Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
22Ἐγένετο τότε τὰ ἐγκαίνια ἐν τοῖς Ἱεροσολύμοις, χειμὼν ἦν, 23 καὶ περιεπάτει ὁ Ἰησοῦς ἐν τῷ ἱερῷ ἐν τῇ στοᾷ τοῦ
Σολομῶνος. 24 ἐκύκλωσαν οὖν αὐτὸν οἱ Ἰουδαῖοι καὶ ἔλεγον αὐτῷ· ἕως πότε τὴν ψυχὴν ἡμῶν
αἴρεις; εἰ σὺ εἶ ὁ χριστός, εἰπὲ ἡμῖν παρρησίᾳ. 25 ἀπεκρίθη αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· εἶπον ὑμῖν καὶ οὐ πιστεύετε·
τὰ ἔργα ἃ ἐγὼ ποιῶ ἐν τῷ ὀνόματι τοῦ πατρός μου ταῦτα
μαρτυρεῖ περὶ ἐμοῦ· 26 ἀλλ᾽ ὑμεῖς οὐ πιστεύετε, ὅτι οὐκ ἐστὲ ἐκ τῶν προβάτων τῶν ἐμῶν. 27 τὰ πρόβατα τὰ ἐμὰ τῆς φωνῆς μου ἀκούουσιν, κἀγὼ γινώσκω
αὐτὰ καὶ ἀκολουθοῦσίν μοι, 28 κἀγὼ δίδωμι
αὐτοῖς ζωὴν αἰώνιον καὶ οὐ μὴ ἀπόλωνται εἰς τὸν
αἰῶνα καὶ οὐχ ἁρπάσει τις αὐτὰ ἐκ τῆς χειρός
μου. 29 ὁ πατήρ μου ὃ δέδωκέν μοι πάντων
μεῖζόν ἐστιν, καὶ οὐδεὶς δύναται ἁρπάζειν ἐκ τῆς χειρὸς
τοῦ πατρός. 30 ἐγὼ καὶ ὁ
πατὴρ ἕν ἐσμεν. 31 Ἐβάστασαν
πάλιν λίθους οἱ Ἰουδαῖοι ἵνα λιθάσωσιν αὐτόν. |
22
Khi ấy, tại Giêrusalem diễn ra Lễ Cung Hiến Đền Thờ,
vào mùa đông. 23
Đức Giêsu cứ đi tới đi lui trong đền thờ, tại hành lang Salomon. 24
Những người Do Thái bao quanh Người và nói
cùng Người: “Ông còn để cho tâm hồn của chúng tôi bối rối đến bao giờ? (nghĩa
đen: lấy mất hồn của chúng tôi) Nếu ông là Đấng Kitô thì
hãy nói công khai cho chúng tôi đi.” 25
Để trả lời, Đức Giêsu nói cùng họ: “Tôi đã nói cùng
các ông nhưng các ông không tin tôi. Những công việc mà tôi làm nhân danh Cha của tôi, những việc
ấy làm chứng về tôi”. 26
Nhưng các ông vẫn không tin tôi, bởi vì các
ông không phải từ những con chiên của tôi. 27
Những con chiên của tôi thì nghe tiếng của tôi và
tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28
Và tôi trao ban cho chúng sự sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất. 29
Cha của tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất
cả và không ai có thể lấy khỏi tay Cha. 30
Tôi và Cha là một. 31
Những người Do Thái lại nhặt đá để ném Người. |
Bối cảnh
Trong bối cảnh trực tiếp Ga
10,27-30 nằm trong trình thuật liên quan đến căn tính “Đấng Kitô” của Đức Giêsu
(Ga 10,22-31). Người Do Thái muốn Đức Giêsu phải bộc lộ căn tính của Người cách
tỏ tường (Ga 10,24). Trong khi trả lời Đức Giêsu nói về sự cứng lòng của những người
Do Thái và mô tả những đặc tính của những con chiên của Người. Hình ảnh những
