Thursday 19 May 2022

LÝ DO ĐỨC GIÊSU TỎ MÌNH CHO CÁC MÔN ĐỆ MÀ KHÔNG CHO THẾ GIAN. Chú Giải Tin Mừng CN VI PS C (Ga 14,23-29)

 Bản Văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

23 ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτῷ· ἐάν τις ἀγαπᾷ με τὸν λόγον μου τηρήσει, καὶ ὁ πατήρ μου ἀγαπήσει αὐτὸν καὶ πρὸς αὐτὸν ἐλευσόμεθα καὶ μονὴν παρ᾽ αὐτῷ ποιησόμεθα.

 24 ὁ μὴ ἀγαπῶν με τοὺς λόγους μου οὐ τηρεῖ· καὶ ὁ λόγος ὃν ἀκούετε οὐκ ἔστιν ἐμὸς ἀλλὰ τοῦ πέμψαντός με πατρός.

 25 Ταῦτα λελάληκα ὑμῖν παρ᾽ ὑμῖν μένων·

 26 ὁ δὲ παράκλητος, τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον, ὃ πέμψει ὁ πατὴρ ἐν τῷ ὀνόματί μου, ἐκεῖνος ὑμᾶς διδάξει πάντα καὶ ὑπομνήσει ὑμᾶς πάντα ἃ εἶπον ὑμῖν [ἐγώ].

 27 Εἰρήνην ἀφίημι ὑμῖν, εἰρήνην τὴν ἐμὴν δίδωμι ὑμῖν· οὐ καθὼς ὁ κόσμος δίδωσιν ἐγὼ δίδωμι ὑμῖν. μὴ ταρασσέσθω ὑμῶν ἡ καρδία μηδὲ δειλιάτω.

 28 ἠκούσατε ὅτι ἐγὼ εἶπον ὑμῖν· ὑπάγω καὶ ἔρχομαι πρὸς ὑμᾶς. εἰ ἠγαπᾶτέ με ἐχάρητε ἂν ὅτι πορεύομαι πρὸς τὸν πατέρα, ὅτι ὁ πατὴρ μείζων μού ἐστιν.

 29 καὶ νῦν εἴρηκα ὑμῖν πρὶν γενέσθαι, ἵνα ὅταν γένηται πιστεύσητε.

 (Jn. 14:23-29 BGT)

23 Đức Giêsu trả lời và nói cùng anh ta [Giuđa] “Nếu ai yêu Thầy, người ấy sẽ giữ lời của ThầyCha của Thầy sẽ yêu người ấy và chúng ta sẽ đến với người ấy và chúng ta sẽ làm chỗ ở bên cạnh người ấy”.

24 Ai không yêu mến Thầy sẽ không giữ lời của Thầy và lời mà anh em nghe không phải là của Thầy nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Những điều này Thầy đã nói với anh em, khi Thầy còn ở với anh em.

26 Đấng Paráclêtos, Thánh Linh, Đấng mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng ấy sẽ dạy anh em tất cả và làm cho anh em nhớ lại tất cả những điều Thầy đã nói với anh em.

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng, lòng của anh em đừng sợ hãi, và đừng đau buồn.

28 Anh em đã nghe rằng Thầy nói cùng anh em, Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu Thầy, anh em sẽ vui mừng vì Thầy đi đến cùng Cha, vì Cha vĩ đại hơn Thầy.

29 Và bây giờ, Thầy đã nói cùng anh em trước khi nó xảy ra, để khi nó xảy ra, anh em có thể tin.

 

Bối Cảnh

Trong bối cảnh rộng Ga 14,23-29 nằm trong phần thứ ba của Tin Mừng Gioan thường được gọi là “Sách của sự vinh quang” (13,1 – 20,29).[1] Nội dung căn bản của “sách của sự vinh quang” là Đức Giêsu đi về với Chúa Cha. Con đường đi về với Chúa Cha của Đức Giêsu gồm có bốn chặng: Đau khổ, chết, phục sinh và lên trời. Trong bối cảnh hẹp hơn, bản văn này nằm trong diễn từ từ biệt của Đức Giêsu, những lời tâm tình của Đức Giêsu với các môn đệ trước lúc chia tay (13,1 – 16,33). Trong bối cảnh trực tiếp, bản văn này nằm trong bối cảnh các môn đệ đang khủng hoảng, vì Đức Giêsu phải ra đi (Ga 14,1). Chủ đề về Đấng Bảo Trợ đã được nói đến trong Ga 14,16, được tiếp tục trong đoạn này với chi tiết cụ thể về vai trò “dạy” và “làm cho nhớ lại” (Ga 14,26). Trướ câu hỏi của ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt: Tại sao Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho họ mà lại không tỏ mình ra cho thế gian, Đức Giêsu mới trả lời cho ông cũng như các môn đệ lý do mà thế gian không thể đón nhận mặc khải của Người. Sự tỏ mình của Đức Giêsu không phải giới hạn cho các môn đệ, mà giới hạn cho “những ai yêu Chúa” mà thôi. Chủ đề “yêu và giữ điều răn” của Đức Giêsu đã xuất hiện trong 14,15. Trong đoạn này, hạn từ “điều răn” được đổi thành “lời” (14,23-24). Chủ đề “bình an” được Đức Giêsu nhắc lại trong 16,33 và sau Phục Sinh, Người liên tục chào các môn đệ bằng lời chào “bình an” (Ga 20,19.21.26). Chủ đề niềm vui của các môn đệ khi Đức Giêsu đi về với Cha được được tiếp tục trong chương 16 (Ga 16,20.22) và được hiện thực hóa trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ sau phục sinh (Ga 20,20).

