Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
1 Καὶ ἐγένετο ἐν τῷ εἶναι αὐτὸν
ἐν τόπῳ τινὶ προσευχόμενον, ὡς ἐπαύσατο, εἶπέν τις τῶν μαθητῶν αὐτοῦ
πρὸς αὐτόν· κύριε, δίδαξον ἡμᾶς προσεύχεσθαι,
καθὼς καὶ Ἰωάννης ἐδίδαξεν τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ. 2 εἶπεν δὲ αὐτοῖς· ὅταν προσεύχησθε
λέγετε· Πάτερ, ἁγιασθήτω
τὸ ὄνομά σου· ἐλθέτω ἡ βασιλεία σου· 3 τὸν ἄρτον ἡμῶν τὸν ἐπιούσιον δίδου ἡμῖν τὸ καθ᾽ ἡμέραν· 4 καὶ ἄφες ἡμῖν
τὰς ἁμαρτίας ἡμῶν, καὶ γὰρ αὐτοὶ ἀφίομεν
παντὶ ὀφείλοντι ἡμῖν· καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν. 5 Καὶ εἶπεν πρὸς αὐτούς· τίς ἐξ ὑμῶν
ἕξει φίλον καὶ πορεύσεται πρὸς αὐτὸν
μεσονυκτίου καὶ εἴπῃ αὐτῷ· φίλε, χρῆσόν
μοι τρεῖς ἄρτους, 6 ἐπειδὴ φίλος μου παρεγένετο
ἐξ ὁδοῦ πρός με καὶ οὐκ ἔχω ὃ παραθήσω αὐτῷ· 7 κἀκεῖνος ἔσωθεν ἀποκριθεὶς εἴπῃ· μή
μοι κόπους πάρεχε· ἤδη ἡ θύρα κέκλεισται καὶ τὰ παιδία μου μετ᾽ ἐμοῦ εἰς τὴν
κοίτην εἰσίν· οὐ δύναμαι ἀναστὰς δοῦναί σοι. 8 λέγω ὑμῖν, εἰ καὶ οὐ δώσει αὐτῷ ἀναστὰς
διὰ τὸ εἶναι φίλον αὐτοῦ, διά γε τὴν ἀναίδειαν αὐτοῦ ἐγερθεὶς δώσει αὐτῷ ὅσων χρῄζει. 9 Κἀγὼ ὑμῖν λέγω, αἰτεῖτε καὶ δοθήσεται ὑμῖν,
ζητεῖτε καὶ εὑρήσετε,
κρούετε καὶ ἀνοιγήσεται
ὑμῖν· 10 πᾶς γὰρ ὁ αἰτῶν λαμβάνει καὶ ὁ ζητῶν εὑρίσκει
καὶ τῷ κρούοντι ἀνοιγ[ήσ]εται. 11 τίνα δὲ ἐξ ὑμῶν τὸν πατέρα αἰτήσει ὁ υἱὸς ἰχθύν, καὶ ἀντὶ
ἰχθύος ὄφιν αὐτῷ ἐπιδώσει; 12 ἢ καὶ αἰτήσει ᾠόν, ἐπιδώσει αὐτῷ σκορπίον; 13 εἰ οὖν ὑμεῖς πονηροὶ ὑπάρχοντες οἴδατε δόματα
ἀγαθὰ διδόναι τοῖς τέκνοις ὑμῶν, πόσῳ
μᾶλλον ὁ πατὴρ [ὁ] ἐξ
οὐρανοῦ δώσει πνεῦμα ἅγιον τοῖς αἰτοῦσιν αὐτόν. (Lk. 11:1-13
BGT) |
1 Chuyện xảy ra
khi Người đang cầu nguyện ở một nơi nọ, sau khi
Người đã dừng cầu nguyện, một trong các môn đệ của Người đã nói cùng Người: “Thưa Ngài, xin dạy chúng con cầu nguyện, như ông
Gioan đã dạy các môn đệ của ông” 2 Người nói cùng họ:
“Khi anh em cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha! Xin
hãy làm cho danh của Cha được hiển thánh, nước Cha đến. 3 Xin ban cho chúng con hôm
nay lương thực hằng ngày. 4 và tha tội của chúng con vì chúng con cũng tha cho họ tất cả những điều họ nợ chúng con, và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ. 5 Rồi Người nói
cùng họ, ai trong anh em có một người bạn và người
ấy đến cùng anh ta lúc nửa đêm và nói cùng anh ta: “Này
bạn! Hãy cho tôi vay ba cái bánh 6 vì người bạn của tôi lỡ đường ghé lại cùng tôi và
tôi không có gì để dọn cho anh ta. 7 Trả lời từ bên
trong, Người ấy nói: “Cậu đừng mang phiền phức cho tôi, cửa đã khóa rồi và những
đứa con đang ở với tôi trên giường, tôi không thể dậy mà lấy cho cậu được” 8 Thầy bảo anh em,
nếu anh ta không dậy cho người bạn ấy vì người ấy là bạn
của anh, thì anh sẽ dậy để cho người bạn ấy bất
cứ thứ gì người bạn ấy cần vì sự kiên trì của
người bạn ấy. 9 Thầy cũng nói
cùng anh em: “Hãy xin thì sẽ được ban cho anh em; hãy tìm
kiếm thì anh em sẽ tìm thấy; hãy gõ cửa thì sẽ được mở ra cho
anh em 10 vì tất cả những
người xin đều nhận được;
người tìm kiếm đều tìm thấy và người gõ cửa sẽ được mở ra
cho. 11 Ai trong anh em
là người cha, khi người
con xin con cá mà
lại cho con rắn thay vì con cá. 12 hoặc nó xin quả trứng, ông ta lại cho nó con bọ cạp. 13 Nếu anh em là những người xấu mà còn biết cho những đứa con của anh em những quà tặng tốt lành, thì người Cha trên trời sẽ trao ban Thánh Linh cho
những ai kêu xin Người”. |
Bối cảnh
Trong bối cảnh rộng, Lc 11,1-13 nằm
trong số những trình thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu và các
môn đệ (Lc 9,51 – 19,27). Trong bối cảnh hẹp hơn Lc 11,1-13 được nối tiếp ngay
sau câu chuyện Đức Giêsu thăm viếng gia đình hai cô Martha và Maria (Lc
10,38-42). Chọn lựa “ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời của Người” của cô
Maria được tiếp nối bằng hành động cầu nguyện của Đức Giêsu và khao khát được học
bài học cầu nguyện của các môn đệ. Đức Giêsu đã nói chuyện với Chúa Cha và các
môn đệ cũng mong ước được nói chuyện với Chúa Cha như Người. Nếu như cô Maria
thực hành căn tính người môn đệ trong cung cách học hỏi lắng nghe thầy Giêsu,
