Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
13 Εἶπεν δέ τις ἐκ τοῦ ὄχλου αὐτῷ·
διδάσκαλε, εἰπὲ τῷ ἀδελφῷ μου μερίσασθαι μετ᾽ ἐμοῦ τὴν κληρονομίαν. 14 ὁ δὲ εἶπεν αὐτῷ·
ἄνθρωπε, τίς με κατέστησεν κριτὴν ἢ μεριστὴν ἐφ᾽ ὑμᾶς; 15 Εἶπεν δὲ πρὸς αὐτούς·
ὁρᾶτε καὶ φυλάσσεσθε ἀπὸ πάσης πλεονεξίας,
ὅτι οὐκ ἐν τῷ περισσεύειν τινὶ ἡ ζωὴ αὐτοῦ ἐστιν ἐκ τῶν ὑπαρχόντων αὐτῷ. 16 Εἶπεν δὲ παραβολὴν πρὸς αὐτοὺς λέγων·
ἀνθρώπου τινὸς πλουσίου εὐφόρησεν ἡ χώρα. 17 καὶ διελογίζετο ἐν ἑαυτῷ λέγων·
τί ποιήσω,
ὅτι οὐκ ἔχω ποῦ συνάξω τοὺς καρπούς μου; 18 καὶ εἶπεν·
τοῦτο ποιήσω,
καθελῶ μου τὰς ἀποθήκας καὶ μείζονας οἰκοδομήσω καὶ συνάξω ἐκεῖ πάντα τὸν σῖτον καὶ τὰ ἀγαθά μου 19 καὶ ἐρῶ τῇ ψυχῇ μου·
ψυχή, ἔχεις πολλὰ ἀγαθὰ κείμενα εἰς ἔτη πολλά· ἀναπαύου, φάγε, πίε, εὐφραίνου. 20 εἶπεν δὲ αὐτῷ ὁ θεός·
ἄφρων, ταύτῃ τῇ νυκτὶ τὴν ψυχήν σου ἀπαιτοῦσιν ἀπὸ σοῦ·
ἃ δὲ ἡτοίμασας, τίνι ἔσται; 21 οὕτως ὁ θησαυρίζων ἑαυτῷ καὶ μὴ εἰς θεὸν πλουτῶν. (Lk. 12:13-21 BGT) |
13 Có một người trong đám đông nói cùng Đức Giêsu: “Thưa Thầy! Xin hãy bảo người
anh em của tôi chia gia tài với tôi” 14 Người bảo anh ta: “Này người đàn ông, ai đã đặt tôi làm người phân xử hay người phân chia trên các anh” 15 Rồi, Người nói tiếp: “Hãy coi chừng, và hãy giữ
mình khỏi mọi thói tham lam vì mạng sống của một con người không phải được bảo đảm
nhờ vào sự dồi dào của cải đâu” 16 và Người kể cho họ nghe một dụ ngôn. “Khi mảnh đất của một ông nhà giàu sinh nhiều hoa lợi, 17 ông ta mới tự nhủ rằng ‘tôi phải làm gì vì tôi không còn nơi để giữ trữ hoa màu của tôi?’ 18 Rồi ông ta nói, ‘tôi sẽ làm thế này: tôi sẽ phá kho của tôi và xây một
cái lớn hơn và tôi sẽ cất giữ tất cả thóc lúa và của
cải của tôi trong đó, khi ấy, tôi sẽ nói cùng linh
hồn tôi, hỡi linh hồn, con có nhiều của cải dư thừa cho nhiều
năm; hãy nghỉ ngơi, ăn, uống và hưởng thụ.’ 20 Tuy nhiên, Thiên Thiên Chúa nói cùng
ông ta: ‘hỡi tên ngốc! nội đêm nay, người ta sẽ
đòi linh hồn ngươi, những
điều ngươi đã chuẩn bị, sẽ thuộc về ai?’ 21 Người tích trữ cho chính mình mà không làm giàu trong Thiên Chúa cũng sẽ như vậy” |
Bối cảnh
Lc 12,13-21 được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem.
