Thursday, 12 October 2023

NHỮNG NGƯỜI KHÁCH DỬNG DƯNG. Chú Giải Tin Mừng CN XXVIII TN A (Mt 22,1-14); Lm. Jos. PH.D. THẠCH, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

1 Đáp trả lại, Đức Giêsu lại nói cho họ bằng những dụ ngôn rằng:

2 Nước Trời giống như một ông vua kia, người làm tiệc cưới cho con trai của mình.

3 Và ông sai các đầy tớ đi gọi những người đã được mời vào tiệc cưới, nhưng họ không muốn đến.

4 Ông lại sai các đầy tớ khác, dặn rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng, ‘này bữa ăn của tôi, tôi đã chuẩn bị rồi, những con bò và những con vật vỗ béo đã được giết thịt, tất cả đều đã sẵn sàng, hãy đến tiệc cưới nha’”.

5 Những người dửng dưng ra đi, người thì vào ruộng của mình, kẻ thì bận công việc thương mại.

6 Những người khác thì bắt các đầy tớ, ngược đãi và giết chết.

7 Nhà vua tức giận và sai một đội quân đến hủy diệt những kẻ sát nhân ấy và đốt cháy thành của họ.

8 Rồi ông nói cùng các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã sẵn sàng, những người được mời không xứng đáng đến.

9 Hãy ra đi băng qua các đại lộ để có thể tìm thấy càng nhiều càng tốt, hãy gọi họ vào tiệc cưới”.

10 Các đầy tớ ấy ra đi vào các con đường tập hợp tất cả những ai mà họ có thể tìm được, những người xấu cũng như những người tốt, và tiệc cưới đầy những người đến dự.

11 Khi nhà vua đi vào để quan sát những người dự tiệc, ông thấy ở đó một người không mặc y phục tiệc cưới.

12 Ông nói cùng người ấy: “Này bạn, làm thế nào bạn vào đây mà không mặc y phục tiệc cưới? Người ấy thinh lặng.

13 Nhà vua nói cùng những người phục vụ, hãy trói chân tay anh ta lại và quăng ra vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó anh ta sẽ là kẻ khóc lóc và là kẻ nghiến răng.

14 Vì người được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít.

1 Καὶ ἀποκριθεὶς ὁ Ἰησοῦς πάλιν εἶπεν ἐν παραβολαῖς αὐτοῖς λέγων·

 2 ὡμοιώθη ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν ἀνθρώπῳ βασιλεῖ, ὅστις ἐποίησεν γάμους τῷ υἱῷ αὐτοῦ.

 3 καὶ ἀπέστειλεν τοὺς δούλους αὐτοῦ καλέσαι τοὺς κεκλημένους εἰς τοὺς γάμους, καὶ οὐκ ἤθελον ἐλθεῖν.

 4 πάλιν ἀπέστειλεν ἄλλους δούλους λέγων· εἴπατε τοῖς κεκλημένοις· ἰδοὺ τὸ ἄριστόν μου ἡτοίμακα, οἱ ταῦροί μου καὶ τὰ σιτιστὰ τεθυμένα καὶ πάντα ἕτοιμα· δεῦτε εἰς τοὺς γάμους.

 5 οἱ δὲ ἀμελήσαντες ἀπῆλθον, ὃς μὲν εἰς τὸν ἴδιον ἀγρόν, ὃς δὲ ἐπὶ τὴν ἐμπορίαν αὐτοῦ·

 6 οἱ δὲ λοιποὶ κρατήσαντες τοὺς δούλους αὐτοῦ ὕβρισαν καὶ ἀπέκτειναν.

 7 ὁ δὲ βασιλεὺς ὠργίσθη καὶ πέμψας τὰ στρατεύματα αὐτοῦ ἀπώλεσεν τοὺς φονεῖς ἐκείνους καὶ τὴν πόλιν αὐτῶν ἐνέπρησεν.

 8 τότε λέγει τοῖς δούλοις αὐτοῦ· ὁ μὲν γάμος ἕτοιμός ἐστιν, οἱ δὲ κεκλημένοι οὐκ ἦσαν ἄξιοι·

 9 πορεύεσθε οὖν ἐπὶ τὰς διεξόδους τῶν ὁδῶν καὶ ὅσους ἐὰν εὕρητε καλέσατε εἰς τοὺς γάμους.

 10 καὶ ἐξελθόντες οἱ δοῦλοι ἐκεῖνοι εἰς τὰς ὁδοὺς συνήγαγον πάντας οὓς εὗρον, πονηρούς τε καὶ ἀγαθούς· καὶ ἐπλήσθη ὁ γάμος ἀνακειμένων.