Cấu Trúc

Yêu và giữ lời

Hiệu quả: Cha yêu; Cha và Con cùng đến và làm nhà bên cạnh

Không yêu sẽ không giữ lời

Không giữ lời Con thì không giữ lời Cha (24)

Nói khi Thầy còn ở với (25)

Đấng Parakletos:

Nguồn gốc: Cha gửi đến, nhân danh Thầy

Vai trò: Dạy anh em tất cả và làm cho anh em nhớ lại tất cả (26)

Điều Đức Giêsu để lại và ban tặng: Bình an (27)

Niềm vui của các môn đệ vì Đức Giêsu đến cùng Cha (28)

Nói trước khi nó xảy ra để anh em có thể tin (29)

Một số điểm chú giải

1.     Nếu ai yêu Thầy, thì người ấy sẽ giữ lời của Thầy”: Chủ đề “yêu và giữ” được Đức Giêsu lặp lại bốn lần trong đoạn 14,15-25.

“Nếu anh em yêu Thầy, thì anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (14,15)

“Người giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là người yêu Thầy” (14,21)

“Ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (14,23)

“Người không yêu Thầy, thì không giữ lời Thầy” (14,24)

Bổ ngữ cho động từ “giữ” hơi khác nhau giữa hai lần đầu và hai lần sau. Hai lần đầu, đối tượng mà người yêu Đức Giêsu phải giữ là “các điều răn của Thầy” (τὰς ἐντολὰς τὰς ἐμὰς); Hai lần sau “lời của Thầy” (τὸν λόγον μου) là điều mà những người yêu Người phải giữ. Hạn từ “điều răn” có thể làm người ta liên tưởng đến “điều răn mới” mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ trong đêm Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau” (13,34; 15,12).[2] “Điều răn” ở số nhiều có thể nối kết với “Mười Điều Răn” (Mt 19,17; 1 Cr 7,19).[3] Hạn từ “lời” có thể có nghĩa rất rộng. Nó có thể bao hàm cả “các điều răn” và tất cả những điều Đức Giêsu đã dạy. Việc sử dụng thay đổi giữa “các điều răn của Thầy” với “lời của Thầy” và “những lời của Thầy” cho thấy rằng chúng bao gồm trọn vẹn phạm vi mặc khải từ Chúa Cha, không đơn thuần chỉ là những chỉ dạy về luân lý (cf. Ga 8,31-32; 12,47-49; 17,6); Người yêu của Đức Giêsu sẽ sống trong ánh sáng các chỉ dẫn về những mặc khải của Đức Giêsu.[4]

Mối liên hệ hỗ tương giữa “yêu” và “giữ lời” là quá rõ ràng và được nhấn mạnh nhiều lần. Ngoài bốn lần này, Đức Giêsu còn nói thêm một lần khác nữa để nói lên tầm quan trọng của mối liên hệ này: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 15,10).

Lời của Đức Giêsu cũng là “lời” của Chúa Cha. Chính vì thế, có thể nói rằng “giữ lời” của Đức Giêsu cũng là giữ lời của Chúa Cha và ngược lại. Nhiều lần Đức Giêsu chứng tỏ rằng lời của Người nói là của Chúa Cha: “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8,26); “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, tôi nói như vậy” (Ga 8,28); “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thấy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10-11). Hơn nữa, nhiều lần Đức Giêsu khẳng định Người và Chúa Cha là một: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10); “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30); “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).

