Thursday, 2 November 2023

NÓI MÀ KHÔNG LÀM. CN XXXI TN A (Mt 23,1-12); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

1 Rồi Đức Giêsu nói cùng những đám đông và các môn đệ của Người

2 rằng: Các Kinh Sư và những người Pharisêu ngồi trên ghế của ông Môsê.

3 Vì thế, tất cả những gì họ nói cùng anh chị em, thì anh chị em hãy làm và hãy giữ, nhưng đừng làm theo những việc làm của họ, vì họ nói mà không làm.

4 Họ bó những gánh nặng [khó mang] và đặt lên vai của người ta, còn chính họ không muốn lay động chúng bằng ngón tay của họ.

5 Họ làm tất cả công việc của họ nhằm được người ta thấy. Họ mở rộng các hộp kinh, kéo dài các tua áo.

6 Họ yêu thích chỗ nhất trong các đám tiệc những chỗ nhất trong các hội đường.

7 và những lời chào hỏi nơi chợ, được người ta gọi là rabbi.

8 Nhưng chính anh chị em không thể được gọi là rabbi, vì anh chị em chỉ có một thầy dạy, tất cả anh chị em là những người anh em.

9 Anh chị em đừng gọi ai là cha trên trái đất này, vì anh chị em chỉ có một Cha, Đấng ở trên trời.

10 Đừng gọi ai, là người hướng dẫn, vì anh chị em có một người hướng dẫn là Đấng Kitô.

11 Nhưng người lớn hơn trong anh chị em sẽ là người phục vụ của anh chị em.

12 Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

1Τότε ὁ Ἰησοῦς ἐλάλησεν τοῖς ὄχλοις καὶ τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ

 2 λέγων· ἐπὶ τῆς Μωϋσέως καθέδρας ἐκάθισαν οἱ γραμματεῖς καὶ οἱ Φαρισαῖοι.

 3 πάντα οὖν ὅσα ἐὰν εἴπωσιν ὑμῖν ποιήσατε καὶ τηρεῖτε, κατὰ δὲ τὰ ἔργα αὐτῶν μὴ ποιεῖτε· λέγουσιν γὰρ καὶ οὐ ποιοῦσιν.

 4 δεσμεύουσιν δὲ φορτία βαρέα [καὶ δυσβάστακτα] καὶ ἐπιτιθέασιν ἐπὶ τοὺς ὤμους τῶν ἀνθρώπων, αὐτοὶ δὲ τῷ δακτύλῳ αὐτῶν οὐ θέλουσιν κινῆσαι αὐτά.

 5 πάντα δὲ τὰ ἔργα αὐτῶν ποιοῦσιν πρὸς τὸ θεαθῆναι τοῖς ἀνθρώποις· πλατύνουσιν γὰρ τὰ φυλακτήρια αὐτῶν καὶ μεγαλύνουσιν τὰ κράσπεδα,

 6 φιλοῦσιν δὲ τὴν πρωτοκλισίαν ἐν τοῖς δείπνοις καὶ τὰς πρωτοκαθεδρίας ἐν ταῖς συναγωγαῖς

 7 καὶ τοὺς ἀσπασμοὺς ἐν ταῖς ἀγοραῖς καὶ καλεῖσθαι ὑπὸ τῶν ἀνθρώπων ῥαββί.

 8 Ὑμεῖς δὲ μὴ κληθῆτε ῥαββί· εἷς γάρ ἐστιν ὑμῶν ὁ διδάσκαλος, πάντες δὲ ὑμεῖς ἀδελφοί ἐστε.

 9 καὶ πατέρα μὴ καλέσητε ὑμῶν ἐπὶ τῆς γῆς, εἷς γάρ ἐστιν ὑμῶν ὁ πατὴρ ὁ οὐράνιος.

 10 μηδὲ κληθῆτε καθηγηταί, ὅτι καθηγητὴς ὑμῶν ἐστιν εἷς ὁ Χριστός.

