Thursday, 2 December 2021

TỪ PHÉP RỬA HOÁN CẢI ĐẾN ƠN CỨU ĐỘ. Chú Giải Tin Mùng CN II MV C (Lc 3,1-6)

 Bản văn và bản dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

Ἐν ἔτει δὲ πεντεκαιδεκάτῳ τῆς ἡγεμονίας Τιβερίου Καίσαρος, ἡγεμονεύοντος Ποντίου Πιλάτου τῆς Ἰουδαίας, καὶ τετρααρχοῦντος τῆς Γαλιλαίας Ἡρῴδου, Φιλίππου δὲ τοῦ ἀδελφοῦ αὐτοῦ τετρααρχοῦντος τῆς Ἰτουραίας καὶ Τραχωνίτιδος χώρας, καὶ Λυσανίου τῆς Ἀβιληνῆς τετρααρχοῦντος,

 2  ἐπὶ ἀρχιερέως Ἅννα καὶ Καϊάφα, ἐγένετο ῥῆμα θεοῦ ἐπὶ Ἰωάννην τὸν Ζαχαρίου υἱὸν ἐν τῇ ἐρήμῳ.

 3  Καὶ ἦλθεν εἰς πᾶσαν [τὴν] περίχωρον τοῦ Ἰορδάνου κηρύσσων βάπτισμα μετανοίας εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν,

 4  ὡς γέγραπται ἐν βίβλῳ λόγων Ἠσαΐου τοῦ προφήτου· φωνὴ βοῶντος ἐν τῇ ἐρήμῳ· ἑτοιμάσατε τὴν ὁδὸν κυρίου, εὐθείας ποιεῖτε τὰς τρίβους αὐτοῦ·

 5  πᾶσα φάραγξ πληρωθήσεται καὶ πᾶν ὄρος καὶ βουνὸς ταπεινωθήσεται, καὶ ἔσται τὰ σκολιὰ εἰς εὐθεῖαν καὶ αἱ τραχεῖαι εἰς ὁδοὺς λείας·

 6  καὶ ὄψεται πᾶσα σὰρξ τὸ σωτήριον τοῦ θεοῦ.

(Lc 3,1-6 BGT)

1Vào năm thứ 15 của triều đại Tiberios Caisar, Pontios Pilatos cai trị vùng Giuđaia, Êrôđes là tiểu vương vùng Galilaia, Philippos, em của ông làm tiểu vương vùng Ituraios và Trakhonitis Lysanias làm tiểu vương vùng Abilene.

2 AnnasCaiaphas làm thượng tế, có lời Chúa trên Gioanes, con ông Dacarias trong hoang địa.

3 Và ông đi khắp vùng phụ cận của Giorđanes rao giảng Phép Rửa của lòng hoán cải nhằm được ơn tha tội.

4 Như đã được chép trong sách của lời ngôn sứ Esaias: “Có tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy làm con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người’.

5 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru.

6 Và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.



Bối cảnh

Đoạn Lc 3,1-6 nằm trong phần được gọi là “chuẩn bị cho sứ vụ công khai” (3,1 – 4,13). Phần này nằm ngay sau phần “Giáng sinh và thời thờ ấu” (1,5 – 2,52) và ngay trước phần nói về “sứ vụ tại Galilaios (4,14 – 9,50).[1] Gioan Tẩy Giả được giới thiệu như là người dọn đường cho Đức Giêsu. Vì thế, trước khi Đức Giêsu rao giảng, Gioan Tẩy Giả rao giảng trước như là một bước chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu. Trong bối cảnh gần Lc 3,1-6 là phần đầu tiên nói về sứ vụ rao giảng và làm Phép Rửa của Gioan trong 3,1-20. Luca đưa Gioan vào trung tâm sân khấu của sứ vụ ngôn sứ rồi lại rút Gioan ra để nhường chỗ lại cho Đức Giêsu.[2] Trong bối cảnh rộng hơn, ngay trong phần trình thuật về Giáng Sinh và thời thơ ấu của Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả, Luca đã cho thấy một sự nối kết gần gũi, kẻ trước người sau trong những trình thuật song đối của mình. Truyền tin cho ông Dacarias (Cha của Gioan Ty Giả) (1,5-25) // Truyền tin Đức Maria (Mẹ của Đức Giêsu) (1,26-38); Bài Ca Magnificat của Đức Maria (1,46-55) // Bài ca Benedictus của ông Dacarias (1,67-79); Gioan Tẩy Giả được sinh ra (1,57-58)// Giáng Sinh của Đức Giêsu (2,1-20); Gioan được cắt bì (1,59-66)// Đức Giêsu được cắt bì (2,21); Gioan Tẩy Giả sống ẩn giật (2,80)// Đức Giêsu sống ẩn giật (2,39-40). Hơn nữa, Luca cũng là tác giả duy nhất cho biết Gioan Tẩy Giả là người anh họ của Đức Giêsu. Nơi Luca, độc giả có thể thấy được sứ mạng của Gioan ngay từ lúc chưa lọt lòng mẹ, đã hòa quyn với sứ vụ nhập thể của Đức Giêsu. Gioan rao giảng Phép Rửa để của lòng hoán cải để được ơn tha tội, còn Đức Giêsu sẽ là Đấng ban ơn tha tội (Lc 4,18; 5,20.23). Người cũng là Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Sứ vụ của Gioan được Luca nối kết với lời tiền báo trong sách ngôn sứ Isaiah (Is 40,3-5) nói về một tiếng của người hô trong hoang địa. Địa danh Giorđan được nhắc đến nơi ông Gioan rao giảng và lam Phép Rửa. Đức Giêsu cung sẽ chịu Phép Rửa tại sông Giorđan. Chủ đề ơn cứu độ là một chủ đề quan trọng trong truyền thống Tin Mừng. Ngôn sứ lão thành Simêon đã cầu xin cho mình được nghỉ yên vì chính mắt ông đã thấy “ơn cứu độ của Chúa” (Lc 2,30; x. Lc 19,9; Cv 2,21; 4,12).