Đức Giêsu đang giảng dạy những điều cần thiết liên quan đến linh hồn, sự sống
đích thực. Trước đoạn này Người khuyến khích các môn đệ đừng sợ những kẻ giết
thân xác mà sau đó không làm gì được nữa,… hãy sợ Đấng đã giết rồi lại còn có
quyền ném vào hoả ngục” (Lc 12,4-5). Trong đoạn văn này Đức Giêsu nói đến một cảnh
báo về sự nguy hại cho linh hồn khi phụ thuộc vào của cải trần thế. tiếp theo
sau đoạn văn này Đức Giêsu tiếp tục căn dặn “đừng lo cho mạng sống lấy gì mà
ăn, đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc” (Lc 12,22). Người lại khuyến khích “hãy
bán tài sản của mình đi mà bố thí, hãy sắm những túi tiến không hề cũ rách, một
kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt
không đục phá” (Lc 12,33).
Cấu trúc
Bối cảnh: Một
người xin Đức Giêsu can thiệp về vụ chi tài sản (13) Sự đáp trả của Đức Giêsu: Đức Giêsu là người phân xử hay người
phân chia? (14) Mạng sống của con người không được bảo đảm
nhờ của cải (15) Dụ ngôn minh hoạ (16-20) Kết luận:
Tích trữ cho chính mình – giàu có trong Thiên Chúa (21) |
1.
“Thầy”
(διδάσκαλε)… “người phân xử”… “người phân chia”: Trong khi Đức Giêsu đang giảng dạy cho các môn đệ,
một người ngẫu nhiên trong đám đông gọi Người là “thầy” và nhờ Người can thiệp
trong vụ phân chia tài sản thừa kế. Trong Tin Mừng Luca, danh xưng “thầy” được
dùng đa số cho Đức Giêsu, chỉ một lần duy nhất, nó được dùng cho ông Gioan Tẩy
Giả: “Thưa thầy! Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,12). Người này gọi Đức Giêsu là
“thầy” có vẻ rất phù hợp trong bối cảnh này vì Người đang giảng dạy cho các môn
đệ, nhưng việc anh ta nhờ Đức Giêsu là người phân xử thì không hợp. Cũng có thể,
trong quan điểm của người này, thầy dạy cũng có vai trò là người phân xử. Anh
ta muốn dùng uy tín, vị thế của Thầy Giêsu để đảm bảo tính công bằng trong việc
phân chia tài sản thừa kế, hoặc là do người anh em không chịu chia tài sản, nên
anh ta mới nhờ Đức Giê-su can thiệp. Quả vậy, trong Cựu Ước, ông Môsê vừa là thầy
dạy, vừa là người phân xử tất cả những chuyện lớn nhỏ trong dân (Xh 18,13-27;
Đnl 1,9-18). Tuy nhiên, theo cách đặt câu hỏi của Đức Giêsu (ai đã đặt tôi làm
người phân xử hay người phân chia trên các anh?), xem ra Đức Giêsu không không
muốn đảm nhận vai trò “người phân xử” cho người này. Người muốn duy trì vai trò
giảng dạy của mình bằng cách dạy anh ta về điều quan trọng cho cuộc sống.
2.
“Chia
gia tài với tôi”: Danh từ “ἀδελφός” trong tiếng Hy Lạp có thể là anh, cũng có thể là em, không ai biết chắc
được. Tác giả J. Green cho rằng người đến xin Đức Giêsu can thiệp là người em
và người còn lại là người anh, vì anh ta tỏ ra yếu thế hơn trong vụ chia tài sản
này.[1]
Có một điều chắc chắn là trong vụ thừa kế này chỉ có hai anh em, vì danh từ này
được dùng số ít. Theo luật thừa kế, người anh có thể nhận phần gấp đôi so với
người em (Đnl 21,15-17). Đề xuất can thiệp trong vụ chia gia tài của người em
có thể có nhiều giả thiết. Có thể người anh không muốn chia gia tài, còn người
em lại muốn. Cũng có thể là người anh đang giữ tài sản thừa kế của người em mà
không đưa cho người em.[2]
Sự mong ước được chia tài sản thừa kế cho thấy phần nào về sự nóng lòng sở hữu
và xem phần tài sản này như là bảo đảm cho cuộc sống. Cách suy nghĩ của người
này có thể giống như cách nghĩ của người ộng nhà giàu trúng mùa trong dụ ngụ
minh hoạ. Ông ta đã tìm mọi cách để thu tích và cách giữ của cải và cảm thấy an
tâm với khối tài sản mà mình giữ trữ trong kho.