thì các môn đệ cũng mong muốn học hỏi lắng nghe Thầy của mình như vậy. Trước đó
không xa, Đức Giêsu đã cầu nguyện và tạ ơn Chúa Cha vì Người đã mặc khải “những
điều này” cho những người bé nhỏ (Lc 10,21-22). Người cũng mặc khải mối tương
quan giữa Người với Chúa Cha, cũng như với những người mà Người muốn mặc khải
cho (Lc 10,22). Chủ đề về thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu cũng là một chủ đề
quen thuộc trong Tin Mừng thứ ba. Có ít nhất mười một lần, tác giả ghi lại Đức Giêsu
cầu nguyện (3,21; 5,16; 6,12; 9,18.28.29; 10,21-22; 11,1; 22,41.45; 23,34). Chủ
đề về Nước Thiên Chúa là một chủ đề chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu. Lời
cầu xin cho “Nước Cha đến” được hiện thực hóa nơi hành động trừ quỷ của Đức Giêsu
được nói đến trong đoạn Tin Mừng ngay sau đó (Lc 11,14-22): “Nếu tôi dùng ngón
tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả thực Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ông”. Sau
đó, Đức Giêsu an ủi các môn đệ “đừng sợ vì Cha của anh em đã vui lòng ban Nước
của Người cho anh em” (Lc 12,32). Sự kiên trì của người bạn đến vay ba cái bánh
trong trình thuật này gợi nhớ đến dụ ngôn bà góa xin xử kiện và quan tòa bất
chính, trong đó sự kiên trì của bà góa cũng được nhấn mạnh (Lc 18,1-8). Món quà
Thánh Linh mà Cha trên trời ban cho những người cầu xin nối kết với tầm quan trọng
của Thánh Linh trên cuộc đời Đức Giê-su trong các trình thuật của Tin Meng và
trên Giáo Hội trong sách Công Vụ Tông Đồ. Lời cầu nguyện “Lạy Cha” có mối liên
hệ rất gần gũi với truyền thống Do Thái, đặc biệt là Qaddish và Mười Tám Mối
Phúc.
Qaddish: Nguyện cho danh Người được tán tụng và thánh hóa trong thế
gian mà Người đã tạo thành theo thánh ý Người. Nguyện xin Người thiết lập vương
quốc của Người, trong cuộc đời Người và trong thời đại của Người, và trong cuộc
đời của các gia đình Ítrael, một cách nhanh chóng và thời điểm gần.[1]
Cấu trúc
Bối cảnh: Đức
Giêsu đang cầu nguyện (1) Những điều cần cầu xin Xin cho Cha (2-3): - Danh Cha được hiển thánh - Nước Cha đến Xin cho chúng con (4) : - Lương thực hằng ngày. - Tha tội của chúng con vì chúng con cũng tha - Đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ Thái độ cần có khi cầu nguyện Câu chuyện minh họa 1 (5-8): Người bạn kiên nhẫn và được đáp lời Kết luận quy nạp: Xin thì sẽ được ban, tìm thì sẽ tìm thấy, gõ thì sẽ
được mở (9-10) Món quà Cha ban, mức độ trao ban Câu chuyện minh họa 2: Cha dưới đất cho quà tốt lành Kết luận quy nạp: Cha trên trời ban Thần Khí |
Một số điểm chú giải
1.
Người
đang cầu nguyện: Tác giả Luca đặt câu chuyện này trong bối cảnh Đức Giêsu
đang cầu nguyện, trong khi đó tác giả Mátthêu đặt nó vào bối cảnh Đức Giêsu
đang dạy các môn đệ về ba thực hành quan trọng trong đời sống các môn đệ: Làm
phúc (Mt 6,1-4); Cầu nguyện (Mt 6,5-15) và ăn chay (6,16-18). Theo tác giả Mátthêu,
khi Đức Giêsu đang dạy về cầu nguyện, thì Người dạy các môn đệ phải nói gì. Tác
giả Luca có thói quen đặt câu chuyện vào trong bầu khí cầu nguyện của Đức Giêsu.
Trong trình thuật Phép Rửa, tác giả mô tả rằng “đang khi Người cầu nguyện thì
trời mở ra, và Thánh Linh ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” (Lc
3,21-22). Trước khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện
cùng Thiên Chúa (Lc 6,12). Trước khi đặt những câu hỏi quan trọng liên quan đến
căn tính của Người (người ta nói Thầy là ai? Còn anh em, anh em bảo Thầy la
ai?), Đức Giêsu cũng cầu nguyện một mình (Lc 9,18). Trong trình thuật biến
hình, tác giả Luca cũng ghi chú mục đích Đức Giêsu mang ba môn đệ Phêrô, Giacôbê
và Gioan lên núi là để cầu nguyện, và đang khi cầu nguyện thì Người biến hình
(Lc 9,28.29). Xem ra, cầu nguyện là hoạt động rất quan trọng trong cuộc đời của
Đức Giêsu đặc biệt là trước những biến cố quan trọng. “Lời cầu nguyện của Chúa”
hay thường gọi là “Kinh Lạy Cha” là lời cầu nguyện rất quan trọng trong cộng
đoàn các tín hữu sơ khai và được dạy trong bối cảnh Đức Giêsu cầu nguyện.
2.
