Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
44 Εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς· οὗτοι οἱ λόγοι μου οὓς ἐλάλησα πρὸς ὑμᾶς ἔτι ὢν σὺν ὑμῖν, ὅτι δεῖ πληρωθῆναι πάντα τὰ γεγραμμένα ἐν τῷ νόμῳ Μωϋσέως καὶ τοῖς προφήταις καὶ ψαλμοῖς περὶ ἐμοῦ. 45 τότε διήνοιξεν αὐτῶν τὸν νοῦν τοῦ συνιέναι τὰς γραφάς· 46 καὶ εἶπεν αὐτοῖς ὅτι οὕτως γέγραπται παθεῖν τὸν χριστὸν καὶ ἀναστῆναι ἐκ νεκρῶν τῇ τρίτῃ ἡμέρᾳ, 47 καὶ κηρυχθῆναι ἐπὶ τῷ ὀνόματι αὐτοῦ μετάνοιαν εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν εἰς πάντα τὰ ἔθνη. ἀρξάμενοι ἀπὸ Ἰερουσαλὴμ 48 ὑμεῖς μάρτυρες τούτων. 49 καὶ [ἰδοὺ] ἐγὼ ἀποστέλλω τὴν ἐπαγγελίαν τοῦ πατρός μου ἐφ᾽ ὑμᾶς· ὑμεῖς δὲ καθίσατε ἐν τῇ πόλει ἕως οὗ ἐνδύσησθε ἐξ ὕψους δύναμιν. 50 Ἐξήγαγεν δὲ αὐτοὺς [ἔξω] ἕως πρὸς Βηθανίαν, καὶ ἐπάρας τὰς χεῖρας αὐτοῦ εὐλόγησεν αὐτούς. 51 καὶ ἐγένετο ἐν τῷ εὐλογεῖν αὐτὸν αὐτοὺς διέστη ἀπ᾽ αὐτῶν καὶ ἀνεφέρετο εἰς τὸν οὐρανόν. 52 Καὶ αὐτοὶ προσκυνήσαντες αὐτὸν ὑπέστρεψαν εἰς Ἰερουσαλὴμ μετὰ χαρᾶς μεγάλης 53 καὶ ἦσαν διὰ παντὸς ἐν τῷ ἱερῷ εὐλογοῦντες τὸν θεόν. (Lk. 24:46-53
BGT) |
44 Người nói cùng họ: “Những lời này, những lời mà Thầy
đã nói cùng anh em, khi Thầy còn ở với anh em, rằng nhất
thiết tất cả những điều đã được chép trong sách
Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh về
Thầy đều phải được
hoàn tất.” 45 Rồi Người mở trí của họ
để họ hiểu Sách Thánh. 46 Và Người nói cùng họ rằng: “Có
điều đã được chép như vậy, Đấng Kitô phải đau khổ và trỗi dậy từ cõi chết vào
ngày thứ ba. 47 Lòng hoán cải để được ơn tha tội
phải được loan báo cho muôn dân tộc, bắt đầu từ Giêrusalem. 48 Anh em là chứng nhân của
những điều này. 49 Và này kìa, chính Thầy gửi lời
hứa của Cha Thầy trên anh em. Anh em hãy ở lại
trong thành cho đến khi được lãnh nhận quyền
năng từ bên trên. 50 Người dẫn họ đến gần Bêtania,
và sau khi giơ tay lên, Người chúc lành cho họ. 51 Và chuyện xảy ra là trong khi chúc lành cho họ, Người rời khỏi họ và được mang lên trời. 52 Và sau khi bái thờ Người,
họ trở về Giêrusalem với niềm vui khôn tả
[nghĩa đen: với niềm vui lớn]. 53 và hằng ở trong đền thờ chúc
tụng Thiên Chúa. |
Bối cảnh
Lc 24,44-53 là đoạn cuối cùng
trong loạt những trình thuật liên quan đến mầu nhiệm Phục Sinh và cũng là đoạn
cuối cùng của Tin Mừng Thứ Ba. Đây là lần thứ
ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và cũng là lần cuối cùng theo trình thuật
của Tin Mừng Luca. Những trình thuật về biến cố Phục Sinh trong Tin Mừng Luca
được bắt đầu từ câu chuyện về “ngôi mộ trống” (Lc 24,1-12). Câu chuyện này kết
thúc bằng sự ngạc nhiên của ông Phêrô. Sau đó là câu chuyện Đức Giêsu hiện ra
và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-32). Câu chuyện này kết
thúc bằng việc hai môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh. Cùng lúc đó, Đức Giêsu cũng
hiện ra với ông Simôn theo như lời chứng của Nhóm Mười Một và các bạn hữu (Lc
24,33-35). Cuối cùng, Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm (Nhóm Mười Một và các bạn hữu,
có cả hai môn đệ Emmaus) (Lc 24,36-53), kết thúc bằng việc Đức Giêsu lên trời
và các môn đệ ở lại Giêrusalem. Chủ đề liên quan đến sự đau khổ của Đấng Kitô
và sự sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết đã được Đức Giêsu nói trước ba lần
(Lc 9,22; 9,43-45; 18,31-34) và lần gần nhất là trong câu chuyện “hai môn đệ
trên đường về Emmaus” (Lc 24,26). Câu chuyện về sự lên trời của Đức Giêsu nối kết
với truyền thống của Tin Mừng Máccô (Mc 16,19-20) và sách Công Vụ (Cv 1,9-11).