Mặc khải về mối liên hệ hỗ tương giữa “yêu” và “giữ lời” được đặt trong bối cảnh câu hỏi của ông Giuđa: “Thưa Thầy, làm thế nào mà Thầy tỏ mình cho chúng con mà không cho thế giới?”. Điều này có nghĩa rằng, Đức Giêsu không có ý giới hạn đối tượng đón nhận mặc khải của Người (chỉ cho các môn đệ mà thôi), nhưng vấn đề là có một bộ phận thế gian không tin và yêu Người. Những người không yêu Đức Giêsu thì sẽ không đón nhận và giữ “lời” của Người được. Ngay từ đầu, trong Lời Tựa, tác giả đã cho thấy có sự phân chia giữa những người không đón nhận Đức Giêsu và những người tin vào Người: “Người ở trong thế gian, thế gian nhờ Người mà được tạo thành, nhưng thế gian không biết Người. Người đã đến nhà mình nhưng người nhà của Người đã không tiếp đón, nhưng đối với những người đón nhận Người, những người tin vào danh Người, Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,10-12). Trong quãng đường rao giảng, có nhiều người tin yêu Người, nhưng cũng có những người thù ghét và muốn giết chết Người.

2.     Cha của Thầy sẽ yêu người ấy: Chuỗi hiệu quả của việc yêu và giữ lời của Đức Giêsu là được Chúa Cha yêu. Hơn thế nữa, cả Chúa Cha và Đức Giêsu cùng đến với và “làm nhà” bên cạnh người ấy. Nghĩa là, Đức Giêsu bảo đảm cho người yêu Chúa một nơi ở vững chắc với Chúa.[5] Đầu chương 14, Đức Giêsu đã an ủi các môn đệ và cũng hứa về một chỗ ở: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến mang anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3). Tình yêu mà các môn đệ dành cho Đức Giêsu kéo họ lại gần với Đức Giêsu và Chúa Cha. Tình yêu của các môn đệ đối với Đức Giêsu không phải là điều kiện để Chúa Cha yêu thương họ, vì Chúa Cha yêu thương họ cách vô điều kiện. Đúng hơn, nên hiểu cách nói “Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy” như là sự cảm nghiệm của “người ấy” về tình yêu và sự hiện diện của Đức Giêsu. Nghĩa là, khi người ta yêu Đức Giêsu, người ta ở lại trong tình yêu của Người và cũng cảm nghiệm được tình yêu Chúa Cha dành cho mình.

3.     Nói với anh em khi Thầy còn ở với anh em… trước khi nó xảy ra: Thời điểm Đức Giêsu nói những điều này nhấn mạnh hai lần. Lần thứ nhất Người nhấn mạnh là “nói đang khi còn ở với anh em”. Lần thứ hai Người nói là “đã nói trước khi sự việc xảy ra”. Mục đích của việc nói trước là “để anh em tin”. Khi sự việc xảy ra giống như những điều Đức Giêsu đã nói, các môn đệ tin rằng Đức Giêsu biết hết mọi sự và mọi sự xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa. Qua đó, họ tin rằng những lời Đức Giêsu nói đều là sự thật và rất đáng tin cậy.

