Thursday, 18 November 2021

MỘT VỊ VUA CHỊU THẨM VẤN. Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN B (Ga 18,33-37)


VUA CỦA SỰ THẬT. Chú Giải Tin Mừng CN XXXIV TN B (Ga 18,33-37)

Bản Văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

33  Εἰσῆλθεν οὖν πάλιν εἰς τὸ πραιτώριον Πιλᾶτος καὶ ἐφώνησεν τὸν Ἰησοῦν καὶ εἶπεν αὐτῷ· σὺ εἶ ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων;

 34  ἀπεκρίθη Ἰησοῦς· ἀπὸ σεαυτοῦ σὺ τοῦτο λέγεις ἢ ἄλλοι εἶπόν σοι περὶ ἐμοῦ;

 35  ἀπεκρίθη ὁ Πιλᾶτος· μήτι ἐγὼ Ἰουδαῖός εἰμι; τὸ ἔθνος τὸ σὸν καὶ οἱ ἀρχιερεῖς παρέδωκάν σε ἐμοί· τί ἐποίησας;

 36  ἀπεκρίθη Ἰησοῦς· ἡ βασιλεία ἡ ἐμὴ οὐκ ἔστιν ἐκ τοῦ κόσμου τούτου· εἰ ἐκ τοῦ κόσμου τούτου ἦν ἡ βασιλεία ἡ ἐμή, οἱ ὑπηρέται οἱ ἐμοὶ ἠγωνίζοντο [ἂν] ἵνα μὴ παραδοθῶ τοῖς Ἰουδαίοις· νῦν δὲ ἡ βασιλεία ἡ ἐμὴ οὐκ ἔστιν ἐντεῦθεν.

 37  εἶπεν οὖν αὐτῷ ὁ Πιλᾶτος· οὐκοῦν βασιλεὺς εἶ σύ; ἀπεκρίθη ὁ Ἰησοῦς· σὺ λέγεις ὅτι βασιλεύς εἰμι. ἐγὼ εἰς τοῦτο γεγέννημαι καὶ εἰς τοῦτο ἐλήλυθα εἰς τὸν κόσμον, ἵνα μαρτυρήσω τῇ ἀληθείᾳ· πᾶς ὁ ὢν ἐκ τῆς ἀληθείας ἀκούει μου τῆς φωνῆς.(Jn. 18:33-37 BGT)

33 Ông Philatô lại đi vào trong dinh và gọi Đức Giêsu và nói cùng Người: “Có phải ông là vua của Người Do Thái?”

34 Đức Giêsu trả lời: “Ông nói điều này từ chính ông hay người khác đã nói với ông về tôi?”

35 Ông Philatô trả lời: “Tôi không phải là người Do Thái, có phải không nào? Dân của ông và các Thượng Tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

36 Đức Giêsu trả lời: “Vương quốc của tôi không thuộc về thế giới này.” Nếu vương quốc của tôi thuộc về thế giới này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu để tôi không bị trao nộp cho những Người Do Thái. Nhưng bây giờ Vương Quốc của tôi không thuộc về nơi này.

37 Vì thế, ông Philatô nói cùng Người: “Vậy, ông là vua sao? Đức Giêsu trả lời: “Chính ông nói tôi là vua. Tôi được sinh ra đã đến trong thế giới này, để tôi có thể làm chứng cho sự thật. Bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi

Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng (Ga 18,33-37) nằm trong trình thuật về các cuộc thẩm vấn của Tổng Trấn Philatô dành cho Đức Giêsu, bắt đầu từ lúc “những người Do Thái” dẫn Đức Giêsu đến với ông đến lúc ông trao Người cho họ dẫn đi đóng đinh vào thập giá (18,2 – 19,16a). Trình thuật được tác giả mô tả dựa trên bối cảnh không gian trong và ngoài dinh Philatô (Bên ngoài [18,28-32]; Bên trong [18,33-38a]; Bên ngoài [18,38b-40]; Bên trong [19,1-3]; Bên ngoài [19,4-8]; Bên trong [19,9-11]; Bên ngoài [19,12-16a]).[1] Ông Philatô xét xử Đức Giêsu (bên trong dinh) theo yêu cầu của những người Do Thái đang ở ngoài dinh, vì họ sợ vào dinh sẽ bị dơ bẩnChính vì thế, Ông phải chạy ra, chạy vào năm lần bảy lượt. Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, sau khi bắt Đức Giêsu và trói lại, quân lính cùng đám thuộc hạ của người Do Thái điệu Đức Giêsu đến nhà ông Khanan là nhạc phụ của ông Caipha (Ga 18,13). Ông Khanan, được gọi với chức danh là Thượng Tế[2], thẩm vấn Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người (Ga 18,19). Sau đó, ông Khanan cho giải Đức Giêsu vẫn bị trói đến với Thượng Tế Caipha (Ga 18,24). Gioan không ghi lại bất kỳ một thẩm vấn nào của Thượng Tế Caipha. Khác với Tin Mừng Máccô, trong đó, Caipha hỏi Đức Giêsu về căn tính Mêsia của Người: “Ông có phải là Đấng Mêsia, Con của Đấng được chúc tụng không?” Đức Giêsu đã trả lời xác nhận cho câu hỏi này (x. Mc 14,61-62). Từ nhà Caipha, Đức Giêsu được người Do Thái điệu đến dinh Tổng Trấn Philatô (Ga 18,18). Philatô gặp những người Do Thái và hỏi họ về tội của Đức Giêsu. Họ trả lời rằng: “Nếu ông ta không làm gì gian ác, thì chúng tôi đã không nộp cho quan” (Ga 18,30). Rồi, Philatô không muốn xét xử Đức Giêsu nên ông bảo họ đem Người đi mà xét xử theo luật của họ. Tuy nhiên, những người Do Thái nói rằng họ không có quyền xử tử ai cả (Ga 18,31). Điều này ngụ ý rằng họ muốn Đức Giêsu phải bị tử hình. Chính vì thế, Philatô mới trở vào và thẩm vấn Đức Giêsu. Vấn đề chính mà Philatô muốn hỏi là “có phải Đức Giêsu là vua của Người Do Thái không?”. Câu hỏi này rõ ràng liên hệ đến chính căn tính Mêsia của Đức Giêsu. Câu hỏi căn bản nòng cốt mà Đức Giêsu hỏi các môn đệ sau một khoảng thời gian theo Chúa là: “Anh em bảo Thầy là ai”. Simôn Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô”[3] (tiếng Do Thái là Mêsia) (x. Mc 8,27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,18-21). Chắc chắn rằng, trong suy nghĩ của Phêrô và các anh em Tông Đồ, Đấng Kitô theo nghĩa là Kitô Vua. Người là Đấng Mêsia được hứa là xuất thân từ hoàng tộc vua Đavíd và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (x. 2 Sm 7). Người đã tiến vào Jêrusalem trong tiếng reo mừng hoan hô: “Hôsana! Hôsana! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua IsraEL” (Ga 12,15). Việc Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa được tác giả Gioan ghi chú là để ứng nhiệm lời đã chép “Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con” (Ga 12,16). Dân chúng đã công khai nhận Người là vua. Có lẽ, chính vì thế mà câu hỏi Philatô thắc mắc là “ông là vua sao?”. Ngoài chủ đề về Đấng Mêsia vua, đoạn văn này còn nhắc đến hai chủ đề quan trọng khác. Thứ nhất, nhân vật “những người Do Thái” xuất hiện, như là những người thù ghét Đức Giêsu rất thường thấy trong Tin Mừng Gioan. Thứ hai, chủ đề về sự thật liên quan đến một căn tính khác của Đức Giêsu: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Lời của Chúa Cha cũng là sự thật (Ga 17,17). Chúa Thánh Thần cũng được biết đến như là Thần Khí sự thật. Sinh Khí chân lý (τὸ πνεῦμα τῆς ἀληθείας) sẽ dẫn các môn đệ trong tất cả sự thật (Ga 16,13).

Cấu trúc

(A)  Có phải ông là vua của Người Do Thái (18,33)

(B) Từ chính ông hay người khác (18,34)

 (C) Dân của ông và các Thượng Tế đã nộp ông cho tôi (18,35a)

(D) Ông đã làm gì? (18,35b)

(E) “Vương quốc của tôi không phải từ thế giới này (18,36a)

(C’) Để tôi không bị trao nộp cho những Người Do Thái (18,36b)

(E’) Vương Quốc của tôi không phải từ nơi này (18,36c)

(A’) Vậy, ông là vua sao? (18,37a)

(B’) “Chính ông nói tôi là vua (18,37b)

(D’) Làm chứng cho sự thật (18,37c)

Bất cứ ai nghe từ sự thật thì nghe tiếng tôi. (18,37d)

 

