦ. 35 καὶ ἐπὶ τὴν αὔριον ἐκβαλὼν
ἔδωκεν δύο δηνάρια τῷ πανδοχεῖ καὶ εἶπεν· ἐπιμελήθητι
αὐτοῦ, καὶ ὅ τι ἂν προσδαπανήσῃς ἐγὼ ἐν τῷ ἐπανέρχεσθαί με ἀποδώσω
σοι. 36 τίς τούτων τῶν τριῶν πλησίον δοκεῖ σοι γεγονέναι τοῦ ἐμπεσόντος
εἰς τοὺς λῃστάς; 37 ὁ δὲ εἶπεν· ὁ ποιήσας τὸ ἔλεος μετ᾽ αὐτοῦ. εἶπεν δὲ αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς·
πορεύου καὶ σὺ ποίει ὁμοίως. (Lk. 10:25-37 BGT) |
25 Và kìa, một nhà thông luật đứng
lên, thử Người, nói rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để có thể thừa hưởng sự sống đời đời” 26 Người nói cùng ông ta: “Trong Luật đã
viết gì? Ông đọc thế nào? 27 Để trả lời, ông ta nói: “Ngươi phải yêu Chúa, Thiên Chúa của ngươi
từ toàn thể trái tim ngươi, với toàn thể linh hồn ngươi và toàn thể sức lực ngươi và toàn thể trí óc ngươi và
[yêu] người thân cận như chính ngươi” 28 Người nói cùng ông ta: “Ông trả lời đúng lắm, hãy làm điều ấy, thì ông có thể sống”. 29 Nhưng vì muốn chứng tỏ mình có lý nên ông nói cùng Đức Giêsu: “Nhưng
ai là người thân cận của tôi?” 30 Để trả lời, Đức Giêsu nói: “Có một người đàn ông nọ đi xuống từ Giêrusalem vào thành Giêrikhô, anh ta rơi
vào tay những tên cướp, những người trấn lột anh ta, sau khi gây
thương tích cho anh ta, họ ra đi để lại anh ta
nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một người tư tế đi xuống trên
cùng con đường đó và khi nhìn thấy anh ta, ông
ta băng qua theo lề đường đối diện. 32 Tương tự, một thầy Lêvi đi xuống cùng nơi chốn, khi nhìn thấy,
ông băng qua theo phía
lề đường đối diện. 33 Nhưng một người Samari đang hành trình,
đi về phía anh ta, khi
thấy anh ta, ông chạnh lòng thương 34 Sau khi lại gần, ông băng bó vết thương, đổ dầu
và rượu lên trên. Sau khi đặt anh ta lên lưng
lừa, ông dẫn anh ta về quán trọ và chăm sóc anh ta. 35 Và ngày hôm sau, sau khi lấy tiền ra,
ông đưa cho người chủ quán trọ hai denari và
nói: “Hãy chăm sóc anh ta, và nếu phải tiêu tốn thêm, chính tôi sẽ hoàn trả lại ông khi tôi trở lại.” 36 Theo ông, ai trong số ba người này là những người thân cận của người
rơi vào tay kẻ cướp. 37 Ông ta nói: “Người đã tỏ lòng thương
xót với anh ta. Đức Giêsu nói với anh ta, Hãy
đi và chính ngươi hãy làm như vậy. |
Bối Cảnh
Trong bối cảnh rộng, Lc 10,25-37
là đoạn văn được trích ra từ các trình thuật về kỳ giảng thứ hai của Đức Giêsu:
Kỳ giảng trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19, 27).[1]
Trong bối cảnh hẹp hơn, đoạn văn nằm ngay sau một vài lời giảng trên hành trình
lên Giêrusalem của Đức Giêsu về sự mặc khải cho những người bé nhỏ (Lc 10,21);
Tương quan giữa Cha và Con và những người được mặc khải (Lc 10,22); Các môn đệ
là những người bé nhỏ, được mặc khải mầu nhiệm lớn lao (Lc 10,23-24). Đối lại với
hình ảnh bé nhỏ của các môn đệ được thấy và nghe về mầu nhiệm, là hình ảnh người
thông luật, các tư tế và Lêvi gặp khó khăn trong việc nghe, thấy và tham gia
vào mầu nhiệm (Lc 10,25-37). Người Samari trong dụ ngôn cũng được xem như là một
người nhỏ bé nhưng đã thực hành giá trị Tin Mừng một cách tuyệt vời. Tiếp theo
sau câu chuyện này là câu chuyện về cô Maria bé nhỏ, nhưng đã chọn phần tốt nhất:
Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy (Lc 10,38-42). Đoạn Tin Mừng này nối kết
với cốt lõi của sách Luật Cựu Ước: Yêu Chúa hết cả con người và yêu người thân
cận như chính mình (Đnl 6,4-5; Lv 19,18b). Hơn nữa, nó nối kết với toàn bộ giáo
huấn và hành động yêu thương của Đức Giêsu, bằng cách mở rộng đối tượng được
yêu thương ra đến tất cả mọi người, không trừ một ai. Động từ “chạnh lòng
thương” cũng với những hành động chăm sóc dành cho người bị hại (nửa sống, nửa
chết), gợi nhớ đến tình thương người cha dành cho đứa con hoang đàng (đã chết
mà nay lại sống) trong dụ ngôn “Hai người con lạc” (Lc 15,11-32). Nó cũng gợi nhớ đến “sự chạnh lòng thương mà Đức
Giê-su dành cho mẹ con bà góa thành Nain (Lc 7,11-17).
