Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
1 Μετὰ δὲ ταῦτα ἀνέδειξεν ὁ κύριος ἑτέρους ἑβδομήκοντα [δύο] καὶ ἀπέστειλεν αὐτοὺς ἀνὰ δύο [δύο] πρὸ προσώπου αὐτοῦ εἰς πᾶσαν πόλιν καὶ τόπον οὗ ἤμελλεν αὐτὸς ἔρχεσθαι. 2 Ἔλεγεν δὲ πρὸς αὐτούς· ὁ μὲν θερισμὸς πολύς, οἱ δὲ ἐργάται ὀλίγοι· δεήθητε οὖν τοῦ κυρίου τοῦ θερισμοῦ ὅπως ἐργάτας ἐκβάλῃ εἰς τὸν θερισμὸν αὐτοῦ. 3 ὑπάγετε· ἰδοὺ ἀποστέλλω ὑμᾶς ὡς ἄρνας ἐν μέσῳ λύκων. 4 μὴ βαστάζετε βαλλάντιον, μὴ πήραν, μὴ ὑποδήματα, καὶ μηδένα κατὰ τὴν ὁδὸν ἀσπάσησθε. 5 εἰς ἣν δ᾽ ἂν εἰσέλθητε οἰκίαν, πρῶτον λέγετε· εἰρήνη τῷ οἴκῳ τούτῳ. 6 καὶ ἐὰν ἐκεῖ ᾖ υἱὸς εἰρήνης, ἐπαναπαήσεται ἐπ᾽ αὐτὸν ἡ εἰρήνη ὑμῶν· εἰ δὲ μή γε, ἐφ᾽ ὑμᾶς ἀνακάμψει. 7 ἐν αὐτῇ δὲ τῇ οἰκίᾳ μένετε ἐσθίοντες καὶ πίνοντες τὰ παρ᾽ αὐτῶν· ἄξιος γὰρ ὁ ἐργάτης τοῦ μισθοῦ αὐτοῦ. μὴ μεταβαίνετε ἐξ οἰκίας εἰς οἰκίαν. 8 καὶ εἰς ἣν ἂν πόλιν εἰσέρχησθε καὶ δέχωνται ὑμᾶς, ἐσθίετε τὰ παρατιθέμενα ὑμῖν 9 καὶ θεραπεύετε τοὺς ἐν αὐτῇ ἀσθενεῖς καὶ λέγετε αὐτοῖς· ἤγγικεν ἐφ᾽ ὑμᾶς ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ. 10 εἰς ἣν δ᾽ ἂν πόλιν εἰσέλθητε καὶ μὴ δέχωνται ὑμᾶς, ἐξελθόντες εἰς τὰς πλατείας αὐτῆς εἴπατε· 11 καὶ τὸν κονιορτὸν τὸν κολληθέντα ἡμῖν ἐκ τῆς πόλεως ὑμῶν εἰς τοὺς πόδας ἀπομασσόμεθα ὑμῖν· πλὴν τοῦτο γινώσκετε ὅτι ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ. 12 λέγω ὑμῖν ὅτι Σοδόμοις ἐν τῇ ἡμέρᾳ ἐκείνῃ ἀνεκτότερον ἔσται ἢ τῇ πόλει ἐκείνῃ. (Lk 10:1-12 BGT) 17 Ὑπέστρεψαν δὲ οἱ ἑβδομήκοντα [δύο] μετὰ χαρᾶς λέγοντες· κύριε, καὶ τὰ δαιμόνια ὑποτάσσεται ἡμῖν ἐν τῷ ὀνόματί σου. 18 εἶπεν δὲ αὐτοῖς· ἐθεώρουν τὸν σατανᾶν ὡς ἀστραπὴν ἐκ τοῦ οὐρανοῦ πεσόντα. 19 ἰδοὺ δέδωκα ὑμῖν τὴν ἐξουσίαν τοῦ πατεῖν ἐπάνω ὄφεων καὶ σκορπίων, καὶ ἐπὶ πᾶσαν τὴν δύναμιν τοῦ ἐχθροῦ, καὶ οὐδὲν ὑμᾶς οὐ μὴ ἀδικήσῃ. 20 πλὴν ἐν τούτῳ μὴ χαίρετε ὅτι τὰ πνεύματα ὑμῖν ὑποτάσσεται, χαίρετε δὲ ὅτι τὰ ὀνόματα ὑμῶν ἐγγέγραπται ἐν τοῖς οὐρανοῖς. (Lk 10:16-20
BGT) |
1 Sau những điều
này, Chúa cắt đặt Bảy Mươi Hai người khác và
sai từng hai người một đi trước mặt Người vào
tất cả các thành và nơi chốn mà Người sẽ đến. 2 Người nói cùng họ
rằng: “Vụ mùa thì thực sự nhiều nhưng thợ gặt thì ít, vì vậy, anh em hãy khẩn cầu ông chủ của vụ mùa để ông có thể mang thợ gặt vào vụ mùa của
ông”. 3 Anh em hãy ra
đi, này thầy sai anh em như con chiên vào giữa những con sói. 4 Anh em đừng mang
theo túi tiền, dây thắt lưng, xăng-đan, và đừng chào ai trên đường. 5 Khi anh em đi
vào một nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này. 6 Nếu ở đó có con trai của sự bình an,[1]
thì bình an của anh em sẽ ở lại trên nhà đó.