Một số điểm chú giải

1.     Philatô:[4] Ông là một Tổng Trấn (tương đương Tỉnh Trưởng) Rôma, đời thứ ba (sau Coponius, 6 – 9 CE; và Valerius Gratus, 15 – 36 CE) tại tỉnh Giuđê, và là người cai trị lâu thứ hai trên vùng đất này (26-36 C.E.). Nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ thời kỳ hoạt động của Gioan Tẩy Giả, cũng như sứ vụ công khai của Đức Giêsu (x. Lc 3,1). Philatô đóng vai trò chính yếu trong vụ xử và cho phép đóng đinh Đức Giêsu (Mt 27,1-2.11-26; Mc 15,1-15; Lc 23,1-25; Ga 18,28 – 19,16; Cv 3,13; 4,27; 13,28; 1 Tm 6,13). Hình ảnh của Philatô hơi khác nhau trong mỗi sách Tin Mừng. Tuy nhiên chung quy lại, dường như các tác giả đều cho thấy rằng ông Philatô nhận ra Đức Giêsu vô tội, nhưng vì chiều lòng dân chúng, ông đành giao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Máccô ghi chú rằng: “Ông thừa biết là chỉ vì ganh tỵ mà họ nộp Đức Giêsu” và ông hỏi đám đông có muốn ông phóng thích “vua Dân Do Thái” cho họ không. Khi họ la to đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, ông lại hỏi rằng “nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” (x. Mc 15,1-15). Tương tự, Mátthêu lặp lại những thái độ tích cực của Ông Philatô đối với Đức Giêsu và không có ý muốn xử tử Đức Giêsu. Tuy nhiên, Mátthêu thêm vào hai chi tiết rất quan trọng. Thứ nhất, người vợ của ông Philatô đến can thiệp trong lúc ông đang ngồi xử án. Bà gọi Đức Giêsu là “người công chính” và khuyên chồng mình không nên nhúng tay vào vụ xử Đức Giêsu: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Thứ hai, ông đã “lấy nước rửa tay trước mặt đám đông và nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này” (Mt 27,24). Theo Luca, ông Philatô biện hộ nói rằng Đức Giêsu vô tội đến ba lần, + một: (i) “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4); (ii) “Ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo (Lc 23,14); (iii) “Các người thấy đó, ông này chẳng có tội gì đáng chết cả” (Lc 23,15); (iv) Qua lời ông Philatô, độc giả cũng biết rằng cả vua Hêrôđê cũng không thấy Đức Giêsu có tội. Hơn nữa, Luca còn ghi chú rằng “Philatô muốn thả Đức Giêsu” (Lc 23,20); Ông cố gắng làm dịu dân chúng nên nói rằng “vậy, ta sẽ cho đánh đòn rồi thả hắn ra” (Lc Lc 23,22). Tương tự, Philatô của Gioan cũng có ít nhất ba lần biện hộ cho sự vô tội của Đức Giêsu: “Phần ta, ta không thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 18,38); (ii) “Ta dẫn ông ấy ra cho các người, để các người biết rằng ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19,4); (iii) “Các ngươi cứ đem ông ấy đi mà đóng đinh, phần ta, ta không tìm thấy lý do gì để kết tội ông ấy” (Ga 19,6). Gioan cũng ghi chú thêm là “từ đó ông Philatô tìm cách tha Người” (Ga 19,21). Trong đoạn Tin Mừng này, Philatô chất vấn Đức Giêsu về căn tính vương đế của Người và về lý do tại sao họ nộp Người cho ông.

2.     “Vua của Người Do Thái”: Trong ba câu hỏi quan Tổng Trấn đặt ra cho Đức Giêsu trong đoạn này, thì có đến hai câu hỏi liên quan đến căn tính “vương đế” của Đức Giêsu: “Ông có phải là vua của những người Do Thái không?” (18,33); “Vậy, ông là vua sao?” (18,37). Thật lạ lùng, câu hỏi mà ông Philatô hỏi Đức Giêsu lại là “ông là vua dân Do Thái sao?”. Một câu hỏi có vẻ ngạc nhiên và có thể có ngụ ý mỉa mai, chua xót. Lẽ ra, quan Tổng Trấn nên hỏi về bản cáo trạng về những tội Đức Giêsu đã phạm (nếu có) vì người Do Thái nộp Đức Giêsu cho quan, vì đinh ninh rằng Người đã và đang làm nhiều điều gian ác (18,30). Ông Philatô ngạc nhiên không hiểu tại sao họ lại trao nộp vua của họ. Ông, có lẽ, mỉa mai rằng Đức Giêsu làm vua kiểu gì mà bị dân ghét đến vậy. Chính vì thế, câu hỏi là “ông có thật là vua của người Do Thái không”? Mà nếu là vua thật thì sao ra nông nỗi này? Dữ liệu mà quan Tổng Trấn có về căn tính “vua của những người Do Thái” của Đức Giêsu, có lẽ đến từ sự kiện Đức Giêsu vào thành Jêrusalem, trong tiếng reo hò chào đón của dân chúng: “Hôsana! Hôsana! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua IsraEL” (Ga 12,13). Dân chúng trong Tin Mừng Máccô còn hô vang: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavíd tổ phụ chúng ta. Hôsana trên các tầng trời” (Mc 11,10). Còn Luca thì ghi lại cụ thể hơn: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” (Lc 19,38). Trong buổi truyền tin cho Đức Maria, sứ thần đã bật mí cùng Đức Maria về căn tính vương đế của Đức Giêsu: “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng của vua Đavíd tổ tiên Người; Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Dân chúng trong Mátthêu thì tung hô Đức Giêsu như là Con Vua Đavíd (ngụ ý người thừa kế ngai vàng vua Đavíd). Tuy nhiên, trong trình thuật về Giáng Sinh, Mátthêu là tác giả duy nhất đã dùng danh xưng này, qua cửa miệng các nhà chiêm tinh: “Đức vua của những Người Do Thái mới sinh hiện ở đâu?” (Mt 2,2). Điều này ngụ ý rằng, ngay cả những người ngoại ở phương xa cũng đã nhìn thấy căn tính đế vương nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng không từ chối danh xưng này.[5] Khi Philatô hỏi Người, Người đã xác nhận: “Chính ngài nói tôi là vua” (Ga 18,37), qua việc Người nói về vương quốc của Người. Thật ra, kiểu trả lời của Đức Giêsu dường như vừa khẳng định, lại vừa từ chối rằng “Người là vua”. Khẳng định vì Người đã nói về vương quốc của Người; và từ chối vì Người không phải là vua theo cách nghĩ của ông Philatô. Điều đó chứng tỏ rằng khái niệm về căn tính “vua” của Đức Giêsu, khác với khái niệm ấy của ông Philatô và những người Do Thái. Cuối cùng, những người Do Thái (chống đối) phủ nhận hoàn toàn danh hiệu này của Đức Giêsu. Họ thà nhìn nhận hoàng đế Rôma hơn là nhìn nhận Đức Giêsu như là vua của họ: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài hoàng đế Kaisar” (19,15). Còn quân lính thì chế giễu Người bằng cách mặc cho Người một áo choàng đỏ, rồi đội vương miện bằng vòng gai lên đầu Người và nói: “Tâu vua của những Người Do Thái”, rồi vả vào mặt Người (Ga 19,3). Trên thập giá Đức Giêsu có ghi một tấm bảng bằng ba thứ tiếng (Do Thái, Latinh, và Hy Lạp): “Giêsu Nadarét, vua của những người Do Thái” (Ga 19,19-20). Đây cũng là bảng hiệu mang tính chế giễu chứ không phải một cách thức định danh, định tín. Đức Giêsu thật sự là vua Mêsia theo lời hứa trong Sách Thánh Cựu Ước. Người xuất thân từ hoàng tộc Đavíd; Sinh ra tại quê hương vua Đavíd (Bếtlehem); Được Phêrô tuyên xưng là Đấng Kitô (Mêsia); Được dân chúng rước vào thành như là đế vương; Chính Người cũng xác nhận điều ấy. Tuy nhiên, vương quyền[6] và vương quốc của Người không phải thuộc trần thế như ông Philatô và những người Do Thái lầm tưởng.