Những lời căn dặn về sứ vụ rao giảng nối kết chặt chẽ với các truyền thống của hai
tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại. “Phép Rửa của lòng hoán cải” được nhắc đến ở
đoạn này gợi nhớ đến Phép Rửa mà ông Gioan đã rao giảng và cử hành vào đầu Tin
Mừng (Lc 3,3). Không gian “trong đền thờ” vào cuối Tin Mừng cũng thống nhất với
không gian “trong đền thờ” vào đầu Tin Mừng (Lc 1,9). Đó là một vài quan sát
cho thấy sự nối kết vị trí của bản văn trong Tin Mừng Luca và toàn bộ Tin Mừng.
Cấu trúc
Nền tảng Sách Thánh về Đấng Kitô (44-46) Mệnh lệnh rao giảng (47-48) Bảo đảm bằng lời hứa của Chúa Cha (49) Đức Giêsu lên trời (50-51) Tinh thần và hoạt động của nhóm Tông Đồ
sau khi Chúa lên trời (52-53) |
Một vài điểm chủ giải
1. Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh: Đây là cách nói bao gồm tất cả Sách Thánh Do
Thái, mà Kitô giáo thường gọi là các sách Cựu Ước. Kitô giáo gọi Sách Thánh Do
Thái là các sách Cựu Ước đối lại với các sách Tân Ước, những sách nói về cuộc đời
và sứ vụ của Đức Giêsu. Sách Thánh Do Thái (24 cuốn), được chia thành ba phần: (1)
Torah (Luật, hay lời dạy, Ngũ Thư); (2) Neviim (các ngôn sứ); và (3) Ketuvim
(các văn phẩm). Các sách Cựu Ước của Công Giáo (46 cuốn), được chia làm bốn phần:
(1) Ngũ Thư (Luật); (2) Các sách lịch sử; (3) Các sách khôn ngoan; (4) Các sách
ngôn sứ. Luật Môsê, ám chỉ năm cuốn sách đầu tiên của bộ sách thánh Cựu Ước
(Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật). Chỉ có tác giả Luca liệt kê đầy
đủ ba phần của Sách Thánh Do Thái và một lần duy nhất. Các lần khác, tác giả liệt
kê hai phần: Môsê và các ngôn sứ (16,29; 16,31; 24,27) hay Lề Luật và các ngôn
sứ (Lc 16,16). Tác giả Gioan cũng dùng cách nói “Môsê và các ngôn sứ” để chỉ
Sách Thánh Cựu Ước (Ga 1,45). Tác giả Mátthêu gọi là “Luật và các ngôn sứ” (Mt
5,17; 7,12). Các tác giả Tin Mừng còn dùng thuật ngữ “các sách thánh” (αἱ
γραφαὶ, Thánh Kinh) để nói về Thánh Kinh Cựu Ước
(x. Mt 21,42; 22,29; 26,54; Mc 12,10.24; 15,28; Lc 4,21; 24,32.45; Ga 2,22;
5,39; 7,42). Những điều Sách Thánh nói về Đấng Kitô phải được ứng nghiệm (hoàn
tất).[1] Động
từ không ngôi “δεῖ”
(phải) được đặt trước động từ “hoàn tất” diễn tả sự bắt buộc theo kế hoạch của
Chúa. Động từ “hoàn tất” được dùng nhiều lần trong cách sách Tin Mừng, đặc biệt
là Tin Mừng Mátthêu, để diễn tả sự hoàn tất của lời Sách Thánh về Đấng Kitô (Mt
1,22; 2,15.23; 4,14; 8,17; 12,17; 13,35; Mc 14,49; 15,28; Lc 4,21; 21,22;
22,37; 24,24).
2. Mở trí của họ để họ hiểu Sách Thánh: Tác giả Luca là tác giả duy nhất kể câu chuyện
hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35), trong đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã đồng
hành và giải thích tất cả những điều liên quan đến Người trong Sách Thánh
(24,27). Cũng với dấu chỉ bẻ bánh, những sự giải thích Sách Thánh của Đức Giêsu
đã làm cho hai môn đệ nhận ra Người và bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện
và giải thích Sách Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã không ngừng bị đốt cháy
đó sao?” (24,31). Động từ “διανοίγω” (đianoigồ), trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “mở”.
Khi nó đi kèm với bổ ngữ là “đôi tai”, “đôi mắt”, “trái tim”, hay “đầu óc”, nó
có nghĩa là làm ai đó có khả năng nhận thức hay hiểu biết một điều gì. Ngoài ra
nó còn có nghĩa là giải thích, diễn giải. Trong câu chuyện “Hai môn đệ trên
hành trình Emmaus”, tác giả sử dụng động từ này hai lần với hai nghĩa khác nhau
là “Mở mắt” và “giải thích”: “Mắt của họ được mở ra (διηνοίχθησαν οἱ ὀφθαλμοὶ) và họ nhận ra Người” (24,31); và “Khi
Người giải thích Sách Thánh cho chúng ta (ὡς διήνοιγεν ἡμῖν τὰς
γραφάς)” (24,32). “Mở trí cho
các ông hiểu Thánh Kinh” ở đây cũng có nghĩa là giải thích tất cả những điều
liên quan đến Người trong Sách Thánh. Cách nào đó, Đức Giêsu cũng làm giống như
Người đã làm với hai môn đệ trên hành trình Emmaus. Như thế, tác giả Luca cho
thấy tầm quan trọng của việc Đức Giêsu xuất hiện và giải thích cho các môn đệ
hiểu những mặc khải Cựu Ước, để các môn đệ tin nhận biến cố Phục Sinh, bởi vì “lòng
của các ông thật chậm tin vào tất cả những điều các ngôn sứ đã nói” (24,25).