Ngược lại nếu không, bình an của anh em sẽ trở về với anh em. 7 Khi anh em ở lại trong ngôi nhà nào thì ăn và uống những gì từ
họ, vì người làm công xứng với lương của anh ta. Đừng
đi từ nhà này qua nhà nọ. 8 Và nếu anh em đi
vào thành nào, và người ta tiếp đón, thì hãy ăn nhưng người ta dọn cho anh
em. 9 Hãy chữa lành những
người đau yếu và nói rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. 10 Nếu anh em đi
vào thành nào mà người ta không tiếp đón, sau khi ra khỏi đường của nó, hãy
nói rằng: 11 “Ngay cả bụi của các người dính trên những bàn chân của chúng tôi,
chúng tôi cũng giũ trả lại cho các ngươi”. Tuy nhiên, hãy biết điều
này, là Nước Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy bảo thật
anh em trong ngày ấy thành Xơđom còn được khoan hồng hơn thành ấy. 17 Khi ấy, nhóm Bảy Mươi Hai trở về với sự vui sướng, nói rằng:
“Thưa Ngài! Chúng tôi làm cho quỷ khuất phục nhân danh Ngài”. 18 Người nói cùng
họ: “Thầy cứ thấy Xatan như tia chớp trên trời rơi xuống. 19 Này thầy đã trao cho anh em uy quyền để đạp trên những con rắn
và bọ cạp và trên mọi quyền năng của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại
anh em. 20 Tuy nhiên, anh
em đừng vui mừng vì những thần khí bị anh em khuất phục nhưng vì tên của anh em dược viết trên trời.” |
Bối cảnh
Lc 10,1-12.17-20 được ghép lại từ
hai đoạn văn nhưng cùng một câu chuyện: Nhóm Bảy Mươi Hai được sai đi (1-12) và
trở về báo cáo (17-20). Đây là đoạn văn được trích ra từ các trình thuật về kỳ
giảng thứ hai của Đức Giêsu: Kỳ giảng trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,
27).[2]
Đức Giêsu và các môn đệ đang trên hành trình lên Giêrusalem, và Người sai các
môn đệ đi trước vào các thành nơi mà chính Người sẽ đến (Lc 10,1-2). Việc Đức Giêsu
sai nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ đi giảng gợi nhớ đến việc Người sai Nhóm Mười Hai
đi giảng trước đó (Lc 9,1-6). Có rất nhiều điểm tương đồng trong lời căn dặn của
Đức Giêsu dành cho cả hai nhóm các môn đệ. Nó cũng gợi nhớ đến sự kiện Đức Giêsu
sai các sứ giả đi trước vào một làng của những người Samari để chuẩn bị cho Người
(Lc 9,52). Đoạn kể về việc các môn đệ trở về báo cáo là điểm khác biệt giữa các
lần sai đi trước đó. Chủ đề về sự bình an được nhắc đến trong Lc 10,5-6 liên kết
với sự bình an mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại trong ngày Hài Nhi Giêsu
chào đời (Lc 2,17); với sự bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các bệnh nhân sau
khi họ được chữa lành (Lc 7,50; 8,48); với bình an mà Người ban cho các môn đệ
sau khi Phục Sinh (Lc 24,36). Chủ đề “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9.11) nhắc
nhớ đến lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu và trở thành thông điệp rao giảng
của các môn đệ sau này (Mc 1,15; Lc 10,9.11; 21,31).
Cấu trúc
I.
Sai đi Bối cảnh: Người được sai đi và nơi chốn (1) Thực tiễn về vụ mùa và thực tiễn khó khăn của thợ gặt
(2-3) Hành lý: Không túi tiền, thắt lưng, xăng-đan (4) Hành động và Thông điệp: Không chào ai
dọc đường - Bình an (5-6) Tiếp đón và của ăn (7-8) Hành động và thông điệp: Chữa lành –
Nước Thiên Chúa đã đến gần (9) Không tiếp đón và bản án (10-12) II.