con chiên của Đức Giêsu gợi nhớ đến bài giảng về “người mục tử nhân lành” (Ga
10,1-18), trong đó Đức Giêsu đã diễn tả những đặc tính của những con chiên. Những
con chiên nói chung luôn nghe tiếng của mục tử và đi theo mục tử của chúng, chúng
không nhận biết tiếng của những người lạ (Ga 10,3-5). Những con chiên của mục tử
Giêsu luôn “biết” Người, như Người “biết” chúng (Ga 10,14). Những con chiên của
Đức Giêsu, phải nghe tiếng của Người và được quy tụ thành một đàn chiên và một
vị mục tử (Ga 10,16). Trong bối cảnh rộng hơn, bối cảnh thời gian – Lễ Cung Hiến
Đền Thờ - liên hệ cách chặt chẽ với các Lễ khác được nói đến trong Tin Mừng thứ
tư. Lễ Cung Hiến Đền Thờ là Lễ cuối cùng trong loạt những Lễ bắt đầu từ chương
5: Ngày Sabát (Ga 5,9-10), Lễ Vượt Qua (Ga 6,4), Lễ Lều (Ga 7,2), và Lễ Cung Hiến
Đền Thờ (Ga 10,22). Không gian đền thờ, nơi mà Đức Giêsu giảng dạy, đã được đề
cập trong Ga 7,14.28. Câu hỏi về Đấng Kitô đã bắt đầu trong chương 7
(7,26.31.41-42; 9,22) và được lặp lại trong đoạn này (Ga 10,24). Căn tính “Đấng
Mêsiah” hay “Đấng Kitô” đã được ông Anrê nhận dạng ngay từ đầu Tin Mừng, và giới
thiệu với ông Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsiah (nghĩa là Đấng Kitô)” (Ga 1,41).
Người phụ nữ Samari cũng đã nhận ra Người là “Đấng Kitô” khi Người nói cho chị
biết tất cả những điều chị đã từng làm (Ga 4,29). Mục đích của toàn bộ những điều
được ghi lại trong Tin Mừng thứ tư là để anh chị em “tin rằng Đức Giêsu là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sự sống đời đời nhờ danh Người” (Ga
20,31). Tiếp theo đoạn văn này là đoạn tranh luận về căn tính “Con Thiên Chúa”
của Đức Giêsu (Ga 10,32-39).
Cấu trúc
Bối cảnh (22-23) (A)Nghi vấn của những Người Do Thái: Có phải là Đấng Kitô?
(24) (B) Đáp trả của Đức Giêsu: -
Những người Do Thái
không tin (25) -
Lý do không tin:
Không phải chiên của Người (26) -
Phẩm tính của con
chiên Chúa: nghe và theo (27) -
Hành động của Đức Giêsu:
Ban cho chiên sự sống đời đời (28) -
Mặc khải về Cha: Đấng
trao ban, lớn hơn tất cả, gìn giữ tất cả (29) -
Tương quan Cha và Đức
Giêsu: Là một (30) (A’) Phản ứng những người Do Thái: Ném đá Đức Giêsu (31) |
Một số điểm chú giải
1. Lễ
Cung Hiến Đền Thờ: Đền thờ Giêrusalem là thánh địa quốc gia, là trung tâm của
toàn bộ những sinh hoạt của dân Ítrael, đặc biệt là nhưng sinh hoạt tôn giáo.