3.     “Người Do Thái”: Trong bốn tác giả sách Tin Mừng, Gioan là tác giả đề cập đến “những người Do Thái” nhiều nhất (Mt: 5 lần; Mc: 6 lần; Lc: 3 lần; Ga: 61 lần). Có ít nhất ba nhóm nghĩa cho danh từ “những người Do Thái” được dùng trong Tin Mừng thứ tư: (1) Bất cứ người Do Thái nào (2,6.13; 3,1.26; 4,9a.9b) (2) Những người Do Thái đối nghịch với Đức Giêsu, thậm chí muốn giết Đức Giêsu (2,18.20; 5,16.18; 7,1; 10,31.33); (3) Những người Do Thái tin vào Đức Giêsu (8,31; Ông Nicôđêmô [3,1-21;19,39]; Giuse Arimathê [19,38]; 12,11). Trong đoạn Tin Mừng này, danh xưng “những người Do Thái” xuất hiện ba lần. Hai lần đầu, danh từ này được dùng để diễn tả “những người Do Thái” nói chung, phân biệt với những người thuộc dân tộc khác: Ông Philatô nói: “Tôi không phải là người Do Thái, phải không nào?” (18,35); Ông Philatô hỏi: “Ông có phải là vua của những người Do Thái?” (18,33). Lần thứ ba, danh từ “những người Do Thái” có nghĩa là những người đang chống đối và muốn giết Đức Giêsu: “Nếu Vương Quốc của tôi từ thế giới này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho những người Do Thái” (18,36). Người Do Thái trong nghĩa thứ ba này có lẽ chủ yếu là nhóm lãnh đạo Do Thái (các Thượng Tế và những người Pharisêu [Ga 18,3]), những người âm mưu và sách động dân chúng lên án tử Đức Giêsu.

4.     “Dân của ông và các Thượng Tế”: Danh từ chung “người dân, dân tộc” đi kèm với tính từ sở hữu, ngôi thứ hai số ít (của ông) xác định dân này là của Đức Giêsu, hay thuộc về Đức Giêsu. Nếu hiểu rằng Đức Giêsu là vua, thì có thể hiểu những người này như là thần dân của Đức Giêsu. Cũng có thể hiểu một cách đơn giản danh từ “dân của ông” như là cách nói những người cùng chủng tộc và quốc gia với Đức Giêsu. Thượng tế là người đứng đầu Đền Thờ và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ tỉnh Giuđêa, vào thời ấy (dĩ nhiên là sau Tổng Trấn Rôma). Thực tế, họ được các Tổng Trấn Rôma bổ nhiệm. Họ có quyền thẩm vấn và xét xử tội phạm như trong vụ án của Đức Giêsu, nhưng họ không có quyền kết án tử hình, nên họ cần đến ông Philatô công bố bản án tử. Sở dĩ, ông Philatô gọi là “các Thượng Tế” (số nhiều) có thể bao gồm cả Khanan, (đã rời nhiệm sở nhưng vẫn còn quyền lực), và Caipha (người đương nhiệm sở). Cả dân chúng lẫn các Thượng Tế cùng nộp Đức Giêsu, nghĩa là từ quan đến dân đều muốn Đức Giêsu bị quan Philatô xử tử.