Trở về và
báo cáo (A) Vui mừng vì quỷ khuất phục (17) (B) Lý do quỷ khuất phục
(18-19) (A') Vui Mừng vì tên được ghi trên trời (20) |
1. Nhóm bảy mươi hai người: Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất đề cập đến Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ. Con số Bảy Mươi Hai có lẽ là một con số biểu tượng. Bảy Mươi Hai có thể là con số tượng trưng cho việc các môn đệ đến với thế giới dân ngoại, đối lại với con số Mười Hai tượng trưng cho việc các môn đệ đến rao giảng cho các con chiên lạc nhà Ítrael. Sự kiện Nhóm Mười Hai được sai đi đều có trong truyền thống của cả ba tác giả sách Tin Mừng, bắt nguồn từ Tin Mừng Máccô. Tin Mừng Luca, vì vốn hướng đến cộng đoàn kitô hữu gốc dân ngoại, nên phải thêm vào sự kiện “Bảy Mươi Hai” môn đệ khác được sai đi. Ngay từ đầu Tin Meng Luca, trong bài ca “An Bình Ra đi” (Nunc Dimitis), ngôn sứ Simeon đã tỏ ý thỏa mãn vì ông đã thấy “ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân, Đó là ánh sang soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,30-31). Có một cách giải thích khác dựa trên sự khác nhau giữa những bản chép tay. Có những bản ghi là Bảy Mươi trong khi những bản khác ghi là Bảy Mươi Hai.[3] Nhiều ấn bản để số hai trong ngoặc móc vuông (Bảy Mươi [Hai]). Con số Bảy Mươi Hai, thực ra có thể là Bảy Mươi. Bảy Mươi là số kỳ mục được ông Môsê tuyển chọn để đi với ông, cùng với ông Aharon, Nađáp, Avihu, lên núi Sinai trong buổi lập Giao Ước (Xh 24,1.9-14). Đó cũng là con số kỳ mục mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê tập họp để Người ban Thần Khí, nhờ đó, nhóm này “sẽ cùng với” ông Môsê “gánh vác dân này”, và ông sẽ không phải “gánh vác một mình nữa” (Ds 11,16-17.24-25). Con số những con cháu của Giacóp đi lên từ Aicập cũng là bảy mươi người (Xh 1,5; Đnl 10,22). Như vậy, con số này lại có truyền thống Do Thái và Đức Giêsu như là một ông Môsê mới, chia sẻ sứ vụ với những kỳ mục trong dân.[4] Nhóm Bảy Mươi [Hai] được sai đi trước mặt vào những nơi Đức Giêsu sẽ đến, gợi nhớ đến những “sứ giả” được sai đi trước để dọn đường cho Người trên hành trình lên Giêrusalem (9,51-52).
Cách thức sai đi “từng hai
người một” có thể có hai ý nghĩa: (a) Sự hỗ trợ lẫn nhau trên hành trình sứ vụ;
(b) Tính cách chứng nhân của hai người trở lên theo Luật (Đnl 19,15; Ds 35,30).[5]
Có một ghi chú về việc xét xử được ghi lại ở cuối đoạn Tin Mừng: “Thành Xơđom
được xét xử khoan hồng hơn” (Lc 10,11). Truyền thống sai đi theo cặp được thể
hiện trong thời Giáo Hội sơ khai: Phaolô và Barnaba (Cv 13,1); Phaolô và Sila
(Cv 15,40); Phêrô và Gioan (Cv 3;3.11; 8,14); Barnaba và Máccô (Cv 15,39); Giuđa
và Sila (Cv 15,32).[6]
2.
Vụ mùa … thợ gặt … ông chủ của
vụ mùa: Ý
tưởng “vụ mùa” được tìm thấy trong Mt 9,37-38, câu chuyện sai Nhóm Mười Hai đi.
Đây cũng là ý tưởng được tác giả Gioan dùng trong Ga 4,35-36. Ý tưởng “vụ mùa dồi
dào” có lẽ ứng với bối cảnh của dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,5-8.11-15). Thợ
gặt, nghĩa đen là “người lao động”, là những người được thuê để thu hoạch lúa.
Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ là những “người lao động” cho vụ mùa. Ông chủ của vụ
mùa là Thiên Chúa.[7] Các môn đệ vừa được mời gọi
cầu nguyện cho có nhiều “thợ gặt”, vừa trở thành những thợ gặt được sai đi.
Trong Cựu ước, vụ mùa thường là biểu tượng của sự phán xét cánh chung của các
quốc gia (Ge 3,1-13; Is 27,12-13). Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh thực tế
đời thường để diễn tả sứ vụ. Hình ảnh vụ mùa và thu hoạch là những hình ảnh
quen thuộc với người nông dân. Đối với những người ngư phủ thì Đức Giêsu dùng
ngôn từ “lưới con người” (đánh bắt người ta, thu phục người ta) (Mt 4,19; Mc
1,17). Đối với những người chăn nuôi, Người lại dùng hình ảnh mục tử đi tìm con
chiên lạc (Mt 10,6; 15,24; 18,12; Lc 15,4). Nhóm Bảy Mươi Hai Người đã là nhiều
gấp sáu lần nhóm Mười Hai, nhưng vẫn không là gì so với cánh đồng sứ vụ bao la
của nhân loại.
3.