 11  Εἰσελθὼν δὲ ὁ βασιλεὺς θεάσασθαι τοὺς ἀνακειμένους εἶδεν ἐκεῖ ἄνθρωπον οὐκ ἐνδεδυμένον ἔνδυμα γάμου,

 12 καὶ λέγει αὐτῷ· ἑταῖρε, πῶς εἰσῆλθες ὧδε μὴ ἔχων ἔνδυμα γάμου; ὁ δὲ ἐφιμώθη.

 13 τότε ὁ βασιλεὺς εἶπεν τοῖς διακόνοις· δήσαντες αὐτοῦ πόδας καὶ χεῖρας ἐκβάλετε αὐτὸν εἰς τὸ σκότος τὸ ἐξώτερον· ἐκεῖ ἔσται ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων.

 14  πολλοὶ γάρ εἰσιν κλητοί, ὀλίγοι δὲ ἐκλεκτοί (Matt. 22:1-14 BGT)

Bối cảnh

Mt 22,1-14 là dụ ngôn cuối cùng trong loạt bốn dụ ngôn liên quan đến việc “đón nhận” hay “chối từ” Nước Trời, dẫn đến việc “bị chối từ” hay “được đón nhận”. Các dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” (20,1-16); Dụ ngôn hai người con (21,28-32); Dụ ngôn những “người thuê vườn xấu xa tệ hại” (21,33-46) và dụ ngôn tiệc cưới của con trai nhà vua (22,1-14) đều chứa đựng trong đó hình ảnh một nhà vua hoặc nhà vua và hai nhóm người đối lại với nhau: Nhóm người lúc đầu có nhiều lợi thế, đối lại với nhóm người ít lợi thể hơn, hoặc là không có lợi thế gì; nhưng vào cuối dụ ngôn, thứ tự lại đảo lộn. Các dụ ngôn này được xen kẻ giữa lời tiền báo về cuộc khổ nạn – phục sinh của Đức Giêsu lần thứ ba (Mt 20,17-19), một người Con bị kết án tử hình bởi nhóm lãnh đạo đối nghịch (Các Thượng Tế và Kinh Sư). Câu chuyện chữa hai người mù đầy ẩn ý về một tầm nhìn bị che mờ (Mt 20,29-34). Câu chuyện cây vả không ra trái (Mt 21,18-22)  được đặt ngay sau trình thuật Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ (Mt 21,12-17) cũng đầy ngụ ý về một nền phụng tự, không mang nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Những chủ đề như “Nước Trời”, “Người Con Trai”, vốn là những hình ảnh quen thuộc trong giáo huấn của Đức Giêsu. Hình ảnh “nhà vua” vốn nối kết với vương quốc Nước Trời/ Nước Thiên Chúa. Chi tiết “Những người được mời” bắt các đầy tớ ngược đãi và giết đi là hình ảnh tương tự với tình tiết các đầy tớ bị giết và người Con cũng bị giết trong dụ ngôn “những người thuê vườn xấu xa tàn tệ” được đặt ngay trước đó. Nước Trời như đám cưới sẽ được lặp lại trong dụ ngôn về cánh chung, được gọi là “dụ ngôn mười trinh nữ” (Mt 25,1-13). Trong bối cảnh rộng hơn, hình ảnh tiệc cưới gợi nhớ đến “bữa tiệc của Chúa các đạo binh” được mô tả trong Is 25,6-10a.

Cấu trúc

Dẫn nhập (1-2): Nước Trời giống như một ông vua làm tiệc cưới cho con trai của mình.

Thiện chí của nhà vua – dửng dưng của người được mời (3-6)

Nhà vua mời: Sai các đầy tớ đi gọi những người đã được mời vào tiệc cưới

Đáp trả: Họ không muốn đến.

Nhà vua lại mời:

‘này bữa ăn của tôi, tôi đã chuẩn bị rồi,

những con bò và những con vật vỗ béo đã được giết thịt,

tất cả đều đã sẵn sàng,

hãy đến dự tiệc cưới nha’”.

Đáp trả: Những người dửng dưng

người thì vào ruộng của mình,

kẻ thì bận công việc thương mại.

Những người khác thì bắt các đầy tớ, ngược đãi và giết chết.

Nhà vua nổi giận và hình phạt:

Sai một đội quân đến hủy diệt những kẻ sát nhân ấy và đốt cháy thành của họ.

Nhà vua mời những người khác:

Tiệc cưới đã sẵn sàng,

những người được mời không xứng đáng đến.

Băng qua các đại lộ để tìm và gọi họ vào tiệc cưới,

tập hợp tất cả những người xấu cũng như những người tốt,

Tiệc cưới đầy những người đến dự.

