Friday, 24 December 2021

CHA TRÊN TRỜI VÀ CHA MẸ TRẦN GIAN. Chú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia C (Lc 2,41-52)

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

41 Καὶ ἐπορεύοντο οἱ γονεῖς αὐτοῦ κατ᾽ ἔτος εἰς Ἰερουσαλὴμ τῇ ἑορτῇ τοῦ πάσχα.

 42 Καὶ ὅτε ἐγένετο ἐτῶν δώδεκα, ἀναβαινόντων αὐτῶν κατὰ τὸ ἔθος τῆς ἑορτῆς

 43 καὶ τελειωσάντων τὰς ἡμέρας, ἐν τῷ ὑποστρέφειν αὐτοὺς ὑπέμεινεν Ἰησοῦς ὁ παῖς ἐν Ἰερουσαλήμ, καὶ οὐκ ἔγνωσαν οἱ γονεῖς αὐτοῦ.

 44   νομίσαντες δὲ αὐτὸν εἶναι ἐν τῇ συνοδίᾳ ἦλθον ἡμέρας ὁδὸν καὶ ἀνεζήτουν αὐτὸν ἐν τοῖς συγγενεῦσιν καὶ τοῖς γνωστοῖς,

 45  καὶ μὴ εὑρόντες ὑπέστρεψαν εἰς Ἰερουσαλὴμ ἀναζητοῦντες αὐτόν.

 46  καὶ ἐγένετο μετὰ ἡμέρας τρεῖς εὗρον αὐτὸν ἐν τῷ ἱερῷ καθεζόμενον ἐν μέσῳ τῶν διδασκάλων καὶ ἀκούοντα αὐτῶν καὶ ἐπερωτῶντα αὐτούς·

 47 ἐξίσταντο δὲ πάντες οἱ ἀκούοντες αὐτοῦ ἐπὶ τῇ συνέσει καὶ ταῖς ἀποκρίσεσιν αὐτοῦ.

 48 Καὶ ἰδόντες αὐτὸν ἐξεπλάγησαν, καὶ εἶπεν πρὸς αὐτὸν ἡ μήτηρ αὐτοῦ· τέκνον, τί ἐποίησας ἡμῖν οὕτως; ἰδοὺ ὁ πατήρ σου κἀγὼ ὀδυνώμενοι ἐζητοῦμέν σε.

 49 καὶ εἶπεν πρὸς αὐτούς· τί ὅτι ἐζητεῖτέ με; οὐκ ᾔδειτε ὅτι ἐν τοῖς τοῦ πατρός μου δεῖ εἶναί με;

 50 καὶ αὐτοὶ οὐ συνῆκαν τὸ ῥῆμα ὃ ἐλάλησεν αὐτοῖς.

 51  καὶ κατέβη μετ᾽ αὐτῶν καὶ ἦλθεν εἰς Ναζαρὲθ καὶ ἦν ὑποτασσόμενος αὐτοῖς. καὶ ἡ μήτηρ αὐτοῦ διετήρει πάντα τὰ ῥήματα ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς.

 52 Καὶ Ἰησοῦς προέκοπτεν [ἐν τῇ] σοφίᾳ καὶ ἡλικίᾳ καὶ χάριτι παρὰ θεῷ καὶ ἀνθρώποις.

 

 (Lk. 2:41-3:1 BGT)

41 Hằng năm, cha mẹ của Người thường đi lên Giêrusalem nhân dịp lễ Vượt Qua.

42 Khi Người được mười hai tuổi, họ cũng đi lên đó, theo như phong tục của ngày lễ.

43 Khi những ngày đó hoàn tất, họ trở về, nhưng cậu Giêsu nán lại Giêrusalem, mà cha mẹ của cậu không biết.

44 Vì ông bà đã nghĩ rằng cậu ở trong đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, họ cứ tìm kiếm cậu giữa những người bà con và người quen biết.

45 Nhưng vì không tìm thấy cậu, nên họ quay trở lại Giêrusalem tìm kiếm cậu.

46 Sau ba ngày, họ đã tìm thấy cậu trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.

47 Tất cả những người nghe cậu nói đều ngạc nhiên về sự hiểu biết những câu trả lời của cậu.

48 Khi thấy cậu, họ kinh ngạc, và mẹ cậu nói cùng cậu: “Con ơi, sao con lại đối xử với chúng tôi như vậy? Xem kìa! Cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con hoài!”

49 Người nói cùng họ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng chuyện con bận tâm về những việc của Cha Conrất cần thiết sao?”

50 Nhưng họ không hiểu lời cậu đã nói cùng họ.

51 Sau đó, cậu đi xuống cùng với họ, đi về Nadarét và luôn vâng phục họ. Còn mẹ của cậu thì luôn gìn giữ tất cả những điều ấy trong lòng.

52 Còn cậu bé Giêsu luôn tiến triển trong khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng từ Thiên Chúa và cảm tình từ người ta.

 

Bối cảnh

Trong bối cảnh rộng, Lc 2,41-52[1] được trích từ loạt trình thuật về Giáng Sinh và thời tiền sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 1,1 – 2,52). Đây là những bản văn thuộc truyền thống riêng của tác giả Luca, không có bất cứ một tác giả Tin Mừng có một trình thuật tương tự. Nhìn vào bối cảnh hẹp hơn, đây là bản văn được đặt sau các trình thuật nói về biến cố “dâng Đức Giêsu trong đền thánh” (Lc 2,22-28), cùng với lời tiên tri của hai lão ngôn sứ Simeon (2,33-35) và Anna (2,36-38). Trình thuật về sự kiện “dâng Đức Giêsu vào đền thánh” được khởi đầu bằng việc được cha mẹ mang lên Giêrusalem và kết thúc bằng việc cả gia đình trở về với cuộc sống đời thường nơi quê nhà Nadarét. Đây là một hành trình khép kín về không gian: Lên Giêrusalem, rồi về lại Nadarét, tương đương với việc cử hành nghi thức thờ phượng, hay nghi thức theo Luật (2,39) nơi kinh đô, rồi trở về với cuộc sống đời thường thực hành đạo nơi làng quê. Trình thuật về việc Thánh Gia lên đền thờ Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Lc 2,41-52) cũng kể lại một tiến trình Nadarét – Giêrusalem như thế: Thánh Gia lên Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua theo phong tục, rồi lại trở về quê nhà với đời sống thường ngày. Cả hai trình thuật tương tự này đều được kết thúc bằng ghi chú về sự lớn lên của Đức Giêsu về thể lý, cũng như về đời sống tinh thần, và mối tương quan giữa Người với Chúa Cha và với bà con láng giềng, chòm xóm. Những chủ đề liên kết với bối cảnh chung của Tin Mừng Luca và các Tin Mừng khác có thể kể đến là: Sự khôn ngoan của Đức Giêsu (2,52); Sự không biết (2,43), không hiểu (2,50) của cha mẹ trần thế về sứ vụ thánh thiêng của Đức Giêsu; Sứ bận tâm những chuyện của Chúa Cha (2,49); Đức vâng phục của Đức Giêsu (2,51). Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha bộc lộ căn tính của Người vốn đã được Luca nói trước đó trong trình thuật truyền tin – nhập thể, và Giáng Sinh. Sự “lạc mất của Đức Giêsu” trong thời gian ba ngày có thể báo trước cho sự vắng bóng với cùng khoảng thời gian, khi Người chết và được mai táng trong huyệt đá.