Cấu trúc
(I)
Bí quyết để
có sự sống đời đời Câu hỏi của
nhà thông luật: Làm gì để được sống đời đời? (25) Câu hỏi của
Đức Giêsu: Sách Luật đã viết gi? (26) Trả lời của
người thông luật: Yêu Chúa với toàn thể con người và yêu người thân cận như chính mình (27) Mệnh
lệnh của Đức Giêsu: Hãy làm điều ấy (28) (II)
Định nghĩa
về người thân cận: Dụ ngôn người Samari Câu hỏi về
người thân cận (29) Câu chuyện
về hành động của người thân cận (30-35) Bối cảnh: Người bị
cướp nửa sống nửa chết (30) Thái độ của
3 người đi ngang qua: (1)
Người tư tế: Đi xuống,
nhìn thấy, băng qua theo mé đường bên kia (31) (2) Người Lêvi: Đi xuống cùng nơi, nhìn thấy, băng
qua theo mé đường bên kia (32) (3) Người Samari:
Đi về phía, thấy, chạnh lòng thương, lại gần, băng bó, đổ dầu và rượu, đặt
lên lưng lừa, dẫn về, chăm sóc, lấy tiền ra, căn dặn chủ quán tiếp tục chăm
sóc (33-35). Chân
dung người thân cận (36-37): Người đã tỏ lòng thương xót với
người bị hại. Mệnh
lệnh của Đức Giêsu:
Hãy đi và làm như vậy. |
Một số điểm chú giải
1.
Một
nhà thông luật … người tư tế…Lêvi … người Samari:
Tác giả Luca và tác giả Mátthêu (Mt 22,34-40) đồng thuận với
nhau trong việc gọi người đến chất vấn Đức Giêsu là một “luật sỹ” (hay người
thông luật, νομικός). Tác giả Mátthêu còn cho biết thêm là nhà thông luật này
thuộc nhóm những người Pharisêu (biệt phái). Tác giả Máccô gọi người này là “một
kinh sư” (Mc 12,28.32). Cách dùng nhiều thuật ngữ khác nhau giữa các tác giả
làm cho các độc giả không khỏi bối rối. Tuy nhiên, theo tác giả Ellis Rivkin,
đây có thể là các cách gọi khác nhau của cùng một nhóm người. Nhưng theo thời
gian, và tùy theo người dùng mà thuật ngữ bị biến đổi. Theo tác giả, thuật ngữ
chỉ nhóm người này xuất phát từ “sofer” (số ít), “soferim” (số nhiều) trong tiếng
Do Thái, chuyển ngữ qua tiếng Hy Lạp là grammateis (các kinh sư, ký lục). Thoạt
đầu danh xưng “sofer” để chỉ một người chép Sách Thánh, nhưng sau này tác giả
Ben Sirach (một tác giả Do Thái gốc Hy Lạp, thế kỷ II tCn) áp dụng thuật ngữ
này cho những người theo đuổi sự khôn ngoan. Danh xưng “sofer” bắt đầu để chỉ
người có học thức, chuyên gia về Sách Thánh (Hc 38,24; 39,1-11). Danh xưng “Pharisêu”
(perushim, những người tách ra, ly khai) được những người Xađốc dùng để gọi các
chuyên gia về Luật, vì những người này rao giảng không những Luật ghi chép mà còn
Luật truyền miệng. Đức Giêsu không phả là người Xađốc nên Người không gọi họ là
Pharisêu mà gọi là các kinh sư. Tuy nhiên, vì các độc giả Hy Lạp và Rôma không
dễ gì nhận ra các “grammateis” là các chuyên gia về Luật chứ không đơn giản chỉ
là các ký lục (người chép Sách Thánh), nên các tác giả Tin Mừng thường thêm
danh xưng Pharisêu đi kèm để giải thích. Các thuật ngữ “luật sỹ”, “người thông
luật” để giải thích rõ hơn về chuyên ngành của những “kinh sư” (hay Pharisêu)
này.[2]
Trong bối cảnh này, người thông luật được dùng song song với
tư tế, Lêvi, như những người trí thức, chức sắc Do Thái và đối lại với Đức Giêsu
là thầy dạy. Ông này gọi Đức Giêsu là “thầy” (διδάσκαλε). Danh xưng “người
thông luật” (νομικός) cũng phù hợp với công việc chuyên môn của họ được Đức Giêsu
đề cập: “Trong sách Luật đã chép gì? Ông đọc thấy thế nào? (ἐν τῷ νόμῳ τί γέγραπται;
πῶς ἀναγινώσκεις). “Người thông luật” thì nghiên cứu về Luật và biết rõ
về Luật.