4.     Đấng Paráclêtos, Thánh Linh: Trong gần 5 chương (13,1 – 17,26), tác giả Gioan ghi lại rất nhiều điều Đức Giêsu căn dặn các môn đệ trước Cuộc Thương Khó. Một trong những giáo huấn quan trọng là sự mạc khải về Đấng “Paráclêtos”. Đề tài về Đấng này trải dài trong cả ba chương 14,15 và 16. Đây là đoạn văn thứ hai trong số năm đoạn văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng Paráclêtos trong Tin Mừng thứ tư (Ga 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15).[6] Tên gọi Paráclêtos và những đoạn văn nói về sứ vụ và vai trò của Đấng này là tài liệu độc quyền của Gioan. Trong năm lần này, có hai lần Đấng “Paráclêtos” được định nghĩa bằng hai danh xưng tương đương: (1) Đấng Pnêuma thánh (τὸ πνεῦμα τὸ ἅγιον, thường được dịch là Thánh Thần, Holy Spirit: 14,26); (2) Pnêuma sự thật (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας, thường dịch là Thần Khí Sự Thật: 14,17; 15,26; 16,13). Rất khó để dịch nghĩa danh từ “τὸ πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp. Tiếng Anh dịch nghĩa là “the Spirit”, Tiếng Ý và Tiếng Pháp tương ứng là “lo Spirito” và “l’Esprit”. Tiếng Việt dịch là “Thần Khí” (CGKPV, NTT). “πνεῦμα” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gió”, “hơi thở”, “sinh khí”, “tinh thần”, “linh hồn”, đôi khi là “hồn ma” nữa (Lc 24,37.39). Rõ ràng, không có chút “thần” nào trong từ ngữ này cả, nên dịch là “Thần Khí” có vẻ không diễn tả được rõ nghĩa của danh xưng này. Có lẽ nên gọi theo lối chuyển tự là “Pnêuma”. Danh xưng “Pnêuma”, đã xuất hiện trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả: “Tôi đã thấy ‘Pnêuma’ đi xuống từ trời như một con bồ câu và ở lại trên Người” (Ga 1,32-33). Trong cuộc thảo luận với Nicôđêmô, Đức Giêsu cũng đã đề cấp đến “Pnêuma” đối lại với xác thịt: “Cái được sinh ra từ ‘Pnêuma’ là tinh thần, cái được sinh ra từ xác thịt là xác thịt” (Ga 3,6.8). Khi ghi chú về “nước hằng sống”, người thuật chuyện của Tin Mừng thứ tư đã cho rằng: “Người nói về ‘Pnêuma’, Đấng mà các tín hữu phải lãnh nhận; bởi vì chưa có ‘Pnêuma’ vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,39). Trong bối cảnh chương 14,15, và 16, tác giả nói đến “Pnêuma sự thật” ba lần: “Đây là “Pnêuma sự thật”, Đấng mà thế giới không thể đón nhận, bi vì nó không thấy và cũng không biết Người” (Ga 14,17); “Pnêuma sự thật” Đấng đến từ Cha, Người sẽ làm chứng thay cho Thầy” (Ga 15,26); “khi ‘Pnêuma sự thật đến’, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Danh xưng “Pnêuma thánh” chỉ xuất hiện ba lần trong Tin Mừng thứ tư (Ga 1,33; 14,26; 20,22). Danh xưng “Pnêuma thánh” được Gioan sử dụng hai lần khác nữa. Lần thứ nhất, trong bối cảnh Gioan làm chứng về Đức Giêsu, ông nhắc đến “Đấng làm Phép Rửa” trong “Pnêuma thánh” và lần còn lại trong bối cảnh Đức Giêsu trao ban “Pnêuma thánh” cho các Tông Đồ sau khi Người Phục Sinh: “Hãy nhận lấy “Pnêuma thánh” (Ga 20,22). Danh xưng “Paráclêtos” được ghép bởi tiếp đầu ngữ “παρά” (para) và tính từ “κλητός” (kletos).  Tính từ “kletos” có nghĩa là “được mời, được gọi,” có cùng gốc với động từ “καλέω” (gọi). Tiếp đầu ngữ “para” là một giới từ thường có nghĩa là “từ, nguồn gốc từ”. Giới từ này được dùng để diễn tả nguồn gốc của Đấng “Paráclêtos”: “Đấng mà tôi sẽ gửi đến từ Cha, “Pnêuma sự thật”, Đấng phát xuất từ Cha, Đấng ấy sẽ làm chứng về tôi” (15,26).  Tuy vậy, “Paráclêtos” lại có nghĩa chẳng liên quan gì đến sự mời gọi, nhưng có lẽ danh xưng có liên quan đến nguồn gốc: “Từ Cha”. Danh từ “Paráclêtos” có nhiều nghĩa khác nhau: “người giúp đỡ”; “người an ủi”, “người bào chữa”, “người bảo vệ”, “người trung gian”. Chính vì thế, dịch theo nghĩa nào cũng không thỏa đáng. Trong bối cảnh hai đoạn văn này, Đấng “Paráclêtos” được định nghĩa là “Pnêuma thánh” và với hai chức năng đi kèm: giảng dạy và làm nhớ lại.[7] Nguồn gốc của Đấng Paráclêtos là từ Chúa Cha: “Đấng mà Chúa Cha gửi đến nhân danh Thầy”. Trước đó, Đức Giêsu đã nói là “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Paráclêtos khác, đến ở cùng anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Có khi Đức Giêsu lại nói rằng Đấng Paráclêtos là Đấng mà Người sẽ gửi đến từ Chúa Cha, Đấng phát xuất từ Chúa Cha (Ga 15,26). Có lẽ, nên hiểu rằng Chúa Cha gửi Đấng Paráclêtos qua Đức Giêsu. Chính vì thế, chính Đức Giêsu đã trao ban “Pnêuma thánh” cho các Tông Đồ sau khi Người Phục Sinh: “Hãy nhận lấy “Pnêuma thánh” (Ga 20,22). Đức Giêsu cũng tự giới thiệu mình như là Đấng được Cha sai đến (5,38; 6,29; 10,36; 13,20; 17,3). Cách giới thiệu này nói lên nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giêsu: Người đến từ Chúa Cha và thi hành sứ vụ Chúa Cha trao. Đấng Paráclêtos cũng được Chúa Cha sai đến, nên Người cũng có nguồn gốc từ Chúa Cha và thi hành sứ vụ của Chúa Cha.[8] “Được sai đến nhân danh” Đức Giêsu, nghĩa là Đấng Paráclêtos có vai trò đại diện cho Đức Giêsu, làm cho tất cả những mặc khải của Đức Giêsu được hiểu biết trọn vẹn và thi hành cách hiệu quả.[9]