Như con chiên vào giữa những
con sói: Hình
ảnh được chuyển đổi từ “những người lao động” sang những “con chiên”. Hoàn cảnh
khó khăn của những nhà thừa sai được ví như chiên ở giữa bầy sói. Con chiên sẽ
gặp rất nhiều hiểm nguy khi ở giữa những con sói, vì sói ăn thịt chiên (Ga
10,12) trong khi chiên lại không đủ sức để bảo vệ chính mình. Đức Giêsu của
Mátthêu còn thêm vào lời căn dặn: “Vậy, anh em hãy khôn ngoan như những con rắn
và đơn sơ như những con bồ câu” (Mt 10,16). Đức Giêsu của tác giả Luca không
thêm vào lời căn dặn gì để giải quyết tình huống chiên đối đầu với sói. Những mối
hiểm nguy, chống đối, và thù ghét mà nhóm Bảy Mươi Hai phải chịu rất gần gũi với
hành trình thương khó của Đức Giêsu.[8]
Hình ảnh này cũng gợi nhớ đến những cảnh báo sau đó về số phận người môn đệ:
“Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ
tù, điệu anh em ra trước mặt vua chúa và quan quyền vì danh Thầy (Lc 21,12; Cf.
Mc 13,9.12-13). Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giê-su đang trên hành
trình lên Giêrusalem. Người là con chiên Thiên Chúa sẽ bị thế lực thù địch chống
đối và giết chết. Đó là minh chứng rõ nét cho hình ảnh “con chiên giữa những
con sói”.
4.
Hành lý không hành lý… không
chào hỏi:
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các môn đệ được căn dặn là không mang theo bất
cứ thứ gì: “Đừng mang theo túi tiền[9],
bao bị, xăng-đan”. So với lời căn dặn với Nhóm Mười Hai xem ra triệt để hơn: “Đừng
mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, đừng mang hai
áo” (Lc 9,3). Tuy nhiên, có lẽ lời căn dặn về hành lý của Nhóm Bảy Mươi Hai bao
gồm cả lời căn dặn dành cho Nhóm Mười Hai. Các môn đệ được mời gọi giản lược hết
sức có thể để vừa sống đơn nghèo, vừa phó thác nơi sự quan phòng của Chúa và
dám phụ thuộc vào lòng hiếu khách của người dân.[10]
Sự giản lược cuộc sống đến mức tối thiệu phù hợp với lời tự bạch của Đức Giêsu
về chính mình: “Những con chồn có hang, những con chim trời có tổ, Con Người
không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Nó cũng rất gần với lời căn dặn đừng đi từ nhà
này qua nhà nọ, vốn ẩn ý một sự chọn lựa, tìm kiếm nơi ăn, chốn ở tiện nghi
hơn. Sự phụ thuộc tuyệt đối vào lòng hiếu khách của người dân được thể hiện rõ nét
qua lời căn dặn về thức ăn và thức uống được lặp lại hai lần: “Nếu anh em ở lại
nhà nào, thì hãy ăn và uống những gì từ họ” (10,7); “Cứ ăn những gì người ta dọn
cho anh em” (10,8). Đón nhận thức ăn của người khác cũng là dấu chỉ của sự đối
thoại về văn hóa. Nhà truyền giáo biểu lộ một sự cởi mở đón nhận ẩm thực của bất
cứ nơi đâu mình đến. Đó cũng là cách thức mở ra tương quan huynh đệ, không phân
biệt trong Nước Thiên Chúa. Mọi người có thể chia sẻ với nhau, nơi chốn và thức
ăn bất cứ nơi đâu.
Mệnh lệnh không chào ai dọc hành trình có nhiều cách giải
thích khác nhau. Nó có thể ngụ ý rằng các môn đệ không phí thời gian sứ vụ vào
việc hàn huyên tâm sự, chuyện trò với người dân, vì vụ mùa đã đến hồi thu hoạch.
Những lời chào hỏi của họ có thể dẫn đến việc đi từ nhà này qua nhà nọ như câu
tiếp theo đề cập đến. Lệnh cấm này gợi nhớ đến lệnh cấm của ngôn sứ Êlisa: “Ông
bảo Giêkhadi: Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng chào, ai
chào thì đừng đáp lại. Ngươi sẽ đặt gậy của ta lên mặt cậu bé” (2 V 4,29). Cũng
có thể hiểu lệnh cấm chào hỏi như là sự đòi hỏi các môn đệ phải tập trung vào
việc rao giảng và chữa lành hơn là những vấn đề xã giao xã hội.[11]
Chỉ khi sứ giả đến với một ngôi nhà cụ thể, trong một thị trấn nhất định, anh mới
nên chào bất cứ ai. Những lời chào như thế không phải là một hình thức giản đơn
nhưng là sự troa ban bình an cứu độ của Đức Giê-su.[12]
5.
Thông điệp: Bình an … Nước
Thiên Chúa đã đến gần: Hai thông điệp mà các môn đệ phải rao truyền. Trước tiên là
sự bình an. Trạng từ “trước hết” được đặt trước động từ nói để nhấn mạnh thông
điệp đầu tiên mà các môn đệ phải nói với một gia đình là “bình an cho nhà này”.