3.
“Hãy
coi chừng, và hãy canh chừng”: Đức Giêsu dùng lời cảnh báo kép để gây sự
chú ý và động thời nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của vấn đề mà Người sẽ nói
sau đó. Điều Người muốn nhấn mạnh, mong người này phải đề phòng, tránh xa là “mọi
thói tham lam”. “Sự tham lam” là ham muốn có nhiều hơn, vượt qua mức nhu cầu cần
thiết, sự thu tích vô hạn ngày càng nhiều hơn.[3]
Người đàn ông trúng mùa trong dụ ngôn thể hiện sự tham lam qua cách thức ngày
càng tích tụ thêm nhiều thóc lúa và hàng hóa. Trong bối cảnh này, có lẽ Đức Giêsu
muốn nói đến sự tham lam của cải, vật chất vì sau đó Người đề cập đến sự dư đầy
về của cải: “Mạng sống của một con người không hệ tại ở sự dư đầy về của cải vật
chất” (12,15).[4]
Có lẽ, “sự dồi dào về của cải” tự nó không làm nguy hại đến mạng sống con người,
nhưng nó không phải là đảm bảo chắc chắn cho mạng sống con người. Ai cậy dựa
vào đó và dành trọn thời gian, sức lực cho nó là đang bị chệch hướng và sự nguy
hại đến mạng sống sẽ xảy ra như là điều tất yếu. Ông nhà giàu trong dụ ngôn đã
đi chệch hướng khi xem của cải tích trữ của mình như yếu tố cần và đủ, và dùng
thời gian còn lại chỉ để nghỉ ngơi, ăn, uống, hưởng thụ.
4.
“mạng sống” (ζωή)… “linh hồn” (ψυχή): Trong đoạn văn này, Đức Giêsu dùng một lần danh
từ “ζωὴ” (mạng
sống, sự sống): “Mạng sống của một con người không hệ tại ở sự dư đầy về của cải
vật chất”, và dùng nhiều lần danh từ “ψυχή” (linh hồn): “Tôi sẽ nói với linh hồn tôi”, “linh hồn tôi hỡi”, “người ta
đòi linh hồn ngươi”. Danh từ “mạng sống” (ζωή) thường diễn tả sự sống thể lý, đối lại với chết
thể lý. Tuy nhiên, nghĩa của nó cũng có thể bao gồm cả linh hồn khi nói đến “sự
sống đời đời” (Mc 10,17.30; Mt 25,46; Lc 10,25; 18,18.30). Trong bối cảnh này,
rất có thể Đức Giêsu ngụ ý sự sống đời đời, chứ không đơn giản là sự sống thể
lý. Sự sống đời đời không thể được bảo đảm bằng sự dư đầy về vật chất. Tương tự,
danh từ “linh hồn” (ψυχή), thường được hiểu
như phần đối lại với “thể xác”, hay phần sự sống siêu nhiên của con người. Tuy
nhiên, nghĩa của danh từ này cũng có thể không loại trừ sự sống thể lý trên
trái đất. Ví dụ, ngay sau đoạn này Đức Giêsu nói: “Đừng lo cho mạng sống lấy gì
mà ăn” (τῇ ψυχῇ τί φάγητε). Động từ “ăn” trong cho phép hiểu danh từ
này như là “sự sống” thể lý hơn là “tâm linh”.
