Thursday, 20 July 2023

NƯỚC TRỜI GIỐNG NHƯ…Chú Giải Tin Mừng CN XVI TN A (Mt 13,24-43); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

24 Người đã kể cho họ một dụ ngôn khác rằng: “Nước trời giống như một người nọ gieo hạt giống tốt trong ruộng của mình.

25 Trong khi người ta đang ngủ, kẻ thù của ông đã đến và gieo cỏ dại vào giữa lúa và ra đi.

26 Khi cây lúa mọc lênsinh hạt, thì những cây cỏ dại cũng xuất hiện.

27 Các đầy tớ của chủ nhà đến nói cùng ông rằng: “Thưa ông chủ, không phải ông đã gieo hạt giống tốt trong ruộng mình hay sao? Vậy thì, cỏ dại từ đâu mà có vậy?”

28 Ông trả lời họ rằng: “Kẻ thù đã làm điều đó”. Các đầy tớ nói cùng ông rằng: “Vậy thì, ông có muốn chúng tôi đi ra nhổ chúng không?”

29 Ông trả lời rằng: “Không! Nếu không, khi nhổ cỏ dại, cùng lúc các ngươi làm bật rễ lúa.

30 Hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Vào lúc thu hoạch, tôi sẽ nói cùng những thợ gặt, trước hết hãy nhặt những cỏ dại và bó chúng lại thành bó trước khi đốt chúng đi, rồi thu gom lúa vào kho của tôi.”

31 Người kể một dụ ngôn khác cho họ rằng: “Nước Trời giống như hạt cải, mà người ta lấy gieo trong ruộng mình.

32 Tuy là hạt nhỏ nhất trong số những hạt gieo, nhưng khi lớn lên nó trở nên lớn hơn các cây rau khác, trở thành cây, đến nỗi chim trời có thể cư ngụ trên nhánh của nó.”

33 Người nói một dụ ngôn khác cho họ rằng: “Nước Trời giống như men, một người phụ nữ thường lấy trộn lẫn vào ba saton[1] bột cho đến khi toàn bộ bột lên men.”

34 Đức Giêsu nói tất cả những điều này bằng những dụ ngôn cho đám đông, và Người không nói điều gì cho họ mà không bằng dụ ngôn.

35 Như thế, lời của ngôn sứ được hoàn tất nói rằng: “Tôi sẽ mở miệng tôi với các dụ ngôn, công bố những điều được ẩn giấu từ lúc tạo thành vũ trụ.”

36 Sau khi giải tán đám đông, Người đi vào nhà, và các môn đệ đến nói cùng Người rằng: “Hãy giải thích cho chúng con dụ ngôn cỏ dại trong ruộng”.

37 Người trả lời và nói rằng: “Người gieo hạt giống tốt là Con Người.

38 Ruộng là thế gian, hạt giống tốt là các con cái của Vương Quốc, cỏ dại là những con cái của kẻ xấu.

39 Kẻ thù gieo chúng là quỷ, mùa gặt là thời hoàn tất, thợ gặt là các thiên sứ

40 Như thể cỏ dại bị gom và đốt đi trong lửa, sẽ xảy ra như thế trong thời hoàn tất vĩnh viễn.

41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người, và nhổ ra khỏi Vương Quốc của Người tất cả những kẻ gây vấp ngã và những kẻ làm điều xấu xa.

42 Họ sẽ ném chúng vào trong lò lửa, ở đó, chúng sẽ là kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng.

43 Lúc ấy, những người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Vương Quốc của cha họ, ai có tai thì hãy để họ nghe.”

24 Ἄλλην παραβολὴν παρέθηκεν αὐτοῖς λέγων· ὡμοιώθη βασιλεία τῶν οὐρανῶν ἀνθρώπῳ σπείραντι καλὸν σπέρμα ἐν τῷ ἀγρῷ αὐτοῦ.

 25 ἐν δὲ τῷ καθεύδειν τοὺς ἀνθρώπους ἦλθεν αὐτοῦ ἐχθρὸς καὶ ἐπέσπειρεν ζιζάνια ἀνὰ μέσον τοῦ σίτου καὶ ἀπῆλθεν.

 26 ὅτε δὲ ἐβλάστησεν χόρτος καὶ καρπὸν ἐποίησεν, τότε ἐφάνη καὶ τὰ ζιζάνια.

 27 προσελθόντες δὲ οἱ δοῦλοι τοῦ οἰκοδεσπότου εἶπον αὐτῷ· κύριε, οὐχὶ καλὸν σπέρμα ἔσπειρας ἐν τῷ σῷ ἀγρῷ; πόθεν οὖν ἔχει ζιζάνια;

 28 δὲ ἔφη αὐτοῖς· ἐχθρὸς ἄνθρωπος τοῦτο ἐποίησεν. οἱ δὲ δοῦλοι λέγουσιν αὐτῷ· θέλεις οὖν ἀπελθόντες συλλέξωμεν αὐτά;

 29 δέ φησιν· οὔ, μήποτε συλλέγοντες τὰ ζιζάνια ἐκριζώσητε ἅμα αὐτοῖς τὸν σῖτον.

 30 ἄφετε συναυξάνεσθαι ἀμφότερα ἕως τοῦ θερισμοῦ, καὶ ἐν καιρῷ τοῦ θερισμοῦ ἐρῶ τοῖς θερισταῖς· συλλέξατε πρῶτον τὰ ζιζάνια καὶ δήσατε αὐτὰ εἰς δέσμας πρὸς τὸ κατακαῦσαι αὐτά, τὸν δὲ σῖτον συναγάγετε εἰς τὴν ἀποθήκην μου.