Bình an là lời chào mà những người Do Thái dành cho nhau trong giao tiếp thường
ngày (Tl 6,23; 19,20). Khi chào bình an, họ ngụ ý rằng Chúa ban bình an cho người
được chào, vì Chúa là nguồn mạch bình an. Tác giả Luca cho thấy bình an là món
quà được trao ban xuyên suốt từ đầu đến cuối Tin Mừng. Khi Đức Giêsu được sinh
ra, ca đoàn thiên cung đã chúc bình an cho nhân loại: “Vinh Danh Thiên Chúa
trên các tầng trời, bình an dưới thế cho những người mà Chúa hài lòng” (Lc
2,14). Trước đó trong bài Benedictus, ông Dacarias đã tung hô Đức Giêsu như là
Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm chúng ta, “dẫn dắt bước chân của chúng ta
vào con đường bình an” (Lc 1,79). Trong quá trình rao giảng, nhiều lần chữa bệnh,
Đức Giêsu đã trao ban bình an cho bệnh nhân: “Anh/chị hãy đi bình an” (Lc 7,50;
Mc 5,34). Cuối cùng, sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu đã trao ban bình an cho các
Tông Đồ (Lc 24,36). “Sự bình an” có thể là một hoán dụ cho “ơn cứu độ”, sự giải
thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng Luca
(1,79; 2,14.29; 7,50; 8,48; 19,38.42; 24,36).[13]
Thông điệp thứ hai, cũng là
thông điệp nồng cốt, bao trùm cả sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu và các môn đệ. Đức
Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng lời mời gọi “thời kỳ đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã
đến gần, anh chị em hay hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người dùng Thần
Khí Chúa để trừ quỷ nhằm chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã đến với nhân loại (Mt
12,28). Mục đích của Đức Giêsu được sai đến là để loan báo Tin Mừng về Nước
Thiên Chúa (Lc 4,43; Cf. 8,1). Nối kết với sứ vụ của Đức Giêsu các môn đệ cũng
được sai đi rao giảng về Nước Thiên Chúa (Lc 9,2). Trong đoạn văn này thông điệp
Nước Thiên Chúa đã đến gần được lặp lại hai lần, không những cho những người tiếp
đón (Lc 10,9), mà còn cho những người không tiếp đón (10,11). Điều này chứng tỏ
rằng tất cả mọi người đều được nghe biết thông điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần”.
Thông điệp ấy được đón nhận hay không đón nhận là tuỳ thuộc vào lòng của mỗi
người.
Xét cho cùng thông điệp về “sự bình an” không thể tách
khỏi thông điệp về “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Một khi được ở trong Nước
Thiên Chúa, người ta sẽ được giải thoát khỏi mọi đau khổ thể lý và tinh thần và
đạt được một sự bình an đích thực và viên mãn.
6.
Đừng đi từ nhà này qua nhà nọ:
“Đừng đi từ nhà này qua nhà nọ” đối lại với “ở lại trong cùng một nhà và ăn uống
những gì từ họ” (10,7). Xem ra, ở lại cùng một nhà là đón nhận thức ăn thức uống
cùng với tất cả những gì thuộc nhà ấy. Trái lại, đi từ nhà nọ đến nhà kia có thể
là biểu hiện của sự tìm kiếm, chọn lựa một ngôi nhà nhiều tiện nghi và tiếp đón
nồng hậu hơn. Ở lại một ngôi nhà cũng là để hiểu biết đủ, rao giảng đủ những
nét căn bản của Tin Mừng Nước Thiên Chúa và có thể thành lập cộng đoàn, chứ
không phải một cuộc viếng thăm qua loa.[14] Sau cuộc gặp gỡ và rao giảng
cho người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã từng ở lại trong thành
Samari hai ngày và đã có nhiều người tin vào Người hơn nữa (Ga 4,40-42). Người ở
lại nhà của ông Giakêu, thủ lãnh của những người thu thuế, để ông được biến đổi
(Lc 19,8) và cùng với cả nhà đón nhận ơn cứu độ (Lc 19, 9). Sách Công Vụ
nói đến sự việc “ông Phêrô ở lại khá lâu tại nhà một người thơ thuộc da
tên là Simôn” (Cv 9,43). Sau khi giảng dạy và làm phép rửa cho cả nhà ông
Cornêliô ông Phêrô cũng ở lại đó ít ngày (Cv 10,48). Các ông Phaolô và
Barnaba ở lại Icôniô “một thời gian khá lâu” để rao giảng cho tín hữu Do
Thái và Hy Lạp (Cv 14,3).