5.
Nghỉ ngơi, ăn, uống, hưởng thụ: Đây là những hành động bình thường của một con người trên trần gian. Tuy
nhiên, nếu cả cuộc đời chỉ để nghỉ ngơi, ăn, uống và hưởng thụ thôi thì người
ta không thể vươn đến sự sống đời đời. Cuộc đời của một công dân Nước Trời phải
là cuộc đời sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân: “Yêu mến Thiên Chúa, Thiên Thiên
Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi và yêu người
thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Hơn nữa, muốn sở hữu sự sống đời đời, người
ta còn phải giữ các điều răn: “Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ
làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ” và sẵn sàng bán tất cả những gì mình có,
phân phát cho người nghèo và đến, theo Đức Giêsu” (Lc 18,20-22). Luca là tác giả
Tin Mừng duy nhất kể dụ ngôn về người ộng nhà giàu thu tích ngu ngốc ở đây. Ông
cũng là tác giả duy nhất kể câu chuyện “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ”
(Lc 16,19-31). Ông nhà giàu này ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc toàn lụa là gấm
vóc, mà không bận tâm đến người nghèo Ladarô nằm trước cổng ông nhà mình. Ông
nhà giàu trong dụ ngôn này rất giống với ông nhà giàu ở chỗ ông an tâm với kho
giữ trữ và toan tính nghỉ ngơi, ăn, uống và hưởng thụ vật chất. Đức Giêsu của
Luca rõ ràng rất lưu ý đến sự nguy hại của việc đặt cùng đích trên của cải, vật
chất.
6. “Hỡi tên ngốc!”: Đây là lời nói của
Thiên Thiên Chúa dành cho người đã đặt toàn bộ cuộc đời mình trên của cải và cảm
thấy hoàn toàn an tâm với chúng. Sự ngu ngốc của ông này nằm ở chỗ ông ta không
hề tính đến Thiên Thiên Chúa, trong toàn bộ kế hoạch cuộc sống của ông, mạc dù
chính Người đã ban hoa màu ruộng đất cho ông.[5]
Cách nói “mảnh đất cho nhiều hoa lợi” nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Thiên
Chúa trên hoa lợi của mùa màng. Khi đặt lời nói này trên môi miệng Thiên Thiên
Chúa, Đức Giêsu cho thấy mức độ chính xác và thẩm quyền của lời trách mắng này.
Sự ngốc nghếch của ông nhà giàu trong câu chuyện lộ rõ khi “đêm nay người
ta sẽ đòi mạng sống ngươi”.[6]
Đó là một cái chết bất ngờ, và con người bị động hoàn toàn. Một khi sự sống thể
lý không còn nữa, thì những của cải thể lý không còn ý nghĩa gì. Chủ từ của động
từ ngôi thứ ba số nhiều trong câu “họ sẽ đòi mạng sống của ngươi” có thể là các
thiên thần, những ngươi hàng xóm bị ngược đãi, hoặc là cách nói quanh để chỉ
Thiên Thiên Chúa.[7] Dụ ngôn chỉ ra sự mong manh của sự sống thể lý, nhưng mối quan
tâm nhiều hơn của dụ ngôn là bản án nghiêm khắc của Thiên Thiên Chúa dành cho
những người tin tưởng vào sự giàu có.[8]
7.
“Những
điều ngươi đã chuẩn bị”: Những điều ngươi đã chuẩn bị trong bối cảnh này được
hiều là những của cải bao gồm những nông sản trúng mùa và những của ăn, của uống
khác mà người này đã tích trữ trong một cái kho lớn. Rõ ràng, có một sự thật phủ
phàng khó có thể chấp nhận là khi người đàn ông giàu có này chết bất đắc kỳ tử,
thì của cải của ông sẽ thuộc về bất cứ ai mà không ông không thể làm chủ được.
8.