 31 Ἄλλην παραβολὴν παρέθηκεν αὐτοῖς λέγων· ὁμοία ἐστὶν βασιλεία τῶν οὐρανῶν κόκκῳ σινάπεως, ὃν λαβὼν ἄνθρωπος ἔσπειρεν ἐν τῷ ἀγρῷ αὐτοῦ·

 32 μικρότερον μέν ἐστιν πάντων τῶν σπερμάτων, ὅταν δὲ αὐξηθῇ μεῖζον τῶν λαχάνων ἐστὶν καὶ γίνεται δένδρον, ὥστε ἐλθεῖν τὰ πετεινὰ τοῦ οὐρανοῦ καὶ κατασκηνοῦν ἐν τοῖς κλάδοις αὐτοῦ.

 33 Ἄλλην παραβολὴν ἐλάλησεν αὐτοῖς· ὁμοία ἐστὶν βασιλεία τῶν οὐρανῶν ζύμῃ, ἣν λαβοῦσα γυνὴ ἐνέκρυψεν εἰς ἀλεύρου σάτα τρία ἕως οὗ ἐζυμώθη ὅλον.

 34 ταῦτα πάντα ἐλάλησεν Ἰησοῦς ἐν παραβολαῖς τοῖς ὄχλοις καὶ χωρὶς παραβολῆς οὐδὲν ἐλάλει αὐτοῖς,

 35 ὅπως πληρωθῇ τὸ ῥηθὲν διὰ τοῦ προφήτου λέγοντος· ἀνοίξω ἐν παραβολαῖς τὸ στόμα μου, ἐρεύξομαι κεκρυμμένα ἀπὸ καταβολῆς [κόσμου].

 36 Τότε ἀφεὶς τοὺς ὄχλους ἦλθεν εἰς τὴν οἰκίαν. καὶ προσῆλθον αὐτῷ οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ λέγοντες· διασάφησον ἡμῖν τὴν παραβολὴν τῶν ζιζανίων τοῦ ἀγροῦ.

 37 δὲ ἀποκριθεὶς εἶπεν· σπείρων τὸ καλὸν σπέρμα ἐστὶν υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου,

 38 δὲ ἀγρός ἐστιν κόσμος, τὸ δὲ καλὸν σπέρμα οὗτοί εἰσιν οἱ υἱοὶ τῆς βασιλείας· τὰ δὲ ζιζάνιά εἰσιν οἱ υἱοὶ τοῦ πονηροῦ,

 39 δὲ ἐχθρὸς σπείρας αὐτά ἐστιν διάβολος, δὲ θερισμὸς συντέλεια αἰῶνός ἐστιν, οἱ δὲ θερισταὶ ἄγγελοί εἰσιν.

 40 ὥσπερ οὖν συλλέγεται τὰ ζιζάνια καὶ πυρὶ [κατα]καίεται, οὕτως ἔσται ἐν τῇ συντελείᾳ τοῦ αἰῶνος·

 41 ἀποστελεῖ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου τοὺς ἀγγέλους αὐτοῦ, καὶ συλλέξουσιν ἐκ τῆς βασιλείας αὐτοῦ πάντα τὰ σκάνδαλα καὶ τοὺς ποιοῦντας τὴν ἀνομίαν

 42 καὶ βαλοῦσιν αὐτοὺς εἰς τὴν κάμινον τοῦ πυρός· ἐκεῖ ἔσται κλαυθμὸς καὶ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων.

 43 τότε οἱ δίκαιοι ἐκλάμψουσιν ὡς ἥλιος ἐν τῇ βασιλείᾳ τοῦ πατρὸς αὐτῶν. ἔχων ὦτα ἀκουέτω (Mt 13:24-43).

Bối cảnh

Mt 13,24-43 là ba trong loạt bảy dụ ngôn được trình bày trong chương 13 của Tin Mừng Mátthêu. Khái niệm “Nước Trời” được Đức Giêsu giới thiệu ngay từ thông điệp Tin Mừng đầu tiên của Người. Trong những dụ ngôn này, Đức Giêsu diễn giải về ý nghĩa của Nước Trời. Khái niệm người gieo giống tiếp tục được nhắc đến với hai dụ ngôn. “Ném vào lò lửa” đi kèm với “khóc lóc và nghiến răng” là những hình phạt cánh chung được dùng hai lần trong chương mười ba (13,42.50). Lời cổ vũ: “Ai có tai hãy để người ấy lắng nghe” (13,42) cũng là lời quan trọng được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu (11,15; 13,9.43). “Những người công chính” là những nhân vật tiêu biểu trong giáo huấn của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu (13,17.43; 23,28; 25,37.46). Một ý tưởng có tính liên kết khác là: “Lời ngôn sứ được hoàn tất” (Mt 1,22; 2,5.15.17; 3,3; 4,14; 8,17; 12,17; 13,35; 21,4.15; 27,9).

Cấu trúc

Đoạn văn dài này khởi đầu bằng dụ ngôn lúa và cỏ dại (Mt 13,24-30) và kết thúc bằng phần giải thích dụ ngôn này (Mt 13,36-43). Ở giữa là hai dụ ngôn ngắn: “Dụ ngôn hạt cải” (Mt 1331-32) và “dụ ngôn men trong bột” (13,33), cùng với phần giải thích lý do Đức Giêsu giảng bằng dụ ngôn (Mt 13,34-35).

