Thursday, 26 October 2023

“MỆNH LỆNH TỐI CAO TRONG LUẬT”. Chú giải Tin Mừng CN XXX TN A (Mt 22,34-40); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

34 Khi nghe rằng Người đã làm cho những người Xađốc im lặng, những người Pharisêu tập hợp lại với nhau nhằm chống lại Người,

35 Rồi, để thử thách Người, một người trong số họ [người thông luật] hỏi Người rằng:

36 “Thưa thầy! Điều răn nào lớn hơn cả trong Luật?”

37 Người trả lời cho ông ta rằng: ‘Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi bằng tất cả trái tim, và bằng tất cả linh hồn và bằng tất cả sức lực ngươi’

38 Đó là điều răn lớnđiều răn đứng đầu,

39 Điều thứ hai tương tự như điều này là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’

40 Nơi hai điều răn này, toàn bộ Luật và Ngôn Sứ phụ thuộc vào.

34 Οἱ δὲ Φαρισαῖοι ἀκούσαντες ὅτι ἐφίμωσεν τοὺς Σαδδουκαίους συνήχθησαν ἐπὶ τὸ αὐτό,

 35 καὶ ἐπηρώτησεν εἷς ἐξ αὐτῶν [νομικὸς] πειράζων αὐτόν·

 36 διδάσκαλε, ποία ἐντολὴ μεγάλη ἐν τῷ νόμῳ;

 37 ὁ δὲ ἔφη αὐτῷ· ἀγαπήσεις κύριον τὸν θεόν σου ἐν ὅλῃ τῇ καρδίᾳ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ ψυχῇ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ διανοίᾳ σου·

 38 αὕτη ἐστὶν ἡ μεγάλη καὶ πρώτη ἐντολή.

 39 δευτέρα δὲ ὁμοία αὐτῇ· ἀγαπήσεις τὸν πλησίον σου ὡς σεαυτόν.

 40 ἐν ταύταις ταῖς δυσὶν ἐντολαῖς ὅλος ὁ νόμος κρέμαται καὶ οἱ προφῆται. (Matt. 22:34-40 BGT)

Bối cảnh

Mt 22,34-40 nằm trong loạt ba câu chuyện về thử thách mà nhóm lãnh đạo Do Thái liên tục đặt ra cho Đức Giêsu. Thử thách thứ nhất liên quan đến việc nộp thuế cho Kaisar (Mt 22,15-22). Thử thách thứ hai liên quan đến sự sống lại của nhóm những người Xađốc (Mt 22,23-33) và Mt 22,34-40 là th thách thứ ba liên quan đến điều răn lớn nhất được một nhà thông luật đại diện cho nhóm Pharisêu thực hiện. Như vậy, thử thách cùng với thử thách thứ nhất đóng vai trò đóng khung cho bộ ba thử thách dựa trên tác nhân thử thách: Pharisêu – Xađốc – Pharisêu. Trong bối cảnh rộng hơn một chút, những câu chuyện này nằm trong hàng loạt những trannh luận giữa Đức Giêsu và nhóm lãnh đạo Do Thái đủ các phe phái và chức sắc trong kỳ giảng của Đức Giêsu tại Jêrusalem: Từ các thượng tế, kỳ mục đến các phái Pharisêu và Xađốc. Trong bối cảnh rộng hơn nữa, Mt 22,34-40 gợi nhớ đến hai bản văn quan trọng của sách Luật: Luật yêu Chúa (Đnl 6,5) và Luật yêu người (Lv 19,18).

Cấu trúc

Đoạn văn Mt 22,34-40 có cấu trúc đối xứng đồng tâm với trung tâm là hai thành phần “điều răn đứng đầu” và “điều răn thứ hai”, tượng trưng cho điều răn “yêu Thiên Chúa” và “yêu người thân cận”.