Tư tế và Lêvi là hai chức sắc phục vụ đền thờ Giêrusalem.[3]
Cả hai người đều đi xuống từ Giêrusalem. Rất có thể là họ cùng trở về sau một
phiên phục vụ trong đền thờ. Tin Mừng Luca đã nói đến vị tư tế tên là Dacarias,
với nhiệm vụ là dâng hương trong đền thờ (Lc 1,9). Tư tế cũng là những người có
quyền chứng nhận ai thanh sạch hay ô uế, như được tìm thấy trong câu chuyện người
bệnh phong được chữa lành (Lc 5,12-14; Mc 1,40-45; Mt 8,1-4; Cf. Lc 17,14).
Trong các tác giả sách Tin Mừng chỉ có tác giả Gioan ghi lại cảnh một số thầy
tư tế và thầy Lêvi đi chung từ Giêrusalem đến thẩm vấn ông Gioan về căn tính của
chính ông (Ga 1,19). Những người Lêvi đã từng được biết đến như những người tư
tế thực thụ (các tư tế Lêvi) trong khoảng thời gian dân Ítrael lang thang trong
sa mạc. Họ có chức năng chuyển tiếp (Đnl 17,18) và dạy những quyết định của
Chúa cho nhà Giacóp và Luật của Người cho Ítrael (Đnl 33,10). Đến thời cải cách
tôn giáo, khi tất cả mọi hình thức tế lễ đều phải tập trung về Giêrusalem, những
thầy Lêvi giảm thiểu vai trò và trở thành những người phục vụ trong ban bệ thờ
cúng.[4]
Vào thời Đức Giêsu các Lêvi là những “chuyên viên phục trách các vấn đề về nghi
thức”.[5]
Một làng người Samari vừa xuất hiện trước đó như là những người
từ chối, không đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang hành trình hướng về Giêrusalem.
Những người Do thái luôn xem thường những người Samari và người Samari cũng
không có thiện cảm gì với người Do Thái.[6]
Chính vì thế, việc sử dụng hình ảnh người Samari trong dụ ngôn này, đối lại với
thầy tư tế và Lêvi Do Thái, càng làm cho khái niệm người thân cận được mở rộng
ra đến cực điểm.
2. Thừa hưởng sự sống đời đời: Tác giả Luca sử dụng ghi lại hai câu chuyện về
hai người khác nhau hỏi Đức Giêsu về bí kíp để có được sự sống đời đời. Trong
câu chuyện này, tác giả ghi chú rằng người thông luật muốn thử Đức Giêsu. Ông
ta thử để bắt lỗi chứ không thực lòng muốn biết. Thực ra, ông ta đã biết rồi,
vì khi Đức Giêsu hỏi lại thì ông ta đã trả lời rất đúng. Câu chuyện thứ hai kể
về một người lãnh đạo, đã hỏi Đức Giêsu một câu hỏi y chang như câu hỏi này
(18,18-30). Đức Giêsu hỏi ông ta về các điều răn và khi biết rằng ông ta đã giữ
các điều răn từ nhỏ, Người mời gọi ông bán hết tài sản, cho người nghèo rồi đến
theo Đức Giêsu. Sự sống đời đời, vẫn là niềm khao khát của cả người trí thức, lẫn
người giàu có trong xã hội thời Đức Giêsu. Trong thời Cựu Ước, sự thừa hưởng
(thừa kế) thường được gắn liền với Đất Hứa (St 28,4; Đnl 1,8; 2,12; 4,1; cf. Cv
7,5). Chỉ có ngôn sứ Đaniel nói về sự sống đời đời (hoặc là sự ô nhục và ghê tởm
muôn đời) dành cho nhưng người đã an nghỉ trong bụi đất (Đn 12,2). Trong các
tác giả sách Tin Mừng, Gioan là người nói nhiều nhất đến sự sống đời đời. Luca
là tác giả Tin Mừng Nhất Lãm nói nhiều hơn về khái niệm này (Lc 10,25;
18,18.30; Cv 13,46.48).[7]
Đâu là sự thử thách nằm trong câu hỏi này? Người thông luật
muốn thử kiến thức của Đức Giêsu hay là muốn Đức Giêsu dạy điều gì đó không
chính thống? Có lẽ là ý thứ hai. Đức Giêsu đã từng làm nhiều điều không chính
thống: Qua lại, ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi; chữa bệnh
trong ngày Sabát; chạm đến người ô uế (người cùi, người bị băng huyết, người chết);
Ăn uống với đôi tay không thanh sạch (không rửa tay). Nếu Người hành động như vậy,
thì quan niệm Người đối với Luật về sự sống đời đời cũng hẳn cũng có thể có vấn
đề. Nếu Đức Giêsu nói chỉ cần theo Người và có sự sống bằng cách đánh mất nó đời
này thì sẽ gây ra vấn đề dị giáo.[8]
3. Sách Luật: Nơi có thể tìm ra bí quyết để
có sự sống đời đời là Sách Luật. Sách Luật ám chỉ đến năm cuốn sách đầu tiên của
Sách Thánh (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật). Sách Thánh Do Thái
(24 cuốn), được chia thành ba phần: (1) Torah (Luật, hay lời dạy, Ngũ Thư); (2)
Neviim (các ngôn sứ); và (3) Ketuvim (các văn phẩm). Chỉ có tác giả Luca liệt
kê đầy đủ ba phần của Sách Thánh Do Thái và một lần duy nhất. Các lần khác, tác
giả liệt kê hai phần: Môsê và các ngôn sứ (16,29; 16,31; 24,27) hay Lề Luật và
các ngôn sứ (Lc 16,16). Tác giả Gioan cũng dùng cách nói “Môsê và các ngôn sứ”
để chỉ Sách Thánh Cựu Ước (Ga 1,45). Tác giả Mátthêu gọi là “Luật và các ngôn sứ”
(Mt 5,17; 7,12).[9]
4.
