Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
Ἐν ἀρχῇ ἦν ὁ λόγος,
καὶ ὁ λόγος ἦν πρὸς τὸν θεόν, καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος. 2 οὗτος ἦν ἐν ἀρχῇ
πρὸς τὸν θεόν. 3 πάντα δι᾽ αὐτοῦ ἐγένετο,
καὶ χωρὶς αὐτοῦ ἐγένετο οὐδὲ ἕν. ὃ γέγονεν 4 ἐν αὐτῷ ζωὴ ἦν,
καὶ ἡ ζωὴ ἦν τὸ φῶς τῶν
ἀνθρώπων· 5 καὶ τὸ φῶς ἐν
τῇ σκοτίᾳ φαίνει, καὶ ἡ σκοτία αὐτὸ οὐ κατέλαβεν. 6 Ἐγένετο ἄνθρωπος, ἀπεσταλμένος παρὰ θεοῦ, ὄνομα
αὐτῷ Ἰωάννης· 7 οὗτος ἦλθεν εἰς μαρτυρίαν
ἵνα μαρτυρήσῃ περὶ τοῦ
φωτός, ἵνα πάντες πιστεύσωσιν δι᾽ αὐτοῦ. 8 οὐκ ἦν ἐκεῖνος τὸ φῶς,
ἀλλ᾽ ἵνα μαρτυρήσῃ περὶ τοῦ φωτός. 9 Ἦν τὸ φῶς τὸ ἀληθινόν,
ὃ φωτίζει πάντα ἄνθρωπον, ἐρχόμενον εἰς τὸν κόσμον. 10 ἐν
τῷ κόσμῳ ἦν, καὶ ὁ κόσμος
δι᾽ αὐτοῦ ἐγένετο, καὶ ὁ κόσμος αὐτὸν οὐκ
ἔγνω. 11 εἰς
τὰ ἴδια ἦλθεν, καὶ οἱ ἴδιοι
αὐτὸν οὐ παρέλαβον. 12 ὅσοι
δὲ ἔλαβον αὐτόν, ἔδωκεν αὐτοῖς ἐξουσίαν τέκνα θεοῦ γενέσθαι, τοῖς πιστεύουσιν εἰς τὸ ὄνομα αὐτοῦ, 13 οἳ
οὐκ ἐξ αἱμάτων οὐδὲ ἐκ θελήματος σαρκὸς οὐδὲ ἐκ θελήματος ἀνδρὸς ἀλλ᾽
ἐκ θεοῦ ἐγεννήθησαν. 14 Καὶ
ὁ λόγος σὰρξ ἐγένετο καὶ ἐσκήνωσεν ἐν ἡμῖν, καὶ ἐθεασάμεθα τὴν δόξαν αὐτοῦ, δόξαν
ὡς μονογενοῦς παρὰ πατρός, πλήρης χάριτος καὶ ἀληθείας. 15 Ἰωάννης
μαρτυρεῖ περὶ αὐτοῦ καὶ κέκραγεν λέγων· οὗτος ἦν ὃν εἶπον· ὁ ὀπίσω μου ἐρχόμενος ἔμπροσθέν μου γέγονεν, ὅτι πρῶτός
μου ἦν. 16 ὅτι
ἐκ τοῦ πληρώματος αὐτοῦ ἡμεῖς πάντες ἐλάβομεν καὶ χάριν ἀντὶ χάριτος· 17 ὅτι
ὁ νόμος διὰ Μωϋσέως
ἐδόθη, ἡ χάρις καὶ ἡ ἀλήθεια
διὰ Ἰησοῦ Χριστοῦ ἐγένετο. 18 Θεὸν
οὐδεὶς ἑώρακεν πώποτε· μονογενὴς θεὸς ὁ ὢν εἰς τὸν κόλπον τοῦ πατρὸς ἐκεῖνος ἐξηγήσατο. (Jn
1:1-18 BGT) |
1 Vào lúc khởi đầu,
Ngôi Lời đã hiện hữu và Ngôi Lời hằng hiện hữu với[1]
Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa 2 Người đã luôn hiện hữu với Thiên Chúa ngay từ lúc khởi đầu 3 Tất cả nhờ Người mà đi vào hiện hữu và không có Người
không một điều gì đi vào hiện hữu, cái mà được
mang vào hiện hữu. 4 Trong Người là sự sống và sự sống là ánh sáng của con người 5 Ánh sáng chiếu soi vào trong bóng tối, nhưng bóng tối không vượt được
ánh sáng 6 Có một người xuất
hiện, người được Chúa sai đến, tên ông ta là Gioan. 7 Ông đến vì lời chứng để ông làm chứng về
ánh sáng để mà tất cả
tin nhờ ông. 8 Ông không phải là
ánh sáng, nhưng là để làm
chứng về ánh sáng. 9 Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi tất cả mọi người,
ánh sáng đi vào thế giới. 10 Người ở trong thế giới, và thế giới nhờ
Người mà đi vào hiện hữu, nhưng thế giới không
nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà của chính mình nhưng người nhà lại không tiếp đón. 12 Nhưng bất cứ ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho họ quyền trở thành con Thiên Chúa, cho những kẻ tin vào danh của
Người. 13 Những người ấy
đã được sinh ra không phải từ máu huyết, cũng không phải từ ý muốn của người đàn ông nhưng từ Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên xác phàm
và cắm lều giữa chúng ta, chúng ta đã
được thấy vinh quang của Người, vinh quang như là từ Cha, đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gioan làm chứng về Người và kêu lớn tiếng nói rằng: “Đây là
Đấng tôi đã nói, đấng đến sau tôi nhưng hiện hữu trước
tôi, vì Người có trước tôi. 16 Từ sự sung mãn của Người, chúng ta đã nhận tất cả, ân sủng này đến ân sủng khác. 17 Lề Luật được ban qua ông Mô-sê,