5.     “Đã nộp”: Động từ trao nộp được dùng hai lần trong đoạn Tin Mừng này, một lần ở chủ động và một lần bị động. Lần thứ nhất, Philatô nói rằng “dân của ông và các Thượng Tế đã nộp ông cho tôi” (18,35). Lần thứ hai, Đức Giêsu nói rằng Người đã bị nộp cho những người Do Thái. Túc từ gián tiếp của động từ “trao nộp” khác nhau ở hai lần: (i) Nộp cho Philatô; (ii) Nộp cho những người Do Thái. Chủ ngữ của hành động “nộp” Đức Giêsu cho quan Philatô chính là những người Do Thái: “Nếu ông ấy không làm gì gian ác thì chúng tôi đã không nộp ông ấy cho quan” (Ga 18,30). Còn tác nhân của hành động “nộp” Đức Giêsu cho những người Do Thái có thể là Giuđa Ítcariốt, với sự giúp đỡ của quân lính của các Thượng Tế và những người Pharisêu (Ga 18,3). Tuy nhiên, tác nhân đó cũng rất có thể là chính Đức Giêsu. Chính Người đã tự trao nộp mình. Đó cũng là thánh ý của Chúa Cha. Thực tế, khi Đức Giêsu trả lời cho đám lính đến bắt Người: “Chính là Ta đây”, họ đã lùi lại và ngã xuống đất. Phêrô cũng đã tuốt gươm ra và chém đứt tai bên phải của Mankhô, một đầy tớ của vị Thượng Tế. Đức Giêsu đáp trả rằng: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Cha đã trao, lẽ nào Thầy không uống?” (Ga 18,11). Nhắc đến nhân vật những “người Do Thái” trong hành động “bị trao nộp”, Đức Giêsu dường như muốn nhấn mạnh đến vai trò chính của những người Do Thái trong vụ án này hơn là của Tổng Trấn Philatô. Tin Mừng Nhất Lãm nói đến nhiều loại túc từ gián tiếp của động từ “trao nộp”: (i) “Bị nộp cho các Thượng Tế và Kinh Sư” (Mt 20,18; Mc 10,33) (ii) “Bị nộp vào tay người đời” (Nghĩa đen: Người ta, Mt 17,22; Mc 9,31; Lc 9,44); (iii) “Bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi” (Mt 26,45; Mc 14,41; Lc 24,7); (iv) Nộp cho Tổng Trấn Philatô (Mt 27,2; Mc 15,1); (v) “Nộp cho dân ngoại” (nghĩa đen: Các dân, Lc 18,32).

6.     “Ông đã làm gì?”: Câu hỏi này đi liền sau câu “dân của ông” và các “Thượng Tế” đã nộp ông cho tôi, tỏ lộ một thái độ vừa ngạc nhiên vừa chua xót. Philatô ngụ ý rằng, sao ra nông nỗi này vậy ông Giêsu? Ông đa làm gì đến nổi cả quan và dân của ông phải nộp ông cho một người ngoại như tôi? Tôi nghe nói ông là vua của họ. Họ đã tung hô ông lúc ông tiến vào thành Jêrusalem. Chẳng phải thế sao? Câu hỏi này cũng có ý chất vấn về những điều gian ác mà những người Do Thái đã cáo buộc Đức Giêsu.

7.     Vương quốc của tôi: Đức Giêsu không lại không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của ông Philatô (Ông đã làm gì nên tội?). Đức Giêsu dường như tiếp tục lý giải câu hỏi trước (Có phải Ông là vua của những người Do Thái?). Người nói về vương quốc của Người.[7] Danh từ “vương quốc” (ἡ βασιλεία), cùng với tính từ sở hữu “của tôi” (ἡ ἐμὴ) được dùng ba lần trong câu trả lời của Đức Giêsu. Trong tiếng Hy Lạp danh xưng “vua” và “vương quốc” có cùng gốc từ: Vua (βασιλεὺς); Vương quốc (ἡ βασιλεία). Ngoài nghĩa là “nước”, “vương quốc”. Danh từ này còn có nghĩa là “vương triều”, “triều đại”. Đức Giêsu có thể ngụ ý cả hai nghĩa. Không giống như Tin Mừng Nhất Lãm (dùng nhiều lần danh xưng vương quốc), Tin Mừng thư tư chỉ dùng hai lần danh xưng này. Ngoài lần này, một lần khác trong bối cảnh đối thoại với ông Nicôđêmô: Phải tái sinh bởi nước và Thần Khí mới có thể vào vương quốc (Ga 3,3-5). Vương quốc là nơi Chúa trị vì, một cộng đoàn yêu thương huynh đệ và những ai thuộc về Chúa, thuộc về sự thật, đáp trả lại tiếng của Đức Giêsu sẽ vào vương quốc.[8] Tin Mừng Nhất Lãm nói vương quốc Thiên Chúa trong lời công bố của Đức Giêsu, diễn tả những hoạt động năng động của Thiên Chúa tối cao vì ơn cứu độ nhân loại qua những hoạt động của Đức Giêsu.[9] Như đã nói trên căn tính “vua” của Đức Giêsu không giống với cách hiểu của Philatô cũng như những người Do Thái, kể cả các Tông Đồ. Tương tự, vương quốc của Người cũng vậy. Nó được phân biệt với vương quốc trần gian bằng cụm giới từ “không thuộc thế giới này”, cũng được lặp lại ba lần. Khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã mời gọi: “Thời kỳ đã hoàn tất, Vương Quốc (triều đại) Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hay hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) [πεπλήρωται ὁ καιρὸς καὶ ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ· μετανοεῖτε καὶ πιστεύετε ἐν τῷ εὐαγγελίῳ]. (Mátthêu dùng danh xưng “Vương Quốc Thiên Giới”, thay vì Vương Quốc Thiên Chúa như Máccô [ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν, Mt 4,17]). Vương quốc của Đức Giêsu, cũng là vương quốc của Thiên Chúa,[10] đã khởi sự nhưng chưa hoàn tất. Nó không thuộc chốn này, giống như vương quốc của thế quyền như người ta nghĩ.