Từ toàn
thể trái tim ngươi, với toàn thể linh hồn ngươi … toàn thể sức lực ngươi… toàn
thể trí óc ngươi: Đây là lời được nhà thông luật trích ra từ sách Đệ Nhị Luật
thường được gọi là “Shema” vì nó bắt đầu bằng mệnh lệnh “hãy nghe, hỡi Ítrael”
(שְׁמַ֖ע יִשְׂרָאֵ֑ל ), và cũng thường được gọi là bản Tuyên Xưng
Đức Tin của dân Ítrael. “Trái tim” tượng trưng cho những phản ứng đáp trả và cảm
xúc của con người; “linh hồn” là nguồn sống và ý thức của con người; “sức mạnh”
tượng trưng cho xu thế năng lực và bản năng; “Trí năng” là những phẩm chất
thông minh và hoạch định. Đó là tổng hợp của toàn thể đời sống cá nhân.[10]
Lc
10,27 |
Đnl
6,5 |
Ngươi sẽ yêu
Chúa là Thiên Chúa ngươi với toàn thể trái tim, với toàn thể linh hồn, toàn
thể sức mạnh và toàn bộ trí năng ngươi. |
Ngươi phải yêu Chúa là Thiên Chúa
Ngươi với toàn thể trái tim, và toàn thể linh hồn và toàn thể sức lực của
ngươi. |
So với bản văn của sách Đệ Nhị Luật, bản văn của Luca có thêm
một ngữ giới từ bổ nghĩa cho động từ yêu “với toàn bộ trí năng” (ἐν ὅλῃ τῇ διανοίᾳ σου).
Xem ra, tác giả Luca cảm thấy cần phải thêm phần trí năng của con người nữa, phần
rất được đề cao trong thế giới triết lý Hy Lạp. Đây là cách diễn tả tình yêu ở
mức độ tuyệt đối và trọn vẹn nhất mà một người có thể dành cho Chúa, từ tinh thần,
thể xác, suy nghĩ, hành động. Sách Đệ Nhị Luật còn thêm vào mệnh lệnh “phải
liên lỉ dạy cho con cháu, và sẽ nói cho chúng khi ngươi ngồi trong nhà, hay khi
đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Phải buộc những lời ấy vào tay làm
dầu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh chị em và lên
cửa thành anh chị em” (Đnl 6,7-9). Cách nói này cho thấy điều luật này quan trọng
thế nào trong đời sống của những người Do Thái.
5. Như chính ngươi: Mệnh lệnh “yêu người
thân cận như chính mình” được trích
ra từ sách Lêvi: “Ngươi sẽ không báo thù hay giận dữ những đứa con của dân
ngươi, nhưng phải yêu người thân cận như
chính ngươi (ὡς σεαυτόν),
Ta là Chúa” (Lv 19,18). Mệnh đề so sánh này đưa ra với giả định rằng người ta
luôn yêu bản thân của mình trên hết mọi người và mọi vật. Nó được đặt song song
với mức độ yêu Chúa. Nghĩa là yêu Chúa với mức độ cao nhất, tuyệt đối nhất thì
cũng phải yêu người thân cận với mức độ tương đương. Đó là quy chuẩn cho mức độ
yêu thương tốt nhất trong Luật Cựu Ước. Tác giả Tin Mừng thứ tư ghi lại việc Đức
Giêsu trao tặng cho các môn đệ một điều răn mới, trong đó quy chuẩn về mức độ
yêu thương người khác không còn là “như chính mình” nữa, nhưng là “như Đức Giêsu
đã yêu thương” (Ga 13,34). Quy chuẩn này được ban ra với giả định rằng các môn
đệ biết rõ Đức Giêsu đã yêu thương họ như thế nào: “Không có tình yêu nào lớn
hơn, vĩ đại hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người yêu của mình”
(Ga 15,13). Quy chuẩn của điều răn mới là “yêu thương người khác hơn cả chính bản
thân mình”. Đức Giêsu đã sẵn sàng chết vì người mình yêu. Đức Giêsu đã nâng mức
độ tình yêu dành cho người thân cận trong Cựu Ước lên đến mức tuyệt đối, dựa
trên mức độ tình yêu của Người.[11]
6. Người thân cận: “Người thân cận” (τὸν
πλησίον) trong bối cảnh sách Lêvi là những người cùng chủng tộc Do Thái,
đối lại với những người ngoại kiều. Sách Lêvi gọi là “những đứa con của dân
ngươi”. Người thông luật chỉ đề cập đến tình yêu dành cho “những người thân cận”,
nhưng thực ra, Luật cũng rất để ý đến tình yêu dành cho những người ngoại kiều
sống giữa Ítrael thời bấy giờ: “Người ngoại kiều ngươi không được ngược đãi và
áp bức vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Xh 22,20; Cf. Xh
23,9.12; Lv 19,10.33; 23,22; Đnl 5,14; 10,18). Hơn nữa, trong sách Lêvi, Thiên
Chúa còn dạy là phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ giữa các ngươi như người
bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các
ngươi đã từng là ngoại kiều” (Lv 19,34).[12]
Có lẽ, nên hiểu câu trả lời của người thông luật là cách nói tóm gọn nhất của
Luật yêu thương. Chính Đức Giêsu cũng đồng ý hoàn toàn với câu trả lời của ông
ta. Tuy vậy, đối tượng yêu thương trong suy nghĩ của người này có lẽ còn rất hạn
hẹp, nên ông mới hỏi thêm câu hỏi về “người thân cận”. Cuối cùng, người thông
luật phải chính miệng thừa nhận, “người thân cận” là người biết bày tỏ lòng
thương cảm đối với người bị hại. Đức Giêsu bất ngờ đảo ngược câu hỏi: Tôi tỏ ra
là người thân cận của ai? Chứ không phải ai là người thân cận của tôi? Không có
một ranh giới nào cho khái niệm “người thân cận”. Sự thân cận chưa chắc bao hàm
sự yêu thương, nhưng tình yêu thương luôn tạo nên sự thân cận.[13]
Họ là tất cả mọi người cần được tôi yêu thương, giúp đỡ, không phân biệt chủng
tộc, màu da tôn giáo, giàu hay nghèo, trẻ hay già, đẹp hay xấu, ở địa vị xã hội
nào.