ân sủng và sự thật xuất
hiện bởi Đức Giêsu Kitô. 18 Thiên Chúa không
ai thấy bao giờ, Con Một Chúa, Đấng hằng ở nơi cung lòng của Cha, Đấng ấy đã làm cho chúng ta biết. |
Bối
cảnh bản văn:
Ga
1,1-18 là phần đầu tiên được xem như là Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư. Đây là kiểu
soạn thảo Tin Mừng mà chỉ có Gioan mới có. Nếu như Máccô bắt đầu Tin Mừng của
mình với lời giới thiệu ngắn gọn súc tích: “Tin Mừng Đức Giêsu, Kitô, Con Thiên
Chúa, thì Gioan giới thiệu ngay vào nguồn gốc chủ thể của Tin Mừng: Từ khởi đầu
đã có Ngôi Lời. Rồi, cũng như Máccô, nhân vật Gioan Tẩy Giả không thể thiếu được.
Tuy nhiên, trong Tin Mừng thứ tư, Gioan Tẩy Giả được giới thiệu là người làm chứng
về ánh sáng và ông nhìn nhận mình không phải là Êlia như Tin Mừng Nhất Lãm ám
chỉ. Trong Lời Tựa này, độc giả có thể tìm thấy những chủ đề trọng yếu của Tin
Mừng thứ tư. Đó là chủ đề Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Vào cuối Tin Mừng,
sau Phục Sinh, thánh Tôma sẽ tuyên xưng Đức Giêsu là “Lạy Chúa của tôi, lạy
Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Ngôi Lời thực sự là Thiên Chúa. Rồi, chủ đề về
“tin” và “đón nhận” (Ga 1,12). “Con Người phải được giương cao, để ai tin có thể
có sự sống nơi mình” (Ga 3,14-15); “ai tin nơi Người Con sẽ có sự sống đời đời,
ai chối từ Người Con sẽ không thấy sự sống” (Ga 3,18). Đến cuối cùng mục đích của
toàn bộ Tin Mừng là “anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, để nhờ
tin mà có sự sống trong danh của Người” (Ga 20,31). Một chủ đề khác là chủ đề
“người nhà chẳng đón nhận Người” (Ga 1,11). Người Do Thái, các thượng tế và những
người Pha-ri-sêu sẽ tìm cách loại bỏ Người bằng cách đóng đinh Người (Ga 7,19;
8,37.40; 11,50.53). Chủ đề về ánh sáng và bóng tối cũng là một chủ đề nổi bật
không kém (Ga 1,4.5.7.8.9). Đức Giêsu khẳng định rằng “Tôi là ánh sáng thế
gian” (9,5; 12,46). Câu chuyện “người mù từ thuở mới sinh” (Ga 9,1-51) chứng tỏ
rằng Đức Kitô là ánh sáng và Người đã chiếu soi hoàn toàn bóng tôi nơi anh mù. Có
thể nói, Lời Tựa Tin Mừng thứ tư như là một phần giới thiệu những chủ đề chính
yếu sẽ được khai triển trong phần nội dung của Tin Mừng.
Cấu trúc: Bản văn có thể có cấu trúc đối xứng (Chiasmus) như sau:
A. Ngôi Lời luôn
hiện hữu với Thiên Chúa, Thiên Chúa (1-2) B. Ngôi Lời trao ban sự hiện hữu, sự sống, ánh sáng (3-5) C. Gioan làm chứng về ánh sáng – Ngôi Lời
để người ta tin (6-9) D. Ngôi Lời ở trong thế giới, đến nhà của chính mình, bị từ chối
(10-11) E. Những người đón nhận
Người – những kẻ tin – con Thiên Chúa, (12) E’. Những người đã được sinh ra từ Thiên Chúa (13) D’. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cắm lều giữa chúng ta (14)
C’. Gioan làm chứng: Ngôi Lời hiện hữu
trước ông (15) B’. Ngôi Lời ban ân sủng, sự thật (16-17) A’. Ngôi Lời
nơi cung lòng Chúa Cha, Con Một Chúa (18) |
1. “Lúc
khởi đầu”: Cụm trạng từ chỉ thời gian này không khỏi gợi nhớ đến cụm trạng
ngữ trong sách Sáng Thế.[2] Sách Sáng thế nói đến sự
khởi đầu của công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Gioan nới đến sự khởi đầu của sự
tồn tại của Ngôi Lời. Và nhờ Ngôi Lời này mà muôn vật (tất cả) được hiện hữu.