Bối cảnh: Thử thách; nhân vật Pharisêu (34-35)

 Điều răn nào lớn hơn cả trong Luật (36)

phải yêu Thiên Chúa, bằng tất cả trái tim, linh hồn và sức lực ngươi’ (37)

điều răn lớn và điều răn đứng đầu (38)

điều răn thứ hai giống như điều răn ấy (39a)

phải yêu người thân cận như chính mình’ (39b)

Toàn bộ Luật và Ngôn Sứ phụ thuộc vào hai điều răn đó (40)


Một số điểm chú giải

1.   Nhóm Pharisêu và nhóm Xađốc: Về mặt bản chất hai nhóm này có niềm tin khác nhau. Việc kết hợp hai nhóm này lại với nhau là rất khó tin về mặt lịch sử vì hai nhóm này vốn có những niềm tin và truyền thống trái ngược nhau. Nhóm Pharisêu tin có các thiên thần, và linh hồn bất tử; Tin vào sự sống đời sau; Trong khi đó nhóm Xađốc không tin các thiên thần, linh hồn bất tử, hay sự sống đời sau (Mt 22,23; Mc 12,18; Lc 20,27). Thành viên của hai nhóm này có thể làm việc chung trong một Hội Đồng Do Thái (Cv 23,6), nhưng rất khó hòa hợp về mặt tôn giáo. Chỉ có tác giả Mátthêu gom hai nhóm này lại với nhau không những một lần mà đến hai lần. Lần thứ nhất, họ cùng đến với ông Gioan để được dìm trong sông Jorđan và bị gọi là rắn độc (Mt 3,4-12). Lần thứ hai, hai nhóm này lại cùng nhau đến thử Đức Giêsu bằng cách xin Người một dấu lạ từ trời (Mt 16,1). Hơn nữa, Đức Giêsu của Mátthêu cũng hay ghép hai nhóm này lại với nhau: “Phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,6.11.12)[1]. Ơ đây họ không hợp lại với nhau, nhưng có chung một chiến tuyến. Họ thay phiên nhau thử thách, đánh bẫy Đức Giêsu. Mỗi nhóm tận dụng lợi thế riêng của mình. Nhóm Xađốc đặt ra câu hỏi hóc búa về sự sống lại; còn nhóm Pharisêu đặt câu hỏi liên quan đến cách thức đối xử với ngoại bang và dân tộc, và điều cốt lõi trong Luật. Cách nói “khi nghe Đức Giêsu đã làm cho phái Xađốc câm miệng, những người Pharisêu tụ họp lại với nhau” vừa cho thấy sự nối tiếp liên tục các cuộc thử thách nhóm lãnh đạo dành cho Đức Giêsu, vừa cho thấy nhóm này muốn chứng tỏ mình có khả năng hơn nhóm Xađốc.[2] Câu hỏi của người thông luật không phải ;là một câu hỏi xa lạ vì các rabbi cũng thường thảo luận với nhau về điều ran “nặng” và “nhẹ” và thỉnh thoảng họ cố gắng tóm tắt điểm chính yếu của Luật Môsê theo những bản văn của Cựu Ước.[3]

2.   Thử thách: Đây là động từ Đức Giêsu dùng để mô tả hành động của nhóm Pharisêu trong câu chuyện nộp thuế cho Kaisar. Họ là những người chuyên gia thử thách Đức Giêsu. Thử thách Đức Giêsu là làm cùng hành động với quỷ, Satan, kẻ cám dỗ trong trình thuật về “cám dỗ” trong Mt 4,1-11.[4] Cách nào đó, có thể nói họ đứng cùng chung chiến tuyến với quỷ để chống lại Đức Giêsu.