Tác giả Tin Mừng Thứ Tư cũng ghi nhận tương tự, khi kết thúc trình thuật về
“ngôi mộ trống”: “Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu là theo Sách Thánh, Đức Giêsu
phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Đây là cách thức rõ ràng cho thấy sự đan
kết chặt chẽ giữa sách thánh Cựu Ước và cuộc đời Đức Giêsu được ghi lại trong
sách Tân Ước.[2]
Nội dung của thông điệp này bao gồm: (1) Sự tiếp nối giữa thông điệp trước và
sau cuộc khổ nạn – phục sinh; (2) Sự cần nhất thiết Đấng Mêsiah phải chịu đau
khổ; (3) Lời hứa về sự phục sinh vào ngày thứ ba và (4) Nhấn mạnh của sự hoàn tất.[3]
3. “Có điều đã được chép như vậy, Đấng Kitô phải
đau khổ và trỗi dậy từ cõi chết vào ngày thứ ba”: Trong câu chuyện Emmaus Đức
Giêsu đã chê trách các môn đệ “chậm hiểu tất cả những điều mà các ngôn sứ đã
nói” và đặt câu hỏi cho các ông: “Chẳng phải Đấng Kitô đã phải chịu đau khổ như
thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Ở đây Đức Giêsu
nói theo kiểu khẳng định. Câu nói này liên kết cách chặt chẽ với ba lần tiền
báo về mầu nhiệm “khổ nạn – phục sinh” trước đó (Lc 9,22; 9,43-45; 18,31-34); với
lời sứ thần nói với những người phụ nữ tại ngôi mộ trống (24,6-7) và với chính
lời của Đức Giêsu trong câu chuyện “Hành trình về Emmaus” (24,25-27). Nội dung
lời giải thích Thánh Kinh của Đức Giêsu gồm ba phần được diễn tả bằng ba động từ
nguyên mẫu: (1) Đấng Mêsiah phải chịu đau khổ; (2) Sống lại từ cõi chết vào
ngày thứ ba, và (3) Lòng hoán cải để được ơn tha thứ phải được công bố nhân
danh Người, cho muôn nước, bắt đầu tư Giêrusalem.[4] Tuy
nhiên, đâu là những dữ liệu Thánh Kinh nói về mầu nhiệm đau khổ và phục sinh của
Đức Giêsu? Tác giả J. Fitzmyer cho rằng “không có một đoạn Thánh Kinh nào rõ
ràng trong văn chương Do Thái tiền Kitô giáo mà nơi đó người ta có thể tìm thấy
dữ liệu về một Đấng Mêsiah, người sẽ sống lại từ cõi chết… Tác giả Luca đang đọc
Cựu Ước trong ánh sáng của đức tin Kitô giáo”, như ông Phaolô đã xác quyết:
“Người được trỗi dậy ngày thứ ba đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,4).[5] Tương tự như tác giả Fitzmyer, tác giả J. Green lại nghĩ rằng việc tìm một
bản văn cụ thể cho khớp với lời Đức Giêsu nói là một hướng đi sai lầm. Theo
ông, những lời của Đức Giêsu không phải là câu này câu kia trong Sách Thánh đã
thành sự thật, nhưng là sự thật mà toàn bộ Sách Thánh muốn nhắm đến về Đấng Kitô
nay đã được hiện thực hóa.[6] Dẫu
rằng, trong trình thuật thương khó, tác giả Luca đã nhiều lần trích dẫn sách
Thánh Vịnh và ngôn sứ Isaiah liên quan đến nhiều tình tiết trong vụ án của Đức Giêsu
(Lc 22,37; cf. Is 53,12; 22,69; cf. Tv 110,1), nhưng trong trường hợp này Đức Giêsu
không muốn nói đến một câu cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu chỉ nói về đau khổ của Đấng
Mêsiah, thì bài ca “Người Tôi Tớ” trong Is 53 là một bản văn minh họa khá rõ.
Sách Công Vụ ghi lại câu chuyện người thái giám tổng quản của nữ hoàng nước
Aithiox (Êthiôpia) đọc sách ngôn sứ Isaiah trên đường hành hương trở về. Đoạn
mà ông đọc là: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín bị xén lông, Người
chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người đã bị hạ xuống nên bản án của Người được hủy bỏ.
Dòng dõi của Người, ai sẽ kể lại vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm
dứt” (Cv 8,32-33; Cf. Is 53,7-8). Ông Philípphê đã giải thích đoạn này và loan
báo Tin Mừng về Đức Giêsu cho vị thái giám. Cuối cùng, ông đã tuyên xưng niềm
tin rằng “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” và đã chịu Phép Rửa (Cv 8,34-40).