Cấu trúc

Bối Cảnh Lịch Sử: (3,1-2a)

Ơn gọi: Có lời Chúa trên Gioanes (3,2b)

Sứ mạng: Ra đi và rao giảng Phép Rửa của lòng hoán cải (3,3).

Lời trích sách ngôn sứ Isaiah (3,4-6)

Hãy làm con đường của Chúa,

làm cho thẳng lối đi của Người(3,4).

Mọi thung lũng – lấp đầy

Mọi đồi núi – san bằng,

Những điều quanh co – thẳng tắp

Những đường gồ ghề thành đường trơn tru (3,5)

Mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (3,6).

Một số điểm chú giải

1.     Bối cảnh lịch sử: Khác với những tác giả Tin Mừng Nhất Lãm khác, Luca đưa ra một bối cảnh lịch sử khá chi tiết về thời điểm Gioan bắt đầu sứ vụ rao giảng, và dĩ nhiên đó cũng là bối cảnh của sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Tin Mừng Luca được viết cho các tín hữu nói tiếng Hy Lạp ngoài vùng Palestin. Vì thế, những chi tiết về bối cảnh lịch sử liên quan đến vùng đất Palestin, rất bổ ích cho độc giả của ông, và dĩ nhiên nó cũng có ý nghĩa thiết thực cho các độc giả qua mọi thời đại. Hơn nữa, Luca như muốn ấn định sứ vụ rao giảng của Gioan Tẩy Giả vào dòng lịch s thế giới chứ không phải chỉ là sản phẩm văn chương. Các nhân vật mà Luca liệt kê danh tánh đều là những nhân vật lịch sử. Caisar Tiberios là hoàng đế thứ hai của đế quốc Rô-ma đô hộ tỉnh Giudaia. Hoàng đế thứ nhất là Caisar Augusto, 30 BCE – 40 CE). Tiberios Caisar cai trị miền Giudaia từ năm 14 CE đến năm 37 CE. Năm thứ mười lăm triều của hoàng đế này có lẽ vào khoảng năm 28 hoặc 29 CE.[3] Trong khoảng thời gian từ năm 6 đến năm 41 CE, hoàng đế Rô-ma thường đặt một tổng trấn để thay mặt hoàng đế coi sóc tỉnh Giudaia. Pontios Pilatos là một Tổng Trấn (tương đương với một Tỉnh Trưởng) của Rôma, đời thứ ba tại tỉnh Giuđaia, và là người cai trị lâu thứ hai trên vùng đất này (26-36 C.E.).[4] Tỉnh Giudaia có thể bao gồm cả Samari và Idumea.[5] tướng Pompey (thời hoàng đế Julius Caisar) chiếm vùng Palestin năm 63. Ít lâu sau đó, hoàng đế Rôma Caisar Augusto bổ nhiệm vua Êrôđes Cả làm vua chư hầu cả vùng Palestin (40 - 4 BCE). Sau khi vua Êrôđes cả qua đời, hoàng đế Caisar Augusto chia vương quốc của Êrôđes Cả thành ba miền, và cho ba người con Êrosđes Cả. Ông Êrôđes Antipas làm tiểu vương vùng Galilaia và Perea (4 CE – 39 CE); Ông Êrôđes Philippos, anh của ông làm tiểu vương vùng Ituraios và Trakhonitis (4 BCE – 34 CE); Ông Êrôđes Archelaus làm tiểu vương vùng Giudaia trong vòng thời gian ngắn (4 BCE – 6 CE). Sau khi ông Êrôđes Archelaus b truất phế (do đề xuất của các phái đoàn Do Thái và người Samari), Giudaia chính thức trở thành một tỉnh của Rôma và bắt đầu thời kỳ các Tổng Trấn (6 CE – 40 CE).

Những Thượng Tế quan trọng được liệt kê trong danh sách là ông Annas (6 – 15 CE) và ông Caiaphas (18 – 36), con rể của ông Annas.[6] Đúng ra, vào thời Gioan rao giảng, thì ông Annas đã hết nhiệm kỳ làm Thượng Tế, nhưng có lẽ do tầm ảnh hưởng của ông vẫn còn lớn nên ông vẫn được Luca liệt vào danh sách hai vị Thượng Tế. Chính vì vị thế của ông vẫn còn, nên theo tác gi Tin Mừng thứ tư, khi bắt Đức Giêsu, quân lính dẫn Người đến nhà nhà ông Annas trước để chịu thẩm vấn, sau đó mới đến nhà Thượng Tế Caiaphas (x. Ga 18,13.24).[7]