7. Đi xuống từ Giêrusalem: Động từ “đi xuống”
là một động từ chính xác để diễn tả lối di chuyển từ Giêrusalem đến Giêrikhô.[14]
Giêrusalem khoảng 822m trên mực nước biển, còn Giêrikhô khoảng 243m thấp hơn mực
nước biển.[15] Giêrikhô
là nơi cư ngụ phổ biến của các tư tế thời Đền Thờ Thứ Hai, bởi lẽ đây là thành
phố trù phú và trung tâm hành chính quan trọng, đặc biệt thời Hasmoneans xây dựng
nhiều điền trang hoàng gia. Dĩ nhiên, có nhiều thành phố khác có nhiều tư tế
sinh sống nhưng Giêrikhô vẫn là thành phố tư tế đặc biệt trong sự nối kết của
nó với Giêrusalem và đền thờ. Người ta không biết từ bao giờ Giêrikhô trở thành
thành phố tư tế, người ta đoán chừng là từ thời Dơrúpbaven trở về xây lại đền
thờ sau thời lưu đày Babylon.[16]
Cả tư tế và thầy Lêvi đều đi xuống từ Giêrusalem. Rất có thể là họ đã hoàn
thành một thời kỳ phục vụ đền thờ và trở về quê nhà.[17]
Người bị hại cũng đi cùng đường, cùng hướng với hai chức sắc này. Vì thế, có thể
anh ta là người đồng hương Do Thái và cùng tham dự lễ ở đền thờ Giêrusalem. Dụ
ngôn này được đặt trong bối cảnh lộ trình xuống từ Giêrusalem. Đức Giêsu đang
trên đường lên Giêrusalem. Nhân vật người Samari trong câu chuyện không rõ là
đi xuống hay đi lên. Hình ảnh người Samari tốt lành, rất có thể ám chỉ đến hình
ảnh của Đức Giêsu đang trên hành trình cứu độ nhân loại.
8. Nửa sống nửa chết: Tình trạng của người
bị hại được mô tả là “nửa sống nửa chết” (ἡμιθανῆ, nghĩa
đen là gần chết). Cách diễn tả này vừa cho thấy tình trạng “thập tử nhất
sinh” của người bị hại, rất cần được cứu giúp, vừa cho thấy thầy tư tế và thầy Lêvi
có thể giúp mà không bị ô uế. Theo luật
thanh sạch, một người đụng vào xác chết thì bị ô uế, không thể dâng Lễ Tế,
nhưng người xấu số này chưa chết. Anh không phải là xác chết.
9. Đi xuống … nhìn thấy anh ta… băng qua theo
lề đường đối diện: Hành động của hai chức sắc Do Thái được mô tả rất giống
nhau. Họ đi xuống, cùng đường với người đàn ông xấu số, họ nhìn thấy anh đang nằm
gần chết, nhưng không chút do dự, họ nép qua mé bên kia đường để băng qua. Nếu
như họ nại vào lý do sợ bị ô uế thì không hợp lý, vì anh này chưa chết. Hơn nữa,
họ đang trên đường từ Giêrusalem xuống, nghĩa là họ đã xong bổn phận phục vụ
nghi lễ ở đền thờ. Giả như có ô uế thì họ cũng không ngại là không được dâng hy
lễ. Nói chung, rất khó tìm được một lý do nào hợp lý để biện minh cho hành động
của hai người này. Lý do chỉ có thể là sự vô cảm, thiếu tình yêu đối với người
khác, ngại phiền phức, không muốn bị liên lụy. Sự vô cảm của hai người này đối
lại với sự “chạnh lòng thương” của người Samari. “Vô cảm” dẫn người ta tránh
qua bên kia mà băng qua, “chạnh lòng thương” dẫn người Samari tiến tới và hành
động.