4. Phép rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội: Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại việc Đức
Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng. Đức Giêsu của Tin Mừng Máccô dặn rằng: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai
tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc
16,15-16). Đức Giêsu của tác giả Mátthêu nói rằng: “Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Dạy họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Mệnh lệnh rao giảng của Đức Giêsu
trong Tin Mừng Luca được lồng vào trong nội dung lời Thánh Kinh mà Người trích
dẫn: “Lòng hoán cải để được ơn tha thứ phải được công bố nhân danh Người, cho
muôn nước, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,47). Luca là tác giả duy nhất ghi lại
việc Đức Giêsu sai Bảy Mươi Hai môn đệ đi rao giảng (10,1-12), ngoài việc sai
Nhóm Mười Hai (9,1-6). Việc sai Nhóm Bảy Mươi Hai đã hé lộ một sứ vụ rộng lớn đến
với dân ngoại. Nội dung của lệnh truyền này trong Luca khác lạ so với nội dung
trong Mátthêu và Máccô. “Phép rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội” gợi nhớ
đến lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Giorđan,
rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội”
(Lc 3,3; Cf. Mc 1,4; Mt 3,11). Cách nào đó, nội dung lời rao giảng của các môn
đệ trong Tin Mừng Luca giống với ý nghĩa của Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả. Nó
chỉ khác ở chỗ là các môn đệ rao giảng “nhân danh Đức Giêsu cho muôn nước” và
“bắt đầu từ Giêrusalem”. Đức Giêsu cho thấy những điều mà “Luật Môsê, các ngôn
sứ và các Thánh Vịnh” nói trước không chỉ là sự chết và phục sinh của Người, mà
còn là sứ vụ đến với dân ngoại. Bản văn Thánh Kinh nằm phía sau sứ vụ đến với
dân ngoại có thể là Is 49,6, trong đó, “Người Tôi Trung” của Chúa được giao cho
hai sứ vụ: (1) Nâng dậy những chi tộc của Giacóp; (2) Trở thành ánh sáng cho
muôn nước, để ơn cứu độ của Chúa có thể lan rộng đến tận cùng cõi đất. Sứ vụ “đến
với muôn dân” cũng gợi nhớ đến lời hứa của Chúa dành cho tổ phụ Ápraham: “Ngươi
sẽ là một phúc lành…Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St
12,2-3).[7] Điều
đặc biệt là những điều trong mệnh lệnh này đều được các môn đệ thực thi và được
ghi lại trong Sách Công Vụ:[8]
(a) Sự công bố (rao giảng) (Cv 8,5; 9,20; 19,13; 20,25; 28,31); (b) Của lòng
hoán cải (Cv 5,31; 11,18; 13,24; 20,21; 26,20); (c) Sự tha thứ tội lỗi (Cv
2,38; 5,31; 10,43; 13,38; 28,18; (d) Trong danh Đức Giêsu (Cv 2,38; 3,6.16;
4,7.10.12.30;…); (e) Cho muôn nước (Cv 9,15; 10,35.45; 11,1.18; 13,46-47;
14,16.27; …).[9]
5. Bắt đầu từ Giêrusalem: Các môn đệ được căn dặn ở lại trong thành Giêrusalem và sau khi Đức Giêsu
lên trời, họ đã làm theo lời Đức Giêsu: Trở lại thành Giêrusalem và ở lại đó.
Và từ nơi này họ bắt đầu sứ vụ. Sách Công Vụ ghi lại lời căn dặn của Đức Giêsu
về sứ vụ làm chứng nhân của các môn đệ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem,
trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đây cũng
chính là khung sườn cho toàn bộ các hoạt động của các môn đệ trong sách Công Vụ.
6. Là những chứng nhân: Cả Tin Mừng lẫn sách Công Vụ đều nhấn mạnh vai trò chứng nhân của các môn đệ.
Những người này đã hiện diện với Đức Giêsu ngay từ lúc Phép Rửa của ông Gioan Tẩy
Giả, cho đến khi Người rời chúng ta và được đưa lên trời. Họ là chứng nhân cho
tất cả cuộc đời của Đức Giêsu nhất là khổ nạn và phục sinh (Cv 1,22).[10]
Căn tính của các môn đệ là căn tính chứng nhân cho Đức Kitô. Cả cuộc đời còn lại
của họ là cuộc sống chứng nhân. Họ sẽ làm chứng nhân qua những lời rao giảng
(Cv 3,11-26; Cv 15,7-12), qua những dấu lạ (Cv 3,1-10; 5,12; 7,1-54; 9,36-42).