Đây cũng là một cách nói khác của công trình tạo dựng. Công trình tạo dựng
không chỉ là của Thiên Chúa nhưng còn nhờ vào Ngôi Lời. Chủ đề tạo dựng còn
song song với sách Sáng Thế khi Lời tựa đề cập đến ánh sáng và bóng tối. Khởi đầu
Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa cũng phán: “hãy có ánh sáng”. Máccô cũng bắt đầu
Tin Mừng bằng “sự khởi đầu” nhưng đây không phải là trạng ngữ chỉ thời gian mà
là danh từ “sự khởi đầu”. “Sự khởi đầu” của Máccô là sự khởi đầu của Tin Mừng của
Đức Giêsu Kitô, chứ không phải một thời điểm. “lúc khởi đầu” của Tin Mừng thứ
tư vừa giống, vừa khác, “lúc khởi đầu” của sách Sáng Thế. Có thể nói là “lúc khởi
đầu của” Tin Mừng thứ tư được hiểu là trước “lúc khởi đầu” của sách Sáng Thế bởi
vì đó là thời điểm mà Ngôi Lời hiện hữu. Ngài vốn có trước mọi sự và vượt mọi
thời gian.
2. “Ngôi
Lời” (Logos): Trong tiếng Hy Lạp “λόγος” (Logos) là “lời
nói”, “thông điệp”. Danh từ có động từ tương ứng là “lego” (nói). Mười Điều Răn
trong bản dịch tiếng Hy Lạp (LXX) được gọi là Mười Lời (οἱ δέκα λόγοι,
Xh
34,28). Logos có nguồn gốc từ truyền thống Hy Lạp. Triết gia Hy Lạp, Heraclitus
(khoảng 535 – 475 BCE) hiểu Logos là “sự không ngoan toàn năng mà nhờ nó tất cả
được hướng dẫn”. Theo triết gia trường phái Khắc Kỷ (Stoics, tk. III BCE),
Logos là “quy luật chung của tự nhiên, ở khắp mọi nơi trong vũ trụ và duy trì sự
thống nhất của nó, là lửa thần linh, linh hồn của vũ trụ”. Triết gia Do Thái, Philo
của Alexandria (khoảng 20 BCE – 50 CE) tin rằng Logos là tác nhân của sự sáng tạo,
là sự khôn ngoan vĩnh cửu của Chúa. Những người theo Ngô Đạo Thuyết (Gnosic,
tk. I CE), cho rằng Logos là Đấng Cứu Chuộc, Đấng đã đi xuống thế giới thấp hơn
trong hình dạng con người, lừa gạt quyền lực ma quỷ, và làm cho con người có thể
theo Người vào thế giới cao hơn của Chúa.[3] Trong Lời Tựa, tác giả Tin
Mừng thứ tư nhân cách hóa bằng cách dùng mạo từ xác định đặt trước danh từ này
(ὁ
λόγος).
Bản Việt Ngữ là “Ngôi Lời” (CGKPV), bản Anh Ngữ là “the Word” (ESV), Pháp Ngữ
là “le Verb” (TOB), và Ý Ngữ là “il Verbo” (CEI). Tất cả đều được viết hoa để
diễn tả một Ngôi Vị. Đó là Ngôi Hai. Lời đề cập đến năng lực sáng tạo của Thiên
Chúa trong công cuộc sáng tạo (x. St 1,3tt; Tv 33,6) và mặc khải (Gr 1,4; Is
9,8; Ed 33,7; Am 3,1.8) và giải thoát (Tv 107,20; Is 55,11). Lời trong Cựu Ước
là sự tự biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, mặc khải và cứu
độ. Chính vì thế tác giả Gioan dùng nó như một danh hiệu áp dụng cho sự tỏ bày
mức độ cao nhất của Thiên Chúa, Ngôi vị của chính Con của Ngài.[4] Những Kitô hữu thời tiền
Gioan dùng cụm từ “Lời của Chúa” để truyền tải thông điệp cứu độ của Kitô giáo
(X. Lc 8,11; Cv 13,44; 1Tx 2,13; 2 Tm 2,9). Khi Gioan dùng “Lời”, có lẽ ông
cũng ngụ ý rằng đây là Đấng Trung Gian mà Thiên Chúa sẽ “nói” với nhân loại giống
như cách thư Hípri đã diễn tả: “Thuở xưa, vào nhiều lúc khác nhau, bằng nhiều
cách thức, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào những
ngày cuối cùng này, Ngài nói với chúng ta qua Người Con, Đấng mà Ngài đã chỉ định
làm Người thừa kế mọi sự, và Đấng mà nhờ đó thế giới được tạo thành” (Hr
1,1-2). Thư Hípri cũng đền cập đến công trình tạo dựng nhờ Đấng Trung Gian mặc
khải này. C. Karakolis tin rằng độc giả của Tin Mừng Gioan biết rằng bất cứ khi
nào Đức Giêsu, Lời Nhập thể nói, những lời của Người có thẩm quyền và chân thật
như là lời của chính Chúa. Ngôi Lời của Chúa nói những lời của Chúa (The Word
of God speaks the words of God).[5]
3. “Ngôi
Lời là Thiên Chúa”: Ngôi Lời không những là năng lực tạo dựng của Thiên
Chúa, nhưng Người cũng là Thiên Chúa. Tác giả Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất,
ngay từ đầu đã nói rõ rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa. Khẳng định này sẽ được
thánh Tô-ma tuyên xưng trong đoạn cuối của Tin Mừng thứ tư, sau khi Đức Giêsu Phục
Sinh (Ga 20,28).[6]
Người không những “ở, tồn tại với Thiên Chúa” (Ga 1,1b), nhưng chính Người cũng
là Thiên Chúa (Ga 1,1c). Chỉ trong vòng hai câu đầu Gioan đã cố gắng diễn tả
căn tính và thần tính của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, bằng nhiều cụm từ lặp lại.