3.   Trong Luật … toàn bộ Luật và các Ngôn Sứ: Danh xưng “Luật” không có nghĩa như là luật pháp dân sự như người ta thường hiểu trong xã hội hiện đại. Luật được dịch từ tiếng Hy Lạp “ὁ νόμος”, thường có mạo từ xác định để chỉ một thực thể nhất định mà khi nói tới ai cũng biết. Thuật ngữ này có nguồn gốc trong tiếng Hípri là “Torah” [תּוֹרָה], nghĩa là những hướng dẫn, những lời dạy dỗ của Chúa dành cho dân, để họ sống xứng đáng căn tính của mình như là dân Chúa và được nhận phúc lành của Thiên Chúa. “Luật” là một ân huệ, một món quà của Thiên Chúa, hơn là những gì bó buộc, cấm đoán làm cho người ta thấy bất tiện, khó chịu. Chúng ta thấy nét đẹp của “Torah” được mô tả trong Tv 1: “Hạnh phúc thay người không bước đi theo lời khuyên của người xấu, cũng không đứng trong đường lối các tội nhân, cũng không ngồi chung với những người nhạo bang, nhưng Luật (torah) của Chúa là niềm vui của mình, và gẫm suy Luật Người ngày và đêm” (Tv 1,1-2). Cựu Ước thường gọi là “Sách Luật của ông Môsê” (בְּסֵ֙פֶר֙ תּוֹרַ֣ת מֹשֶׁ֔ה) (Gs 8,31.32), nói ngắn gọn là “Sách Luật” hoặc “Luật” (Gs 8,34). Sở dĩ nó được gọi là sách Luật của ông Môsê vì chính tay ông Môsê viết xuống (Đnl 31,9). Hơn nữa, đó chính là Luật Thiên Chúa ban cho dân qua ông Môsê (Ga 1,17; 7,19). Theo nghĩa rộng “Luật” (hoặc “Môsê” [Lc 16,29.31]; hoặc “Luật của Môsê”, [Cv 13,38 15,5], “truyền thống của Môsê” [Cv 15,1]) song song với “Các ngôn sứ” diễn tả toàn bộ Sách Thánh Hípri, trong đó “Các ngôn sứ” là phần thứ hai theo cách phân chia của Sách Thánh Hípri (I. Torah; II. Các Ngôn Sứ; và III. Các văn phẩm).[5] Tân Ước rất hay dùng cặp thuật ngữ này để ám chỉ toàn bộ Sách Thánh Hípri (Mt 5,17; 11,13; 7,12; 22,40; Lc 24,37; Ga 1,45; Cv 24,14; 26,22; 28,23; Rm 3,21). Trong các tác giả Tin Mừng, chỉ có Luca nhắc đến bộ ba “Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh”, như là tượng trưng cho toàn bộ Sách Thánh Hípri (Lc 24,24). Ngoài ra, Tân Ước cũng dùng cách nói “ông Môsê ra lệnh … Ông Môsê cho phép…” (Mt 19,7.8; Mc 10,3.4; Lc 5,14; Ga 8,5), “ông Môsê nói …” (Mt 22,24; Mc 7,10; Cv 3,22), “ông Môsê đã viết…” (Mc 12,19; Lc 20,28), “ông Môsê cho biết …” (Lc 20,37), “ông Môsê đã viết trong Luật” (Ga 1,45), để ám chỉ đến “Torah”, phần đầu tiên của Sách Thánh Hípri. Có vố số điều luật được quy định trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Sách Thánh Hípri. Chính vì thế, không dễ gì, người ta có thể nói điều nào là lớn hơn cả. Câu hỏi này đến từ một chuyên gia về Luật, một người đủ khả năng chứng thực rằng Đức Giêsu nói sai hay đúng. Ở đây, Mátthêu cho biết rằng, người thông luật này thuộc phái Pharisêu. Như thế, trong phái Pharisêu có thể có nhiều người thông luật.