5.     Dạy anh em tất cả và làm cho anh em nhớ lại tất cả”: Có rất nhiều vai trò của Đấng Paráclêtos được đề cập trong Tin Mừng thứ tư như là “ở lại với các môn đệ”; “chứng minh sự sai lầm của thế gian”; “dẫn đường (dạy)”, “loan báo” và “tôn vinh”. Trong đoạn văn này, hai vai trò của Đấng “Paráclêtos” cụ thể là “dạy” và “làm nhớ lại”. Nội dung “dạy” được mở ra đến vô hạn – “tất cả” (πάντα) và phạm vi “làm nhớ lại” cũng mở rộng hết tất cả những điều Đức Giêsu đã nói (πάντα ἃ εἶπον ὑμῖν). Đấng Paráclêtos dạy “tất cả” không có nghĩa rằng Đấng ấy dạy nhiều hơn Đức Giêsu trong sứ vụ của Người, nhưng là, Đấng ấy làm cho các môn đệ có thể thấy ý nghĩa đầy đủ của những lời của Đức Giêsu. Câu này có thể được hiểu trong ánh sáng của Ga 16,13-14: “Đấng Paráclêtos sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người không tự mình nói, nhưng sẽ chỉ nói những điều Người nghe … vì chính từ nơi tôi mà Người sẽ lãnh nhận điều mà Người công bố cho anh em””.[10] Tác giả R. Brown (dẫn lời của tác giả Bultman) tin rằng “dạy” và “làm nhớ lại” không phải hai chức năng khác nhau của Đấng Paráclêtos, nhưng những khía cạnh khác nhau của cùng một chức năng.[11] Quả thực, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ rất nhiều, nhưng các ông không thể hiểu hết được. Tin Mừng Nhất Lãm đã nhiều lần cho thấy các môn đệ nhiều lần “ngu muội” (Mc 6,52; 8,17); “kém tin” (Mt 6,30; 14,31; 17,20; Lc 12,28) và không hiểu (Mt 16,11; Mc 4,13; 7,18), nhất là những lời dạy của Người liên quan đến mầu nhiệm khổ nạn (Mc 9,32; Lc 9,45; 18,34). Tác giả Tin Mừng Gioan cũng ghi lại việc các môn đệ không hiểu lời của Đức Giêsu (Ga 10,6; 12,16; 16,18). Có nhiều điều Đức Giêsu muốn nói nhưng các môn đệ không có sức chịu nổi (Ga 16,12). Có hai tình huống, trong đó, tác giả ghi chú về sự “nhớ lại” và nhận ra ý nghĩa của sự kiện của các môn đệ. Thứ nhất, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ “nhớ lại” lời Đức Giêsu nói về việc “đền thờ bị phá hủy và được phục hồi trong ba ngày” (Ga 2,17). Họ đã tin vào lời Thánh Kinh và tin vào lời của Đức Giêsu. Sau khi Đức Giêsu được tôn vinh, các môn đệ mới “nhớ lại” sự kiện Người được chào đón, hoan hô như một vị vua khi bước vào thành Giêrusalem (Ga 12,16). Những sự nhớ lại này chắc chắn dưới tác động của quyền năng “dạy” và “gợi nhớ” của Đấng Paráclêtos. Đấng Paráclêtos không chỉ gợi nhớ sự kiện, mà còn làm cho các môn đệ nhận ra ý nghĩa và dẫn đến niềm tin vào tất cả những gì Đức Giêsu dạy.[12]  