 11 ὁ δὲ μείζων ὑμῶν ἔσται ὑμῶν διάκονος.

 12 ὅστις δὲ ὑψώσει ἑαυτὸν ταπεινωθήσεται καὶ ὅστις ταπεινώσει ἑαυτὸν ὑψωθήσεται. (Matt. 23:1-12 BGT)

Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng Mt 23,1-12 vẫn ở trong bầu khí đối thoại, tranh luận giữa các nhóm lãnh đạo Do Thái tại Jêrusalem và Đức Giêsu. Nhóm Pharisêu nổi bật với hai lần thử thách mà họ dành cho Đức Giêsu: Có được phép nộp thuế cho Kaisar không? (Mt 22,15-22) và Điều răn nào lớn nhất trong Luật (Mt 22,34-40). Trước đoạn văn này là câu hỏi Đức Giêsu dành cho nhóm Pharisêu: “Đấng Kitô là con của ai?”(22,41-46). Theo họ, Đấng Kitô là con vua Đavít, nhưng Đức Giêsu đã dẫn lời Tv 110 chứng minh rằng vua Đavít gọi Đấng Kitô là “Chúa của tôi” (κυρίῳ μου). Chính vì thế, Đấng Kitô không thể là con vua Đavít được. Chương 23 là chương đặc biệt của Tin Mừng Mátthêu, vì ngôn từ Đức Giêsu dành cho nhóm Pharisêu và Kinh Sư hết sức gay gắt, và không có một tác giả Tin Mừng nào ghi lại. 23,1-12 là đoạn văn mô tả sơ khởi về những đặc tính của hai nhóm này.


Cấu trúc

Tổng quát:

Các Kinh Sư và Pharisêu ngồi trên ghế Mosê

Hãy làm và hãy giữ những gì họ dạy, đừng làm những theo những việc làm của họ

Nhóm Kinh Sư – Pharisêu (cc.4-7): Không nên làm

Nói mà không làm

bó những gánh nặng và đặt lên vai của người ta

không muốn lay động chúng bằng một ngón tay của họ.

Làm tất cả công việc của họ nhằm được người ta thấy.

mở rộng các hộp kinh, làm dài các tua áo.

Yêu thích

chỗ nhất trong các đám tiệc, những chỗ nhất trong các hội đường.

những lời chào hỏi nơi chợ, được người ta gọi là rabbi.

Môn đệ và đám đông (cc.8-11): Làm và giữ

Không thể được gọi là rabbi, chỉ có một thầy dạy, tất cả là những người anh em.

Đừng gọi ai là cha trên trái đất này, … chỉ có một Cha, Đấng ở trên trời.

Đừng gọi ai là người hướng dẫn, vì chỉ có một người hướng dẫn là Đấng Kitô.

Người lớn hơn trong anh chị em sẽ là người phục vụ của anh chị em.

Kết luận (12): Ai nâng mình sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên

Một số điểm chú giải

1.     Ngồi trên ghế Môsê: Vị thế ngồi trên ghế là vị thế của một thầy dạy. Ngồi trên ghế Môsê là giảng dạy những điều của ông Môsê, thay cho cho ông Môsê, với uy quyền của ông Môsê.[1] Những điều họ dạy không có gì khác hơn là nội dung của Luật (hoặc Luật Môsê). Trước đoạn văn này, một người thông luật từ nhóm Pharisêu đã chất vấn Đức Giêsu nhằm thử Người về điều răn lớn nhất trong Luật. Đức Giêsu đã đưa ra một điều răn kép, hay là hai điều răn tương tự nhau: Yêu Chúa bằng cả trái tim, bằng cả linh hồn, và bằng cả sức lực; Yêu người thân cận như chính mình. Và Đức Giêsu khẳng định đây là hai điều chi phối không những toàn bộ Luật mà còn Ngôn Sứ nữa.