7. Giũ bụi ở chân: Kinh nghiệm bị một làng người
Samari chối từ của Đức Giêsu (Lc 9,52-53) cũng sẽ là kinh
nghiệm của các môn đệ. Họ được dạy là phải nói rằng: “Ngay cả bụi trong thành của
các người dính vào những bàn chân của chúng tôi, chúng tôi cũng giũ lại cho các
ông” (Lc 10,11). Cùng với việc sai đi “từng hai người một”, và với bản án
“thành Xơđom còn được xét xử khoan hồng hơn”, hành động giũ bụi chân lại rất có
thể là bằng chứng để tố cáo sự chối từ của thành này vào ngày cánh chung. Trong
Tin Mừng Máccô Đức Giêsu bảo các môn đệ “giữ bụi chân lại” để làm bằng chứng chống
lại họ” (Mc 6,11). Người Do Thái từ thời xa xưa đã có thới quen giũ bụi chân lại
khi họ đi qua các thành của dân ngoại mà trở về thành của mình. Tác giả
Strack-Billerbeck cho rằng những người Do Thái khi trở về Đất Thánh từ nước
ngoài, phải giũ bụi của những vùng đất dân ngoại không thanh sạch. J. Marcus
không đồng ý nhận định đó. Ông cho rằng hành động “giũ bụi chân” là biểu trưng
hóa cho sự cắt đứt hiệp thông với ai đó như là hành động giũ áo choàng
trong Nkm 5,13 và Cv 18,6. Ý tưởng cơ bản là các môn đệ không còn gì để làm
với những nơi loại trừ họ.[15]
G. Ruelich liệt kê hai cách hiểu của hai nhóm tác giả khác: (i) Đó là biểu tượng
của việc dừng mọi liên lạc và giao tiếp xa hơn với nơi đó và chối từ
bất kỳ một cơ hội nào để nghe thông điệp cứu độ hay trải nghiệm sứ vụ chữa
lành và giải thoát (Pesch; Gnilka); (ii) Nó cũng có thể cho thấy rằng các sứ giả
đã làm hết trách nhiệm của mình và có thể rửa tay, không cần chịu trách
nhiệm nữa (Cranfield; Grundmann).[16]
8. Thành Xơđôm còn được khoan hồng hơn: Đây
là cách nói so sánh với một hình phạt cao nhất để cho thấy mức độ nghiêm trọng
của sự chối từ “sứ giả của Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Thành Xơđom cùng với
thành Gômôra được mệnh danh là hai thành phố tội lỗi bậc nhất thời tổ phụ
Ápraham. Trong thành không tìm được mười người công chính (St 18,32-33). Cuối
cùng, cả hai thành bị lửa và diêm sinh từ trời xuống thiêu huỷ hoàn toàn (St
19,1-29). Sự kiện này trở thành một lời cảnh báo cho các thế hệ sau đó trong thời
Cựu Ước (Đnl 29,22; Is 1,9; 13,19; Gr 23,14)[17] và Tân Ước (Mt 10,15;
11,23.24, Lc 10,12). Sở dĩ Đức Giêsu so sánh hình phạt của những người không tiếp
đón sứ giả của Người với dân thành Xơđom vì những người dân thành Xơđom không
những thiếu lòng hiếu khách mà còn toan tính làm nhục những sứ giả của Thiên
Chúa đến cư ngụ trong nhà ông Lót (St 19,1-11).[18]
9.
Nghe danh Ngài…Thầy đã trao
uy quyền: Tác giả Máccô chỉ cho biết rằng các môn đệ tự họp
quanh Đức Giêsu để kể cho Người nghe về những điều các ông đã nói và những việc
các ông đã làm. Tác giả Luca nói rõ hơn về những điều mà nhóm Bảy Mươi Hai đã kể
với Đức Giêsu. Các ông đã nhìn nhận rằng: “những con quỷ bị chúng tôi
khuất phục nhân danh Ngài” (10,17). Họ nhìn nhận chính danh của Đức Giêsu là
quyền năng làm cho quỷ phải khuất phục. Đức Giêsu cũng nhìn nhận Người đã liên
tục nhìn thấy Xatan rơi xuống từ trời như những ánh chớp và cũng khẳng định rằng
Người ban cho quyền năng đạp trên những con rắn, và những con bọ cạp và trên tất
cả quyền năng của kẻ thù và không gì có thể làm hại được” các môn đệ (10,19).
Thánh Phaolô cũng trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu: “Tôi ra lệnh cho ngươi nhân danh
Đức Giêsu, hãy xuất khỏi cô ấy” (Cv 16,18).
10.