Người không mặc y phục tiệc cưới (11-13)

ở đó một người không mặc y phục tiệc cưới.

hãy trói chân tay anh ta lại

quăng ra vào nơi tối tăm bên ngoài,

sẽ là kẻ khóc lóc và là kẻ nghiến răng.

Kết: Người được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít

Một số điểm chú giải

1.     Nước Trời: Một trong những chủ đề chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu.[1] Ở đây Nước Trời được ví như một “tiệc cưới” được ông vua tổ chức cho con trai của mình. Nghĩa là một thực tại niềm vui mà nhiều người muốn tham dự. Danh xưng “vua” được dùng cho Thiên Chúa trong Bài Giảng Trên Núic (Mt 5,25). Dụ ngôn “những người đầy tớ không biết thương xót” cũng mô tả Nước Trời như “một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách” (Mt 18,23).[2] Trong lời cầu nguyện của dân Chúa, Thiên Chúa được mô tả như là vua. Có rất nhiều Thánh Vịnh được gọi là “Thánh Vịnh Vương Quyền” (Tv 29; 47; 93; 95; 96; 97; 98; và 99). Trong các lời cầu nguyện ấy Thiên Chúa được mô tả như là chủ tể trên toàn thể mặt nước; chủ tể trên toàn cõi đất; chủ tể trên tất cả các quốc gia; chủ tể trên tất cả các thần; Thiên Chúa công chính và công bằng trong việc xét xử; Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho dân Người.  

2.     Tiệc cưới “γάμους”: Chủ đềtiệc cưới” xuất hiện ít nhất ba lần trong Tin Mừng Mátthêu. Lần thứ nhất, Đức Giêsu nhấn mạnh đến thực tại là những người đi ăn tiệc phải không được than khóc khi chàng rể còn ở với họ. Nhưng họ sẽ ăn chay khi chàng rễ bị mang đi (Mt 9,15). Chàng rể trong bối cảnh câu chuyện này có thể tương ứng với người con trai trong dụ ngôn đang tìm hiểu. Trong Tin Mừng Gioan, Gioan mô tả Đức Giêsu như là chàng rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể còn người bạn của chú rể, đứng đó nghe chàng, vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng của chàng” (Ga 3,29). Lần thứ hai, chính là dụ ngôn “những khách mời dửng dưng”, với hình ảnh chàng rể là người con trai của nhà vua. Lần cuối cùng là “dụ ngôn mười cô trinh nữ” (Mt 25,1-13), là một câu chuyện chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu. Tác giả Luca có câu chuyện tương tự như dụ ngôn “những khách mời dửng dưng” của Matthêu, nhưng đặt trong bối cảnh khác và không phải là một đám cưới của con trai ông vua, nhưng là “một người nọ làm tiệc lớn và mời nhiều người” (Lc 14,15-24). Trong Luca, Đức Giêsu kể dụ ngôn ấy vì trong bàn ăn, có người nói rằng: “Phúc thay ai được dự tiệc cưới trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15). Câu nói này của thực khách trong Tin Mừng Luca rất giống với câu nói của thiên sứ trong sách Khải Huyền: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,19). Mátthêu và Luca cũng đề cập một bữa tiệc cánh chung trong Nước Trời: “Từ Đông, Tây nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giácóp trong Nước Trời” (Mt 8,11; Lc 13,29). Đám cưới nói chung luôn là một thực tại hạnh phúc nhất. Người ta khó có thể tưởng tưởng một dịp nào đó hạnh phúc hơn đám cưới. Trong thời gian Thánh Kinh, đây là cơ hội thuận tiện để gia đình, bạn bè, thậm chí cả làng tạm dừng tất các công việc thường ngày lại quy tụ chung vui với nhau.[3] Đám cưới con trai của nhà vua càng mang lại niềm vui gấp nhiều lần. Tiệc cưới Con Chiên là niềm vui của tất cả các niềm vui, niềm vui tột đỉnh và trọn vẹn.