2.     Hãy làm và hãy giữ những gì họ dạy: Lời khuyên này cho thấy Đức Giêsu chấp nhận uy quyền, vị thế và nội dung trong lời dạy của nhóm Kinh Sư và Pharisêu. Bởi lẽ, đây là hai nhóm trí thức, nghiên cứu Sách Thánh Hípri rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Nhiều lần họ tranh luận với Đức Giêsu về Luật, cho thấy họ hiểu biết và quan tâm về nền tảng Luật. Họ lo ngại Đức Giêsu phá vỡ luật giữ ngày Sabát (Mt 12,1-14), làm sai lệch truyền thống của tiền nhân về luật thanh sạch và ô uế (Mt 15,1-20; Mc 7,1-23). Vấn đề là những người này dạy nhưng lại không làm theo những điều họ dạy. Họ chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, hiểu biết. Thật ra, họ có làm những điều luật nhưng theo Đức Giêsu, họ bỏ qua những điều quan trọng nhất: “Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ làm mà các điều kia vẫn không được bỏ” (Mt 23,23; Lc 11,42).

3.     Bó những gánh nặng[2] và đặt lên vai người ta … không muốn lay động chúng bằng một ngón tay của họ: Hình ảnh “bó những gánh nặng và đặt lên vai” là hình ảnh tượng trưng cho việc mang vác những điều luật.[3] Quả vậy, theo truyền thống của các rabbi Do Thái, Torah có 613 điều luật, gồm 365 điều tiêu cực cấm làm và 248 (số xương và cơ quan trong cơ thể con người) điều tích cực phải làm. Đức Giêsu đã so sánh sức nặng của các điều Luật như là “gánh” và “ách”, theo đó, Người giới thiệu rằng “ách” của Người êm ái và “gánh” của Người nhẹ nhàng (Mt 11,30). Các nghị phụ của Công Đồng Jêrusalem, cùng với Thánh Linh đã quyết định không đặt lên vai những anh em kitô hữu Antiôkia một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết là: “kiêng ăn đồ cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (Cv 15,28). Cách nói “không lay động bằng một ngón tay” diễn tả sự phủ định tuyệt đối, hoàn toàn không đụng vào, không làm gì cả đối với những gánh nặng họ chất lênv ai người ta.

4.     Làm tất cả nhằm được người ta thấy[4]…mở rộng các hộp kinh, làm dài các tua áo: “Mở rộng các hộp kinh, làm dài các tua áo” là những hình ảnh cụ thể để diễn tả ý định “làm mọi công việc để người ta thấy”. Trong bài giảng trên núi (Mt 5 – 7), Đức Giêsu nhấn mạnh đến tính kín đáo trong việc ăn chay, làm từ thiện, và cầu nguyện. Khi làm từ thiện “đừng thổi kèn như những kẻ đạo đức giả thường làm trong các hội đường và trên các đường phố để đạt được sự tán thưởng của người khác… đừng cho tay trái biết việc tay phải đang làm” (Mt 6,2-3). Khi cầu nguyện hãy đi vào phòng trong đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em trong nơi bí ẩn (Mt 6,6). Khi ăn chay, hãy xức dầu trên đầu và rửa mặt để người khác không nhận ra ngươi đang ăn chay ngoại trừ một mình Cha ngươi, Đấng ở nơi bí ẩn (Mt 6,17-18). Tất cả chỉ nhắm đến sự nhìn nhận của Cha, chứ không phải người đời. Mang hộp kinh (τὰ φυλακτήρια) và mang các tua áo (τὰ κράσπεδα) đều là hai hành động thể hiện lòng yêu mến Torah theo chỉ dẫn của Luật. Hộp kinh đeo trên trán chứa nội dung quan trọng nhất của Luật được gọi là “Shema” (Hãy nghe, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, phải yêu Người với cả linh hồn, bằng cả trí khôn và với toàn thể sức lực của ngươi), được ghi lại trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,4-9; 11,13-22).[5] Thiên Chúa truyền phải lặp lại những lời ấy cho con cháu lúc ở trong nhà, cũng như lúc đi ngoài đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Hơn nữa Thiên Chúa truyền phải đeo hộp kinh ở giữa hai mắt (trên trán) và đeo trên hai cánh tay nữa. Quy định về những tua áo, được tìm thấy trong sách Dân Số: “Phải làm các tua áo khâu vào áo choàng của họ. Qua mọi thế hệ và cột lên đó một sợi dây đỏ tía. Vậy các ngươi sẽ mang tua áo và khi nhìn thấy nó, các ngươi sẽ nhớ đến mọi mệnh lệnh của Chúa mà thi hành, chứ không theo con tim và đôi mắt các ngươi mà đi làm điếm” (Ds 15,37-39; Cf. Đnl 22,12). Con cái Israel đều phải làm như thế, và những người lãnh đạo, thầy dạy thì càng phải làm (đeo hộp kinh và may tua áo). Vấn đề của họ là hai hành động “mở rộng” và “làm dài thêm”. Một cách dễ hiểu khi đeo hộp kinh càng to thì người ta càng dễ nhìn thấy, và tua áo càng dài thì càng gây chú ý với người khác.[6] Tất cả chỉ nhằm mục đích cho người ta nhìn thấy. Như thế, hành động vốn mang tính đạo đức, cung kính đối với Chúa trở thành hành động tôn vinh bản thân.