“Tên được viết trên trời”. Sự
trái ngược giữa hai sự vui mừng: Sự vui mừng mà các môn đệ đang thưởng thức và
sự vui mừng mà các ông không hề nghĩ đến. Các môn đệ vui mừng vì thấy quỷ bị
khuất phục và Xatan sa xuống từ trời như tia chớp. Đó chỉ là những danh vọng trần
thế, danh vọng của người có thể chinh phục quỷ thần. Đức Giêsu không màng danh
vọng quyền lực. Khi người ta bắt Người để tôn lên làm vua, Người liền lánh đi
và lên núi một mình (Ga 6,15). Hạnh phúc mà Đức Giêsu muốn họ vươn đến không chỉ
là hạnh phúc của việc thành công trong việc trừ quỷ, nhưng là hạnh phúc được ở
với Chúa trên quê trời vĩnh cửu. Con đường để đi đến niềm hạnh phúc ấy không chỉ
là trừ quỷ, và chữa lành bệnh tật mà con phải trải qua sự chối từ, chống đối,
loại bỏ và kể cả cái chết. “Tên được ghi trên trời” là tên của những người đã
theo Đức Giêsu trọn con đường khổ nạn – phục sinh.[19] Hình ảnh Xatan sa xuống
như ánh chớp gợi nhớ đến sự sa xuống địa ngục của bạo chúa Babylon được nói đến
trong sách ngôn sứ Isaiah: “Chính ngươi tự nhủ: Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai
vàng của ta trên cả các vì sao… nhưng ngươi phải nhào xuống tận âm phủ, xuống
đáy vực sâu” (Is 14,13-15). Đây là một hình ảnh chiến thắng của Thiên Chúa trên
thế lực thần dữ, và chiến thắng này sẽ tối hồi viên mãn trong thời cánh chung.[20]
Bình luận tổng quát
Trình thuật về việc Đức Giêsu
sai Bảy Mươi Hai môn đệ đi rao giảng là dữ liệu riêng của tác giả Luca. Trình
thuật này vừa tiếp nối trình thuật Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng ở đầu
chương chín (Lc 9,1-6), vừa tiếp nối việc Đức Giêsu sai những sứ giả đi trước để
chuẩn bị cho Người trên đường lên Giêrusalem (Lc 9,52). Con số bảy mươi hai diễn
tả một sứ vụ rộng lớn khắp vùng các dân ngoại, mở rộng hơn con số mười hai
(Nhóm Mười Hai) vốn ám chỉ sứ vụ dành cho các con hiên lạc nhà Ítrael. Nó cũng
có thể ám chỉ đến con số bảy mươi kỳ mục đã được tuyển chọn để cộng tác với ông
Môsê trong việc gánh vác dân chúng trong thời Xuất Hành. Các sứ giả trong nhóm
này được chỉ thị mang “hành lý không hành lý”. Mục đích trước hết là để giản lược
nhu cầu cuộc sống, đơn giản nhất có thể. Kế đến, khi không trang bị nhiều cho
cuộc hành trình, người môn đệ dám phụ thuộc vào sự quan phòng của Chúa qua lòng
hiếu khách của người dân những nơi họ đến. Thông điệp mà họ rao giảng đầu tiên
phải là sự bình an. Sự bình an một mặt là tượng trưng cho một sự giải thoát về
thể lý, một cuộc đời không có chiến tranh, sóng gió, nhưng mặt khác bình an nội
tâm, vững vàng trước những sóng gió của cuộc đời, nhờ tin vào Chúa và nhất là
ơn cứu độ, sự giải thoát hoàn toàn khỏi tội lỗi và sự chết. Thông điệp thứ hai
mà họ phải rao giảng cũng là thông điệp Tin Mừng chính yếu của Đức Giêsu: Nước
Thiên Chúa đã đến gần. Sứ giả của Chúa sẽ được đón chào nhiều nơi, nhưng cũng gánh chịu
nhiều sự chối từ chống đối bởi nhiều nơi khác. Vì thế, hoàn cảnh của họ luôn giống
như con chiên ở giữa những con sói. Họ có thể bị ngược đãi, bị bắt bớ và thậm chí bị
giết chết bất cứ khi nào. Họ được mời gọi rao giảng thông điệp “Nước Thiên
Chúa” cho cả những nơi không tiếp đón, nhưng cũng được mời gọi giũ bụi chân lại
để làm bằng chứng phản đối sự chối từ của họ trong ngày phán xét. Bản án của những
người chối từ sứ giả Thiên Chúa còn nặng nề hơn bản án dành cho thành Xơđom xa
xưa bởi vì những người dân thành Xơđom có thể chỉ chết về thể xác, còn những người chối từ Chúa sẽ chết cả phần hôn và xa Chúa mãi mãi. Sứ giả của Chúa ra đi rao giảng và trừ được nhiều quỷ. Họ vui mừng phấn khởi
vì quỷ đã bị khuất phục nhờ danh của Đức Giêsu. Tuy nhiên, phần thưởng, niềm
vui mà họ phải nhắm đến cuối cùng là tên của họ được ghi trên trời. Đồng nghĩa
với việc họ được chung hưởng hạnh phúc với Chúa. Những hoạt động của hành trình
để được ghi tên trên trời không chỉ đơn giản là rao giảng, chữa bệnh và trừ quỷ
nhưng còn phải theo Chúa trên con đường thập tự đến hơi thở sau cùng.