Cấu trúc: Đoạn Tin Mừng này có thể có hai cấu trúc sau:

(1) Bối cảnh (2,41–42)

(2) Lạc mất Đức Giêsu (2,43–45)

(3) Hành trình tìm Đức Giêsu (2,46–48)

(4) Công bố của Đức Giêsu (2,49)

(5) Kết luận chính (2,50)(6) Kết luận thứ hai của Luca (2,51–52)[2]

(1)  Hành trình thờ phượng: Từ Nadarét lên Giêrusalem – nhà Cha (41-42)

Ở lại Giêrusalem một mìnhhọ không biết (43)

Tìm kiếm ba ngày trên đường (44-45)

Trong đền thờ - giữa các thầy dạy - nghe – đặt câu hỏi (46)

Người nghe: Ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời (47) 

Cha mẹ: Kinh ngạc – chất vấn về lý do để họ phải tìm kiếm (48)

Giải thích về lý do ở lại - họ không hiểu (50)

(2)  Hành trình đời sống: Từ Giêrusalem về Nadarét – nhà cha mẹ (51-52):

Cậu bé Giêsu luôn vâng phục cha mẹ

Mẹ cậu gìn giữ tất cả những sự việc ấy trong lòng

Tiến triển trong sự khôn ngoan, về vóc dáng và trong ân sủng Chúa và người ta

Một số điểm chú giải

1.     Lễ Vượt Qua: Lễ Vượt Qua là một Đại Lễ hằng năm của Người Do Thái. Lễ Vượt Qua là một trong ba Lễ mà Người Do Thái hành hương về Giêrusalem theo Lề Luật (Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều, Đnl 16,6). Lễ Vượt Qua kỷ niệm biến cố quan trọng: Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ của Pharaô. Trong đêm ấy sứ thần Chúa đã tiêu diệt tất cả các con đầu lòng của người Ai Cập. Thậm chí con vật đầu lòng Ai Cập cũng bị giết. Con đầu lòng Ítrael đã được sống nhờ vào những vết máu bôi trên cửa theo chỉ dẫn của Chúa (Xh 11,5; 12, 12-13.29). Lễ Vượt Qua trong tiếng Do Thái là “הַפָּ֑סַח” (pesah), trong tiếng Hy Lạp là “πάσχα” (paskha). Trong tiếng gốc Do Thái “Pesah”, có nghĩa là “bảo vệ” hay “bỏ qua”. Lễ này, theo một số tác giả, có nguồn gốc ban đầu liên quan đến một nghi lễ mang tính giải hạn của những người du mục, cử hành mùa xuân. Tuy nhiên, ý kiến được chấp nhận rộng rãi nhất là nó liên quan đến lễ hội cổ xưa cho những giai đoạn của trăng, đặc biệt cho dịp trăng tròn. Và trên bình diện lịch sử, Lễ này dĩ nhiên là liên kết đến sự kiện Xuất Hành từ Ai Cập.[3] Trong Lễ Vượt Qua, một con vật hiến tế (cừu hoặc dê một tuổi) được giết thịt vào ngày thứ 14 của tháng Nisan và được ăn vào buổi đêm, hoặc ngay sau hoàng hôn, đánh dấu khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Thánh Kinh kết hợp việc sát tế Vượt Qua với Lễ Bánh Không Men, một lễ hội kéo dài bảy ngày bắt đầu vào ngày 15 của tháng Nisan. Trong thời gian hậu Thánh Kinh, hai Lễ này được hòa nhập thành một Lễ hội mà thôi (x. Mc 14,1).[4] Luca đồng hóa Lễ Bánh Không Men với Lễ Vượt Qua (x. Lc 22,1). Hai Lễ này vốn có hai nguồn gốc khác nhau của hai giai đoạn khác nhau. Trong khi Lễ Vượt Qua gắn liền với đời sống các mục tử bán du mục (Xh 5,1;10,9), Lễ Bánh Không Men lại có nguồn gốc từ những người định canh định cư, trồng cây lương thực (Xh 23,14-15).[5] Trong bối cảnh này, tác giả Luca cho biết là hằng năm Đức Giêsu đều lên Giêrusalem (2,41) và tác giả gọi đây là “theo phong tục của ngày Lễ” (2,42). Qua đó, chúng ta có thể phỏng đoán rằng, Đức Giêsu vẫn tiếp tục thói quen ấy, mỗi năm lên Giêrusalem ít nhất một lần, như những người Do Thái đạo đức, trung thành và tôn trọng phong tục tôn giáo.[6] Thói quen này cũng nhấn mạnh đến việc giáo dục những đứa trẻ Do Thái trong việc cử hành đại lễ quan trong nhất trong lịch Do Thái. Đức Giêsu không chỉ giữ luật cắt bì như dấu hiệu của Giao Ước của Ápraham (Lc 2,21), Người còn được giáo dục bằng Torah và những đòi hỏi của nó.[7] Đức Giêsu rõ ràng được lớn lên trong một môi trường đạo đức, và từ nền tảng ấy Người nuôi dưỡng và phát triển sự tận hiến cho Thiên Chúa vượt trên những đạo đức thường ngày.[8]