Dụ ngôn lúa và cỏ dại (Mt 13,24-30)

-        “Nước Trời giống như…

-        Một người đàn ông gieo hạt giống tốt

-        Kẻ thù đến và gieo cỏ dại vào giữa lúa

-        Khi cây lúa mọc lênsinh hạt, những cây cỏ dại cũng xuất hiện

-        Những người đầy tớ: Cỏ dại từ đâu mà có vậy?

-        Chủ nhà: “Kẻ thù đã làm điều đó.

-        Những người đầy tớ: Ông có muốn chúng tôi đi ra nhổ chúng không?

-        Chủ nhà: “Không! Nếu không, khi nhổ cỏ dại, cùng lúc các ngươi làm bật rễ lúa.

-        Hãy để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

-        Vào lúc thu hoạch: Nhặt những cỏ dại và đốt chúng đi,… thu gom lúa vào kho

Dụ ngôn hạt cải (cc. 31-32)

-        “Nước Trời giống như…

-        Hạt nhỏ nhất trong số những hạt gieo …

-        Lớn lên nó trở nên lớn hơn các cây rau khác, trở thành cây, chim trời có thể cư ngụ trên nhánh của nó.

Dụ ngôn men trộn vào bột (c.33)

-        “Nước Trời giống như … men,

-        Người phụ nữ trộn vào 3 saton cho đến khi bột dậy men

Lý do Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn (cc.34-35)

-        Không nói điều gì cho họ mà không bằng dụ ngôn

-        Để lời của ngôn sứ được hoàn tất

Giải nghĩa dụ ngôn lúa và cỏ dại (cc.36-43)

-        “Người gieo hạt giống tốt là Con Người

-        Ruộng là thế gian,

-        Hạt giống tốt là các con cái của Vương Quốc, cỏ dại là những con cái của kẻ xấu

-        Kẻ thù gieo chúng là quỷ, mùa gặt là thời hoàn tất, thợ gặt là các thiên sứ

-        Cỏ dại bị gom và đốt đi trong lửa: Thiên sứ nhổ ra khỏi Vương Quốc tất cả những kẻ gây vấp ngã và những kẻ xấu xa. Ném chúng vào trong lò lửa…

-        Họ sẽ là kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng… những người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Vương Quốc của cha họ,

Lời cổ vũ: Ai có tai thì hãy để họ nghe

Một số điểm chú giải

1. Nước trời giống như…”: Đây là câu dẫn nhập chung cho cả ba dụ ngôn mô tả về Nước Trời trong đoạn văn này (13,24.31.33). Nước Trời là chủ đề chính yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã khai mạc sứ vụ rao giảng tại Galilê bằng lời mời gọi: “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần”. Sau đó, Người công bố Hiến Chương Nước Trời, thường được gọi là “bài giảng trên núi”, mô tả căn tính của công dân Nước Trời và cách thức để đi vào Nước Trời (Mt 5 – 7). Trong loạt bài giảng dài này, những người theo Đức Giêsu được cho biết họ là ai và phải làm gì để được vào Nước Trời. Trong loạt bài giảng ở chương 13, còn gọi là “bài giảng bằng dụ ngôn”, Đức Giêsu lần lượt mô tả những đặc tính của Nước Trời: Nước Trời như “một người gieo hạt giống tốt trong ruộng mình” ; “Như hạt cải một người lấy gieo trong ruộng mình”; “Như men một người phụ nữ lấy trộn vào ba đấu bột”. Đọc những dụ ngôn này, người ta hiểu được phần nào hình ảnh Nước Trời mà Đức Giêsu đã giới thiệu và mời gọi mọi người phải làm mọi sự để đi vào Nước ấy.