Vương quốc của tôi không thuộc về thế giới này,

Nếu vương quốc của tôi thuộc về thế giới này,

thì những thuộc hạ của tôi đã chiến đấu

để tôi không bị trao nộp cho những người Do Thái,

Thật sự, vương quốc của tôi không thuộc về nơi này.

8.     “Được sinh ra và đã đến trong thế giới này”: Đức Giêsu muốn nói đến mầu nhiệm nhập thể, như cách mọi người vẫn biết về Người, khi Người nói rằng “tôi đã được sinh ra”. Tác giả Lagrange, từ chối bất cứ cách hiểu nào về động từ thứ nhất liên quan đến sự sinh ra của Đức Giêsu và cho rằng cả hai động từ đều chỉ diễn tả một chuyện mà thôi. Sự sinh ra của Đức Giêsu là đến trong thế gian này.[11] Tuy nhiên, tác giả Tin Mừng thứ tư đã diễn tả trong lời tựa rằng: “Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Như thế, tác giả đã nói rõ mầu nhiệm nhập thể giống như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm.  Người đã được sinh ra bởi Đức Maria; là dưỡng tử của thánh Giuse; Lớn lên tại làng Nadarét. Tuy nhiên, khi Người nói “tôi đã đến trong thế giới này”, Người ngụ ý đến căn tính thần linh của mình. Người thuộc một thế giới khác chứ không phải thế giới này, Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa. Người “được sinh ra mà không phải được tạo thành”.

9.     “Làm chứng cho sự thật”: Nhìn vào cấu trúc [D: Ông đã làm gì? (18,35b)// D’: Làm chứng cho sự thật (18,37c)] độc giả có thể nhận ra câu trả lời của Đức Giêsu dành cho câu hỏi của Philatô (ông đã làm gì nên tội?) là “làm chứng cho sự thật”. Đức Giêsu chẳng làm gì nên tội cả. Người chỉ giảng dạy sự thật, lẽ ngay nhằm mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Thuật ngữ “sự thật” (ἀλήθεια) là một trong những thuật ngữ mang đậm chất của Tin Mừng Gioan. Trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, Máccô là tác giả dùng hạn từ này nhiều nhất với ba lần xuất hiện (Mc 5,33; 12,14.32); Luca dùng hai lần (4,25; 22,59) và Mátthêu một lần (22,16). Tác giả Gioan dùng thuật ngữ này đến hai mươi ba lần. Đức Giêsu đã tự giới thiệu mình là “con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Người cũng nói đến Đấng ParáclêSinh Khí (pnêuma) sự thật (thường được hiểu là Chúa Thánh Linh) (Ga 15,26; 16,13; x. 14,17). Lời của Chúa Cha cũng là sự thật (Ga 17,17). Ngay từ Lời Tựa, tác giả Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu như là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14) và “ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 14,17). Những dữ liệu này cho thấy cả Chúa Cha, Đức Giêsu và Chúa Thánh Linh đều là “sự thật”. Trong sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giêsu luôn “nói sự thật mà Người đã nghe từ Thiên Chúa” (Ga 8,40; cf. 8,45-46). “Sự thật” mà Đức Giêsu nói sẽ mang lại cho người ta ơn giải thoát: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi, các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,31-32). Trong bối cảnh này, Đức Giêsu nói mục đích của việc Người được sinh ra và đến trong trần gian này là “để làm chứng cho sự thật”. Mệnh đề được bắt đầu bằng liên từ chỉ mục đích “để” (ἵνα). Qua lời của Đức Giêsu, độc giả cũng biết rằng ông Gioan (Tẩy Giả) cũng “làm chứng cho sự thật” (Ga 5,33). Đức Giêsu không nói về một sự thật trừu tượng hay là thậm chí trong cách chung chung, nhưng cách cụ thể trong tương quan với sự vụ của Người. Sứ vụ của Người là nói ơn cứu độ và con đường cứu độ của Thiên Chúa qua lời nói và hành động của Người.[12] Sự thật trọn vẹn chính là con người toàn thể của Đức Giêsu và toàn bộ sứ điệp Tin Mừng của Người được thể hiện qua tất cả mọi hành động và lời rao giảng của Người.