6.     Để lại bình an … ban bình an: Trong khung cảnh các môn đệ đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, thì sự bình an là điều quan trọng nhất. Họ buồn vì có một người anh em đã rời khỏi vòng tay huynh đệ để đi vào “bóng đêm” của tội lỗi. Tông Đồ Giuđa đã được báo trước là sẽ nộp Thầy và đã bước ra khỏi phòng Tiệc Ly (Ga 13,21-30). Họ lo buồn, vì Đức Giêsu cho biết rằng Tông Đồ đá tảng Phêrô sẽ chối Thầy đến ba lần, trong đêm mà Tông Đồ Giuđa nộp Thầy (Ga 13,36-38). Họ hoảng sợ, vì ít lâu nữa Đức Giêsu sẽ rời họ mà họ không biết Người đi về đâu và không thể đến với Người (Ga 13,33). Sự bất an của họ không chỉ là vì sự thiếu vắng Thầy, nhưng còn là sự bách hại trong tương lai (Ga 16,33). Điều các môn đệ rất cần lúc bấy giờ rõ ràng là một sự bình an đích thực. Trước đó, Đức Giêsu đã trao ban cho họ một món quà quan trọng để ổn định cộng đoàn. Đó là “điều răn mới”: Yêu như Thầy đã yêu. Khi nào các môn đệ còn giữ “điều răn mới”, họ vẫn còn cảm nhận được tình yêu của Đức Giêsu đang lan tỏa trong cộng đoàn của mình. Kế đến, Đức Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha gửi một Đấng Bảo Trợ khác, đến và ở với các môn đệ luôn mãi (Ga 14,16). Đấng Paráclêtos sẽ thay thể sự hiện diện thể lý của Đức Giêsu, để nâng đỡ, ủi an, dạy, và làm nhớ lại tất cả những điều Đức Giêsu đã nói.[13] Giờ đây, Đức Giêsu lại ban bình an cho các môn đệ. “Sự bình an của Đức Giêsu” được định nghĩa bằng cách so sánh với “bình an của thế gian”: “Thầy ban không như thế gian ban”. Sự bình an của Đức Giêsu có thể là hiệu quả của sự hiện diện luôn mãi của Đấng Paráclêtos, cùng với sự hiện diện của Chúa Cha và Đức Giêsu dành cho những ai tuân giữ “lời” của Người.[14] Sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời người môn đệ là sự bình an đích thực. Sự bình an mà Đức Giêsu “để lại” cho các môn đệ có thể là hiệu quả của cuộc thương khó – chết – Phục Sinh của Người. Đó là ơn cứu độ của Vương Quốc Thiên Chúa.[15] Ngôn sứ Isaiah đã nói đến Đấng Mêsiah như là một Đấng mang hòa bình: “Người sẽ được gọi là cố vấn tuyệt vời, Thiên Chúa quyền năng và hoàng tử hòa bình” (Is 9,6); “Đẹp thay trên các núi đồi, bước chân của sứ giả công bố sự bình an, người mang tin tốt lành, công bố ơn cứu độ, người nói cùng Sion ‘Đức Chúa của ngươi thống trị” (Is 52,7). Thánh Phaolô giới thiệu Nước Thiên Chúa như là “sự công chính, hòa bình và hoan lạc trong Thánh Linh” (Rm 14,17). Tất cả trở nên hiện thực khi Đức Giêsu ra đi và trở lại. Sự bình an của Chúa không đơn giản chỉ là không có chiến tranh, bách hại,[16] nhưng là sự bình an của nội tâm, sự yên tâm vì có Chúa, ngay cả trong những đau khổ của cuộc đời. Sự hiện diện của tình yêu Chúa và sự tin tưởng vào ơn cứu độ sẽ giúp cho các môn đệ không ưu sầu và sợ hãi. Sự bình an của Chúa sẽ đạt đến viên mãn, vĩnh cửu, tròn đầy trong thời cánh chung.

7.     Thầy đi và đến cùng anh em: Trước đó ít lâu, Đức Giêsu đã nói cùng các môn đệ về sự ra đi của Người: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi, anh em sẽ tìm kiếm Thầy nhưng như Thầy đã nói với những người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các Người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói cùng anh em” (Ga 13,33). Ông Phêrô đã hỏi rằng: “Thầy đi đâu? Đức Giêsu trả lời rằng, nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể đến được, nhưng sau này anh sẽ đi theo” (Ga 13,36). Ông Tôma lại hỏi: “Thưa Thầy! chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao biết được đường? Đức Giêsu trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,5-6). Sự ra đi của Đức Giêsu là đi vào cuộc thương khó, cũng là con đường “rời thế gian mà đi về với Chúa Cha” (Ga 13,1). Sự ra đi của Đức Giêsu không phải là sự chia tay vĩnh viễn mà chỉ là tạm thời. Người cũng đã nói về sự trở lại của Người: “Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến mang anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó với Thầy” (Ga 14,1-3); “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (ἔρχομαι πρὸς ὑμᾶς, 14,18). Và Đức Giêsu cho biết là các môn đệ lại được gặp Người, lý do là “vì Người sống và anh em cũng sẽ sống” (Ga 14,19). Như vậy, sự chia tay giữa Đức Giêsu và các môn đệ chỉ là tạm thời, và sự gặp lại mới kéo dài vĩnh viễn. Thực tế, Đức Giêsu đã chết và phục sinh để mang lại sự sống vĩnh cửu cho các môn đệ và tất cả những ai tin vào Người. Các môn đệ sẽ trải qua kinh nghiệm vắng bóng Chúa một thời gian, nhưng rồi họ sẽ lại gặp Chúa và nhất là Người lại đến trong vinh quang để mang các môn đệ về với mình.