2. Một người … gieo hạt giống tốt … con cái Vương Quốc … những người công chính: Khởi đầu bài giảng bằng dụ ngôn Đức Giêsu đã được mô tả đi ra khỏi nhà, ngồi trên bờ biển, rồi ngồi trên thuyền để giảng dạy cho dân chúng đang đứng trên bờ biển. Đó là hình ảnh tương tự như “người gieo giống đi ra gieo giống” trong dụ ngôn “người gieo giống” mà Đức Giêsu kể nhằm mô tả cách thức, và thái độ đón nhận lời giảng của Người. Dụ ngôn này cũng đề cập đến một người gieo giống, nhưng nhấn mạnh đến hạt giống tốt bên cạnh những hạt cỏ dại. Nơi gieo được xác định rõ ràng là “trong ruộng của mình” (ἐν τῷ ἀγρῷ αὐτοῦ) và hạt giống được thẩm định chất lượng là “tốt” (καλὸν σπέρμα). Người gieo giống trong dụ ngôn này được Đức Giêsu cho biết là “Con Người” (ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου). Đây là danh xưng mang tính Kitô học mà Đức Giêsu dùng để mô tả chính mình, xuất hiện bảy mươi lần trong Tin Mừng. Dịch theo nghĩa đen danh xưng này có nghĩa là “con trai của loài người”. Từ ngữ này vốn được dùng để diễn tả sự mong manh (Is 51,12; G 25,6) nhỏ bé của con người trước Thiên Chúa (Tv 11,4). Đôi khi còn được dùng để chỉ thân phận con người tội lỗi (Tv 14,2; 31,20), sẽ phải chết (Tv 89,48; 90,3) Danh xưng này được dùng trong nhiều bối cảnh, ám chỉ đến nhiều khía cạnh khác nhau. Có khi nó ám chỉ đến thân phận người của Đức Giêsu (Mt 8,20; 11,19; 20,28), nhất là trong cuộc thương khó (17,22); Có khi ám chỉ đến cuộc toàn thắng chung cuộc trong biến cố Phục Sinh (17,9), cuộc quang lâm vinh hiển (24,30) và cuộc phán xét cuối cùng (25,31). Ngôn sứ Daniel, trong thị kiến của mình, nói đến hình ảnh “đấng giống như con người đến với mây trời” (7,13). Từ ý tưởng này, hình ảnh “Con Người” trong Tân Ước được áp dụng cho Đấng Mêsia. Lời Đức Giêsu tuyên bố trước Hội Đồng Do Thái (Mt 26,64) đã bộc lộ điều đó.[2] Trong bối cảnh đoạn văn này, Con Người được gắn với chức năng gieo giống tốt. Tuy nhiên, hạt giống tốt ở đây không phải là “lời”, giống như trong dụ ngôn người gieo giống. “Hạt giống tốt” là “những con cái của vương quốc”. Có lẽ, con cái vương quốc không chỉ là những những hạt giống tốt mà là tổng thể những cây lúa phát triển từ những hạt giống tốt và sinh bông hạt. “Con cái của vương quốc” có thể hiểu là những người thuộc về vương quốc, hay được thừa kế vương quốc, hay được đi vào vương quốc. Trong Tám Mối Phúc, Đức Giêsu hai lần đề cập đến những người được sở hữu Nước Trời. Đó là những người nghèo trong tinh thần (Mt 5,3) và những người chịu bách vì sự công chính (Mt 5,10). Muốn đi vào Nước Trời thì phải có sự công chính vượt trội hơn sự công chính của các kinh sư và những người Pharisêu (Mt 5,20); Phải thi hành ý muốn của Cha Đức Giêsu, Đấng ngự trên trời (Mt 7,21); Phải mạnh sức mới đạt được (Mt 11,12); Phải trở lại và nên như những đứa trẻ (Mt 18,3; Cf. 19,14). Trong dụ ngôn “ngọc quý và kho tàng”, tiếp theo sau những dụ ngôn trong đoạn văn này, Đức Giêsu cũng cho biết sự cần thiết phải bán hết tất cả để mua Nước Trời, ví như người thương gia bán hết tất cả đề mua viên ngọc đẹp (13,45-46) và người tìm thấy kho tàng trong ruộng bán hết tất cả để mua thửa ruộng ấy (13,44). Con cái Nước Trời dĩ nhiên phải đón nhận Tin Mừng Nước Trời và sống Tin Mừng Nước Trời (Mt 4,23; 9,35; Cf. Lc 4,43; 8,1; 16,16). Trong phần giải thích dụ ngôn, “con cái Nước Trời” đồng nghĩa với “những người công chính” và “Nước Trời” được gọi là “Nước của Cha họ”: “Những người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha họ” (Mt 13,43). Sự nối kết giữa hai ý tưởng “người công chính” và “trong vương quốc” rất phù hợp với điều kiện phải “có sự công chính vượt trội hơn sự công chính của các kinh sư và những người Pharisêu thì mới được đi vào Nước Trời” đã được nhắc đến trước đó. Trong dụ ngôn “chiếc lưới” sau đó (Mt 13,47-50), “người xấu bị tách biệt ra khỏi người công chính”. Trong trình thuật về cuộc phán xét “người công chính” được mô tả là những người đã làm cho Đức Giêsu nơi những điều tốt lành: Ta đói các người đã cho ăn; Khát, đã cho uống; Là khách lạ, đã tiếp đón; trần truồng, đã cho mặc; Đau yếu, đã thăm nom; Ở tù, đã đến cùng Ta (Mt 25,34-40).