Xin dạy
chúng con cầu nguyện: Trong khi các môn đệ của Mátthêu bị động, các môn đệ
của Luca chủ động hơn trong việc cầu xin Đức Giêsu dạy họ cầu nguyện. Đây là
cung cách của những người môn đệ mong được học hỏi từ thầy của mình, nhất là đời
sống cầu nguyện, cách thức cầu nguyện.[2]
Mệnh đề so sánh có phần lạ kỳ. Lẽ ra, họ nên nói rằng: “Xin dạy chúng con cầu
nguyện như Thầy đã cầu nguyện” nhưng họ lại nói là “như ông đã dạy môn đệ của
ông”. Có lẽ, các môn đệ nhấn mạnh đến hành động dạy hơn là nội dung hay là cách
thức cầu nguyện. Họ biết rằng ông Gioan từng dạy các môn đệ cầu nguyện. Hôm nay
nhân dịp, họ thấy Đức Giêsu cầu nguyện, họ cũng mong được học cách thức cầu
nguyện, và nội dung lời nguyện. Trước đó, những kinh sư và những người Pharisêu
đã trách Đức Giêsu và các môn đệ của Người bằng cách so sánh họ với môn đệ của
ông Gioan, và của những người Pharisêu: “Các môn đệ của ông Gioan năng ăn chay,
cầu nguyện, các môn đệ của những người Pharisêu cũng thế, còn môn đệ của ông
thì ăn với uống” (Lc 5,33). Các môn đệ, có lẽ, cũng cảm thấy cần phải thực hành
cầu nguyện như các môn đệ của ông Gioan và của những người Pharisêu.
3.
Lạy
Cha (πάτερ): Trong các tác giả sách Tin Mừng, Luca là tác giả sử dụng nhiều
nhất (Lc: 11 lần; Ga: 9 lần; Mt: 4 lần) danh xưng “cha” dưới hình thức hô ngữ
(gọi trực tiếp). Tuy nhiên, trong mười một lần đó, tác giả dùng ba lần cho người
cha bình thường; ba lần cho tổ phụ Ápraham; chỉ còn năm lần cho Thiên Chúa. Tác
giả Gioan dùng cách gọi này cho Chúa Cha nhiều nhất. Đối với tác giả Tin Mừng
thứ tư, cách gọi này chỉ có Đức Giêsu dùng để gọi Chúa Cha. Tác giả Mátthêu
thêm nhiều đặc tính của Người Cha hơn tác giả Luca. Tác giả Mátthêu gọi rằng:
“Cha của chúng con, Đấng ở trên trời” (Πάτερ ἡμῶν ὁ ἐν τοῖς οὐρανοῖς),
trong khi tác giả Luca chỉ gọi gọn ghẽ “Cha ơi!” (Πάτερ), không có
tính từ sở hữu ngôi thứ nhất số nhiều và cũng không có mệnh đề quan hệ chỉ nơi ở
của Cha. Tuy nhiên, sau đó khi kết luận cho ví dụ minh họa thứ hai, tác giả
Luca cũng gọi Chúa Cha là “Cha, Đấng từ trời” (ὁ πατὴρ [ὁ] ἐξ οὐραν) (Lc
11,13). Việc đồng hóa Thiên Chúa như là người Cha được đặt nền tảng trong Cựu Ước
và văn chương Do Thái sau đó, đặc biệt trong lịch sử tuyển chọn dân Ítrael,
trong Giao ước và trong lời hứa cánh chung.[3]
Dân Ítrael hiểu Thiên Chúa là Cha theo nhiều nghĩa. Trước hết, Người là Cha vì
đã sáng tạo vũ trụ cùng muôn loài trong đó: “Hỡi dân tộc ngu si khờ dại, Người
chẳng phải là Cha của ngươi, Đấng dựng nên ngươi, Đấng tạo thành, làm cho ngươi
đứng vững?” (Đnl 32,6; Ml 2,10). Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha khi người chọn dân Ítrael
làm dân riêng và gọi họ như “con đầu lòng”: “Con đầu lòng của Ta là Ítrael” (Xh
4,22; cf. Đnl 14,1; Hs 11,1-3; Gr 3,19; 31,9; Is 63,16). Ngoài ra, Người cũng là
cha trong tư cách “nuôi dưỡng cô nhi, đỡ bênh quả phụ” (Tv 68,6). Sách thánh Cựu
Ước cũng diễn tả Thiên Chúa như là một người mẹ, săn sóc, ủi an con mình: “Như
mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ ủi an các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi
sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13). Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh Thiên Chúa như
người mẹ khi Người khóc thương thành Giêrusalem: “Giêrusalem, Giêrusalem, đã
bao lần Ta muốn tập họp ngươi lại như gà mẹ quy tụ đàn gà con dưới cánh, nhưng
các ngươi không chịu” (Lc 13,34; Mt 23,37). Đức Giêsu nói đến hình ảnh một người
Cha yêu thương bao dung vô bờ bến: “Cho
mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống
trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45; Lc 6,35) Trong bối cảnh
Tin Mừng thứ ba, hình ảnh Thiên Chúa là Cha được khắc họa rõ nét trong dụ ngôn
“Người cha nhân hậu và Hai người con lạc”, một người Cha yêu thương tha thứ đến
vô tận (Lc 15,11-32). Khi dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu mời gọi
các môn đệ ý thức rằng tương quan giữa các môn đệ và Thiên Chúa là tương quan
gia đình. Khi họ cầu nguyện họ cần nói với Thiên Chúa như tâm tình người con
dành cho người cha của mình. Sau đó, Đức Giêsu tiếp tục đưa ra ví dụ về cách thức
người cha trần gian đối đãi con của mình để đối chiếu với cách thức mà Cha trên
trời đối đãi con mình. Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha đúng như
cách mà Người gọi (Lc 10,21). Tuy vậy, cần lưu ý rằng, không có bất cứ cho chỗ
nào trong Tin Mừng Đức Giêsu kết hợp cùng với các môn đệ để gọi Thiên Chúa là
“Cha của chúng ta”. Đặc tính “con” của Đức Giêsu không thể được đánh đồng với đặc
tính “con” của các môn đệ. Tương quan Cha-Con giữa Đức Giêsu và Chúa Cha là duy
nhất.[4]
4.