Cuộc cải cách của vua Giôsiah (639-609 tCN) đã biến Giêrusalem thành một trung
tâm thờ cúng duy nhất với đền thờ là tâm điểm của nơi Chúa hiện diện.[1] Lịch sử Ítrael ghi nhận
hai thời kỳ biến động và gắn liền với hai đền thờ cùng xây trên một địa điểm
duy nhất: Thời kỳ đệ nhất đền thờ và thời kỳ đệ nhị đền thờ. Địa điểm ấy ngày
nay chính là nơi tọa lạc của một đền thờ Hồi Giáo, thường được gọi là “Dome of
the Rock”. Đền thờ thứ nhất được vua Salomon xây dựng vào năm thứ tư triều đại
của ông và hoàn tất bảy năm sau đó. Đền thờ này đã bị đế quốc Babylon phá hủy
cùng với thành phố Giêrusalem vào năm 586/7 tCN, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của
vương quốc miền Nam (Giuđa), và kéo theo thời kỳ lưu đày nổi tiếng, thường được
gọi là “cuộc lưu đày Babylon”. Hoàng đế Cyrus của Ba Tư, cho phép nhóm người lưu
đày trở về xây dựng lại đền thờ thứ hai (khoảng năm 520-515 tCN). Đền thờ thứ
hai này thường được gọi là Đền Thờ Dêrúbbabel, vì ông là lãnh đạo chính trị cấp
cao khi đền thờ được xây lại. Đất Giuđa lúc bấy giờ chỉ còn là một tỉnh chư hầu
của đế quốc Ba Tư. Đền thờ này được vua Hêrôđê cả tái thiết và mở rộng dưới triều
đại của ông (37 tCN – 4 sCN), nên cũng được gọi là “đền thờ của vua Hêrôđê”.[2] Công việc tái thiết của
vua Hêrôđê cả bắt đầu từ năm 19/20 tCN và kéo dài mãi cho đến năm 27/28 sCN,
nghĩa là sau khi vua Hêrôđê cả qua đời. Chính vì vậy, những người Do Thái nói đến
khoảng thời gian đền thờ được xây dựng là 46 năm (Ga 2,20).[3] Đền thờ này bị vua Syria,
tên là Antiôkhô IV (175-164 tCN) làm cho ra ô uế từ năm 167-164, bằng cách xây
một bàn thờ thần ngoại (thần Zeus), cho dựng tượng “đồ ghê tởm hoang tàn” trên
bàn thờ dâng lễ toàn thiêu vào ngày 15 tháng Kítlêu, năm 145 tCN (= tháng 12
năm 167).[4] Ngày 25 tháng chín, năm
148 (=14 tháng 12 năm 164 tCN), anh em nhà Macabê đã tiến hành thanh tẩy và tái
cung hiến Đền Thờ (1 Mcb 4,41-46). Lễ Cung Hiến Đền Thờ là Lễ kỷ niệm biến cố
này. Lễ này trong tiếng Do Thái gọi là Hanukkah, nghĩa là “sự cung hiến”. Lễ
Cung Hiến Đền Thờ diễn ra khoảng ba tháng sau Lễ Lều, vào khoảng giữa mùa đông
(tháng Mười Hai).
2. Hành lang Salomon: Khuôn viên đền thờ Giêrusalem thời Đức Giêsu được bao quanh bởi bốn hành lang. Hành lang Salomon là một hành lang nổi tiếng được nhắc đến ba lần trong Tân Ước. Ngoài Tin Mừng thứ tư, nó còn được sách Công Vụ nói đến hai lần nữa. Lần thứ nhất, nó gắn liền với buổi giảng dạy của ông Phêrô và ông Gioan. Khi người bại liệt được chữa lành cứ dính chặt với hai ông, thì toàn dân kinh ngạc và chạy đến với hai ông tại hành lang gọi là “hành lang Salomon (Cv 3,11). Lần thứ hai, hành lang này được nhắc đến như là nơi các tín hữu thời sơ khai thường tụ họp với nhau với sự đồng tâm, nhất trí (Cv 5,12). Hành lang Salomon, được xem là hành lang cổ nhất, nằm ở phía Tây của khuôn viên Đền Thờ. Nó được gắn liền với tên của vua Salomon, có lẽ vì nó là phần còn lại của Đền Thờ do vua Salomon xây dựng.[5] Trong bối cảnh này, hành lang Salomon trở thành nơi mà Đức Giêsu mặc khải Người là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa. Mặc khải quan trọng này diễn ra trên hành lang Salomon có liên hệ với điều Đức Giêsu đã nói trong Tin Mừng Nhất Lãm: “Mà đây thì còn hơn Salomon nữa” (Mt 12,42; Lc 11,31). Người vượt trội hơn Salomon về vị thế vì Người là Đấng Mêsiah và là Thiên Chúa.