Dữ liệu mà Luca gây tranh cãi và không có giải đáp thỏa đáng giữa các chuyên gia đương đại, là ông Lysanias làm tiểu vương vùng Abilene (phía Tây của Damascus). Có lẽ, Luca nghĩ rằng lãnh thổ của vua Êrođes được chia làm bốn phần nên ông thêm vào dữ liệu “ông Lysanias làm tiểu vương vùng Abilene”. Tuy nhiên, cũng có thể qua dữ liệu này, tác giả càng cho thấy ông có ý định gây chú ý đến thế giới dân ngoại hay đặc biệt để ý đến vùng này. Bởi lẽ, Abilene có gốc gác là một phần của Ituraios và sau đó hoàng đế Caius Caligula cùng với phần lãnh thổ của Êrođes Philippos cho Êrođes Agrippa I vào năm 37 CE. Vào thời điểm Luca viết Tin Mừng, vùng này thật sự là lãnh thổ của vua người Do Thái Agrippa II (53-100 CE).[8] Với phần bối cảnh lịch sử này, Luca muốn giới thiệu với các tín hữu rằng Palestin vào thời Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả đang chịu ách nô lệ ngoại bang, có bối cảnh chính trị khá phức tạp. Từ bối cảnh ấy, vị ngôn sứ dọn đường cho Đấng Ki-tô xuất hiện mang đến một niềm hy vọng giải thoát cho dân nghèo lầm than, khốn khổ. Trong các nhân vật này, Êrodes Antipa ảnh hưởng lớn đến sứ vụ của Gioan. Ông bị Gioan lên án là “lấy vợ của anh trai mình” (Êrodias, vợ của tiểu vương Philippos) và nhiều tội ác khác nữa. Vì thế, ông đã tống ngục (Lc 3,18-20) và cho xử trảm Gioan Tẩy Giả sau đó (Lc 9,9). Ông ao ước gặp Đức Giêsu (Lc 9,9), nhưng rồi tỏ ra thất vọng vì Đức Giêsu không trả lời gì cả và không làm dấu lạ cho ông xem (Lc 23,8-12). Giống như Pilatos, Êrođes nghĩ rằng Đức Giêsu vô tội (x. Lc 23,15). Pilatos là thẩm phán có quyền phán quyết cuối cùng trong vụ án của Đức Giêsu. Dù ông biết rõ Đức Giêsu vô tội và muốn thả Người (Lc 23,20) nhưng cuối cùng trong tiếng la hét của dân chúng đòi đóng đinh Đức Giêsu, ông đành trao Người cho họ theo ý họ muốn (Lc 23,25). Annas và Caiaphas là hai Thượng Tế đứng đầu giáo quyền Do Thái trong vụ án Đức Giêsu. Họ có ý kết án tử Đức Giêsu, nhưng người ra bản án ấy phải là Pilatos vì họ không có quyền lên án xử tử ai.

2.     Có lời Chúa trên Gioanes (ἐγένετο ῥῆμα θεοῦ ἐπὶ Ἰωάννην): Đây là cách nói ngắn gọn về cuộc giao tiếp có tính mời gọi của Thiên Chúa dành cho ông Gioan Tẩy Giả. Cách nói này phỏng theo cách nói được dùng nhiều lần trong Cựu Ước (Có lời Chúa đến cùng Áp-ra-ham trong thị kiến: St 15,1.4; Có lời Chúa đến cùng Samuel: 1 Sm 15,10; 2Sm 7,4; Có lời Chúa đến với Salomon: 1 V 6,11…). Nội dung lời mà Chúa nói với Gioan Tẩy Giả không được ghi lại, nhưng nó sẽ được bộc lộ ngay sau đó trong sứ vụ rao giảng và làm Phép Rửa của Gioan. Sứ vụ này theo ông suốt cả cuộc đời. Ông sẽ dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm người tiền phong cho Đấng Ki-tô. Hay nói đúng hơn ông sinh ra là cho sứ mạng này và sẽ chết cho sứ mạng này. Cái chết của ông sẽ là đỉnh cao của sứ vụ dọn đường của mình. Ông được nhắc đến như là con ông Dacarias. Trước đó, Luca đã dành nhiều trình thuật để nói về mối liên hệ này, cũng như sự giáng sinh cách bất thường của Gioan. Nhắc đến ông Dacarias là nhắc đến một dòng tộc tư tế. Ông thuộc nhóm tư tế Avigia. Hơn thế nữa, vợ ông bà Êlisabét cũng thuộc nòi giống tư tế truyền thống Aharon (x. Lc 1,5). Nhắc đến Dacarias cũng là nhắc đến một gia đình “công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo điều răn và huấn lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Nhắc đến Dacarias cũng là nhắc đến lời giới thiệu của ông về sứ mạng của con mình: “Hài nhi hỡi, con sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ và tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 2,76-77). Đây chính là sứ mạng mà Gioan sắp thi hành “rao giảng Phép Rửa của lòng hoán ci để được ơn tha tội” (Lc 3,3).  Bằng cách nối trình thuật về niên đại với câu “có lời Chúa đến cùng Gioan”, Luca giới thiệu những truyền thống về Gioan trong dòng những trình thuật về lời mời gọi mang tính ngôn sứ, tương tự như cách bắt đầu của một sách ngôn sứ. Qua đó, lời của Chúa và kế hoạch của Chúa đi vào trong thời gian qua sứ giả Gioan.[9] Sứ mạng ngôn sứ của ông đã được nhắc đến trong lời truyền tin cho thân phụ ông là Dacarias: “Em sẽ đi trước mặt Chúa để làm cho lòng cha ông quay về với con chau và để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại quay về nẻo chính đường ngay và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Chính Đức Giêsu cũng xác nhận vai trò của Gioan: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói đến trong Thánh Kinh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,27; x. Mlk 3,1; Xh 23,20). Gioan được mô tả là ở trong “hoang địa” (sa mạc) (Lc 3,3) nối kết chặt chẽ với trình thuật về thời ẩn giật của ông: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítrael” (Lc 2,80). Hơn nữa, “hoang địa” cũng nối kết với việc ngay sau đó tác giả sẽ trích lời ngôn sứ Isaiah về tiếng của một người “hô vang trong hoang địa” (Lc 3,4), ngụ ý rằng người mà Isaiah nói chính là Gioan.