3.     Những người đã được mời … không muốn đến… những người dửng dưng … những người không xứng (Đi vào ruộng, đi làm công việc kinh doanh): Động tính từ mời được dùng ở thể bị động, hình thức phân từ, và thì hoàn thành, làm chức năng danh từ, có mạo từ xác định, với nghĩa là “những người đã được mời” (τοὺς κεκλημένους). Những người được mời này có thể là một nhóm đặc quyền biểu tượng cho các Thượng Tế và các kỳ Lão/ Pharisêu.[4] Hình thức mời đám cưới trong dụ ngôn này dường như gồm hai giai đoạn. Những người khách được mời trước đó ít lâu vì họ được gọi là “những người đã được mời”, rồi khi đến giờ, họ lại được kêu mời một lần nữa.[5] Thời gian tiệc cưới có thể kéo dài nhiều ngày.[6] Trong lần mời “lại” đầu tiên, họ được mô tả là “không muốn đến” (οὐκ ἤθελον ἐλθεῖν). Động từ ở phủ định mô tả thực tại sâu xa cho cả những phản ứng của họ trong lần mời thứ hai. Thật vậy, trong lần mời “lại” thứ hai người thì đi ra ruộng, người thì lo công chuyện làm ăn, cũng phát xuất từ sự không muốn của họ. Trong lần mời “lại” thứ hai này, họ được mô tả là “những người dửng dưng” (οἱ δὲ ἀμελήσαντες), không quan tâm đến lời mời thứ hai của nhà vua. Họ đi lo những công việc riêng tư của mình. Cuối cùng, nhà vua tuyên bố những người này là “những người không xứng đáng” (οἱ δὲ κεκλημένοι οὐκ ἦσαν ἄξιοι). Họ đã bị chuyển từ tình trạng những người ưu tiên được mời, thành những người không xứng đáng vì sự “không muốn” của họ. Trong trình thuật của Luca, chủ tiệc cưới còn tuyên bố thêm rằng: “Tôi bảo các anh, những người được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc cưới của tôi” (Lc 14,24). Trong bất cứ một nền văn hóa nào, sự chối từ thẳng thừng lời mời của nhà vua không chỉ phụ lòng nhà vua mà còn gây mất mặt và uy xúc phạm đến uy nghiêm của nhà vua.[7] So với Mátthêu, Luca mô tả lời từ chối của các vị khách mời cách chi tiết và khéo léo hơn: Người thứ nhất bảo rằng “tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm”; Người thứ hai nói “tôi mới mua năm cặp bò, tôi đi thử đây”; Người thứ ba cho biết “tôi mới cưới vợ, không thể đến được”.

4.     Bắt các đầy tớ ngược đãi và giết chết: Phản ứng của một số người khác xem ra quá đáng. Ý tưởng này gợi nhớ đến ý tưởng những người thuê đất bắt các đầy tớ của nhà vua “đánh đập, giết chết và ném đá” trong dụ ngôn “những người thuê vườn xấu xa tệ hại” (Mt 22,33-43). Đó là thái độ của những người chống đối cư xử với các ngôn sứ của Chúa, trong đó hình ảnh Gioan Tẩy giả là gần nhất (Mt 14,3-12). Thực tế này phản ánh những gì Đức Giêsu kêu trách các lãnh đạo Do Thái trong Mt 23: “Jêrusalem, Jêrusalem, ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những người được sai đến cùng ngươi” (Mt 23,37). Phản ứng cao trào này cho thấy họ đã nhất quyết chối từ, phản đối lời mời của nhà vua. Hình ảnh về cái chết của các ngôn sứ, những sứ giả của Chúa, cũng chính là hình ảnh của Đức Giêsu ngôn sứ. Bối cảnh Đức Giêsu đang giảng trong đền thờ, tiên báo về cuộc khổ nạn – phục sinh lần thứ ba và sắp hiện thực hóa lời tiên báo ấy, cho thấy rõ thái độ của những lãnh đạo Do Thái và số phận của vị ngôn sứ tối cao. Trong Luca, không có chi tiết các khách mời “bắt các đầy tớ của vua, sỉ nhục và giết chết”. Mátthêu cho thấy thái độ chối từ đến mức cực đoan.[8]

5.     Ông lại sai các đầy tớ khác: Lời mời thứ hai chi tiết hơn. Điều này cho thấy nỗ lực của nhà vua. Ông dặn dò kỹ lưỡng rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng, ‘này bữa ăn của tôi, tôi đã chuẩn bị rồi, những con bò và những con vật vỗ béo đã được giết thịt, tất cả đều đã sẵn sàng, hãy đến dự tiệc cưới nha’”. Lời mời chân thành được trích dẫn, cùng với những thực tại cụ thể. Bữa ăn đã được chuẩn bị với những mô tả cụ thể là những con bò, những con bê được vỗ béo đã được giết. Danh từ “những con bê đã được vỗ béo” chính là những con bê được dùng trong lễ ăn mừng người con thứ trở về trong Lc 15,23. Đó là những con bê được nuôi cẩn thận để dùng cho dịp tiệc dặc biệt. Những mô tả này cho thấy sự đối nghịch giữa một bên là nỗ lực của nhà vua và bên kia là sự dửng dưng của những người được mời.