10.  “Thuộc về sự thật… nghe tiếng tôi”: Theo R. Brown, túc từ của động từ nghe được dùng ở thuộc cách (nghe của tiếng của tôi) diễn tả một sự lắng nghe với sự hiểu biết và đón nhận. Trong Ga 10,3 (cũng x. 10,16.27) độc giả cũng đã được biết rằng con chiên lắng nghe lời của người mục tử. Sự song song này là rất đặc biệt vì mô hình mục tử-chiên có bối cảnh trong bức tranh Cực Ước về vua, và ở đây Đức Giêsu trả lời về đặc tính vương đế của Người. Như thế, những người thuộc về sự thật là những con chiên được Chúa Cha trao ban cho Đức Giêsu, những người không lắng nghe Đức Giêsu không thuộc về Thiên Chúa (Ga 8,47).[13] Ai lắng nghe tiếng Con Thiên Chúa thì sẽ được sống (Ga 5,25). Câu nói của Đức Giêsu vừa làm cho Philatô phần nào nhẹ nhỏm, vì Người không hứng thú với quyền lực chính trị. Nhưng câu nói này cũng thách thức Philatô về sự thật. Ông ta có biết sự thật và có đứng về sự thật hay không? Thực tế, từ lúc này về sau Philatô đã cố đứng về phía sự thật, khi ông đã ít nhất 3 lần nói rõ Đức Giêsu vô tội (18,38b; 19,4b.6b) và ông đã tìm cách tha cho Đức Giêsu (18,39b; 19,12a). Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng không theo đuổi sự thật đến cùng, vì đã chiều theo dân chúng mà trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh.

Bình luận chung

Các Thượng Tế và “những người Do Thái” (thù ghét) đã nộp Đức Giêsu cho quan Philatô vì theo họ, Đức Giêsu đã làm quá nhiều điều gian ác. Vì họ không thể kết án xử tử Đức Giêsu, nên họ phải mượn tay của quan Tổng Trấn Rôma. Điều này ngụ ý rằng một khi mang đến cho Tổng Trấn, họ đã có sẵn ý định giết chết Đức Giêsu. Cuối cùng, họ đã đạt được mục đích: “Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16a). Tuy nhiên, cuộc xử án của Philatô, đặc biệt là cuộc gặp riêng với Đức Giêsu (18,33-38) làm lộ ra nhiều điều quan trọng. Câu hỏi đầu tiên vị Tổng Trấn dành cho Đức Giêsu là: “Có phải ông là vua của người Do Thái không?” Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng quan tâm đến nguồn gốc của ý tưởng ấy của vị Tổng Trấn. Tuy nhiên, dù đó là suy nghĩ của riêng Tổng Trấn hay là ông đã nghe từ người khác, thì ông vẫn không hiểu danh hiệu “vua” nơi Đức Giêsu một cách đúng đắn. Cuộc thẩm vấn tiếp tục với câu thẩm vấn thứ hai: “Ông đã làm gì?” Vị Tổng Trấn tạm thời bỏ qua câu hỏi về địa vị “vua” của Đức Giêsu. Ông quan tâm đến “những điều gian ác” mà Đức Giêsu đã làm theo như các Thượng Tế và những “người Do Thái” đã tố cáo (18,30). Cùng với việc nhấn mạnh “các Thượng Tế và dân ông đã nộp ông cho tôi”, câu hỏi “ông đã làm gì?” biểu lộ một sự chua xót, lẫn mỉa mai, bởi lẽ một người được xem là “vua” nhưng đã làm gì xấu đến mức cả lãnh đạo và dân, từ trên xuống dưới đều muốn Người bị xử tử. Đức Giêsu lại không trả lời trực tiếp câu hỏi của vị Tổng Trấn. Người nói đến việc Người đã bị “nộp cho người Do Thái”, qua đó Người giới thiệu về vương quốc (triều đại của Người). Thực chất, không ai có thể nộp Người cho “những người Do Thái” để rồi, họ nộp Người cho quan Philatô. Chính Người đã tự ý trao nộp chính mình. Không ai có thể đụng đến Người, nếu như Người không chịu trao nộp. Sự kiện đám quân lính ngã rạp xuống đất sau khi Người nói: “Chính là Ta đây” (18,6) đã minh chứng rõ ràng quyền năng tự giải thoát của Người. Theo giải thích của Đức Giêsu, độc giả hiểu rằng không phải Người không có quyền năng, hay không muốn sử dụng quyền năng nhưng “vì vương quốc của Người không thuộc về thế giới này”. Người đã dùng cả sứ vụ công khai để rao giảng về “Nước Thiên Chúa” (Nước Trời). Nước Trời đã khởi sự trong những lời giảng và hành động của Người, nhưng rõ ràng nó không phải là vương quốc chính trị như Philatô và những người Do Thái nghĩ. Sự mạc khải của Đức Giêsu về “vương quốc” của Người làm cho quan Philatô quay trở lại câu hỏi lúc ban đầu: “Vậy, ông là vua sao?”. Câu trả lời của Đức Giêsu vừa xác nhận vừa từ chối: “Chính ông nói rằng tôi là vua”. Xác nhận bởi vì Người đúng là vị vua Mêsia mà dân Do Thái hằng mong đợi. Từ chối bởi vì ông Philatô nói đến một vị vua theo nghĩa chính trị. Người không phải là vị vua của một quốc gia theo nghĩa chính trị, đảng phái. Người là vị vua của vương quốc tình yêu và sự thật. Vương quốc của Người sẽ bao phủ cả trên trời dưới đất, chứ không hạn chế trong một vùng lãnh thổ, hay dân tộc nào. Ông Philatô có thể không hiểu được vương quốc, hay vương quyền mà Đức Giêsu muốn nói đến. Ông chỉ hiểu rằng Đức Giêsu không đe dọa đến quyền lực chính trị của ông và đế quốc Rôma. Cuối cùng Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi thứ hai của quan Tổng Trấn (Ông đã làm gì nên tội?). Câu trả lời là “Tôi chẳng làm gì nên tội cả, tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật”. Ông Philatô chắc cũng chẳng hiểu sự thật mà Đức Giêsu muốn nói là gì và ông đã hỏi bâng quơ “sự thật là gì?” và quay bước ra ngoài với dân chúng. Ngạc nhiên thay, không cần Đức Giêsu trả lời, ông cũng đã nói sự thật là Đức Giêsu hoàn toàn vô tội (18,38b; 19,4b.6b) và đã tìm cách tha Người (19,12). Có thể nói rằng cách nào đó, quan Philatô đã thuộc về sự thật và nghe tiếng nói sự thật của Đức Giêsu. Tiếc thay, ông đã không đi đến cùng con đường sự thật dưới áp lực ghê gớm của dân chúng.

Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, các tín hữu được mời gọi liên lỉ nhìn lại hành trình làm người của mình. Lễ các Thánh vào đầu tháng Mười Một cho họ thấy viễn ảnh hạnh phúc vinh quang với Chúa và với các thánh mà họ phải hướng về. Tiếp theo sau Lễ các thánh, Lễ cầu cho các linh hồn và tháng cầu nguyện cho các linh hồn (tháng 11) giúp họ hướng về những người thân, bạn hữu, và những đồng đạo đang chịu nhiều đau khổ, thanh luyện trong nơi luyện hình để rồi hy sinh cầu nguyện, để Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm cho các linh hồn lầm lỗi đang mong ước ngày gia nhập cộng đoàn các thánh. Qua đó, những thành viên trong Giáo Hội lữ hành nhận biết đích đến của mình: Hoặc là nơi luyện tội tạm thời, hoặc là nơi Thiên Đàng vĩnh cửu. Còn một nơi nữa mà không ai muốn nhắc đến. Đó là hỏa ngục muôn kiếp. Những ngày cuối cùng của năm phụng vụ là những ngày lý tưởng để người ta suy xét cho kỹ về mục đích của đời người và mình đã làm được những gì để đạt được mục đích ấy? Có điều gì còn trục trặc, thiếu xót cần chỉnh sửa để chỉnh sửa và bổ sung cho hành trình làm người của mình? Lời mời gọi “ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” của vị Vua của sự thật giúp cho các tín hữu bừng tỉnh nếu như họ đang mải mê với những giấc mơ tiền, quyền, danh, lợi, thú của thế gian này. Họ được mời gọi trở về với triết lý làm người của Đức Kitô. Chân lý mà Người muốn mạc khải là chân lý tình yêu và sự tha thứ. Chân lý ấy hướng dẫn nguyên tắc hành xử của một vị Vua luôn cúi xuống thấp nhất có thể để phục vụ những người yếu hơn, thấp hơn, thay vì đè đầu cưỡi cổ thần dân của mình. Chân lý của Người là chân lý “thượng đạp hạ đội” khác hẳn với lối sống “thượng đội hạ đạp” của thế nhân: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, thấp bé” (Lc 1,52). Các tín hữu được mời gọi lắng nghe tiếng nói của vị Vua sự thật trong mọi suy nghĩ, phát ngôn và hành động của mình và đáp trả cách tích cực trong từng phút giây của đời mình. 

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

 

 

 

 

 

 

 



[1] R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 859.

[2] Khanan (Annas) làm Thượng Tế các năm 6-15 C.E. Theo lịch sử vào lúc xét xử vụ án Đức Giêsu ông đã rời nhiệm sở. Nhưng có lẽ sự ảnh hưởng của ông còn quá lớn đến nỗi khi bắt được Đức Giêsu họ đã dẫn Người đến ông Khanan để chịu thẩm vấn. Ông được nhắc đến như là Thượng Tế bốn lần trong toàn bộ Tân Ước (Lc 3,2; Ga 18,13.24; Cv 4,6). Luca nhắc đến cả hai người đều làm Thượng Tế: “Khanan và Caipha làm Thượng Tế”. Gioan cũng có vẻ đồng ý như vậy khi ông cũng gọi cả Khanan và Caipha là Thượng Tế ở hai dinh khác nhau. Con rể của Khanan là Caipha và cháu của Khanan, Matthias đều làm Thượng Tế. [x. P.D.G, “Annas”, The New International Engcyclopedia of Bible Characters. The Complete Who’s Who in Bible (ed. P. Gardner) (Grand Rapids 2001)].

[4] F.O. Garcia-Treto, “Pilate”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996) 855-856.

[5] “Jesus will not categorically refuse to be known as a king, but he indicates that he prefers to describe his role in terms of testifying to the truth. John has not portrayed Jesus as a preacher of the kingdom but as the unique revealer who alone can speak and show the truth about God” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 853-854).

[6]Jesus does not deny that he is a king, but it is not a title that he would spontaneously choose to describe his role” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 853-854).

[7] “if Jesus talks about his “kingdom” he really means his sovereign rule, his kingly activity, i.e., his action in his capacity as the king who brings salvation”[7] [G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 330.].

[8] F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1170.

[9] G.R. Beasley-Murray, John, 330.

[12] G.R. Beasley-Murray, John, 331-332.

[13] Ibid.

No comments:

Post a Comment