3.     Vùng phụ cận của Giorđanes: Không giống với Máccô và Mátthêu, những tác giả nối kết “hoang địa” với nơi rao giảng của Gioan,[10] Luca tách biệt khác rạch ròi: “Hoang địa” là nơi Gioan được mời gọi, có thể là nơi ông sống và chờ đợi tiếng gọi này; “Vùng chung quanh sông Giorđan” là nơi ông rao giảng. Vùng “quanh Giorđan” có thể là sa mạc Giuđaia như Mátthêu nói (Mt 3,1) gần bên sông Giorđan. Tuy nhiên, như đã ghi chú, Luca có ý tách riêng hai nơi chốn, nơi hoang địa – nơi kêu gọi và vùng quanh Giorđan – nơi rao giảng. Vùng quanh Giorđan có thể là thung lũng sông Giorđan được nói đến trong Cựu Ước (St 13,10-11; 2 Sbn 4,17) và ám chỉ đến vùng Sodom và Gomorrah, nơi tội lỗi từ xưa, nối kết với vùng tội lỗi Biển Chết, theo truyền thống Do Thái.[11] Lời rao giảng của Gioan nối kết với lời kêu gọi sự hoán cải giả định đó phải là nơi tội lỗi.

4.     Phép Rửa của lòng hoán cải (βάπτισμα μετανοίας): Túc từ của động từ rao giảng của ông Gioan là “Phép Rửa của lòng hoán cải”: Danh từ “lòng hoán cải” (μετανοίας) được dùng ở thuộc cách của danh từ “Phép Rửa”. Cách dùng này thường dịch chung chung là “của lòng hoán cải”. Tuy nhiên, cấu trúc này trong tiếng Hy Lạp có thể hiểu theo hai nghĩa chính: Phép Rửa sinh ra lòng hoán cải (dưới tác động của Phép Rửa, họ sẽ hoán cải) và Phép Rửa chứng tỏ, thể hiện lòng hoán cải (nhận Phép Rửa chứng tỏ họ muốn hoán cải). A. Collins – H. Attridge đề xuất ít nhất 3 chiều kích cụm danh từ “Phép Rửa của lòng hoán cải”: (i) Một Phép Rửa có ý định xoa dịu ước muốn trừng phạt của Thiên Chúa trước tội lỗi của dân Người; (ii) Một nghi thức được cử hành nhằm tỏ lòng ăn năn hối cải của con người; (iii) Có khả năng hơn là, trong bối cảnh của các bản văn Do Thái thời Đệ Nhị Đền Thờ (516 BCE – 70 CE), “hoán cải” có nghĩa là một sự đáp trả tích cực, chủ động cho hành động đi bước trước của Chúa qua tác nhân là Gioan.[12] Phép Rửa này phát xuất từ ý định tốt lành của Thiên Chúa, Đấng muốn đem lại ơn tha thứ cho con người. Thế nhưng chính con người mới là chủ thể có thể chọn lựa với tự do đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng cách chịu Phép Rửa. Ý nghĩa của “sự hoán cải” có thể trải rộng theo ba cách. Thứ nhất, người chịu Phép Rửa ấy là người chứng tỏ mình có lòng hối cải. Họ đã có ý thức hối cải trước đó và Phép Rửa như là một biểu hiện cụ thể. Thứ hai, Phép Rửa ấy mang đến cho họ một quá trình hối cải cho đến khi họ nhận ơn tha thứ.[13] Thứ ba, những người đến đón nhận Phép Rửa ấy đã có lòng ao ước hoán cải, Phép Rửa như là một biểu hiện cụ thể và sau Phép Rửa họ lại tiếp tục thay đổi, hoán cải không ngừng. “Phép Rửa của lòng hoán cải” mà Gioan công bố mời gọi người ta ra khỏi sự tồn tại bình thường trong xã hội, để làm cho mình phù hợp với mục đích cứu chuộc cánh chung của Chúa. Bằng cách đi vào sa mạc để gặp Gioan, người ta chứng tỏ mình tách ra khỏi đời sống thường nhật, qua Phép Rửa, họ ôm lấy một sự chuyển đổi lòng trung thành trở thành thành viên của cộng đoàn dân Chúa.[14] Hoán cải (metanoia) không chỉ là một đòi hỏi dành cho những người tội lỗi, người không thanh sạch về luân lý, nhưng hơn hết là dành cho hết tất cả mọi người, nhằm biến đổi đời mình, xoay chuyển đời mình theo thánh ý Chúa. Đây chính là danh từ phát xuất từ động từ, mà Đức Giêsu đã dùng trong lời rao giảng đầu tiên của mình: “Thời kỳ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần bên, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1,11). Hoán cải ở đây rõ ràng là không chỉ giới hạn vào sự hối lỗi và chừa lỗi nhưng là biến đổi lòng mình, trí mình, hành vi của mình theo cách suy cách nghĩ và cách hành động của Chúa.[15] Nguồn gốc của Phép Rửa của ông Gioan là một câu hỏi quan trọng, được Đức Giêsu đặt ra cho những kẻ chất vấn về quyền của Người, cụ thể là quyền thanh tẩy Đền Thờ. Họ phải trả lời Phép Rửa Gioan Tẩy Giả do đâu mà có, do Trời hay do người ta, nhưng họ đã không tr lời được (x. Mt 21,25). Theo lời của Đức Giêsu, có hai lối đáp trả trước lời rao giảng của Gioan: “Toàn dân, kể cả những người thu thuế đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và chịu Phép Rửa của ông, còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì từ chối ý định của Thiên Chúa về họ và không chịu Phép Rửa của ông” (Lc 7,29-30).