Tất cả các kitô hữu được mời gọi cầu nguyện để
Thiên Chúa sai nhiều sứ giả loan báo Tin Mừng. Chính họ cũng được mời gọi làm sứ
giả mang hai thông điệp quan trọng cho nhân loại rộng lớn. Thông điệp thứ nhất
là sự bình an. Rao truyền bình an là căn nguyên của một cái phúc: “Phúc cho ai xây xựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên
Chúa” (Mt 5,9). Thông điệp bình an mà các kitô hữu phải rao giảng không chỉ là
không gây chiến tranh, không gây hận thù, chết chóc, mà còn là sự an ủi, chữa
lành những người đang ở trong những cuộc chiến tranh, đau khổ, bệnh tật về thể
lý và tinh thần. Đó là sự bình an viên mãn khi được ờ trong Nước Chúa. Thông điệp
thứ hai bao trùm cả thông điệp thứ nhất: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Các sứ
giả của Chúa phải làm cho không gian Nước Thiên Chúa được mở rộng, trong đó có
tình yêu, sự công chính, bình an và hoan lạc”. Niềm vui vì có visa Nước Thiên
Chúa (tên được ghi trên trời) là cùng đích của các ki-tô hữu và cũng là cùng
đích của tất cả những ai đón nhận thông điệp của họ. Niềm vui, sự khao khát Nước
Thiên Chúa, là động lực giúp các kitô hữu dám từ bỏ mọi ham muốn, tiện nghi vật
chất như Chúa đã mời gọi (không bao bị, không túi tiền, không xăngđan). Sư từ bỏ là điều kiện để sở hữu Nước Trời: “Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, vì Nước
Trời là của họ” (Mt 5,3).
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch,
SVD
[1]
““Child of
peace”—that is, one whose life is characterized by peace—then, is capable of
more than one nuance. It can refer to one who has already begun to embody the
wholeness these delegates of Jesus’ mission will communicate, or it can refer
to those who are predisposed to welcome these messengers together with their
message. Importantly, one does not predetermine to whom God’s wholeness is
transmitted; the division that results from the communication of peace is
without human premeditation, but arises through its acceptance or rejection” [J.B. Green, The Gospel of Luke
(NICNT; Grand Rapids 1997) 414].
[2]
Ba kỳ giảng của Đức Giêsu (1) Kỳ giảng tại Galilaia (Lc 3,1 – 9,50); (2) Kỳ giảng
trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,27); (3) Kỳ giảng tại Giêrusalem (19,28 –
21,38). [Th.N.H. Cầu, Tìm Hiểu Các Sách
Tin Mừng & Công Vụ Tông Đồ. Kitô Hữu Đọc Sách Thánh (Biên Hòa 2020)
82-95].
[3]
“Should one read “seventy”
or “seventy-two”? The former is attested in such mss. as א, A, C, K, L, W, X, etc., whereas the latter has the support of
P75, B, D, 0181, and the OL (Old Latin) and OS (Old Syra) traditions”
[J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes
(AnB; New Haven – London 2008) 28A, 845].
[4]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP
3; Collegeville 1991) 166-167.
[5] “the idea of the validity of the testimony of two witnesses is
probably in mind (Num 35:30; Deut 19:15)” [J. Nolland, Luke 9:21-18:34 (WBC; Dallas, 2002) 35B,
550].
[6]
J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes,
486.
[7]
Ibid.
[8]
J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes,
487.
[9]
Thói quen của con người xưa nay cả Đông và Tây là giữ một ít tiền lẻ trong thắt
lưng, ngày nay là trong túi áo hoặc túi quần. (x. C.E.B. Cranfield, The
Gospel According to Mark, 199).
[10]
R. Guelich ủng hộ quan điểm của Lohmeyer người cho rằng những đòi hỏi khắt khe
này làm cho hành trình trở nên nhẹ nhàng và quan điểm của Grundmann nhấn mạnh đến
sự phụ thuộc vào sự quan phòng của Chúa [R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26
(WBC; Dallas 2002) 34A, 322
[11]
J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes,
487.
[12]
F. Bovon,
Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke
9:51–19:27 (ed. H. Koester)
(Hermeneia: Minneapolis 2013) 27.
[13]
J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 413.
[14]
J. Marcus, Mark 1-8, 384.
[15]
Ibid.
[16]
R.A. Guelich, Mark 1 – 8,26 (WBC; Dallas 2002) 34A, 322.
[17]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP
3; Collegeville 1991) 168.
[18]
J.B. Green, The Gospel of Luke, 419.
[19] “An assured place in the kingdom of God is the supreme
benefit that emerges through the experience of God’s grace in the ministry of
Jesus. Note the contrast between Xatan fallen from heaven and the names of the
disciples now recorded in heaven” (J. Nolland, Luke 9:21-18:34 (WBC; Dallas, 2002) 35B,
566).
No comments:
Post a Comment