Danh của Cha (τὸ ὄνομά σου)…Nước của Cha (ἡ βασιλεία σου): Những ý nguyện đầu tiên mà các môn đệ phải nhắm đến là những điều dành cho Cha. Đó là “danh của Cha” và “nước của Cha”. Nói đến danh của ai là nói đến chính người đó, bản chất của người đó.[5]
Động từ “ἁγιάζω” (haghiázồ), có nghĩa là thánh hóa, làm cho nên thánh. Động từ này được dùng ở thể bị động (ἁγιασθήτω, được thánh hiến), với tác nhân có thể Thiên Chúa hoặc là con người. Nếu là tác nhân là Thiên Chúa thì phải hiểu là “xin Cha hãy thánh hiến danh Cha”; còn nếu tác nhân là con người thì phải hiểu là “xin làm cho danh Cha được mọi người xem như là thánh”. Cách hiểu thứ hai có vẻ khả dĩ hơn, vì danh của Chúa thì luôn là “thánh”, nhưng không phải tất cả mọi người đều chấp nhận và tôn vinh danh đó như là “thánh”. Người môn đệ phải là người tôn thờ danh Chúa như là thánh và cầu mong cho danh ấy được mọi người ca tụng. Các vịnh gia thường mời gọi cộng đoàn phụng vụ chúc tụng danh của Chúa (Tv 96,2; 103,1;
115,1.2; cf. Hc 39,35). Lời cầu xin này gợi nhớ đến điều răn làm vinh danh danh Chúa trong Thập Điều (Xh 20,7; Đnl 5,11). Sách ngôn sứ Êdêkiel nói đến một sự chiến thắng và phục hồi mang tính cánh chung vì danh Chúa: “Ta sẽ thánh hóa danh vĩ đại của Ta … và các quốc gia sẽ biết rằng Ta là Chúa … khi qua ngươi Ta sẽ bày tỏ sự thánh thiện của Ta trước mắt họ (Ed 36,23). Thiên Chúa thánh hiến danh Người vì nó đã bị dân Người làm cho ô uế (Lv 22,32; Is 52,5-6; Ed 36,20-21).[6]
Nước của ai là nơi người đó trị vì. Nước của Cha đồng nghĩa với Nước Thiên Chúa, Triều Đại Thiên Chúa hay Nước Trời. Danh từ “βασιλεία” (basileia) trong tiếng Hy Lạp có hai nghĩa chính yếu: (i) Nước, vương quốc; (ii) Triều đại, vương triều. Nói “vương quốc Thiên Chúa” là nói đến nơi Chúa trị vì, quốc gia của Chúa, không gian nơi Chúa làm chủ; còn nói “triều đại Thiên Chúa” là nói đến chính sự trị vì, thời gian trị vì, cai quản của Thiên Chúa. Các tác giả Máccô, Luca, Gioan, dùng danh xưng “Nước Thiên Chúa” trong khi đó tác giả Mátthêu dùng cả hai danh xưng: Nước Trời và Nước Thiên Chúa, nhưng “Nước Trời” được dùng thường xuyên hơn. Đức Giêsu đã rao giảng rằng: “Thời kỳ đã mãn, Triều Đại Thiên Chúa (Nước Thiên Chúa) đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người cũng dạy các môn đệ rao giảng cùng một thông điệp (Lc 10,9.11). Người cũng nói với những người chứng kiến phép lạ trừ quỷ: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì Triều Đại Thiên Chúa đến trên các ông” (Lc 11, 20). Như vậy, Nước Thiên Chúa vừa đến rồi, vừa chưa đến. Với sự hiện diện của Đức Giêsu, cụ thể là quyền năng trên ma quỷ, bệnh tật và sự dữ, có thể nói là Nước Trời đã hiển trị.[7]
Tuy nhiên, nếu nói về không gian, tầm ảnh hưởng, thì Nước Trời vẫn chưa đến, chưa bao trùm khắp mọi nơi, mọi chốn. Hơn nữa, nếu nói về số lượng người đón nhận, thì cũng chưa được bao nhiêu. Thực tế, có rất nhiều người chưa nghe biết về Nước Trời, và cũng có nhiều người nghe biết rồi nhưng không đón nhận.[8] Trong bối cảnh này, Đức Giêsu dạy các môn đệ bày tỏ ước vọng cho “Triều Đại Cha” đến, nghĩa là mong ước cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi và được mọi người đón nhận, và mong ước bước vào.
5. Lương thực hằng ngày (nghĩa đen: bánh mì): Sau khi đã cầu xin những điều cần thiết cho Cha, người môn đệ cầu xin cho nhu cầu căn bản của bản thân. Tính từ (τὸν ἐπιούσιον) đi kèm với danh từ “bánh mì”, xưa nay vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận. Đây là một tính từ ghép gồm hai thành phần: epi + danh từ (chưa rõ). Tác giả J. Fitzmyer liệt kê ba cách hiểu tính từ này: (i) epi + ousia (bản thể, hữu thể, yếu tính): Bánh sự sống, cần thiết cho sự tồn tại, thiết yếu; (ii) epi + ousa (hiện tại phân từ của động từ “eimi”: là, thì, với thời gian “ngày” được ngụ ý): Bánh cho ngày hôm nay, hằng ngày; (iii) epi + iousa (hiện tại phân từ của động từ “eimi”: đến, cũng với “ngày” được ngụ ý): Bánh cho ngày sắp đến, hay cho tương lai.[9]