5.     Nhằm được ơn tha tội (εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν). Giới từ “eis” (εἰς) nếu đi trước một danh từ chỉ nơi chốn, thì có nghĩa là “vào trong”. Tuy nhiên, khi đi trước các danh từ khác, đôi khi nó có nghĩa là mục đích (Mt 26,28: Vì này là máu giao Ước Của Thầy, đổ ra cho nhiều người vì mục đích của ơn tha thứ tội tỗi [εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶ], hoặc có lúc nó lại mang nghĩa là lý do (Mt 12,41: “Họ đã hoán cải vì lời rao giảng của ngôn sứ Giônas”). Trong nối cảnh này, giới từ này được hiểu theo nghĩa mục đích là phù hợp nhất. Phép Rửa của lòng hoán cải có mục đích cuối cùng là “để lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi”. Điều này giả định rằng, người lãnh muốn lãnh nhận Phép Rửa này, phải là người cảm nhận được thân phận tội lỗi của mình. Tội lỗi là rào cản chủ yếu làm cho con người bị tách rời khỏi Thiên Chúa. Sự tha thứ là ơn giao hòa làm cho họ được nối kết lại với Thiên Chúa. Phép Rửa của Gioan hướng đến một ơn tha thứ và ơn giao hòa. Ông rao giảng về Phép Rửa ấy và cử hành Phép Rửa ấy như một hành trình dọn đường, chuẩn bị cho một ơn tha thứ của Đấng đến sau ông, nhưng quyền thế hơn ông (x. Lc 3,16). Đức Giêsu sẽ làm Phép Rửa trong Thánh Linh và lửa”. Tin Mừng nhiều lần ghi lại Đức Giêsu công bố ơn tha tội trước khi chữa lành bệnh nhân: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Người nói: ‘Này anh! Anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20.23; Mc 2,5.9; Mt 9,2.5); Đức Giêsu nói cùng người phụ nữ đã khóc ướt chân Người rằng: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48). Đặc biệt nhất, Tin Mừng Mátthêu ghi lại lời Đức Giêsu trên chén rượu liên quan đến ơn tha tội: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Cuối cùng, Đức Giêsu sẽ mang lại ơn tha thứ cho con người bằng chính máu thánh của Người.

6.     Tiếng người hô trong hoang địa: Người được gọi từ sa mạc, dẫu là một người thuộc dòng dõi tư tế, có nguồn gốc từ cả cha lẫn mẹ đều là tư tế, chính là tiếng nói trong sa mạc mà vị ngôn sứ lẫy lừng thời lưu đày đã nói đến, trong một bản văn liên quan đến thời cánh chung. Đây là bản văn mà ngôn sứ được cho là Isaiah viết trong khoảng thời gian dân miền Bắc Ítrael đang lưu đày ở Babylon (587-539).[16] Bản văn nói lên một niềm hy vọng được trở về quê cha đất tổ, đất mà Chúa đã ban cho cha ông của họ, nhưng vì những tội bất trung, họ đã bị trục xuất khỏi đó. Chúa đã mang họ đi, và Chúa sẽ lại mang họ trở về sau một thời gian thanh tẩy. Vị ngôn sứ nói về một không gian địa lý trùng điệp đồi núi, thung lũng gồ ghề, đường xá lởm chởm, lồi lõm, (sa mạc Ả Rập, Tây Nam Biển Chết), khoảng không gian giữa Babylon và thánh đô Giêrusalem. Một hy vọng là tất cả những lồi lỏm, gồ ghề, lởm chởm đó phải được giải quyết để Đức Chúa trở về cùng với dân lưu đày, dĩ nhiên.[17] Dân Ítrael đã được trở về dưới thời vua Cyrus của  đế quốc Ba Tư từ vào năm 539, và đền thờ Giêrusalem được tái thiết và chính thức cung hiến vào năm 516 CE. Tuy nhiên, rồi họ lại bị xâm chiếm và bị đô hộ phân tán khắp nơi bởi các đế quốc. Vì thế, niềm tin vào thời của Đấng Mê-siah được nhen nhúm và âm ỉ trong dòng lịch sử của đời viễn xứ của dân Chúa chọn. Sẽ có một ngày Đức Chúa thật sự đến và là thời cuối cùng thời. Đoạn văn Isaiah lạ được nhắc lại trong một bối cảnh mới, bối cảnh của thời Đấng Mê-siah xuất hiện. Cách giải thích của Luca về sự xuất hiện của Gioan, bằng cách trích lời Is 40,3-5 cho thấy rằng sự giải thoát thời cánh chung cho dân Chúa đã gần kề.[18]  Luca trích lại bản dịch tiếng Hy Lạp thường được gọi là bản Bảy Mươi (LXX) của Thánh Kinh Do Thái. Trong bản Bảy Mươi có chi tiết nói về vinh quang Thiên Chúa (Is 40,5), trong khi đó bản trích của Luca lại không có. Vinh quang của Chúa trong bản Bảy Mươi là dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của Chúa sẽ lại được tỏ hiện tại Giêrusalem. Lối nói “tất cả xác phàm” cho thấy ý nghĩa phổ quát của sự kiện Thiên Chúa hồi hương. Mạc khải này rõ ràng không không chỉ dành cho Giuđa và Ítrael nhưng cho cả nhân loại.[19] 

Lc 3,4-6

Is 40,3-5 (LXX)

4 “Có tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy làm con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người’.