3. Kẻ thù … gieo cỏ dại … con cái của quỷ (οἱ υἱοὶ τοῦ πονηροῦ): Đối lại với người gieo giống tốt là kẻ gieo cỏ dại. Kẻ gieo cỏ dại được chủ nhà gọi là “kẻ thù”/ “kẻ xấu”. Trong phần giải nghĩa, Đức Giêsu cho biết kẻ thù ấy chính là “quỷ” đối lại với Con Người. Quỷ (ὁ διάβολος) xuất hiện trong Mt 4,1-11 (Cf. Mc 1,12-13; Lc 4,1-13) như là kẻ cám dỗ Đức Giêsu, trong đó, có cơn cám dỗ về tham vọng sở hữu các vương quốc thế gian và vinh quang của nó (Mt 13,8-9), nhưng nó hoàn toàn thất bại. Trong “dụ ngôn người gieo giống”, quỷ (ὁ πονηρὸς, nghĩa đen là kẻ xấu) đã lấy lời đã gieo trong lòng của “kẻ nghe lời về Vương Quốc mà không hiểu” (Mt 13,19), cũng là trường hợp hạt giống được gieo dọc đường. Những điều thêm thắt, không đúng sự thật, đều đến từ “quỷ” (Mt 5,37). Trong sứ vụ rao giảng của mình trên vùng đất Galilê và các vùng lân cận, Đức Giêsu đã gặp nhiều người bị quỷ ám (bị quỷ khống chế). Quỷ làm cho người ta mất khả năng nghe, khả năng nói (Mt 9,32-34), mất khả năng nhìn (Mt 12,22), gây đau khổ (Mt 15,21-28) hoặc trở nên điên dại, dữ tợn gây kinh hoàng cho người khác (Mt 8,28-34). “Con cái của quỷ” được đồng hóa với “những người gây vấp ngã” và “những kẻ phá luật” (làm điều xấu xa). Số phận cuối cùng của cỏ dại là bị nhặt ra, bó thành bó, và đốt đi, tương ứng với số phận của “con cái của quỷ” là không những bị nhổ ra khỏi Vương Quốc mà còn bị quăng vào trong lò lửa. Hình phạt được nhấn mạnh hơn nữa, khi họ trở thành “kẻ khóc lóc” và “kẻ nghiến răng” (ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων). Đây là lối nói đặc trưng của tác giả Mátthêu khi mô tả về sự khắc nghiệt của hình phạt cánh chung. Tác giả Mátthêu sử dụng đến sáu lần (Mt 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30), trong khi Luca sử dụng duy nhất một lần (Lc 13,28), còn các tác giả khác thì không. Nên nhớ rằng, tác giả Mátthêu không nói là “phải khóc lóc và nghiến răng” (CGKPV; NTT), nhưng là “sẽ là kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng” (ἔσται ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων). Động từ “eimi”, cùng với hai danh từ được xác định bằng mạo từ, diễn tả căn tính của hai loại người mà “con cái của quỷ” sẽ trở thành. Họ sẽ là “kẻ khóc lóc” và “kẻ nghiến răng”, nghĩa là, họ phải khóc lóc và nghiến răng luôn luôn, và mãi mãi, chứ không phải chỉ khóc lóc và nghiến răng trong chốc lát, hoặc một vài giờ, vài ngày, vài năm. Đó là tình trạng đau khổ liên tục và vĩnh viễn.

4. Cả hai cùng lớn lên với nhau … cho đến lúc thu hoạch: Một cách tự nhiên, cỏ dại trong ruộng lúa phải được nhổ sạch, không những một lần mà nhiều lần, để chúng không gây hại cho cây lúa và không giành phân với những cây lúa. Đề xuất của những người đầy tớ là rất hợp lý. Cỏ dại do kẻ thù gieo nên được nhổ bỏ. Tuy nhiên, vì đây là dụ ngôn về Nước Trời nên giải pháp của chủ nhà rất khác thường. Tương tự, những nơi chốn mà người gieo giống trong dụ ngôn “người gieo giống” đã vãi hạt giống cũng rất khác thường (dọc đường, trên đá, trên bụi gai, và trên đất tốt). Ba nơi đầu tiên rõ ràng không phải là nơi thuận lợi để vãi những hạt giống. Giải pháp của ông chủ nhà là: “Hãy để cả hai cùng lớn lên với nhau”, nghĩa là, lúa và cỏ dại cùng lớn lên với nhau, “con cái Vương Quốc” và “con cái của quỷ”, “những người công chính” và “những kẻ gây vấp ngã và những kẻ làm điều xấu. Cặp nhân vật đối nghịch này có thể là những đặc tính tốt và xấu bên trong một cá nhân; hoặc là những người xấu và người tốt trong một gia đình, một cộng đoàn, hay trong nhân loại nói chung. Hạn định là “cho đến lúc thu hoạch” (ἕως τοῦ θερισμοῦ), hiểu là thu hoạch lúa, chứ không phải cỏ dại. Cỏ dại sẽ được nhổ đi, nhưng không phải bây giờ. Khoảng thời gian “cho đến khi” (ἕως) này có thể là khoảng thời gian chờ đợi của chủ nhà và là cơ hội cho rễ cây lúa được đảm bảo an toàn phát triển.[3] “Mùa gặt”, trong Cựu Ước, là một hình ảnh ẩn dụ của cuộc phán xét cuối cùng (Ge 3,13; Os 6,11; Gr 51,53). Trong phần giải nghĩa, “mùa gặt” là sự hoàn tất về thời gian (Mt 13,40).[4]

5. Làm bật rễ lúa: Lý do mà chủ nhà không cho nhổ cỏ dại đi là vì sợ rễ lúa còn non yếu bị bật lên. Điều này giả định là có một số cỏ dại quá mạnh đến nỗi rễ của chúng cuốn lấy rễ của lúa, khiến không thể nhổ cỏ đi mà không làm bật rễ của lúa.[5] Trong “bài giảng về sứ vụ”, Đức Giêsu tự ví mình như là chủ nhà: “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêeldêbul huống chi là người nhà” (Mt 10,25; Cf. Mc 13,35; Lc 13,25). Trong dụ ngôn này chủ nhà, có thể đồng nghĩa với Con Người, người gieo hạt giống tốt. Trong phần giải nghĩa dụ ngôn Đức Giêsu không đề cập đến ý nghĩa của việc làm bật rễ lúa. Liệu loại bỏ “con cái của quỷ” hay “những kẻ gây vấp ngã và những kẻ làm điều xấu xa” trước thời hạn có ảnh hưởng gì đến “con cái Vương Quốc” hay “những người công chính” ? Vì Đức Giêsu không giải thích nên không thể đi theo hướng này. Có lẽ, dụ ngôn chỉ muốn nhấn mạnh đến “sự kiên nhẫn chờ đợi cho đến ngày phán xét”. Trong thư gửi các tín hữu Côrintô, ông Phaolô khuyên rằng: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cr 4,5). Tác giả D. Harrington nghĩ khi những người Do Thái và các Kitô hữu cố gắng hướng tới tương quan tích cực hơn và tin tưởng hơn, thì thông điệp của tác giả Mátthêu là bước tối thiểu trên con đường hồi phục lại cách tiếp cận đầy đủ và thực hơn ông Phaolô đã đề cập trong thư Rôma chương 11, liên quan đến ơn cứu độ dành cho những người Israel.[6] Đó có thể là một điểm đáng chú ý, nhưng dụ ngôn này có thể cũng ám chỉ đến sự hiện diện của những người xấu và tốt lẫn lộn trong gia đình, trong cộng đoàn và trong thế gian nói chung. Thánh Isidore nghĩ rằng sở dĩ Thiên Chúa không cho các thiên thần thu gom những người làm điều xấu vì nơi tâm trí của Người vẫn còn một khả năng hoán cải cho những người này. Ngài đưa ra dẫn chứng cuộc hoán cải của ông Mátthêu và của ông Phêrô, cũng như của ông Phaolô.[7]