Trong ba cách hiểu này, cách hiểu thứ hai xem ra phù hợp với lời dạy của Đức Giêsu về sự tín thác nơi sự quan phòng của Chúa: “Đừng lo cho ngày mai, ngày mai ắt có cái lo của nó. Vấn đề hôm nay đủ cho hôm nay” (Mt 6,34). Hơn nữa trong truyền thống về phép lạ Manna, dân Ítrael cũng được căn dặn kỹ càng là chỉ được nhặt Manna đủ cho ngày hôm đó (Xh 16,4). Cách hiểu thứ nhất cũng có lý, nếu hiểu rằng các môn đệ chỉ xin thức ăn căn bản, cần thiết đủ cho sự sống hằng ngày của mình. Cách hiểu thứ ba cũng không phải là sai. Đó là thức ăn dành cho thời cánh chung, thức ăn dành cho những công dân của vương quốc, những người được cứu độ.[10]
Xin Chúa thức ăn cần thiết cho cuộc sống thường ngày đồng nghĩa với việc phó thác, phụ thuộc nguồn sống từ Chúa, cũng như cam kết dùng thời gian của cuộc đời mình để làm cho Nước Chúa mau đến. Sự phụ thuộc này nối kết chặt chẽ với lời căn dặn của Đức Giêsu dành cho cả nhóm Mười Hai và Nhóm Bảy Mươi Hai, trên hành trình sứ vụ: “Hành lý không hành lý” (không mang theo gì khi đi đường) (Lc 9,1-6; 10,1-11). Lời cầu xin này đặt nền tảng trên phép lạ cụ thể mà Đức Giêsu đã làm để nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê đến mức dư thừa.[11]
6. Tha tội của chúng con: Tác giả Luca đổi danh từ “nợ” (opheilemata) trong bản của tác giả Mátthêu thành “tội” (hamartias). Sự thay đổi này có thể làm cho những người Kitô hữu gốc dân ngoại trong cộng đoàn của tác giả Luca cảm thấy dễ hiểu hơn. Bởi lẽ, dù rằng danh từ “nợ” (opheilema), trong tiếng Hy Lạp cổ, vẫn được hiểu theo hai nghĩa: Nợ, theo nghĩa thông thường và “tội” theo nghĩa tôn giáo nhưng người gốc dân ngoại không quen với nghĩa tôn giáo của từ này. Hơn nữa, danh từ “tội” (tha tội) phù hợp với cách diễn tả của tác giả Luca về hiệu quả của mầu nhiệm Chúa Kitô.[12]
Người sẽ đổ máu ra để chuộc tội cho nhân loại. Khi phạm tội người ta chống lại Luật Thiên Chúa (1 Ga 3,4). Tội lỗi được xem là một trong những căn nguyên của những đau khổ, bệnh tật thể lý. Đức Giêsu nhiều lần nối kết bệnh tật thể lý với tình trạng tội lỗi của một bệnh nhân: “Này, anh đã được khỏi bệnh rồi. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước” (Ga 5,14); “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi (Mt 9,2.5; Mc 2,5.9; Lc 5,20.23). Các môn đệ của Đức Giêsu cũng quan niệm như thế khi họ hỏi thầy của mình về tình trạng của người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,2). Một khi phạm tội, con người sẽ bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23). Người người phạm tội là người của ma quỷ (1 Ga 3,8). Tội lỗi làm cho người ta lạc xa Thiên Chúa và sẽ dẫn đến người ta đến đau khổ và sự chết (Rm 5,12; Gc 1,15). Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội lỗi (Ga 8,34). Chính vì thế, bức thông điệp đầu tiên của Đức Giêsu là mời gọi người ta hoán cải và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15). Kêu gọi người tội lỗi hoán cải là mục đích rao giảng của Đức Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi hoán cải” (Lc 5,32; Mc 2,17; Mt 9,13). Tác giả mô tả những cuộc hoán cải cụ thể của những người tội lỗi: Người phụ nữ tội lỗi trong thành được tha thứ (7,36-50); Cuộc hoán cải của thủ lãnh thu thuế, Giakêu (19,1-10); Người gian phi hoán cải (23,39-43). Đặc biệt là dụ ngôn “ba trong một”: “Đồng bạc bị đánh mất”; “con chiên bị lạc”; “người cha nhân hậu và hai người con lạc” (15,1-32). “Xin tha tội”, bao hàm một ơn hoán cải, thay đổi hoàn toàn để trở về sống theo đường lối Chúa mà được sống. Việc xin ơn tha thứ từ Chúa giả định một lý do nền tảng là người xin ơn cũng tha thứ cho những ai có nợ với mình: “Vì chúng con cũng tha cho những người có nợ với chúng con”.[13]
Đức Giêsu của tác giả Mátthêu nhấn mạnh hơn đến điều kiện của sự tha thứ khi thêm vào một câu điều kiện hai chiều: “Nếu anh em tha thứ lỗi cho người ta; thì Cha của anh em trên trời sẽ tha thứ cho anh em; Nếu anh em không tha thứ cho người ta; thì Cha anh em trên trời cũng sẽ không tha thứ cho lỗi của anh em” (Mt 6,14-15). Lời cầu xin tha thứ giúp các môn đệ Chúa vừa nối lại tương quan Cha-con với Chúa vừa hàn gắn lại tương quan đổ bể giữa những người anh em trong cộng đoàn.[14]
Sự hòa giải với Chúa đi đôi với sự hòa giải với người khác. Các môn đệ đón nhận ơn tha thứ với điều kiện là họ cũng phải thứ tha cho người khác. Tác giả Luca hình như có ý phân biệt giữa hai mối tương quan: Giữa Chúa và con người là tha thứ tội lỗi; còn giữa con người với nhau là tha “nợ”: “Xin tha tội cho chúng con vì chúng con cũng tha cho tất cả những người mắc nợ (παντὶ ὀφείλοντι) chúng con” (Lc 11,4).