5 Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi và núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru.

6 Và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

3 Có tiếng hô vang trong hoang địa hãy chuẩn bị con đường cho Chúa, hãy làm thẳng lối đi của Thiên Chúa chúng ta.”

 4 Mọi thung lũng phải được lấp đầy và mọi núi và đồi phải bị làm thấp xuống; mọi lồi lõm phải nên bằng phẳng, và nơi gồ ghề sẽ nên trơn tru.

 5 Và vinh quang Chúa sẽ được tỏ lộ và mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì miệng Chúa đã nói.

 

7.     Hãy làm con đường của Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người”: Hai danh từ có nghĩa tương t được sử dụng trong lời mời gọi đầu tiên này.  Hình ảnh “con đường” (ὁδὸς) ở đây nối kết mật thiết với “con đường” trong 1,76: “Con sẽ đi trước Chúa mở đường cho Người” và 1,79: “Soi sáng những người ngồi trong bóng tử thần, dẫn bước chân chúng ta vào đường bình an”. Đặc biệt là sau này, hình ảnh này được dùng theo nghĩa tuyệt đối trong sách Công Vụ diễn tả Giáo Hội [Cv 9,2: Saolô đã xin những lá thư đến các hội đường tại Damascos để nếu thấy ai thuộc về Con Đường (τῆς ὁδοῦ ὄντα), đàn ông hay đàn bà, thì trói dẫn về Giêrusalem”; Cv 19,9: “Nhưng khi một vài người trở nên cứng đầu và tiếp tục không tin, nói xấu về Con Đường (κακολογοῦντες τὴν ὁδὸν) trước cộng đoàn nên ông từ bỏ họ, mang các môn đệ theo, ngày ngày thảo luận trong các giảng đường ở Tyrannos” (Cf. Cv 19,23;22,4; 24,14.22)]. Cách sử dụng nối tiếp này của Luca trong sách Công Vụ dường như muốn nói rằng Giáo Hội là một dân tự cam kết mình và phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.[20] “Lối đi” (τρίβος) có gì đó liên quan đến cách sống, lối sống, hành vi của con người hơn. “Lối đi” được gắn với tính từ “thẳng” (εὐθὺς) (làm lối đi cho thẳng). Tính từ này thường được dùng để diễn tả một con tim ngay thẳng. Ông Phêrô đã nói cùng thầy phù thủy ở Samari, người đã dùng tiền để mua ơn thánh, rằng: “Chẳng có phần chia cho anh, cũng chẳng có thừa kế trong việc này đâu, vì lòng anh không ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa” (Cv 8,21). Trong thư thứ hai thánh Phêrô đã nhắc lại tình trạng phạm tội của các dân trong Cựu Ước: “Bỏ đường ngay nẻo chính, họ lạc theo đường của con ông Boxo là Bơliam[21], kẻ ưa thích tiền công bất chính” (2 Pr 2,15). Khi Luca lặp lại sấm ngôn trong sách ngôn sứ Isaiah, ý nghĩa về một con đường đi qua sa mạc Ả Rập dường như không còn nữa. Dẫu rằng Gioan vẫn là hình ảnh ở trong sa mạc, nhưng con đường mà trong lời sấm này mang nghĩa tinh thần và lối sống cách sống của mỗi người hơn là một con đường thể lý.

8.     Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru: Những hình ảnh này đều là hình ảnh sống động diễn tả địa hình hiểm trở của sa mạc Ả Rập dọc theo hướng Tây Nam của Biển Chết: Núi, đồi, thung lũng, quanh co, lồi lỏm, lởm chởm, gồ ghề. Nói chung, đó là một hành trình hầu như bất khả thi nếu đi bằng đường bộ. Tuy nhiên, như đã nói trên, trong bối cảnh sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, những hình ảnh này mang nghĩa bóng nhiều hơn. Những hình ảnh như đồi, núi, thung lũng, gồ ghề, lồi lõm có thể tượng trưng cho hằng hà sa số ngổn ngang bên trong lòng người, làm người ta lạc xa đường lối Chúa và cần phải hoán cải với lời rao giảng và Phép Rửa của Gioan. Một trong những ngổn ngang trăm bề này có thể được nhìn thấy qua cách giải bày của Gioan sau đó. Đối với đám đông: “Sinh hoa quả xứng với lòng hoán cải, đừng vội nghĩ bụng chúng tôi đã có Áp-ra-ham” (Lc 3,8): “Ai có hai áo thì chia cho người không có; Ai có gì ăn cũng hãy làm vậy” (Lc 3,11). Đối với người thu thuế: “Đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định” (Lc 3,13). Binh lính thì: “Đừng hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc 3,14).

9.     “Ơn cứu độ của Thiên Chúa”: Tất cả mọi chuẩn bị khởi đầu bằng lời rao giảng “Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha tội”, đến những hành động cụ thể trong lời của ngôn sứ Isaiah về tiếng của người hô vang trong hoang địa, là nhằm mục đích cuối cùng “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Chúng ta có thể phác họa một lược đồ ngắn gọn của đoạn Tin Mừng này như sau: “Phép Rửa – lòng hoán cải – ơn tha tội – thay đổi lối sống – thấy ơn cứu độ của Chúa”. Chủ đề ơn cứu độ đã được Luca nói trước đó trong chương một. Đức Maria mừng vui trong Chúa là “Đấng Cứu Độ” của bà (Lc 1,47); Ông Dacarias tuyên xưng rằng “từ dòng dõi của tôi tớ Đavid, Người đã cho xuất hiện một quyền năng cứu độ” (1,69); “Sẽ cứu ta khỏi địch thù, thoát khỏi tay kẻ hằng ghen ghét” (1,71); “Bảo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ và tha họ họ hết mọi tội lỗi” (1,77). Hơn nữa, ngay trong trình thuật Giáng Sinh, Đức Kitô đã được các thiên sứ giới thiệu cho những người chăn chiên trên đồng vắng: “Hôm nay, một Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavid, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Trong Tin Mng Mátthêu, sứ thần dặn kỹ càng ông Giuse rằng “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Chính Đức Giêsu sẽ mang lại ơn cứu độ ấy cho những ai thực hiện lộ trình “Phép Rửa – lòng hoán cải – ơn tha tội – thay đổi lối sống – thấy ơn cứu độ của Chúa” mà ngôn sứ Gioan rao giảng.