4.   Chúa, Thiên Chúa: Cụm từ này là một danh xưng kép trong đó “θεός” (theos) là danh từ chung có nghĩa là “thần”, “Thiên Chúa”, và “κύριος” (kurios) là “ông chủ”, “chúa”. Nhóm dịch thuật CGKPV chọn thuật ngữ “Đức Chúa” để chuyển ngữ danh xưng “kurios”, phân biệt với “theos”, được chuyển ngữ là “Thiên Chúa” (Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi …). Dịch giả Nguyễn Thế Thuấn, chuyển ngữ danh từ “theos” thành “Thiên Chúa” tương tự như nhóm CGKPV, nhưng “kurios” được chuyển ngữ thành “Chúa” (ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi…”. Rõ ràng, các bản dịch tiếng Việt đều gây bối rối vì danh xưng “Chúa” cho cả hai thuật ngữ Hy Lạp. Các ngôn ngữ hiện đại khác dùng hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau để chuyển ngữ hai danh xưng này (Pháp: le Seigneur, ton Dieu; Ý: il Signore, tuo Dio; Anh: the Lord, your God), hay tiếng Latinh cũng vậy (Dominum, Deum). Hai danh xưng này có nguồn gốc trong tiếng Hípri. θεός là chuyển ngữ của “אֱלֹהִ֜ים” và κύριος” là chuyển ngữ của “יְהוָ֙ה”.[6] Danh xưng “יְהוָ֙ה” chính là tên gọi đặc biệt mà Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Môsê trong trình thuật về cuộc gặp gỡ của ông với Thiên Chúa nơi bụi gai rực cháy. Thiên Chúa tự xưng mình là “Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3,6; Cf. 3,15.16). Ông Môsê đặt vấn đề nếu như dân Israel hỏi ông “tên của Người là gì?” thì ông phải trả lời họ thế nào. Thiên Chúa trả lời “Ta là Đấng Ta là” [אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֑ה ] (Xh 3,14). Sau đó Thiên Chúa dặn ông Môsê nói cùng dân Israel rằng:  “Chúa, Thiên Chúa [אֲלֵהֶם֙ יְהוָ֞ה] của tổ tiên anh chị em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp, đã gửi tôi đến với anh chị em. Đó là danh của Ta cho tất cả các thế hệ”. Người Do Thái không đọc danh xưng này, có lẽ vì tôn trọng danh của Thiên Chúa. Khi gặp danh xưng này, họ đọc thành “Adonai”, nghĩa là “ông chủ của tôi”. Một thời gian dài trong thế kỷ 20, người ta thấy trong các văn bản tiếng Việt bao gồm cả bản dịch Thánh Kinh và văn bản Giáo Hội gọi danh xưng này là Giavê hoặc Yavê, tương ứng các cách dùng Tiếng Anh: Yahweh, Yahwè, Jahweh, Jahwè, Jave, Yehovah. Tuy nhiên, ngày 29/06/2008, ĐHY Arinze, tổng trưởng bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích đã ban huấn thị chỉ thỉ rằng, cách phiên âm tên riêng của danh thánh Thiên Chúa “יְהוָ֞ה” không được dùng nữa, vì tôn trọng thánh danh Chúa, như người Do Thái. Chính vì thế, các bài hát có chữ Giavê, Yavê thường không được dùng nữa.

5.   Yêu bằng tất cả trái tim, và bằng tất cả linh hồn và bằng tất cả sức lực ngươi”: Đây là một câu trích dẫn từ bản văn nòng cốt của sách Đệ Nhị Luật, thường được xem là bản tuyên xưng đức tin của người Israel:[7]

Hãy nghe, hỡi Ítrael! Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, bằng cả trái tim, với toàn thể linh hồn và với toàn thể sức lực ngươi. Hãy đưa những lời này, mà tôi truyền lệnh cho ngươi hôm nay vào trong lòng ngươi. Ngươi phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà ngươi, và lên cổng thành ngươi.” (Đnl 6,4-9)