2.     Mười hai tuổi: Số tuổi của Đức Giêsu được tác giả ghi chú cách cụ thể. Ngày nay mười hai tuổi là tuổi vị thành niên và chưa phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, theo văn hóa Do Thái, đây có thể là lứa tuổi đánh dấu việc Đức Giêsu đã ý thức trách nhiệm về việc thực hành tôn giáo. Theo Pirke Aboth[9] 5.21, một đứa trẻ phù hợp để hoàn tất các điều răn vào tuổi mười ba và theo m. Niddah.[10] 5:6, một cậu bé 12 tuổi phải chịu trách nhiệm cho những lời thề của mình.[11] F. Bovon – H. Koester trích dẫn lại của tác giả de Jonge, người cho rằng trong những tiểu sử cả Do Thái và Hy Lạp có kiểu mẫu anh hùng được phú bẩm tài năng, những người vào lúc mười hai tuổi đã phô diễn trí thông minh xuất chúng: Cyrus, Cambyses, Alexandre, và Epicurus hay Salomon, Samuel, và Daniel.[12] Sử gia Do Thái, Josephus (Ant. 5.10.4 § 348) cho rằng ngôn sứ Samuel bắt đầu sự nghiệp ngôn sứ lúc mười hai tuổi.[13] Mười hai tuổi quả là một lứa tuổi đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đời của Đức Giêsu.

3.     Cậu Giêsu nán lại Giêrusalem: Hai động từ dùng cho Đức Giêsu và cha mẹ Người rất khác nhau và rõ ràng. Trong khi cha mẹ của Người “trở về”, cậu bé Giêsu “ở lại” Giêrusalem. Động từ “nán lại”, “ở lại” cho thấy một sự chủ động của cậu bé Giêsu. Mục đích ở lại của cậu cũng được thể hiện khá rõ ràng trong cảnh cha mẹ tìm thấy cậu trong đền thờ. Ở đây, Đức Giêsu được gọi là “cậu bé” (pais), ngược lại với cách gọi trước đó - “đứa trẻ, hài nhi” (padion) (2,17.40: “Hài nhi ngày càng lớn lên…”). Cách dùng từ này cố ý cho thấy Đức Giêsu đã đủ trí khôn để chọn lựa hành động và chịu trách nhiệm cách nào đó.  L. Johnson bình luận rằng cậu bé ở lại thành Giêrusalem là do chọn lựa của cậu chứ không phải do cha mẹ bỏ rơi, quên lãng.[14]

4.     Cha mẹ cậu không biết… không hiểu: Danh xưng “cha mẹ của Người” (οἱ γονεῖς) được lặp lại hai lần trong đoạn này, cùng với danh xưng “mẹ của Người” (2 lần: 2,48.51) và “cha của Người” (2,48) đối lại với danh xưng “Cha của tôi” mà Đức Giêsu đã dùng để gọi Chúa Cha.[15] Đức Maria nhấn mạnh địa vị cha mẹ của họ, Đức Giêsu nhắc cho họ nhớ rằng Người còn một người Cha cao cả trên trời nữa. Thật khó để trả lời cho câu hỏi rằng tại sao Đức Giêsu không nói với cha mẹ của mình để cha mẹ khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề chính của câu chuyện. Vấn đề chính là sự “không biết” và “không hiểu” của cha mẹ trần thế đối với sứ vụ của Con Thiên Chúa. Theo cấu trúc, việc Đức Maria và thánh Giuse không biết rằng Đức Giêsu chủ ý ở lại đền thờ, song song với việc họ “không hiểu” khi Người giải thích rằng Người nhất thiết phải lo những việc của Cha Người sau đó. Đức Maria đã trải qua một quãng đường khá dài từ lúc sứ thần truyền tin, rồi biến cố Giáng Sinh, cho đến những lời tiền báo của hai lão ngôn sứ Simeon và Anna với nhiều sự lạ lùng. Tuy nhiên, những điều để biết và để hiểu trong cuộc đời Đức Giêsu còn quá nhiều. Những biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu vẫn là những mầu nhiệm đối với Đức Maria cho đến cuối đời. Không chỉ Đức Maria, các môn đệ của Người cũng không hiểu gì về mặc khải “cuộc thương khó” dù Người nói với họ đến ba lần (Lc 18,34: “Các ông không hiểu gì cả; đối với các ông lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những lời Người nói”).

5.     Họ cứ tìm kiếm… không tìm thấy… tìm kiếm…tìm thấy: Hành trình tìm kiếm của họ bắt đầu từ lúc rời Giêrusalem. Họ đã không thấy Đức Giêsu sau khi hoàn tất việc thờ phượng, nhưng họ vẫn khởi hành về quê, vì đã nghĩ rằng Đức Giêsu đã đi trước trong đoàn hành hương với những người thân thuộc. Suy nghĩ này cũng có thể là bình thường, vì năm nào họ cũng đi hành hương như vậy, và cậu bé Giêsu có lẽ cũng có đôi lần đi trước với đoàn hành hương như thế. Tuy nhiên, lần này thì không, sau khi dò hỏi, tìm kiếm trong nhóm những người bà con và những người quen biết họ mới vỡ lẽ là họ đã lạc mất con.[16] Họ đã lạc Đức Giêsu chứ không phải Đức Giêsu lạc họ. Trong khi Đức Giêsu chủ động ở lại thì họ nghĩ rằng Đức Giêsu bị lạc đâu đó. Động từ tìm kiếm được dùng ba lần (2,44.45.48). Lần thứ nhất, động từ này được dùng với thì “chưa hoàn thành” (ἀνεζήτουν, diễn tả một hành động kéo dài: Tìm tới tìm lui giữa những người bà con và người quen). Trong lần tìm kiếm này, họ đã không tìm thấy Người. Lần thứ hai, động từ này được dùng ở thể phân từ, thì hiện tại, diễn tả sự tiếp tục tìm kiếm (họ quay trở lại Giêrusalem, tiếp tục tìm kiếm). Cuối cùng, lần này, sau ba ngày[17], họ mới tìm thấy. Lần thứ ba, động từ “tìm kiếm” lại được Đức Maria sử dụng với thì “chưa hoàn thành” (diễn tả một hành trình tìm kiếm 3 ngày đêm). Lần này động từ này đi kèm với động từ “đau đớn, khổ sở”: Cha của con và mẹ đã tìm kiếm con trong sự khổ sở. Đức Maria và thánh Giuse có lẽ đã ăn không ngon, ngủ không yên trong suốt ba ngày đó. Có thể tưởng tượng rằng, họ đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác vì lo lắng cho Đức Giêsu.