6.     Hủy diệt những kẻ sát nhân ấy và đốt cháy thành: Đây là những dữ liệu riêng của tác giả Mátthêu. Hình phạt này tương ứng với thái độ chối từ quyết liệt qua hành động bắt, ngược đãi và giết chết các sứ giả của vua. Nhiều tác giả cho rằng những chi tiết này mô tả sự kiện Jêrusalem bị quân đội Rôma tàn phá và đốt cháy năm 70 CE.[9] Hình phạt này không có trong trình thuật của Luca.

7.     Đi băng qua các đại lộ để có thể tìm thấy càng nhiều càng tốt, hãy gọi họ vào tiệc cưới:[10] Tiệc cưới đặc biệt được mở ra cho nhiều người vì thực tế không thể bỏ phí những gì đã chuẩn bị. Xét về góc độ xã hội, nhà vua cũng phải tìm cái gỡ lại chút danh dự vì đã bị chối từ hoàn toàn.[11] Cụm động từ “đi băng qua các đại lộ” mô tả không gian mở rộng của lần mời này. Hơn nữa, cụm từ “tìm thấy càng nhiều càng tốt” (ὅσους ἐὰν εὕρητε) trong mệnh lệnh của nhà vua kết hợp hành động “đi ra các con đường tập hợp những ai mà họ tìm thấy” cho thấy sự mở ra không giới hạn đến tất cả mọi hạng người. Những người này không phải là những người “đã được mời” nhưng là tất cả những người được tìm thấy và mời gọi. Hơn nữa cụm từ “cả những người tốt và những người xấu” biểu lộ một sự bao gồm vô hạn về các đối tượng được mời.[12] Cuối cùng tiệc cưới cũng đầy những khách tham dự. Chi tiết này dường như cũng muốn lý giải là tại sao trong cộng đoàn tín hữu lại có nhiều người ngoại được mời gọi theo Chúa. Trong cộng đoàn các tín hữu cũng tồn tại những người tốt và người xấu giống như dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng lúa” (Mt 13,24-30).[13]

8.     Này người bạn (ἑταῖρε): Cách gọi này của nhà vua khá lạ lùng. Đây là cách dùng đặc trưng của tác giả Mátthêu. Tác giả dùng ba lần danh xưng này. Lần đầu tiên, nhà vua trong dụ ngôn “những người thợ làm vườn nho” dùng để gọi những người thợ vào làm giờ đầu tiên, khi họ phàn nàn về cách trả lương của nhà vua (Mt 20,13). Cụ thể, ông trả lương cho người vào làm giờ sau chót trước hết và tiền lương cũng bằng những người vào làm giờ đầu tiên là một đồng. Lần thứ hai là trong dụ ngôn này. Nhà vua gọi một người được mời đến dự tiệc cưới, nhưng không mặc y phục tiệc cưới. Lần cuối cùng, chính Đức Giêsu nói cùng Juđa Iscariốt trong bối cảnh ông dẫn một đám đông với gươm và gậy để bắt Đức Giêsu. Sau khi ông Juđa chào Rabbi và thực hiện nụ hôn chỉ điểm, Đức Giêsu đã nói cùng ông: “Này người bạn! Hãy làm điều mà bạn đến để làm” (Mt 26,50). Danh xưng “ἑταῖρος” có nghĩa là “người bạn, người đồng hành”, nhưng nó đều mang nghĩa tiêu cực trong cả ba lần Mátthêu dùng. Trường hợp của Juđa là rõ ràng nhất.