10.  Mọi xác phàm (πᾶσα σὰρξ): Ơn cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát, chứ không chỉ dành riêng cho người nào hay dân tộc nào. Sứ vụ của Gioan cũng như Đức Giêsu khởi đầu từ dân Ítrael nhưng dần dần được mở ra cho toàn thể nhân loại.[22] Trong các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Luca mở rộng lời trích của ngôn sứ Isaiah đến câu 5 (Is 40,3-5 = Lc 3,4-6), nghĩa là câu nói về “tất cả mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Luca rõ ràng muốn nhấn mạnh đến sứ vụ của Đức Giêsu mang lại ơn cứu độ cho dân ngoại cũng như dân Ítrael.[23] Tin Mừng Luca viết cho các ki-tô hữu gốc dân ngoại nên chiều kích ơn cứu độ phổ quát càng được chú trọng ngay từ đầu.

Bình luận tổng quát

Tương tư như những Tin Mừng Nhất Lãm khác, Luca giới thiệu đoạn bắt đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu bằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả được sách Cựu Ước nói đến như là vị ngôn sứ tiền hô cho Đấng Mêsiah, nên không ngạc nhiên khi ông được xuất hiện trước khi Đấng Mêsiah bắt đầu sứ vụ. Điểm khác biệt của Luca so với hai Tin Mng Nhất Lãm còn lại trong trình thuật này là ông giới thiệu một bối cảnh lịch sử khá chi tiết về những người lãnh đạo cả về tôn giáo và chính trị; Cấp bậc trung ương (Hoàng Đế Caisar Augusto) lẫn những những lãnh đạo địa phương; Cả những vị tiểu vương chư hầu địa phương lẫn tổng trấn của đế quốc. Nhiều trong số những nhân vật này sẽ xuất hiện và có vai trò cụ thể trong câu chuyện Tin Mừng mà Luca soạn thảo. Một bối cảnh lịch sử chi tiết như thế, cũng có thể giúp cho các độc gi đa phần là dân ngoại của Luca, và cả độc giả qua mọi thời đại mường tưởng được bối cảnh lịch sử, chính trị mà tại thời điểm Gioan Tẩy Giả cũng như Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ. Bối cảnh ấy cũng giúp định hình câu chuyện mà Luca tường thuật trong dòng lịch sử của dân Ítrael nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung. Hoàn cảnh nô lệ ngoại bang của dân Ítrael cũng được phác họa cách nào đó, trong một bối cảnh chính trị phức tạp như thế với những người lãnh đạo cả tôn giáo và chính trị không mấy tốt lành.

Trong bối cảnh như thế, cần thiết phải có một ánh sáng mới, để mang lại niềm hy vọng cho dân lầm than. Tuy nhiên, đó không phải là hy vọng về một cuộc đảo chính hay giải thoát về chính trị. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong dáng dấp của một vị ngôn sứ, một người “thông ngôn” giữa Chúa và dân người. Ông được mời gọi trong chính nơi mà ông đã chuẩn bị, khi sinh ra và lớn lên trong hoang địa để chỉ chờ đợi tiếng gọi này. Hoang địa, gợi lên một bối cảnh thử thách đau thương vì những lỗi lầm, cứng đầu cứng cổ của dân Giao Ước. Đức Giê-su cũng đã chịu ma quỷ cám dỗ bốn mươi ngày trong hoang địa. Tuy nhiên, hoang địa cũng là nơi Chúa chứng kiến bao điều kỳ diệu Chúa đã làm cho dân Người: Dạy dỗ, Giao Ước, ban Manna, cho nước uống, giải thoát bệnh tật, đau khổ. Hoang địa của Gioan Tẩy Giả là hoang địa chay tịnh và gặp Chúa. Đó cũng là hoang địa mà ông muốn dân chúng được tách ra khỏi lối sống thường ngày vắng bóng Chúa và quên đi đường lối, thánh chỉ của Chúa. Đó cũng là chốn để ông nhắc họ về lỗi lầm của họ và nhớ kỹ rằng Chúa vẫn yêu thương họ.

Ơn gọi ngôn sứ của Gioan là xuất phát từ Chúa. Chúa gọi ông cũng như Chúa đã gọi bao ngôn sứ khác để kêu gọi dân trở về với Chúa. Chỉ khác là, ông là ngôn sứ của Đấng Mêsiah, trực tiếp giới thiệu Đấng Mêsiah và là ngôn sứ của thời cánh chung. Trích dẫn lời của ngôn sứ Isaiah, Luca vừa chứng tỏ rằng sứ vụ của Gioan đã được chuẩn bị, được nói trước từ ngàn xưa; vừa cho thấy rằng Gioan nằm trong dòng ngôn sứ của dân Chúa. Giờ đây, Gioan đến để làm đúng như lời tiền báo ấy - “một tiếng người hô vang trong hoang địa”.