Đây là mệnh lệnh mà dân Ítrael lặp đi lặp lại mỗi phútgiây và dạy rất kỹ. Tính từ “ὅλῃ” (tất cả/toàn thể, Hípri, כֹּל) được lặp lại ba lần như muốn nhấn mạnh. Ba cụm giới từ “bằng tất cả trái tim”, “bằng tất cả linh hồn”, “bằng tất cả thân xác” ngụ ý toàn thể con người trong ngoài không có phần nào không tham gia vào hành động “yêu thương” dành cho Thiên Chúa. Tác giả Luca còn thêm vào cụm giới từ “hết trí năng ngươi” (ἐν ὅλῃ τῇ διανοίᾳ σου). Xem ra, tác giả Luca cảm thấy cần phải thêm phần trí năng của con người nữa, phần rất được đề cao trong thế giới triết lý Hy Lạp, thế giới mà tác giả Luca thấm nhuần. Đức Giêsu nhấn mạnh đây là điều răn thứ nhất và là điều răn đứng đầu, nhằm trả lời cho phép so sánh “điều răn lớn hơn cả”. “Thứ nhất” cũng đối lại với “thứ hai” và Người sẽ giới thiệu tiếp tục.

6.   Yêu người thân cận như chính mình”:[8] Người thông luật, đại diện cho nhóm Pharisêu hỏi “điều răn lớn nào” (số ít), Đức Giêsu giới thiệu hai điều răn. Người nhấn mạnh bằng tính từ so sánh “giống như nó”. Đó là: “Ngươi phải yêu người thân cận của ngươi như chính ngươi”. Mệnh lệnh này được trích lại từ sách Lêvi: “Ngươi không được báo thù và cũng không được nuôi lòng giận hờn con cái của dân ngươi và phải yêu người thân cận (bạn hữu) như chính mình, Ta là Chúa!” (Lv 19,18). “Yêu người thân cận” là chiều tích cực, đối lại với hai lệnh cấm “không được báo thù” và “không được nuôi lòng giận hờn”. “Con cái của dân ngươi”, đối lại với “người thân cận” (bạn hữu). Trạng từ “πλησίον” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là gần, sát bên. Khi dùng với chức năng danh từ có mạo từ đi kèm, nó thường được hiểu là “người thân cận”, “người hàng xóm”, “đồng bạn”, “bạn đồng hương”, “người đồng đạo”. Danh từ này xuất hiện 6 lần trong Lv 19,11-18. Trong 3 câu (16.17.18), danh xưng này đều đi song song với một danh từ mô tả những người đồng chủng tộc Israel. Cụ thể, “không được vu khống (người) trong dân ngươi” // cũng không được đứng yên khi mạng sống của người thân cận ngươi bị đe dọa” (Lv 19,16); “Không được ghét người anh em của ngươi bằng suy nghĩ của người // hãy sửa dạy người thân cận của ngươi công khai và ngươi không mắc tội vì anh ta” (Lc 19,17); “Ngươi không được báo thù và cũng không được nuôi lòng giận hờn con cái của dân ngươi nhưng phải yêu người thân cận (bạn hữu) như chính mình, Ta là Chúa!”. Như thế, khái niệm “người thân cận” ở đây dường như ngụ ý đến những người đồng chủng tộc Israel, hơn là khái niệm liên quan đến sự gần về mặt địa lý.

Các ngươi không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt người thân cận mình. Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của ngươi. Ta là Chúa. Ngươi không được bóc lột người thân cận, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng. Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Chúa. Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người thân cận. Ngươi không được vu khống những người trong dân tộc, không được ra tòa đòi người thân cận phải chết. Ta là Chúa. Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người thân cận, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Ta là Chúa.” (Lv 19,11-18).

Điều răn thứ hai được trích ra từ đoạn văn trên, không xa lạ gì đối với độc giả của Tin Mừng Mátthêu, vì trước đó, Đức Giêsu đã nhắc đến điều răn này: “Anh em đã nghe nói rằng: Phải yêu người thân cận và ghét kẻ thù. Nhưng tôi nói cùng anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ anh em, để ngươi có thể là con cái của Cha anh em trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên trên kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45). Đối tượng yêu thương được Đức Giêsu mở rộng ra ở mức độ vô tận. Bởi lẽ, khi người ta có thể yêu kẻ thù thì không còn ai mà họ không thể yêu nữa.