“Người
tích trữ cho chính mình … không giàu có trong Thiên Chúa”: “Tích trữ cho
mình” là cách mà người em trong câu chuyện này đang làm “xin Đức Giêsu phân xử
cho vụ chia gia tài”, được minh họa rõ nét bằng hành động của người đàn ông trúng
mùa trong dụ ngôn.[9]
“Giàu có trong Thiên Thiên Chúa” được hiểu như là một kho tàng được tích trữ bằng
một lối sống theo đường lối và lời dạy của Thiên Thiên Chúa, được thầy Giêsu dạy
dỗ: “Đừng quá bận tâm đến việc tìm kiếm của ăn, của uống … hãy lo tìm kiếm nước
của Người, còn những thứ đó Người sẽ thêm vào cho” (Lc 12,29-31); “Bán tài sản
của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho
tàng không thể hao hụt trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục
phá” (Lc 12,33). Giới từ “εἰς”, trước danh xưng “Thiên Chúa” (εἰς
θεὸν), có thể hiểu theo ba
nghĩa: (1) Vì Thiên Chúa (làm giàu vì Thiên Chúa); (2) Trong Thiên Chúa (làm
giàu trong Thiên Chúa); (3) Dẫn đến Thiên Chúa (làm giàu dẫn đến Thiên Chúa, có
cùng đích là Thiên Chúa). L. Johnson giải thích rằng “giàu có dẫn đến Thiên
Chúa có hai tầng ý nghĩa: (i) Trước hết là sự đáp trả của đức tin; (ii) Thứ hai
là phân phát của cải ứng với đức tin, nghĩa là, chia sẻ chúng cho mọi người.[10]
Vào cuối những trình thuật về “hành trình lên Giêrusalem”, tác giả Luca sẽ
trưng dẫn một mẫu hình rõ nét về một người làm giàu vì/trong/dẫn đến Thiên Chúa.
Đó là câu chuyện về một người thủ lãnh của những người thu thuế, Giakêu, người
đã dám dâng tặng phân nữa tài sản của mình để cho người nghèo và bồi thường gấp
bốn những thiệt hại cho những người mà ông đã lỡ chiếm đoạt trong suốt cuộc đời
làm nghề thu thuế của ông (Lc 19,1-10). Nhờ những hành động vì Thiên Thiên Chúa
và vì tha nhân của ông, Đức Giêsu đã không ngần ngại công bố: “Hôm nay ơn cứu độ
đã đến cho nhà này”.
Bình luận tổng quát
Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu tiếp tục
giảng dạy về mầu nhiệm Nước Trời. Người được một người trong đám đông gọi là “thầy”.
Danh xưng này phản ánh đúng chức năng và sứ vụ của Người, nhưng tiếc thay, người
này lại muốn Đức Giêsu làm người phân xử, phân chia gia tài hơn là muốn nghe sứ điệp
của Người. Tuy nhiên, dù anh ta có muốn nghe hay không Đức Giêsu vẫn thi hành
vai trò giảng dạy của mình. Thay vì làm trọng tài phân xử việc phân chia tài sản
thừa kế, Đức Giêsu lại dạy cho anh biết điều quan trọng để duy trì mạng sống của
con người. Đó chắc chắn không phải là tài sản thừa kế. Độc giả không được biết
số lượng tài sản kế thừa là bao nhiêu. Tuy nhiên, dù cho khối tài sản ấy lớn đến
mức nào đi nữa, thì nó vẫn không đảm bảo cho mạng sống của anh. Mạng sống ở đây
là sự sống hạnh phúc đời đời, chứ không phải chỉ là sự sống thể lý trên trần thế.