3. Những
người Do Thái: Nhân vật “những người Do Thái” xuất hiện từ rất sớm (Ga
1,19) và thường đóng vai là những đối thủ của Đức Giêsu, những người “chống đối
và tìm giết Người (x. 5,16-18).[6] Họ thường xuất hiện trong vị thế đối lập với Đức Giêsu. Họ phàn nàn không cho người bại liệt được chữa lành “vác chõng” vì hôm đó là ngày Sabát (Ga 5,10). Họ “bắt bớ” Đức Giêsu (Ga 5,16), rồi “tìm mọi cách để giết Người” (5,18; 7,1; 10,31; 19,7.12). Họ sẵn sàng trục xuất bất kỳ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a ra khỏi Hội Đường (Ga 9,22).[7] Trong trình thuật về Thương Khó, nhóm nhân vật này đã “điệu Đức
Giêsu lên dinh quan Tổng Trấn” (Ga 18,28); Họ xin tha cho Baraba mà lên án xử tử
Đức Giêsu (Ga 18,40; 19,7). Trong bối cảnh của Ga 10,22-31, nhân vật “những người
Do Thái” xuất hiện hai lần. Lúc đầu họ đặt câu hỏi và mong muốn Đức Giêsu bộc lộ
căn tính “Kitô” của Người (Ga 10,24), nhưng cuối cùng họ đã lượm đá để ném Đức Giêsu
(Ga 10,31). Họ thuộc nhóm “những người Do thái” thù ghét và muốn giết Đức Giêsu.
Tin Mừng thứ tư, còn nói đến hai nhóm Người Do Thái khác nữa. Đó là những “Người
Do Thái” chung chung, thuộc dân tộc Do Thái: “Lễ Vượt Qua của những người Do
Thái” (Ga 2,13); “Việc thanh tẩy theo phong tục của những người Do Thái” (Ga
2,6); “ông Nicôđêmô, một thủ lãnh của những người Do Thái” (Ga 3,1)… Nhóm “những
người Do Thái” còn lại là những người đã tin vào Đức Giêsu: “Đức Giêsu nói với
những người Do Thái đã tin vào Người” (Ga 8,30-31); “Trong số những người Do
Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã
tin vào Người” (Ga 11,45; 12,11).
4. Đấng
Kitô: Tất cả các tác giả sách Tin Mừng đều cố gắng chứng minh Đức Giêsu
Nadarét chính là Đấng Mêsiah (Đấng Kitô) mà dân Ítrael hằng mong đợi. Tác giả
Máccô đã giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Kitô ngay câu đầu tiên của Tin Mừng: “Tin
Mừng của Đức Giêsu Kitô [Con Thiên Chúa]” (Mc 1,1). Tác giả Mátthêu cũng cho biết
Đức Giêsu chính là Đấng Kitô (Mt 1,16). Tác giả Luca cũng không ngoại lệ: “Ngày
hôm nay một Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavít,
Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (Lc 2,11). Tin Mừng thứ tư dẫu khởi đầu bằng “Lời
Tựa”, giới thiệu Đức Giêsu là “Ngôi Lời” và là “Thiên Chúa” (Ga 1,1), tác giả
cũng không quên gọi Đức Giêsu là “Giêsu Kitô” như tác giả Máccô: “Lề Luật được
Thiên Chúa ban qua ông Môsê nhưng ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà
có” (Ga 1,17). Hơn nữa, ngay từ đầu, ông Anrê đã dễ dàng nhận ra Đức Giêsu là Đấng
Mêsiah (nghĩa là Đấng Kitô) và giới thiệu với em mình là ông Phêrô (Ga 1,41).