6. Nhặt cỏ dại và đốt đi … thu gom lúa mang vào kho … nhặt những kẻ gây cớ vấp ngã và những kẻ làm điều xấu xa ra khỏi Vương Quốc …quăng vào lò lửa: Những hoạt động trong mùa gặt tương ứng với những hoạt động trong sự hoàn tất của thời gian. Cỏ được nhặt ra, bó lại, và đốt đi trước khi mang lúa vào kho. Những người con cái của quỷ, những người làm điều xấu, gây sa ngã phải bị quăng vào lửa và trở thành kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng. Trong khi dụ ngôn này nhấn mạnh đến sự kiên trì vì sự hiện diện của người xấu trong thế giới, nó cũng cung cấp một sự bảo đảm rằng những người con của Vương Quốc sẽ được vinh thắng và những người xấu xa sẽ đối diện với cuộc phán xét nghiêm túc và lãnh bản án đau khổ vĩnh viễn.[8]

7. Hạt nhỏ nhất trong số những hạt gieo: Tác giả D. Harrington xem việc gọi hạt cải như là hạt nhỏ nhất trong các hạt là một sự “cường điệu hóa”. Ông cho rằng điểm chính yếu của dụ ngôn là kích cỡ nhỏ bé của hạt cải so với cây trưởng thành. Trong Mt 17,20 Đức Giêsu cũng sử dụng hình ảnh hạt cải nhỏ bé để mô tả sức mạnh của đức tin: Đức tin nhỏ bé bằng hạt cải cũng đủ để chuyển núi dời non.[9] Tác giả W. Davies – D. Allison đưa ra hai giả thuyết về hạt cải: Có thể là hạt của cây cải đen (Sinapis hoặc Brassica nigra) hoặc cũng có thể là hạt cây cải trắng (Sinapis alba). Tác giả cũng thừa nhận có những loại hạt khác nhỏ hơn hạt cải và nhận xét rằng khó có thể nói đến một sự chính xác hoàn toàn trong văn chương phổ biến.[10] T. France dẫn lại quan điểm của một vài chuyên gia, những người cho rằng cây cải đen được trồng ở vùng Palestine để lấy dầu hay làm gia vị, thường không cao hơn hai mét, nhưng đôi lúc có thể cao đến năm mét, nghĩa là cao hơn mọi loại rau củ. Tuy nhiên, tác giả giữ quan điểm rằng quan điểm của dụ ngôn không phụ thuộc vào sự chính xác về mặt thực vật học; dụ ngôn thường phóng đại vì mục đích.[11]

8.  Chim trời có thể cư ngụ trên nhánh của nó:  Tác giả D. Harrington cho rằng một cây cải thường cao đến tám đến mười hai feet (2,4 m – 3,6 m).[12] Tác giả W. Davies – D. Allison, nói rằng trong khi những cây cải ở Palestine lớn đến mười feet, và trong khi những con chim ăn hạt và thỉnh thoảng dùng lá của chúng để làm tổ, những cây ấy không cung cấp những nơi làm tổ cho chim. Vì thế, đó là bản “chất phi thực tế của dụ ngôn”.[13] Hình ảnh chim trời cư ngụ trên những nhánh cây gợi nhớ thị kiến của vua Nabucôđônôxo trong Đn 4,12.21, mô tả đế quốc của vua này trải dài đến tận cùng trái đất; Những con chim không được nhận dạng cách trực tiếp trong Đn 4, nhưng dường như chúng có lẽ đã được hiểu như các nước chư hầu đã tìm nơi nương náu trong đế quốc Babylon rộng lớn.[14] Ngôn sứ Edêkiel nói trước rằng Israel có thể quy tụ các quốc gia như một cây tuyết tùng, nơi làm tổ của những con chim trời (Ed 17,22-24). Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để cho thấy cách thức, tầm mức Vương Quốc phát triển, mặc dù khởi đầu nhỏ bé, sẽ trở nên cây lớn quy tụ chim trời, hoàn tất sứ vụ của Israel cho các nước như Êdêkiel đã nói.[15] “Chim trời” thường được ví như hình ảnh của nhiều dân trên thế giới gia nhập Nước Trời. Trên thực tế, từ con số Nhóm Mười Hai, (có thể là Nhóm Bảy Mươi Hai theo Luca), rồi nhóm một trăm hai mươi người theo sách Công Vụ (Cv 1,15). Giáo Hội được mở rộng thêm ba ngàn người (Cv 2,41), rồi thêm năm ngàn người (Cv 4,4).