Dù cho có bị công quyền và giáo quyền chống đối (Cv 5,17-21; 8,3), bách hại họ
vẫn trung thành với sứ vụ làm chứng của mình cho đến cùng, thậm chí sẵn sàng chết
vì Đức Kitô (Cv 7,55-60; Cv 12,2). Danh xưng chứng nhân được áp dụng cho các
nhân vật trong sách Công Vụ (Cv 1,8.22; 2,32; 3,15; 5,32; 10,39-41; 13,31;
22,15.20; 26,16). Danh từ “μάρτυς” (martus) trong tiếng
Hy Lạp vừa có nghĩa là chứng nhân theo ngôn ngữ tòa án, vừa có nghĩa là người
nói những điều mà người ấy tin và là người bị giết vì niềm tin của mình. Ngôn
ngữ hiện đại ảnh hưởng bởi ngôn ngữ Latin, thường dùng danh từ này để chỉ các vị
thánh tử đạo: Martiris (Latin); Martyr (Tiếng Anh); Martire (Ý, Pháp); Mártir
(TBN
7. Lời hứa của Cha Thầy …quyền năng từ bên trên: Lời hứa của Cha là lời hứa ban Thánh Linh. Tin Mừng
Luca không ghi lại cách cụ thể lời hứa ban Thánh Linh của Chúa Cha. Tuy nhiên,
điều này được nói đến cách rõ ràng trong sách Công Vụ (Cv 1,4.5-8; 2,33). Trong
Tin Mừng Thứ Tư, người ta có thể tìm thấy nhiều dữ liệu hơn về lời hứa ban
Thánh Linh: “Thầy sẽ xin cùng Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng
Paracletos khác, đến ở cùng với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); Đấng Paracletos là
Thánh Linh, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng ấy sẽ dạy và làm cho anh
em nhớ lại tất cả những điều Thầy đã nói cùng anh em (14,26); “Khi Đấng
Paracletos đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến từ nơi Chúa Cha. Người là Pnêuma sự thật,
Người sẽ làm chứng về Thầy (15,26). Trong Tin Mừng Thứ Tư, Đức Giêsu ban Thánh
Linh cho các môn đệ, cùng với sứ vụ sai đi, ngay trong lần đầu tiên Đức Giêsu
hiện ra với các ông sau khi Người Phục Sinh: “Nói xong Người thổi hơi vào các
ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Linh” (Ga 20,22). Trong truyền thống của
tác giả Luca, Thánh Linh ngự xuống như hình lưỡi lửa không những trên các Tông
Đồ mà trên tất cả những ai đang ở với họ trong phòng Tiệc Ly: “Ai nấy cùng được
đầy Thánh Linh. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Linh
ban cho” (Cv 2,4). Truyền thống của sách Công Vụ cho biết là “trong bốn mươi
ngày” sau khi sống lại Đức Giêsu hiện ra trò chuyện với các môn đệ. Trong một lần
hiện ra và dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu lặp lại lời căn dặn là không được
rời khỏi Giêrusalem mà phải ở lại để chờ đợi lời hứa của Cha Thầy” (Cv 1,4). Đức
Giêsu gọi đó là Phép Rửa trong Thánh Linh: “Trong ít ngày nữa anh em sẽ chịu
Phép Rửa trong Thánh Linh” (Cv 1,5). “Quyền năng từ bên trên” chính là quyền
năng Chúa Cha ban tặng và cũng là Thánh Linh. Tác giả Luca đã đề cập đến “quyền
năng Thần Khí thúc đẩy” Đức Giêsu đi về miền Galilê (Lc 4,14).[11]
Thánh Linh đã hoạt động trong cuộc đời của Đức Giêsu như thế nào, thì Người
cũng đã hoạt động trong cuộc đời các môn đệ và của Giáo Hội như vậy.
8. Gần Bêtania: Trong bốn
tác giả sách Tin Mừng chỉ có hai tác giả ghi lại sự việc Đức Giêsu lên trời. Đó
là tác giả Máccô (Mc 16,19-20) và Luca (24,50-53).[12] Máccô
không đề cập đến địa danh nơi Đức Giêsu lên trời, trong khi tác giả Luca xác định
đó là một nơi gần làng Bêtania. Đây là một ngôi làng ở phía Đông triền Núi Ôliu
(Mc 11,1; Lc 19,29), cách Giêrusalem khoảng hơn 3 km về phía Đông (Ga 11,18).
Đây là nơi có nhà của Maria, Mátta và Ladarô (Lc 10,38,42; Ga 12,1-8; Mt
21,17), nơi Đức Giêsu phục sinh ông Ladarô (Ga 11,1-44) và được xức dầu trong
nhà của ông Simon, người cùi (Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Cf. Ga 12,1-8).[13] Xem ra các tác giả Tin Mừng nói khá
nhiều đến sự thân quen của Đức Giêsu với mảnh đất Bêtania, nhưng chỉ có một
mình tác giả Luca cho biết đây cũng là địa điểm Đức Giêsu lên trời.[14] Truyền
thống Cựu Ước nối kết sự trở lại của Chúa với Núi Ôliu: “Vào ngày ấy những bàn
chân của Người sẽ đứng trên Núi Ôliu, nằm trước Giêrusalem về phía Đông, và Núi
Ôliu sẽ bị tách ra làm đôi từ Đông sang Tây bởi một thung lũng lớn; để mà một nửa
của núi sẽ rút lui về phía Nam và một nửa sẽ rút lui về phía Bắc” (Dcr 14,4);
“Và vinh quang của Chúa sẽ đi xuống từ giữa thành, và dừng lại trên núi phía
Đông của thành” (Ed 11,23). Có lẽ, tác giả Luca muốn nối kết nơi Đức Giêsu lên
trời với nơi mà “ngày của Chúa” (ngày cánh chung) diễn ra theo truyền thống của
Cựu Ước.[15]
Ngày nay, trên núi Ôliu còn gốc tích một ngôi nhà nguyện nhỏ, nằm trong khuôn
viên của một nhà nguyện lớn hơn, được gọi là Nhà Nguyện Thăng Thiên. Điểm đặc
biệt của nguyện đường này là bên trong còn một bệ đá, nơi được cho là in bàn
chân của Đức Giêsu lúc Người lên trời.