9.     Vào đây mà không mặc y phục tiệc cưới[14]: Có thể nhiều người cho rằng nhà vua dường như không hợp lý khi đòi hỏi một người được mời tình cờ đi vào tiệc cưới phải mặc y phục đám cưới. Sự vô lý chỉ được giả định nếu người ta hiểu hành động “đi ra các con đường tập hợp những ai họ tìm thấy” như là hành động tập hợp tất cả những ai họ gặp đang hành trình trên đường.[15] Có thể không phải như thế, “đi ra các con đường” có thể hiểu là mở rộng không gian tìm kiếm, đến các ngôi nhà trên nhiều con đường, ngoài những nhà của những người đã được mời trước đó. Nếu hiểu như thế, bất cứ người dự tiệc nào cũng có thể chuẩn bị trang phục tiệc cưới.[16] Bằng chứng là trong tiệc cưới đầy kín người ấy, chỉ có một người duy nhất (ἄνθρωπον οὐκ ἐνδεδυμένον ἔνδυμα γάμου), không phải nhiều người, không mang y phục tiệc cưới. Động từ “mặc”, được chia ở thì hoàn thành, thể phủ định, diễn tả một tình trạng “đã không mặc” (không chuẩn bị đủ). Điều này giả định rằng người này có đủ thời gian để chuẩn bị, giống như bao người khác, nhưng ông đã không làm.[17] Có lẽ, dụ ngôn chỉ muốn nhấn mạnh đến sự sẵn sàng, sự đáp trả cách tích cực, làm cho mình xứng đáng nhất có thể, đối với lòng quảng đại mời gọi của nhà vua. Đoạn này cũng là đoạn thêm vào của tác giả Mátthêu. Luca kết thúc dụ ngôn của mình bằng khẳng định “Tôi nói cho các anh, những khách đã được mời trước kia, không ai có thể dự tiệc của tôi nữa” (Lc 14,24). Trong Mátthêu, “những người được mời” sau cũng được nhà vua quan sát kỹ càng. Họ được mời gọi chuẩn bị sẵn sàng cho vị trí thực khách. Người không mặc y phục tiệc cưới có thể là một trong “những người xấu” được mô tả trước đó (mời người xấu cũng như người tốt). Nhiều nhà chú giải xem trang phục tiệc cưới này là “những hành động công chính của các thánh” trong nhãn quan của Kh 19,8. Nếu như một vài vị khách không xứng đáng là bởi vì họ không sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải.[18] Tác giả C. Keener nghĩ rằng Mátthêu ngụ ý rằng áo cưới tượng trưng cho sự hoán cải (Mt 3,2; 4,17). Cũng như hầu hết các lãnh đạo Do Thái đã không chuẩn bị cho lần đến thứ nhất của Đức Giêsu (x. 23,13-33), một số những người xưng là môn đệ của Đức Giêsu không được chuẩn bị tốt cho lần đến thứ hai của Người (24,45-51).[19] Tác giả R. France hiểu hình ảnh “không mặc áo tiệc cưới” như là “đức tin không có hành động”.[20]

10.  Quăng ra vào nơi tối tăm bên ngoài, … sẽ là kẻ khóc lóc và là kẻ nghiến răng: Dường như dụ ngôn “nhảy từ bối cảnh một đám cưới Do Thái sang tình trạng hình phạt vĩnh cửu chờ đợi những người xấu”.[21] Đây là hình ảnh cuộc xét xử và bản án cánh chung xuất hiện rất nhiều trong Mátthêu. Có sáu lần, tác giả Mátthêu dùng danh xưng “kẻ khóc lóc và kẻ nghiên răng” (8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30). Danh xưng này thường được chuyển ngữ thành hành động “khóc lóc và nghiến răng” (CGKPV: “Ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng, Mt 8,12; NTT: “ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng”). Trong tiếng Hy Lạp, đây là một động tính từ làm chức năng danh từ, có mạo từ xác định “kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng” (ἐκεῖ ἔσται κλαυθμὸς καὶ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων). Cụm danh từ kép này đi với động từ “eimi” ở thì tương lai, mô tả một căn tính, bản chất, tình trạng của người đó, chứ không phải là hai hành động. Hành động thì có thể mang tính đơn lẻ, hay kéo dài trong khi đó căn tính mang tính luôn luôn. Người này sẽ trở thành “kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng”. Anh ta luôn ở trong tình trạng như thế. Danh xưng “kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng” thường đi kèm với hình phạt bị “quăng ra bên ngoài chỗ tối tăm” (8,12; 22,13;25,30) và “quăng vào lò lửa” (13,42.50). Đây là hình phạt cánh chung, vĩnh cửu cho những người không xứng đáng hiện diện trong bữa tiệc Nước Trời.

11.   Câu châm ngôn “Vì người được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít”: Động từ “chọn” làm cho người ta tập trung trách nhiệm về phía “nhà vua” hay “Thiên Chúa”. Lẽ dĩ nhiên, sự cứu độ luôn được hiểu là ơn ban của Chúa, qua Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, trách nhiệm cá nhân cũng là yếu tố không thể thiếu trong sự quyết định ơn cứu độ. Trong trường hợp này, nhà vua đã làm hết sức có thể, đã mở rộng lời mời gọi của mình ra vô hạn, nhưng vẫn có người “bị quăng ra nơi tối tăm bên ngoài” vì chính cá nhân đó không tích cực chứng tỏ được mình xứng đáng.[22] Câu nói của thánh Augustinô trong tự thuật thật phù hợp cho trường hợp này “Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta không cần sự trợ giúp của chúng ta; nhưng Người sẽ không cứu được chúng ta nếu không có sự đồng ý của chúng ta”.[23]