9. Men người phụ nữ trộn vào ba saton bột cho đến khi bột dậy men: Dụ ngôn men trộn vào trong ba saton bột đi cặp với dụ ngôn hạt cải. Cả hai dụ ngôn có cùng một mô thức: “Bắt đầu không ấn tượng tạo nên một phát triển vĩ đại. Chút men có thể làm cho ba saton bột dậy lên. Ba saton bột tương đương với bốn mươi lăm lít (1 saton = 13,5 lít). Bánh nướng được làm từ số bột này, theo tác giả Jeremias, có thể cung cấp bữa ăn cho hơn một trăm người. Cũng giống như dụ ngôn hạt cải, có sự đối nghịch giữa chút men với kết qua to lớn.[16] Men tượng trưng cho năng lực biến đổi.[17] “Men Pharisêu và Sađốc” là giáo thuyết của hai nhóm người này. Nó có khả năng gây hại cho các môn đệ. Vì thế, Đức Giêsu dặn họ phải coi chừng (Mt 16,11-12). Dụ ngôn này, theo cách hiểu của hầu hết các giáo phụ, nói về tầm ảnh hưởng và biến đổi của Tin Mừng Đức Giêsu hay các sứ giả Tin Mừng.[18]

10.  Lời của ngôn sứ được hoàn tất: Trong bài giảng bằng dụ ngôn, có đến hai lần Đức Giêsu giải thích lý do dùng dụ ngôn. Trong cả hai lần, Người đều nhấn mạnh đến sự hoàn tất của lời ngôn sứ. Lần đầu tiên, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói vì “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu”, thế là lời ngôn sứ Isaia được hoàn trọn: “Các ngươi thực sự nghe nhưng không bao giờ hiểu, và thực sự thấy nhưng không nhận thức được, vì lòng dân này đã ra đần độn, và tai của họ nghe cách khó khăn, mắt họ nhắm lại” (Mt 13,14-15). Lần này, lời ngôn sứ, thực ra được trích ra từ Thánh Vịnh: “Tôi sẽ mở miệng tôi bằng dụ ngôn, sẽ công bố những điều được ẩn giấu từ lúc tạo thành thế giới” (Mt 13,35; Cf. Tv 78,2). Cách nói “lời ngôn sứ được hoàn trọn” là cách nói đặc trưng của tác giả Mátthêu. Đối với Mátthêu, những gì Đức Giêsu làm đều là nhằm hoàn trọn lời ngôn sứ trong Cựu Ước.