Người phụ nữ Samari cũng đã nhận ra căn tính “Kitô” nơi Đức Giêsu: “Đến mà xem,
có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng
Kitô sao?” (Ga 4,29), bởi vì chính Đức Giêsu đã thừa nhận “Đấng ấy chính là tôi,
người đang nói với chị đây” (Ga 4,26). Vào cuối Tin Mừng, tác giả cho biết mục
đích của những gì ông viết ra là để “anh chị em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa, và để nhờ tin mà có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Tuy có nhiều
người nhận ra căn tính Mêsiah nơi Đức Giêsu, kiến thức ấy vẫn là một thách đố đối
với nhóm những lãnh đạo Do Thái, qua nhân vật “những người Do Thái”. Họ nài nỉ
Đức Giêsu: “Nếu ông là Đấng Kitô, hãy nói công khai cho chúng tôi biết” (Ga
10,24). Trước đó, họ đã tranh luận gay gắt về nguồn gốc Kitô của Đức Giêsu:
“Ông ấy, chúng ta đã biết ông xuất thân từ đâu rồi, còn Đấng Kitô, khi Người đến,
không ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27); “Đấng Kitô mà lại xuất thân
từ Galilê ư? Nào Thánh Kinh đã chẳng nói là Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua
Đavít và từ Bếtlehem làng của vua Đavít sao?” (Ga 7,42). Nguồn gốc trần thế
bình thường của Đức Giêsu, là một cản trở không nhỏ cho việc họ nhìn nhận Người
là Đấng Mêsiah họ đang mong chờ. Yêu cầu của “những người Do Thái” trong bối cảnh
này rất giống với yêu cầu của Thượng Hội Đồng Do Thái trong cuộc xét xử Đức Giêsu:
“Ông có phải là Đấng Mêsiah thì nói cho chúng tôi biết” (Lc 22,67). Theo tác giả
R. Brown, sở dĩ họ đòi Đức Giêsu nói công khai rằng Người là Đấng Kitô, vì trước
đó Đức Giêsu đã dùng ngôn ngữ biểu tượng khi nói rằng Người là một “mục tử nhân
lành” (10,11.14). Trong truyền thống Cựu Ước, mục tử là biểu tượng quen thuộc
cho một vị vua thuộc dòng dõi Đavít (x. Ed 34,23). Những ám chỉ về thân phận Kitô
xuất hiện trong đầu những “người Do Thái” khi Người giới thiệu mình là một mục
tử.[8]
5. Những
công việc Đức Giêsu nói và làm: Để trả lời cho câu hỏi có phần yêu cầu và
nài nỉ của nhóm “những người Do Thái”, Đức Giêsu đã cho họ biết là Người đã nói
rồi, và những công việc Người làm nhân danh Cha Người minh chứng về Người. Vậy,
Người đã nói gì? Xác nhận này có thể có nghĩa là “lời dạy của tôi đã trả lời đủ
rõ ràng cho những ai có mắt để xem và có tai để nghe”.[9] Những điều Đức Giêsu nói
trước đó liên quan đến căn tính của Người như là “trước khi có ông Ápraham thì
tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58); “Tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà
đến” (Ga 8,42); “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết
Người. Phần tôi, tôi biết Người vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã
sai tôi” (Ga 7,28-29). Những việc Đức Giêsu làm nhân danh Cha Người có thể là
những phép lạ. Phép lạ gần nhất là phép lạ mở mắt cho người mù từ thuở mới sinh
(Ga 9,1-41). Phép lạ này mang lại cả ánh sáng thể lý và ánh sáng đức tin cho
người mù từ thuở mới sinh, nhưng người Pharisêu vẫn đui mù (Ga 9,40-41). Làm
cho người mù nhìn thấy là một trong những đặc tính về Đấng Mêsiah, mà Đức Giêsu
trả lời cho các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, khi họ được sai đến để hỏi “Người
có phải là Đấng phải đến không?” (x. Mt 11,2-6). Những việc Đức Giêsu làm và những
điều Người đã nói có thể là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn (Ga
6,5-15) và Diễn Từ Bánh Hằng Sống tiếp theo sau đó (Ga 6,22-59). Phép lạ đã làm
cho dân chúng tuyên xưng rằng: “Hẳn ông này là một ngôn sứ, Đấng phải đến thế
gian” (Ga 6,14). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu đã giới thiệu Người là
bánh hằng sống từ trời xuống. Ai đến với Người không hề phải đói và ai tin vào
Người, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35). Sau Diễn Từ, nhiều môn đệ đã cảm thấy chướng
tai (6,60) và rút lui (6,66), nhưng Nhóm Mười Hai càng xác tín hơn: “Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới cò lời ban sự sống đời đời. Phần
chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”
(Ga 6,68-69).