Cụm trạng ngữ chỉ thời gian (lúc khởi đầu) được lặp lại hai lần như một nhấn mạnh
về thời gian. Danh xưng “Ngôi Lời” được lặp lại ba lần như nhấn mạnh chủ thể của
Lời Ngỏ cũng như của toàn Tin Mừng. Song song với “Ngôi Lời”, danh xưng “Thiên
Chúa” cũng được lặp lại ba lần để khẳng định tương quan thần tính giữa Đức Giêsu
và Thiên Chúa. Kiểu cấu trúc inclusio (bao hàm) (A-B-A’) cũng được sử dụng nhằm
giúp sự khẳng định thêm chắc nịch: Từ khởi đầu… đã hiện hữu…và hiện hữu với
Thiên Chúa… là Thiên Chúa… hiện hữu với Thiên Chúa từ lúc khởi đầu. Gioan cũng
sử dụng rất nhiều động từ “eimi”, ở thì vị hoàn (ἦν),
diễn tả kéo dài của hành động. Động từ này cũng có nhiều tầng ý nghĩa phong phú
khác nhau: tồn tại, hiện hữu, có, ở, là, thì, xảy ra. Từ điển Friberg,
Analytical Greek Lexicon liệt kê ít nhất 10 nghĩa khác nhau của động từ này. Có
thể nói đây là động từ lý tưởng nhất để diễn tả Ngôi Lời. Tuy vậy, cũng phải thừa
nhận rằng nó cũng không thể diễn tả một cách hoàn toàn về Ngôi Lời, vì ngôn ngữ
nhân loại vốn hạn chế. Lời Tựa được khởi đầu bằng mặc khải căn tính Thiên Chúa
của Ngôi Lời và sự hiện hữu của Người là từ thuở đời đời. Gioan đóng khung Lời
Tựa bằng việc mô tả Ngôi Lời như là Người Con, ở trong cung lòng Chúa Cha, có sứ
vụ tỏ lộ Chúa Cha cho nhân loại. Đó cũng là sứ vụ được hiện thực hóa trong cách
nói Người ở trong thế giới, Người đã đến nhà mình, hay ánh sáng chiếu soi vào
bóng tối. Ngôi Lời là Thiên Chúa, ngôi Con, đã nhập thể nhằm mặc khải về Chúa
Cha và ơn cứu độ của Người cho thế giới.
4. “Tất
cả nhờ Người mà đi vào hiện hữu”. Động từ “ginomai” (ἐγένετο)
trong tiếng Hy Lạp cũng mang rất nhiều nghĩa. Trong bối cảnh này có thể hiểu là
“đi vào hiện hữu” hoặc là “được tạo thành” (được làm nên). J. Moloney hiểu đại
từ “tất cả” như là “mọi loài thụ tạo” và “ginomai” là hành động tạo dựng.[7] R. Brown dịch là “tất cả mọi
vật đã đi vào hiện hữu”[8], cũng có nghĩa tương
đương. Trong câu 3 này, động từ “ginomai” được lặp lại đến 3 lần: “tất cả, nhờ
Người, được tạo thành; không có Người không có bất cứ thứ gì, thứ mà được tạo
thành, được tạo thành”. Sự đối nghịch giữa hai cặp từ “tất cả” và “không có bất
cứ thứ gì” cho thấy mức độ ảnh hưởng một cách tuyệt đối của Ngôi Lời trong sự
hiện diện của muôn vật trên thế gian này. Trong tường thuật về tạo dựng (St
1,1-2,3b), Thiên Chúa không tạo ra thứ gì mà không dùng lời của mình. Đó có thể
là hình ảnh của Ngôi Lời trong cộng cuộc tạo dựng mà Gioan muốn nói đến.