Trong trình thuật của tác giả Luca, người thông luật còn hỏi thêm: “Nhưng ai là người thân cận của tôi”. Để giải thích cho khái niệm “người thân cận”, Đức Giêsu kể cho ông ta nghe dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” (Lc 10,29-37). Khi đưa ra những hình ảnh trái ngược giữa nhóm “người đi từ Jêruslem đến Jêrikhô, người tư tế, người Lêvi” với “người Samari”, Đức Giêsu dường như muốn nói rằng “người đồng hương, đồng chủng tộc Israel” chưa chắc đã là “người thân cận” (theo quan niệm của người Israel, đại diện là người thông luật”. Người thân cận được mở rộng ra cho bất kỳ một người nào, không giới hạn chủng tộc, màu da, sống gần bên. Một khi người ta biết tỏ lòng thương xót với những người hoạn nạn là tức khắc trở thành “người thân cận” của họ.

7.   Như chính mình”: Đây là cách đối chiếu nhằm diễn tả mức độ cao nhất của tình yêu. Tác giả thư Giacôbê cũng nhắc lại quy chuẩn này móc nối với việc làm điều tốt: “Đã hẳn anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn Luật Thánh đưa lên hàng đầu: “Phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Gc 2,8). Phaolô dùng quy chuẩn này cho tình yêu chồng vợ: “Mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình” (Ep 5,33). Khi trao ban “điều răn mới”, Đức Giêsu chuyển điểm quy chiếu vào tình yêu mà Người đã dành cho các môn đệ: “Hãy yêu nhau như chính Thầy đã yêu anh em” (Ga 13,34). Tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ bây giờ là tình yêu cao nhất: Tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người yêu của mình (Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu này, rằng một ai đó có thể chết tự nguyện vì người yêu của mình: μείζονα ταύτης ἀγάπην οὐδεὶς ἔχει, ἵνα τις τὴν ψυχὴν αὐτοῦ θῇ ὑπὲρ τῶν φίλων αὐτοῦ, Ga 15,13; Cf. Ga 10,11). Tác giả thư thứ nhất Gioan diễn giải lại điều rằn rằng: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: ‘Đó là Đức Kitô thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em’” (1 Ga 3,16).

8.   Đều phụ thuộc vào hai điều ấy”: Đức Giêsu khẳng định tính “lớn, quan trọng” của hai điều răn này bằng cách nói nhấn mạnh. Thứ nhất cụm giới từ “nơi hai điều răn này” (ἐν ταύταις ταῖς δυσὶν ἐντολαῖς) được đưa ra đầu câu. Thứ hai, tính từ “ὅλος” (tất cả) được đặt trước hai danh từ “Luật và Ngôn Sứ”. Người thông luật hỏi là “trong Luật”, Đức Giêsu cho thấy hai điều răn này không chỉ “lớn hơn cả” trong Luật và còn trong “Các ngôn sứ” nữa. Nghĩa là, toàn bộ Sách Thánh Cựu Ước đều phụ thuộc vào hai điều này.