6.     Ngạc nhiên (ἐξίστημι): Sự ngạc nhiên của các thính giả là sự ngạc nhiên của những người thấy điều lạ. Cụ thể, họ ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu trả lời của cậu bé mười hai tuổi. Đây là động từ được dùng để diễn tả sự kinh ngạc của các môn đệ khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển (Mc 6,51); và sự ngạc nhiên của dân chúng khi thấy Người chữa một người bị quỷ ám vừa mù, vừa câm (Mt 12,23). Sự ngạc nhiên này là khởi đầu cho những sự ngạc nhiên sau đó trong sứ vụ của Đức Giêsu trước lời dạy uy quyền và những dấu lạ từ tay Người.

7.     Khi thấy Người họ (cha mẹ) kinh ngạc (ἐκπλήσσω): Động từ diễn tả cảm xúc thể lý của cha mẹ Đức Giêsu mạnh hơn động từ diễn tả cảm xúc của các thính giả nghe Người. Sự diễn tả về phản ứng của thính giả dành cho sự hiểu biết, thông thái của Đức Giêsu được người thuật chuyện xen vào trước phản ứng của Đức Maria như muốn làm dịu đi cảm xúc của cha mẹ Đức Giêsu khi tìm thấy Người. Tuy nhiên, cảm xúc thể lý của họ không hề nhẹ. Cảm xúc ấy mạnh hơn cảm xúc của các thính giả. Cha mẹ Người kinh ngạc về điều gì? Có thể họ cũng kinh ngạc như các thính giả về phong thái của con trai họ giữa các bậc thầy. Tuy nhiên, phản ứng của Đức Maria cho thấy sự kinh ngạc của họ nghiêng về sự việc cậu bé Giêsu đang bình thản giữa nhóm thầy dạy. Họ ngạc nhiên vì khám phá ra rằng cậu chủ ý ở lại chứ không phải bị lạc như họ nghĩ. Câu hỏi của Đức Maria cho thấy cha mẹ Người đang hướng về điều ấy hơn là việc Người đang nói gì, với ai và thông thái ra sao.[18] Câu hỏi của Đức Maria: “τί ἐποίησας ἡμῖν οὕτως”, có thể hiểu là “tại sao con lại đối xử với cha mẹ như thế?” hay “sao lại làm như vậy với cha mẹ?”. Đối xử như thế nào? Đức Maria đã giải thích ngay sau đó: “làm cho cha mẹ phải khổ sở tìm” (có thể diễn giải ra là “sao con ở lại mà không nói một tiếng để cha mẹ tưởng con bị lạc, sợ con bị nguy hiểm và phải tìm kiếm khổ sở suốt ba ngày nay?”). Những câu nói của Đức Maria nghe có vẻ gắt gỏng, bực dọc. Tuy nhiên, cách gọi của Đức Maria dành cho Đức Giêsu lại rất thân thương: “Con ơi! Con à!” (τέκνον, teknon). “Teknon” là cách gọi thân thương nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32), người cha cũng đã gọi người anh cả là “tekon” (Lc 15,31: “Con à! Con luôn ở với cha, những gì của cha đều là của con”). Cách gọi này làm cho những câu nói của Đức Maria trở thành câu nói nhẹ nhàng, như là “mắng yêu” cậu bé Giêsu vậy.

8.     Trong đền thờ: Trong đền thờ là nơi chốn đặc trưng của Tin Mừng Luca. Thật vậy, tác giả bắt đầu trình thuật của mình bằng câu chuyện “truyền tin cho ông Dacarias” trong đền thờ (1,5-25); Rồi trình thuật về việc Đức Giêsu được tiến dâng trong đền thờ (2,22-38); Trình thuật hằng năm Đức Giêsu lên đền thờ dự Lễ Vượt Qua, và ở lại trong đền thờ. Cuối cùng, Tin Mừng Luca được khép lại với cảnh các môn đệ “hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53). Có thể nói “đền thờ” chính là không gian đóng khung Tin Mừng Luca. Đây cũng chính là nơi mà Đức Giêsu thi hành sứ vụ giảng dạy mỗi ngày trong kỳ giảng dạy tai Giêrusalem (Lc 19,47; 20,1; 21,37-38; 22,53). Như thế, việc Người ở lại trong đền thờ lần này là báo hiệu cho sứ vụ tương lai của Người. “Những chuyện của Cha” (2,49) mà Người mặc khải cho cha mẹ Người cũng chính là sứ vụ giảng dạy hằng ngày trong đền thờ, trong tương lai của Người. 

9.     “Những chuyện của Cha tôi”:[19] Cụm giới từ “ἐν τοῖς τοῦ πατρός μου” thường được dịch là “ở lại trong nhà Cha tôi” (NSV, NAB). Nhóm CGKPV dịch là “có việc bổn phận ở nhà Cha con”; NTT dịch là “phải ở lại nhà Cha con”; Bản tiếng Ý (CEI): “Bận tâm những chuyện của Cha con” (occuparmi delle cose del Padre mio). Cụm từ này thực sự rất khó để dịch tròn nghĩa. Thứ nhất, trong cụm từ này không có danh từ “nhà” mà chỉ có cụm từ sở hữu “của Cha tôi” (tou patros mou). Cái gì của cha tôi? Nhiều dịch giả nghĩ rằng “nhà” của cha tôi, và họ phải thêm chữ nhà. Thứ hai, trong cụm từ này có đại từ số nhiều “tois” (những sự, những việc). Đại từ này có thể ghép với cụm từ sở hữu “của Cha tôi” để thành “những việc của Cha tôi”. Tuy nhiên, nếu hiểu là “những việc của Cha tôi” thì phải có động từ “làm”, hay “thi hành” đi kèm, nhưng ở đây lại không có động từ này. Thứ ba, trong cụm từ này có giới từ chỉ nơi chốn “en” (trong), hay chỉ phương tiện, trạng thái (với). Giới từ này ghép với từ “nhà” thì hợp lý, nhưng vì không có chữ nhà, nên hiểu nó theo nghĩa “với”. Giới từ “với” (en) ghép với đại từ số nhiều “những công việc” (tois), và với “của Cha tôi” (tou patros mou). Toàn câu nói của Đức Giêsu trở thành: “Cha mẹ chưa biết là con nhất thiết phải hiện hữu với (bận tâm đến) những việc của Cha con sao?”. Như vậy, vấn đề chính ở đây không phải là “nhà” mà là “việc” (sứ vụ giảng dạy) của Người.[20]