6. Các
ông vẫn không tin tôi: Động từ “tin với” trạng từ phủ định (οὐ πιστεύετε: Không tin)
được dùng hai lần liên tục cho nhóm “những người Do Thái” như một điệp khúc của
sự cứng lòng. Hơn nữa, thì hiện tại của động từ, diễn tả một thực tiễn không
thay đổi của hành động. Đức Giêsu đã nói nhiều điều nhưng họ không tin. Những
công việc Đức Giêsu làm nhân danh Cha của Người, cũng không làm cho họ tin. Lý
do là vì họ “không phải là những con chiên của” Đức Giêsu. Lý Do nay có thể hiểu
theo hai chiều: Không tin vào Người nên họ không trở thành những con chiên của
Người; không phải là con chiên của Người thì không thể tin vào Người. Sự “không
tin” của những “người Do Thái” trong đoạn này gợi nhớ lại “sự không tin” của những
người Pharisêu trước đó: “Thật vậy, nếu các ông không tin là ‘Tôi Hằng Hữu’,
thì các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Vào cuối cuộc tranh luận
này, Đức Giêsu mời gọi những người Do Thái tin vào Người vì những việc Người
làm nhân danh Cha của Người: “Nếu tôi không làm những công việc của Cha tôi thì
các ông đừng tin tôi, còn nếu tôi làm những công việc đó, thì ít ra các ông
cũng hãy tin những việc đó” (Ga 10,37-38). Tuy vậy, họ vẫn không tin vào Người
và tìm cách bắt Người (Ga 10,39).
Tôi đã nói cùng các ông nhưng các ông không tin Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi
làm chứng về tôi, nhưng các ông không tin, Vì các ông không thuộc về đàn
chiên của tôi. |
7. Những
phẩm tính của con chiên (Nghe và theo): Trong khi nói về lý do “không tin”
của những “Người Do Thái”, Đức Giêsu đề cập đến những phẩm tính của những con
chiên trong tương quan với chủ chiên. Đầu chương 10, Đức Giêsu đã tự bạch rằng
Người là một “mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14) với những phẩm tính ưu việt, đồng
thời Người cũng phác họa những phẩm tính của những con chiên của Người: Chiên của
Người phải biết Người (Ga 10,14); “nghe tiếng của Người” (Ga 10,16); “Hiệp nhất”
với nhau (một đàn chiên và một vị mục tử” (Ga 10,16). Trong đoạn văn này, Đức Giêsu
nhắc lại phẩm tính “nghe” của những con chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng của
tôi” (Ga 10,27a). Hành động “nghe” để đáp lại hành động “nói” của Đức Giêsu.
Người đã “nói” nhưng “những người Do Thái” không nghe, không tin Người. Ngoài
ra, Người còn thêm một phẩm tính khác, vốn là phẩm tính bình thường của một con
chiên. Đó là “đi theo” Người. Động từ “đi theo” diễn tả hoạt động của một người
môn đệ. “Đi theo” có nghĩa là đi theo toàn bộ hành trình mà mục tử Giêsu đã đi
(con đường thập tự, con đường yêu đến chết); làm theo lời dạy của Người và rập
khuôn theo lối sống của Người. Hành động “đi theo”, được mô tả bằng một động từ
ở thì hiện tại (ἀκολουθοῦσίν), diễn tả một thực tế không thay đổi,
kéo dài. Hành động “đi theo” ứng với hành động của Đức Giêsu, “làm những công
việc của Cha”. Những con chiên của Chúa, nghe tiếng Chúa, và đi theo Chúa. Đây
là những đáp trả của niềm tin, trái ngược với thái độ của “những người Do
Thái”, những người không tin vào cả những điều Đức Giêsu nói và những việc Người
làm nhân danh Cha Người.