5.     Yêu thích chỗ nhất, những lời chào hỏi nơi công cộng, được gọi là rabbi: Để mở rộng mô tả về những thói quên chệch hướng nhằm tôn vinh bản thân. Đức Giêsu tiếp tục liệt kê những yêu thích của nhóm Pharisêu và Kinh Sư. Họ thích những chỗ nhất tại hai nơi tập trung đông dân: Đám tiệc và hội đường. Thích “chỗ nhất” bao gồm ao ước được hưởng những đối đãi tốt nhất về ẩm thực cũng như vinh dự cao nhất trước mặt người khác. Khi thích chỗ nhất, họ mong ước mình được làm trung tâm của cả trong nơi thờ phượng và nơi chiêu đãi xã hội. Khi yêu thích chỗ nhất trong hội đường,[7] tương tự như mang hộp kinh to, và tua áo dài, họ để Chúa qua một bên để cho bản thân được nổi lên. Sở thích chỗ ngồi nhất trong đám tiệc, cho thấy họ lấy mình làm trung tâm mà quên đi các thực khách khác. Khi Đức Giêsu thấy thực khách thường chọn chỗ nhất trong đám tiệc thì dạy rằng: “Khi được mời đi ăn tiệc, đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mơi cả anh và nhân vật ấy phải đến nói rằng: ‘Xin anh nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh phải xấu hổ mà đi xuống chỗ cuối (Lc 14,8-9). Những sở thích này không chỉ ảnh hưởng đến sự xấu hổ hay vinh dự trong văn hóa và ứng xử thường ngày, nhưng là những hành vi chối bỏ Thiên Chúa và không đón nhận tha nhân vì quá lo trung tâm hóa chính mình. Được chào hỏi nơi công cộng và được gọi là rabbi cũng rất đỗi bình thường đối với một thầy dạy trong xã hội Do Thái cổ xưa. Rabbi là một tước hiệu danh dự vào thế kỷ thứ nhất.[8] Tuy nhiên, biến những điều ấy thành sở thích là điều bất thường. Đó làm một hình thức tìm kiếm sự tôn vinh của người khác.