Bình luận tổng quát

Những người Pharisêu, sau thất bại trong cuộc thử thách về “nộp thuế cho Kaisar”, trở lại trong vụ thử thách về “điều răn lớn”. Đây là thử thách thứ ba trong bộ ba thử thách có cấu trúc inclusio (Pharisêu: Nộp thuế cho Kaisar – Xađốc: Sự sống lại đời sau – Pharisêu: Điều răn lớn nhất). Câu hỏi về “điều răn lớn trong Luật” có thể khiến cho Đức Giêsu phải bối rối vì có quá nhiều quy định trong toàn bộ Ngũ Thư, năm cuốn sách đầu tiên của bộ Sách Thánh Do Thái. Theo thính toán của truyền thống Rabbi, có đến 613 điều răn trong Luật.[9] Tuy nhiên, Đức Giêsu không những giới thiệu cho họ một điều mà hai điều. Trong khi điều thứ nhất dường như không còn xa lạ đối với tất cả những người Do Thái, nhất là các nhà thông luật, thì điều thứ hai có lẽ làm cho các ông bất ngờ. Trong Mt 23,23, Đức Giêsu đã chỉ trích các Kinh Sư và những người Pharisêu vì họ giữ những điều nhỏ như là đóng thuế thập phân mà làm ngơ những điều quan trọng hơn là “công bằng, thương xót, và đức tin”. Đức Giêsu còn khẳng định về tầm ảnh hưởng của các điều răn này: Không chỉ “trong Luật” mà còn “toàn thể Ngôn Sứ”. Trong khi “Phải yêu Chúa, Thiên Chúa” là đòi buộc thể hiện tương quan tình yêu theo chiều dọc (người – Chúa), thì “phải yêu người thân cận” là điều không thể thiếu của tương quan chiều ngang (người – người). Tình yêu chiều dọc không thể thiếu tình yêu theo chiều ngang và ngược lại, tình yêu theo chiều ngang không thể chuẩn chỉnh được nếu không có tình yêu theo chiều dọc. Tư tưởng của tác giả thư 1 Ga là một minh họa sắc nét cho sự tương hợp giữa hai khía cạnh này của tình yêu: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu Thiên Chúa mà lại ghét người anh em của mình, kẻ ấy là kẻ nói dối trá; Vì ai không yêu người anh em mà họ nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa, Đấng mà họ không nhìn thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ‘Ai yêu Thiên Chúa thì cũng yêu người anh em của mình”’ (1 Ga 4,20-21). Nói theo ngôn từ của Bài Giảng trên núi, Tin Mừng Mátthêu: “Nếu khi anh đang dâng của lễ trên bàn thờ, mà ở đó anh nhớ rằng người anh em của anh đang có gì đó chống lại anh, thì hãy để của lễ của anh lại trước bàn thờ và hãy đi trước hết hòa giải với người anh em của anh, rồi đến đâng của lễ của mình” (Mt 5,23-24). Các câu này là minh họa sống động cho lời dạy “không được giận người anh em của mình”, “không được chê người anh em là raqa (đồ khờ)”, và không được gọi người anh em là “đồ ngu ngốc” (Mt 5,22). Tác giả Máccô còn thêm vào cụm từ bổ túc “là điều quý hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ”, sau khi liệt kê hai điều răn (Mc 12,33). Nghi Lễ phải phát xuất từ tình yêu bằng cả con người. Mặc dù cả hai điều Đức Giêsu trích dẫn không nằm trong bản Thập Điều (Mười điều răn), nhưng nó bao hàm hai phần nền tảng của Thập Điều: Phần đầu là những điều răn liên quan đến tình yêu dành cho Thiên Chúa và phần sau là những điều răn liên quan đến cách đối xử với tha nhân.[10] Tình yêu đối với Thiên Chúa, phải mang tính tuyệt đối và bao trùm tất cả mọi khía cạnh của con người thể lý và tâm linh. Nền tảng quy chuẩn cho tình yêu với tha nhân được mô tả nơi cụm “như chính mình”. Cụm từ này giả định một mức độ yêu lý tưởng nhất, vì không ai ghét chính mình, và họ yêu bản thân họ trước hết, và ưu tiên nhất. Dĩ nhiên, cũng nên nói thêm quy chuẩn của tình yêu đối với tha nhân theo thần học Tin Mừng thứ tư trong điều răn mới là: “Như chính Đức Giêsu đã yêu” (Ga 13,34: Hãy yêu nhau như chính Thầy đã yêu anh em). Toàn bộ mọi chỉ dẫn trong toàn bộ Sách Thánh Hípri đều tùy thuộc vào hai điều răn này. Đó là Tin Mừng mà Đức Giêsu muốn giới thiệu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa vốn được thể hiện qua những nghi lễ phụng tự, kinh nguyện và dâng hy lễ, nhưng không thể thiếu thực tế trong đời sống hằng ngày qua những hành động cụ thể đối với những người chung quanh, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, và cũng là những người anh em chị em trong đại gia đình Thiên Chúa. Đức Giêsu gắn bó với Thiên Chúa Cha qua những giờ phút cầu nguyện thâu đêm suốt sáng, nhưng hằng ngày, Người rong ruổi khắp nơi để mang Tin Mừng cho người nghèo khổ, tội lỗi, chữa lành những người đau yếu, trao ban hồng ân của Thiên Chúa. Người muốn các người thông luật xác tín điều đó để sống và giải thích cho người khác.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[2] “There is a marked sequence between this and the last pericope, which can be obscured by the paragraph division: the Sadducees have been routed and the crowd are on Jesus’ side, so the Pharisees decide it is time to regain the initiative” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 842].