8. “Ban
sự sống đời đời… không hư mất … không ai lấy khỏi tay tôi … từ tay Chúa Cha”: Đức
Giêsu hứa ban sự sống đời đời, là món quà quý giá nhất cho cả đời người, cho những
con chiên của Người. “Sự sống đời đời” là một chủ đề rất quan trọng trong giáo huấn của Đức Giêsu. Văn chương
Do Thái thế kỷ thứ hai tCN, đã bắt đầu suy tư về sự sống đời đời. Sách Macabê
quyển thứ hai đã ghi lại: “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua Vũ Trụ, nên Người
sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9; Cf. 7,36). Tin
Mừng Nhất Lãm ghi lại câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu, về bí
kíp để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giêsu cho biết bí kíp là “giữ
các điều răn” và “bán của cải, cho người nghèo, rồi đến theo Đức Giêsu” (Mc
10,23-27; Cf. Mt 19,23-26; Lc 18,24-27). Gioan là tác giả ghi lại nhiều nhất những
giáo huấn của Đức Giêsu liên quan đến “sự sống đời đời”: “Ai tin vào Người Con
thì có được sự sống đời đời” (Ga 3,36); “Ai nghe tôi và tin vào Đấng đã sai tôi
thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24; Cf. 6,47; 6,47; 17,2-3; ).[10]
Vào cuối diễn từ “Bánh Hằng Sống”, ông Phêrô đã lên tiếng khẳng định rằng “Thầy
mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Lời hứa “ban sự sống đời đời”
trong bối cảnh này hết sức chắc chắn. Phải nói rằng, cách nói của Đức Giêsu biểu
lộ tính bảo đảm ở mức độ cao nhất. Người dùng nhiều “lớp” để gìn giữ quà tặng
này: “Trao ban sự sống đời đời” – “chúng sẽ không bao giờ bị hư mất” – “không
ai có thể giật chúng khỏi tay tôi” – “không ai có thể giật chúng khỏi tay của
Chúa Cha”. Sự sống đời đời được bảo đảm bằng “không bao giờ hư mất”, và họ luôn
được cả tay Đức Giêsu và cả tay Chúa Cha gìn giữ.
9. “Tôi
và Cha là một”: Sự hiệp nhất nên một của Đức Giêsu với Chúa Cha được diễn tả
cách dày đặc trong Tin Mừng thứ tư. Lời Tựa của Tin Mừng đã giới thiệu rằng
“Ngôi Lời hằng hiện hữu; Ngôi Lời hiện hữu với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên
Chúa” (Ga 1,1). Đức Giêsu cũng được giới thiệu là “Con Một, vốn là Thiên Chúa,
Đấng hằng ở nơi cung lòng của Chúa Cha” (Ga 1,18). Nhiều lần Đức Giêsu tự bạch
về tương quan gần gũi giữa Người với Chúa Cha: “Người Con đến từ Chúa Cha (Ga
8,42); “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38); “Anh không
tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với
anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong thầy,
chính Người làm việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và
Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10-11). Đức Giêsu cũng cầu xin cho các môn đệ
“nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” …
“để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21.23). Trong bối cảnh này, Người
đồng nhất với Chúa Cha trong công việc: Người làm “những công việc của Cha Người”;
Đồng nhất trong việc sở hữu đàn chiên: Chúa Cha ban những con chiên cho Đức Giêsu;
Đồng nhất trong việc bảo vệ đàn chiên: Không ai có thể cướp những con chiên khỏi
tay của Đức Giêsu và Chúa Cha.
10. “Lại
lấy đá ném Đức Giêsu”: “Những người Do Thái” khởi đầu bằng đòi hỏi Đức Giêsu
bộc lộ căn tính, và kết thúc bằng việc “nhặt đá để ném Đức Giêsu” (Ga 10,31). Họ
đã không tin vào lời nói cũng như công việc Đức Giêsu đã làm. Hơn nữa, sự thật,
Đức Giêsu và Chúa Cha là “một” làm cho họ choáng váng và không thể chấp nhận được.
Sở dĩ họ ném đá Đức Giêsu là vì họ nghĩ Người đã nói phạm thượng: “Ông là người
phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33; Cf. Ga 11,8). Trạng từ “lại” (πάλιν)
được đặt trước ngữ động từ “lượm đá” giả định trước đó “những người Do Thái” đã
từng “lượm đá để ném” Đức Giêsu. Trên thực tế, vào cuối chương 8, khi Đức Giêsu
nói về sự hiện hữu của Người trước cả ông Ápraham thì “những người Do Thái” liền
lượm đá để ném Người, nhưng Người “lánh đi và ra khỏi đền thờ” (Ga 8,59).[11]
Bình luận tổng quát
Căn tính Kitô (hay Mêsiah) là một
căn tính quan trọng nơi Đức Giêsu mà “những người Do Thái” đương thời muốn biết.