6.     Không thể được gọi là rabbi … thầy dạy: Danh xưng rabbi được Đức Giêsu đặt song song với “thầy dạy” (ὁ διδάσκαλος). Rabbi đồng nghĩa với “thầy dạy”. Đối lại với ưa thích được gọi là rabbi của các Kinh Sư và những người Pharisêu, đám đông và các môn đệ được khuyên là không nên được gọi là rabbi. Danh xưng “thầy dạy” có mạo từ xác định có thể ngụ ý là chính Đức Giêsu. Nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu được gọi bằng danh xưng này (Mt 9,11; 10,25; 17,24; 26,18). Trong Tin Mừng Mátthêu chỉ có một mình Juđa Ítcariốt gọi Đức Giêsu là ‘rabbi”, trong đó có một lần ông ta gọi Đức Giêsu là rabbi trước nụ hôn trao nộp (Mt 26,25.49). Rõ ràng, danh xưng này khi đi ra khỏi cửa miệng  Juđa không mang nghĩa tích cực nêu không muốn nói là hoàn toàn tiêu cực.

7.     Những người anh em: Tương quan của các thành viên trong cộng đoàn là tương quan “anh em”, không phải là thầy – trò.[9] Họ là “những người anh em/ chị em” của nhau (ἀδελφοί). Danh xưng “người anh em” được các thành viên trong cộng đoàn Mátthêu gọi nhau: “Nếu người anh em của ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi cho anh ta giữa ngươi và một mình nó” (Mt 18,15); “Nếu người anh em của con phạm tội chống lại con, con phải tha mấy lần?” (Mt 18,21); “Khi ngươi đang dâng của lễ trước bàn thờ và nhớ đến người anh em của người đang có gì đó chống lại ngươi” (Mt 5,23).

8.     Cha trên trái đất này, … cha trên trời: Tương tự như danh xưng “thầy dạy” danh xưng “người Cha, Đấng ở trên trời” cũng có mạo từ xác định, ám chỉ đến Thiên Chúa. Trong bài giảng trên núi, danh xưng “Cha trên trời” được sử dụng nhiều lần với tính từ sở hữu ngôi thứ hai (của anh em, 5,48; 6,4.6.8.14.15.18.26.32; 7,11) và ngôi thứ nhất “của chúng tôi”. Đức Giêsu cũng gọi Thiên Chúa là “cha trên trời” (Mt 11,26.27; 15,13; 16,17; 18,35). Người không gọi ai dưới đất này là cha. Trong câu chuyện Đức Giêsu ở lại trong đền thờ (Lc 2,41-52), Đức Maria đã nói cùng Đức Giêsu, nhấn mạnh đến danh xưng cha của ông Giuse rằng: “Cha của con và ta đã lo lắng tìm con” (Lc 2,48), nhưng Đức Giêsu chỉ đáp lại bằng cách gọi cha mẹ bằng đại từ ngôi thứ hai số nhiều “Sao các người lại tìm con”. Người nhấn mạnh đến vị thế của người Cha trên trời: “Các người không biết rằng con phải bận tâm đến những công việc của Cha con hay sao? (Lc 2,49). Theo T. France, tước hiệu “cha” trong Do Thái giáo được dùng cho một thầy giáo có uy quyền được minh họa bằng tựa đề của bộ tuyển tập Mishnah, gọi là “Abot” “Những người cha”, một bộ sưu tập những câu nói của các giáo viên đáng kính xưa và nay.[10]

9.     Người hướng dẫn, … Đấng Kitô: Danh xưng “người hướng dẫn” (người dẫn đường) cũng có nghĩa là thầy dạy, giáo viên, giáo sư, gia sư. Một số tác giả cho rằng câu nói này diễn tả lại câu 8 (nói vê thầy dạy) để nhấn mạnh hoặc diễn giải, nhưng một số khác lại xem đây như là một sự mở rộng để bao hàm một tước hiệu danh dự cụ thể của người Hy Lạp.[11] Đức Giêsu đề cập đến Đấng Kitô như là “người dẫn đường” duy nhất. Cách nói này có thể làm cho người ta liên tưởng đến khẳng định của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan: “Ta là con đường là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến được với Cha mà không qua Ta” (Ga 14,6). Đấng Kitô, con đường đích thực, người dẫn đường sáng suốt, đối lại với nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu, những kẻ dẫn đường mù quáng được nói đến trong nhiều lần trong 23,16.17.19.24. Những người Kitô hữu sơ khai được gọi bằng danh xưng “những người thuộc về con đường” (τῆς ὁδοῦ ὄντας) (Cv 9,2; 22,4; 24,14). Danh xưng này ám chỉ Đức Kitô là con đường và những ai theo Người được gọi là “những người thuộc về con đường”. Các môn đệ của Đức Giêsu là những người bỏ hết mọi sự để “đi theo” (ἀκολουθέω Mt 4,20.25) Người. Đức Giêsu là người dẫn đường của họ. Đức Giêsu là thầy dạy khi Người giảng dạy họ qua các bài giảng và cách sống. Người là người dẫn đường khi Người dẫn họ đến Thiên Chúa Cha.