Bình luận tổng quát

Lịch sử Cựu Ước, đặc biệt là sách Ngũ Thư, luôn nhấn mạnh đến sự ưu tuyển và tính duy nhất của dân Israel trong tương quan với Thiên Chúa. Chúa là Chúa duy nhất của dân và dân Israel là dân Chúa chọn, là dân duy nhất của Chúa. Đức Giêsu của Mátthêu không ngần ngại trình bày quan điểm là “Thầy chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 15,24). Ngài cũng dặn các môn đệ là “tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6). Tuy vậy, trong những bối cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể, Đức Giêsu cũng không ngần ngại nói đến một thực tại những người vốn được ưu tiên đánh mất lợi thế của mình. Trong kỳ giảng tại Jêrusalem, bối cảnh câu chuyện “cây vả không ra trái” (Mt 21,18-22), tượng trưng cho một bối cảnh đền thờ đã và đang trở thành “sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,13), câu chuyện dụ ngôn “những người khách mời dửng dưng” đã cho thấy thực tế ưu thế đã bị đánh mất. Những “khách đã được mời” đã không muốn tham dự bữa tiệc cưới của con trai nhà vua, dửng dưng bỏ đi lo việc riêng, thậm chí còn phản đối thái quá bằng hành động bắt, ngược đãi và giết chết các đầy tớ của nhà vua. Mặc cho sự nỗ lực kêu mời nhiều lần của nhà vua, họ vẫn nhất định không đoái hoài đến.[24] Dưới ánh sáng của phép lạ chữa lành “hai người mù ở Jêrikhô” (Mt 20,29-34), và dụ ngôn “hai người con” (21,28-31), câu chuyện dụ ngôn này cho thấy lời mời của nhà vua đã được mở ra đến vô tận về không gian (tất cả các nẻo đường), cũng như đối tượng (tất cả những ai có thể tìm thấy, cả người tốt và người xấu). Lời mời gọi này đã được nhiều vị khách đón nhận cách nhiệt tình, đến nỗi phòng tiệc đầy thực khách. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đón nhận lời mời ấy đều có thể an vui thưởng thức bữa tiệc. Hình ảnh “người không mang y phục tiệc cưới” bị quăng ra ngoài, cho thấy một kết cục bi thương dành cho “những kẻ xấu” không biết làm cho mình xứng đáng với không gian bữa tiệc, như những người khác. Lời mời gọi vào dự tiệc cưới của Con Chiên vẫn được mở rộng ra qua muôn thế hệ và cho tất cả mọi người “xấu cũng như tốt”, nhưng chỉ những ai thật sự “sinh hoa trái xứng với lòng hoán cải” thì mới được vào hưởng nếm niềm vui trọn vẹn của tiệc cưới ấy. Trong bối cảnh cụ thể, dụ ngôn có thể mô tả sự lên án dành cho giáo quyền Jêrusalem lúc bấy giờ và sự chào đón dành cho thế giới dân ngoại, những người thu thuế, tội lỗi và những người gái điếm. Nơi tầng ý nghĩa thứ hai, dụ ngôn có thể nhắm đến tất cả những kitô hữu có cơ hội được gia nhập cộng đoàn sớm hơn, nhưng có nguy cơ đánh mất ưu thế của mình, nếu tỏ ra dửng dưng, đối lại với tất cả những người ngoại được mời gọi muộn hơn, nhưng đã rộng rãi đón nhận lời mời và chuẩn bị tốt nhất để đi vào bữa tiệc. [25]“Chiếc áo tiệc cưới” mà nhà vua trông đợi tất cả các thực khách phải có, trong bối cảnh Tin Meng Mátthêu, có thể là sự “công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu”. Hình ảnh sống động của những người công chính, những người mặc áo tiệc cưới có thể được tìm thấy trong Mt 25,31-46. Đó là những người sẵn lòng “cho người đói ăn, cho người khát uống, tiếp đón khách lạ, cho người trần truồng mặc, chăm nom người bệnh, thăm viếng tù nhân” một cách vô vị lợi.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[2] “As in 18:23 (and as in many rabbinic parables) the chief character is a human king whose exercise of his kingship is a pointer to how God rules” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 823].

[3] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew (CCSS; Grand Rapids 2010) 281.

[4] “They are sent, therefore, only to the “invited,” a privileged group who symbolize the chief priests and elders/Pharisees who, like the “sons of the kingdom” in 8:12, are expected to share in the feast(R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 824).

[5] “invitations to the feast went out into two stages – one request the attendance of the guests in advance and another  to gather them together when the festivities were about to begin” (C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 281).