7. Dẫn vào cơn cám dỗ: Đây là lời cầu xin gây ra nhiều tranh cãi cho các nhà chú giải xưa nay, cũng như các tín hữu. Bản dịch Việt Ngữ diễn giải ý nghĩa một cách hợp lý: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (CGKPV); “Chớ để chúng tôi sa cơn thử thách” (NTT). Nguyên bản tiếng Hy Lạp là: “μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν” (đừng mang/dẫn chúng con vào sự thử thách/ sự cám dỗ). Các bản tiếng Anh, Pháp, cố gắng
giữ lại nghĩa gốc: “lead us not to the time of trial” (NRS); “lead us not into
temptation” (ESV); “Ne nous conduis pas dans la tentation” (TOB). Bản tiếng Ý
hơi khác một tý: “non abbandonarci alla tentazione” (đừng bỏ rơi chúng con trước
cám dỗ, CEI). Năm 2017, trên sóng truyền hình Italia, TV2000, Đức Giáo Hoàng
Phanxico đã lên tiếng về cách dịch sát chữ lời cầu nguyện này trong tiếng Ý là
không tốt: “Thiên Chúa, Đấng dẫn chúng ta vào sự cám dỗ không phải là một cách
dịch tốt” và đề nghị một cách dịch mới. Mùa Vọng năm 2020 (29/11/2020), các
giáo xứ trong nước Ý đã đọc câu “đừng bỏ rơi chúng con trước cơn cám dỗ” thay cho
câu “đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ” như trước đó.[15]
Đức Giêsu của tác giả Luca căn dặn các môn đệ trong Vườn Cây Dầu là hãy cầu
nguyện để khỏi đi vào sự cám dỗ/ thử thách” (Lc 22,40.46). Theo truyền thống Cựu
Ước, Thiên Chúa thường mang dân Người vào sự thử thách: “Ta sẽ mưa bánh từ trời
cho các người, và mỗi ngày dân chúng sẽ đi ra và nhặt đủ cho ngày đó. Theo cách
thức đó, Ta sẽ thử thách họ, xem liệu họ có theo chỉ dẫn của Ta hay không” (Xh
16,4). Thiên Chúa dẫn dân đi trong sa mạc bốn mươi năm để bắt dân khiêm hạ, thử
thách dân để biết điều gì trong lòng dân, liệu họ có giữ các điều răn hay không
(Đnl 8,2.16; Cf. Đnl 13,4; 33,8; Tl 2,22). Cũng giống như cách nói: “Thiên Chúa
làm cho vua Pharaô ra cứng lòng” (Xh 4,21; 7,3; 9,12). Cách suy nghĩ của người
xưa, mọi sự đều nằm trong kế hoạch và sự điều khiển của Chúa. Vì vào thời ấy
chưa có sự phân biệt giữa ý muốn tuyệt đối và ý muốn tùy nghi nên mọi sự đều
quy cho Chúa. Khi sự phân biệt ấy xuất hiện, thì Thiên Chúa được cho là cho
phép người ta rơi vào cám dỗ hay lạc đạo, nhưng Người không hoàn toàn muốn nó.
Sự phân biệt này không được biết trong thời Cựu Ước và không tồn tại trong suy
nghĩ của Đức Giêsu khi Người tạo nên lời cầu xin trong “Kinh Lạy Cha”. Tư tưởng
này vẫn tìm thấy trong Tân Ước như trong thư gửi tín hữu Rôma: “Người tỏ lòng
thương xót trên những ai Người chọn và Người làm cứng lòng bất cứ ai Người chọn”
(Rm 9,18b). Thánh Linh đã tác động rất lớn trong cơn cám dỗ của Đức Giêsu: “Thần
Khí đẩy Người (Đức Giêsu) vào hoang địa … chịu quỷ cám dỗ” (Mc 1,12-13; Mt
4,1). Các tín hữu sau này cảm thấy khó chấp nhận quan niệm này. Vì thế, sự phản
ứng về lối suy nghĩ này được tìm thấy trong thư của ông Giacôbê: “Đừng để cho bất
cứ ai khi bị cám dỗ nói rằng: ‘tôi bị cám dỗ bởi Chúa vì …chính Chúa không cám
dỗ ai” (Gc 1,13-15). “Cám dỗ/ thử thách” theo tác giả Luca, không chỉ là cuộc
xét xử cánh chung mà còn được mở rộng ra cho những nguy hiểm chối đạo hiện thời
(cf. 8,14-15; Cv 20,19).[16]
Bản của tác giả Mátthêu còn thêm vào lời cầu “nhưng giải thoát chúng con cho khỏi
sự dữ”. Chính vì thế một số bản chép tay muộn thời hơn của Tin Mừng Luca (A, C,
D, R, W) cũng có thêm đoạn này.
8. Một người bạn[17]… sự kiên trì/ sự không biết xấu hổ: Ví dụ về một người bạn song song với ví dụ về một người cha. Người bạn này trong vai một người đi tìm, đi gõ, và xin người bạn của mình ba chiếc bánh mì để đãi một người bạn khác. Đây là câu chuyện riêng của tác giả Luca, không tìm thấy trong hai Tin Mừng còn lại. Đặc tính được nhấn mạnh là sự kiên trì/ sự không biết xấu hổ của người này. Sự kiên trì/ sự không biết xấu hổ của anh đã khiến cho người bạn của anh, dù đã đóng cửa, các con đang ngủ cùng giường, không muốn dậy, cuối cùng, phải dậy, ra khỏi giường, lấy bánh, mở cửa, đưa cho anh ta. Câu chuyện được đặt trên nền tảng văn hóa về trách nhiệm hiếu khách của một người dành cho một người khác trong vùng Cận Đông thời xưa. Trong xã hội du mục, vào thời không có nhiều quán trọ, thì những người bộ hành luôn phải cậy nhờ vào lòng hiếu khách của những người bạn. Người chủ có trách nhiệm chăm sóc người bạn lỡ đường, và người bạn (đang ngủ) buộc phải giúp người hàng xóm này trong phận vụ chăm sóc ấy.[18] Đức Giêsu đặt một câu hỏi giả sử dài, mà câu trả lời ai cũng phải trả lời là! “Không, không ai làm như thế”. Câu hỏi là: “Ai trong anh em có một người bạn, nửa đêm người bạn ấy đến với anh ta và nói rằng: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì người bạn của tôi lỡ đường đến với tôi và tôi không có gì để đãi người ta’, và anh ta, lại trả lời từ bên trong rằng: ‘Đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng rồi và con cái tôi đang nằm ngủ với tôi trên giường; tôi không thể dậy cho anh vay cái gì được?’” Câu trả lời của các môn đệ tất nhiên phải là: Không, không ai nói như thế, và ngủ luôn, không làm gì cả, để người bạn ra về
tay không.[19]
Anh ta phải dậy lấy bánh cho người bạn, dù không phải vì tình bạn thì cũng vì sự “τὴν
ἀναίδειαν αὐτοῦ” (ten anaideia autou). Danh từ “anaideia” và tính từ sở hữu “autou” (của anh ta) là hai yếu tố làm nên cách hiểu khác nhau về lý do mà người bạn đang ngủ phải đáp trả lời thỉnh cầu của người bạn kia. Danh từ “anaideia” có thể được hiểu là “sự kiên trì”, và lý do có thể là: “Anh ta phải dậy để cho người bạn tất cả những gì người bạn cần vì sự kiên trì của người bạn”. Khi đó, dụ ngôn được hiểu là: Nếu như người bạn bình thường trong nhân loại còn có thể đáp lại lời thỉnh cầu kiên trì như thế, thì Thiên Chúa chắc chắn còn đáp trả nhanh chóng và rộng rãi hơn nữa. Nếu danh từ “anadeia” được hiểu là “sự không biết xấu hổ”, thì sự không biết xấu hổ này có thể là của “người bạn”, cũng có thể là của “người bạn đang ngủ”.[20]
Lý do có thể là: “Anh ta phải dậy để cho người bạn tất cả những gì người bạn cần vì sự không biết xấu hổ của người bạn/ hay sự không biết xấu hổ của chính anh”. Khi đó dụ ngôn được hiểu là: Nếu một con người còn đáp trả vì thể diện của mình hoặc, vì sự không biết xấu hổ của người bạn, thì Thiên Chúa còn đáp trả gấp bội cho một lời cầu xin vì thể diện của Người, hay vì sự hạ mình của người cầu xin.[21]
9. “Hãy xin … sẽ được ban…tìm kiếm … sẽ tìm thấy … gõ cửa … sẽ được mở ra: Ý nghĩa của dụ ngôn được làm rõ bằng câu kết luận mang tính quy nạp của Đức Giêsu. Hai động từ được dùng ở thể bị động: “Được ban...