9. Được mang lên trời: Tác
giả Máccô chỉ diễn tả cách đơn giản biến cố Thăng Thiên: “Đức Giêsu được đưa
lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Tác giả Luca diễn tả cách đặc
biệt hình ảnh Đức Giêsu lên trời không những một lần mà hai lần: Lần thứ nhất
trong sách Tin Mừng và lần thứ hai trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trong Tin Mừng,
Đức Giêsu dẫn các môn đệ đến gần Bêtania, rồi đưa tay chúc lành cho họ và đang
khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đưa lên trời.[16] Rồi,
sau khi bái lạy Người, các môn đệ trở về Giêrusalem với niềm vui khôn tả. Cảnh
tượng này giống như một buổi cử hành phụng vụ, trong đó Đức Giêsu là tư tế chúc
lành cho các môn đệ, trong khi các môn đệ thì bái lạy Người.[17]
Hơn nữa, khi chúc lành cho các môn đệ Đức Giêsu gợi nhớ đến truyền thống lâu đời
trong Thánh Kinh. Thiên Chúa đã chúc lành cho ông bà nguyên tổ Adam và Evà (St
1,28); Cho ông Nôê và gia quyến sau Đại Lụt (St 9,1); cho tổ phụ Ápraham và hậu
duệ vào lúc ông khởi hành (St 12,1-3). Trong truyền thống Cựu Ước, cũng có những
tổ phụ chúc lành cho con cháu. Họ tin rằng lời chúc phúc của người cha già hiệu
nghiệm và không thể thay thế trong truyền thống Cựu Ước. Sách Đệ Nhị Luật
chương 33 cũng ghi lại lời chúc phúc dài cuối cùng của ông Môsê.[18] Đức
Giêsu chúc phúc cho các môn đệ trong tư cách là một tư tế, một tổ phụ và hơn hết
là một Thiên Chúa, nhằm ban sự tốt lành và bảo vệ các môn đệ trong giây phút
chia tay.[19]
Trong sách Công Vụ, Đức Giêsu không chúc lành cho các môn đệ. “Khi họ đang
nhìn, Đức Giêsu được nâng lên, và có đám mây nhận lấy Người, đi khỏi tầm mắt của
họ” (Cv 1,9). Thêm một chi tiết khá lý thú nữa là sự hiện diện của các sứ giả từ
trời. Có hai người đàn ông mặc áo dài trắng đứng bên họ và nói rằng: “Hỡi những
người đàn ông Galilê, tại sao còn đứng nhìn lên trời, Đức Giêsu, Đấng mà được
mang lên trời khỏi các ông, sẽ đến cùng một cách thức như các ông đã thấy Người
lên trời” (Cv 10,11). Sách Công Vụ rõ ràng nói về cuộc quang lâm của Đức Giêsu.
Ý nói rằng Người sẽ trở lại trong đám mây như cách Người lên trời. Đức Giêsu đã
từng nói về hình ảnh Con Người sẽ “ngự giá mây trời mà đến” như vậy (Mt 24,30;
26,64; Mc 14,62). Việc các môn đệ bái lạy Đức Giêsu cho thấy họ đã hoàn toàn nhận
ra Người là Thiên Chúa. Hành động bái lạy này còn được tiếp nối với hành động
liên lỉ tán tụng Thiên Chúa trong đền thờ sau đó. Những thực hành này cho thấy
chiều sâu bên trong của Kitô giáo: Thờ phượng Đức Giêsu hoàn toàn tương thích với
chúc tụng Thiên Chúa trong phụng vụ của đền thờ Giêrusalem.[20]
10.
Trở về Giêrusalem … ở trong đền thờ: Câu chuyện cuộc hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu
và cũng là câu chuyện cuối cùng của Tin Mừng Luca kết thúc với việc các môn đệ
làm theo lời Đức Giêsu dặn. Họ trở về, ở lại trong thành Giêrusalem để chờ đợi
“lời hứa của Chúa Cha”. Địa danh Giêrusalem là một tử địa dành cho Đức Giêsu
theo trình thuật của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là tác giả Luca.
“Lên Giêrusalem” đồng nghĩa với việc hoàn tất “cuộc xuất hành” mà Người đã thảo
luận với Ông Môsê và ông Êlia; đồng nghĩa với việc tử nạn và phục sinh (Mt
20,17.18; Mc 10,32.33; Lc 9,51; 18,31). Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất có
trình thuật về hành trình lên Giêrusalem dài nhất trong các tác giả Tin Mừng
(9,51 – 19,27) và thỉnh thoảng ông lại nhắc cho độc giả nhớ rằng Đức Giêsu đang
trên đường lên Giêrusalem (Lc 13,22; 17,11; 19,28). Địa danh Giêrusalem cũng là
nơi chờ đợi “lời hứa của Chúa Cha”; “quyền năng từ bên trên” và là nơi khởi đầu
cho sứ vụ làm chứng của các môn đệ. Hoàn toàn khác với tác giả Tin Mừng Mátthêu,
và Máccô, những người ghi lại cuộc hẹn cuối cùng của Đức Giêsu và các môn đệ ở
tại Galilê sau khi Người Phục Sinh (Mt 26,32; 28,7.10.16; Mc 14,28; 16,7), tác
giả Luca không hề nhắc đến cuộc hẹn này. Đức Giêsu của Luca dặn đi dặn lại các
môn đệ phải ở lại trong thành Giêrusalem. Lời dặn này lại được tiếp tục nhắc lại
trong sách Cộng Vụ (Cv 1,4). Địa danh Giêrusalem nối kết một cách chặt chẽ với
trình thuật của sách Công Vụ, trong đó, sứ vụ của các môn đệ khởi đi từ “Giêrusalem,
rồi đến Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Chi tiết “các môn đệ hằng ở
trong đền thờ”[21]
thống nhất chặt chẽ với phần đầu của Tin Mừng, cũng kể về sự kiện tư tế Dacariass
cầu nguyện, dâng hương trong đền thờ (Lc 1,5-22). Có thể nói rằng, Tin Mừng
Luca khởi đầu trong đền thờ và kết thúc trong đền thờ.[22]
Sách Công Vụ không nhấn mạnh đến nơi chốn đền thờ (“họ hằng ở trong đền thờ tán
tụng Thiên Chúa”) cho bằng nhấn mạnh họ tụ họp với nhau trong “Phòng Tầng Trên”
(phòng Tiệc Ly) sau khi trở về từ núi Ôliu, để chờ đợi Chúa Thánh Linh. Tuy
nhiên, sách Công Vụ vẫn nhấn mạnh đến bầu khí cầu nguyện: “Tất cả các ông đều đồng
tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria
thân mẫu của Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Sau khi chia tay
Đức Giêsu và nhận phúc lành, các môn đệ trở về đời thường với niềm vui khôn tả
và sống một đời sống mới với lời ca tụng Chúa không ngừng.