10.  Người lớn hơn trong anh chị em sẽ là người phục vụ: Đức Giêsu tóm kết sự trái ngược giữa sở thích được người ta nhìn nhận, tôn trọng, lấy mình làm trung tâm của nhóm Kinh Sư và Pharisêu và sự khiêm hạ, lấy Đức Kitô, lấy Cha trên trời làm trung tâm của các môn đệ. Khi hướng lòng về Cha trên trời, xem tất cả mọi người là anh em, thì kẻ làm lớn sẽ trở thành người phục vụ người khác. Đây chính là giáo huấn nền tảng của các Tông Đồ Đức Giêsu. Trong bối cảnh hai môn đệ Gioan và Giacôbê yêu cầu được ngồi vị trí bên phải, bên trái của Chúa, trong vương quốc của Người, và các môn đệ khác cũng vào vòng tranh chấp, Đức Giêsu đã dạy họ rằng: “Ai muốn là lớn hơn trong số anh em, phải là người phục vụ, ai muốn là người đứng đầu phải là nô lệ của anh em” (Mt 20,26-27). Mẫu gương để các môn đệ đối chiếu là cung cách của Con Người: “Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống vì giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,25). Đức Giêsu còn khẳng định rằng Người ở giữa các môn đệ như là một người phục vụ (Lc 22,27). Sở dĩ Đức Giêsu ở trong tư thế là “người tôi tớ”, “người phục vụ” vì Người là người lớn hơn, được mọi người gọi là “thầy”, là “Chúa”. Người khiêm nhường cúi xuống “rửa chân” cho những người anh em môn đệ của mình. Vị trí “lớn” trong quan niệm của Đức Kitô không phải để được tôn vinh và tìm lợi ích cho ban thân nhưng là để tôn vinh và mưu cầu lợi ích cho người khác. Tầm mức lớn, hay vị trí trung tâm trong xã hội không phải là một sự nhìn nhận về địa vị và danh vọng mà người ta phải thèm muốn, nhưng chỉ là một, cơ hội và phương tiện để người ta dùng để phục vụ người khác. Trong cộng đoàn của Đức Giêsu, trong gia đình Thiên Chúa, người lơn hơn, người mạnh hơn, về thể lý, cũng như tinh thần, là người phục vụ người khác, nâng người khác lên, chứ không phải đè bẹp. Đó là nền tảng của nền văn mình Kitô giáo. Đó là một trật tự đảo ngược trật tự trong thế giáo động vật: Con vật mạnh, con khỏe, con dữ nhất, có thể ăn thịt, chiến thắng con khác, trở thành chúa tể và tiếp tục tồn tại. Con vật yếu hơn, bị con mạnh hơn đuổi giết và diệt vong.