10. Đang hành trình … đi về phía anh ta …
thấy anh ta … chạnh lòng thương: Người Samari, đối lại với những người Do
Thái (tư tế, Lêvi). Thầy tư tế và thầy Lêvi tượng trưng cho những người lặp lại
bản tuyên xưng đức tin “Shema” hai lần mỗi ngày, đối lại với người Samari, bị
cho là ngoại lai, vô đạo.[18]
Trong khi cả thầy Lêvi và thầy tư tế được mô tả là đi xuống cùng đường, cùng hướng
với người bị cướp, người Samari được mô tả đang trên hành trình, đi về hướng
“anh ta” (người bị nạn). Người ta không biết là người Samari đi từ hướng nào về
hướng nào, nhưng chắc chắn một điều là người này đi về hướng người bị nạn. Đó
là sự khác biệt đầu tiên trong cách mô tả người Samari so với hai chức sắc Do
Thái. Người Samari cũng thấy người bị nạn như hai người Do Thái trước đó, nhưng
sự khác biệt tiếp theo là ông đã động lòng thương. Tiếp theo sau đó là một loạt
hành động trái ngược để diễn tả sự nhạy cảm, động lòng thương của một người
Samari đối với một người xấu số, xa lạ: “lại gần… băng bó vết thương, đổ dầu và
rượu lên trên… đặt anh ta lên lưng lừa,… dẫn anh ta về quán trọ và chăm sóc anh
ta”. Động lòng thương là một cảm xúc từ con tim. Nó gợi nhớ đến lời mời gọi yêu
Chúa “từ toàn thể con tim”. Cảm xúc từ con tim ấy khiến cho người Samari tạm dừng
cuộc hành trình để làm mọi sự tốt nhất là cho người bị hại. Từ những hành động
sơ cứu rất chuyên nghiệp, cho đến việc chăm sóc cẩn thận trong một quán trọ.
Hành động chăm sóc ấy lại được nối dài khi người Samari tiếp tục nhờ cậy người
chủ quán trọ: “Hãy chăm sóc người này, nếu phải tiêu tốn thêm, chính tôi sẽ
hoàn trả lại ông khi tôi trở lại.” Đại từ “ἐγὼ” (tôi) và túc từ “με”
(tôi) được dùng như để nhấn mạnh trách nhiệm yêu thương, chăm sóc đến cùng của
người Samari dành cho người bị hại. Ông phải tiếp tục hành trình, nhưng ông sẽ
trở lại để hoàn tất nghĩa vụ yêu thương đối với nạn nhân xa lạ.
Sự đối lập giữa người Samari và hai chức sắc Do Thái được
tóm kết như sau: Hai người >< một người; Người Do
Thái >< người Samari; Tránh qua bên kia mà đi >< tiến lại gần để ở
lại với; Thấy nhưng không gặp gỡ ><
thấy và gặp gỡ; Dửng dưng, vô cảm >< chạnh lòng thương; Không làm gì
để giúp người bị hai >< làm mọi sự có thể để giúp người bị hại; Người
thân cận thành người xa lạ >< người
xa lạ thành người thân cận.
11. “Hãy
đi và chính ông hãy làm như vậy”: Mệnh lệnh “hãy làm điều ấy” (τοῦτο
ποίει) đã được Đức Giêsu gợi lên khi nhà thông luật trả lời rất đúng về
bí quyết để có sự sống đời đời. Đại từ “điều ấy” ngụ ý là toàn bộ câu trả lời của
ông ta: “Ngươi phải yêu Chúa, Thiên Chúa của ngươi từ toàn thể trái tim ngươi,
với toàn thể linh hồn ngươi và toàn thể sức lực ngươi và toàn thể trí óc ngươi
và [yêu] người thân cận như chính ngươi”. Lần này, sau khi người thông luật đã
hiểu rõ khái niệm “người thân cận”, Đức Giêsu thêm mệnh lệnh “hãy đi” vào mệnh
lệnh “hãy làm”. Đại từ ngôi thứ hai “σὺ” (ông/anh) được đặt trước
động từ làm như để nhấn mạnh, “chính ông hãy làm”. Trạng từ “ὁμοίως” (tương tự/
như vậy) để làm sáng tỏ những điều và cách thức mà nhà thông luật phải làm. Động
từ làm được Đức Giêsu sử dụng hai lần để đáp lại động từ làm mà nhà thông luật
đã dùng để hỏi Người. Có thể tóm kết cuộc đối thoại thế này:
“Tôi phải làm gì để thừa hưởng được sự sống
đời đời”?
“Ông hãy đi và chính ông hãy làm y như vậy,
ông sẽ được thừa hưởng sự sống đời đời”
Làm y như vậy có nghĩa là: “Ngươi phải yêu Chúa, Thiên Chúa
của ngươi từ toàn thể trái tim ngươi, với toàn thể linh hồn ngươi và toàn thể sức
lực ngươi và toàn thể trí óc ngươi và [yêu] người thân cận như chính ngươi”.
Yêu người thân cận là làm tất cả các hành động y như người Samari đã làm cho
người đau khổ, thập tử nhất sinh, trên đường đời.