Đây là nghi vấn mà trong tất cả các trình thuật Nhất Lãm liên quan đến cuộc xét
xử, Thượng Hội Đồng Do Thái hỏi Đức Giêsu, nhưng câu hỏi trong Lc 22,67 gần với
câu hỏi của “những người Do Thái” trong Tin Mừng Gioan hơn. Đức Giêsu chắc chắn
cũng muốn làm cho họ hiểu và tin Người là Đấng Kitô, như là các môn đệ và nhiều
người khác. Tuy nhiên, dù Người đã cố gắng bằng cả lời nói và hành động, họ vẫn
không tin vào Người. Trong đoạn Tin Mừng này (Ga 10,22-31), Đức Giêsu không chỉ
nhìn nhận Người chính là Đấng Kitô mà hơn thế nữa Người còn mặc khải Người là
Thiên Chúa. Người không chỉ có căn tính “Kitô” mà còn có căn tính “Thiên Chúa”.
Việc Đức Giêsu mặc khải căn tính “Thiên Chúa” đã làm cho “những người Do Thái”,
những người vốn chưa tin Người là Đấng Kitô, càng thêm tức giận, vì họ cho rằng
Người nói phạm thượng. Cuối cùng, họ đã muốn hành hung Người qua hành vi “lượm
đá để ném” Người. “Lượm đá để ném” đồng nghĩa với việc thi hành án tử hình
trong luật Do Thái. Lý do Đức Giêsu đưa ra cho sự không tin của họ là “vì họ
không thuộc về những con chiên của Người”. Lý do này có thể được hiểu theo hai
chiều “vì họ không tin nên không trở thành những con chiên của Người” hay “vì họ
không thuộc về những con chiên của Người nên họ không tin vào Người”. “Những
con chiên” của Người thì luôn “nghe tiếng” Người và “đi theo” Người. Đây là hai
giai đoạn trong một tiến trình làm môn đệ. “Nghe tiếng” để rồi “đi theo”. “Nghe
tiếng” là lắng nghe tất cả những điều Người giảng dạy hướng dẫn. “Đi theo” là
làm theo những điều Người đã làm, đi theo hành trình Người đã đi; chọn lẽ sống
Người đã chọn và và rập khuôn theo lối sống Người đã sống. Đức Giêsu đã mời gọi
các môn đệ rằng “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của
mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9,23; Mc 8,34). Hành trình của người môn đệ,
hay con chiên của Chúa, là hành trình thập tự, sống và chết cho tình yêu cho
Chúa Cha và cho tha nhân. Khi đã “nghe tiếng” và “đi theo” mục tử Giêsu, những
con chiên được đảm bảo chắc chắn sự sống đời đời, không bao giờ hư mất. Họ được
bàn tay của cả Đức Giêsu và Chúa Cha bảo bọc, nâng đỡ và giữ gìn một cách an
toàn. Không một thế lực sự dữ nào có thể cướp họ khỏi bàn tay Chúa Cha, bởi vì
Người vĩ đại hơn tất cả mọi loài. Đức Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha trong tình
yêu thương nhân loại cho đến tận cùng và trao ban sự sống cho họ cho đến vô tận.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.
[1] W. von Meding, “The
Temple”, The New International Dictionary of New Testament Theology, vol
3: Pri-Z (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1978) 783-784.
[2] W. von Meding, “The
Temple”, 787-788; C.L. Meyers, “The Temple”, The Harpercollins Bible
Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 1096-1104.
[3] R.E. Brown, The Gospel
according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB;
New Haven – London 2008) XXIX, 116.
[4] “Ngày mười lăm tháng Kít-lêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua cho dựng Đồ ghê tởm hoang tàn trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và cho lập các bàn thờ trong các thành miền Giuđa chung quanh Giêrusalem” (1 Mcb 1,54).
[5] F.J. Moloney, The
Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 319.
[6] X. G.L.M. Thông, Chú Giải
Tin Mừng Gioan Tập 1. Ga 1,1 – 2,22 (Hà Nội 2021) 101.
[7] X. J.P.D. Thạch, “Hãy Phá
Hủy Đền Thờ Này, Tôi sẽ Phục Hồi Nó Trong Ba Ngày” [LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: "HÃY PHÁ HỦY ĐỀN THỜ NÀY, TÔI SẼ
PHỤC HỒI NÓ TRONG BA NGÀY" (josephpham-horizon.blogspot.com)].
No comments:
Post a Comment