8.     Vui mừng vì Thầy đi đến cùng Cha: Niềm vui các môn đệ chia sẻ sự “tôn vinh” của Đức Giêsu. Đi đến với Chúa Cha có nghĩa là hoàn tất sứ vụ cứu độ mà Chúa Cha giao phó. Các môn đệ có thể chung vui với Thầy của mình. Hơn thế nữa, các môn đệ vui mừng vì ơn cứu độ, và sự bình an vĩnh cửu mà “sự ra đi và đến” của Đức Giêsu mang lại cho họ và cho nhân loại. Niềm vui này được Đức Giêsu diễn tả rõ ràng, nhấn mạnh hơn về ngày tái ngộ giữa Thầy và trò: “Anh em sẽ khóc lóc và đau buồn, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ ưu sầu, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20); “Bây giờ anh em ưu sầu, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Những lời hứa này được hiện thực hóa khi Đức Giêsu Phục Sinh xuất hiện, ban bình an, cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20: ἐχάρησαν οὖν οἱ μαθηταὶ ἰδόντες τὸν κύριον). Sự bình an và niềm vui được hiện thực hóa trong lời chào của Đấng Phục Sinh. Tuy nhiên, chắc chắn rằng niềm vui của các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc thấy Đức Giêsu Phục Sinh, mà còn kéo dài đến vô tận khi họ được sống lại với Chúa trong ngày sau hết: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28); “Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người” (Ga 17,2).

Bình Luận Tổng Quát

Khởi đầu những lời từ biệt, Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ một điều răn mới: Điều răn yêu thương. Tình yêu được đặt nền tảng trên tình yêu của Đức Giêsu, nghĩa là yêu đến chết, làm cho điều răn yêu thương trở nên mới mẻ và hoàn hảo. Khi các môn đệ giữ điều răn mới của Đức Giêsu, thì họ đang làm cho tinh thần yêu thương của Đức Giêsu luân chuyển trong cộng đoàn. Giữ các điều răn hay tất cả những lời Đức Giêsu dạy chứng tỏ rằng các môn đệ yêu Đức Giêsu. Ai giữ lời của Đức Giêsu cũng chính là giữ lời của Chúa Cha: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Một khi các môn đệ yêu và giữ Lời của Đức Giêsu thì họ sẽ được Chúa Cha yêu. Hơn nữa, cả Chúa Cha và Chúa Con cùng đến và làm nhà bên cạnh người ấy. Một khi các môn đệ yêu Chúa và yêu Đức Giêsu, họ cảm nghiệm được Chúa yêu thương họ và đang sống trong họ. Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi của ông Giuđa: “Tại sao Thầy tỏ mình cho chúng con mà không cho thế gian?” bằng cách diễn tả mối tương quan giữa “yêu” và “giữ lời”. Người ngụ ý rằng, Đức Giêsu tỏ mình ra cho tất cả mọi người, nhưng chỉ những ai yêu mến Người mới đón nhận được mặc khải của Người. Trước viễn cảnh vắng mặt về thể lý và các môn đệ vẫn chưa hiểu hết những mầu nhiệm mà Đức Giêsu đã mặc khải, Đấng Paráclêtos sẽ được gửi đến để “dạy” và “gợi nhớ” tất cả những điều Đức Giêsu đã nói. Đấng ấy sẽ dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ tiếp nối và hoàn tất sứ vụ của Đức Giêsu, đặc biệt trong sứ vụ loan Tin Mừng cho toàn cõi đất. Ngoài điều răn mới, Đấng Paráclêtos, Đức Giêsu còn ban cho các môn đệ nguồn bình an đích thực, bình an không như thế gian ban. Bình an của Đức Giêsu là sự mạnh mẽ phó thác trong nội tâm, giúp các môn đệ vượt qua mọi sóng gió trong cuộc đời, nhất là những cơn bách hại. Bình an ấy cũng chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ qua cái chết và sự phục sinh của Người. Việc Người chiến thắng sự chết, mang lại cho các môn đệ hy vọng phục sinh và hòa bình viên mãn, vĩnh cửu. “Sự ra đi, và đến” của Đức Giêsu mang lại cho các môn đệ niềm vui qua hai giai đoạn. Các môn đệ vui mừng khi được thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ nên trọn và kéo dài vĩnh cửu khi họ được sống mãi với Chúa trên Thiên Quốc.