11.  Ai nâng mình sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên: Hai động từ bị động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” rất có thể là bị động thần linh, với tác nhân là Thiên Chúa. “Người nâng mình lên” trong bối cảnh này có thể tượng trưng cho hai nhóm người cụ thể là Kinh Sư và Pharisêu: làm mọi sự để cho người ta thấy, mở rộng hộp kinh, nới dài tua áo, thích được chào hỏi nơi công cộng, được gọi là rabbi, chỗ nhất trong hội đường và đám tiệc. Thuật ngữ này cũng có thể áp dụng cho bất cứ ai có hành động và sở thích tôn vinh mình giống như họ. Tương tự, “Người hạ mình xuống” tượng trưng cho các môn đệ, hay bất cứ ai theo lời dạy của Đức Giêsu: Không để mình được gọi là rabbi, không gọi ai dưới đất là cha, không gọi ai dưới đất là người hướng dẫn, sẵn sàng làm người phục vụ cho người khác. Trong bài giảng dành cho đời sống cộng đoàn (Mt 18), Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng “Ai hạ mình xuống như đứa trẻ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4). Trong lời tán tụng “Magnificat” Đức Maria đã tung hô rằng: “Người chức vụ cao, Chúa truất khỏi ngai vàng nhưng nâng lên những kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).

Chú giải tổng quát

Sau khi chịu những thử thách của nhóm Pharisêu, giờ đây Đức Giêsu hướng dẫn các môn đệ bằng cách mô tả những thói quen không tốt của nhóm người này, cùng với nhóm những Kinh Sư.[12] Đức Giêsu không ngần ngại nhìn nhận tư cách giảng dạy và những nội dung giảng dạy của những nhóm lãnh đạo tôn giáo này. Cụ thể, Người khuyên các môn đệ và đám đông hãy làm những gì những người này giảng dạy khi ngồi trên ghế của Môsê. Điều mà họ cần phải tránh là quên đừng làm theo các việc làm của họ, vì lời nói của họ không đi đôi với hành động. Những mô tả của Đức Giêsu cho thấy dường như họ đi ngược lại với trọng tâm của Luật là kính mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực”. Họ chỉ yêu thương bản thân mình và tìm vinh danh cho mình. Những việc đạo đức như “đeo hộp kinh” hay “mang những tua áo” vốn là những hành vi hướng về Torah và chính Chúa, lại bị họ lợi dụng để người ta nhìn thấy. Nơi hội đường vốn là nơi thờ phượng với Thiên Chúa là trung tâm, họ lại ưa thích chỗ nhất để phô trương chính mình. Nơi đám tiệc là nơi thể hiện tình thương yêu huynh đệ, lòng tôn trọng người khác, nhưng họ lại muốn thể hiện mình là người quan trọng nhất. Những sở thích được gọi là rabbi, được chào hỏi nơi phố chợ cũng bộc lộ thói hám danh hão huyền.

Đối lại với những người Pharisêu và Kinh Sư, các môn đệ và đám đông được mời gọi sống tinh thần khiêm hạ và phục vụ, qua việc lấy Chúa làm trung tâm và lấy tha nhân làm điểm tựa. Họ không ham thích được gọi là rabbi, cũng không tôn vinh ai bằng cách gọi họ là “cha” hay là “người hướng dẫn”. Đức Giêsu chính là người thầy duy nhất và người hướng dẫn duy nhất là Đấng Kitô. Cũng như Đức Giêsu, danh hiệu cao quý “cha” được họ dành cho Cha trên trời. Họ không tìm vinh quang cho mình, không tôn vinh lẫn nhau, nhưng người làm lớn hơn phải là người phục vụ. Họ hiện diện giữa người khác như một người phục vụ, giống cung cách của Đức Giêsu, Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì muôn người. Một khi biết tìm vinh danh cho Chúa, biết gọi Đức Giêsu là thầy, gọi Đấng Kitô là người hướng dẫn và gọi Thiên Chúa là Cha trên trời, gọi người khác là “những người anh em”, các Kitô hữu tìm thấy chính mình hạnh phúc trong tư thế một người phục vụ.