được mở” với tác nhân là Thiên Chúa, cùng với động từ tìm thấy, cho thấy dụ ngôn này nói đến sự đáp trả của Thiên Chúa cho những người cầu xin khẩn thiết. Những động từ xin, gõ cửa, tìm kiếm cũng liên hệ chặt chẽ đến dụ ngôn “người bạn vay bánh lúc nửa đêm”, vì người bạn này chắc chắn đã
thỉnh cầu, đã gõ cửa, để tìm kiếm lòng quãng đại của “người bạn đang ngủ”. Dụ ngôn này có thể nối kết với dụ ngôn “bà góa kiên trì xin xét xử và quảng tòa bất chính” (Lc 18,1-8), nếu hiểu dụ ngôn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người cầu xin.[22]
10. Người cha …Cha trên trời: Dụ ngôn thứ hai liên quan đến cách đối xử với lời cầu xin của những con của hai người cha: Từ cha dưới đất đến Cha trên trời. Những hình ảnh trái ngược “con cá/con rắn” và “quả trứng/con bọ cạp” diễn tả sự nghịch lý không bao giờ có thể xảy ra trong cách đối xử của người cha nhân loại dành cho con mình. Trong khi con cá, và quả trứng là những thức ăn căn bản của con cái, con rắn và con bọ cạp là những con vật gây nguy hiểm đến mạng sống của con cái. Hai loại thức ăn chăm sóc bảo vệ sự sống, đối lại với hai con vật gây nguy hại và hủy diệt sự sống. Bản của tác giả Mátthêu nói là “chiếc bánh/ hòn đá” thay vì “quả trứng/ con bọ cạp”. “Hòn đá” tuy không ăn được, nhưng không có hại gì đến người con, còn “con bọ cạp”, cùng với “con rắn”, đều là những con vật nguy hiểm cho mạng sống người con. Xem ra, bản của tác giả Luca diễn tả sự đối nghịch ở mức cao hơn giữa hai đối tượng được trao ban cho người con.
11. Những người xấu: “Những người xấu” trong bối cảnh này có thể hiểu là đối lại với Thiên Chúa là Đấng tốt lành. So với Thiên Chúa, thì con người, dù tốt đến mấy cũng vẫn còn xấu. “Những người xấu” cũng có thể hiểu như là khuynh hướng làm điều xấu nơi con người. Con người có nguy cơ nghiêng chiều về điều xấu, làm điều dữ với nhiều người khác, nhưng vẫn luôn dành điều tốt lành cho con cái của mình. Nếu “những người xấu” còn biết làm như thế với con cái mình, thì Cha trên trời, Đấng tốt lành tuyệt đối càng biết dành cho con cái của mình những điều tốt lành hơn nữa.
12. Quà tặng tốt lành … Thánh Linh: Quà tặng tốt lành của người cha trần thế đối lại với quà tặng tối cao của Cha trên trời. Quà tặng tốt lành trước hết diễn tả những lương thực căn bản của người con được nói trên: “Con cá” và “quả trứng”. Những món quà này không thể sánh với món quà của Cha trên trời: Thánh Linh của Người. Hai loại thức ăn, đối lại với một ngôi vị Thiên Chúa. Ở đây, tác giả Luca làm ngụ ý Đức Giêsu nói về quà tặng Thánh Linh được ban cho trong giai đoạn của Giáo Hội (Lc 24,49; Cv 1,4.7-8; 2,1-4).[23] Thánh Linh chính là nguồn sống và là Đấng dẫn đường cho mọi hoạt động của Giáo Hội sơ khai, được nói đến trong sách Công Vụ Tông Đồ. Tác giả Mátthêu không nhắc đến Thánh Linh mà chỉ nói đến những điều tốt lành (quà tặng tốt lành/ những điều tốt lành). Món quá Thánh Linh mà Cha trên trời ban là đỉnh cao và tổng hợp cho mọi ơn ban mà các môn đệ cầu xin Cha trong lời cầu nguyện “Lạy Cha”. Thánh Linh sẽ cùng với các môn đệ làm cho danh Cha được hiển thánh trong thế gian; Thánh Linh sẽ làm cho Nước của Cha/ Triều Đại của Cha đến; Thánh Linh sẽ trao ban lương thực hằng ngày và lương thực đời đời cho các môn đệ của Chúa; và Thánh Linh sẽ gìn giữ các môn đệ khỏi những cám dỗ lạc xa đường lối của Chúa.