10.  “Ba ngày”: L. Johnson cho rằng con số “ba ngày” có liên quan đến khoảng thời gian Đức Giêsu chết và phục sinh. Ông còn minh chứng rằng đối với Luca “mất” đồng nghĩa với “chết” và “tìm thấy” đồng nghĩa với “sống lại”. Một ví dụ điển hình được tìm thấy trong Lc 15,32: “Em của con đã chết mà nay lại sống, nó đã bị mất nay lại được tìm thấy”.[21] Như thế, việc của Cha quan trọng nhất là mầu nhiệm sự chết và phục sinh mà Người sẽ trải qua. Trong tương lai, Đức Maria sẽ lạc mất Đức Giêsu thật sự trong khoảng thời gian ba ngày, không phải Người ở lại trong đền thờ, nhưng là trong huyệt đá. Đức Maria phải chuẩn bị tinh thần cho khoảnh khắc ấy để không phải tìm kiếm trong vô vọng. Câu hỏi của Đức Giêsu dành cho cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con?” (2,49) sẽ được các “hai người đàn ông mặc y phục sáng chói” lặp lại với những phụ nữ đi ra mộ Đức Giêsu: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết” (24,5). Cộng đoàn môn đệ đã thật sự lo lắng, buồn sầu khi họ cảm thấy Đức Giêsu vắng mặt, “lạc mất” sau khi Người chết. Câu chuyện hai môn đệ về Emmaus của Luca đã diễn tả sống động nỗi buồn vắng Chúa (Lc 24,13-35). Nỗi lo lắng, khổ sở của Đức Maria bây giờ sẽ là nỗi lo lắng khổ sở của cộng đoàn môn đệ khi Đức Giêsu bị giết. Họ được mời gọi chuẩn bị và đón nhận cái chết, sự vắng bóng của Người, như là một bước cần thiết cho kế hoạch cứu độ (việc của Cha) của Thiên Chúa.

11.  Đang ngồi giữa các thầy dạy: Danh xưng các “thầy dạy” chỉ được dùng một lần cho các thầy dạy Do Thái và một lần cho Gioan Tẩy Giả. Còn lại, đây là danh xưng Luca dành riêng cho Đức Giêsu (7,40; 8,49; 9,38; 12,13; 18,18; 19,39). Các thầy dạy Do Thái ở đây có thể hiểu là các kinh sư hay các luật sĩ. Vị thế “ngồi” thường là một vị thế giảng dạy. Luca cũng có thói quen mô tả Đức Giêsu ngồi trong tư thế thầy dạy (Lc 5,3). Tuy nhiên, theo J. Fitzmyer, trong bối cảnh này rất khó để hiểu theo nghĩa này. Tác giả này trích lại của tác giả M. Creed, người cho rằng đúng hơn Đức Giêsu được mô tả như một cậu học trò, “một người học thật sự”. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận một điều rằng kiểu nói này có thể báo trước cho tư cách giảng dạy của Đức Giêsu trong đền thờ sau này.[22] Trong khoảng thời gian này, Người đang tích cực học hỏi (“nghe và đặt câu hỏi”) để chuẩn bị cho sứ vụ tương lai. Tin Mừng “Thời Thơ Ấu” theo Tôma còn thêm vào chi tiết Đức Giêsu tra hỏi các kỳ lão, cùng các thầy dạy và giải thích những điểm chính của Luật, dụ ngôn của các ngôn sứ (Tm 19,5).

12.  Luôn vâng phục họ: Phần kết cho câu chuyện lên Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua này khá giống với phần kết của câu chuyện “Dâng Đức Giêsu trong đền thờ”. Cả hai đều ghi nhận phần trở về Nadarét của gia đình và việc lớn lên của bé Giêsu. Tuy nhiên, lần này, tác giả ghi chú hai điều quan trọng về Đức Giêsu và về mẹ Người. Về Đức Giêsu, tác giả ghi nhận sự vâng phục dành cho cha mẹ. Về phía Đức Maria là “sự ghi nhớ” tất cả các sự việc trong lòng (2,51).

Động từὑποτάσσω” được dùng dạng phân từ kèm theo động từ eimi thì “chưa hoàn thành” (ἦν ὑποτασσόμενος), diễn tả một thói quen kéo dài. Cấu trúc này được nhóm CGKPV dịch là “hằng vâng phục” (luôn vâng phục). Đây là một lối chuyển ngữ chính xác, nhấn mạnh đến sự kéo dài của hành động vâng phục của Đức Giêsu. Hành động này giúp cân bằng và giải thích cho hành động lại Giêrusalem một mình, làm cho cha mẹ phải lo lắng trước đó. Tác giả muốn cho thấy rằng, cậu bé Giêsu không phải là một cậu bé ngỗ nghịch, gây phiền cho cha mẹ trong đời sống thường ngày.[23] Chỉ có một khoảnh khắc Người muốn mặc khải sớm về sứ mạng tương lai của Người, mà cha mẹ Ngườikhông biếtvà “không hiểu”. Dẫu rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể và cuộc đời của Người vẫn luôn là một mầu nhiệm với cha mẹ trần thế, Người vẫn cho thấy rằng Người là một đứa con hiếu thảo và vâng lời. Sự vâng phục của Đức Giêsu cho thấy Luca đưa Đức Giêsu trở về với lối sống đạo đức qua cách giữ Lề Luật như lúc đầu câu chuyện. Đức giữ điều răn thứ năm (Xh 20,12) cách tốt đẹp.[24] Đức Giêsu luôn là mẫu gương của đức vâng phục. Đỉnh cao của sự vâng phục được thể hiện việc Đức Giêsu vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Tác giả thư Do Thái cảm nghiệm rằng việc trải qua đau khổ là phương cách mà Đức Giêsu học được sự vâng phục tuyệt đối (Dt 5,8).