Bình luận tổng quát
Trên con đường lên Giêrusalem, Đức
Giêsu tiếp tục giảng dạy về thực tế nhiều người bé nhỏ về địa vị và kiến thức lại
có thể đón nhận Đức Giêsu và mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trong khi đó, có nhiều
người có địa vị và học thức cao hơn, thậm chí cả những chức sắc, lãnh đạo của
tôn giáo lại gặp khó khăn trong việc hiểu biết những thông điệp Tin Mừng của
Người. Có người thông luật, một người trí thức, đứng lên để thử Người về bí quyết
để có được sự sống đời đời. Đức Giêsu không đáp lại sự thử thách của ông ta.
Người kéo ông ta vào cuộc để ông ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về thắc mắc
của mình. Thay vì Đức Giêsu phải trả lời cho người thông luật thì ông ta lại tự
trả lời cho chính thắc mắc của mình còn Đức Giêsu thì chuẩn nhận và mời gọi ông
“hãy làm điều đó”. Điều đó có nghĩa là “yêu Chúa hết cả trái tim, hết cả linh hồn,
hết cả sức lực và hết cả trí năng” và “yêu người thân cận như chính mình”.[19]
Người thông luật vẫn chưa hài lòng và muốn thử Đức Giêsu với một câu hỏi khác,
câu hỏi liên quan đến khái niệm “người thân cận”. Đức Giêsu lại không trả lời
chất vấn của ông ta. Người kể một câu chuyện dụ ngôn và rồi chính người thông
luật lại phải trả lời cho chính thắc mắc thứ hai của mình: “Người thân cận là
người thể hiện lòng thương xót đối với người bị rơi vào tay kẻ cướp”. “Thể hiện
lòng thương xót” (ὁ ποιήσας τὸ ἔλεος) trong bối cảnh này bao hàm
tất cả các hành động: Nhìn thấy, chạnh lòng thương, tiến lại gần, băng bó vết
thương, đổ rượu và dầu lên, đặt lên lưng lừa, đưa về quán trọ, săn sóc, lấy tiền,
đưa cho người chủ quán và dặn dò “hãy chăm sóc anh ta”, sẵn sàng trở lại để trả
thêm phí tổn. “Chạnh lòng thương” là động từ đặc biệt dùng để diễn tả cảm xúc của
người cha nhân hậu khi người con thứ trở về trong tình trạng đói rách (Lc 15,20).
Cảm xúc của Đức Giêsu dành cho mẹ con bà góa thành Nain cũng được diễn tả bằng
động từ này (Lc 7,13). Sự “chạnh lòng thương” giúp cho người cha quên đi tất cả
mọi quá khứ tội lỗi của người con thứ để rồi chỉ còn biết “chạy ra, ôm lấy anh
và hôn liên tục”. Sự chạnh lòng thương của Đức Giêsu đã khiến Người làm phép lạ
phục sinh người con trai và trao lại cho bà góa. Sự chạnh lòng thương của người
Samari đã làm nảy sinh bao nhiêu sáng kiến tình yêu của một người lạ dành cho một
người lạ. Sự trái ngược giữa thân phận, địa vị tôn giáo của người Samari và hai
chức sắc Do Thái (tư tế và Lêvi) cùng với sự trái ngược trong cách thức thể hiện
tình thương giữa người Samari và những chức sắc này, đã phá tan mọi biên giới,
rào cản, và nguyên tắc vốn có về khái niệm “một người thân cận”. Tương quan
thân cận được tạo ra bằng chính những hành vi yêu thương của một người dành cho
một người khác, chứ không phải do những đặc tính cố hữu như chủng tộc, quốc gia
hay tôn giáo, đẳng cấp, tầng lớp[20]
“người thân cận” không phải là một khái niệm để định nghĩa nhưng là một con người
bằng xương bằng thịt để yêu thương… Sau khi nhà thông luật đã thông suốt tường
tận về bí quyết để sở hữu sự sống đời Đức Giêsu lại mời gọi lần thứ hai: “Hãy
đi, và chính ông hãy làm như vậy”. Đức Giêsu không quan tâm đến chủ ý thử thách
ban đầu của nhà thông luật, Người thật lòng mời gọi ông suy tư thật nghiêm túc
về những thắc mắc quan trọng này. Người thông luật dần dần đi vào tương quan với
Đức Giêsu và bị thu hút vào câu chuyện của Người.[21]
Sau đó, Người mời gọi ông, cũng như những chức sắc Do Thái, thực thi lòng
thương xót để có sự sống đời đời. Nếu họ không thực thi lòng thương xót với người
khác, thì cho dù họ có hiểu biết, và lặp đi lặp lại điều luật này hai lần mỗi
ngày, và dâng lễ tế đều đặn lên Chúa, họ cũng không thể thừa hưởng được sự sống
đời đời. Câu chuyện kết thúc với lời mời gọi của Đức Giêsu còn bỏ ngỏ cho cả
nhà thông luật và cho tất cả các Kitô hữu qua mọi thời đại. Muốn có sự sống đời
đời mỗi người phải tự đáp trả bằng cách trở thành người thân cận với tất cả những
người cùng khổ chung quanh mình. Muốn làm người thân cận của những người cùng
khổ trọn vẹn đến cùng, người ta phải dám hy sinh thời gian, tạm hoãn những kế
hoạch, hành trình của riêng mình; sẵn sàng sẻ chia phương tiện vật chất, của cải,
tiền bạc …và có thể ngay cả mạng sống của mình.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
Ba kỳ giảng của Đức Giêsu (1) Kỳ giảng tại Galilaia (Lc 3,1 – 9,50); (2) Kỳ giảng
trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,27); (3) Kỳ giảng tại Giêrusalem (19,28 –
21,38). [Th.N.H. Cầu, Tìm Hiểu Các Sách
Tin Mừng & Công Vụ Tông Đồ. Kitô Hữu Đọc Sách Thánh (Biên Hòa 2020)
82-95].