Bình luận tổng quát
Trên con đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã
dành thời gian cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Nếu như trong câu chuyện
liền trước đó, tác giả cho chúng ta thấy hình ảnh một người nữ môn đệ ngồi bên
chân Chúa để nghe lời của Người (Lc 10,38-42) thì ở trình thuật này, tác giả
cho chúng ta thấy hình ảnh của những người môn đệ học cách thưa chuyện với
Chúa, dâng lên Chúa những lời cầu nguyện cần thiết và phù hợp. Cầu nguyện dĩ
nhiên phải gồm hai chiều: Lắng nghe và nói. Cô Maria là hình mẫu người môn đệ lắng
nghe, còn các môn đệ trong câu chuyện này là biểu trưng cho những người môn đệ
nói với Chúa. Cách thức tốt nhất để nói với Chúa phải là cách thức của Đức Giêsu,
người Con duy nhất. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ về những điều cần thiết nhất mà
họ phải thưa với Thiên Chúa. Trước hết, họ phải hiểu và cảm nhận được mối tương
quan thân tình với Thiên Chúa như là Cha với con. Những điều đầu tiên mà họ phải
cầu xin là “danh của Cha” được mọi người nhìn nhận như là “thánh”; và “Nước của
Cha” hiển trị trong lòng mọi người, ở mọi nơi trên thế gian này. Nước Cha đến đồng
nghĩa với quyền năng chữa lành, trừ quỷ, lòng thương xót, thành tín, tình yêu của
Cha… được thể hiện trên mọi người và khắp mọi nơi. Khi cầu xin cho Nước Cha đến,
người con mưu cầu sự bình an và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Tiếp
theo, trên hành trình bước vào Nước của Cha, họ cần lương thực căn bản hằng
ngày, và lương thực đời đời mai sau. Lương thực mà họ cầu xin là lương thực “cần
và đủ” cho sự sống hằng ngày. Lời cầu xin này vừa biểu hiện sự tín thác của người
môn đệ nơi tình yêu quan phòng của Chúa vừa cho thấy mục đích sống của họ không
phải chỉ để tìm cái ăn, cái mặc, nhưng để tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Họ cần sự
tha thứ của Chúa và thứ tha cho nhau để tạo lập tương quan Cha-con, huynh đệ,
hòa thuận, yêu thương trong gia đình Thiên Chúa. Họ cũng cần Chúa bảo vệ họ khỏi
những cơn cám dỗ thường ngày và cuộc xét xử thời cánh chung.
Sau khi dạy cho các môn đệ những điều phải
cầu xin, Đức Giêsu tiếp tục dạy cho họ về thái độ cần có khi cầu xin. Người khuyến
khích họ hãy cầu xin với lòng khiêm hạ và kiên trì. Người bảo đảm cho họ rằng
Thiên Chúa sẽ ban cho họ tất cả những điều họ cần, hơn những gì một người bạn
có thể dành cho một người bạn vì nguyên tắc của lòng hiếu khách.
Để kết thúc lời dạy về cầu nguyện, Đức Giêsu
khẳng định về mức độ mà Cha trên trời có thể ban cho con cái trần gian. Nếu như
những người cha trần gian, “những người xấu” luôn cho con cái những điều tốt
lành như họ cầu xin; thì Cha trên trời, Đấng tốt lành, sẽ ban món quà tốt nhất
cho con cái Người. Thánh Linh là món quà tốt nhất mà Chúa ban tặng cho con người.
Như Đức Giêsu đã cần sự đồng hành của Thánh Linh trong đời sống của mình như thế
nào, thì Giáo Hội sơ khai, và con cái Giáo Hội qua mọi thời đại cũng cần sự dẫn
dắt của Thánh Linh như vậy trên hành trình tiến vào Nước Chúa. Thánh Linh đã đồng
hành với Đức Giêsu trong cơn cám dỗ, thử thách. Người cũng sẽ bảo vệ các tín hữu
khỏi cơn cám dỗ. Thánh Linh đã đồng hành với Đức Giêsu trong thời gian ăn chay
bốn mươi đêm ngày. Người cũng sẽ ban lương thực thể lý và tâm linh cho con cái
Chúa. Thánh Linh là nguồn ơn thánh hóa và thứ tha, hòa giải cho mọi con cái
trong gia đình Thiên Chúa.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Bản
văn “Lời Cầu Nguyện của Chúa” |
|
Lc
11,1-4 |
Mt
6,7-13 |
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở
nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với
Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy
môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có
lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc nợ chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám
dỗ.” |
7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải
như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt
chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh
thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương
thực hằng ngày; 12 xin tha nợ (tội) cho chúng con
như chúng con cũng tha cho những người có nợ
(lỗi) với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho
người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu
anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho
anh em. |
[1] J.B.
Green, The Gospel of
Luke (NICNT;
Grand Rapids 1997) 439.
[2]
“the position of the disciples as genuine learners (on the model of Mary in
10:39) who address him as “Lord” and who request his instruction” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 440).
[3]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 441.
[4]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 903.
[5]
“These and many other biblical texts assume that one’s name is more than a label,
but actually communicates something essential or substantive about the nature
of its bearer; the name is related to the essence of a person” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 441).
[6]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 442.
[7]
“At the same time, with the coming of Jesus the kingdom is already being made
present” (Ibid.)
[8]
Xem thêm về “Nước Thiên Chúa đã đến gần” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NHƯ CHIÊN GIỮA SÓI RỪNG. Chú giải Tin
Mừng Chúa Nhật XIV TN C (Lc 10, 1-12.17-20) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[9] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 905-906; “writers. The three likely options are: 1) ‘daily,’ 2)
‘future,’ and 3) ‘necessary’ [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville
1997) 178].
[10]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 443.
[11]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 442.
[12]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes, 906.
[13]
“Jesus spins human behavior from the cloth of divine behavior; the embodiment
of forgiveness in the practices of Jesus’ followers is a manifestation and
imitation of God’s own character” (J.B.
Green, The Gospel of Luke, 444).
[14]
“The prayer Jesus teaches his followers turns more fully to the nature of life
before God and within the community of God’s people” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 442).
[16]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes, 907.
[17]
“The repetitive use of forms of philos,
“friend,” builds up the background of ancient Near Eastern hospitality, which
the protasis in v. 8 eventually exploits. “Friend” is used in two senses; the
neighbors are friends, and so are the host and guest” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
911).
[18]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent.
A Compprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2008) 341; J.B. Green,
The Gospel of Luke, 447.
[19]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 447.
[20] “The anaideia
is shown not only by the effrontery of making a demand in the middle of the
night, but also of refusing to take "no" for an answer. The
self-protection of the donor becomes the motivation for giving” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville
1997) 178]
[21]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 341-342.
[22]
“Here in the Lucan context it serves to stress persistence in human prayer to
God, as a later exclusively Lucan parable will also do” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 910).
[23]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
916; “This is a promise that carries Luke’s audience forward into his second
volume” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 450).
No comments:
Post a Comment