13.  Luôn gìn giữ”:Gìn giữ tất cả mọi chuyện trong lònglà đặc tính rất cần thiết trong cuộc đời làm Mẹ Thiên Chúa. Nếu như động từ diễn tả sự vâng phục của Đức Giêsu được có tráng thái kéo dài, thì động từ được dùng đ diễn tả sự ghi nhớ của Đức Maria, được dùng thì chưa hoàn thành, cũng diễn tả sự kéo dài (luôn gìn giữ). Động từ này thường được dịch là “ghi nhớ” (CGKPV). Tuy nhiên, động từδιατηρέωtrong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gìn giữ, cất giữ, bảo tồnnhư kho tàng. Như thế, có thể hiểu hành động của Đức Maria là “luôn cất giữ trong tim tất cả những sự việc ấynhư những điều quý giá trong đời của bà. Trong câu chuyện Giáng Sinh, sau khi nghe những người chăn chiên thuật lại câu chuyện họ đã nhận lời truyền tin vui từ sứ thần của Thiên Chúa, Đức Maria cũngluôn gìn giữ (cất giữ, bảo tồn) và luôn suy gẫm trong lòng những điều đã xảy ra” (2,19). Như thế, cho đến lúc này, Đức Maria hẳn vẫn chưa hết cất giữ và suy gẫm về những việc xảy ra trong câu chuyện Giáng Sinh, và giờ đây bà lại cất giữ thêm những sự việc liên quan đến Đức Giêsu trong dịp Lễ Vượt Qua năm ấy.

14.  Luôn tiến triển: Câu ghi chú về sự phát triển của cậu bé Giêsu mười hai tuổi đây (2,51) có nhiều điểm rất giống với câu ghi chú về sự lớn lên của bé Giêsu 2,40. Luca dường như muốn mô tả sự tiến trình phát triển tiếp tục của Đức Giêsu dựa trên nền tảng của sự lớn lên trước đó. Lc 2,51 cũng rất giống với cách diễn tả dành cho ngôn sứ Samuel trong Cựu Ước (1 Sm 2,26). Có thể nói rằng, có một sự cân bằng về thể lý và về tinh thần trong sự trưởng thành của Đức Giêsu. Sựlớn lêntrước kia được nối tiếp bằng sựtiếp tục phát triển”. “Trở nên mạnh mẽ” được đánh dấu thêm bằng sự phát triển vềvóc dáng”. Sựkhôn ngoanvẫn được duy trì và tiến triển không ngừng. Sự khôn ngoan của Người đã được thể hiện trong đền thờ, giữa những thầy dạy, qua những câu trả lời làm cho người ta phải kinh ngạc (2,46-47). Ân sủng Chúan Chúa) là điều không thể thiếu trong sự trưởng thành của Người. Danh từ “ân sủng” được dùng chung cho cả hai nhân vậtThiên Chúavà “người ta”. Với Thiên Chúa có thể hiểu như là ân sủng, còn với người tacó thể hiểu là sự “ưa chuộng”. “Sự ưa chuộng của người talà một yếu tố mới trong giai đoạn trưởng thành này. Nó giúp làm tăng thêm sự tiến triển cân bằng, hoàn thiện của Đức Giêsu: Người vâng phục cha mẹ, người được Chúa ban ân sủng và được người đời yêu mến. 

2,40: Đứa trẻ lớn lên và trở nên mạnh mẽ, đầy sự khôn ngoan và ân sủng Chúa cùng em.

2,52: Cậu bé tiếp tục phát triển về khôn ngoan, vóc dáng và với ân sủng Chúa và ưa chuộng của người đời.

1,80: Đứa trẻ (Gioan Tẩy Giả) lớn lên và trở nên mạnh mẽ về tinh thần.

1Sm 2,26: Cậu bé Samuel tiếp tục phát triển, to lớn và đẹp lòng với cả Chúa và người ta.

Bình luận tổng quát

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi chú tuổi của Đức Giêsu lúc Người thi hành sứ vụ công khai: “Người khoảng ba mươi tuổi”. Ngoài ra, tác giả cũng cố gắng cho cộng đoàn những người tin biết về các giai đoạn trong cuộc đời Đức Giêsu từ lúc nhập thể cho đến lúc ba mươi tuổi. Đoạn Tin Mừng kể về sự kiện lúc Đức Giêsu lên mười hai tuổi là một nhịp cầu rất cần thiết đ nối kết thời thơ ấu của Đức Giêsu với thời Người bắt đầu sứ vụ công khai. Tuy đó không phải là một tiểu sử trọn vẹn ghi lại tất cả những giai đoạn trong cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng ít ra tác giả Luca đã cho thấy những nét đặc trưng nhất trong tiến trình trưởng thành của Đức Giêsu, trong khi các tác giả Tin Mừng khác đ trống từ lúc Đức Giêsu sinh ra cho đến lúc Người rao giảng, thậm chí tác giả Gioan và Mác-cô còn không có những trình thuật về Giáng Sinh.

Trình thuật Lc 2,41-52 (chuyện Đức Giêsu lại trong đền thờ) tiếp theo sau, và có mô hình rất giống với trình thuật Lc 2,22-40 (dâng Đức Giêsu trong đền thờ). Trong cả hai câu chuyện này, đều có hành trình từ Nadarét lên Giêrusalem rồi từ Giêrusalem về Nadarét của Thánh Gia. Cả hai câu chuyện đều ẩn chứa những yếu tố đời thường, thuộc trần thế và yếu tố thánh thiêng, thuộc trời cao. Cả hai câu chuyện đều kết thúc bằng việc ghi chú về quá trình phát triển của Đức Giêsu: Lc 2,22-40 ghi chú về giai đoạn từ bé thơ đến lúc 12 tuổi; Lc 2,41-52 ghi chú về giai đoạn từ lúc mười hai tuổi cho đến trưởng thành.

Câu chuyện “Đức Giêsu lại trong đền thờ” (2,41-52) khởi đầu bằng những chuyện đao đức (cả gia đình di dự Lễ Vượt Qua, thánh đô) và kết thúc cũng bằng những chuyện thường ngày (gia đình trở về với cuộc sống bình thường, quê nhà Nadarét). Đỉnh cao của câu chuyện này là sự khôn ngoan khác thường của Đức Giêsu giữa các bậc thầy Do Thái và mặc khải của Người vềnhững việc của Cha của Người”. Câu chuyện giải thích hai điều chính yếu: (1) Làm thế nào Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, sống tương quan với cha mẹ trần thế và chuẩn bị thi hành sứ vụ của Cha trên trời và (2) Làm thế nào cha mẹ Đức Giêsu đồng hành, hiểu biết và đón nhận việc Đức Giêsu sẽ thi hành sứ vụ của Cha của Người.