5. “Trong
Người là sự sống”: Sự ngắt câu giữa câu 3 và câu 4 là một vấn đề tranh cãi
giữa các học giả qua nhiều thế hệ. Bản Thánh Kinh Tân Ước cổ được chép tay, bằng
chữ in hoa và không có khoảng trắng giữa các từ. Có thể vì ngày xưa giấy rất hiếm
và người ta muốn tiết kiệm hết sức có thể. Câu 4 khởi đầu bằng trạng ngữ chỉ
nơi chốn “trong Người đã là sự sống” xem ra không suôn sẻ. Trong khi đó phần kết
thúc của câu 3 có vẻ dư thừa: “tất cả, nhờ Người, được tạo thành, và không có
Người không có gì được tạo thành, điều mà được tạo thành”. Chính vì thế nhiều
tác giả đề xuất cách ngắt câu tốt hơn bằng cách đưa phần dư thừa của câu 3 ghép
vô phần đầu của câu 4. Câu 4 mới sẽ là: “điều đã được tạo thành nơi Người là sự
sống”. Cách ngắt câu này được sự đồng thuận của nhiều học giả.[9] Và theo cách cách ngắt câu
này, sự sống lại được nhấn mạnh trong công trình tạo dựng này. Điều này xem ra
cũng rất phù hợp với nội dung triển khai của Tin Mừng thứ tư. Đức Giêsu nhiều lần
nói về sự sống trong Tin Mừng này. Danh từ “sự sống” được dùng một cách trội vượt
trong Tin Mừng thứ tư (41 lần) so với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm (Mt: 18;
Mc: 8 và Lc: 19). Rất nhiều kiểu diễn tả sự sống liên quan trực tiếp đến Đấng
ban sự sống. Việc sống hay chết gắn liền với đức tin vào Đức Giêsu (Ga 3,15.36;
6,47); “Ai uống nước Tôi cho sẽ có trong người ấy một dòng suốt vọt lên sự sống
dồi dào” (Ga 4,14); “Người Con trao ban sự sống cho ai mà Người hài lòng” (Ga 5,21);
Đức Giêsu chính là bánh của sự sống (Ga 6,35.48) … Đức Giêsu đã phục hồi sự sống
cho Ladarô, người đã được chôn 4 ngày (Ga 11,25; 43-44). Tuy thế, cách ngắt câu
này cũng tồn tại ít nhất 5 vấn đề như R. Brown đề trưng ra.[10] Đâu là ý nghĩa của sự sống
trong ngữ cảnh này? Sự sống tự nhiên hay là sự sống vĩnh cửu? Vì “sự sống” là một trong những chủ đề trọng
yếu của Tin Mừng Gioan, nên rất có thể “sự sống” này là vĩnh cửu. Đối với Gioan
“sự sống” diễn tả một phẩm chất của sự hiện hữu, nghĩa là, loại sự sống mà một
người có khi Thiên Chúa hướng dẫn trong cuộc sống của anh ta.[11]
6. “Sự
sống là ánh sáng của nhân loại”: Trong Cựu Ước, khái niệm ánh sáng là một
điều gì đó gây thích thú và dễ chịu, đối nghịch lại với bóng tối. Thế giới của
sự sống là thế giới của ánh sáng trong khi thế giới của sự chết là nơi chốn của
bóng tối. Trong Tân Ước, ánh sáng trở thành tương đương với quyền lực của sự tốt
lành, đấu tranh với bóng tối là quyền lực sự dữ.[12] “sự sống ở đây ám chỉ một
chất lượng của cuộc sống, không chỉ là tồn tại, một cuộc sống đích thực thắp
sáng cho con người.[13] Những người theo triết học
Pythagore phát triển một bản liệt kê mười cặp đối lập bao gồm nam/nữ, trái/phải,
kỳ quái/bình thường và ánh sáng/bóng tối. Ánh sáng nối kết với sự sống và bóng
tối nối kết với sự chết. Trong “phép loại suy hang động” của Platon ánh sáng đại
diện cho cả sự thiện hảo và những phương tiện nhờ đó người ta đạt đến sự thiện
hảo. Như thế, ánh sáng và sự nhìn thấy trở thành những ẩn dụ cho việc nắm bắt
những gì là tối thượng hoặc sự thật. Theo M.M. Thompson, “ánh sáng của nhân loại”
(Ga 1,4) có nghĩa là ánh sáng cho lợi ích của nhân loại, là ánh sáng cho họ.[14] Đức Giêsu là ánh sáng soi
chiếu cho nhân loại không chỉ để cho họ thấy vạn vật, nhưng còn thấy Thiên
Chúa, thấy tình yêu Chúa dành cho họ. Ngài cho họ biết nhìn mọi việc, mọi người
bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Đó là ánh mắt tình yêu và tha thứ. Ánh sáng của
Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng giúp người ta nhìn thấy một cách chân thật
lòng mình, thấy lỗi lầm, thấy sự thật, thấy Chúa, thấy tình yêu Chúa, để rồi
giúp nhân loại đi ra khỏi bóng tối của sự chết mà vươn đến sự sống.