Bình luận tổng quát
Câu
chuyện của tác giả Luca về Đức Giêsu đến hồi kết với cảnh tượng các môn đệ “hằng
ở trong đền thờ chúc tụng Thiên Chúa”. Tác giả lại dẫn độc giả vào đền thờ
thành Giêrusalem, nơi mà tác giả đã bắt đầu câu chuyện của mình. Khởi đầu Tin Mừng,
tư tế Dacariass dâng hương trong đền thờ để cầu nguyện cho dân, và cũng để gởi
trao một khát vọng sâu xa của riêng ông. Đó là có một đứa con nối dõi một gia
đình dòng dõi tư tế công chính, thánh thiện bậc nhất trong Ítrael. Thiên Chúa
đã nhậm lời ông và bà Êlisabét, hiền thê của ông đã có thai và sinh hạ Gioan Tẩy
Giả ít lâu sau đó. Kết thúc Tin Mừng là khung cảnh các môn đệ lại tụ họp trong
đền thờ, hằng tán tụng Thiên Chúa, và chờ đợi “lời hứa của Chúa Cha”. Lời hứa ấy
được thực hiện cùng với một sứ vụ kèm theo: “Loan báo ơn hoán cải để được ơn
tha tội cho muôn dân nước” hay là “sứ vụ chứng nhân”. Cách nào đó trong lòng các
môn đệ cũng ấp ủ một lời nguyện cầu làm sao sinh con đàn cháu đống cho Nước
Chúa. Khi lãnh nhận “quyền năng từ bên trên”, tức là quyền năng Thánh Thần, các
môn đệ không ngừng loan báo Tin Mừng và làm cho cộng đoàn Kitô hữu không ngừng
gia tăng về số lượng và chất lượng sống đạo. Cả cuộc đời của họ là cuộc đời của
những chứng nhân. Họ là chứng nhân cho mầu nhiệm chết và phục sinh, cũng như tất
cả những giáo huấn của Đức Giêsu. Họ làm chứng không những bằng lời giảng dạy,
bằng lối sống, bằng phép lạ, mà còn bằng chính cái chết của mình. Muốn làm chứng
nhân cho Chúa, các môn đệ phải xác tín niềm tin của mình vào Đức Giêsu Phục
Sinh và tìm được niềm hạnh phúc trong niềm tin ấy. Quả thế, trước lúc về trời,
Đức Giêsu đã giơ tay chúc lành cho họ và họ đã vui mừng khôn kể xiết. Những lần
Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh đã làm cho các môn đệ nhớ lại những lời Đức Giêsu
đã nói với họ về mầu nhiệm Khổ Nạn Và Phục Sinh, qua đó họ hiểu toàn cảnh mầu
nhiệm ơn cứu độ, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chứng minh cho họ là tất
cả những điều Thánh Kinh nói về Người phải được ứng nghiệm. Người mở trí cho họ
hiểu Thánh Kinh, cũng như người đã mở trí cho hai môn đệ trên hành trình
Emmaus. Qua lời giải thích của Người, họ chợt nhận ra rằng Thánh Kinh Cựu Ước
nói về Người và được hoàn tất trong cuộc đời và sứ vụ của Người. Bằng chứng
Thánh Kinh càng làm cho họ xác tín hơn về thân phận “Mêsiah” của Người, Đấng mà
Thiên Chúa đã mặc khải trong lịch sử Cựu Ước. Sách Công Vụ Tông Đồ như là một
hiện thực hóa cho niềm xác tín, tình yêu và sứ vụ chứng nhân của các môn đệ dành
cho Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.
Mỗi người kitô hữu đều có một căn tính “chứng
nhân” và có sứ vụ làm chứng để cho người khác yêu Chúa và trở về với Chúa để được
ơn cứu độ. Một mặt, họ phải làm chứng về mầu nhiệm sự chết, phục sinh, và lên
trời của Đức Giêsu. Mặt khác, họ phải làm chứng về lối sống và lẽ sống của Đức
Giêsu như là lý tưởng sống tuyệt đối mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Tất
cả các kitô hữu đều được lãnh nhận “lời hứa của Chúa Cha”, “quyền năng từ bên
trên” hay quyền năng Thánh Linh ngay từ khi họ chịu Phép Rửa, và nhất là lúc họ
nhận bí tích Thêm Sức. Họ cũng nhận được sự chúc lành của Đức Giêsu qua từng
Thánh Lễ mà họ tham dự, từng bí tích mà họ lãnh nhận. Chính vì thế, họ được mời
gọi chia sẻ “niềm vui khôn tả” với các môn đệ và ca tụng Chúa không ngừng trong
đời sống của mình. Nhờ đó, mọi người sẽ nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh đang sống
trong họ và cũng muốn cùng yêu mến và tán tụng Chúa như họ vậy.