Đức Giêsu lớn lên trong một gia đình Do Thái truyền thống, đạo đức. Cha mẹ Đức Giêsu luôn sống theo Torah (cắt bì, đặt tên [2,21]; dâng Đức Giêsu trong đền thờ [2,27.39]). Mỗi năm, họ đều dẫn Đức Giêsu lên thánh đô đ dự Lễ Vượt Qua. Tất cả những chi tiết ấy cho thấy, Đức Giêsu được giáo dục trong một gia đình tốt lành thánh thiện. Người đã được nuôi dưỡng bằng lối sống đạo hạnh của cha mẹ trần thế. Tuy nhiên, Người là Con Thiên Chúa nhập thể, và sứ vụ của Người không chỉ dừng lại trong không gian gia đình trần thế, Người có sứ vụ rao giảng, và cứu nhân, đ thế. Sứ vụ ấy đã được mặc khải trong tên gọi của Người (Giêsu: Thiên Chúa cứu đ). Chính vì thế mà Người được lớn lên “đầy khôn ngoanvà “ân sủng của Chúa” (2,40). Sự khôn ngoan của Người được thể hiện tỏ tường lần đầu tiên lúc Người lên mười hai tuổi. Người đã chủ động lại đền thờ một mình. Mục đích là đ gặp gỡ các thầy dạy nổi tiếng thành đô đ học hỏi và tranh luận cùng họ. Mặc dù trẻ tuổi, Người đã có những câu trả lời làm cho người khác phải kinh ngạc. Sự xuất hiện giữa các bậc thầy Do Thái vừa đ chuẩn bị kiến thức, vừa báo trước sứ vụ giảng dạy trong tương lai của Người tại khắp mọi miền đất nước và nhất là tại thánh đô, trong đền thờ ấy.

Trong khi Đức Giêsu chủ động lại với mục đích rõ ràng thì cha mẹ Người lạikhông biếtvà cứ tưởng là Người bị lạc đâu đó. Họ tưởng Người bị lạc nhưng thực ra họ mới là những người bị lạc. Họ khổ sở tìm Người, trong khi Người đang bình an trong vị trí của mình. Cảm giác lo lắng, đau khổ, vì sự lạc mất, vì sự vắng mặt của cậu bé Giêsu nơi Đức Maria và thánh Giuse sẽ là cảm giác chung cho tất cả các môn đ và các tín hữu của Người sau này. Con số biểu tượngba ngàylà con số ngày mà Đức Giêsu vắng bóng, nằm trong huyệt đá, và làm cho các môn đ, cũng như những người tin, hoang mang lo sợ, mất phương hướng. Đó là cảm giác bình thường của những người trần thế khi đối diện với sứ vụ thánh thiêng của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã bật mí cho cha mẹ Người rằngNgười nhất thiết phải lo việc của Cha Người”. Việc của Cha Người bao gồm việc giảng dạy, làm phép lạ, nhưng cũng bao gồm việc trải qua mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh. Những việc của Cha Người làm cho Người không thể hiện diện với họ hoài. Hơn nữa, những việc của Cha Người nhiều khi vượt ra khỏi tầm hiểu biết, và đón nhận của các bậc sinh thành. Thái đ tốt nhất mà họ cần có là thái đ của Đức Maria: “Luôn luôn giữ gìn, cất giữ trong timvà “gẫm suytất cả những điều đã xảy ra trong đời Đức Giêsu. Dù cho Đức Maria không hiểu hết, nhưng niềm tin, sự vâng phục và lòng yêu mến sẽ giúp bà tiến bước với Đức Giêsu cho đến dưới chân thập tự.

Dẫu khôn ngoan, được người đời nhìn nhận như thế, Đức Giêsu vẫn tiếp tục trở về với cha mẹ và “luôn vâng phục họ”. Nhờ vậy, Đức Giêsu dung hòa giữa đời sống làm con Chúa Cha và con của cha mẹ trần thế một cách hoàn hảo. Người lớn lên trong sự hiếu thảo với mẹ cha, trong ân sủng Chúa Cha và được người khác yêu mến. Có thể nói rằng, quá trình trưởng thành của cậu bé Giêsu là khuôn mẫu và nền tảng cho tất cả những cậu bé khácmột sự phát triển quân bình giữa thể chất và tinh thần, giữa sự khôn ngoan và ân sủng Chúa, cùng với một mối tương quan hoàn hảo với cha mẹ, với Chúa và với người đời. Dĩ nhiên, muốn có một đứa con phát triển như thế thì vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Đức Maria và thánh Giuse là mẫu gương đức tin cho Đức Giêsu trong những thực hành nghiêm túc và sống động Torah của Cựu Ước. Đức Maria nhẹ nhàng, tế nhị trong cách dạy bảo Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh nóng ruột và dễ bốc hỏa như thế, Bà Mẹ trẻ Maria vẫn có cách đ đối thoại với cậu bé Giêsu một cách tốt nhất. Thánh Gia luôn là mẫu gương cho các gia đình Kitô hữu qua mọi thời đại bởi vì nơi đó có những người luôn tìm kiếm thánh ý Chúa, biết tôn trọng nhân vị của nhau, biết đ cho tình yêu hướng dẫn trong mọi hành động và lời nói của mình.