Yêu Đức Giêsu đồng nghĩa với việc giữ “lời” của Người. Yêu Đức Giêsu là quan tâm đến ý muốn của Chúa, như Đức Giêsu su đã yêu Chúa Cha và luôn đặt mong muốn của Chúa Cha lên trên ý muốn của mình. “Lời” của Đức Giêsu bao gồm cả điều răn mới: “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương”. Mức độ người ta yêu thương người khác, có thể là thước đo chính xác cho mức độ người ta yêu Chúa. Có vẻ không phù hợp khi nói rằng “yêu Chúa thì dễ, còn yêu người thì khó”, vì thực tế không thể tách rời giữa rành rọt hai lãnh vực “yêu Chúa và yêu Người”. Yêu Chúa đích thực đồng nghĩa với việc yêu người như Chúa yêu, vì đó là điều Chúa dạy, điều Chúa muốn. Nếu tôi chưa thể làm điều Chúa muốn, thì coi chừng tôi chưa yêu Chúa thật, hoặc là tình yêu của tôi dành cho Chúa chưa trọn vẹn mà chỉ chừng mực, giới hạn mà thôi. Những gới hạn đó có thể chỉ là đi dự Lễ, giữ Luật, tham gia các hội đoàn, nhóm cầu nguyện, đi hành hương khi thuận tiện… hoặc là chỉ yêu những người đáng yêu, những người mang lại niềm vui và lợi ích cho mình… Mỗi người kitô hữu đều được mời gọi nỗ lực hết mình trong hành trình yêu Chúa bằng cách yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt ai và làm tất cả mọi sự theo thánh ý Chúa.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.



[1] Tin Mừng thứ tư được chia thành bốn phần chính; (1) Lời Tựa (1,1-18); (2) Sách các dấu (1,19 – 12,50); (3) Sách của sự vinh quang (13,1 – 20,29); (4) Phần kết (21,1-25 [F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu e al.) (New York, 2008) 1110-1111].

[2] Xem thêm về “Điều răn mới” trong J.P.D.Thạch, “Điều Răn Mới Có Gì Mới? Chú Giải Tin Meng CN V PS C” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: “ĐIỀU RĂN MỚI” CÓ GÌ MỚI? Chú Giải Tin Mừng CN V PS C (Ga 13,31-35) (josephpham-horizon.blogspot.com)]

[3] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 638.

 [4] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 256.

[5] “In reply to the question of Judas, that essentially eschatological reality is represented under a different eschatological image, namely that of the “coming” of the Father and Son to the believer to dwell with him” (cf. Ezek 37:26–27; Zech 2:10; Rev 21:3) (G.R. Beasley-Murray, John, 260).

[6] 1. Ga 14,15-17. Ở lại mãi mãi với các môn đệ; 2. Ga 14,25-26, “Dạy” và “làm nhớ lại”; 3. Ga 15,26-27. Làm chứng trước và trong các môn đệ; 4. Ga 16,7-11.  Chứng minh thế gian sai lầm; 5. 16,12-15. Dẫn đường, loan báo, tôn vinh (X. Giuse Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an)” (Tin Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Đấng Pa-rác-lê là ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập 17/05/2021).

[7] Tác giả Lê Minh Thông đề xuất tìm hiểu danh từ “Pa-rác-lê-tos” trong văn chương Hy Lạp. Trong văn chương Hy lạp nó có nghĩa là “người bênh vực” hay là “luật sư”, người có vai trò pháp lý trong vụ kiện. Có thể dịch nghĩa là “trạng sư”, “luật sư”, “người bào chữa”, “người bênh vực”. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng những nghĩa này không phải là cách hiểu của tác giả Tin Mừng thứ tư. (X. Giuse Lê Minh Thông, tài liệu đã dẫn)

[8] G.R. Beasley-Murray, John, 261.

[9] Ibid; “Here “in my name” may also refer to the conduct of the mission: the Paraclete’s mission is the completion of Jesus’ mission”. (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 653).

[11] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 651; “The two tasks are strictly complementary, almost identical” (G.R. Beasley-Murray, John, 261).

[12] G.R. Beasley-Murray, John, 261.

[13] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP4; Collegeville 1997) 410.

[14] “The gift of peace, therefore, is intimately associated with the gift of the Spirit-Paraclete, the ongoing presence of Jesus in his absence (ef. vv. 16-17, 26), the source of the disciples' being loved by the Father and the Son, the agent for the ongoing revelation of both Jesus and the Father to the one who loves Jesus and keeps his commandments in the in-between-time (vv. 20-21)” (Ibid.); “In departing Jesus says “Shalom” to his disciples; but his “Shalom” is not the thoughtless salutation of ordinary men—it is the gift of salvation” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 651).

[15] G.R. Beasley-Murray, John, 262.

[16] “The peace of which Jesus speaks has nothing to do with the absence of warfare (indeed it will come only after the world has been conquered: 16:33), nor with an end to psychological tension, nor with a sentimental feeling of well-being” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 653).

No comments:

Post a Comment