“Phép rửa – sự hoán cải – ơn tha thứ – hồng ân cứu độ” là một “combo”, một tiến trình hoàn chỉnh trong sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Ông rao giảng Phép Rửa và cử hành Phép Rửa. Phép Rửa ấy là biểu hiện, là dấu chứng cho lòng hoán cải; Nó cũng kích thích mời gọi người ta khởi hành trên con đường hoán cải, và thay đổi đời sống của mình cách triệt để. Nhờ vào sự hoán cải thực tâm, họ được ơn hòa giải với chính mình, với tha nhân và nhất là với Chúa. Cuối cùng tiến trình ấy không phải chỉ dừng lại ở chỗ sửa sai để khỏi bị trừng phạt, nhưng là đạt đến ơn cứu độ muôn đời. Tiến trình ấy được Gioan khởi sự, nhưng nó sẽ không hoàn tất nếu không có Đức Kitô. Đức Kitô chính là Đấng có quyền ban ơn tha thứ. Người cũng chính là Đấng cứu độ trần gian. Phép Rửa chỉ là điểm khởi đầu của cuộc hành trình. Sự hoán cải là một hành trình dài liên lỉ suốt cả đời người. Đức Giêsu tiếp tục mời gọi sự hoán cải trong lời rao giảng đầu tiên của Người: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Hình ảnh đồi, núi, thung lũng, sự quanh co, gập ghềnh, lởm chởm là những hình ảnh tượng trưng, sống động cho tất cả những cản trở, không phù hợp với lối sống của Đức Giêsu, mà con người cần phải loại bỏ trong suốt hành trình hoán cải của mình, để được ơn tha thứ và hồng ân cứu độ. Chừa bỏ tội lỗi, sửa chữa lỗi lầm đã là một bước tiến quan trọng, nhưng chưa đủ, hoán cải nhân phải thực hiện những giá trị Tin Mừng như dấn thân phục vụ, trao ban, thể hiện những nghĩa cử yêu thương cách thiết thực. Mảnh đất tâm hồn chỉ thật sự tươi xinh, khi nó được trồng vào đó ngày càng nhiều những bông hoa nhân đức và sẽ trở nên khô cằn, héo hắt khi nó chỉ được nhổ sạch cỏ và bỏ không lâu dài.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] R.E. Brown chia Tin Mừng Luca thành tám phần: Phần I: Lời Tựa (Lc 1,1-4); Phần II: Giới Thiệu: Thơ Ấu và Niên Thiếu của Đức Giêsu (1,5 – 2,52); Phần III: Chuẩn bị cho sứ vụ công khai (3,1 – 4,13); Phần V: Sứ vụ tại Galilaios (4,14 – 9,50); Phần VI: Hành trình lên Giêrusalem (9,51 – 19,27); Phần VII: Sứ vụ tại Giêrusalem (9,28 – 21,38); Phần VIII: Bữa tối cuối cùng, thương khó, chết, và chôn (22,1 – 23,56); Phần IX: Sống lại, hiện ra tại vùng Giêrusalem (24,1-53) [R.E. Brown, An Introduction to The New Testament (AnB; Newhaven – London 1997 ) 226].

[2] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 161.

[3] J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) XXXVA, 139.

[4] Xem thêm về Pontius Pilatos trong J.P.D. Thạch,  “Một Vị Vua Chịu Thẩm Vấn. Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TNB” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: MỘT VỊ VUA CHỊU THẨM VẤN. Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN B (Ga 18,33-37) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

[5] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis) 120.

[6] X. R.E. Brown, An Introduction to The New Testament (AnB; Newhaven – London 1997) xix-xxii.

[7] “It is just possible (following Schürmann, 149, 151) that Luke follos the usage of a group that refused to acknowledge the deposition of Annas, and that we should translate, “in the time of the high priest Annas, and of Caiaphas” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 140).

[8] F. Bovon – H. Koester, Luke 1: a commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 120; “Almost nothing is known of Lysanias, who reigned over Abilene, located to the north of the Sea of Galilee, from ca. 28 c.e. to ca. 29–37. Clearly these two could not have been added to the list because of a Lukan concern with geographical inclusiveness” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 169).

[10] Mc 1,4: “Ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu Phép Rửa của lòng hoán cải, để được ơn tha tội”; Mt 3,1: “Hồi ấy ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđaia rằng: ‘anh chị em hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần’”.

[12] A.Y. COLLINS – H.W. ATTRIDGE, A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 140-141.

[13] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 164.

[14] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 165.

[16] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 70.

[17] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 80.

[18] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 163.

[19] J.D.W. Watts, Isaiah 34-66. (WBC; Dallas 2002) XXV, 81.

[20] J.B. Green, The Gospel of Luke, 171-172.

[21] Một thầy bói sống ở vùng sông Êuphơrát. Theo truyền thống cồ, ông là một người kính sợ Đức Chúa, chỉ biết chúc phúc cho dân Ítrael như Chúa dạy (Ds 22,18; 23,11-12,25-26; 24,10). Truyền thống sau này lại cho ông là một người thù bị Chúa bắt buộc chúc lành cho dân Ítrael (Đnl 23,5-6; Gs 24,9.10; Nkm 13,2). Ông còn lôi kéo Ítrael theo tà đạo xứ Pêo (Ds 31,8-16; Kh 2,14) [ghi chú m), Kinh Thánh Ấn Bản 2011 (bản dịch của CGKPV) (Tôn Giáo 2011) 2721].

[22] J.B. Green, The Gospel of Luke, 172.

[23] M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1045.





No comments:

Post a Comment