Trong các giáo huấn của mình về vấn đề người di cư, và đặc biệt là trong thông điệp “Fratelli tutti” Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng cảnh tỉnh mọi người trước thảm họa của một nền văn hóa “loại trừ người khác” và réo gọi xây dựng một nền văn minh “chào đón/ đón nhận người khác”. Đó thật sự là nền tảng của nền văn minh kitô giáo có cội nguồn trong thông điệp Tin Mừng của chính Đức Giêsu cho muôn ngàn thế hệ.

"Vì thế, không ai có thể bị loại bỏ do xuất xứ của mình, càng không thể do những đặc quyền của những người khác, là những người sở tại với cơ hội lớn hơn nhiều. Các giới hạn và ranh giới của mỗi nước không thể can dự vào đây. Cũng như không thể chấp nhận rằng một số người có ít quyền hơn do sự kiện họ là phụ nữ, thì cũng không thể chấp nhận rằng chỉ do sinh quán hay trú quán của một số người mà họ có ít cơ hội hơn để có một đời sống phát triển và có phẩm giá" (FT số 121)

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1]Since E. L. Sukenik claimed to have found such a seat at the front of the synagogues at Hammath-Tiberias and Chorazin, this expression has been taken literally. However, the archaeological evidence is slim and late. In Jesus' and Matthew's day, most synagogues were probably not structures dedicated to a single purpose. Thus “Moses' seat” is best understood as a common metaphor for the teaching and ruling authority of the scrib” [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1997) 320]; “Given that cultural norm it is likely that to “sit on Moses’ chair” is simply a figurative expression (cf. our professorial “chair”) for teaching with an authority derived from Moses. Moses himself gave Israel the basic law, but ever since then it had been necessary for other teachers to expound and apply it, and those who did so with due authority “sat on Moses’ chair” [R.T.  FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 859].

[2] “The imagery of the scribes “tying up” these loads before placing them on people’s shoulders is perhaps intended to allude to the extensive hermeneutical study and debate which have gone into formulating the scribal rules; see for example the introductory comments on 12:1–14 concerning the sabbath regulations” (R.T.  FRANCE, The Gospel of Matthew, 861).

[3]It is likely that the "burdens" refer to the Pharisaic/rabbinic application of priestly purity laws to everyday life and to their stress on tithing and Sabbath observance. The Pharisaic program for the reform of Jewish life differed from that of Jesus and the Matthean community” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 320).

[4] their religious practices were designed to win the approval of other people rather than that of God (R.T.  FRANCE, The Gospel of Matthew, 861).

[5]Rabbinic practice was to inscribe these passages on parchment, enclose them in leather boxes, and strap them to the forehead and arm during morning prayer. The boxes are called phylacteries. This passage is the earliest use of that term, which can also refer to amulets. Hence Matthew's use of the term may be polemical. The discovery of leather phylacteries at Qumran makes it probable that "phylacteries" here refers to the same religious article. Rabbinic tradition usually refers to them as tefillin” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 320-321).

[6] “In biblical times they were worn on the ordinary outer garment, as Jesus himself did (9:20; 14:36); it is only in subsequent Judaism that the ṭallît, the fringed shawl worn especially for prayer, has developed. The fringes too were intended as spiritual visual aids (Num 15:39), but to increase their length was an obvious way to draw people’s attention to one’s piety” (R.T.  FRANCE, The Gospel of Matthew, 862).

[7] Remains of early Jewish synagogue buildings include some individual stone seats which presumably stood in front of the benches where other worshipers sat and were for the leading members, among whom the scribes and Pharisees would expect to be (Ibid.).

[8] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 321.

[9] “Here we might have expected “fellow-disciples” as the correlative to “teacher.” But “brothers and sisters” is apparently for Jesus a way of expressing equality; it is not for one brother to be set above the others” (R.T.  FRANCE, The Gospel of Matthew, 863).

[10] Ibid.

[11] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) III, 278.

[12] “While he criticizes the opponents of the Matthean community, he also offers advice to Christians on how to behave in an appropriate way” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 320).

No comments:

Post a Comment