7. “Người
đã ở trong thế giới… Thế giới không nhận biết Người… Người đã đến nhà mình...
người nhà chẳng đón nhận Người”: Các câu 10 và 11 diễn tả một nghịch lý trớ
trêu và bi thảm của nhân loại. Thế giới được tạo nên nhờ Ngôi Lời, và Ngôi Lời
đã ở trong thế giới, nhưng thế giới lại chẳng biết Người (Ga 1,10). Mạnh mẽ
hơn, có thể là cực điểm của sự nghịch lý, “Người đã đến nhà mình, nhưng người
nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,11). Đức Giêsu đến thế gian như là chủ nhân, nhưng
nhiều người đã không nhận biết và chối từ Người. “τὰ ἴδια”
trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “những vật thuộc về ai đó”, trong ngữ cảnh này
có thể hiểu là nhà của chính mình, “οἱ ἴδιοι”, cũng được hiểu
là “người trong gia đình”. “Nhà” của Đức Giêsu có thể hiểu theo nghĩa hẹp là Bếtlehem,
nơi Người được sinh ra nhưng không ai đón nhận, cũng có thể là Na-gia-rét, quê
hương của Người, nơi mà những người đồng hương không tin và đón nhận Người (Mt
13,57; Mc 6,4). “Nhà của Người” cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là toàn
đất nước It-ra-el. Người nhà của Người có thể hiểu là những người đồng hương,
những người đã tìm cách giết Người. “Không đón nhận” theo nghĩa nhẹ là không tin
vào Người và Tin Mừng của Người. Theo nghĩa nghiêm trọng hơn là ghét Người
(15,18-19). Và cực điểm là tìm cách loại trừ và giết chết Người. Trong Tin Mừng
thứ tư, “những người Do Thái”, đã tìm cách giết Đức Giêsu (Ga 5,18). Họ lên kế
hoạch cụ thể để lấy mạng Người (Ga 11,53). Và cuối cùng họ đã yêu cầu Philato
đóng đinh Người vào thập giá (Ga 19,6). Trong vụ này, có sự tham gia của tổng
trấn Rô-ma và rất nhiều người Do Thái.
8. “Những
ai đón nhận và tin vào Người”: Tin Mừng thứ tư sẽ cho chúng ta thấy có những
người đã đón nhận và tin vào Người. Đó là hình ảnh phụ nữ Samaria và dân làng
Samaria. Câu chuyện khát nước và xin nước của Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp (4,1-42)
đã kết thúc có hậu và bất ngờ khi không những người phụ nữ Samari tin vào Đức Giêsu
mà nhiều người Samari tin vào Người (Ga 4,39-42). Câu chuyện “chữa lành người
mù từ lúc mới sinh” cũng kết thúc bằng việc anh mù sau một hành trình dài gian
nan đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu và bái thờ Người (Ga 9,38). Tin Mừng
thứ tư cũng là Tin Mừng duy nhất nói đến một Nicodemo, một bậc thầy Do Thái đã
theo Đức Giêsu cách âm thầm (Ga 3,1-21), đã bảo vệ Đức Giêsu cách công khai (Ga
7,50-51) và cuối cùng chính ông đã chôn cất Đức Giêsu (Ga 19,39). Đây có thể được
xem là những con người đã tin và đón nhận Đức Giêsu. Trong số họ có cả những
người trí thức, hiểu biết lẫn những người thường dân, đau bệnh. Ngoài ra, còn
có cả những người bị người Do Thái kỳ thị loại bỏ như là những người Samari. Đó
là nghịch lý và niềm an ủi cho Đức Giêsu dẫu là người nhà không đón nhận Người,
nhưng có nhiều người khác đón nhận Người. Những người này được sinh ra không do
máu hay do ước muốn của xác thịt, hay ước muốn của người đàn ông. Họ được sinh
ra do ước muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đại đa số người ta sinh ra theo “ước
muốn xác thịt và ước muốn của người đàn ông”, nhưng khi đã đón nhận Đức Ngôi Lời
và tin vào Người, họ mới được tái sinh trong gia đình Thiên Chúa và vì thế họ
đươc Thiên Chúa sinh ra.
9. “Quyền
làm con Thiên Chúa”: Những người tin và đón nhận Đức Giêsu dầu căn
tính và xuất thân họ ra sao đều có quyền trở thành con của Thiên Chúa. Nói cho
cùng, ngay từ đầu, Gioan đã khẳng định, tất cả mọi thụ tạo đều nhờ Người mà có
và tồn tại, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Vậy thì, không phải
tất cả đều là con Thiên Chúa đó sao? Tất cả không phải là người nhà của Đức Giêsu,
Ngôi Lời nhập thể đó sao? Nhưng nghịch lý là không phải tất cả mọi người đều thấy
và chấp nhận chân lý này. Chính vì thế mà Ngôi Lời phải nhập thể và nhập thế, để
giúp thụ tạo đón nhận lại quyền làm con Thiên Chúa. Dẫu vậy, Gioan muốn nhấn mạnh
rằng đây là quyền mà Thiên Chúa ban cho mỗi thụ tạo chứ không phải họ tự thân đạt
được. Trở thành con Thiên Chúa kéo theo việc đón nhận bản chất thần thiêng hay đặc
tính mà Giêsu chính là hình ảnh hoàn hảo.[15]
10.
“Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cắm lều ở giữa
chúng ta” (Ga 1,14): Động từ “σκηνόω”
có nghĩa là sống, cư ngụ, hay là cắm lều. Động từ này gợi nhớ đến hình ảnh
Thiên Chúa di cư, đồng hành cùng dân trong cuộc xuất hành. Ngài không ngần ngại
ngự trong lều vải, trong sa mạc với dân Ngài. Chính vì thế mà C. Keener cho rằng
động từ này gợi lên một cuộc xuất hành mới được hoàn tất nơi Chúa Kitô hay cũng
gợi nhớ đến vinh quang của Chúa ở giữa dân Người.[16] Nếu như trong Cựu Ước,
Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân cách vô hình, thì giờ đây Người hiện diện cách
hữu hình. Người đã trở nên xác phàm như con người vậy. Người hiện diện bằng
xương bằng thịt một cách sống động.
11. “Đấng
ấy đã làm cho chúng ta biết”: Trong Cựu Ước, thấy Thiên Chúa là đồng nghĩa
với chết (Tl 6,23). Ông Mô-sê dù đã có gặp Chúa trong cuộc thần hiện nơi bụi
gai bốc cháy, nhưng khi ông đề nghị được nhìn trực tiếp vinh quang Thiên Chúa,
Chúa đã chối từ: “Không có người nào có thể thấy ta mà sống (Xh 33,18-20) và
Mô-sê chỉ thấy lưng của Chúa mà thôi (Xh 33, 21-23). Có lẽ vì thế mà tác giả
Gioan nói rằng “Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ” (Ga 1,18). Nhưng giờ đây
Ngôi Lời đã làm Người và làm cho nhân loại biết Thiên Chúa thế nào. Đức Giêsu đến
có thể ngụ ý một sự mặc khải mang tính cánh chung, mặc khải đỉnh cao và tối thượng
của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đối với Đức Giêsu “làm cho Thiên Chúa được biết”
không chỉ ngụ ý biểu lộ dung mạo Thiên Chúa nhưng diễn tả cách đầy đủ về toàn bộ
căn tính của Thiên Chúa.[17]
Bình
Luận Tổng Quát
Phần
đầu Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư (Ga 1,1-18) giới thiệu cho độc giả những ý tưởng
thần học thiết yếu của Tin Mừng thứ tư. Nơi đây, độc giả tìm thấy khái niệm Lời
được áp dụng cho một Ngôi Vị Thiên Chúa. Người là Lời bởi vì qua Người Thiên
Chúa nói với nhân loại và qua Người nhân loại hiểu biết về Chúa. Người là ngôi
vị bởi vì Người có từ đời đời chứ không phải được tạo nên. Người hiện hữu với
Thiên Chúa ngay từ lúc khởi đầu (17,5). Không những thế, tất cả mọi thụ tạo đều
nhờ Người mà có và tồn tại. Người chính là ánh sáng (8,12) và sự sống (11,25) của
nhân loại. Ánh sáng này đi vào thế giới để giúp mọi người nhìn thấy dung mạo của
Thiên Chúa, dung mạo của một Thiên Chúa tạo dựng đầy quyền năng và Thiên Chúa
yêu thương vô bờ bến. Nhờ Người, nhân loại cũng nhìn thấy mọi vật, mọi người một
cách chân thật nhất. Họ cũng được nhìn thấy chính tâm hồn của mình một cách rõ
ràng. Những điểm tối và điểm sáng sẽ được soi chiếu. Việc chọn lựa ánh sáng sẽ
đem đến cho người ta sự sáng và sự sống, ngược lại ở trong bóng tối sẽ đưa người
ta vào cõi chết đời đời.
Gioan
Tẩy Giả được giới thiệu, trong Lời Tựa này, như là người đến để làm chứng về
ánh sáng, nghĩa là làm chứng cho Ngôi Lời. Cuộc đời, sứ vụ của ông là giúp người
ta nhận ra Đức Giêsu chính là ánh sáng thật. Người đến để ban ánh sáng cho tất
cả mọi người. Tuy vậy, chẳng mấy ai đón nhận Người. Trên thực tế, có nhiều người
còn chuộng bóng tối hơn ánh sáng, bởi vì những việc họ làm đều xấu xa (Ga
3,19). Sự thể là Đức Giêsu đã ở trong thế gian và thế gian đã nhờ Người mà hiện
hữu và tồn tại, nhưng họ lại không nhận biết Người. Nghiệt ngã hơn nữa, Người
đã đến nhà mình nhưng anh chị em ruột thịt họ hàng và đồng hương đã không đón
nhận Người. Người đã phải sinh ra trong một cánh đồng vắng, trong một chuồng bò
lừa ngoài thành Bếtlehem (x. Lc 2,1-20). Người bị vua Hêrôđê đuổi cùng, giết tận
lúc còn ẵm ngửa trên tay mẹ. Một vị vua con bị loại ra ngoài lề của xã hội (x.