Bình luận tổng quát

Bài giảng bằng dụ ngôn (Mt 13,1-52) bắt đầu bằng dụ ngôn tổng quát, nói về việc Đức Giêsu gieo lời về Vương Quốc và các loại đất tâm hồn phản ứng với thông điệp mà Người cố gắng truyền tải. Tiếp theo là các dụ ngôn – lời về Vương Quốc – được bắt đầu cùng một mô thức: “Nước Trời giống như …”, mô tả về Nước Trời. Dụ ngôn, được gọi là “lúa và cỏ dại” dường như mô tả hai mặt thực tế của Vương Quốc: (1) Trong vương quốc có những nhóm người đã theo Đức Giêsu và trở thành những Kitô hữu và nhóm còn lại đa phần là người Do Thái; (2) Trong cộng đoàn những người theo Đức Giêsu có những người tốt và người chưa tốt, được định danh là “con cái Vương Quốc” và “con cái của quỷ”. “Chủ nhà”, tức là Đức Giêsu, luôn kiên nhẫn chờ đợi cho đến “thời điểm hoàn tất”. Việc loại trừ “cỏ dại” và “đốt đi” chỉ thật sự xảy ra vào mùa gặt tượng trưng cho cuộc phán xét người lành và kẻ dữ chỉ thực sự xảy ra trong ngày sau hết. Trong ngày đó, những người công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Vương Quốc và những người gây cớ vấp phạm và những kẻ làm điều xấu phải lãnh án phạt nặng nề: Bị quăng vào lò lửa, trở thành kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng vĩnh cửu. Khoảng thời gian “cho đến khi” là khoảng thời gian quý báu để những con cái Vương Quốc chứng tỏ căn tính của mình, và có nhiều người hơn nữa trở thành “những người công chính”. Về thực vật học, cây lúa không thể biến thành cỏ dại, cũng như cỏ dại không thể biến thành cây lúa. Tuy nhiên, về mặt nhân học, người xấu có thể trở thành người tốt và ngược lại. Câu nói “không có thánh nhân nào, không có quá khứ và không có tội nhân nào không có tương lai” có thể là một minh họa sống động cho sự thay đổi tích cực của con người. Trong dụ ngôn này, yếu tố thời gian, tượng trưng cho sự kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng của chủ nhà cũng như những con cái của Vương Quốc được nhấn mạnh. Ẩn bên trong lòng kiên nhẫn của chủ nhà là lời mời gọi, lắng nghe và hiểu lời Vương Quốc dành cho các thính giả của Đức Giêsu. Dụ ngôn, được gọi là “dụ ngôn hạt cải”, diễn tả thực tế về sự lớn mạnh của hạt giống lời. Sự trái ngược giữa nhỏ nhất và lớn thành cây lớn nhất, làm chỗ nương náu cho chim trời, tượng trưng cho sự lớn mạnh của Giáo Hội thời sơ khai, hạt giống Tin Mừng đã phát triển từ nhóm nhỏ Mười Hai, Bảy Mươi Hai, một trăm hai mươi, ba ngàn, rồi năm ngàn và tiếp tục nhân lên mãi. Tương tự, dụ ngôn, được gọi là “men trong bột”, diễn tả sức mạnh làm biến đổi của “men lời”. Ngược lại với men “Pharisêu và Xađốc”, men lời làm nên những biến đổi tích cực nơi những người nghe, và không ngừng làm cho xã hội được thay đổi tốt hơn. Lối sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai như là minh chứng sống động cho sự biến đổi của “men Tin Mừng”: “Các tín hữu trung thành với lời dạy của các Tông Đồ, luôn luôn gắn bó với tình hiệp thông, tận tâm với việc bẻ bánh và kiên trì cầu nguyện. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điều kỳ diệu và dấu lạ. Tất cả các tín hữu hướng về nhau và sở hữu chung tất cả. Họ không ngừng bán của cải và tài sản, rồi phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Hằng ngày, họ gắn bó với nhau trong đền thờ, bẻ bánh tại tư gia, họ luôn chung bữa ăn với lòng vui tươi và chân thành. Họ ca tụng Thiên Chúa và có được sự thu hút về phía toàn thể dân chúng. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2,42-47; Cf. Cv 4,32-37). Men Tin Mừng đã biến đổi lòng các tín hữu và chất men làm thay đổi lối sống của cộng đoàn khiến cho nhiều người bị thu hút và muốn gia nhập cộng đoàn hơn nữa. Như thế, ba dụ ngôn này có sự nối kết rất chặt chẽ với nhau. Dụ ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến thực trạng cùng lớn lên giữa cái tốt và cái sống, giữa người tốt và người xấu. Người tốt phải có thái độ quảng đại, vị tha và kiên nhẫn đợi chờ những người đang xấu. Trong thời hoàn tất, tốt xấu sẽ được phân biệt rạch ròi và vĩnh viễn. Không phải kiên nhẫn đợi chờ trong một cách thụ động. Người tốt cũng được mời gọi phải nổ lực hành động để biến đổi người xấu. Dụ ngôn thứ hai và thứ ba nhấn mạnh đến tinh thần của cây tốt, người tốt khi phải sống chung với cây xấu, người xấu. Đó là phải lớn mạnh đủ để lấn án cây xấu và người xấu, và trở thành điểm tựa cho người khác nữa. Họ phải làm cho men Tin Mừng được gieo trong lòng mình có sức mạnh lan rộng, biến đổi mọi môi trường xấu và người xấu. Điều quan trọng không thể thiếu trong loạt ba dụ ngôn này là tính ngôn sứ: Tất cả những dụ ngôn Đức Giêsu nói không nhằm ngoài mục đích làm cho những lời ngôn sứ được hoàn trọn. Điều này rất quan trọng đối với những người Do Thái, những người vốn coi trọng Thánh Kinh Cựu Ước, trong đó có các lời ngôn sứ. Đức Giêsu không phải là kẻ ngoại lai Người vẫn giảng những điều liên hệ chặt chẽ với Thánh Kinh, linh hồn của cộng đoàn dân Israel qua các thế hệ. Một điều không thể thiếu nữa là lời cổ vũ: “Ai có tai, hãy để người ấy nghe”. Người gieo, chủ nhà vẫn gieo những hạt giống tốt, có khả năng phát triển mạnh và sinh bông hạt nhiều, nhưng người nghe vẫn có đầy đủ quyền tự quyết. Họ có quyền chọn lựa nghe hoặc không nghe, đón nhận hay không đón nhận “lời về Vương Quốc”. Đức Giêsu chỉ biết làm tốt nhất có thể và luôn mời gọi tất cả mọi người đón nhận những lời ấy, để tất cả có thể trở thành “con cái của Vương Quốc”, và sẽ chiếu sáng như mặt trời trong Nước Trời.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 



[1]1 saton = 13,5 lít

[2] Kinh Thánh Ấn Bản 2011 (CGKPV dịch), ghi chú e) “Con Người”, 2142; ĐNTHTK (Vocabulaire De Théoligie Biblique, Bản Việt Ngữ của GHHV PIÔ X) (Hà Nội 2016), “Con Người”, 295-300.

[3] “The point is that the kingdom remains obscure in the present world, and only the final day will bring God’s true children into their vindicated glory and banish the wicked from among them (Ladd 1974b: 97; cf. Rom 8:18–21)” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 390].

[4] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP 1; Collegeville 1997) 204.

[5] W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 414; “They had grown enough that their roots were already intertwined with those of the wheat but not far enough that it would be easy to distinguish them from the wheat; uprooting thus might endanger the wheat (13:29)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 387).

[6] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 210; “Matthew himself may have thought specifically of the need for Jewish Christians to remain part of the larger Jewish community rather than withdrawing from it out of resentment against Jewish leaders’ opposition” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 390).

[7] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew (CCSS; Grand Rapids 2010) 182.

[8] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 181.

[9] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 205.

[10] W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 418.

[11] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 527.

[12] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 205.

[13] “Today, however, while mustard plants in Palestine grow up to ten feet, and while birds eat their seeds and sometimes use their leaves for shelter, the plants do not provide nesting places for birds. Once again, therefore, the unrealistic nature of our parable is manifest” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 420).

[14] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 527.

[15] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew, 180.

[16] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 205.

[17] “Rather than debating which of many symbolic uses could form the background for the yeast here, we should recognize their common factor: when most women thought of yeast, they contemplated especially its ultimately pervasive character” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 388).

[18] W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 422.

No comments:

Post a Comment