[3] A rabbinic discussion of this issue in b. Mak 24a suggests that the law may be found summarized in eleven principles in Psalm 15, in six in Isa 33:15–16, in three in Micah 6:8, in two in Isa 56:1, and in one in Amos 5:4b and in Hab 2:4b; cf. b. Ber. 63a, where Prov 3:6 is said to be a “short text on which all the essential principles of the Torah depend. It is interesting that none of these suggested summaries are taken from the Pentateuch itself; by contrast Jesus’ two key texts are both drawn from within the books of Moses.(R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 844-845).

[4] “The repetition of the term peirazō, “test” (see on v. 18 and cf. its use also in 16:1; 19:3, and the even stronger “trap” in v. 15) makes it clear that this is not simply academic debate” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew); Xem thêm về “thử thách” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: ĐÁNH BẪY BẰNG LỜI. Chú giải Tin Mừng CN XXIX TN (Mt 22,15-22); Lm. Jos. PH.D. THẠCH, SVD (josephpham-horizon.blogspot.com)

[5] Sách Thánh Do Thái (24 cuốn), được chia thành ba phần: (1) Torah (Luật, hay lời dạy, Ngũ Thư); (2) Neviim (các ngôn sứ); và (3) Ketuvim (các văn phẩm). Chỉ có tác giả Luca liệt kê đầy đủ ba phần của Sách Thánh Do Thái và một lần duy nhất.

[6] Bốn chữ cái này thường được biết đến với thuật ngữ trong tiếng Hy Lạp, Τετραγράμματον (or Τετράγραμμον)”, hoặc Latinh Tetragrammaton (or Tetragram). Tiếng Hy Lạp qua nhiều thời thường được phiên âm thành Ιαω/Ιαο, Ιαβω, Ιαχω, Ιαωα, Ιεωα, Ιαεωβα, Ιεου, Ιηουα, Ιαωουεη, Ιωα, Ιαβα/Ιαβας,

[7] “The first passage Jesus cites in fact portrays the love of God as a summary of the law (Deut 6:1–7); one who loved God would fulfill the whole Torah (Deut 5:29). This passage about loving God was the central and best-known text of Judaism, the Shema” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge, 2009) 531].

[8]So in b. Sabb. 31a Hillel says: "What is hateful to you do not to your neighbor; that is the whole Torah, while the rest is commentary on it; go and learn it” (D.J. Harrington, The Gosepel of Matthew, 316).

[9] “Since the five books of Moses contained, by rabbinic calculation, 613 commandments, some means of assessing their relative importance would be widely appreciated.5 But to provide this must involve choosing one legal principle over others, and this carried the risk that other teachers, who might have made a different choice, could accuse their colleague of belittling the importance of some other equally scriptural principle” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 842); “Later rabbis counted up 613 commandments in the Torah-248 positive ("you shall") and 365 negative ("you shall not")” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 315).

[10] “By bringing these two texts together Jesus asserts that the one principle of love applies equally to the two main aspects of religious duty, one’s attitude to God and one’s attitude to other people. It is these two foci which provide the framework of the Decalogue, with its two “tables” covering these two aspects in turn” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 843). 

No comments:

Post a Comment