Cách suy nghĩ của người đàn ông giàu có trong dụ ngôn là một ví dụ minh họa cho trước
tiên là người mong muốn được chia tài sản thừa kế trong câu chuyện này, sau nữa
là cho tất cả những ai đang mãi mê tích trữ của cải vật chất trần gian và dùng
cả cuộc đời mình chỉ để, nghỉ ngơi, ăn, uống và hưởng thụ. Ý định ấy, cách thực
hành ấy, lối sống như vậy, có thể mang lại cho người ta những thú vui, sung sướng
về thể xác trong chốc lát, tạm thời nhưng khó có thể mang lại cho người ta hạnh
phúc tinh thần và bền lâu. Thậm chí, người ta có thể kết thúc sự
sống thể lý bất cứ lúc nào, ngay cả khi chưa kịp hưởng thụ những gì do mình
dành dụm, tích trữ cả đời. Những gì mình tích trữ thuộc về ai, mình không thể
biết, nhưng có một điều chắc chắn là mình sẽ ra đi tay không, và trở thành một
kẻ ngốc muôn thuở vì đã đi chệch hướng cả đời, dẫn đến sự chết vĩnh viễn. Chỉ
có sự giàu có trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa, và dẫn đến Thiên Chúa mới bảo đảm
cho người ta cả sự sống đời này lẫn đời sau và kéo dài vĩnh cửu.
Có biết bao nhiêu người dành cả cuộc đời của mình
chỉ để tìm kiếm sự giàu có về của cải vật chất và kết thúc đời mình trong buồn
sầu, tuyệt vọng, vì mộng không thành. Lại có biết bao người bất chấp mọi nguyên
tắc đạo đức, sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ dữ, thậm chí bước trên xác chết đồng loại, để có
thể trở thành những tỷ phú, nhằm thõa mãn những thú vui thể xác, nhưng rồi lại
kết thúc cuộc đời trong tủi hổ, hối tiếc vì đã đánh mất thứ quý giá nhất trong
cuộc đời. Đó là tính người (nhân tính). May thay, trong xã hội còn có biết bao
người giàu có chân chính, dùng chính mồ hôi nước mắt và trí tuệ của mình để
vươn lên, lại biết dùng những giá trị vật chất để bày tỏ lòng trắc ẩn đối với
người nghèo, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, đất nước, con người, môi sinh
… Cuối cùng, có những người không bận tâm tìm kiếm những giá trị vật chất, nhưng
luôn trọn tình, vẹn nghĩa với Thiên Chúa và tha nhân trong từng giây phút của
cuộc đời mình. Mỗi người Kitô hữu luôn được mời gọi dành cả cuộc đời mình để
làm giàu vì Thiên Chúa, trong Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa. Ấy là sự giàu có
về nhân nghĩa, giàu tình yêu, tình mến đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự
giàu có này mới là kho tàng bền vững nhất, mang lại hạnh phúc đích thực và tồn
tại muôn đời.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “Presumably, the one who comes to Jesus is the younger of the two, who,
because of his lesser position in the household, requires outside assistance in
his attempt to achieve a settlement” [J.B.
Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 488].
[2] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parabales of
Jesus (Grand Rapids 2018) 307.
[3]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A,
970.
[4]
“‘Greed’ can denote the hunger for advanced social standing as well as the
insatiable desire for wealth, though in Luke’s world these two images are
intricately related. This is because, in his world, wealth is one of the
several important units of exchange that could be translated into advanced
status honor” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 307).
[5]
“God labels a rich landholder as a “fool”—that is, a person whose practices
deny God; indeed, the principal deficiency of the wealthy farmer is his failure
to account for God in his plans” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 487).
[6]
“Jesus’ words do not merely refer to “the approaching eschatological
catastrophe, and the coming Judgement,” but to the death of the individual
person and his/her individual fate” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes, 971)
[7] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 310; “the third person plural can stand
in for the passive, which in tum probably refers to God's action: ‘God requires
your life of you’” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville
1997) 199].
[8]
Ibid.
[9]
“Such persons are not simply those with possessions, but more particularly
those whose dispositions are not toward the needs of those around them, whose
possessions have become a source of security apart from God, and, thus, whose
possessions deny them any claim to life” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 491).
[10]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke,
199; “As part of Lucan teaching on the use of material possessions (see pp.
247–251), it implies the use of wealth on behalf of others as the way to become
‘rich with God’” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes, 972).
No comments:
Post a Comment