Lm.
Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Nếu
người ta tìm danh xưng Mê-si-ah trong Ngũ Thư (Luật), người ta chỉ thấy danh
xưng này dùng cho thượng tế ngày xưa (Lv 4,3.5.16; 6,15); Trong các sách ngôn sứ,
người ta có thể tìm thấy dữ liệu về Đấng Mê-si-ah trong các sách “các ngôn sứ
tiền” (1 Sm 24,7.11; 26,9.11.16.23; 2Sm 1,14.16; 1 Sm 2,10.35; 12,3; 16,6.
Trong các “sách ngôn sứ hậu” chỉ có một lần danh hiệu này được dùng cho hoàng đế
Cyrus (Is 45,1); Trong các sách Thánh Vịnh, danh xưng Mê-si-ah hiện diện trong
Tv 2,2; 18,51; 20,7; 28,8; 84,10; 89,39.52; 132,10.17 [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
28A, 1583].
[2]
“If one were to think of the stories of Israel, Jesus, and the early church as
in some sense distinct, in these verses one would find the seam wherein they
are sown together into one cloth” [J.B.
Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand
Rapids, MI 1997) 855].
[3]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 856.
[4]
Ibid.
[5] J.A. Fitzmyer,
The Gospel according to Luke X–XXIV, 1584;
“the readers know them well, because they are related to the two main articles
of the kerygma, the death and resurrection, which also constitute the core of
the predictions of the passion” [F.
Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke
19:28–24:53 (ed. H. Koester)
(Hermeneia; Minneapolis, 2012) 395].
[6]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 857.
[7]
M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical
Commentary (ed. J.E.A. Chiu et
al.) (New York 2018) 1103.
[8]
‘“Repentance’ will be a key term describing the appropriate response to the
offer of salvation in Acts” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 858).
[9]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke
(SP3; Collegeville 1997) 403.
[10]
“They tell not only about the suffering Messiah who is to rise, but they become
the basis for the testimony that the disciples are to bear and the preaching
that they are to carry out in his name” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1580).
[11]
Ibid.
[12]
“Nothing corresponds in the Matthean or Johannine Gospels to this scene in
which Christ departs at the end of his appearance. Only the Marcan appendix has
something of a parallel” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1586).
[13]
M.K. Milne, “Bethany”, The HarperCollins
Bible Dictionary (Ed. P.A. Achtemeier) (New York 1996) 115.
[14]
“Bethany was the site from which Jesus’ triumphal entry had originated
(19:29–40). That it would also serve as the locale of Jesus’ final exaltation
is therefore fitting (cf. Acts 1:9–12)” ((J.B.
Green, The Gospel of Luke, 860).
[15]
“For the anticipated ordinance to take place, the departure had to occur at the
same place, outside the city on the east side” (F.
Bovon, Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke
19:28–24:53, 410).
[16]
“the Evangelist has been preparing his audience for Jesus’ departure from as
far back in the narrative as the transfiguration scene (9:31: “they were
speaking of his exodus”; see also 9:51: “When the days drew near for him to be
taken up” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 860); “Into heaven” signifies both the finality of Jesus’
departure (until the parousia) and Jesus’ glorified status” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 861).
[17] “The
combination is associated with the priests (Cf. Simeon in Luke 2:34), as when
Aaron raised his hands and blessed the people (Lev 9:22), then joined
Moses in blessing them (Lev 9:23; also Num 6:23; Sir 5O:2ll-21)” (L.T. Johnson,
The Gospel of Luke, 404); “This is
the real recognition of Christ by the disciples; silently they bow down in
adoration, as did the Jews before the high priest Simon (Sir 50:22) to receive
his blessing” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1590).
[18] F. Bovon,
Luke 3. A Commentary on the Gospel of Luke
19:28–24:53, 411.
[19] “Without deciding for either model,
Luke gives his readers to understand that Jesus blesses his “descendants” as a
patriarch and blesses the gathered assembly as a priest. As the raising up of
the hands indicates, the blessing is more than a word. It is a performative act
that communicates God’s kindness and protection and, at the time of departure
or separation, ensures continuity and faithfulness.” (Ibid.)
[20]
M.D. Hamm, “Luke”, 1104.
[21]
“Thus Luke begins the description of the community-life of the nucleus church”
(Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1591).
[22]
“Thus the Lucan Gospel ends where it began” (Fitzmyer,
The Gospel according to Luke X–XXIV, 1591);
“Formally, the reader recognizes that the author attempts to develop an inclusio here. The Gospel started in
Jerusalem, and it ends in Jerusalem. The great joy at the ascension (v. 52)
parallels the great joy of Christmas (2:10). The temple provides the setting
for the action here (v. 53) and there (1:9, 21; 2:27, 46)” (F. Bovon,
Luke 3, 413).
No comments:
Post a Comment