Gia đình thường được gọi là tổ ấm bởi nơi đó giả định có những con người yêu thương nhau hết mực và tình yêu ấy làm cho mái nhà vô tri, vô giác trở thành mái ấm. Tổ ấm ấy sẽ vỡ tan khi nơi ấy không còn chết keo kết tình yêu nữa. Mái ấm ấy sẽ trở thành lạnh lẽo hoặc sẽ nóng như hỏa lò nếu nơi ấy thiếu đi hơi ấm tình yêu vợ chồng, tấm lòng mẹ cha và tình con thảo. Tình yêu đích thực sẽ không tồn tại khi không có sự hy sinh của mỗi thành viên trong gia đình. Tình yêu đích thực làm cho người ta dám bỏ đi những ích kỷ cá nhân chỉ nghĩ cho riêng mình mà tăng lên lòng quảng đại, vị tha, luôn nghĩ đến lợi ích của người khác, của chúng ta. Gia đình là nơi ngươi ta biết đau nỗi đau của người khác và biết lấy niềm vui của người khác là niềm vui của mình. Đôi tân giai nhân của đạo Công Giáo luôn thề hứa với nhau rằng: “Anh/em hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh khi thịnh vương cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trong em/anh mỗi ngày suốt đời em. Lời hứa này bao quát trọn vẹn tất cả thời gian và mọi hoàn cảnh. Tình yêu không chỉ được thể hiện trong lúc mạnh khỏe, mà ngay cả trong những lúc đau yếu, nghịch cảnh của cuộc sống. Tình yêu ấy không chỉ là một khoảnh khắc trăng mật mà thôi nhưng là mỗi ngày từ sáng đến tối, và suốt cuộc đời. Họ cũng long trọng thề hứa rằng sẽ sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Luật Chúa Kitô và Hội Thánh Người là mến Chúa, yêu người, sự thật, công lý, hòa bìnhMuốn thực hiện lời hứa này giả định mỗi đôi tân giai nhân phải hiểu biết Đức Kitô và Hội Thánh của Người; Hiểu lối sống của Chúa Kitô và những điều Người mong muốn; Hiểu Hội Thánh, và những điều Hội Thánh truyền dạy định hướng cho sự phát triển của một con người. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ chỉ nuôi con, mà không dạy con. Họ có thể chăm cho con lớn lên về vóc dáng, trí tuệ nhưng lại không làm cho con thành người. Thành người là nên giống như Đức Kitô vì Người đã xuống thế đlàm ngườivà dạy cho người ta cách làm người. Mọi cách thức làm người khác với con đường của Đức Giêsu đều có nguy cơ làm cho con người trở nên lệch lạc, méo mó và dị nhân dị hợm.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] Câu chuyện này được một tác giả muộn thời hơn ghi lại trong tác phẩm được gọi là “Tin Mừng Thời Thơ Ấu theo thánh Tôma”. Trong đó, tác giả (được cho là Tôma) ghi lại tất cả năm giai đoạn trong cuộc đời Đức Giêsu chứ không phải chỉ một gian đoạn lúc Người đã mười hai tuổi: Lúc năm tuổi (Tm 2,1); Lúc sáu tuổi (11,1); Lúc tám tuổi (12,4); Lúc 12 tuổi (19,1-5). Trong câu chuyện lúc mười hai tuổi, tác giả thêm phần đối đáp giữa Đức Maria và các học giả và những người Pharisêu. Họ hỏi đây có phải là con Đức Maria không và khen Đức Maria là có phúc vì có đứa con khôn ngoan, nhân đức và vinh quan như Đức Giêsu (19,8-10) [x. R.F. Hock, The Infancy Gospels of James and Thomas (California 1995) 104-143].

[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 435.

[4] Xem B.M. Bokser, The Anchor Bible Dictionary (D.N. Freedman et Al. eds.) (New York – London – Toronto – Syned – Auckland 1992) VI Si-Z, “Unleavened Bread and Passover, Feast of.”, 755-765; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 37.

[6] It is natural to assume that Jesus accompanied his parents from year to year” [J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) 35A, 129]

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 155.

[9] “Những chương của các giáo phụ”, một bô sưu tập những lời dạy từ thế kỷ thứ ba BCE đến thế kỷ thứ ba CE, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, của các rabbis Do Thái.

[10] Misnah: Luật truyền khẩu của Do Thái, được sưu tập bởi tác giả Judah ha-Nasi. Nó bổ sung vào Luật được chép trong Ngũ Thư, trình bày nhiều giải thích khác nhau của những truyền thống đã được lưu giữ truyền khẩu ít nhất là từ thời Ét-ra (450 BCE).

[11] X. L.T. Johnson, The Gospel of Luke (Collegeville 2005) 58-59.

[12] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis; 2002) 111.

[14] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 59.

[15]It is the author’s literary purpose to make the opposition of the two fathers graphic in the dialogue” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 113).

[16]The travel-party would be large and probably chaotic, so that it was not until camp was struck at the end of the first day of traveling that the parents could be sure that Jesus was not somewhere in the travel-party (J. Nolland, Luke 1:1-9:20,134).

[17] “The temporal phrase is ambiguous; it could mean that they spent three days searching for him in Jerusalem, but it probably means that the first day was spent in traveling from Jerusalem, the second in returning to Jerusalem, and the third in searching for him in Jerusalem” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 441-442).

[18]When his parents discovered Jesus there, their amazement was of quite another sort. Apprehension about the child’s safety gave way to shock that their child could have treated them so” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 134).

[19] (1) Since the scene takes place in the temple, one could assume a local meaning: to be “in my Father’s domain,” “at my Father’s place”;49 (2) since τά with the genitive generally means “what belongs to one,” and εἶναι ἐν means “to concern oneself with” in good Greek, one could translate, “to concern myself with my Father’s business”;50 (3) since Luke values double meanings, the local antithesis (with his heavenly, not his earthly, father) leads to the statement about Jesus’ concern with that which is proper to his heavenly Father (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 114).

[20] “My Father's affairs: The point of the statement remains frustratingly obscure. In the Greek, en tois tou patros mou is “in the [plural things understood] of my Father”. What things? What idiom? An argument can be made for three renderings: “My Father's things (Le., affairs or business)”: “my Father's house”; or “my Father's associates (e.g., relatives)” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 59); “Jesus is in the temple, the locus of God’s presence, but he is there under divine compulsion engaged in teaching. The point is that he must align himself with God’s purpose, even if this appears to compromise his relationship with his parents (J.B. Green, The Gospel of Luke, 157).

[21] L. Johnson, The Gospel of Luke, 60-61; Cả J. Nolland và J. Fitzmyer đều không đồng ý với L Johnson.

[22] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 442; “Jesus is depicted as an eager student, learning in the dialogical pattern of the day” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 130).

[23] “This is stressed by Luke because of the implication in the story of Jesus’ irresponsibility to his earthly parents, and also because, though Jesus recognizes his relation to his heavenly Father as that of an obedient son, he is not prevented thereby from filial respect for his earthly parents.” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke, 445).

[24] F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 115.

No comments:

Post a Comment