Mt 2,1-23). Người về quê hương giảng dạy thì bị những người đồng hương dè bĩu
chê bai và không đón nhận (x. Mc 6,1-6). Rồi, cuối cùng chính những người đồng
hương của Người đã gây áp lực đòi buộc Phi-la-tô phải xử tử Người. Người đã chết
trong tiếng kêu khát khao (x. Ga 19,28), khát khao một sự đón nhận, một lòng
tin nơi những người đồng hương. Ngược lại với giới lãnh đạo và đa số những người
đồng hương, nhiều người ngoài lề xã hội Do Thái, cũng như ngoài biên giới Do
Thái đã tin nhận Người. Đó là người mù từ lúc mới sinh, kẻ bị xem là người tội
lỗi nên gánh chịu hình phạt mù lòa bẩm sinh (x. Ga 9,1-41). Đó là người phụ nữ
Samari và dân làng Samari, một sắc dân chẳng chung đụng gì với người Do Thái dầu
họ sống ngay bên nách người Do Thái (x. Ga 4,1-42). Phần thưởng cao quý dành
cho những người tin vào Đức Giêsu và đón nhận Người là “quyền được làm con
Thiên Chúa”. Đành rằng mọi thụ tạo đều do Chúa tao nên hay sinh ra. Nghĩa là tất
cả họ đều là con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, tội lỗi, tội nguyên tổ và tội
riêng, đã làm cho họ rời xa Thiên Chúa đến nỗi quên đi nguồn cội của mình.
Chính vì thế, con một của Chúa, phải mặc lấy xác phàm, đến cắm lều giữa nhân loại
để giúp họ tìm về lại với Chúa mà hàn gắn lại mối liên hệ cha-con với Ngài. Lề
Luật đã được ban cho ông Mô-sê để chỉ dạy dân trong một thời gian nhưng Đức Giêsu
mang đến ân sủng và sự thật để giúp cho con người kiện toàn sự hoàn hảo nơi
mình. Đức Giêsu đầy tràn ân sủng và sự thật. Với ân sủng mà Chúa ban, người ta
sẽ tìm kiếm sự thật vươn đến sự thật tuyệt đối là chính Chúa Giêsu, Đấng là đường
là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Sống hay chết, mất hay còn đều tùy thuộc
vào việc tin và nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch
SVD
[1]
Bản dịch Việt Ngữ (CGKPV) là:
“hướng về Thiên Chúa” hình như không diễn tả được ý nghĩa nguồn gốc của Ngôi Lời.
Bản dịch này có thể quá chú trong đến giới từ “pros” (về phía, towards) mà quên
đi rằng giới từ “pros” cũng có nghĩa là “với” và động từ “eimi” có nghĩa là “ở”.
Bản dịch Ý Ngữ (era presso Dio, CEI) và Pháp Ngữ (était tourné vers Dieu TOB)
xem ra cùng một cách hiểu như bản Việt Ngữ. Chỉ có bản Anh Ngữ (was with God,
ESV, RSV) xem ra gần với bản Hy Ngữ hơn. Giới từ này thường truyền tải một
nghĩa tương tác lẫn nhau. Nghĩa là, Ngôi Lời không chỉ ở nơi sự hiện diện của
Chúa, nhưng có một mối tương quan hỗ tương giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời [M.B.
Newman – E.A. Nida, A Handbook on the Gospel of John (New York 1993) 8].
[2] R.E. Brown, The Gospel
According to John (I-XII). Introduction, Translation, and Notes (New Haven
– London 2008) 4; B.M.
Newman – A.E. Nida, A Handbook on the Gospel of John (New York, 1993) 6.
[3]
G.R. Beasley-Murray, John
(WBC; Dallas 2002) XXXVI, 7.
[4]
D.A. Carson, The Gospel
According to John (Leicester – Grand Rapids 1991) 116.
[5]
C. Karakolis, “The
Logos-Concept and Dramatic Irony in Johannine Prologue and Narrative”, The Prologue
of the Gospel of John. Its Literary, Theological, and Philosophical
Contexts. Papers read at the Colloquium Ioanneum 2013 (WUNT 359; Tubingen 2013)
148.
[6] R.E. Brown, The Gospel
According to John, 5.
[7]
F.J. Moloney, The Gospel
of John (SP 4; Collegeville 2005) 42.
[8]
R.E. Brown, The Gospel
According to John, 6.
[9]
F.J. Moloney, The Gospel
of John, 42-43.
[10]
R.E. Brown, The Gospel
According to John, 7.
[11]
M.B. Newman – E.A. Nida, A
Handbook on the Gospel of John, 11.
[12] Ibid.
[13] Ibid.
[14] The Prologue of the Gospel of
John. Its Literary, Theological, and Philosophical Contexts. Papers read at
the Colloquium Ioanneum 2013 (eds. J.Van der Watt – R.A. Culpepper – U.
Schnelle) (WUNT 359; Tubingen 2013) XVI.
[15]
C.S. Keener, The Gospel of
John. A Commentary (Grand Rapids 2003) 403.
[16]
C.S. Keener, The Gospel of
John, 408-409; Beasley-Murray – R. George, John (WBC 36;
Dallas 2002) 14.
[17]
C.S. Keener, The Gospel of
John, 424.
No comments:
Post a Comment