[2]
X. E. Rivkin, Scribes, Pharisees, Lawyers, Hypocrites: A Study in Synonymity,
HUC 49 (1978) 135-142.
[3]
“They both belong to the official and respected world of religion” [F. Bovon,
Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke
9:51–19:27 (ed. H. Koester)
(Hermeneia; Minneapolis, 2013) 56].
[4]
J.R. Porter, “Levites”, The HarperCollins
Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 602-603.
[5]
“In the OT “levite” was commonly used for those descendants who were not
Aaronids, but who were entrusted with minor services related to the Temple cult
and rites. Their status varied in the course of OT times, especially as
priestly clans became more numerous” [J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
28A, 887]; Kinh Thánh Ấn Bản 2011 (Hà
Nội 2011) chú thích u), 2353.
[6] Xem thêm về sự đối nghịch giữa những người Do Thái và
những người Samari trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: VÌ SAO ĐỨC
GIÊSU PHẢI LÊN GIÊRUSALEM? Chú Giải Tin Mừng CN XIII TN C (Lc 9,51-62)
(josephpham-horizon.blogspot.com); “Josephus, Ant. 20.118-36:
About 50 A.D. hatred increased between Jews and Samaritans. Galileans at the time
of festivals customarily went through Samaritan territory on their way to
Jerusalem. Samaritans from the village of Ginaë slew a
number of them. The procurator Cumanus was bribed by Samaritans not to avenge
the Jews. In response a Jewish vigilante group burned and sacked Samaritan
villages. Quadratus, the governor of Syria, crucified both the Samaritans and
the Jews who were involved. The dispute was taken all the way to the Emperor
Claudius in Rome, who finally decided in favor of the Jews and had the Samaritan
delegation killed (see J.W. 2.232-46). This is later than the time of Jesus,
but it reveals the animosity between the groups” [K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive
Guide to the Parabales of Jesus (Grand Rapids 2018) 270].
[7]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke
(SP3; Collegeville 1997) 172.
[8]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 276
[9]
Xem thêm về khái niệm “Luật” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CHIA TAY TRONG NIỀM VUI. Chú Giải Tin
Mừng CN Chúa Thăng Thiên, Năm C (Lc 24,46-53) (josephpham-horizon.blogspot.com)
[10]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
880; “‘heart’ refers to the will and emotions; ‘soul,’ to conscious vitality
and spiritual sensitivity; ‘strength,’ to personal energy; and ‘mind,’ to
intelligence” [F. Bovon, Luke 2, 55].
[11]
Xem thêm về “yêu như Thầy đã yêu” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: “ĐIỀU RĂN MỚI” CÓ GÌ MỚI? Chú Giải Tin
Mừng CN V PS C (Ga 13,31-35) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[12]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes, 881.
[13]
“It is no longer whether
the victim of the highway robbery could be considered legally a “neighbor” to
either the priest, the levite, or the Samaritan, but rather which one of them
acted as a “neighbor” to the unfortunate victim. As T. W. Manson (Sayings, 263) once put it, “The
principle underlying the question is that while mere neighbourhood does not
create love, love does create neighbourliness.” No definition of “neighbor”
emerges from the “example,” because such a casuistic question is really out of
place. Love does not define its object” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 884).
[14]
“It is not the Jericho of OT times (= Tell es-Sulṭan), but the town founded by
Herod the Great about a mile and a half to the south on the western edge of the
Jordan plain, where the Wadi Qelt opens on to it” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
886).
[15]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 269.
[16]
X. J. Schwartz, “On Priests and Jericho in the Second Temple Period”, JQR 70/1 (1988) 23-48.
[17] “The priest is going down from Jerusalem to Jericho, probably
returning home after his Temple service” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 277); “One who probably had been serving in the Jerusalem
Temple and was making his way home after the end of his course” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 887).
[18] “By using a Samaritan instead of the expected
Israelite layperson, Jesus sets up an embarrassing scenario for his questioner.
The Samaritan knows to show compassion and understands love for the stranger
(Lev 19:34); how can you ask about the boundaries of “neighbor”? If priests and
Levites, like every Jewish male, repeat the Shema twice a day, why is it a
Samaritan who shows what the love command means?” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 279); “a Samaritan, a nondescript individual with a despised
background” (F. Bovon, Luke 2, 56).
[20]
“The point of the story is summed up in the lawyer’s reaction, that a
“neighbor” is anyone in need with whom one comes into contact and to whom one
can show pity and kindness, even beyond the bounds of one’s own ethnic or
religious group” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 884).
No comments:
Post a Comment