[6] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP1; Collegeville 1997) 306.

[7] “By refusing to come, the guests insulted the dignity of the king who had counted on their attendance and graciously prepared food for them” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 520].

[8] “Josephus need only mention the act to explain its invitation of judgment (War 2.450–56);182 elsewhere he recounts how wicked people insulted the messengers of righteous King Hezekiah and killed the prophets, hence warranting their own destruction by God (Jos. Ant. 9.264–66)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 520-521).

[9] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 282; “Mt 22:7 is a very graphic description of how the king punished those who mistreated his emissaries. No such statement appears in Luke 14:15-24. The Matthean statement is usually taken as a description after the fact of what happened to Jerusalem in A.D. 70” (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 306); R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew,825.

[10] “The double invitation in vv. 3–4 may symbolize first the OT prophets preparing Israel for the coming of the Messiah, and then Christian preachers summoning the prepared people to enter the kingdom of heaven. Then, when Israel has refused the invitation and has accordingly been punished in the destruction of Jerusalem (v. 7), a new set of messengers are sent out to summon the Gentiles to take their place (vv. 8–10)” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 822).

[11] “To recoup at least some of his honor, the king must invite other guests (in Matthew’s parable, the king has actually recouped quite a bit of his honor by killing those who offended him).184 In one Jewish story even a wicked tax gatherer, snubbed by all his invited guests, the town’s honorable men, invited the poor to keep food from going to waste, and so recouped some lost honor (p. Ḥag. 2:2, §5)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 521).

[12] “This parable further clarifies not only the failure of the leaders and its consequence, but also the nature of the new “nation.” They are symbolized now by an indiscriminate collection of people from the streets, people of no special standing, just as in 21:31 it is the lowest social groups who will get first into the kingdom of God” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 822).

[13] For Matthew the parable of the wedding feast helped to explain the mixed reception of the gospel within Israel (as in chapter 13). God through his servants, through Jesus, and through Jesus' disciples issued the invitation (D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 308).

[14] “Most commentators think that “wedding garments” refer simply to clean garments as opposed to soiled ones; to come to a wedding in a soiled garment insulted the host, and this host was in no further mood to be insulted.” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 522).

[15] “When the guests have just been brought in from the street it seems surprising that one of them can be faulted for not being properly dressed, but again we must remember that a parable is not obliged to reflect real life” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 826).

[16]Matthew’s parable does not say that the poor were invited or that people came straight in from the streets. The parable assumes that the man has had time to come appropriately attired” [K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 252].

[17] “The clothing expected at a wedding was not a special garment (like our “morning dress”) but decent, clean white clothes such as anyone should have had available.22 In that case the man’s fault is that, even though invited to a royal wedding, he had not gone home to change into his best; to turn up in ordinary, dirty clothes was an insult to the host” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 826-827).

[18] Ibid.

[19] C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 522-523.

[20] “The symbolism is of someone who presumes on the free offer of salvation by assuming that therefore there are no obligations attached, someone whose life belies their profession: faith without works” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 827).

[21] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 282; “The punishment is no longer earthly, such as the destruction of cities, but final apocalyptic judgment” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 252).

[22]The intent in saying “Many are called, but few are chosen” is apparently “All are called, but not all are chosen.” Sometimes it is objected that the saying does not fit the parable, but it does summarize vv. 2-10 well. Many (all) were invited, but not all showed themselves to be elect. The proverb demonstrates both divine grace and human responsibility” (Ibid.).

[23]  GLHTCG, 1847 (Augustine, Sermo 169,13)

[24] “In view of the evidence that Jesus expected the impending destruction of the temple (see comment on 24:2; cf. 21:12), that the text employs Old Testament judgment language (Amos 1:4, 7, 12; 2:2, 5; Gundry 1982: 436), that Jerusalemites preferred death to the defilement of Jerusalem (cf. Jos. Ant. 18.59, somewhat dramatized), that the Jesus tradition elsewhere speaks of judgment by fire (e.g., 18:8–9), that conquerors regularly burned cities,178 that kings were known to burn rebellious cities (e.g., Diod. Sic. 33.4.2, on a Syrian king), and that this text omits relevant other details about Jerusalem’s demise, one cannot rule out the possibility that Jesus spoke of the city being burned (see especially Robinson 1976: 21–22). Many scholars, however, see it as a Matthean explanation of the judgment the parable implies” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 518-519).

[25] “It may therefore be more prudent to read this parable more generally as a warning, as in the preceding two parables, that those who refuse God’s call face ultimate exclusion and replacement, and to leave the specific application to the setting within which the story is read” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 822).

No comments:

Post a Comment